(Bài viết được biên tập và đăng lại từ blog cũ, đăng gốc Ngày 12 Tháng 9, 2014)
Vậy là đã 1 năm 1 tháng từ ngày tôi đến Mỹ du học. Blog này (blog cũ) ban đầu được lập ra với mục đích chia sẻ những điều tôi học được từ mọi ngóc ngách của cuộc sống, nhất là những điều mới tôi học được ở nền giáo dục Mỹ. Nhưng khi đọc lại thì cảm giác tôi chia sẻ nhiều về “kiến thức” chung nhưng ít khi kể về quá trình học của mình – một quá trình cũng rất đáng để “học”. Học trước tiên là cho bản thân tôi, để nhìn lại mình đã vượt qua chặng đường trước như thế nào, còn chia sẻ với mọi người vì biết đâu bạn tìm được điều gì hữu ích cho ước mơ, kế hoạch du học và cuộc sống của bạn. Và đây là một bài viết như thế.
Với nhiều người không thân với tôi hoặc chỉ biết tôi qua Facebook hoặc Blog thì thấy việc học của tôi khá suôn sẻ. Đại khái có thể kể bằng ngôi thứ ba thế này, bạn Chi là một người vô cùng may mắn. Sau khi từ Việt Nam sang Mỹ, bạn dành rất nhiều thời gian để viết linh tinh trên mạng Internet nhưng vẫn tốt nghiệp Thạc sĩ sau 1 năm học (nghi vấn: có bằng Thạc sĩ trong 1 năm ở Mỹ thì chả hiểu cái chương trình này chất lượng nó ra cái gì?). Sau đó (chắc do ăn may), bạn được nhận học bổng tiếp chương trình Tiến sĩ, và bây giờ tiếp tục viết linh tinh trên mạng.
Có khi đấy cũng là một phần sự thật vì nhìn lại 1 năm qua tôi cũng có nhiều may mắn. Nhưng “may mắn” đó được đổi bằng mồ hôi và (khá nhiều) nước mắt.
Tháng 8/2013:
Tôi sang Mỹ với rất nhiều hoài bão. Nhưng hoài bão nào cũng phải có thực tế và thực tế là mức học bổng cùng khả năng tài chính chỉ cho phép tôi học trong 1 năm (và đó đã là quá sức). Do vậy, mặc dù nhiều bạn Mỹ cứ vừa học vừa làm vừa chơi lấy bằng trong 2 năm (với khoản vay từ chính phủ) và mấy bạn Trung Quốc vừa học vừa “tìm hiểu cuộc sống Mỹ” khoảng 1,5 năm (với tài trợ của bố mẹ), tôi chỉ có một lựa chọn là hoàn thành mọi công việc trong 1 năm. Và tôi cũng không buồn vì việc đó, được đi học đã là niềm hạnh phúc rồi!
Tháng 9 — Tháng 10/2013:
Thời gian này tôi mới đi học nên cảm thấy rất khủng hoảng. Đầu tiên là ngôn ngữ còn nhiều hạn chế (mặc dù tôi dùng tiếng Anh hàng ngày trong giao tiếp và làm việc khi còn ở Việt Nam), văn hoá khác biệt (tôi từng nghĩ mình sẽ hoà nhập hoàn toàn nhưng không hẳn dễ dàng), thầy cô không tin tưởng (thầy hướng dẫn của tôi ngay khi biết tôi là người nước ngoài đã nói: “Em nên bỏ khoá học Giaó dục Mỹ đi vì đến người Mỹ còn không hiểu hết về nền giáo dục của họ” và “Em không nên nghĩ sẽ có thể xin được Tiến sĩ ngay năm sau, nên về nước một thời gian rồi hẵng nộp”).
Tất cả những điều này đều có căn nguyên của nó, tuy nhiên, tôi cố gắng không nhìn vào mặt yếu của bản thân mà phải tiếp tục tiến lên vì thời gian không cho phép tôi băn khoăn về năng lực của bản thân hay đánh giá của mọi người nữa. Thời gian là động lực lớn nhất của tôi để đầu luôn ngẩng cao và chân luôn bước tới.
Để hoàn thành chương trình trong 1 năm, tôi phải lấy từ 4-5 lớp/học kỳ, lịch học hầu như kín. Chương trình của tôi còn yêu cầu viết luận văn tốt nghiệp nên vừa chân ướt chân ráo vào chương trình, chưa kịp học gì đã phải bắt tay viết bài tốt nghiệp. Đó còn chưa kể đến làm quen bạn bè, cuộc sống, nấu ăn, sinh hoạt… Tuy nhiên, vì tôi vốn nhanh làm quen với môi trường mới nên sau 3 tháng thì cũng dần ổn định.
Tháng 11—Tháng 12/2013:
Ngay sau khi mới vừa tạm quen được cuộc sống và trường lớp thì tôi phải nhảy ngay vào guồng quay nộp học Tiến sĩ. Những ai từng nộp học cao học thì đều biết, chương trình nào cũng yêu cầu 3 thư giới thiệu từ giáo sư. Trong khi đó, tôi mới vào học được có 3 tháng! và trong 3 tháng ấy đến 2 tháng “ngơ ngác” làm quen với trường lớp và thiếu tự tin. Tôi vẫn còn nhớ mình đã sợ đến thế nào khi mở lời xin thư giới thiệu.
Bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy việc đó cũng không có gì quá to tát nhưng ở thời điểm ấy, xin thư giới thiệu của giáo sư mới học được nửa học kỳ thì thật là một điều khủng khiếp đối với tôi. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, tất cả giáo sư tôi mở lời đều đồng ý viết thư giới thiệu, họ đều nói đã sớm nhìn thấy tố chất của tôi. Tôi cũng nhận được nhiều lời nhận xét tích cực từ các giáo sư mà tôi không hề biết nếu không nói chuyện với họ bên ngoài giờ học. Ngay cả thầy hướng dẫn, người nói tôi nên bỏ khoá học ban đầu nay lại nói: “Tôi nghĩ em là người làm bất kỳ điều gì cũng sẽ được!” Những lời động viên này khiến tôi cảm thấy tự tin hơn và quyết tâm làm hồ sơ.
Nhưng mặc dù tự tin trong học tập đến đâu, các kỳ thi chuẩn hoá cũng luôn là vấn đề của tôi. Tôi thường có tâm lý bất ổn khi bước vào kỳ thi và thường không gặp may mắn trong các kỳ thi chuẩn hoá. Nhưng “ghét của nào trời trao của ấy” — TOEFL hết hạn, GRE điểm thấp cần thi lại. Trong tháng đó, tôi còn 4 bài cuối kỳ và nhiều dự án nhỏ của chương trình cần làm. Chưa kể việc nộp học Tiến sĩ cần đầu tư thời gian viết bài luận, nhắc giáo sư gửi thư. Kèm theo áp lực luôn cần giữ điểm A trên lớp để có hồ sơ đẹp. Đó là một thời gian vô cùng bận rộn, áp lực, và khó khăn.
Tôi vẫn nhớ ngay khi thi TOEFL xong, tôi cảm thấy thất vọng tràn trề vì không có thời gian luyện tập nên kỹ năng hầu như không còn, chỉ làm theo cảm tính. Tôi gọi điện về cho mẹ – giữa đêm khuya, nói với mẹ: “Con không muốn thi GRE nữa, thi phí tiền, con không có thời gian luyện thi thì dù có thi cũng không thể lên điểm”. Lúc đó chỉ chực muốn khóc. Nhưng mẹ tôi động viên là tiền bây giờ không còn quan trọng, điều quan trọng là con có muốn buông tay hay không. Và mẹ nói dù thế nào mẹ vẫn luôn bên tôi.
Hôm đó là mùa đông ở Philly, trời rất lạnh, tuyết rơi phủ kín con đường từ địa điểm thi ra tàu điện ngầm. Tôi còn nhớ mình mặc áo khoác có mũ, lạnh lẽo bước trên đường, tủi thân tưởng như không thể chịu được. Nghĩ mình thân làm tội đời, cứ mơ ước nhiều vào rồi bây giờ một thân một mình ở cái chốn này. Nhưng khi tôi ngồi xuống ghế đá ở vườn hoa để bình tĩnh lại thì tôi nghĩ: Cuộc thật trớ trêu! Tôi luôn làm đề tài nghiên cứu về cơ hội được đi học cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi phát biểu hội thảo, tôi làm dự án trên lớp, tôi kêu gọi phải cho người muốn học cơ hội được đi học… Ấy thế mà chính tôi khi muốn được đi học lại không được học. Tôi nghĩ, nếu tôi từ bỏ ước mơ của tôi thì cũng là từ bỏ cơ hội được giúp nhiều người như tôi hoặc ở hoàn cảnh khó khăn hơn tôi được đi học. Nghĩ lại bây giờ cảm thấy thật “sến”, nhưng đó là động lực để tôi tiếp tục đi thi tiếp GRE và hoàn thành hồ sơ nộp học năm đó.
Tháng 1 — Tháng 3/2014:
Thời gian này tôi đợi kết quả nộp hồ sơ và học tiếp học kỳ 2 Thạc sĩ. Sau một thời gian làm việc và học tập không biết mệt mỏi, tôi đã gần hoàn thành toàn khoá học với GPA 4.0 và nộp luận văn thạc sĩ được đánh giá cao trong hội đồng các giáo sư xét duyệt.
Nhưng cũng lúc này có rất nhiều chuyện xảy ra, có một tuần tôi nhận được thư từ chối của một loạt các trường mình nhắm đến, cũng tuần đó bà nội ở nhà mất, mọi người lại nói ra vào là nhà có tang thì không được may mắn, sau đó tôi bị thất lạc hành lý khi đi máy bay rồi bị ốm … Nhiều việc đến dồn dập đến mức có những hôm tôi đang đi bộ thì ngồi phịch xuống, tự cười: “Nào, tôi đã gần như chạm đáy rồi, còn điều gì không hay nữa, đến luôn một lần đi!” Nhưng may mắn là mỗi lần tôi cảm thấy mình rơi xuống thì lại có một/hoặc một vài bàn tay đỡ mình lên và mỗi lần như thế, tôi lại mạnh mẽ hơn.
Tháng 4 — Tháng 5/2014:
Gần như tuyệt vọng về chương trình Tiến sĩ vì Giáo dục Mỹ cắt giảm ngân sách trầm trọng, rất ít học bổng cho nghiên cứu sinh, đặc biệt là người ngoại quốc, tôi cố gắng tìm cơ hội có việc trong khi hoàn thành nốt chương trình. Tìm việc bên Mỹ rất nhiều áp lực. Bạn nào được nhận việc tôi thật sự rất khâm phục vì chắc chắn quá trình xin việc cũng gian nan không kém hay thậm chí hơn nộp Tiến sĩ.
Trong thời gian này, để giúp đỡ bản thân và các bạn sinh viên quốc tế cùng hoàn cảnh, tôi lập ra một Câu lạc bộ trong trường giúp sinh viên tìm việc. Việc này làm tôi quen được nhiều bạn mới và cũng giảm áp lực hơn khi tìm việc. Thật không ngờ những mối quan hệ này lại đưa cho tôi một công việc nghiên cứu với Giáo sư trong trường. Công việc lúc đó mang ý nghĩa vô cùng lớn, về tài chính, về kinh nghiệm, về tâm lý … đều được giải toả.
Cùng lúc đó tôi nhận được tin có học bổng toàn phần ở trường mới. Tôi cứ nghĩ mình phải vui đến chết đi sống lại, nhưng lúc nhận được tin thì cảm giác lớn nhất là “an toàn”. Sống ở nơi đất khách một thân một mình và không biết tương lai là gì, tôi luôn có một cảm giác chông chênh như một mình chèo con thuyền nan giữa đêm tối. Nhưng bây giờ, tôi cảm thấy như đã tìm được một phiến đá tựa lưng để nghỉ. Đó chính xác là cảm giác của tôi lúc ấy.
Tháng 5 — Tháng 8/2014:
Thời gian này tôi vừa cố gắng hoàn thành chương trình Thạc sĩ (học rất nặng vì dồn cả kỳ học trong 6 tuần hè) vừa đi làm (20-35h/tuần) và vừa chạy giấy tờ cho nhập học trường mới (rất phức tạp đối với sinh viên quốc tế). Nhưng như tôi đã viết, vì cảm giác đã “an toàn”, mọi việc đối với tôi đều nhẹ như bông. Dù khó khăn đến đâu, khổ đến mấy, tôi dường như cũng chịu được.
Đỉnh điểm của thời gian này là có một lần phải chạy bài cuối kỳ 2 môn cách nhau đúng 2 ngày, môn cuối 20 trang phân tích Khoa học chính trị. Nếu bình thường quá trình đọc tài liệu, nghiên cứu, và viết nhanh lắm cũng mất của tôi 5-7 ngày, tôi giờ chỉ làm liên tục trong vòng 15 tiếng là hoàn thành. Một giáo sư của tôi từng nói: “Bạn sẽ ngạc nhiên về điều mà bạn làm được trong áp lực thời gian và tiền”. Điều này vào mùa hè rồi tôi thực sự thấm thía.
—–
Và bây giờ tôi ở đây, ở thành phố State College nho nhỏ này, nhìn lại 1 năm vừa qua – vẫn “toát mồ hôi hột” vì những điều đã xảy ra nhưng cảm ơn cuộc sống vì luôn có gia đình, bạn bè, người tôi yêu và người yêu tôi bên cạnh. Và tôi viết nhưng dòng này, không phải để kể lại “chiến tích” những gì tôi đã làm được mà để nói lên rằng, thành công (tạm gọi đây là “thành công” mặc dù đối với nhiều người nó chưa là gì cả) luôn có ít nhiều chông gai.
Tôi không phải là tuýp người chỉ lên mạng xã hội kể về những điều tốt đẹp trong cuộc sống mà lờ đi những cái khó khăn; tôi càng không phải kiểu người khi được hỏi: “Làm sao để có học bổng?” thì chỉ chặc lưỡi: “Lên mạng kiếm thiếu gì!”; và tôi cũng không so sánh cuộc sống ai may mắn hơn ai… vì mỗi người một số phận – một con đường riêng. Điều quan trọng nhất không phải là có ước mơ lớn hay nhỏ, mà phải dám đương đầu để biến điều trong mơ thành sự thật. Nếu tôi làm được, bạn chắc chắn cũng sẽ làm được!
Update 6/2020: Sau gần 6 năm kể từ ngày viết bài này, tôi đã tốt nghiệp Tiến sĩ với hai bằng kép (GPA 4.0), có một công việc tốt, và một gia đình nhỏ tại Mỹ. Đọc lại những dòng này, một cảm giác nghẹn ngào khó tả trào lên trong tôi. Thương cô bé Chi thui thủi một mình giữa trời mưa tuyết, nhưng cũng tự hào vì con đường mưa tuyết ấy em đã đi qua. Đúng vậy, nếu tôi làm được, bạn cũng sẽ làm được! Chắc chắn là như thế!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Chị Hạnh Philly says
Chúc mừng em. Con đường quả thật gian nan nhưng em thật nghị lực. Nếu chỉ nghe kết quả thì không ai nghĩ nó lại gian nan thế nhỉ. Chúc em gặt hái được nhiều thành công và luôn hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị !
Linh says
Cảm ơn chị nhiều nhé!
Trước đây em cũng luôn mong muốn tìm được học bổng để đi du học nhưng chưa hình dung rõ cuộc sống khi đi du học là như thế nào.
Bài viết của chị giúp em hình dung rõ hơn cuộc sống của 1 du học sinh, nhất là du học bằng học bổng như thế nào.
Chị thật sự rất kiên cường.
Chúc chị có nhiều an vui và tốt lành 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Đây cũng chỉ là một khía cạnh của việc đi du học thôi. Chị sẽ viết nhiều hơn về những mảng khác nữa. Hy vọng em sẽ tìm thấy điều hữu ích. Chúc em nhiều may mắn!
Phúc An says
Chào chị,
Hôm nay em tình cờ tìm thấy trang web của chị và đã đọc được rất nhiều bài viết hữu ích. Em nghĩ là mình quá may mắn vì đã đọc được những điều này vào ngày đúng ngày hôm nay, ngày đầu tiên em bắt đầu khóa học thạc sĩ, và cũng là ngày em cảm thấy vô cùng mệt mỏi và căng thẳng vì không thể hiểu hết những kiến thức trên lớp, không biết phải bắt đầu bài tập cuối kỳ từ đâu, choáng váng với cảm giác bị bỏ lại trong những cuộc thảo luận và loay hoay với hàng tá những nhiều mới mẻ.
Những chia sẻ của chị thực sự đã truyền cảm hứng và giúp em tự tin hơn trên con đường phía trước.
Em cám ơn chị rất nhiều và xin chúc chị luôn khỏe mạnh, hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc blog! Chị vẫn còn nhớ ngày đầu tiên bước vào khoá học Thạc sĩ thật quay cuồng, lúng túng, và mệt mỏi. Nhất là khi mới vừa làm quen với môi trường học tập và văn hoá mới. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi, mọi việc sẽ tốt lên nhiều! Mọi khó khăn sẽ khiến ta trưởng thành hơn. Chúc em học tập tốt nhé!
Anna Nguyen says
Chào chị,
Em đã theo dõi chị từ lâu. Và hôm nay tình cờ đọc lại bài viết này. Em thật sự rất ngưỡng mộ và cảm ơn chị nhiều lắm ạ. ^^
Con đường học vấn của em khá gian nan. Em mất nhiều thời gian so với bạn bè để biết mình muốn gì, thích gì. Hiện tại, em cũng đang trải qua quãng thời gian chông chênh, khi phải cân bằng nhiều việc: viết báo cáo thực tập, khóa luận, đi làm thêm, học thêm… để hoàn thành chương trình học sớm hơn một năm, có tiền, công việc ổn định. Có những lúc em cũng cảm thấy rất áp lực và căng thẳng khi phải giữ học bổng GPA, cảm thấy tự ti, cô đơn, lạc lõng giữa bạn bè lắm. Cũng có những lúc em cảm tưởng như bị mất niềm tin vào tương lai và muốn bỏ cuộc giữa chừng luôn.
Nhưng may mắn là cho đến tận giờ, dẫu mệt, dẫu bận bịu nhiều, em vẫn thực hiện khá tốt những mục tiêu của mình.
Em cũng có ước mơ săn học bổng du học thạc sĩ như chị. Hi vọng em cũng sẽ hoàn thành mục tiêu đó sớm.
Những chia sẻ của chị đã truyền cho em rất nhiều động lực.
Em cảm ơn chị nhiều. Chúc chị ngày càng hạnh phúc, thành công hơn và có thêm nhiều bài viết thú vị hơn nữa, chị nha!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết nhé! Đôi khi chị cũng muốn quay lại thời bận bịu ngày xưa (mặc dù giờ cũng bận nhưng theo kiểu khác :D) vì hồi đó mình có nhiều năng lượng, hoài bão, và không có quá nhiều trách nhiệm. Chúc em nhiều thành công nhé em!
Gwen Nguyen says
Em vừa đến một chân trời mới tròn một tháng. Những cảm xúc mà chị kể ở trên thật sự rất giống với cảm xúc của em trong thời gian này.
Em được an ủi rất nhiều, cảm ơn chị, luôn chờ những bài viết ý nghĩa từ chị.
Hieu Thuy says
Một bài viết thật hay chị ơi. Cám ơn chị ạ.
Hoàng Thái says
Biết podcast của chị quá những chia sẻ của Kira qua kênh The Hanoi Chamomile giờ em biết tại sao bạn ấy yêu thích như vậy,vì chính bản thân em cũng yêu thích giọng đọc của chị qua lần đầu nghe ạ.Những lời nói và chia sẻ đaz tiếp thêm cho bản thân em nhiều động lực trong học tập,công việc,cuộc sống ạ.❤️❤️❤️
Thanh says
bài viết của chị có lẽ là tương lai của em, du học bằng học bổng, 1 mình đối mặt với khó khăn, nhưng chính những thứ đó sẽ làm em trưởng thành hơn, và sau này sẽ là thứ khiến em tự hào vì tuổi trẻ của mình.
Hoàng Hải Linh says
Cảm ơn và ngưỡng mộ chị Chi thật nhiều. Em cũng đang cố gắng hết sức, hy vọng rằng em cũng sẽ có thể bằng hết sức lực và thời gian tuổi trẻ này để làm được hết nhưng gì em muốn, bước đến một chân trời mới, được đi học, được trải nghiệm và sống hết mình. Hy vọng vài năm sau, em sẽ quay lại đây báo với chị là em cũng đã thành công rồi, dù em và chị cách nhau nửa vòng Trái Đất và chị không biết em là ai.
Em cảm ơn chị thật nhiều.
phuong says
Bài viết này quá hay chị Chi ơi. Có những đoạn em đã tưởng tượng ra hình ảnh khó khăn của chị và lo lắng cho chị, chắc là vì cách viết của chị đi vào lòng em. Em thật khâm phục và em sẽ cố gắng học hỏi cái ý chí cao từ chị
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ với chị nhé!
Anonymous says
Cảm ơn chị Chi Nguyễn, thực sự bài viết của chị chạm tới trái tim em – 1 đứa đang lạc lối trong chính những con đường mình đã chọn. Thật vậy, là những con đường chị ạ. Bài viết cho em động lực đứng lên, nỗ lực hơn nữa nhưng cũng phải soi xét lại chính bản thân mình. Liệu mình đang ở đâu, có phù hợp với những con đường ấy hay bản thân còn chưa đủ cố gắng 100%. Cố gắng chứ đừng cố chấp. Ai cũng hiểu. Vậy cố gắng bao nhiêu là đủ để đừng thành cố chấp?