Ngày mai là ngày tôi chuyển nhà (lần thứ 4 trong vòng 3 năm ở Mỹ) và cũng là ngày kỷ niệm 1 năm tôi quyết định sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism). Viết những dòng này trong căn hộ cũ với chừng 10 hộp các-tông chứa toàn bộ đồ đạc của cả hai vợ chồng, tôi cảm thấy thư giãn, yên bình khi nói tạm biệt căn hộ cũ, và vui khi nghĩ về ngày mai được cầm chìa khoá căn hộ mới.
Kỳ lạ ở chỗ, cũng ngày này năm trước, tôi cảm thấy căng thẳng và áp lực vô cùng với việc chuyển nhà, tôi cảm thấy ngợp với hàng chồng đồ đạc phải gói ghém. Tình trạng của tôi xấu đến mức, mặc dù đã thuê dịch vụ chuyển nhà và nhờ một người bạn thân của tôi đến chuyển giúp, Joe (chồng tôi) khi đó đang ở bang Florida phải lái xe 12 tiếng liên tục để đến bang Pennsylvania giúp tôi dọn nhà. Khi đó tôi ở một mình trong căn hộ có 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 căn bếp, 1 nhà tắm, và 1 phòng để đồ (walk-in closet). Không thể tưởng tượng tại sao chỉ có một người ở (cùng 1 con mèo) mà đồ đạc chứa đến 2 thùng gỗ cao gấp đôi người và rộng bằng hai sải tay; đó là chưa kể quần áo chứa trong 4 vali to đẩy bên ngoài. Tôi không có gì lấy làm tự hào về điều này. Tôi thấy xấu hổ khi nhìn lại mấy tấm hình chụp lúc chuyển nhà hôm đó và hình ảnh cả tháng sau tôi vẫn loay hoay với hàng núi đồ đạc ở nhà mới. Nhưng đây là một trải nghiệm vô cùng quan trọng đối với tôi, bởi vì nó khiến tôi nhận ra mình đã sống “nặng nề” như thế nào chỉ vì những đồ vật vô tri vô giác. Và quan trọng hơn, nó đưa tôi đến với Chủ nghĩa tối giản.
Vì đây là đề tài lớn, tôi dự định sẽ viết thành một sê-ri các bài viết cùng về Chủ nghĩa tối giản. Bài viết đầu tiên này chỉ tập trung vào giới thiệu Chủ nghĩa tối giản và hành trình của tôi đến với lối sống này.
Chủ nghĩa tối giản là gì?
Vì Chủ nghĩa tối giản là một khái niệm trừu tượng, mỗi người có thể có những định nghĩa khác nhau và cách ứng dụng vào cuộc sống khác nhau. Đối với tôi, sống theo Chủ nghĩa tối giản là đơn giản hoá cuộc sống, bỏ đi những thứ không cần thiết để đón chào những điều có ý nghĩa hơn. Những thứ không cần thiết này có thể là vật dụng, đồ đạc hàng ngày, nhưng cũng có thể là những suy nghĩ tiêu cực, thói quen mua sắm dư thừa, hay những mối quan hệ không tốt—tất cả những thứ không còn mang lại cho ta niềm vui và ý nghĩa sống. Sau khi trải qua quá trình “thanh lọc” này, đầu óc ta sẽ trở nên thông thoáng hơn, tập trung tốt hơn vào công việc, trân trọng hơn những gì mình có, và đón được thêm các cơ hội mới.
Tại sao tôi tìm đến Chủ nghĩa tối giản?
Quay trở lại thời gian khi còn ở Việt Nam, gia đình tôi gồm 4 người sống trong một căn nhà nhỏ 4 tầng trên phố từ khi tôi mới vài tuổi. Mặc dù có một đôi lần sửa sang, chúng tôi chưa bao giờ chuyển nhà. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hầu như không có cơ hội (hoặc động lực) để lôi tất cả đồ đạc trong gia đình (từ trong ra ngoài, từ tầng trên xuống tầng dưới, từ mọi ngóc ngách) để đánh giá và bỏ bớt đi những thứ không cần thiết. Sau hơn 25 năm với các thành viên trong gia đình lớn lên, nhiều nhu cầu hơn, nhiều công nghệ ra đời hơn, nhiều phong cách thời trang hơn, và nhiều thứ “cần mua” hơn, nhà tôi trở thành nơi lưu trữ rất nhiều đồ đạc. Mùa hè năm 2013 khi tôi sửa soạn đi du học, lần đầu tiên ba mẹ và tôi kéo ra tất cả những thứ “gọi tên tôi” ra để soạn, từ quần áo trong tủ, giày dép trong kho, cặp túi ba-lô đi học, đến sách vở, truyện tranh. Trời ơi, cả một tuổi thơ hiện về! Tôi không thể tưởng tượng trong nhà mình vẫn còn cái áo lông tôi mặc từ hồi tiểu học, cả một túi giày dép mùa hè tưởng bị mất từ năm nào hoá ra quên ở trong ngăn chưa đồ, rồi còn sách giáo khoa và vở viết từ hồi thi Đại học, hàng chồng, hàng chồng đồ đạc tôi vẫn giữ đó mà không bao giờ đụng tới. Mỗi năm gia đình tôi đều soạn ra rất nhiều sách vở và quần áo để quyên góp cho các đợt kêu gọi từ thiện hoặc cho các dự án tình nguyện tôi tham gia, vậy mà còn quá nhiều đồ đạc vẫn chất chứa. Sau hàng tuần “lao động cật lực” để giảm thiểu số đồ đạc, tôi nhận ra 3 lý do tại sao chúng tôi vẫn giữ những đồ đạc này: (1) nó có ý nghĩa về tình cảm (ví dụ, giữ cuốn vở làm kỷ niệm hoặc không muốn cho đi cái váy vì được tặng bởi một người quan trọng), (2) nó vẫn còn giá trị mặc dù không được sử dụng (ví dụ, cái áo lành lặn nhưng lỗi mốt), (3) khuất mắt trông coi (out of sight, out of mind), nếu không nhìn thấy thì không để ý và quên luôn là mình có số đồ đó.
Sau trải nghiệm dọn nhà đáng nhớ ở Việt Nam, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ để đồ đạc chất chứa như vậy nữa. Tôi cũng khá tự tin vì khi sang Mỹ tôi bắt đầu ở một mình trong phòng riêng (sau này là nhà riêng) rất rộng rãi nên nghĩ chẳng có lý do gì để đồ đạc vượt quá tầm kiểm soát. Thời điểm đó, tôi cũng trở nên hứng thú với việc sắp xếp nhà cửa, tôi dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về các phương pháp sắp xếp đồ đạc khoa học, thậm chí theo học một khoá học online chuyên sâu về vấn đề này.
Bởi vậy, khi cảm thấy ngộp thở trong đống đồ đạc vào mùa hè năm ngoái, tôi cảm thấy thực sự thất vọng về bản thân, bất lực không hiểu tại sao mình vẫn có nhiều đồ đến vậy. Tôi cảm thấy đồ đạc (mặc dù được sắp xếp gọn gàng) vẫn rất nặng nề, chúng kéo tôi xuống và làm giảm năng suất làm việc của tôi. Mỗi lần chuẩn bị ngồi vào bàn làm việc, tôi cảm thấy khó chịu khi thấy giấy tờ, sách vở, túi đi học lộn xộn xung quanh, khó chịu đến mức tôi thường phải dừng công việc để sắp xếp lại đồ đạc cho “khuất mắt” rồi mới làm tiếp được. Điều này khiến tôi trì hoãn (procrastinate) rất nhiều kế hoạch, đặc biệt là việc liên quan đến viết lách. Nó cũng khiến tôi tốn nhiều tiền ngồi quán cà phê hay hàng ăn bên ngoài bởi vì tôi luôn cảm thấy không thoải mái khi làm việc ở nhà. Nhưng tại sao, với tất cả kỹ năng sắp xếp nhà cửa học được, tôi vẫn để đồ đạc kiểm soát cuộc sống?
Sau lần chuyển nhà đầy stress hồi năm ngoái, tôi bắt đầu nghiên cứu hành vi của bản thân để tìm hiểu xem tại sao tôi luôn cảm thấy ngợp vì đồ đạc của mình. Tôi dùng tất cả các kỹ năng nghiên cứu, cả định lượng và định tính, được học ở trường để phân tích bản thân. Bây giờ nghĩ lại có vẻ buồn cười, nhưng tôi đã thật sự nghiêm túc, tôi ghi chú những lần mình mua đồ, tại sao mua, khi mang đồ về nhà tôi để đâu; tôi cũng ghi lại những lần mình dọn dẹp nhà và bỏ đồ đạc đi, tại sao bỏ, khi bỏ đồ đi tôi nghĩ gì… Tôi thường viết hoặc ghi âm những lần tôi cảm thấy không muốn làm việc vì đồ đạc xung quanh, cũng như những lần tôi “tự đấu tranh” để bỏ đi món đồ không còn nhiều ý nghĩa nữa. Sau khoảng 3 tháng, tôi nhận ra thêm 3 điều quan trọng: (1) Sắp xếp đồ đạc gọn gàng không đồng nghĩa với việc có ít đồ đạc (mà chỉ có nghĩa là giỏi “giấu” đồ đạc cho khuất mắt đi thôi), (2) Chỉ nên mua những cái mình CẦN, không phải cái mình MUỐN (ví dụ, tôi cần mua một cái áo vest lịch sự để đi dự hội thảo vs. tôi muốn mua cái váy màu hồng vì nó trông dễ thương), và (3) Không có lý do gì phải “tiếc của” khi bỏ đi những đồ mình không dùng (vẫn có thể bán đi, quyên góp từ thiện, hoặc tặng lại cho những người cần hơn mình).
Cùng vào thời điểm tôi nhận ra những điều này, tôi đọc được cuốn sách The Life-Changing Magic Of Tiding Up (Phép màu thay đổi cuộc sống từ việc dọn dẹp) của tác giả người Nhật, Marie Kondo. Đây là một cuốn sách đã bán được hàng triệu bản và có tầm ảnh hưởng đến rất nhiều người trên toàn thế giới khi được dịch sang tiếng Anh năm 2015. Cuốn sách nói về việc bỏ bớt đi những đồ dùng không mang lại niềm vui cho mình và dọn chỗ đón những đồ mới/suy nghĩ mới/cơ hội mới có ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Đây là một cuốn sách rất hay, hay đến mức tôi đọc ngấu nghiến xong hết trong chỉ một buổi chiều. Từ cuốn sách này, tôi lên mạng tìm hiểu và đọc thêm nhiều sách về phong cách đơn giản hoá cuộc sống và phát hiện ra Chủ nghĩa tối giản! Thì ra, có rất nhiều người trên thế giới cũng đã từng stress, ngộp thở vì đồ đạc giống như tôi, và việc tối giản hoá cuộc sống đã mang lại cho họ sự tự do, tâm lý thoải mái, và thành công.
The Present Writer Minimalist ?
Trở lại ngày hôm nay và thời điểm này, khi tôi đang chuẩn bị những hộp các-tông cuối cùng cho cuộc chuyển nhà ngày mai, tôi nhận thấy Chủ nghĩa tối giản đã thay đổi mọi mặt trong cuộc sống của tôi. Tôi và Joe hiện sống trong một căn hộ tương đối gọn gàng, decor màu trắng xuyên suốt các phòng, tương đối ít đồ đạc, hướng về thiên nhiên với nắng, hoa tươi, và cây xanh. Tôi hầu như không phải ra ngoài làm việc nữa, nhà bây giờ là nơi làm việc yêu thích của tôi, tôi làm việc tập trung hơn, dậy sớm hơn để viết mỗi sáng. Chúng tôi bỏ hẳn thói quen đi siêu thị để giải trí vào cuối tuần, thay vào đó, chúng tôi cùng đọc sách vào mỗi sáng ngày nghỉ, đi dạo ở công viên cây xanh gần nhà, hoặc cùng nấu ăn. Chúng tôi cũng có thú vui mới là soạn đồ cũ để bán đi hoặc quyên góp cho từ thiện. Tháng trước, Joe mới bán đi hơn một nửa tủ quần áo không dùng tới còn tuần trước, tôi mới cho đi một bàn học và một kệ tủ không cần thiết cho nhà mới. Chủ nghĩa tối giản cũng khiến chúng tôi có nhiều thay đổi về cách nhìn cuộc sống và quan niệm về cái đẹp.
Tuy nhiên, tôi nghĩ mình không phải là người theo Chủ nghĩa tối giản (minimalist) một cách tuyệt đối. Tôi còn nhiều điều để học về lối sống này và còn nhiều mặt trong cuộc sống của tôi có thể tối giản thêm nữa. Có thể tương lai, tôi sẽ trở thành một trong những minimalists đi du lịch khắp thế giới với toàn bộ đồ đạc chỉ gói gọn trong một ba-lô đeo vai, nhưng ở thời điểm này, tôi chỉ áp dụng Chủ nghĩa tối giản để làm cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn.
Đối với tôi, Chủ nghĩa tối giản là một lối sống hiện đại hoàn toàn có thể áp dụng ở Việt Nam, nhất là ở đô thị khi đất chật, người đông, và tư duy chủ nghĩa tiêu dùng (consumerism) dần kiểm soát cuộc sống của con người. Chủ nghĩa tối giản không chỉ dừng ở việc dọn dẹp nhà cửa mà còn có thể làm thay đổi tư duy, mở mang tri thức, và khiến con người sống tốt hơn, hướng đến nhiều hơn những giá trị thực sự cốt lõi của chân-thiện-mỹ. Hãy chia sẻ với tôi suy nghĩ của bạn về Chủ nghĩa tối giản, bạn có muốn đọc thêm về đề tài này không? Bạn nghĩ sao nếu áp dụng Chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống của mình? Liệu Chủ nghĩa tối giản có trở thành hiện tượng ở Việt Nam trong tương lai không?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
*** Update 8/29/2016: Sau bài viết đầu tiên này, tôi đã và đang viết tiếp tục các bài tiếp theo về chủ đề Chủ nghĩa tối giản (Minimalism). Bạn đọc có thể nhấn vào đây để đọc tất cả các bài viết cùng chủ đề này. Theo dõi blog để không bỏ lỡ bất kỳ bài viết mới nào. Cám ơn mọi người!
Quynh Quang Ngo says
Hoá ra sống chẳng có gì thì người ta gọi là sống theo chủ nghĩa tối giản?
Vợ con nó đòi này, đòi kia thì có sống thế được không tác giả? Hi
Chi Nguyễn says
Hi anh! Tối giản hoá cuộc sống không hẳn là từ bỏ mọi thứ. Tất nhiên có những minimalists bỏ hết đồ đạc, đi du lịch chỉ với 1 ba-lô. Nhưng không nhất thiết phải thế ạ. Anh có thể đọc thêm tác giả blog Zen Habits (http://zenhabits.net/), đây là người chồng, người cha của 6 đứa con và cả gia đình đều sống theo Chủ nghiã tối giản. Em sẽ viết thêm về vợ/chồng và thay đổi theo Chủ nghĩa tối giản vì trước khi sống cùng em, Joe cũng có rất nhiều đồ đạc và mua sắm thường xuyên. Anh đón đọc nhé! Cám ơn AQ!
Kiên says
Cám ơn bạn về những chia sẻ. Mình cũng là người thích xê dịch và giờ đã có gia đình nhưng mình vẫn thường xuyên thay đổi địa điểm sống. Bài viết rất hay để mình áp dụng cho gia đình để thuận tiện hơn mỗi lần di chuyển.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn! Tặng bạn một câu nói rất hay của Yogi Bhajan về Chủ nghĩa tối giản, du lịch, và cuộc sống: “Travel light, live light, spread the light, be the light”
Hianh says
Đúng là nên dành thời gian, ko gian, công sức vào những thứ có ích hơn là suốt ngày dọn đồ dọn phòng
Chi Nguyễn says
Hi Mon, nếu mạnh tay bỏ bớt những đồ đạc không thiết đi thì mỗi lần dọn nhà sẽ tốn ít thời gian hơn 🙂
Huong says
Cảm ơn bạn về bài viết này, mình cũng tự nhủ suốt là cần phải lọc để bỏ hoặc cho bớt đồ đạc nhưng mà khó phết, nhất là tư tưởng cứ giữ lại biết đâu đến lúc cần dùng :'(
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc blog. Trong bài viết sắp tới mình sẽ đề cập đến vụ “cứ giữ lại biết đâu cần dùng” đấy (vì trước đây mình cũng rất khó mới bỏ được tư tưởng này). Bạn đón đọc nhé 🙂
Phương Lan says
Bài viết rất hay ạ. Đây cũng là vấn đề mà em suy nghĩ vài tháng nay, tuy nhiên chưa đủ quyết liệt để theo đuổi nó đến nơi đến chốn
Teresa Le says
Bài viết rất có ích! Đáng suy ngẫm và học hỏi. (Y) Thank bạn.
Dinh Khac Dung says
Cam on ban vi bai viet tuyet voi !
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn!
Tran Thi Ngoc Anh says
Hi Chi cô Ngọc Anh đây,
nhờ mẹ Diệp cô được đọc một số blog của cháu. Cháu làm cô đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cô thực sư khâm phục cháu, cô rất cảm ơn cháu vì nhiều điều đặc biệt là bài viết rất hữu ích đối với việc dọn nhà của cô,
Chúc cháu luôn vui vẻ!
Chi Nguyễn says
Cháu cám ơn cô ạ! Nếu cô thấy bài viết hữu ích, chắc chắn cô sẽ thích cuốn sách cháu nhắc đến trong bài của Marie Kondo. Sách mới có bản tiếng Việt đấy ạ: http://nhasachthaiha.vn/chi-tiet/6053-nghe-thuat-bai-tri-cua-nguoi-nhat.html. Chúc cô một ngày vui vẻ!
Hero says
Cám ơn bạn đã chia sẻ lối sống của mình, tôi cũng đang hướng đến một lối sống như vậy và cảm thấy cuộc sống ngày càng nhẹ nhàng hơn.
nguyenthithanhxuan says
Thích lắm. Cám ơn Chi Nguyễn. Mong được đọc thêm những gì Chi Nguyễn viết.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc và động viên tôi viết tiếp! 🙂
Hien Do says
Bài viết hay! Sau gần 2 năm tối giản hóa cuộc sống, đặc biệt là đồ đạc trong nhà mình thấy cuộc sống dễ thở hơn, có nhiều thời gian hơn cho việc đọc thay vì dọn dẹp nhà cửa. Theo kinh nghiệm của mình, thời gian 6 tháng đầu là khoảng thời gian khó nhất trong quá trình tối giản hóa cuộc sống (phần lớn vì có tư tưởng biết đâu có lúc mình sẽ dùng đến😃). Thời gian đầu mình có một cái thùng lớn, bỏ các đồ mình không muốn giữ, giữ thùng đó ở một phòng hoặc nhà kho một thời gian, trong thời gian đó nếu mình không động đến, đồng nghĩa với việc mình sẽ không cần đến những đồ vật đó mà cuộc sống thường ngày vẫn rất ổn. Bây giờ mình thực hiện chính sách “one in, one out”, nghĩa là nếu mình mua một đồ dùng mới, mình sẽ cho đồ dùng cũ vào một cái thùng nhỏ và sau đó mang đến các cửa hàng từ thiện. Nếu Chi có thêm các tips khác thì hãy chia sẻ và hy vọng với các bài viết của Chi về chủ đề này, sẽ có nhiều người sống theo chủ nghĩa tối giản. Mình hiện tại rất enjoy sống theo cách này và đang khuyến khích gia đình và bạn bè mình sống theo cách này😃
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn Hiền đã chia sẻ kinh nghiệm hữu ích! Mình cũng dùng “one in, one out” cho tủ quần áo để chắc chắn chỉ mua những món mình cần hoặc thay thế những đồ đã cũ. Các tips về tối giản mình có thể sẽ chia sẻ nhiều hơn trên newsletter của blog để cho ngắn gọn và nhanh hơn viết một bài dài. Bạn có thể điền thông tin vào phần “Theo Dõi” trên menu trang chủ blog để nhận newsletter. Chúc bạn một ngày tốt lành! 🙂
Nguyen Viet Tuan says
Rất đồng ý với bạn, không gian cũng như đầu óc chúng ta có hạn (hoặc, chúng không có hạn nhưng chúng ta chỉ có thể chú tâm tới một số thứ hạn hẹp trong thời gian nhất định) -> thừa mứa tức là lãng phí.
Vì thế, thay vì cố gắng lưu hết cả 100% những thứ bạn có, tôi luôn tâm niệm phải tìm ra được 20% giá trị nhất để tập trung vào chúng, để yêu thương và để có thời gian/ đầu óc để trải lắng nghe cuộc sống! Tuyệt!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã chia sẻ! Có lẽ bạn đang thực hiện theo phương pháo 80/20 (Quy tác Pareto)? Tập trung 20% vào những giá trị quan trọng nhất đúng là yếu tố quyết định để làm việc hiệu quả mà vẫn có thời gian trải nghiệm cuộc sống. Có lẽ trong thời gian tới đây tôi sẽ viết về quy tắc này trên blog để mọi người tìm hiểu thêm. Cám ơn bạn nhiều! 🙂
Hằng Nguyễn says
Chào chị,
Em năm nay 24 tuổi, chưa chồng con và luôn bị ám ảnh bởi chủ nghĩa tối giản. Cứ hàng tháng em lại lọc quần áo, sách vở và những thứ em thấy là lâu quá rồi mình không dùng mà vẫn tồn tại ở đó. Thậm chí em muốn bỏ cái giường mình đang dùng đi, chỉ muốn duy nhất một cái bàn nhỏ để ngồi học và làm việc. Mỗi lần thấy phòng mình ít đồ đi em lại thấy vui. Em cứ sống thế vài năm nay rồi nhưng không biết đến khái niệm Chủ nghĩa tối giản. Đọc bài này của chị em thấy rất thú vị. Nhưng em có vấn đề đó là làm sao để em cân bằng được suy nghĩ về lối sống này ạ. Em gần như bị ám ảnh và nhìn mọi vật chỉ muốn bỏ hết và nghĩ đến việc dọn dẹp quá nhiều. Chị có gợi ý nào giúp em không ạ, em cảm ơn chị.
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã chia sẻ. Đây là một câu hỏi rất thú vị: Làm sao để sống theo Chủ nghĩa tối giản mà không bị ám ảnh bỏ hết đồ đạc (cần thiết) trong nhà? Chị chưa chắc đã có câu trả lời toàn vẹn cho em. Tuy nhiên, chị nghĩ mình nên luôn làm theo những điều làm mình cảm thấy vui và ý nghĩa. Nếu em thích cuộc sống ít đồ đạc, thậm chí chỉ có một tấm nệm, một bàn học, một chiếc ghế, đó không có gì là sai cả. Nếu em vốn đã có ít đồ rồi, em có mua sắm thường xuyên không? Bởi vì mua sắm thêm dễ dẫn đến nhiều đồ hơn, nhiều đồ hơn thì lại có suy nghĩ cần phải bỏ đồ đi thường xuyên. Cân bằng giữa việc mua đồ mới và bỏ đồ cũ đi cũng là một điều quan trọng khi bắt đầu lối sống này. Nếu em thực sự cám thấy mình bị “ám ảnh” và không thấy việc dọn dẹp có ý nghĩa, chị khuyên em nên ra ngoài trải nghiệm nhiều hơn, gặp gỡ thêm mọi người. Đối với người hay làm việc ở nhà như chị, việc dọn dẹp nhiều khi trở thành cái cớ để trì hoãn làm việc :), cho nên những lúc cảm thấy cần ưu tiên công việc và bị hút vào việc dọn dẹp, chị hay ra ngoài đi bộ hoặc làm việc cùng với bạn. Hy vọng một chút chia sẻ này có ích cho em!
Phương says
c ơi c có recommend cuốn sách nào hay viết về minimalist k ạ. cuốn The Life-Changing Magic Of Tiding Up mua bản tiếng anh ở đâu ạ?
Chi Nguyễn says
Chào em! Về cuốn sách về minimalism, chị thấy 2 tác giả này viết rất tâm huyết. Họ cũng có một blog là http://www.theminimalists.com/. Link sách
Chị mua cuốn The life-changing magic bản tiếng Anh trên Amazon
Vinh Mã Bảo says
Chào chị,
Thật may mắn khi được đọc bài viết này của chị, hiện tại em cũng đang tìm hiểu và dấn thân theo chủ nghĩa tối giản. Em thấy nếu được thì mình xây dựng một nhóm, một cộng đồng sống theo chủ nghĩa tối giản này tại Việt Nam chị nhỉ!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Đây là một ý rất hay! Chị cũng đang dần kết nối được các bạn quan tâm đến đề tài này và sẽ cố gắng viết nhiều hơn để mọi người hiểu thêm về Chủ nghĩa tối giản. Chị tin là không xa nữa, Việt Nam cũng sẽ có nhiều người theo lối sống này
Đặng Hà says
Rất tuyệt vời! Hy vọng em sớm cho ra đời những bài viết, hướng dẫn để mở mang cho mọi người về chủ nghĩa tối giản. C cũng là 1 ng đag vật lộn với đống đồ đạc và ko thể làm j khi ngồi trong 1 ko gian bừa bộn 🙁
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã đọc blog! Em sẽ viết nhiều hơn về các mảng cụ thể khác của lối sống tối giản ạ. Hiện nay em có 3 bài, chị có thể đọc tất cả ở đây ạ: https://thepresentwriter.com/?cat=13
Tammy Lai says
Hi chị,
Em vô tình đọc được bài này của chị, vào đúng thời điểm em đang cố gắng sống đơn giản và giờ thì em còn biết từ Minimalism cũng áp dụng cho người chứ không phải chỉ phong cách thời trang.
Em cũng vừa dọn dẹp bớt tủ quần áo của mình, căn phòng chỉ có tí xíu mà đồ thì vô số kể. Đúng là khi dọn xong, mang cho đi bớt thì mình thấy nhẹ nhàng hơn nhiều lắm.
Đó là xét về mặt vật chất, cũng có lúc em băn khoăn về mặt suy nghĩ nữa á chị. How can? Sống đơn giản có phải là từ bỏ mọi danh vọng…
Anw, thích bài viết của chị. Hope là đọc nhiều hơn về topic này.
Nice day chị nha.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã tìm đến với blog! Nếu em quan tâm đến topic này, chị đã viết 3 bài liên tiếp: https://thepresentwriter.com/?cat=13. Trong tương lai chị sẽ viết nhiều hơn về những mặt phi vật chất và quan niệm của chị về Chủ nghĩa tối giản. Em theo dõi nhé! Cám ơn em nhiều!
Maiuyen Pham says
Chị Chi ơi, em cũng bị nghiện dọn dẹp, nhưng không phải chỉ là đồ đạc trong phòng, em còn nghiện dọn dẹp tâm trí, nghiện dọn tất cả mọi thứ từ FB, youtube, hộp mail, hình ảnh đã chụp, clip đã quay,… Nói chung là dọn hết, dọn hết. Em thật sự là chỉ luôn nghĩ đến hình ảnh một chiếc balo trên vai với: vài bộ quần áo đơn giản, chiếc khăn đa năng, vài món skincare cơ bản, 1 chiếc kính mát, 1 chiếc smartphone, 1 laptop size mini, và 1 chiếc máy ảnh. Chỉ thế thôi và đi khắp tận cùng thế gian này, không vướng bận điều gì cả. Nhưng em chỉ mới 22t, liệu em làm gì để sống và để thực hiện trách nhiệm với gia đình khi mà em chỉ nghĩ đến bản thân mình như thế! Đó là câu hỏi em vẫn chưa có câu trả lời chị ạ.
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em đã chia sẻ trên blog! Chị nghĩ tối giản hoá cuộc sống và mơ ước đi du lịch khắp thế giới không nhất thiết phải đối nghịch với trách nhiệm gia đình. Nếu em đi đến tận đầu kia của trái đất (như chị hiện nay ở Mỹ) mà vẫn quan tâm thăm hỏi gia đình thật tâm thì còn hơn là em ở cùng gia đình mà không buồn quan tâm đến họ. Và nhất là em mới 22 tuổi, em hoàn toàn có thời gian để làm bất cứ những gì mình muốn. Sau vài năm nữa thôi, trách nhiệm gia đình sẽ càng nhiều hơn, càng khó để em thực hiện ước mơ du lịch của mình hơn. 22t là tuổi để ước mơ, khám phá. Chị tin là nếu em trao đổi với gia đình, họ sẽ hiểu được nguyện vọng này
Maiuyen Pham says
Em cảm ơn chị Chi đã chia sẻ quan điểm của chị với em. Lúc này em đang trên hành trình để tìm ra con đường mình muốn đi. Có những lúc hào hứng, nhưng có những khi mệt mỏi… Đó cũng là câu chuyện chung của những người ở lứa tuổi như em. Nhưng em quyết tâm, là không để đến sau này, em phải hối hận và nói câu “giá như…”, em chắc chắn sẽ chọn đi trên con đường mà chính bản thân em mong muốn.
Blog của chị là một trong những niềm cảm hứng mỗi ngày của em, em tìm thấy thế giới của chính mình ở đây. Em mong rằng chị luôn khỏe mạnh, tâm hồn luôn tươi trẻ và chị sẽ tiếp tục truyền tải những thông điệp sống mới mẻ và có ý nghĩa đến với bọn em. Cảm ơn chị, again:)
Canh Van Le says
quả là 1 bài viết hay, tổng hợp nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế của bạn, cảm ơn bạn rất nhiều!
Hà trần says
Mình cũng hay bị ám ảnh bởi việc dọn dẹp, thật may là tìm được blog của Chi. Hoá ra cái đầu tiên cần phải dọn dẹp là cái đầu của mình với suy nghĩ “Để đó biết đâu có lúc cần dùng” :). Cảm ơn Chi vì những bài viết rất thực tế, và dễ dàng hiểu và áp dụng cho bản thân
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc blog! Thay đổi tư duy là bước đầu tiên để dọn dẹp được nhẹ nhàng và bền vững hơn ạ 😀
Ôn Trần Hải says
Chào Chi, tôi rất vui khi đọc bài viết này của bạn. Vì chúng ta có nhiều điểm tương đồng !
Tôi chưa đọc cuốn sách trong bài viết mà bạn đã đề cập. Vì tôi biết đến Minimalism từ 2013, qua cuốn sách “Sống Tinh Giản Để Hạnh Phúc” – của Francine Jay. Cũng chưa thu xếp được thời gian để có thể ngồi thư giãn đọc những sách mới về đề tài này. Mặc dù tôi rất muốn ! Chương hay nhất của cuốn này chính là : TỪNG PHÒNG MỘT
Để mà nói sâu kín về đề tài tối giản này, thì tôi khó có thể nói hết ở đây. Bởi nó quá là tinh tế ! Tưởng đơn giản nhưng không đơn giản ! Sống tinh giản, bạn sẽ ngộ ra được nhiều thứ, thôi thì bạn cũng biết nên tôi sẽ dùng những từ ngữ chuyên sâu hơn cho tiện.
Ví dụ khi bạn dọn tủ quần áo, bạn gấp vuông vắn đẹp đẽ. Bạn sẽ tiết kiệm được khoảng trống. Từ đó, chúng ta mới nhìn ra những thứ không muốn mặc nữa! Qua thời gian, bạn sẽ hiểu bạn cần mặc gì, và định hình phong cách thời trang tối giản, mà vẫn đẹp! Thời trang đẻ ra sự tự tin, tự tin đẻ ra nghệ thuật giao tiếp, giao tiếp sinh quan hệ, quan hệ sinh đồng tiền. Nhưng tiền lại k phải cái chúng ta cần, vì cơ bản Minimalism đã mặc định tiêu chuẩn là nuôi dưỡng thái độ biết ơn. Hài lòng với những gì mình có !
Một ngày nào đó, bạn ngẫm kỹ lời tôi, bạn sẽ thấy từ trước giờ những câu châm ngôn luôn có một sự liên kết với Minimalism !
– Sống là cho
– Tận hưởng mà không sở hữu
– Nói ít làm nhiều
Xin phép để lại liên hệ với Chi Ng ở đây, vì tôi đang đón năm mới ở Việt Nam, nên cũng muốn hoàn thành lịch trình du lịch trước. Khi nào có thời gian ngồi thư giãn. Tôi sẽ đàm đạo, cũng như nghiên cứu tiếp với bạn về nền tảng này !
Chúc Chi năm mới may nhiều, rủi ít ngóng trông. Cuộc sống vẫn cứ là màu hồng nhé !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn Hải đã đọc bài viết và kiên nhẫn chờ trả lời comment của mình! Mình chưa đọc cuốn Sống Tinh Giản Để Hạnh Phúc bạn nhắc đến nhưng chương sách bạn tả thì rất hay. Chắc chắn là một cuốn sách hữu ích. Mình đồng ý với quan điểm về nuôi dưỡng thái độ biết ơn. Trong cuốn sách của mình mới xuất bản, có cả một phần rất lớn để viết về điều này. #gratitude 🙏. P/S: Mình có đọc qua bài viết mới của bạn về Dọn nhà. Nhiều tips rất hay. Chúc bạn viết đều nhé! — Chi
Ôn Trần Hải says
Hello Chi,
Rất vui nhận được bình luận của bạn. Mình cũng mới mua sách của bạn trên Tiki cách đây 2 hôm, và dự định trong tuần này mình sẽ đọc không ít thì nhiều. Sự thật là nhà mình cũng sẽ định chuyển trong tuần này, thế nên rất muốn đọc về trải nghiệm của Chi.
Ah, cảm ơn Chi đã đọc qua bài viết về dọn nhà của mình nhé ! Cuối năm bao giờ cũng là thời gian tuyệt vời nhất để dọn dẹp. Mà mình thấy chính vì thời điểm đó mình dành hẳn ra một ngày để dọn dẹp đồ đạc cá nhân, mà thành ra bây giờ mình lại không phải dọn gì nhiều. Sắp tới chuyển nhà, mình chỉ cần dành thời gian phụ giúp đồ đạc của mọi người là OK rồi.
Btw, có thời gian bạn nên đọc sách của Francine Jay, mình đọc bản in Tiếng Việt vào hè năm 2013 rồi – của nhà xuất bản Bách Khoa. Còn sách của Marie mình cũng chưa đọc nốt, nhưng với mình cái gì thuộc về ấn tượng ban đầu thì cũng đẹp, nên mình không muốn so sánh.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ủng hộ sách! Đọc xong viết hoặc gửi review cho Chi nhé 😀
Duy Trần says
Cảm ơn Chi Nguyễn! Đọc và tìm bao nhiêu bài viết về DanShari, Chủ nghĩa tối giản đi chăng nữa vấn thích cách hành văn của Chi. D nghiền hết 6trang bài viết về chủ đề này của Chi rùi. …và vẫn tiếp tục đọc lại chúng. Có rất nhiều bài viết trên các báo và cả cuốn Nghệ thuật bài trí của người Nhật nhưng vẫn thích các bài viết của Chi hơn….thật sự đấy! Rất tự nhiên, ấn tượng …có lẽ ai đó được làm bạn với Chi cũng rất yêu mến Chi như cách bạn suy nghĩ vậy.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc và ủng hộ những bài viết của mình về Chủ nghĩa tối giản. Mình cũng đã xuất bản một cuốn sách về đề tài này. Nếu bạn quan tâm có thể tham khảo “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”