(Bài viết được biên tập và đăng lại từ blog cũ, đăng gốc Ngày 22 Tháng 5, 2014)
Tròn là từ thường xuyên hiện ra trong đầu tôi khi học về giáo dục, văn hoá và xã hội Châu Á. Nói đến Châu Á thì ở UPenn chúng tôi học nhiều về Trung Quốc, Hàn Quốc, và Ấn Độ, đơn giản vì những nước này họ có nhiều người xuất bản nghiên cứu về xã hội hơn ở Việt Nam và cũng tạo nhiều điệu kiện hơn cho người nước ngoài đến nghiên cứu về nước họ (cả mặt tốt và xấu), và cũng có nhiều tài liệu bằng tiếng Anh hơn. Tuy nhiên, không lo, bất cứ khi nào có cơ hội được phát biểu trên lớp tôi cũng so sánh, cũng kể là ở Việt Nam thế này, thế khác. Bây giờ có lẽ bạn học của tôi và giáo sư cũng thuộc làu một số điểm đặc biệt về giáo dục Việt Nam mà có lẽ người Việt Nam không quan tâm cũng không biết tới.
Nhưng nói khác thì khác, còn tựu chung lại tôi thấy giáo dục của Việt Nam rất giống với Trung Quốc. Chúng ta có thế “ném đá” Trung Quốc nhiều mặt, nhưng (xin) đừng phủ nhận thực tế là Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc rất lớn, từ hệ tư tưởng, quan hệ gia đình – làng xóm, đến chính sách giáo dục (học kỳ Mùa Thu 2013 tôi có làm một nghiên cứu so sánh chính sách giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam, suýt đi vào ngõ cụt vì chính sách “học tập” nhau đến 90%). Tuy nhiên, bài viết này tôi sẽ không đề cập vấn đề đó mà chỉ mượn nghiên cứu về Trung Quốc và Hàn Quốc để liên hệ về Việt Nam (hay Châu Á nói chung).
Tại sao lại Tròn? Tôi nghĩ là tròn trong từ tròn trịa, tròn vo; tròn có nghĩa là trong cuộc sống mong muốn lớn nhất là không va chạm vào ai, không sóng gió, mong muốn cân bằng, điều hoà tất cả mọi việc, và cao hơn nữa là hoàn hảo tuyệt đối. Đọc đến đây mọi người có thể nói là hoàn hảo thì ai chả thích, không va chạm thì ai chả mong, cứ gì Châu Á. Tôi cũng từng nghĩ thế, cho đến khi đọc được nghiên cứu về người ngoại quốc viết về Châu Á, họ nhìn xã hội của chúng ta theo lăng kính của người đứng ngoài, mặc dù có nhiều điều hạn chế, nhưng có những điểm rất thú vị mà chúng ta– những người trong cuộc – đôi khi coi như hiển nhiên.
Học kỳ vừa rồi tôi đọc được một bài viết rất hay của Vanessa Fong (2007) tên là Parent-Child Communication Problems and the Perceived Inadequacies of Chinese Only Children, nói về quan hệ của cha mẹ đối với con cái ở Trung Quốc. Đây là bài viết theo tôi là cao điểm thể hiện của khái niệm Tròn mà tôi muốn đề cập.
Bài viết kể về một số trường hợp học sinh, bên cạnh tên mỗi em là một vài “từ khoá” về nhận xét của bố mẹ về các em, ví dụ: Xu Qun: Không quan tâm đủ, không quan hệ xã hội đủ, không thật nghe lời, không xuất sắc và không đủ tự lập. Tôi trích kể một trường hợp.
Có một em bé gái (tôi thấy có nhiều nét giống tôi và bạn tôi hồi nhỏ), tạm đặt tên “Việt hoá” là Tâm. Em Tâm học hành cũng bình thường, bố mẹ “rất tự hào” khi nói về em bởi vì em … đi học là về nhà ngay, không đi chơi la cà với bạn bè, và bố mẹ em cũng khuyến khích việc “thường xuyên ở nhà”. Tuy nhiên, ở nhà Tâm cũng không phải chỉ để học, em dành rất nhiều thời gian xem phim. Một lần, Fong (nhà nghiên cứu) đến nhà Tâm ăn cơm cùng rất đông họ hàng và chứng kiến bố mẹ Tâm bắt em vào phòng bếp nấu ăn (với lý do là “con gái cần quan tâm đến mọi người”). Nhưng Tâm đang muốn xem nốt tập cuối một bộ phim em theo dõi từ lâu rồi nên sau một hồi thì tấm tức vừa cắt rau vừa khóc. Mẹ em tát cho em một cái vào vì “chả có gì mà khóc” và “làm xấu mặt gia đình trước người khác”. Sau bố Tâm bảo em có thể quay vào xem phim nhưng Tâm tiếp tục lầm lũi vừa khóc vừa cắt rau và nói dù sao phim cũng hết rồi. Cảm giác tấm tức của một cô bé mới lớn dưới áp lực “là con gái” làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Bài học quét nhà” của Nam Cao (một trong những truyện yêu thích của tôi).
Fong còn quan sát rằng mặc dù bố mẹ Tâm không thích con cái đi chơi với bạn bè nhiều nhưng coi là “trách nhiệm” phải đi chơi cùng anh chị em họ hàng. Một lần Tâm tranh luận với mẹ vì mẹ bắt em đi chợ với cô em họ, nhưng Tâm cuối cùng cũng phải đi, phụng phịu nói: Bố mẹ luôn nói thời gian là quý giá, không cho tôi làm gì nhiều ngoài việc học, nhưng thường xuyên bắt tôi làm những việc “vô bổ” thế này.
Khi Fong quay lại làng của Tâm (sau một vài năm để làm nghiên cứu so sánh), Tâm đã đi làm ở siêu thị gần nhà và có bạn trai. Bố mẹ Tâm không thích người bạn trai. Khi Tâm nấu ăn cho người yêu (thể hiện đúng như mẹ nói là “con gái cần quan tâm đến mọi người”), mẹ Tâm lại giận vì ở nhà em không nấu ăn cho gia đình họ hàng mà đi nấu cho người yêu. Về việc làm của Tâm, ban đầu em không thích đi làm vì bạn cùng làm xấu tính, bợ đỡ sếp và hay nói xấu em. Nhưng bố mẹ Tâm hết sức khuyên răn không được nghỉ làm, phải học quan hệ xã hội, “học” theo người ta vì đó mới là xã hội, và phải tỏ ra hoà đồng ở nơi làm. Tâm (với rất ít kinh nghiệm xã hội vì không được giao tiếp mấy với bạn bè) cố gắng hoà nhập. Sau khoảng nửa năm, em hoàn toàn thích nghi với môi trường mới và còn thường đi chơi với đồng nghiệp, em cũng học “đỡ lưng” sếp để công việc suôn sẻ hơn. Nhưng lúc này bố mẹ em lại không vừa lòng vì nghĩ Tâm đã “nhụt chí” và “an phận” với công việc làm siêu thị, bố mẹ em muốn em tìm việc tốt hơn. Cuối cùng, cả Tâm và bố mẹ em đều không vui mà Tâm cũng không biết làm sao để mọi người đều vừa lòng.”
—
Qua một số trường hợp nữa, Fong phân tích, cha mẹ Trung Quốc đưa cho con những thông điệp khác hẳn nhau (mixed messages), vừa muốn giữ con ở nhà lại muốn con giỏi giao tiếp xã hội, muốn con quan tâm đến người khác nhưng chỉ giới hạn sự quan tâm này trong gia đình – họ hàng, muốn con độc lập nhưng lại phải tuyệt đối nghe lời mình, muốn con vừa trung thực nhưng lại vừa “khôn khéo” …
Tuy nhiên, cái tôi thích nhất ở bài viết này là Fong không áp đặt hay phán xét các trường hợp là tốt hay xấu hay dạy con phải thế này thế kia mà chỉ phân tích các khác biệt về văn hoá. Mặc dù chưa nuôi dạy con, tôi cũng phải đồng ý rằng có lý do để cha mẹ dạy con như vậy, họ sinh ra và lớn lên trong xã hội yêu cầu “phải thế này, nhưng cũng phải thế kia …” và “không được thế này quá, không được thế kia quá …” thì việc dạy con như vậy là đương nhiên để chuẩn bị cho một xã hội yêu cầu sống tròn trịa như thế. Tuy vậy, là một người phụ nữ và là người làm giáo dục, tôi cảm thấy dường như xã hội Châu Á tầng tầng lớp lớp yêu cầu đối với việc đối nhân xử thế, và khá mệt mỏi để làm vừa lòng mọi người, có khi vừa lòng được mọi người rồi thì lại không vừa nổi lòng mình.
Tôi từng làm ở nhiều nơi khác nhau, nhà nước có, tư nhân có, chính phủ, phi chính phủ, ở Việt Nam, ở nước ngoài. Nói chung môi trường nào, dù “trong sáng” đến đâu cũng phức tạp về quan hệ người – với người, nhất là phụ nữ với nhau. Tôi từng thấy có chị sống rất tròn, ai nói gì cũng cười, ai mắng gì cũng nhận, lúc nào cũng nhìn trước nhìn sau xem có chạm phải ai không, tóm lại là một “người con gái Việt” sống ổn định, mong hết giờ làm về nhà chăm chồng con. Nhưng không phải ai cũng thích chị ấy, có người còn ví chị như một con rùa, ngoan thì ngoan nhưng lăn lóc trong mai rùa ở xó nhà, nhìn là muốn … đá! (phụ nữ nhiều khi “ngoa” thế đấy). À thế ra tròn trịa cũng không hẳn là ổn, thế nên có một chị rất thân làm cùng tôi mới “dạy” là thi thoảng phải “thí” cho dư luận một ít điểm không hay về mình cho người ta thấy mình cũng “là một phần” của cộng đồng. Nhưng mà chia sẻ hẳn ra thì cũng khốn, có chị làm cùng tôi hồi xưa bị mọi người ghét ra mặt, không hiểu tại sao. Sau thân thân rồi tôi hỏi lại thì ra là hồi mới vào làm, chị ấy lỡ kể với một người là làm cơ quan lương 3 cọc 3 đồng ko đủ nên kinh doanh bên ngoài làm thu nhập chính. Thế là từ đó từ sếp đến nhân viên không ai giao chị việc gì lớn vì nghĩ là chị làm ở cơ quan chỉ “cho vui” thôi. Khổ thế đấy. Bảo sao các mẹ không dạy còn “phải thế này…nhưng cũng phải thế khác”
Nhưng tại sao mọi người vẫn tung hô những mẫu người tự tin, vẫn dạy con “phải là chính mình”, làm sao có thể vừa tự tin/vừa là chính mình mà lại vừa “nghe ngóng” mọi người xung quanh và chiều lòng tất cả được? Phải chăng là phải Méo, là phải chấp nhận có những cái mình khác người, sẽ có va chạm, có xung đột nhưng được sống đúng với bản thân. Kiểu như tôi biết mọi người sẽ thích hơn nếu tôi thế này, thế kia, nhưng tôi chỉ có như thế thôi, miễn là tôi không hại đến ai, cứ để tôi là tôi. Tôi đã từng gặp rất nhiều người như vậy, đa phần là đàn ông – có những người méo nhưng rất thành đạt. Một giáo sư ĐH ở Mỹ đã từng kể với tôi là khi còn trẻ ông ý cũng khốn khổ vì phải chiều lòng mọi người, bây giờ có tiền, có địa vị rồi thì “I don’t give a sh*t”. Tôi cũng gặp nhiều phụ nữ méo, người ta vẫn “mỹ hoá” bằng từ “cá tính”. Ví dụ trong khi mọi người tung hô sự “cá tính” của mấy bạn gái như Huyền Chip hay siêu mẫu Hà Anh (tranh luận xung quanh mấy người này tôi không bàn đến, nhưng khẳng định họ “cá tính” theo định nghĩa của phần đông người Việt Nam), thì bao giờ đi kèm tung hô cũng có mấy “anh” nhảy vào: “có đàn ông Việt nào dám lấy em?” rồi “liệu đường sang Tây mà lấy chồng, trai Việt không ai chứa”. Tôi thấy rất là nực cười, trai Việt anh là ai? Tại sao có mẫu phụ nữ này thì “được” đàn ông Việt yêu, mẫu phụ nữ kia thì “phải” Tây mới thích?
Liệu có thể có phụ nữ vưà tròn lại vừa méo, vừa “hoà nhập” với xã hội, vừa có cá tính riêng; trong công việc thì sắc sảo, quyết đoán nhưng đã về nhà với chồng là phải “ngoan”; vừa quảng giao xã hội tốt lại vừa “tề gia nội trợ” hướng vào gia đình; tóm lại “vừa thế này, lại vừa thế kia”? Nếu đây là một câu hỏi thật sự thì câu trả lời của tôi là Có. Có kiểu người phụ nữ như vậy, rất nhiều người phụ nữ gồng mình lên để có thể “chân bước 2 cầu” như vậy. Người điển hình chính là mẹ tôi– một người phụ nữ đã “master” trò chơi tròn méo này (mặc dù không bao giờ thích) để che chắn cho tôi đã hơn ¼ cuộc đời. Nhưng nếu hỏi tôi có thể/có muốn làm như mẹ không – có muốn con gái mình như mẹ không thì câu trả lời sẽ đểu là Không vì cuộc đời mỗi người chỉ có một, tại sao lại phải sống thành hai?
Tôi quan niệm, dù là “người phụ nữ Việt Nam” (với đủ các phẩm chất đạo đức “được” liệt kê trong sách giáo khoa) hay là phụ nữ Tây hay Tàu thì tròn hay méo là quyền lựa chọn của mỗi người. Xin đừng có, “vì em là người Việt Nam/vì em là đàn bà nên em phải thế”, khi em không thế thì “chắc là em “bị” Tây hoá quá rồi”. Xin bố mẹ khi dạy con, đặc biệt là con gái, hãy nghĩ đến câu chuyện của Fong, nghĩ đến những nghiên cứu của người nước ngoài về Châu Á, và đừng nghĩ rằng những gì mình áp đặt cho con là “đương nhiên”, tất cả đều mang ý nghĩa sâu xa về xã hội, văn hoá, giáo dục, giai cấp, tôn giáo, và bình đẳng giới.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
—————–
Tham khảo
Fong, Vanessa. 2007. Parent-Child Communication Problems and the Perceived Inadequacies of Chinese Only Children. Ethos 35(1): 85-127.
Huong says
Em tình cờ thấy blog của chị được share bài ” chủ nghĩa tối giản ” trên facebook nên vào đọc mà đến bài này không thể không comment, hay quá chị ơi, đúng là “cuộc đời mỗi người chỉ có một, tại sao lại phải sống thành hai?”, người nào ghét mình thì mình có đứng yên ngta cũng ghét, sao mà vừa lòng thiên hạ được. Những cuộc tranh luận về đề tài này với mẹ em chưa bao giờ có hồi kết luôn :((. Rồi em có chị bạn “xinh xắn/ công việc tốt/ lương cao, 30 t chưa chồng vì mẹ bắt đi làm 7h tối có mặt ở nhà, bây giờ bắt cưới vì bảo ế mà ko biết cung đường 20p từ chỗ làm về nhà đúng giờ thì chị ấy kiếm đâu thời gian mà tìm chồng ” :D. Mong chị sẽ viết blog đều chị nhé <3
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã chia sẻ! Nếu em thích bài viết này và có suy nghĩ về vấn đề quan hệ giữa người với người, có lẽ em sẽ thích bài viết mới nhất vừa đăng trên blog: “Bốn thoả ước để giải phóng bản thân…“. Em đọc thêm và nói cho chị biết suy nghĩ của em nhé! 🙂 – Chúc em một ngày tốt lành!
Titi says
Em cảm ơn chị vì những bài chia sẻ, tất cả.
Em đánh mất sự tự tin vào bản thân và cuộc sống vì những vấp ngã khi 18 tuổi, gia đình em ít được chia sẻ nên có nhiều sự việc trong cuộc sống em hoàn toàn trở nên nhu nhược, điều em chưa từng nghĩ mình sẽ là con người như vậy… nó kéo dài gần 10 năm. Cho đến 2 năm trước em bắt mình khác đi, lấy lại tự tin mà hành trình đó rất khó.
Tình cờ em biết được blog của chị, em đọc, đọc, đọc, những vấn đề của em hiện lên rất rõ, những định hướng của chị rất phù hợp với em hiện tại, khiến em tự tin hơn vào bản thân. Em rất mong chờ nhiều bài viết từ chị hơn nữa.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em rất nhiều vì đã đọc blog và chia sẻ câu chuyện của mình. Chị sẽ viết thêm nhiều hơn nữa vì những bạn đọc như em 🙂
Canh Van Le says
cảm ơn bạn , bài viết rất hay. Mình sẽ cho vợ tương lai và bạn bè đọc bài này, để họ tránh những sai lầm khi nuôi dạy con cái. Vấn đề này còn phải nghiên cứu và tìm hiểu dài dài. Khá đau đầu.
Vân Anh says
Cảm ơn chị vì một bài viết ý nghĩa như vậy. Em cũng từng đọc những bài viết về người phụ nữ nhưng em không tìm được bài viết mang ý nghĩa khách quan , không chê hay khen chỉ đơn thuần là chia sẻ cho đến khi đọc bài của chị. Cảm ơn chị nhiều 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Bài viết này dựa trên bài báo nghiên cứu khoa học nên không có khen-chê mà chỉ dựa trên lập luận khoa học để đưa ra kết luận. Tới đây, chị cũng muốn tìm những bài báo kiểu như thế này để chia sẻ trên blog
Anh Thao says
Em mới biết đến blog chị tối qua và đã đọc ngấu nghiến vào những khoảng thời gian trống của mình trong ngày hôm nay, vừa đọc vừa tâm đắc, vừa nhìn lại bản thân mình, những dòng chị viết như là đang nói hộ lòng em, em luôn nghĩ mình không thể làm hài lòng tất cả mọi người, chỉ có thể sống vui, sống tốt, cố gắng cho bản thân, không tác động đến ai, nhiệt thành với mọi người rồi thời gian sẽ làm cho người đời nhìn nhận về mình như cách mà mình muốn họ nhìn nhận, có đôi khi em cũng hơi khó chịu về cách mà đám đông suy nghĩ, “họ chỉ tin điều họ muốn tin” rồi lấy em ra để phán xét này nọ, em không buồn, em nghĩ “tính ra mình cũng được chú ý” quá nhỉ 😀 trong khi em không hề đề cập và chả làm gì tác động đến họ trong đời sống cá nhân của em, phải chăng vì cách em không quan tâm đến họ khiến họ phải “gây sự chú ý” với em như vậy sao (vì em là đứa không được quảng giao, tuy nhiên em sẽ chủ động nở nụ cười tươi với cô lao công hay bà quản lý trong ktx hay với người vui vẻ dễ thương, chủ động chào em một cách chân thành không “thảo mai” và gượng gạo).
Và bài viết này, em thấy hay cho câu “… khá mệt mỏi để làm vừa lòng mọi người, có khi vừa lòng được mọi người rồi thì lại không vừa nổi lòng mình.” và câu ” vì cuộc đời mỗi người chỉ có một, tại sao lại phải sống thành hai?”. Thật biết ơn vì em được biết đến chị, đến với thepresentwriter, “be present”-cách mà em vẫn sống lâu nay từ khi học được cách yêu và trân trọng bản thân nhưng chưa thể gọi nó thành cái tên rằng “phải sống cho hiện tại”. Chúc chị luôn khỏe mạnh và sống vui nhé <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì sự đồng cảm. Be Present <3
Yên Chi says
Cảm ơn bài viết của Chi.
Hoàng Thái says
Bài viết rất hay ạ.Em mới đọc blog của chị sáng nay và rất yêu thích văn phong của chị ạ.❤️❤️❤️