Comparison is the thief of joy — So sánh là kẻ trộm niềm vui (Theodore Roosevelt)
So sánh bản thân là thói quen thường ngày của con người. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy mình thường xuyên đem bản thân ra so sánh với người khác, so sánh từ hình thức, phong thái, đến suy nghĩ, nhận thức. So sánh để thấy mình tốt đẹp hơn người, và so sánh cũng để thấy mình thua kém hơn người. Tương tự với so sánh, ghen tị cũng là bản tính thông thường của con người, không có ai có thể khẳng định rằng mình chưa từng đố kỵ, so đo với người khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của mạng xã hội như Facebook, Instagram…, ta dường như so sánh bản thân nhiều hơn, thường xuyên hơn, và khó kiểm soát hơn. Nhiều nghiên cứu tâm lý học gần đây đã chỉ ra rằng việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên khiến con người trở nên tiêu cực và khắt khe hơn với bản thân. Nếu như ngày xưa, phải đợi đến những buổi họp lớp, hội trường, đám cưới… mọi người mới có dịp gặp nhau để tâm sự thì bây giờ, ai cũng có thể dễ dàng cập nhật cuộc sống của bạn bè trên mạng xã hội. Thông tin về những chuyến đi du lịch nước ngoài, lễ cưới, sinh con đầu lòng, thăng chức, du học.. liên tục được chia sẻ, khiến ta khó có thể ngừng so sánh bản thân và ghen tị vớ người khác. Có câu, “Comparison is the losing battle” (so sánh là một cuộc chiến bại), ý nói dù bạn có là ai, dù cho có thành công, hạnh phúc đến mức nào, bạn sẽ luôn tìm ra điều để “dìm” mình xuống mỗi khi so sánh với người khác. So sánh chỉ khiến ta cảm thấy thất vọng về bản thân, thấy xã hội tiêu cực đầy rẫy bất công, thấy ai ai cũng may mắn hơn mình.
Mỗi “con nhà người ta” đều có “bố mẹ người ta” (Chi Nguyễn)
Nói chuyện với hầu hết những đứa bạn hồi nhỏ của tôi, tôi nhận thấy ba mẹ ít so sánh mình với “con nhà người ta” hơn hẳn mọi bố mẹ khác, hoặc có so sánh thì tôi cũng không để vào đầu. Tôi còn nhớ hồi học cấp 1, khi cả lũ còn thò lò mũi xanh, đánh vật với “a, bờ, cờ” thì một người bạn gái cùng tuổi trong xóm tôi đã biết đi chợ, dọn nhà, nấu ăn cho cả chục người lớn (nhà bạn kinh doanh và mướn nhiều người làm công). Thế là tôi thường xuyên “được” đem ra so sánh với bạn ấy. Bao nhiêu lần tôi không để ý việc nhà, nấu cơm vụng, hay nhặt nhầm rau là từng ấy lần tôi nghe chuyện sáng nay ở chợ bạn ấy mặc cả mua được món gì, trưa hôm trước bạn ấy quét sân gọn ra sao, rồi tối qua bạn ấy nấu cho nhà món gì. Ban đầu tôi cũng thấy hơi tủi thân. Một lần tình cờ, khi tôi sang người bạn này chơi, mẹ bạn chỉ ngay vào tôi và nói rằng: “Đấy! Con phải học tập bạn Chi học hành nghiêm túc, chăm chỉ” và quay sang tôi bảo: “Con T. nhà cô học hành cứ vớ va vớ vẩn, đầu óc toàn để đi đâu”. Đấy là lúc mà tôi nhận ra rằng mọi so sánh đều là khập khiễng, bạn phải làm việc nhà nhiều thì lấy đâu ra thời gian mà học, còn tôi phải đi học nhiều thì lấy đâu tâm trí để vào việc nhà, nhất là khi tuổi còn nhỏ như vậy! Từ đó, mọi so sánh người lớn áp đặt dường như đều “miễn nhiễm” với tôi.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng có nhận thức sớm như vậy. Đa phần trẻ đều cảm thấy thiếu tự tin, mặc cảm, ghen tức khi bị đem ra so sánh với bạn mình. Nếu bậc phụ huynh nào tình cờ đọc được blog này và còn đang nghĩ rằng việc so sánh con mình với “con nhà người ta” có thể “giúp” con tiến bộ hơn, tôi xin khẳng định với các bố, các mẹ là so sánh không bao giờ là hình thức giáo dục tích cực. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những gì phương pháp “con nhà người ta” gây ra cho tâm lý của trẻ có thể đeo đẳng đến tận thời kỳ trưởng thành, tạo nên thói quen luôn đem bản thân ra so sánh với người khác. Thói quen này có ảnh hưởng tiêu cực và rất khó để thay đổi, kể cả khi đã có can thiệp tâm lý. Vì vậy, nếu muốn con trưởng thành là người vui vẻ, hạnh phúc, tự tin, cần ngừng so sánh con ngay từ hôm nay.
Stop comparing and start living — Ngừng so sánh và bắt đầu sống
Dường như càng trưởng thành, con người càng so sánh nhiều hơn và khắt khe hơn với bản thân. Khi không còn bị người lớn áp đặt ganh đua, tự mình lại bắt đầu đem bản thân đi so đo với người khác — và đó là điều đáng sợ nhất! Nhiều năm trước, tôi chợt nhận ra mình không hoàn toàn “miễn nhiễm” với so sánh và ghen tị như thời còn nhỏ. Rất nhiều lần, tôi bắt gặp mình đang nhen nhóm cảm giác đố kỵ với thành công của người khác, đặc biệt đối với những mục tiêu mà chúng tôi cùng hướng tới. Mặc cho lý trí chỉ cho tôi hiểu rằng thành công luôn đến với những người xứng đáng, thâm tâm tôi thường xuyên đặt câu hỏi về khả năng của mình và tự trách bản thân thiếu “may mắn”. Cùng lúc đó, một số người lại âm thầm lấy tôi ra để so sánh, có người bạn từng tâm sự rất thật với tôi rằng nhìn vào thành công của tôi, bạn cảm thấy tiêu cực khi nghĩ về mình. Điều này làm tôi không khỏi suy nghĩ: Điều gì khiến chúng ta không ngừng so sánh và ghen tị lẫn nhau?
Vài năm gần đây, tôi để tâm nhiều hơn đến cách tôi đón nhận thành công của người khác và cách tôi nói về thành công của mình. Tôi nhận ra rằng so sánh là hai chiều, bạn bắt đầu so sánh bản thân khi nhận được cập nhật tích cực từ người khác (thường là người bạn luôn dõi theo và so sánh với) và người khác cũng bắt đầu ghen tị với bạn khi bạn “khoe” thành tích của mình (dù là vô tình hay hữu ý). Do vậy, tôi cảm thấy nếu cả hai bên đều ý thức được hành động của mình và hạn chế làm tổn thương người khác, chúng ta có thể ngăn chặn mầm mống của so sánh, ghen tị, và soi mói tiếp tục lây lan. Đây là quá trình mà tôi vẫn phải nhắc bản thân rèn luyện hàng ngày, hàng giờ để thanh lọc tâm hồn. Dù còn nhiều điều phải thay đổi, tôi nhận ra những điểm sau đây thực sự hữu ích để giúp tôi ngừng so sánh và bắt đầu sống:
1. Hiểu rằng mọi so sánh đều là khập khiễng
Có vô vàn yếu tố tạo nên sự thành công của mỗi người, không ai giống ai, và không thành công nào đến chỉ nhờ vào may mắn. Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ thành quả của mình mà ít khi kể lại những khó khăn, vất vả, hy sinh đã phải bỏ ra để đạt được thành quả cuối cùng. Vì vậy, đem bản thân ra so sánh khi chưa biết hết thông tin về người khác là bất công cho chính mình. Vâng, tôi biết, tôi biết, có những người sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn phần đông người khác và vì thế, có thể với tay cướp lấy những cơ hội mà người khác phải phơi nắng dầm mưa, bầm dập ganh đua mới có được. Vâng, tôi cũng hiểu đó là bất công xã hội. Nhưng bạn ơi, nếu ta cứ tập trung vào những điều tiêu cực mà mình khó có thể thay đổi được thì sớm hay muộn, ta cũng sẽ cúi đầu theo những bất công đó. Ta sẽ ngừng cố gắng, ngừng vươn lên, sẽ tự thuyết phục bản thân phải chấp nhận hạn chế của mình, sẽ không bao giờ dám mơ những giấc mơ lớn. Vì vậy, hãy hiểu rằng mọi so sánh đều chỉ có tính tương đối, hãy đặt toàn bộ nguồn năng lượng tích cực vào bản thân mình để hướng đến cuộc sống mà ta hằng mong ước.
Trước khi tôi viết blog này và bắt đầu cởi mở hơn về những vất vả, khó khăn, và thất bại tôi đã trải qua trên hành trình của mình, nhiều người từng nghĩ rằng tôi đang sống một cuộc sống trên mây. Tôi còn nhớ khi bài viết đầu tiên của tôi về việc học ở Mỹ được đăng cách đây 2 năm, nhiều bạn học và người quen lâu năm không liên lạc bất chợt gửi tin nhắn cho tôi. Họ nói rằng nếu không nhờ bài viết, họ sẽ không bao giờ hiểu được tôi đã trầy trật như thế nào để được đi học và xoay xở cuộc sống ở một đất nước xa lạ, họ từng nghĩ tôi là đứa may mắn nhất, sung sướng nhất. Tôi đã khóc khi đọc những tin nhắn này, bởi vì trong những ngày tháng khó khăn nhất, tôi từng phát ghen với những người bạn mình được ở gần bố mẹ, có gia đình và công việc ổn định, sống cuộc sống dù bộn bề nhưng ít căng thẳng, áp lực. Bạn thấy đấy… Mọi so sánh đều là khập khiễng.
2. Suy nghĩ thấu đáo khi sử dụng mạng xã hội
Như tôi đã viết, mạng xã hội là khởi nguồn của những đố kỵ, soi mói, khiến ta khó kiểm soát được luồng suy nghĩ tiêu cực và không ngừng so sánh bản thân với người khác. Để rèn luyện tư duy tích cực, tôi nghĩ ta nên bắt đầu suy nghĩ thấu đáo hơn khi sử dụng mạng xã hội.
Thứ nhất, khi đọc được thông tin cập nhật từ người khác, hãy hiểu rằng đó chỉ là một phần cuộc sống của họ. Bên cạnh một bộ phận nhỏ những người “sống ảo” thì phần đông mọi người thường chỉ đưa lên mạng những khoảnh khắc vui vẻ nhất, những bộ quần áo đẹp nhất, những trạng thái tốt nhất… của mình. Vì vậy, bạn không làm gì phải bỏ tâm trí vào so sánh cuộc sống của mình với họ. Nếu bạn nhận thấy mình thường xuyên so sánh và cảm thấy khó chịu khi đọc cập nhật về người khác (có thể là những người “sống ảo”, xem bản thân là trung tâm của vũ trụ, hoặc luôn tiêu cực), bạn có thể ngừng kết bạn (unfriend) hoặc ngừng theo dõi (unfollow) để tạm thời làm dịu tư tưởng của mình. Thay vào đó, hãy theo dõi những người bạn tốt và những trang mạng xã hội tích cực (như The Present Writer – Facebook page) để đọc những điều truyền cảm hứng cho bạn mỗi ngày.
Thứ hai, vì so sánh và ghen tị là từ cả hai phía, hãy cân nhắc trước khi đưa cập nhật của mình lên mạng xã hội, hãy đặt mình ở phía người đọc và nghĩ xem chia sẻ của mình khiến người khác cảm thấy như thế nào. Chỉ một vài năm trước đây thôi, tôi từng đăng vô tội vạ những điều tôi nghĩ mọi người nên biết về tôi, ví dụ như hơn 100 tấm ảnh – 3 albums cho một chuyến đi du lịch nước ngoài, những dòng tranh luận phô trương kiến thức một cách không đáng, hay phóng đại những thành công nho nhỏ của mình… Tôi không lấy gì làm tự hào về điều này – những gì tôi “khoe” trên mạng xã hội không những đã bóp méo hình ảnh về cuộc sống thật của tôi, mà còn khiến người khác có cái để so sánh, để suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Ngày nay, tôi chỉ chọn đăng những điều thật nhất về cuộc sống hàng ngày của mình, chỉ chọn cập nhật những cột mốc thành công (mà tôi cho là) có ý nghĩa nhất, và ngừng hẳn những chỉ trích, than vãn vô nghĩa. Tôi khuyến khích bạn thử thực hiện những thay đổi này, bắt đầu bằng việc đánh giá lại những chia sẻ của mình trong quá khứ và “thanh tẩy” trang mạng xã hội của mình. Không chỉ bạn trong tương lai, mà những người quen của bạn sẽ cảm ơn về điều này.
3. Trân trọng những giá trị của mình
Trong bài viết đầu tiên về Tư duy tích cực, tôi đã khẳng định rằng việc trân trọng những giá trị bản thân và biết ơn những gì mình có (gratitude) là phương pháp hiệu quả nhất để rèn luyện tư duy tích cực. Trong trường hợp này cũng vậy, nếu bạn biết trân trọng những giá trị vốn có của mình, bạn có thể tự kéo bản thân ra khỏi hố đen tiêu cực của việc so sánh bản thân và ghen tị với người khác. Gratitude Journaling là phương pháp rất tốt để hàng ngày nhắc bản thân quay lại với hiện tại, biết ơn với những gì mình có, và tập trung nguồn năng lượng tích cực vào cá nhân mình. Thiền cũng là một cách để giúp ta bình tâm hơn. Mỗi khi bạn cảm thấy mình đang bắt đầu nhen nhóm lòng ghen tị với người khác, hãy hít một hơi thật sâu để nhận vào nguồn năng lượng tích cực từ vũ trụ, và thở ra một hơi dài để đào thải đi những luồng suy nghĩ tiêu cực.
Quan trọng hơn cả, hãy yêu bản thân nhiều hơn! Lớn lên dưới nền văn hoá Á Châu, tôi hiểu rằng yêu bản thân dễ bị quy chụp là ích kỷ, cá nhân—đặc biệt đối với phụ nữ, những người “đáng ra” phải đặt gia đình trên hết, phải tay năm tay mười làm cho người khác, phải lăn xả vào hy sinh tất cả. Nhưng yêu bản thân (self-love) là một trong những điều tuyệt vời nhất con người có thể làm cho chính mình. Nếu bạn không yêu, chăm sóc, và tôn trọng bản thân, bạn sẽ không thấy hạnh phúc khi chăm sóc người khác, và những người bạn hy sinh cho cũng sẽ không hiểu được hết sự hy sinh của bạn. Do vậy, nhất là đối với các bạn nữ, tôi khuyên bạn nên dành nhiều thời gian cho mình, làm tất cả những điều bạn thích làm (không chỉ những điều bạn nên làm), và thường xuyên nghĩ đến những giá trị tốt đẹp của bản thân. Đối với tôi, yêu bản thân có nghĩa là dành 10 phút mỗi tối mát-xa mặt sau một ngày làm việc mệt mỏi, có nghĩa là một ngày trong tuần không làm gì cả chỉ đọc sách, uống trà, hay cũng có nghĩa là hàng ngày nói với bản thân một điều tuyệt nhất mình đã làm. Mỗi người có thể có định nghĩa và cách yêu bản thân khác nhau. Nhưng điều cốt lõi là đừng bao giờ ngại thể hiện tình yêu với bản thân và luôn luôn trân trọng những giá trị tốt đẹp của mình.
Như một giáo sư của tôi từng nói, khi ta bắt đầu ngừng so sánh, ta bắt đầu biết đến tự do. Tôi và bạn, hãy cùng ngừng so sánh bản thân ngay hôm nay để bắt đầu sống. Tôi tin rằng: The best is yet to come, for me, for you, and for everyone. <3
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Dao Tran says
Cám ơn bài viết của Chi! Rất hay!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã theo dõi blog!
Linh says
Cảm ơn chị vì bài viết sâu sắc. Nhiều khi e cũng rất hay so sánh mình với những người xung quanh và cảm thấy không vui khi họ hơn mình cái gì đó. E biết vậy là không tốt và cũng cố gắng suy nghĩ tức cực cũng như cố gắng dành thời gian để việc tập thể dục, nấu ăn, di dạo để quên đi mà nhiều lúc vẫn không tránh khỏi. Trong khi đó e biết rõ rành bản thân mình cũng có rất nhiều thứ mà người khác cũng rất ghen tị. Sự so sánh nhiều hơn khi e nghỉ làm và chỉ ở nhà chăm con nhỏ ( e mới sinh cháu) , chắc có nhiều thời gian lướt web hơn. Hihi.
E sẽ cố gắng tập dần thôi không ss bản thân với ngừoi khác nữa.
Thanks chị nhiều. Chúc chị và gia đình luôn mạnh khoẻ!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài và chia sẻ! Chúc mừng em mới có em bé! Như chị cũng viết trong bài, bản thân chị cũng cần phải rèn luyện theo các bài tập về tư duy tích cực hàng ngày để hạn chế so sánh bản thân. Đây đúng là cả một quá trình! Chúc em may mắn — có điều gì giúp em thay đổi tích cực hơn chia sẻ trên blog với chị nhé! 🙂
Nam says
Em cũng từng ngày qua ngày so sánh mình với người khác, và gần đây mới biết đấy là điều rất không đáng. Nhưng thay đổi bản năng của não bộ không phải đơn giản.
Chi Nguyễn says
Chào Nam! Đúng là không dễ dàng gì để thay đổi bản năng và thói quen của mình. Nhưng nhận thức ra đó là điều không tốt để thay đổi đã là một bước tiến lớn rồi 🙂 Chúc em nhiều may mắn!
Uyên Thảo says
Chào chị, cảm ơn chị rất nhiều về bài viết này ạ.
Đã không ít lần em cảm thấy stress vì cứ không ngừng so sánh mình với các bạn của mình. Điều đó thực sự làm em thấy mệt mỏi nhưng không sao dứt ra được. Đọc bài của chị em phần nào ngộ ra được ít nhiều. Bài của chị thật gần gũi và cô đọng. Mong lại được chị chia sẻ những kinh nghiệm đáng quý như thế này.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc blog! Chị cố gắng viết hàng tuần vì những lời động viên của bạn đọc như em! Cám ơn em!
Mai says
Trước tiên em phải cảm ơn chị vì đã chia sẽ những điều có ích về tư duy tích cực. Em là 1 đứa lúc nào cũng suy nghĩ tiêu cực (gần như là vậy), nên em rất hay để ý đến tính xấu hay những điều ko tốt của ng khác, cũng rất hay so sánh bản thân với người khác, đặc biệt chồng em là nạn nhân thường xuyên của em. Sau khi có con nhỏ, em còn dễ stress hơn, từ đó bọn em rất hay cãi nhau chỉ vì những điều vụn vặt do em khơi mào. Nhờ bài viết của chị mà em nghĩ mình cần phải thay đổi, sẽ cố gắng viết journal, tạo lập routine tốt để có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Em cảm ơn chị rất nhiều, chúc chị và gia đình hạnh phúc.
Sẽ thường xuyên theo dõi blog và fb của chị để hưởng lây tư duy tích cực 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn em rất nhiều vì đã đọc blog!. Chị rất thông cảm với chia sẻ của em về chuyện vợ chồng cãi nhau vì những chuyện vụn vặt bởi vì chị cũng có trải nghiệm tương tự. Từ ngày rèn luyện tư duy tích cực, không khí gia đình chị cũng tốt lên rất nhiều. Chúc em may mắn và nhiều niềm vui trong quá trình rèn luyện tư duy tích cực nhé! <3
Nguyen says
Cám ơn bài viết của chị ạ. Em luôn hay so sánh mình với bạn bè khi thấy người khác ăn nói khéo léo, nhanh mồm nhanh miệng hơn. Bản thân em là người nhút nhát, ít nói, sau một thời gian dài học tập và trải nghiệm bây giờ mới tự tin hơn được một chút. Em sinh năm 95, cũng tự kiếm được việc ở công ti nước ngoài, về kiến thức so với bạn bè cùng tuổi không đến nỗi nào, nhưng so với những người lớn tuổi hơn vẫn còn kém cỏi lắm. Em cũng cố gắng rèn luyện tiếng Anh hàng ngày, đọc sách, học các khóa trên Lynda.com, đi du lịch, học nhảy vv. để tăng hiểu biết, tự tin. Chị có thể viết thêm 1 phần nữa về làm thế nào để tự tin trước những người giỏi hơn, xinh đẹp hơn mình không (ngoài cách tăng thêm hiểu biết em đang làm)?
Cám ơn chị nhé. Em cũng không biết phải nói chuyện này với ai cả.
Chi Nguyễn says
Chào em! Cám ơn em nhiều vì đã comment chia sẻ trên blog một vấn đề riêng tư như vậy. Chị cảm thấy em là một cô gái năng động, giỏi giang, tự biết trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng dể thành công. Chị không có góp ý thêm gì về những gì em đang làm (có thể chị còn phải học tập thêm em nữa!). Nhưng nếu em đã làm nhiều như vậy mà vẫn cảm thấy mình chưa tự tin, chị nghĩ có thể em đang hơi khắt khe với bản thân quá. Chị nghĩ em đang làm rất tốt và không có lý do gì để cảm thấy thiếu tự tin cả. Nếu có thể, em nên viết gratitude journal để nhắc bản thân thêm về những gì mình đã làm được và những gì mình muốn làm trong tương lai: https://thepresentwriter.com/ren-luyen-tu-duy-tich-cuc-phan-1-journaling/
Thu Hằng says
Tiếc là đến tận lúc này em mới biết đến chị và theo dõi từng bài viết của chị. Em như được khai sáng về những điều hoàn toàn mới đối với em. Và em chắc là với nhiều người cũng vậy.
Mỗi bài viết của chị như kim chỉ nam cho em, em đang đọc và làm theo từng chia sẻ của chị, nó thật tuyệt!
Cảm ơn chị vì đã bỏ công chia sẻ nhiều điều hay thế này đến mọi người.
Trễ nhưng em nghĩ không muộn! Em đang và sẽ thay đổi để tốt hơn <3
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi blog! Chị mới bắt đầu viết blog chưa được đến 1 năm nên em không bị lỡ quá nhiều điều đâu :). Chị rất vui vì em thấy các bài viết hữu ích!
Lê Anh Vũ says
Cảm ơn bài viết rất hay của Chi. Lời văn giản dị, dễ hiểu, rất lôi cuốn. Cảm ơn bạn :). Xin phép mình share lên fb.
Hoài Thu says
Cảm ơn chị Chi vì bài viết rất hay của chị. Thực sự nhờ bài viết này mà em thoát được khỏi những stress mà em tự đặt ra cho mình một thời gian dài vừa qua.
Em vừa tốt nghiệp đại học 1 năm, em đang trong quá trình tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng du học. Thực sự càng tìm hiểu càng thấy áp lực và nhiều lúc muốn bỏ cuộc vì khó khăn quá chị ạ. Em dù không muốn nhưng trong lòng luôn nhen nhóm sự đố kỵ với thành công của người khác; đố kỵ với những bạn mà gia đình có điều kiện cho đi du học tự túc; đố kỵ với những bạn hướng ngoại khi hoạt động ngoại khóa, leadership, awards, researches của các bạn ấy nhiều thế mà mình chẳng có. Và cả những nỗi sợ không tên khác luôn làm gánh nặng cho suy nghĩ của em.
Sau khi đọc xong một số bài viết của chị và đặc biệt là bài này, thực sự em cảm thấy tự tin hơn và suy nghĩ tích cực hơn. Em cảm ơn chị nhiều.
Nhờ một bạn mà em được biết đến https://thepresentwriter.com của chị, bạn ấy nói với em rằng đôi khi cảm thấy áp lực, bạn ấy nghĩ tới chị Chi, 27 tuổi vẫn đang còn học, tiền nghiên cứu cũng vẫn phải chắt bóp từng tí. Nên mình ko phải sợ cái nỗi sợ, là sợ muộn, sợ lỡ thời gian, sợ mình nói ra mà không làm đc. Nghĩ thoáng lên và đừng ép bản thân theo khuôn mẫu nào đó, hãy sống vì mình.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em (và người bạn của em) đã theo dõi blog và nghĩ đến chị mỗi khi em gặp khó khăn. Em còn trẻ nên cảm thấy áp lực về tương lai là chuyện bình thường, em đừng lo nghĩ quá, hãy cứ tập trung vào những gì mình có thể làm được ở thời điểm này. Ngày hôm nay (13/12 giờ Việt Nam) chị sẽ viết tiếp một bài về chủ đề này, với góc nhìn hơi khác đi một chút. Em ghé blog đọc nhé! 🙂 — Chúc em nhiều may mắn
Van Nguyen says
Doc bai cua chi, em cam thay tich cuc hon, se thu ap dung nhung phuong phap chi gioi thieu. Cam on chi nhieu ak.
Loan Nguyễn says
Cảm ơn bạn rất nhiều. Hôm nay mình đi tìm một điều gì đó cho câu hỏi của mình về sự ghen tị, và mình tìm thấy ở đây điều mình muốn thấy. Lần đầu biết tới blog của bạn, có lẽ sẽ còn nhiều điều để mình khám phá ở nơi đây. Cảm ơn bạn lần nữa vì đã chia sẻ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé blog. Mình viết khá nhiều bài về đề tài này nhưng dưới nhiều trải nghiệm và câu chuyện khác nhau. Hy vọng bạn sẽ quay lại đọc thường xuyên những bài ở nhiều mảng khác nữa 🙂
Dat says
Bài viết của bạn rất hay. Mình nghĩ nguyên nhân sâu xa của đố kị là cùng chung lợi ích. Người ta thường ko đố kị với ai ko chung lợi ích với mình mà ngược lại rất hào phóng với họ. Mình biết có những người bạn thân với nhau trong cùng một lớp đông người, nhưng khi đi du học, chỉ có hai người học với nhau thì sinh ra đố kị. Vì họ cùng chung quá nhiều lợi ích. Mình nghĩ khi đó nên áp dụng tư duy cùng thắng thì sẽ rất hay, thay vì đố kị thì hợp tác đôi bên cùng có lợi sẽ là giải pháp tuyệt vời.
Ngoài ra mình cũng nghĩ rằng đố kị ko hẳn đã là xấu nếu ta biết điều chỉnh một chút. Nếu ta có thể lấy đố kị, sợ đối phương hơn mình làm động lực phấn đấu thì cũng rất hay. Thay vì chơi xấu đối phương, ta vẫn có thể cho phép đố kị một chút với người khác để lấy động lực.
Mình thấy các bài viết trên blog của bạn rất hay. Cảm ơn bạn nhiều
Ly My says
Biết được chị từ khi đọc review của sách ” Cha giàu, cha nghèo” , lời văn nhân ái và giản dị đi vào lòng người, đọc rất nhiều bài viết của chị, may mắn vì biết đến Blog này, bài này rất rất hay nên hôm nay mạo muội comment ạ :)))))
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã theo dõi mình. Bài viết review “cha giàu, cha nghèo” cũng là lần đầu mình mới bước vào con đường học nghiêm túc về quản lý tài chính cá nhân. Giờ mình thấy mình đã trưởng thành nhiều và có thêm nhiều điều để chia sẻ với mọi người 🙂
NhungPham says
Cảm ơn Chi về bài viết. Nó giúp chị tiếp tục hướng đến nhiều suy nghĩ tích cực hơn. Chị xin phép chia sẻ câu tiếng anh cuối bài của em lên Page của mình để lần truyền cảm hứng được không em?
Chi Nguyễn says
Tất nhiên là được chị à 🙂 Em cảm ơn chị đã đọc bài viết ạ
Luna says
Cảm ơn chị đã cho em nhận ra được nhiều bài học tuyệt vời, e rất thích cách viết và lối tư duy của chị, mong chị sẽ còn ra nhiều bài nữa để e có thể học hỏi được nhiều hơn nữa ạ 😊, chúc chị một ngày vui vẻ ☀
Trương Minh Thùy says
Cảm ơn chị Chi rất nhiều! Ngày bé em cũng hay bị ba mẹ so sánh với con nhà người ta, lanh mồm lanh miệng, khôn khéo biết ăn nói, còn mình thì vụng về, ko biết giao tiếp. Lúc đó em còn nhỏ nghe ba mẹ nói vậy cũng tin, cũng buồn lắm nhưng ko biết nó ảnh hưởng tiêu cực đến mình thế nào. Mãi tới giờ đi làm rồi, em cứ luôn mặc định trong đầu là mình ko giỏi ăn nói và rất sợ giao tiếp với khách hàng. Nhưng sau nhiều biến cố em mới tỉnh ngộ tại sao mình lại cứ nghĩ như vậy nhỉ, nhiều khi nhìn vào kết quả công việc thấy mình cũng đâu giao tiếp tệ đến vậy. Sau thời gian nghiền ngẫm, em mới phát hiện đó cũng là một hậu quả khi bị so sánh lúc nhỏ. Đọc bài của chị em như được nói hộ nỗi lòng, cảm ơn chị nhiều. Em tự nhủ khi nào làm mẹ rồi, em sẽ ko so sánh làm tổn thương con cái của mình như ngày xưa mình đã từng bị.
Hoàng Văn Ngọc says
Chào chị Chi. E là Hoàng Ngọc đây. Thực sự rất cảm ơn chị vì sau khi học tập theo những chia sẻ của chị, e đã cảm thấy tâm trạng mình khá hơn rất nhiều. Thực sự rất cảm ơn chị!