Câu hỏi tôi thường xuyên nhận được về Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) là: “Bạn hãy chỉ cho mình nên bắt đầu từ đâu? Mình/Gia đình mình đã quen sống với nhiều đồ đạc hàng chục năm nay rồi, mình có quá nhiều thứ phải bỏ đi mà không biết bắt đầu như thế nào?” Tôi hiểu điều này. Có lẽ vì thế hệ ông bà, bố mẹ chúng ta đã phải trải qua thời kỳ chiến tranh, bao cấp đói khổ, thiếu thốn, việc có nhiều đồ đạc như ngày nay được cho là vô cùng may mắn. Mặc cho kinh tế, xã hội thay rõ rệt, tư duy phần đông vẫn còn ở lại những năm 80 khi nhà nhà phải xếp hàng, đổi tem phiếu lấy đồ dùng thiết yếu. Đây có lẽ là mầm mống của thói quen tích trữ đồ đạc vì “biết đâu sau này lại cần” hoặc lối suy nghĩ rằng việc bỏ đi một món đồ còn tốt là phung phí, thậm chí “phải tội”. Tư duy này tiếp tục được truyền lại những thế hệ sau, khiến cho việc tối giản hoá cuộc sống trở nên lạ lẫm và khó khăn. Bởi vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng để thay đổi lối sống, ta cần thay đổi tư duy trước. Chủ nghĩa tối giản không chỉ đơn thuần là bỏ đi cái quần, cái áo, dọn chỗ này, dọn chỗ kia, mà là cả một sự chuyển mình về nhận thức từ việc ủng hộ những thứ dư thừa, không cần thiết đến tối giản toàn bộ cuộc sống, chỉ tập trung vào những thứ thiết yếu và có ý nghĩa tích cực.
Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc phương pháp KonMari mà tác giả Marie Kondo xây dựng trong cuốn The Life-Changing Magic of Tidying Up (sách đã có bản tiếng Việt). Trước khi đi sâu vào phân tích, tôi muốn nói rõ hai điều. Thứ nhất, bởi vì cuốn sách chỉ tập trung vào việc dọn dẹp nhà cửa, bài viết này phần nhiều sẽ về tối giản vật chất (đồ đạc)—tôi nghĩ đây cũng là bước đi thích hợp cho người mới bắt đầu. Thứ hai, Marie Kondo dành tới hơn nửa cuốn sách để “dạy” người đọc cách gấp quần áo, xếp đồ, soạn đồ…, các kỹ thuật này bạn có thể đọc trong sách hoặc tìm kiếm trên Youtube với từ khoá “KonMari method” để xem trực quan. Ở đây, tôi chỉ viết về một số điểm của phương pháp KonMari mà tôi cảm thấy đặc biệt thú vị và hữu ích cho những người mới bắt đầu sống theo Chủ nghĩa tối giản.
1. Dọn toàn bộ đồ đạc trong một lần duy nhất, thay vì dọn từng chút một mỗi lần
Tôi đã từng nhảy dựng lên khi đọc lời khuyên này bởi vì nó đi ngược lại tất cả những điều tôi đã từng nghe. Ai cũng nói, “hãy tạo thói quen dọn dẹp bằng cách làm thường thường xuyên mỗi tuần”, “không nên dọn dẹp tất cả trong một lần vì nó sẽ làm bạn cảm thấy quá sức”… Nhưng đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta không kiểm soát được cuộc sống của mình, ta không hiểu vì sao công cuộc dọn dẹp không bao giờ dứt trong khi đồ đạc ngày một phát sinh. Marie Kondo cho rằng, với việc dọn toàn bộ đồ đạc trong một lần duy nhất, con người sẽ trải qua một quá trình thay đổi tư duy mạnh mẽ. Thử tưởng tượng bàn tay bạn sẽ phải lướt qua tất cả (tất cả!) những thứ bạn có trong nhà, từ quần áo, bàn ghế, đến khăn mặt, chổi lau nhà. Nghe thật đáng sợ, phải không? Nhưng chính vì nỗi sợ hãi ấy, ta sẽ không bao giờ, không bao giờ quay lại với cuộc sống bừa bộn trước đây.
Mùa hè năm 2015, sau 2 tuần chuyển nhà đến căn hộ mới, đồ đạc của tôi vẫn còn chất đống, hàng chồng hộp các-tông mở la liệt khắp phòng khách, quần áo nhảy ra khỏi va-li — mặc cho tôi ngày nào cũng dành ít nhất 1 tiếng để dọn dẹp. Tôi vẫn còn nhớ mình đã dẫm lên đồ đạc để ra khỏi nhà mỗi sáng, đã xấu hổ khi những người giao hàng đến nhà hỏi: “Cô mới chuyển nhà hôm qua à?” 2 tuần liền dọn dẹp chỉ để lại cho tôi mệt mỏi, căng thẳng, xấu hổ, và thất vọng về bản thân. Vì thế, khi đọc được lời khuyên này của Marie Kondo, tôi quyết định dừng toàn bộ công việc trong 2 ngày. Trong 2 ngày đó, từ sáng đến đêm, từ khi thức dậy đến khi lên giường đi ngủ, tôi chỉ nghĩ và chỉ làm đúng một việc: dọn nhà. Tôi cố gắng không nghĩ việc dọn nhà là khó chịu, tôi gọi đó là một bữa tiệc (party), và mỗi lần dọn xong một nhóm đồ, tôi lại nâng cốc (trà) để chúc mừng bản thân. Sau 2 ngày “tiệc tùng” ấy, căn hộ của tôi sạch bong đồ đạc, quần áo đều được gấp gọn gàng hoặc treo lên theo phương pháp KonMari; tôi chỉ giữ lại những đồ thiết yếu nhất và bỏ đi ít nhất 7 thùng lớn đồ đạc. Đúng là chỉ sau 2 ngày đấy, tôi không bao giờ, không bao giờ “dám” quay lại lối sống cũ. Tất nhiên, có những việc vẫn cần duy trì dọn dẹp thường xuyên như để đồ đã dùng vào chỗ cũ, lau chùi đồ đạc, hút bụi, rửa bát… Tuy nhiên, những việc này chỉ tốn 10-15 phút một lần và không gây ra căng thẳng, khó chịu như trước đây vì mọi thứ đã được tối giản giản và sắp đặt ngăn nắp.
Như tôi đã viết, dọn tất cả đồ đạc trong một lần duy nhất có tác dụng thay đổi tư duy con người về sở hữu đồ đạc bằng việc buộc bản thân trải qua quá trình thay đổi mạnh mẽ. Quá trình này đối với mỗi người có thể khác nhau. Ryan Nicodemus, tác giả blog theminimalists, chọn một phương pháp mà anh gọi là “Packing Party” (bữa tiệc gói đồ). Khi quyết tâm chuyển sang phong cách sống tối giản, Ryan gói toàn bộ đồ đạc của mình (từ cái nhỏ nhất như khăn mặt đến cái to nhất như đồ nội thất). Trong 3 tuần, anh chỉ lấy ra những thứ đồ thực sự cần cho sinh hoạt của mình. Sau 3 tuần, Ryan nhận ra đến 80% đồ đạc của mình vẫn nằm trong thùng đóng gói và từ đó, anh bỏ đi toàn bộ số đồ này. Tuy nhiên, bạn không cần phải đợi đến khi có cơ hội chuyển nhà như tôi hay cũng không cần làm đến mức độ mạnh mẽ như Ryan để có thể bắt đầu lối sống tối giản. Hãy bắt tay tổ chức “bữa tiệc” của mình ngay cuối tuần này! Tôi cam đoan, chỉ sau vài ngày tập trung, tư duy của bạn về sở hữu đồ đạc sẽ có sự thay đổi rõ rệt.
2. Dọn đồ theo từng loại, không phải theo từng địa điểm
Một trong những lời khuyên quen thuộc về sắp xếp nhà cửa là dọn đồ theo từng khu vực, ví dụ, nhà bếp, phòng ngủ, tủ quần áo, giá sách… Tuy nhiên, theo Marie Kondo, đây là một sai lầm vì đa số mọi người (nhất là những người bừa bộn) thường để đồ đạc ở nhiều nơi khác nhau. Ví dụ, ở rất nhiều gia đình, sách có thể tìm thấy ở trên giá, trên mặt bàn phòng khách, đầu giường phòng ngủ, thậm chí trong nhà tắm. Bởi vậy, dọn dẹp theo từng khu vực trong nhà là không triệt để và làm mất đi cái nhìn toàn cảnh về số lượng đồ đạc theo từng loại mà ta sở hữu.
Áp dụng phương pháp KonMari, tôi đặt mục tiêu dọn đồ theo từng loại, ví dụ, “hôm nay dọn quần áo, ngày mai dọn sách vở”. Khi bắt tay vào dọn dẹp, tôi lôi toàn bộ đồ đạc cùng loại ra (bất kể trên nóc tủ hay dưới gầm giường) và đặt chúng cùng vào một chỗ. Với phương pháp này, tôi có thể nhìn thấy ngay số lượng đồ đạc cùng loại tôi sở hữu trong nhà, phân loại các món không cần thiết để bán, từ thiện, hoặc bỏ đi, và sau đó sắp xếp những món giữ lại một cách khoa học. Cũng theo tư duy này, tôi cố gắng sắp xếp đồ đạc cùng loại ở một địa điểm duy nhất. Điều này giúp tạo thói quen tự động để đồ sau khi dùng vào vị trí cũ và tiết kiệm được thời gian dọn dẹp sau này vì mỗi món đồ (dù “lưu lạc” đến đâu) đều có một vị trí đã được định sẵn. Dọn đồ theo từng loại, thay vì từng địa điểm là phương pháp quan trọng để không những tinh giản đồ đạc mà còn giữ được mọi thứ ngăn nắp trong thời gian dài.
3. Ngừng “giấu” đồ đạc
Như tôi đã từng chia sẻ trong bài viết đầu tiên về Chủ nghĩa tối giản, tôi từng nghĩ (và từng được học) là sắp xếp nhà cửa gọn gàng đồng nghĩa với việc để đồ đạc bừa bộn ra khỏi tầm mắt. Vì vậy, có một giai đoạn trước khi đến với chủ nghĩa tối giản tôi là khách hàng quen thuộc ở The Container Store — nơi bán hộp nhựa đủ các kích cỡ để sắp xếp đồ đạc. Sau một thời gian, nhà tôi trở nên rất gọn gàng vì tất cả đồ đạc bừa bộn đều được phân loại và cất đi trong những hộp đựng đồ đẹp mắt. Nhưng đó không phải giải pháp lâu dài vì: (1) Mặc dù không ai hay nhưng TÔI biết là mình có rất nhiều đồ đạc, tôi chỉ đang cố để “giấu” chúng đi mà thôi, và (2) Nếu không ngừng việc mua sắm và không bắt đầu bỏ đi đồ không dùng đến, tôi sẽ tiếp tục mua thêm hộp để sắp xếp, và chẳng mấy chốc sẽ lại ngập trong hàng đống hộp – dù cho chúng có được sắp xếp ngay ngắn đến đâu.
Sau khi biết đến phương pháp KonMari, tôi không còn chạy theo những sản phẩm sắp xếp nhà cửa nữa. Nếu cần, chỉ một hộp giấy ăn bỏ đi, một cái cốc sứ không dùng cũng có thể trở thành phương tiện sắp xếp đồ đạc. Việc mua-thêm-đồ-để-sắp-xếp-đồ là hoàn toàn phi lý và tốn kém không cần thiết. Sau một quá trình tối giản, tôi cũng không còn nhiều đồ để phải “giấu” đi nữa. Ngược lại, tôi muốn tất cả đồ đạc hiện ra để dễ tìm thấy, dễ nhớ đến, và dễ dùng.
Một trong những điều mang tính “cách mạng” đối với tôi là việc ngừng cất quần áo trái mùa vào va-li. Nghe có vẻ hơi buồn cười, nhưng không hiểu sao đây là điều tôi chưa từng làm bao giờ. Từ khi còn nhỏ, mỗi lần thay đổi thời tiết, ví dụ từ mùa lạnh sang mùa nóng, ba mẹ lại hô hào anh em tôi mang toàn bộ áo bông, khăn ấm… lên trên nhà, nơi tập trung các loại va-li to vốn đựng đồ mùa hè như quần ngắn, áo phông. Sau đó, ba tôi sẽ giúp lôi hết đồ mùa hè từ va-li ra để dùng và nhét đồ mùa đông trở vào để cất đi cho năm sau. Tôi còn nhớ có những lúc vừa cất đồ mùa đông xong thì trời trở rét hay những lúc trời nóng lên muốn mặc áo ngắn tay thì đồ mùa hè vẫn ở trong va-li. Việc này dẫn đến nhu cầu liên tục mua sắm quần áo mới, trong khi thực sự không cần thiết. Bây giờ, tôi treo toàn bộ quần áo mùa hè và mùa đông của mình lên và chỉ để những món nhỏ như đồ ngủ, đồ thể thao…trong ngăn tủ. Với việc treo toàn bộ quần áo (tôi hiện chỉ có trên dưới 30 món cho từng mùa), tôi nhìn thấy rõ ràng từng món mình có để phối hợp mặc hàng ngày, sẵn sàng cho mùa sắp tới, và hoàn toàn không lo lắng phải lấy đồ ra, cất đồ đi mỗi lúc giao mùa. Nếu bạn đang có những hệ thống tương tự như va-li để “giấu” đồ, hãy thử bỏ toàn bộ đồ ra, soạn lấy những món cần thiết nhất, và tìm phương pháp để trưng bày những món đồ này tốt hơn.
4. Tập trung làm tốt phần của mình trước, và đợi cho phép màu đến với mọi người xung quanh
Marie Kondo viết, con người thường có xu hướng nhìn ra điểm không hay của người khác nhưng lại bỏ qua hoặc không để ý đến vấn đề của mình. Đó là lý do tại sao ta dễ bực dọc, chỉ tay vào người khác khi thấy đồ đạc bừa bộn. Rất nhiều người còn thẳng tay bỏ đi đồ dùng của các thành viên trong gia đình mà không hỏi ý kiến. Trong khi đó, có thể đồ đạc của chính mình lại chưa được gọn gàng, ngăn nắp. Bởi vậy, Marie Kondo khuyên chỉ nên tập trung dọn dẹp đồ cá nhân (ví dụ, quần áo, phòng riêng của mình) trước, rồi mới đến không gian chung (ví dụ, phòng khách, nhà bếp), không bao giờ bỏ đồ của người khác khi không được phép, và hạn chế chỉ trích. Sau một thời gian, những người xung quanh tự khắc sẽ thấy lợi ích của việc tối giản cuộc sống, hiểu sự thay đổi tích cực trong bạn, và họ cũng dần thay đổi theo xu hướng này— đó là lý do Marie Kondo đặt tên cuốn sách là “phép màu thay đổi cuộc sống” (the life-changing magic).
Là một người được đào tạo về giáo dục và tâm lý học, tôi thấu hiểu điều này. Bạn không thể ép người khác thay đổi theo ý của mình, người ta chỉ có thể tự thay đổi khi có khác biệt về nhận thức mà thôi. Sống theo Chủ nghĩa tối giản hay không, đó là nhận thức và lựa chọn của bạn, không nên ép bất kỳ lối sống nào lên người khác. Khi chuyển vào sống cùng căn hộ với tôi, chồng tôi mang theo rất nhiều đồ đạc và có thói quen mua sắm hàng ngày trên mạng. Thời gian đó, tôi không bao giờ tuyên truyền về Chủ nghĩa tối giản hay yêu cầu anh ấy phải sống theo phong cách này. Qua thời gian, tự quan sát cách tôi tìm hiểu về Chủ nghĩa tối giản và thấy được sự thay đổi tích cực trong tôi, chồng tôi cũng dần chuyển sang phong cách sống tối giản từ lúc nào không hay. Trong một năm vừa qua, chồng tôi bỏ đi đi đến 80% đồ dùng của cá nhân và thường xuyên trao đổi ý tưởng với tôi về tối giản và tối ưu hoá cuộc sống. Đây là điều mà chỉ một năm trước đây thôi, tôi không bao giờ nghĩ có thể trở thành hiện thực.
Tôi tin “phép màu” sẽ đến với bạn và người thân của bạn nếu ta cùng đặt niềm tin vào Chủ nghĩa tối giản, tự giáo dục bản thân những phương pháp tối ưu hoá cuộc sống, và tập trung vào những giá trị cốt lõi của con người.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Duong Cao says
Cám ơn Chi vì đã giới thiệu cuốn sách và những bài viết về Chủ nghĩa tối giản rất hữu ích. Chị đang đọc cuốn sách và mỗi lần đọc lại có thể hình dung là có những đồ gì mình giữ lại đồ j mình bỏ đi đc. Và lên tinh thần chuẩn bị cho một cuộc tổng dọn dẹp nữa 😉 sẽ tiếp tục ngóng chờ các bài viết của Chi (Chị Dương – VPV club)
Chi Nguyễn says
Hi chị Dương! Em rất vui vì chị thấy bài viết hữu ích. Sau công cuộc tổng dọn dẹp, chị có bài học gì hay chia sẻ với em nhé 🙂
Huyền says
Phần nữa chị cảm thấy thích là cách hướng dẫn giữ và bỏ đồ đạc. Có chi tiết hướng dẫn cho từng loại đồ đạc khác nhau – Quần áo, giấy tờ, sách vở… Nhưng nhìn chung thì, chỉ giữ những thứ mình thực sự phải dùng đến hoặc những thứ khi chạm tay vào làm mình thấy vui; và cám ơn những đồ đạc mình bỏ vì chúng đã hoàn thành nghĩa vụ của mình rồi.
Lúc đọc những thông tin này chị phì cười, cái gì mà chạm vào mình thấy vui? Cái gì mà cám ơn? Thế nhưng chị cũng quyết định làm theo, và đó là kim chỉ nam cho cách chị chọn giữ lại những thứ ở bên cạnh mình – Để giải phóng bản thân khỏi những thứ làm chị buồn, hoặc không thấy vui; nhưng mình đã ko thể bỏ chỉ đơn giản bởi nó là kỷ niệm gắn bó.
Nên là, lúc dọn phòng cũng ko thấy mệt tí nào, hihi 😀
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã chia sẻ! Có rất nhiều người đọc cuốn sách đến đoạn đó cũng phì cười rồi không đọc nữa đó chị 🙂 Nhưng em nghĩ đó là lối tư duy của người Nhật hết sức tôn trọng đồ dùng của mình và luôn biết ơn những đồ đạc đã gắn bó với mình. Em rất vui vì chị đã quyết định làm theo phương pháp KonMari và thấy hiệu quả khi dọn nhà 😀
Lien Pham says
Bọ hàng tuần ngóng chờ đọc bài viết mới của Bọ. CN này Bọ move in chỗ ở mới để cbi đi học, Bọ có 3 vali và cant wait to start my minimalist living space!
Chi Nguyễn says
Yay! 😀
Anh Vu says
Hi chị,
Bài viết rất hay, cảm ơn chị khi đã chia sẽ trải nghiệm thực tế của mình.
E cũng mới được biết về cách sống này từ những người bạn Nhật Bản. Bây giơ cũng bắt đầu và tìm hiểu thêm. Hy vọng chị sẽ viết thêm về chủ đề này cũng như có thể biên dịch 1 cuốn sách nước ngoài để mọi người có thể hiêu sâu hơn về nó.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc blog! Em có thể tìm đọc cuốn The life-changing magic of tidying up bản tiếng Việt (link dẫn trong bài viết). Hy vọng tương lai sẽ có thêm nhiều sách về đề tài này bằng tiếng Việt. Hoặc biết đâu chị có thể viết một cuốn mới 🙂
Thái Trần says
Cảm ơn chị Chi rất nhiều! Sau khi thực hiện theo như chị và sách chị giới thiệu, nhà em đã giải phóng được khá nhiều diện tích, bây giờ em tự cảm thấy làm việc hiệu quả hơn. Chúc chị mọi điều tốt lành 🙂
Chi Nguyễn says
WOW! Chúc mừng em! Chị rất vui vì em tìm thấy nhiều điều hữu ích từ blog!
Hồng Vi says
Hi Chị ! Em là Vi. Chủ nghĩa tối giản không chỉ dừng lại ở vật chất hay đồ đạc chị nhỉ ? Chị đã đọc cuốn ” Essentialism : The Disciplined Pursuit of less ” của Greg McKeown chưa ạ ? Em hy vọng được đọc nhiều bài đi sâu hơn về chủ đề này của chị ! À em cũng rất ngưỡng mộ con đường học vấn của chị ạ !
Chi Nguyễn says
Chào Vi! Cám ơn em đã đọc blog. Chị chưa đọc cuốn sách em nhắc đến nhưng chị đã tìm được link mua sách trên Amazon, chị sẽ lưu lại trong reading list của mình. Cám ơn em nhé! Về con đường học vấn, chị cũng phải trải qua nhiều giai đoạn khó khăn mới có ngày hôm nay (và chắc chắn vẫn còn nhiều thử thách nữa). Nếu em quan tâm đến trải nghiệm này của chị, em có thể tham khảo một bài viết cũ: https://thepresentwriter.com/?p=17. Chị chắc chắn sẽ viết thêm về minimalism và học tập.
Linh says
chào chị Chị, em có cái nhìn khá tích cực đối với chủ nghĩa tối giản. Nhưng từ khi chị theo đuổi lối sống này, đã bao giờ chị thốt lên tiếc nuối khi cần một đồ vật mà mình đã cho đi rồi không ạ?? Những lúc như thế, chị sẽ đi mua mới hay mượn của người khác để dùng tạm ạ?? Đây có thể xem là một nhược điểm của lối sống này không chị??
Chi Nguyễn says
Chào Linh! Cám ơn em đã đặt ra một câu hỏi thú vị. Trong hơn 1 năm trải nghiệm theo lối sống này, chị đã bỏ đi khoảng 80% đồ dùng cũ (có thể mua mới, thay thế, trao đổi thêm khoảng 10%). Cá nhân chị chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc đồ vật nào mình đã bỏ đi. Khi chuẩn bị bỏ đồ đi, chị hay có cảm giác sợ là mình sẽ tiếc, rồi lúc cần đến nó không còn để dùng nữa. Nhưng sau một thời gian chị hầu như quên đi có đồ vật đó, và từ đó cũng bớt sợ hơn trước khi bỏ đồ đi. Chỉ có đúng một lần chị nhớ đến một chiếc áo trễ vai màu trắng đã bỏ đi vì nó kết hợp với một số áo quần khá dễ mặc. Nhưng chỉ một thoáng tiếc nuối, chị lại nhớ ra lý do tại sao mình bỏ đi cái áo. Đó là vì nó trễ vai quá nên chị thường xuyên ngại, không tự tin khi mặc, hoặc chỉ mặc được khi có áo khoác…. Hy vọng là chia sẻ này giúp trả lời câu hỏi của em. Chị nghĩ trải nghiệm mỗi người có thể khác nhau. Nhưng về cơ bản, chị nghĩ nếu em đã quyết định bỏ đi một món đồ ắt phải có lý do của nó, và vì thế, không cần phải cảm thấy nuối tiếc đồ đã ra đi. 🙂
Đặng Hoàng Khánh Linh says
Em chào chị Chi. Em rất thích chuỗi bài về Minimalist của chị! Em đã nghe nói về chủ nghĩa này từ lâu nhưng bây giờ mới thật sự lưu tâm và muốn thực hành trong chính cuộc sống của mình. Chị có thể chia sẻ thêm về tư duy và những gì chị đã làm đối với sách của mình được không ạ? Đó là một vấn đề khiến em trăn trở khá nhiều.
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã đọc blog. Chuỗi bài về Minimalism sẽ vẫn tiếp tục, hy vọng em check blog thường xuyên để đọc chủ đề này và các chủ đề khác nữa. Chị cũng từng trăn trở nhiều với sách vì chị đầu tư rất nhiều cho sách và sách như người bạn của mình, nên rất khó để sách ra đi. Tuy nhiên, mình không thể mang sách đi theo mãi được (sách rất nặng) và có nhiều quyển chắc chắn không có nhu cầu đọc lại, trong khi đó có nhiều người lại cần hơn mình. Do vậy, đối với sách, chị nghĩ em có thể bắt đầu bằng cách lọc ra những cuốn nào em còn cần dùng, những cuốn nào còn khiến em vui thì giữ lại, những cuốn không đọc nữa, hoặc đã nhớ nằm lòng rồi thì cần nhắc cho đi người thân (nếu họ cần), bán lại ở tiệm sách cũ, hoặc cho từ thiện. Những cuốn nào em muốn mua có thể cân nhắc xem bạn bè có không, hoặc thư viện có không thì mượn đọc. Với những cuốn em cần mua thì có thể xem họ có ebook không để đọc trên máy tính đỡ tốn diện tích hơn. Chị vẫn mua sách mới (sách giấy) nhưng chỉ mua những cuốn thực sự thích, thực sự cần, và làm cho chị cảm thấy có thêm ý nghĩa cho cuộc sống. Hy vọng lời khuyên này giúp được cho em!
Nguyễn Việt Hùng says
Rất thích bài viết của chị,e độc thân nên rất muốn theo chủ nghĩa đơn giản của chị,mong chị có nhiều bài viết về sự đơn giản trong cuộc sống
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã theo dõi blog. Tuần tới sẽ bắt đầu series mới về Chủ nghĩa tối gián, em subcribe blog để nhận được bài viết mới nhé: https://thepresentwriter.com/theo-doi-2/
Kim Oanh says
em chào chị, e mới bắt đầu biết tới chị và rất thích những bài viết của chị. Em muốn trở thành một người hoàn hảo qua từng ngày thông qua việc đọc sách và các blog bổ ích giống như chị. Và chị có thể cho e biết cuốn sách nào chị tâm đắc nhất ko ạ? Em cảm ơn!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi blog! Chị chắc chắn không phải là người hoàn hảo, chỉ cố gắng học qua từng ngày hy vọng mình ngày một tốt hơn :). Chị có giới thiệu trên blog cuốn “Bốn Thoả Ước” https://thepresentwriter.com/4-thoa-uoc-de-giai-phong-ban-than-the-four-agreements-don-miguel-ruiz/ và thường xuyên nhắc về cuốn “What I know for sure” của Oprah. Đây là những cuốn chị thích. Chị còn nhiều cuốn nữa đang đọc dở và muốn đọc lại để viết book review cho mọi người. Em theo dõi blog thường xuyên để cập nhật thêm về sách nhé! Cám ơn em <3
Phi says
Góp ý nhỏ, chị viết sai tên sách: “Marie Kondo xây dựng trong cuốn The Life-Changing Magic of Typing Up (sách… “
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã nhắc cho mình sửa lỗi đánh máy này. Bài viết đã được cập nhật.
Na says
Chào bạn ! Mình đang bắt đầu thực hành sống tối giản sau 1 thời gian quá mệt mỏi vì nhà chất nhiều đồ đạc. Tình cờ tìm thấy blog của bạn, và đối với mình nó thật sự hữu ích và là trang tiếng Việt mình thấy viết về minimalism rõ ràng và dễ đọc nhất. Ngoài chủ để minimalism các bài khác của bạn cũng rất hay và nhiều thông tin. Chúc bạn luôn nhiều nặng lượng và truyền cảm hứng cho mọi người 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc blog và có lời động viên cho mình. Mình mới ra một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản, cũng dựa vào những gì mình viết trên blog nhưng sắp xếp lại có khoa học, rõ ràng hơn, và thêm nhiều nội dung mới không chỉ tối giản về vật chất và còn về tinh thần. Nếu bạn quan tâm thì đây là link đến sách: https://tiki.vn/mot-cuon-sach-ve-chu-nghia-toi-gian-p1390317.html?src=search&q=m%E1%BB%99t+cu%E1%BB%91n+s%C3%A1ch+v%E1%BB%81+ch%E1%BB%A7+ngh%C4%A9a+t%E1%BB%91i+gi%E1%BA%A3n
Quốc Cường says
dạ chào chị Chi, sáng giờ em đã học hỏi và dọn phòng theo phương pháp KonMari chị chia sẻ, thấy trực quan hơn, dễ dọn hơn và em đã dọn được 3 loại hehe. Cảm ơn chị Chi vì bài viết bổ ích này ạ <3.