Khoảng 2 năm trước, tôi tình cờ đọc được bản tóm tắt của cuốn sách The Four Agreements (Bốn Thoả Ước) của Don Miguel Ruiz trong một tiệm sách cũ ở Boston. Bản tóm tắt chỉ đơn giản nói rằng đây là bốn thoả ước để giải phóng bản thân, đồng thời giới thiệu từng thoả ước trong 1-2 câu ngắn. Tôi đọc lướt rất nhanh và gấp sách lại, hoàn toàn không có ý định sẽ ghi nhớ cuốn sách này. Vậy mà, từ đó trở đi, mỗi khi tôi gặp phải tình huống khó khăn, bốn thoả ước đó lại vang lên trong đầu để trấn an tôi và giúp tôi thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ mình nên tìm cuốn sách để đọc lại một cách đầy đủ. Tuy nhiên, việc này nối tiếp việc kia, tôi cứ nhớ rồi lại quên cuốn sách này.
Cho đến mùa hè năm nay, cuốn sách lại tìm đến khi tôi đang dạy học trong chương trình mùa hè cho học sinh cấp 3 tại Mỹ. Trong buổi họp soạn giáo án, một đồng nghiệp của tôi, vốn là giáo viên dạy giỏi, đưa ra ý kiến rằng lớp học phải có một số nội quy chung để học sinh noi theo. Tuy nhiên, thay vì đưa ra những luật lệ khô cứng, bạn này gợi ý sử dụng cuốn sách Bốn Thoả Ước để học sinh tự tìm hiểu và biết mình nên làm gì để thể hiện sự tôn trọng với bản thân, bạn bè, và thầy cô giáo. Chúng tôi đồng ý và đem bốn thoả ước này giới thiệu tới hơn 20 học sinh ngay buổi đầu nhập học.Trong cả mùa hè, các em học sinh đưa tôi đến từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi thường xuyên dùng bốn thoả ước để giải quyết các vấn đề cá nhân. Tôi từng chứng kiến một em đang rất giận vì bị một nhóm các em khác đổ lỗi, nhưng chỉ sau một khoảnh khắc, em đã có thần thái bình tâm hẳn vì “điều thoả ước số 2 nói rằng những điều người khác nói về em không phải là do em, em biết em là ai”. Tôi cũng từng nghe một em khác tâm sự rằng đêm qua em khóc vì áp lực học tập, nhưng sáng ra em đã cảm thấy tốt hơn vì “điều thoả ước số 4 nói em luôn luôn phải cố gắng hết mình”. Tôi ngỡ ngàng trước sức mạnh của cuốn sách. Tôi nghĩ nếu các em học sinh 15, 16 tuổi còn hiểu và áp dụng được những giá trị này vào hoàn cảnh khó khăn của mình, ắt hẳn cuốn sách đã giúp cho hàng triệu người từ mọi lứa tuổi.
Vì vậy, mùa hè năm nay tôi đã đọc đầy đủ cuốn sách. Đây là một cuốn sách mỏng nhưng rất uyên thâm. Tôi có cảm giác đây là một trong những cuốn sách mà mỗi lần đọc lại tôi sẽ ngộ ra những điều mới mẻ. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu cơ bản nội dung bốn thoả ước, kèm theo trải nghiệm của tôi với từng thoả ước.
—
1. Không phạm tội với lời nói của mình (Be impeccable with your words): Don Miguel cho rằng lời nói là sức mạnh lớn nhất của con người. Một lời tốt đẹp có thể đưa người ta lên mây xanh nhưng một lời nói xấu xa có thể đưa người ta xuống bùn đen. Lời nói có thể trở thành “lời nguyền” (spell) ám ảnh con người tới suốt đời. Tác giả đưa ra ví dụ nếu một bé gái nghe người khác nói mình xấu xí, cô bé đó lớn lên sẽ luôn nghĩ mình xấu. Cho dù cô xinh đẹp đến mức nào, có được người khác khen đến đâu, sâu thẳm bên trong cô vẫn nghĩ mình xấu. Có ai trong chúng ta khi còn nhỏ từng bị chê là dốt, là chậm, là kém thông minh? Điều này ảnh hưởng đến con người trưởng thành của ta như thế nào? Lời nói có sức mạnh đáng sợ vì nó có thể khiến ta coi thường bản thân. Nếu ta tin rằng lời người khác nói về mình là thật, ta cũng sẽ tự nhắc đi nhắc lại trong đầu là ta dốt, ta chậm, ta kém thông minh. “Khẩu nghiệp” tiếp tục lan ra ra khi ta nói xấu hay đưa chuyện về người khác. Tác giả giải thích rằng sở dĩ nhiều người thích ngồi lê đôi mách (gossiping) bởi vì nó khiến con người thấy gần nhau hơn, thấy mình đẹp hơn, vui hơn, được coi trong hơn khi biết người khác xấu xí, đau khổ, không được coi trọng. Nhưng đây cũng là nguồn cơn khiến con người đau khổ trong khi tiếp tục reo rắc đau khổ cho người khác.
Tôi đã đọc thoả ước thứ nhất này nhiều lần nhưng lần nào đọc cũng xúc động như lần đầu tiên bởi vì nó nhắc tôi nhớ rất nhiều “lời nguyền” tôi nhận được khi còn nhỏ. “Vẽ không đẹp”, “không học giỏi Toán”, “dốt tiếng Anh”, “vụng việc nhà”, “chỉ được cái cần cù bù thông minh”, “cao quá/thấp quá”, “gầy quá/béo quá” … tất cả những lời nói này đều từng là điểm yếu của tôi trong rất nhiều năm. Tôi từng sợ cầm bút vẽ trước đám đông, từng ngại tính toán khi đi cùng người khác, từng không nói được tiếng Anh, từng hạn chế nấu ăn cho người khác, từng giả vờ là mình không chăm chỉ … Những điều này từng tước đi rất nhiều cơ hội quan trọng và khiến tôi không tự tin vào bản thân mình. Những năm gần đây, khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng một khi tôi không quan tâm đến người khác nghĩ gì và không cần cảm thấy phải chứng mình cho ai hết, tôi mới dần “hoá giải” được những lời nguyền này để làm điều mình muốn. Đồng thời, tôi cũng tránh tham gia những câu chuyện ngồi lê đôi mách, hạn chế nói về người khác sau lưng họ và ngừng nghe người khác tào lao về mình. Sống và làm việc trong môi trường nhiều nữ giới, việc không tham gia ngồi lê đôi mách có thể khiến tôi có vẻ khó gần và ít “thú vị” hơn đối với một số người. Nhưng đối với tôi, đó không phải là giá trị quan trọng của cuộc sống. Tôi biết tôi là ai, có sống tốt hay không, có ảnh hưởng như thế nào tới mọi người, đó mới là điều quan trọng.
2. Không quy mọi việc về mình (Don’t take anything personally). Tác giả nhấn mạnh rằng những điều người khác nói, suy nghĩ, và hành động đều xuất phát từ thế giới quan của riêng họ. Vì vậy, đừng nên quy bất kỳ điều gì, dù tốt hay xấu, là về mình. Nếu ai đó nói với bạn rằng bạn là một kẻ thất bại, đừng nên quy thất bại về mình và cũng không cần cãi nhau với họ vì những gì họ nghĩ và những gì bạn nghĩ có xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau. Nếu ai đó nói với bạn rằng bạn là người thành công, cũng đừng nên quy thành công đó về mình. Bạn biết mình thành công hay thất bại, và không cần có ai khác để chứng minh hay phủ nhận điều đó. Don Miguel cho rằng, nếu không quy mọi việc về mình, ta sẽ “miễn nhiễm” khỏi những lời nói của người khác, ngưng đổ lỗi cho bản thân, và tự tin hơn về những quyết định của mình.
Đối với tôi, đây là điều khó nhất trong bốn thoả ước. Rất khó để không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe người khác chỉ trích mình. Rất khó để không đổ lỗi cho bản thân khi người khác quy tội về mình. Rất khó để ngừng ảo tưởng về bản thân khi mọi người tâng bốc mình. Đối với việc học và nghiên cứu của tôi, viết là kỹ năng sống còn. Viết quan trọng đến mức nó trở thành bản ngã và điểm nhạy cảm của tôi. Thời gian đầu khi tôi mới bắt đầu viết học thuật (academic writing), bài viết của tôi bị sửa rất nhiều, chi chít những dấu đỏ của giáo sư hoặc người biên tập. Mỗi lần như vậy, mặc dù rất biết ơn những lời nhận xét thẳng thắn, tôi không khỏi hoang mang nghĩ rằng mình có thực sự viết được không, tiếng Anh của mình có bao giờ đủ để làm công việc này không, hay mình có đánh giá cao quá khả năng của mình hay không… Sau một vài năm viết lách thường xuyên và cũng nhận được nhiều lời khen chê, tôi nhận ra rằng để tự tin viết tiếp, tôi phải tách bản thân ra khỏi sản phẩm của mình. Ví dụ, nếu bài viết tôi gửi đi bị đánh giá thấp, điều đó không có nghĩa là tôi không có khả năng, chỉ có nghĩa là bài viết đó không tốt mà thôi. Tương tự, bài viết được đánh giá cao cũng không có nghĩa là khả năng của tôi hơn người khác, mà chỉ là bài viết đó làm hài lòng cảm quan của người đọc khi đó. Tôi tin rằng, tách bản thân ra khỏi công việc mình làm có thể giúp ta nhận ra điểm chưa tốt hay điểm tốt ở công việc đã làm trước đó để sửa sai hoặc phát triển hơn ở công việc sau, nhưng không chỉ trích, dằn vặt, hay ảo tưởng về khả năng của bản thân.
3. Không giả định, phỏng đoán (Don’t make assumption). Tác giả cho rằng, con người thường có xu hướng đưa ra giả định, phỏng đoán về mọi việc thay vì tìm kiếm thông tin xác minh hay hỏi thẳng về sự việc. Vấn đề của việc đưa ra phỏng đoán này là dần dà ta sẽ tin đó là sự thật. Ví dụ khi một đồng nghiệp không chào bạn, bạn dễ đưa ra phỏng đoán là người này không thích bạn, rồi lại tiếp tục suy diễn lý do tại sao người này làm như vậy. Vì không dám hỏi thẳng người đồng nghiệp, những giả định, phỏng đoán do chính bạn tạo ra khiến cho bạn dằn vặt, đau khổ, dễ dẫn đến nói xấu người đồng nghiệp để cảm thấy mình thoải mái, an toàn, và có phe cánh hơn. Nhưng sự thật là gì? Có thể chỉ là người đồng nghiệp này không nhìn thấy bạn, chưa kịp mở lời chào, hoặc đang có chuyện buồn không vui vẻ chào hỏi… Con người cũng thường áp đặt giả định của mình vào người khác, cho rằng người ta nghĩ giống mình, hành xử giống mình, và đọc được ý nghĩ của mình. Tác giả viết nhiều về vấn đề này trong quan hệ tình cảm. Thông thường với những người càng thân thiết với ta, ta lại càng dễ áp đặt suy nghĩ của mình mà không chia sẻ những điều mình muốn với họ. Ví dụ như khi thấy chồng/vợ/người yêu/gia đình không làm những điều như ta nghĩ họ nên làm, ta thường nói: “ĐÁNG RA anh/em/con phải hiểu điều này” hay “Những điều như vậy KHÔNG CẦN PHẢI NÓI RA cũng phải hiểu chứ!” Sự thật là mỗi người là một chủ thể riêng, kể cả khi bạn tìm được “nửa kia” hay “bạn tâm giao”, đó cũng không hoàn toàn là lý do để ngừng trao đổi với người đó. Đưa ra giả định, phỏng đoán, rồi kỳ vọng không có cơ sở ở người khác là mầm mống bất hoà và buồn khổ ở con người.
Chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Á Đông, tôi từng rất ngại nói thẳng suy nghĩ của mình cho người khác. Tôi từng nghĩ người ý nhị, thông minh là phải nói nửa vời (“ý tại ngôn ngoại”) để người khác “nghe một hiểu mười”. Cho đến khi tôi gặp chồng tôi, một người sinh ra ở một nền văn hoá khác, tôi mới nhận ra mình nói chuyện khó hiểu đến thế nào. Khi mới quen nhau, chúng tôi thường bất đồng quan điểm chỉ bởi vì tôi không nói hẳn ra suy nghĩ của mình. Chồng tôi (khi đó làm chủ nhà hàng) đã phải đưa ra ví dụ: “Khi khách bước vào nhà hàng của anh gọi món, người ta phải nói chính xác họ muốn gì, kể cả có phức tạp đến đâu. Ví dụ, thịt nướng tái nhưng không có nước đỏ, có ăn rau nhưng không cà chua, cho nước sốt A thay vì nước sốt B… Mặc dù có hơi mất thời gian ban đầu nhưng dễ dàng hơn rất nhiều cho người nấu vì họ đã biết chính xác thứ khách cần. Nếu em không nói ra chính xác cái em cần, không ai có thể làm vừa lòng em cả!” Tôi từng phì cười khi nghe ví dụ có vẻ hơi “chợ búa” này nhưng nó thật sự rất đúng. Suốt 3 năm qua, tôi luyện tập nói ra 100% những gì mình muốn với mọi người với tất cả sự tôn trọng và lịch sự mình có. Mặc dù còn nhiều điểm hạn chế, đến nay tôi đã nói được nhiều hơn những suy nghĩ của mình và điều này thực sự làm các mối quan hệ của tôi thành thật và dễ chịu hơn.
4. Luôn làm hết khả năng của mình (Always do your best). Thoả ước cuối cùng là hành động để biến ba thoả ước phía trên thành sự thật. Mặc cho kết quả thế nào, luôn làm hết sức mình, không hơn không kém. Nếu bạn làm quá sức, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và không muốn làm tiếp. Nếu bạn làm dưới khả năng của mình, bạn sẽ cảm thấy thất vọng. Vì vậy, điều tốt nhất ta có thể làm là làm hết khả năng của mình. Don Miguel cho rằng tư duy này khiến con người làm việc hiệu quả hơn, không chần chừ đợi chờ bỏ lỡ thời cơ nhưng cũng không nóng vội làm hỏng cơ hội của mình. Vì đã làm hết khả năng của mình, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn với hiện tại.
Luôn làm hết khả năng của mình là tôn chỉ làm việc của tôi. Tôi luôn nói với bản thân, bạn bè, và học trò của mình rằng không bao giờ nên hướng tới sự hoàn hảo mà chỉ nên tập trung vào những điều tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Ví dụ như khi tôi bắt đầu xây dựng blog The Present Writer, tôi hầu như không biết gì về lập trình hay thiết kế. Ngày tôi cho khởi động trang web (hay thậm chí đến ngày hôm nay), blog còn chưa hoàn thiện, có rất nhiều điều tôi muốn sửa chữa và thay đổi. Tuy nhiên, nếu tôi cứ đợi chờ đến thời điểm blog hoàn hảo, có lẽ tôi sẽ không bao giờ cho ra nổi một bài viết. Tương tự, vì blog này là hành trình phát triển của tôi, có thể tương lai tôi sẽ trưởng thành hơn và cảm thấy những điều tôi đang viết ở thời điểm này là chưa tốt. Nhưng không sao cả! Đây là điều tốt nhất tôi có thể làm ở thời điểm hiện tại với tư duy, hoàn cảnh, và trải nghiệm của tôi ở thời hiện tại.
—
Như đã viết ở đầu bài, bốn thoả ước của Don Miguel Ruiz có tầm ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ. Đây là cuốn sách nhỏ mà hữu ích cho mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp xã hội, và mọi hoàn cảnh khó khăn bạn đang gặp phải. Vì đây là loại sách phát triển bản thân (self-help), nó không hoàn toàn dễ đọc và dễ để bạn mộng mơ như tiểu thuyết hay các loại sách văn học khác. Tuy nhiên, nếu bạn đọc lại nhiều lần (tôi thường đọc lại một vài chương khi gặp vấn đề trong cuộc sống) và ứng dụng nó vào cuộc sống hàng ngày, tôi tin bạn sẽ tìm được niềm vui và bình yên trong tâm hồn để sống một cuộc sống tự do và hạnh phúc hơn.
Be Present,
Chi Nguyễn
Đọc phần tiếp theo (viết sau 2 năm) tại đây
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
le phuong hieu says
Cảm ơn chị về lời giới thiệu này!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Sách đã xuất bản ở Việt Nam rồi đó 🙂
Ly Tran says
Ôi em ơi, quá tuyệt vời… Chị đọc nhiều bài của em rồi, nhưng bây giờ mới viết vài ba dòng comments. Em viết thêm nhiều nhiều nữa cho chị đọc ké với 🙂 Tuyệt cú mèo !!!
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị Ly. Em sẽ cố gắng viết đều! 🙂
Dai-Duong Tran says
Hi Chi. Đọc xong bài viết này, anh thấy đúng quyển sách mà mình cần đọc lúc này. Trước đây, thể loại sách kiểu như self-help, personal development, chiếm đến 60% giá sách của anh. Nhưng từ khi bắt đầu học Msc, thời gian chủ yếu dành cho đọc technical books và research mà quên đi thói quen đọc sách phát triển bản thân mỗi tối. Nên cảm giác bị “trì trệ” đi và bị negative thinking có mầm mống phát triển :))) Anh vừa down xong quyển này, chút về phải đọc luôn thôi.
Chi Nguyễn says
Hay quá anh Dương! Đôi khi em thấy đọc sách self-help, personal development nhiều quá cảm thấy bị bão hoà, nhất là khi không thường xuyên đối chiếu áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Cho nên em cũng thường đọc lẫn sách technical/research và personal development cùng lúc để thay đổi tư duy. Đối với blog, em sẽ chọn và chỉ viết review những cuốn personal development thực sự dễ đọc và có ý nghĩa ứng dụng để có thể đọc lâu dài. Nếu anh thấy cuốn nào như vậy, giới thiệu cho em nhé!
Huyen Nguyen says
chị bắt đầu đọc cuốn này đây Chi ơi. Bản tiếng Việt thấy trên Tiki nhiều người chê dịch ko hay, nên đọc tiếng Anh 😀
Chi Nguyễn says
Nếu chị đọc được tiếng Anh thì nên đọc tiếng Anh ạ! Tại vì ngay khi em đọc tiếng Anh em cũng thấy một số đoạn rất “ảo” mà không biết dịch ra tiếng Việt thì như thế nào (bản thân em không dịch nổi)
Hiếu Lê says
Em đọc tiếng việt rồi các chị ạ, vô cùng trúc trắc, và đọc mất nhiều thời gian, nhiều đoạn dịch gần như là word by word.
Chi Nguyễn says
Chị cũng nghe nhiều bạn phản hồi như vậy. Tốt nhất có điều kiện mình đọc lại bằng tiếng Anh em ạ!
vqt says
“Tôi từng sợ cầm bút vẽ trước đám đông”
#aidámchêvẽxấu #feelingbứcxúc
à có sai chính tả chữ “giả vở ko chăm chỉ” kìa bạn C
Chi Nguyễn says
Hastag của bạn làm Chi thấy vui quá :). Cám ơn bạn đã chỉ lỗi typo của Chi nhé, mình đã edit lại
Huyền says
Mình thấy có quyển “Thỏa ước thứ 5”, nhưng chưa thấy nhà sách nào bán.
Chi Nguyễn says
Mình cũng có thấy cuốn “Thoả ước thứ 5” bản tiếng Anh bán ở Mỹ nhưng chưa có dịp đọc. Chắc một thời gian nữa mới có tại Việt Nam
Huy Hoàng says
Hôm nay em được share bài giới thiệu sách này của chị Chi. Những chia sẻ của chị thực sự hữu ích với em. Trong những ví dụ nhỏ mà chị kể về việc áp dụng 4 thoả ước, em nhìn thấy những vấn đề tương tự của chính mình và người thân của mình. Điều thú vị hơn là đọc xong bài viết, em mới nhận ra em đã từng gặp chị trong 1 buổi chia sẻ kinh nghiệm apply học bổng do US Guide host. Cảm ơn những nỗ lực của chị trong việc làm cho bản thân mình ngày một tốt hơn. Nhờ đó mà chị viết những bài viết hay, kể những câu chuyện hấp dẫn. Và cuối cùng, việc chị trân trọng, giúp đỡ bản thân lại mang lại giá trị lớn cho những người may mắn được biết đến chị. Em chúc chị có thêm nhiều bài viết hay và sớm hoàn thiện blog theo cách mà chị mong muốn.
Huy
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều vì đã đọc bài viết và có những lời động viên tích cực. Chị cũng là US Guide Mentor được 2-3 mùa rồi 🙂
Hưng says
Cảm ơn bạn nhiều. Các bài viết của bạn thực sự rất hay!
Nhân tiện về sách, ko biết bạn đã đọc cuốn ” Con đường chẳng mấy ai đi” ( The road less traveled) của bác sỹ tâm lý Scott Peck. Mình thấy đây là cuốn sách rất hay.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn! Mình chưa đọc cuốn này. Mình sẽ ghi chú lại để có dịp đọc
Nguyễn Minh Thu says
Chị xin phép được chia sẻ bài viết này của em về trang cá nhân của chị trên Zalo nhé em.
Cảm ơn em rất nhiều!
Chi Nguyễn says
Dạ vâng ạ
Canh Van Le says
Cảm ơn Chi đã giới thiệu cuốn sách này, mình sẽ tìm đọc thử, có vẻ rất hứa hẹn nó hợp với mình vì mình đang gặp các vấn đề như ở cái 1 và 2. Thank you very much!!!
Hường says
cảm ơn chị có những chia sẻ hay ạ!
Nhung Bui says
Bài này rất là hay chị ạ. Có khi em đọc bản tóm tắt này của chị rồi khỏi cần đọc sách luôn cũng đc, rồi làm cái tờ giấy khổ to viết bốn thỏa ước lên cùng với mấy ví dụ điển hình để treo trong phòng tự nhắc nhở mình mỗi ngày luôn 😀
Cảm ơn chị Chi pro 😀
Châu Cẩm says
Chào chị,
Em rất cảm ơn dòng đời đã xô đẩy em đến với blog của chị :). Em biết đến chị qua facebook, đọc những bài post của chị trên fb, rồi chuyển qua đọc những bài viết trên blog. Cảm ơn chị đã truyền cảm hứng cho em về lối sống tối giản, về đọc sách, và cả về viết blog nữa. Mong chị sẽ viết thêm nhiều bài hơn nữa để em có thể học hỏi từ chị nhiều hơn (em subscribe chờ rồi nè, chờ sách của chị nữa). Chị có dùng goodreads không nhỉ, nếu có thì có thể cho em follow đọc review được không?
Một lần nữa cảm ơn chị nha.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi blog! Chị có mở tài khoản goodreads nhưng chưa post gì vì chị review khá kỹ (hàng trang) ở blog nên chưa biết nên thay đổi cách review trên goodreads thế nào. Năm mới chị sẽ cập nhật nhiều sách hơn trên blog. Hiện tại em có thể xem list sách của chị ở đây: https://thepresentwriter.com/my-reading-list-sach-truyen-blog-hay-nhat-toi-tung-doc/
Dao Ho says
Chào bạn, mình mới đọc quyển này thời gian gần đây. Đúng là lời dịch không dễ hiểu chút nào cho các bạn trẻ, tôi cũng ngẫm nghĩ khá lâu mới nhận ra ý nghĩa của lời dịch trong sách. Để dễ dàng hiểu nội dung của sách hơn, chúng ta có thể thay thế các câu trong sách ra như sau:
” Giấc Mơ của Hành Tinh: = Giáo điều của Xã Hội, Văn Hóa, Tôn Giáo, Gia Đình.
“Giấc Mơ Mới” = Sống Cuộc đời mới ( theo niềm tin mới – rỏ hơn là sống đúng với bản chất của mình)
“Ký sinh trùng” = Niềm tin cũ – sai lệch mà ta bị nhồi nhét từ lúc nhỏ…
“Tấm Gương Ám khói” là chúng ta sống bị bao vây bởi những giáo điều không thật. Vì thế chúng ta không được cơ hội lộ diện bản năng tự nhiên và thật của mình. Vì thế không ai nhìn thấy rỏ ai.
Còn nữa tạm thời tôi nhớ nhiêu đây.
Lê Huy Vũ says
Cám ơn Em nhiều vì đã giới thiệu.
Chưa thấu hiểu lắm, nhưng có cái gì đó khai sáng ở cuốn sách này.
Anh cũng lớn tuổi nhưng vỡ ra được nhiều điều
Cám ơn Em !
Chúc nhiều niềm vui
Dieu Le says
Cảm ơn Chị về bài sách này, thật sự đúng nhu cầu và tim đen của những người đang mắc kẹt về suy nghĩ cũng như vấn đề giao tiếp như hiện nay. Trong đó có em! ^^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ. Chị có viết thêm một bài nữa về cuốn sách này ở đây: https://thepresentwriter.com/ngam-lai-bon-thoa-uoc/
BoaYang says
Những năm gần đây, khi đã trưởng thành hơn, tôi nhận ra rằng một khi tôi không quan tâm đến người khác nghĩ gì và không cần cảm thấy phải chứng mình cho ai hết, tôi mới dần “hoá giải” được những lời nguyền này để làm điều mình muốn.
Chị Chi ơi làm sao để mình có thể làm được điều này? Chị có thể chỉ cho em cách để rèn luyện nó không? Trong cuộc sống em gặp khá nhiều người mà sẵn sàng nói ra những lời không hay, không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Em cũng đọc khá nhiều sách self-help nhưng vẫn chưa giải được bài toán: phớt lờ những lời không hay của người khác… Những lời họ nói gây ảnh hưởng tới em và em lại ghi nhớ chúng rất lâu. Có nhiều khi thời gian trôi qua rồi mà có 1 cái dịp gì đó, hoặc có chuyện gì đó xảy ra mà có liên quan tới những lời nói đó thì ký ức đó lại quay về, và em lại buồn, khó chịu…
Chi Nguyễn says
Chị cũng vẫn đang hoàn thiện bản thân ở kỹ năng “phớt lờ” này, không ai hoàn toàn bỏ được nó cả em à 🙂 Em có thể xem bài follow up với bài này em có lẽ sẽ hiểu hơn: https://thepresentwriter.com/ngam-lai-bon-thoa-uoc/
Hà Trần says
cuốn này có bán cũ không chị Chi ơi?
Nhung Hà says
Xin cảm ơn những chia sẻ của Chi Nguyễn, thật sự cảm ơn. Nó khiến tôi cảm thấy mình sẽ tốt hơn mỗi ngày và chúc Chi mọi điều tốt đẹp.
Thuy Linh Dang says
Không ngờ Chi cũng đọc cuốn này. Tuyệt quá Chi ơi! Giống như mình tìm thấy được một sự đồng điệu khi đi tìm câu trả lời cho hành trình tìm lại bản thân! Với một người đã từng rất nhiều năm sống trong tiêu cực và là quan tòa cũng là nạn nhân, cuốn sách đã giúp mình rất nhiều!
Hành trình tới tự do thực sự!
Thương chúc Chi hạnh phúc!