Sáng Chủ nhật vừa rồi, như thường lệ, tôi dậy sớm dọn nhà. Lau chiếc gương lớn trong phòng ngủ bằng một miếng giẻ trắng, tôi bất chợt nhìn lại hình ảnh của mình. Đã bao nhiêu lần trong đời tôi từng soi gương? 29 tuổi, tôi vẫn vậy. Vẫn nước da nâu, đôi mắt nhỏ, hàng lông mày rậm, cặp kính cận, và chiếc mũi nhọn. Chiếc áo thun rộng lùng bùng mượn tạm của chồng che đi chiếc bụng bầu đã ngoài bảy tháng. Ngượng ngùng chỉnh lại cặp kính, co kéo lại chiếc áo thun, tôi chợt nhận ra hơn bất cứ điều gì, tính cách của tôi vẫn vậy — vẫn nội tâm, độc lập, mâu thuẫn. Đã không biết bao nhiêu lần đứng trước tấm gương này, tôi tập nở nụ cười rộng mở, tập phát biểu trước đám đông, tập bắt tay và nói những câu chuyện xã giao hỉ hả. Nhưng gương lau sạch rồi, tôi vẫn chỉ nhìn thấy mình. Tôi vẫn là tôi.
Trong suốt những năm qua, tôi nỗ lực không ngừng trên con đường phát triển bản thân, để có thể tạo ra những thay đổi cho cuộc sống của mình theo chiều hướng tốt hơn. Nhưng càng ngày, tôi càng nhận ra rằng, những thay đổi lớn nhất, có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất thực chất lại là những thay đổi hướng tôi trở về với chính con người vốn có của mình. Thật mâu thuẫn có phải không? Nhưng cách giải thích logic nhất tôi có thể diễn tả đó là, trước đây, khi chưa hoàn toàn trưởng thành, tôi không thực sự hiểu về con người của mình. Và chính vì sự thiếu hiểu biết này khiến cho những gì tôi nghĩ về bản thân thường chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài (người ngoài nhận xét về mình, xã hội đặt chuẩn mực như thế nào về người như mình…). Cho đến khi bắt đầu cuộc hành trình thay đổi bản thân—sửa đổi những điểm mà trước nay mình, người ngoài, và xã hội cho rằng “không hoàn hảo”—tôi mới nhận ra rằng mặc dù đúng là mình có nhiều điều cần thay đổi, đa phần những thứ “không hoàn hảo” đó lại bao hàm những điểm tốt đẹp, những phẩm chất không thể thiếu để tạo ra một cái tôi trưởng thành ngày hôm nay. Đặc biệt những năm gần đây, tôi gần như từ bỏ việc “tranh đấu” với chính bản ngã của mình để thay đổi, mà ngược lại, nương vào những phẩm chất “không hoàn hảo” vốn có để tìm hiểu chính mình và phát triển bản thân một cách phù hợp hơn.
====
Khi còn đi học, tôi thường tự ti vì cặp lông mày rậm, mọc lung tung, lởm chởm của mình. Trong khi nhiều bạn đồng trang lứa đã biết tỉa lông mày, kẻ lông mày, thậm chí xăm lông mày từ những năm lớp 8, lớp 9 thì mẹ tôi kiên quyết rằng tôi phải đợi đến năm 18 tuổi thì mới được “đụng chạm” đến lông mày. Theo quan điểm của mẹ tôi (một người, hoàn toàn ngược lại, có cặp lông mày thưa) thì thay đổi dáng lông mày sẽ làm cho khuôn mặt hoàn toàn khác hẳn; vì thế, phải khi gương mặt ổn định hẳn rồi thì mới nên sửa lông mày. Vậy nên đúng đến năm tôi 18 tuổi, chính xác là ngày cuối tuần ngay sau kỳ thi Đại học, mẹ dẫn tôi đến một cửa tiệm làm đẹp để tỉa lông mày. Khỏi phải nói, đó là một ngày vô cùng trọng đại đối với tôi! Bao nỗi hồi hộp, khấp khởi, lo lắng không biết mình sẽ thay đổi như thế nào khi có đôi lông mày mới hiện rõ một một lên gương mặt (có lẽ nếu đem ra so sánh với thời nay thì cũng như các bạn trẻ run rẩy khi đi phẫu thuật thẩm mỹ lần đầu vậy). Mà nào chỉ có tôi, cô thợ tỉa lông mày và một số cô bác khách hàng trong tiệm biết tôi đi làm lần đầu cùng hồi hộp, tò mò chờ đợi cuộc “lột xác” của tôi không kém. Và cuối cùng, sau khoảng chục phút tỉ mỉ gọt tỉa, cắt xén, cô thợ tuyên bố: “Xong rồi!”. Tôi hồi hộp mở mắt ra…
Và… Ngạc nhiên chưa! Gương mặt tôi hầu như không có chút gì thay đổi! 🙈. Nói một cách công bằng ra thì đúng là cặp lông mày có thành hình, thành dáng hơn, không còn những sợi mọc lung tung, lởm chởm nữa. Nhưng nó vẫn là cặp lông mày to, rậm mà tôi vốn có, chỉ gọn gàng, chỉn chu hơn mà thôi. Khi tôi còn đang bàng hoàng không ngờ sự thay đổi khủng khiếp mà mình chờ đợi bấy lâu lại “bé nhỏ” đến như vậy, các cô bác trong tiệm cũng có vẻ ngạc nhiên không kém, nhưng theo một cách khác. Mọi người xôn xao: “Oa, lông mày mới của cháu đẹp quá, nhìn tự nhiên, hiện đại”, “Tao mà có lông mày như con bé này, tao chả cần tốn tiền xăm trổ gì cho thêm đau, cứ thỉnh thoảng ra cạo tý là đẹp”, “Lông mày này sáng dậy quệt mấy đường chì là ra dáng, chả phải kẻ vẽ gì nhiều, thích thế cháu ơi!”… Đấy có lẽ là lần đầu tiên trong đời tôi nhận được nhiều lời khen về hình thức đến thế, mà lại về một cái mà bản thân tôi luôn tự ti nữa chứ. Thật không thể tin nổi!
Nhưng đi qua đi lại một lúc, tự ngắm đôi lông mày mới của mình trong gương, tôi chợt nhận ra rằng từ trước đến nay, vì mình tự ti, mình coi thường nó nên nó mới trở nên xấu xí trong mắt mình. Chứ thực ra, so với những người ít, không có lông mày, hoặc lông mày quá ngắn và thưa, tôi may mắn hơn rất nhiều vì có cặp lông mày to bản tự nhiên, dài vừa cân xứng, chỉ cần một chút thời gian tỉa gọt cho gọn gàng hơn là ưa nhìn, chứ không cần phun xăm, kẻ vẽ gì nhiều cả. Nó hợp với tính cách vốn có của tôi — hiện đại, tự nhiên, và “low-maintenance” (nôm na là không cần quá chăm sóc cầu kỳ nhưng vẫn giữ được hiện trạng tốt). Cho đến ngày hôm nay, đã hơn 10 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên đi tỉa lông mày, tôi không thể tưởng tượng được cuộc đời mình sẽ thay đổi thế nào nếu có một cặp lông mày khác đi. Tôi thực sự yêu hàng lông mày của mình, mặc dù đôi lúc bẵng đi một vài tuần không cắt tỉa nó có thể mọc lên như rừng (ví dụ như ngay lúc này chẳng hạn 🙈) nhưng tôi biết, chỉ cần một lần chăm sóc đơn giản, nó sẽ lại trở lại gọn gàng, thẳng thớm, xinh xắn ngay. Bản chất tôi cũng không phải là người khéo tay và tỉ mỉ để mỗi sáng có thể ngồi xuống kẻ vẽ lại lông mày nên có được đôi lông mày “dễ chiều” như thế này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Nó dường như sinh ra để bù đắp cho thiếu sót của tôi vậy.
Từ câu chuyện nhỏ nhặt về đôi lông mày và những ngày tháng thiếu tự tin về hình thức của mình trong quá khứ, tôi nhận ra rằng xã hội có rất nhiều áp lực về vẻ ngoài đặt lên người phụ nữ. Nào là lông mày lá liễu, mũi dọc dừa, môi trái tim, mắt bồ câu, mặt trái xoan (và gần đây là V-line); thân hình thì phải cao ráo, chân dài thẳng, đùi thon, ngực nở, da trắng… Nhưng thực ra những cái gọi là “chuẩn mực” này từ đâu mà có? Nó có thực sự phục vụ lợi ích tôn vinh cái đẹp, khiến chị em phụ nữ tự tin hơn không? Hay nó sinh ra để tạo thêm áp lực, khiến cho những ai “lệch chuẩn” phải tìm mọi cách thay đổi để trở nên ưa nhìn hơn trong mắt mọi người? Tôi không hề phản đối những ai muốn thay đổi để làm mình đẹp hơn (bản thân tôi cũng phải thường xuyên tắm gội, làm tóc, tỉa lông mày, tập thể dục, chăm sóc bản thân hàng ngày để cảm thấy mình đẹp và tự tin hơn) nhưng điều đó không có nghĩa là nhất thiết phải chạy theo một hình mẫu nào đó để biến mình trở nên đẹp đẽ. Đẹp hay không đẹp, đó là trong cách nghĩ (chứ không hẳn là cách nhìn) của mỗi người.
Đôi khi, những thứ chúng ta vốn có đã rất đẹp rồi và chỉ cần để tâm chăm sóc, gọt dũa một chút, nó sẽ sáng lên vẻ đẹp tự nhiên mà chỉ ta mới có. Ngay cả khi những thứ ta vốn có chưa đẹp được như cái “chuẩn” chung nhưng biết đâu chúng lại mang một ý nghĩa thiết thực nào đó phục vụ riêng cho tính cách, sở thích, và vóc dáng của riêng ta thì sao? Quan trọng hơn cả, tôi nhận ra rằng, nếu có thể yêu những gì bản thân vốn có (dù hoàn hảo hay không hoàn hảo), mình sẽ luôn luôn cảm thấy tự tin. Ngược lại, nếu chỉ tự hào là mình đẹp dựa trên cái chuẩn về sắc đẹp người khác đặt ra thì sẽ luôn phải chờ đợi đến khi có những lời khen tụng, tán dương từ bên ngoài mới có thể cảm thấy tự tin vào bản thân được.
====
Từ xưa tới nay, có một nét tính cách của bản thân mà tôi thực sự không thích, đó là lo lắng thái quá. Trong mắt nhiều bạn bè và đồng nghiệp, tôi có thể là một người lạc quan, vô tư, thậm chí khá liều lĩnh, bất cần—carefree về mọi chuyện. Nhưng thực chất, ở bên trong tôi là nguyên một cục ác-quy ngày đêm chạy bằng năng lượng của sự lo lắng (gần đây có lẽ đã chuyển được xuống mức “pin con thỏ” 🐰). Có lẽ vì ý thức được sự lo lắng của mình là thái quá nên đôi khi càng lo lắng ở bên trong, tôi lại càng tỏ ra bình thản, cứng rắn ở bên ngoài. Lo lắng cũng dẫn đến rất nhiều vấn đề về bất an, căng thẳng, áp lực trong cuộc sống hàng ngày của tôi, đặc biệt khi nghĩ về những vấn đề quan trọng ở tương lai. Nhìn lại, tôi nghĩ “căn bệnh” lo lắng này có tính di truyền thì phải, vì từ nhỏ tôi đã thấy hình bóng của nó trong mẹ và bà ngoại tôi. (Một câu chuyện không mấy liên quan nhưng khá buồn cười là cách đây khoảng 22-23 năm, khi tôi mới biết đọc chữ và tập tành đọc mấy bài báo ông ngoại viết trên tờ Hà Nội Mới, tôi tình cờ đọc được một bài ông viết về bà. Trong bài có đoạn viết: “..bà vợ cả lo hay nghĩ của tôi..” Tôi mới ré lên thắc mắc là tại sao ông viết là “vợ cả” ở đây, chẳng lẽ ông còn có “vợ lẽ”?! 🙈 Sau khi được ba tôi giải thích, tôi mới hiểu ra là “cả lo hay nghĩ” là một cụm từ—ý ông là bà có tính hay lo lắng và hay suy nghĩ. Suýt tý nữa là tôi gây ra scandal trong gia đình!).
Trở lại vấn đề “cả lo hay nghĩ”, những năm qua tôi quyết định không trốn tránh hay che đậy nét tính cách này như trước đây mà chấp nhận nó như một phần không thể thiếu của mình. Để giảm bớt cảm giác bất an và căng thẳng không đáng có trong cuộc sống, tôi xây dựng một số phương pháp cho mình để kiềm chế lo lắng, hai trong số đó là (1) tập trung vào hiện tại (be present!)—sống hoàn toàn cho hôm nay, thay vì lo lắng cho những gì chưa xảy ra ở ngày mai; (2) tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát được và nới lỏng kỳ vọng ở những gì mình không thể kiểm soát được—những gì đã không thuộc tầm ảnh hưởng của mình thì lo lắng về nó cũng chỉ là vô ích. Những phương pháp này đã và đang giúp tôi rất nhiều để cân bằng cuộc sống và tự trấn an bản thân khi bị cơn rối loạn lo lắng tấn công. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng dần nhận ra và cố gắng phát huy hết điểm mạnh của tính lo lắng thái quá của mình. Lo lắng thì có những điểm mạnh gì? Có và có rất nhiều là đằng khác! Vì là một người hay lo lắng, tôi có trí nhớ về công việc, thời gian, hạn nộp, giấy tờ… vô cùng tốt (vì những thứ này, dù có muốn hay không, luôn có trong đầu tôi! 🤦🏻♀️). Cũng vì thế, tôi bắt buộc phải trở thành một người sắp xếp cuộc sống tốt, biết cách lập kế hoạch cá nhân, ưu tiên các đầu việc trước-sau để có thể dần dần làm đủ các việc như mong muốn (mà thực chất là để không phát điên lên vì lo lắng!). Cũng vì thế, tôi thường được mọi người nhận xét là có tinh thần trách nhiệm cao, biết quan tâm đến người khác, biết quý trọng thời gian của mình và người khác, và đặc biệt cẩn thận trong những việc mình làm. Tất cả những phẩm chất này, tôi tin rằng mình không thể có được nếu không phải là người hay lo lắng.
Điểm yếu và điểm mạnh của sự lo lắng thái quá trong tôi đặc biệt nổi lên rõ rệt sau khi tôi yêu và kết hôn với chồng tôi hiện tại—một trong những người carefree, ít lo lắng nhất mà tôi từng gặp trên đời! Chính nhờ nét tính cách vô ưu, vô lo, lạc quan mà ngay cả trong những thời điểm vô cùng stress (như làm việc nhiều giờ liền, áp lực trong kinh doanh), chồng tôi vẫn có thể để lo nghĩ sang một bên để làm những việc mình thích, nghỉ ngơi, đi du lịch. Thế mới nói, ông trời cũng khéo xe duyên, để cho một đứa ngày nào cũng sục sôi lên như một cái nồi áp suất, một cái ấm đun siêu tốc bắt cặp ngay với một đứa lúc nào cũng phởn phơ, tươi cười, mơn mởn như hoa trong nước (nhìn rõ là ghét! 👿).
Ban đầu, khi mới hẹn hò, mỗi lần tôi tỏ ra lo lắng và hỏi ý kiến nên làm thế nào để bớt lo lắng hơn, chồng tôi lại nói một câu hững hờ: “Just relax!” (Em cứ thư giãn đi!) và câu nói này càng làm tôi “sôi máu” hơn. Sau này, khi đã thành vợ chồng và hỗ trợ nhiều hơn cho nhau trong cuộc sống, chính chồng tôi cũng phải công nhận lợi ích không ngờ của việc có một người bạn đời hay lo lắng. Bởi vì là một người ít lo nghĩ (hoặc không lo nghĩ quá nhiều đến những việc nhỏ nhặt như tôi) nên chồng tôi cũng rất hay quên, việc nào đến trước thì làm trước, làm tùy cảm hứng chứ không thực sự có kế hoạch cụ thể. Vấn đề của thói quen này là sự thiếu cẩn thận, dễ bỏ lỡ các cột mốc quan trọng, công việc đều đều thì không sao chứ nếu có gì bất thường là trở tay không kịp vì thiếu sự chuẩn bị từ trước. Chỉ sau vài tháng đầu sống chung và chịu một số “hậu quả” tương đối nghiêm trọng do điểm yếu của cả hai cộng lại, vợ chồng tôi đã quyết định hỗ trợ, bổ sung cho nhau dựa vào điểm mạnh của từng người. Ví dụ, vì tôi là người hay lo lắng—cũng có nghĩa là chu toàn, cẩn thận, lập kế hoạch tốt—tôi phụ trách theo dõi lịch làm việc của cả hai để khớp với các công việc chung của gia đình, ghi chép đầu việc phải làm từng ngày, sắp xếp các việc cần ưu tiên làm trước; tôi cũng quản lý việc trả hóa đơn hàng tháng đúng hạn và phụ trách các công việc liên quan đến giấy tờ, sổ sách. Còn chồng tôi vì là người ít lo lắng hơn—cũng có nghĩa là người dễ thư giãn, hay có ý tưởng sáng tạo, nhiều năng lượng thể chất hơn—chồng tôi phụ trách khoản giải trí trong gia đình như nghỉ ngơi, thể thao, khám phá, nấu nướng hàng ngày để cân bằng cuộc sống, tìm tòi những ý tưởng mới để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải tạo nơi ở, đi du lịch; chồng tôi đặc biệt nắm phần việc giao tiếp bên ngoài và những công việc chân tay để đảm bảo những kế hoạch tôi đề ra trên giấy được thành hiện thực. Cho đến nay, sau hơn 3 năm kết hôn, chúng tôi cảm thấy đây là một mô hình tốt để cả hai “cộng sinh” và cùng phát triển. Nếu như trước đây, khi có việc gì không suôn sẻ là có thể lấy điểm yếu của nhau ra để chỉ trích và đổ lỗi thì ngày nay, việc dựa vào điểm mạnh của mỗi người để cùng giải quyết vấn đề khiến chúng tôi tin tưởng và gần gũi hơn trước rất nhiều. Suy cho cùng, trong một mối quan hệ, không ai là hoàn hảo cả nhưng cả hai gộp lại có thể khiến cho nhau trở nên tốt lên hay xấu đi là hoàn toàn phụ thuộc vào cách nghĩ và cách hành động của mỗi người. Cá nhân tôi tin rằng, ít có ai “sinh ra là để cho nhau” nhưng ta có thể sống và thích nghi để có thể cho nhau nhiều hơn.
====
Với một bài chia sẻ khá riêng tư như thế này, tôi biết không phải điều gì mình viết ra cũng áp dụng được cho tất cả mọi người (bạn có thể có một cặp lông mày thưa và đang vẫn còn độc thân chẳng hạn 😉). Nhưng tôi hy vọng là thông điệp của bài viết có thể chạm được tới phần nào tâm tư của bạn mỗi khi cảm thấy thiếu tự tin về bản thân mình. Cao quá, thấp quá, gầy quá, béo quá, xinh quá, xấu quá, nội tâm quá, cởi mở quá, sâu sắc quá, nông cạn quá… tất cả những nét hình thể và tính cách này đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng của nó, và quan trọng hơn, chúng là của-riêng-bạn. Ai trong chúng ta cũng cần rèn dũa hàng ngày để hoàn thiện mình hơn, để trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình” — nhưng trước hết, mình phải là chính mình trước. Chỉ khi nắm được bản thân mình là ai, học được cách phát huy điểm mạnh từ chính những điểm yếu của mình, ta mới có thể phát triển bản thân và tạo ra những thay đổi bền vững, tự tin, mạnh mẽ nhất.
Be Present,
Chi Nguyễn
Một số bài viết liên quan:
1. Hiểu và sống đúng với chính mình (bằng những bài test khoa học)
2. Trưởng thành
4. Gửi tôi 18
5. Ba điều tôi học được sau 3 năm đầu kết hôn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hoàng Hương says
Bài viết rất tuyệt, đọc để tự giúp mình yêu bản thân mình hơn. Tks Chi Nguyen.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn! Thi thoảng mình cũng viết để thấy yêu bản thân hơn <3
Pham thu phuong says
Cảm ơn Chi! Mình cũng thấy xã hội tạo áp lực nhiều áp lực cho phụ nữ và mình đang sống theo cách được truyền cảm hứng từ bạn! Chủ nghĩa tối giản và là chính mình!❤️😘
Cảm ơn bài viết chân thành của Chi!❤️
Pham thu phuong says
Cảm ơn Chi! Mình cũng thấy xã hội tạo áp lực nhiều áp lực cho phụ nữ và mình đang sống theo cách được truyền cảm hứng từ bạn! Chủ nghĩa tối giản và là chính mình!❤️😘
Cảm ơn bài viết chân thành của Chi!❤️
Mình cũng đang bắt đầu viết blog, cai fb và dành thời gian hơn cho chính tâm hồn mình!😊
Chi Nguyễn says
Cai Facebook mà viết blog là có thể “nghiện” blog đó nha! Hihi. Chi đùa thôi, hy vọng sớm đọc được blog của bạn
Hảo Nguyễn says
Dạ chị Chi có thể viết bài về cách sử dụng blog để có được một trang đẹp và tiện ích như blog của chị được không ạ? Em cũng đang tìm hiểu về viết blog ạ. Em cảm ơn chị nhiều ạ.
Chi Nguyễn says
Ý em là thiết kế trang blog đúng không? Chị thực ra không rành về kỹ thuật đâu, làm đến đâu học đến đây thôi em à :D. Nếu em bắt đầu làm blog em có thể xây dựng những trang đẹp và dễ sử dụng như Wix.com hay Squarespace. Chị dùng WordPress nhưng gần đây chị cảm thấy WordPress không thực sự cập nhật và thân thiện với người dùng mới như các trang kia
Hà Duyên says
Cám ơn chị rất nhiều vì bài viết này. Bản thân em cũng là người thường xuyên lo lắng và over-thinking, thậm chí em còn được bác sĩ chẩn đoán chứng rối loạn lo âu khác. Kèm theo đó, em luôn cảm thấy không công bằng trong khi mình luôn nằm ở vị trí chuẩn bị và định hướng tất cả trong khi bạn cùng phòng, bạn cùng nhóm làm việc, … lại chẳng cần làm gì nhiều và cứ “nhởn nhơ” trước mắt mình. Tuy vậy nhưng trong quá trình trưởng thành và tiếp xúc với nhiều thứ, gần đây em cảm thấy mình bình tĩnh và chấp nhận mọi thứ hơn, mặc dù chưa biết gọi tên cảm giác và lý do của việc này. Bài viết của chị khiến em thầm la lên “à thì ra là thế” và cảm thấy được động viên rất nhiều.
Chúc chị một ngày tốt lành.
Love.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc và chia sẻ. Nhiều khi trong công việc và học tập hàng ngày chị cũng hay gặp các bạn tỏ ra “nhởn nhơ” những vẫn đạt được thành tích tốt làm cho mình thấy tự tin ghê gớm. Nhưng quen biết một thời gian rồi chị mới phát hiện ra các bạn hoặc là làm việc rất chăm chỉ (nhưng tỏ ra không làm việc mấy ở bên ngoài), hoặc có mối quan hệ riêng kết nối, hoặc nắm được cơ hội đúng thời điểm cộng với chút may mắn nữa nên thành công chứ không có ai ngồi chơi không làm gì mà cũng được như mong muốn. Sau này vì thế chị cũng đỡ so sánh bản thân hơn và chỉ tập trung vào những việc mình đang làm thôi. Chúc em mọi việc thuận lợi!
Hạnh says
Hay quá Chi ơi!!! Nhẹ nhàng, sâu sắc, chị thích bài này lắm!
Trang Đoàn says
Ngoài lo lắng thái quá (giống chị Chi), em là một người hay so sánh bản thân mình với người khác, luôn tự dằn vặt “mình đã đủ tốt chưa?”, em hay trách móc mình vì làm điều gì đó chưa đủ đam mê nỗ lực dũng cảm (theo như em thấy từ mọi người). Và em rất ghét tính cách này, nhưng vẫn làm thường xuyên!
Như một lần đã tình cờ làm test 16 pesonalities và nhận ra mình trùng tính cách với chị Chi khá nhiều, dạo gần đây em hay đọc lại các bài viết của chị thường xuyên hơn (em đặc biệt yêu quý bài “Một chuyến phiêu lưu của tâm hồn”). Mỗi khi hiểu cách chị “đấu tranh” nội tâm, em được trấn an và bình tĩnh hơn rất nhiều!
Chưa bao giờ ngưng yêu quý chị và The Present Writer!
Love,
Thanh Vy says
Em thích đọc bài của chị là tại vì em giống chị nhiều lắm. Giống y chang từ tính cách đến hoàn cảnh đang gặp phải, sự cầu toàn thái quá, trí nhớ tạm thời rất tốt, và cả ông bạn trai giống tính của chồng chị nữa. Hôm nào chị rảnh chị có thể viết chi tiết hơn về cách “pp giải tỏa căng thẳng, bất an” được không ạ? em cảm ơn chị.
Chi Nguyễn says
Chị có viết 1 series nhiều bài về đề tài này rồi, em tham khảo ở đây nha: https://thepresentwriter.com/category/lam-sao-de-toi-uu-hoa-cuoc-song/tu-duy-tich-cuc/
Thanh Vy says
Em cảm ơn chị, rất hay ạ ^^
Tuyến Nguyễn says
Cám ơn chị Chi đã chia sẻ rất chân thành và vô cùng thiết thực, em thấy mình trong bài viết của chị 99,9% (ngoại trừ khoản đã lập gia đình). “Là chính mình trước trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.
Chúc chị luôn vui, khỏe, hạnh phúc chị nhé!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết – lại còn đồng cảm đến 99,9% nữa :). Khi nào lập gia đình rồi comment lại cho chị xem có giống 0.1% còn lại không nha
Trang Đoàn says
Ngoài lo lắng thái quá ( lần tình cờ làm test 16 pesonalities , em và 1 bang rất đông nữa cũng là #teamadvocate đó chị), em còn cực kỳ hay so sánh bản thân mình với người khác, luôn tự dằn vặt “mình đã đủ tốt chưa?”, hay trách móc mình vì làm điều gì đó chưa đủ đam mê nỗ lực dũng cảm (theo như em quy chiếc từ bạn bè, anh chị lớn, bloggers). Và em rất ghét tính cách này, nhưng vẫn làm thường xuyên!!!
Dạo gần đây em hay đọc đi đọc lại những bài viết cũ (em đặc biệt yêu quý bài “Một chuyến phiêu lưu của tâm hồn”). Mỗi khi hiểu gốc rễ tâm lý từ quá trình chị “đấu tranh” nội tâm, em lại được trấn an và bình tĩnh hơn rất nhiều!
Chưa bao giờ ngưng yêu quý chị và The Present Writer! Mong chị và Joe và Bambi luôn khỏe mạnh ạ <3
Love,
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì đã theo dõi blog và động viên chị 🙂 #teamadvocate!!!
Hồng says
Cảm ơn chị Chi đã chia sẻ bài viết.
Em là đứa rất hay lo nghĩ về tương lai, sống lại tiêu cực nên đôi khi em còn bị panic attack mỗi khi nghĩ về những điều sắp xảy ra. Thực sự nhiều khi em cũng muốn thoát khỏi điều đó nhưng em cứ loay hoay hoài trong đó ý chị ạ.
Hồng says
Cảm ơn chị Chi về những chia sẻ đầy ý nghĩa.
Thực sự em cũng là một người rất tự ti về bản thân mình, về mọi mặt chứ không riêng về thân thể hay khuôn mặt. Em cũng là đứa rất hay lo lắng đến nỗi có thể nói là sợ hãi về tương lai, về những điều bất định sẽ xảy ra. Em cũng không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi những ý nghĩ đó nữa dù em cũng rất cố gắng không kỳ vọng vào bất cứ thứ gì nhưng mỗi khi nghĩ đến tương lai, em lại bị panic attack chị ạ. Em thấy tâm trí mình ngày càng rối lắm.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị có viết một series về các bài tập để giúp mình tập trung vào hiện tại và suy nghĩ tích cực hơn. Em tham khảo ở đây xem có giúp được không nhé: https://thepresentwriter.com/category/lam-sao-de-toi-uu-hoa-cuoc-song/tu-duy-tich-cuc/page/3/
Anh V says
Cám ơn chị! Bài viết rất hay. Bản thân em cũng từng có một thời gian hay tự so sánh bản thân với những người xung quanh. Sau này em hiểu ra là giai đoạn tính cách em đang hình thành, do chưa hiểu rõ về bản thân, cả về điểm mạnh lẫn điểm yếu nên lúc nào cũng phải bắt chước người khác và không hài lòng về bản thân. Đến bây giờ thì em đã hiểu: chỉ nên tự tin là chính mình và luôn cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất của mình!
Havan says
Cảm ơn bài viết nhiều ý nghĩa và đúng thời điểm với cá nhân mình. Luôn “hóng” những bài của chị :).
Thu Nguyễn says
Cảm ơn chị Chi rất nhiều về bài viết! Đọc câu chuyện về đôi lông mày của chị em lại liên tưởng đến chính mình hồi học lớp 12, khi ấy em cũng vô cùng háo hức được thay đổi kiểu tóc sao cho giống mấy bạn nữ xinh đẹp cùng lớp, đến khi thay đổi rồi mới thấy mình chẳng khác gì cả lol. Em rất đồng ý rằng chúng không thể so sánh và mong mình giống người khác được, tốt hơn hết là nên phát huy tối đa những gì mình vốn có thôi.
Em bị một tật xấu này, không biết có giống với tính cầu toàn của chị Chi không, nhưng em khá là tham vọng và không biết bằng lòng với bản thân. Mỗi gian đoạn của cuộc sống em lại đặt ra một mục tiêu, và nhiều lúc em cảm tưởng ý nghĩa cuộc sống của mình phụ thuộc quá nhiều vào việc mình có đạt được mục tiêu đó hay không. Nhiều lúc em bỏ bê cả việc ăn ngủ và chăm sóc bản thân để tập trung thời gian cho việc đạt được những mục tiêu ấy. Em cũng khá hay “thèm” những gì người khác đạt được, dù biết cuộc sống của mình rất khác họ. Nếu làm một phép so sánh em và các bạn cùng trang lứa hồi học cấp 2, cấp 3 và thậm chí cả đại học, em đã may mắn và thành công hơn nhiều bạn nhưng em vẫn không ngừng đuổi theo thứ gì đó vô hình. Em không biết chị Chi đã gặp phải tình trạng giống em bao giờ chưa và chị có lời khuyên nào dành cho em không ạ?
Chi Nguyễn says
Chào em! Cảm ơn em đã đọc blog và gửi lời chia sẻ chân thành. Chị nghĩ tham vọng không phải là một điều gì xấu; bản thân chị cũng là người tham vọng và có nhiều ước mơ lớn cho bản thân, chị thường nghĩ chính bởi tính cách này mà chị mới đi được những nơi chị từng đi, làm được những gì chị từng làm. Nhưng tất nhiên, cùng theo tham vọng và kỳ vọng là sự ganh đua, đặt mục tiêu, so sánh bản thân – đó cũng là một phần của cuộc sống thôi, miễn là mình có thể kiểm soát những điểm yếu này để nó không choán quá nhiều tâm trí cho mình. Chị có viết 2 bài sau đây chị nghĩ em có thể tham khảo:
So sánh: https://thepresentwriter.com/ren-luyen-tu-duy-tich-cuc-phan-3-ngung-so-sanh-ban-than-va-ghen-ti-voi-nguoi-khac/
Kỳ vọng: https://thepresentwriter.com/ren-luyen-tu-duy-tich-cuc-phan-4-ky-vong/
Hoàng Hiền says
Em biết được blog của chị sau khi được giới thiệu đọc cuốn “Chủ nghĩa tối giản” gần đây. Em vào đọc blog của chị hàng ngày, xem insta và fb của chị, ngắm từng bức ảnh và cố hình dung ra cuộc sống của chị – một cuộc sống mà em hâm mộ vô cùng. Em ước mình biết đến chị và những bài viết của chị một cách sớm hơn. Em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh bình thường ở một tỉnh lẻ, không xác định được đam mê của bản thân là gì nên từ khi đi học đến tận bây giờ em đều không cố gắng hết mình. Học khá khá, chọn một nghề “học đại” ở đại học, ra trường và phỏng vấn lung tung, trúng đâu làm đó. Mấy năm gần đây e bắt đầu đi du lịch và khám phá ra rằng thế giới ngoài kia thật tuyệt. Em tự trách sao ngày trước không nỗ lực học ngoại ngữ hơn, không phấn đấu hơn để có thể đi du học, để khám phá và tận hưởng cuộc sống này hơn. Giờ em đã 27 tuổi rồi, trình độ tiếng anh như đa số người việt nam (chắc chị cũng hình dung ra^^), đi làm công việc với mức lương chỉ đáp ứng tối thiểu được nhu cầu của bản thân em thôi, nói chung là con số không tròn trĩnh chị ạ. Em không biết mình có nên ấp ủ ước mơ ấy lại không và nếu có thì nên bắt đầu từ đâu, làm những gì ? Trong mắt người thân và bạn bè thì thậm chí e còn nên lấy chồng từ lâu rồi chứ không phải là lông bông như bây giờ.
Chi Nguyễn says
Chào Hiền, cảm ơn em đã đọc Một cuốn sách về CNTG và thường xuyên theo dõi cuộc sống của chị trên mạng xã hội. Thực ra cuộc sống của chị cũng có nhiều áp lực mà chị phải cố gắng hàng ngày mới có thể duy trì được sự vui tươi, bình ổn nên có lẽ không chắc là đáng hâm mộ lắm đâu ^^. Về chia sẻ của em, chị cũng chưa rõ ước mơ của em là gì vì em mới chỉ nói là “ấp ủ ước mơ ấy” – em muốn đi học lại ngoại ngữ, làm công việc mới, hay đi nước ngoài/du học? Nếu em biết được rõ ước mơ của mình là gì (gọi tên được nó thôi) thì chị nghĩ việc em quyết tâm thực hiện sẽ dễ dàng hơn nhiều. Tất nhiên vì mình bắt đầu muộn nên thử thách sẽ lớn hơn khi em 18 hay 20 tuổi; nhưng chị bắt đầu đi du học năm 25 tuổi (tức là chỉ kém em có 2 tuổi bây giờ mới được thực hiện ước mơ) và có nhiều người chị quen phải đến 30, 40, 50 tuổi họ mới chạm đến ước mơ của mình. Vì thế, không bao giờ là muộn cả em ạ vì càng về già, mình sẽ chỉ càng nuối tiếc những gì mình muốn làm mà chưa làm được mà thôi. Theo chị em thử dành ra một vài ngày suy nghĩ, viết lách, trò chuyện với bản thân xem em thực sự muốn gì và có thể làm gì để thực hiện ước mơ ấy. Khi đã rõ rồi thì ý kiến những người bên ngoài sẽ không còn sức nặng nhiều để em cảm thấy lung lạc nữa. Chúc em may mắn! Có gì tâm sự cứ nhắn lại với chị nha 🙂
Hoàng Hiền says
Chị ơi thấy chị trả lời em vui lắm, e cảm ơn chị nhiều. Ước mơ của em là được đi du học còn học ngành gì thì em cũng chưa xác định được. Đúng là khó khăn hơi nhiều nhưng em sẽ cố gắng từng bước vậy, chắc là bắt đầu từ việc học tiếng anh. Cứ mỗi ngày nỗ lực một chút thì dù e không thực hiện được ước mơ nhưng chắc chắn là e sẽ trở thành phiên bản tốt hơn so với em bây giờ chị nhỉ??
Chi Nguyễn says
Chị nghĩ bắt đầu bằng việc học tiếng Anh là khởi đầu tốt. Nếu em chưa biết nên làm gì có thể học nhóm chung với các bạn có cùng chí hướng du học để có thêm động lực (ngày trước chị hay tìm được các bạn này ở các trung tâm tiếng Anh, nhóm học trên mạng, các forum học bổng, hay các chương trình giao lưu của đại sứ quán). Em chịu khó viết lách, nói chuyện với mọi người và đào sâu suy nghĩ xem mình thực sự thích gì thì sẽ dễ dàng hơn 🙂
Hoàng Hiền says
Chị ơi chị dễ thương thật ý chị ạ :)) Em cảm ơn và chúc chị và gia đình luôn hạnh phúc chị nhé!
– Luôn hóng để được đọc bài của chị –
Thao Nguyen says
Cảm ơn vì bài viết của chị