Thời gian qua, khi tiếp tục học hỏi từ các nguồn khác nhau để phát triển bản thân và tìm cảm hứng viết blog, tôi đã đọc được rất nhiều bài viết thú vị bằng tiếng Anh — đa phần mang đến những ý tưởng độc đáo mà tôi chưa từng nghĩ tới hoặc đã từng nghĩ tới những không viết được sắc nét như tác giả. Bởi vậy, tôi thường chọn lọc, lược dịch lại những bài viết hay để chia sẻ với bạn đọc trên trang Facebook của blog. Những bài dịch này thường nhận được phản hồi tốt (rất dễ hiểu vì đây vốn là những bài viết rất thành công, được viết bởi những bloggers nổi tiếng, có hàng triệu lượt đọc trên toàn thế giới) nên tôi rất vui vì có thể đưa bạn đọc đến gần hơn khối tri thức mới này.
Bài viết này (cùng với các bài viết trong cùng series) là tổng hợp các bản dịch từng được đăng trên trang Facebook của blog để bạn đọc (và tôi) tiện tìm đọc lại và chia sẻ cho những người cần đến. Đường link đến bài viết gốc bằng tiếng Anh được để ở cuối mỗi phần; câu chữ lược dịch từ bài viết gốc được viết chữ in thường, còn chú thích/diễn giải/mở rộng của tôi được viết chữ in nghiêng.
NGHỆ THUẬT CỦA HÀNH ĐỘNG: LÀM SAO ĐỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC MỤC TIÊU ĐỀ RA?
Tôi vốn định viết một bài về chủ đề này nhưng trong quá trình thu thập thông tin, tôi nhận thấy bài viết dưới đây của Leo Babauta (Zen Habits) đã rất đầy đủ rồi. Vì thế, tôi quyết định lược dịch lại để chia sẻ với bạn đọc.
Làm sao để thực sự hoàn thành to-do list (danh sách việc cần làm)? hay Tại sao viết ra mục tiêu chưa chắc có nghĩa là làm được hết?
Bạn có bao giờ sắp xếp rất tốt các đầu việc cần làm trong to-do-list, nhưng lại gặp khó khăn khi thực hiện chúng? Bạn không phải là người duy nhất.
Một bạn đọc của tôi đặt ra câu hỏi như thế này: “Rất nhiều phương pháp làm việc hiệu quả như trong cuốn ‘Getting Things Done’ của David Allen hay ‘Do It Tomorrow’ của Mark Forster đều đề cập đến việc lập ra danh sách những đầu việc cần phải làm. Kỹ năng này không khó để học. Nhưng vấn đề không phải là lập ra danh sách mà là thực hiện chúng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn viết “Hoàn thành việc X, Y, Z” và sau đó không thể thúc đẩy bản thân thực hiện được?”
Bạn đọc này sau đó liệt kê ra một loạt các lý do mà anh ấy cho là cản trở việc thực hiện mục tiêu. Chúng ta hãy cùng bàn về những lý do này nhé!
1. “ Tôi cảm thấy chây ỳ khi phải bắt tay làm một việc gì đó”
Đầu tiên, việc bạn nhận ra sự chây ỳ của mình là một việc tốt, nhiều người trong chúng ta không làm được điều này thường xuyên. Tại sao bạn không muốn bắt tay vào làm việc? Tìm ra lý do cho vấn đề này sẽ giúp mở ra giải pháp. Dưới đây là vài lời khuyên của tôi:
a. Chẻ nhỏ công việc: Nói với bản thân là bạn chỉ phải làm việc này trong 5 phút thôi. Lượng công việc nhỏ hơn sẽ làm bạn đỡ sợ hơn.
b. Hãy cứ bắt đầu: Bắt đầu thường là khó nhất nhưng một khi bạn đã bắt đầu được rồi, mọi chuyện theo sau sẽ rất dễ dàng. Hãy bắt đầu làm những hành động nhỏ, đơn giản thôi, nó sẽ giúp bạn xây dựng tinh thần để làm đến hết.
c. Thưởng cho bản thân: Đừng để bản thân kiểm tra email, lên mạng xã hội (hay làm bất kỳ việc gì bạn hay làm để “tự thưởng” cho bản thân) cho đến khi bạn làm được ít nhất 10 phút (hoặc 15, 20 phút) trong công việc của mình. Bạn có thể đồng hồ báo giờ, sau 10 phút bạn lại được nghỉ 5 phút làm việc gì đó mình thích, hết 5 phút, lại quay lại làm việc, lặp lại chu trình như vậy liên tục.
d. Hào hứng với mục tiêu: Nếu bạn cảm thấy hào hứng với bất kỳ việc gì, bạn sẽ không chần chừ, chây ỳ làm việc đó. Ví dụ, vì tôi rất hào hứng với chủ đề này, ngay khi có cơ hội, tôi ngồi xuống viết ngay và chỉ nghỉ 1 lần. Nhưng nếu bạn không cảm thấy hào hứng với việc phải làm thì sao? Hãy nghĩ về khía cạnh nào đó hào hứng về công việc. Việc này có mang lại thu nhập cho bạn không? Có đưa cho bạn thêm cơ hội mới không? Nếu bạn không thể tìm được một điều gì đáng để hào hứng về công việc, bạn nên cân nhắc xem nó có quan trọng hay không – nếu không, hãy tìm cách để không làm việc đó. Đôi khi, việc loại bỏ hãy trì hoãn một đầu việc không cần thiết là việc tốt nhất bạn có thể làm.
2. “ Tôi cảm thấy sợ phải làm một số việc”
Thường có một số lý do sau đây khiến bạn sợ phải làm việc:
a. Việc quá lớn và quá đáng sợ về tầm vóc, ảnh hưởng: Để giải quyết vấn đề này, hãy chẻ nhỏ công việc. Đầu việc có thể rất đáng sợ nếu nó là “Viết báo cáo kinh doanh” nhưng sẽ không quá đáng sợ nếu chẻ nhỏ ra những hành động thực tế dẫn đến kết quả cuối cùng như “Gọi A để lấy dữ liệu về kinh doanh” …
b. Bạn không biết làm việc đó như thế nào. Điều này có thể rất đáng sợ nhưng ai cũng có lần đầu tiên làm một việc nào đó. Việc bạn cần làm trước nhất là thu thập thông tin, học hỏi càng nhiều càng tốt để bản thân mình cảm thấy thoải mái với đầu việc đó. Sau đó, hãy luyện tập thường xuyên, càng luyện tập nhiều càng tốt để tăng lên kỹ năng. Khi bạn đã quen việc rồi, mọi thứ sẽ không còn quá đáng sợ nữa.
c. Bạn tập trung vào những mặt tiêu cực: Bạn có thể đang quá tập trung vào những điểm khó khăn, những rào cản của công việc. Hãy cố gắng nhìn vào mặt tích cực của công việc. Nếu bạn nhìn ra được cơ hội, thay vì vấn đề khúc mắc, bạn sẽ cảm thấy đỡ sợ hơn và muốn làm việc hơn.
3. “Tôi bắt đầu, nhưng sau đó tôi bị xao nhãng và không bao giờ hoàn thành được đến hết”
Bắt đầu được công việc đã khó nhưng để tập trung làm đến hết cũng khó không kém. Lời khuyên của tôi để tránh xao nhãng:
a. (Tiếp tục) Chẻ nhỏ công việc: Như tôi đã đề cập, chẻ nhỏ công việc để làm trong 10, 15, hay 20 phút sẽ khiến bạn dễ tập trung hơn là đặt mục tiêu làm việc lớn trong hàng giờ liền.
b. Làm duy nhất một việc: Tránh để bản thân làm nhiều việc một lúc và chỉ tập trung làm một việc duy nhất trước mặt thôi. Nếu bạn vừa xem email, vừa kiểm tra tin nhắn, vừa lướt mạng, vừa xem Facebook thì rất khó để có thể tập trung hoàn thành một công việc được. Chỉ làm một việc thôi. Và nếu thấy mình bắt đầu làm thêm những việc khác, hãy kéo bản thân trở lại với thực tại.
c. Rút cắm (unplug): Tách bản thân ra khỏi những thứ dễ gây xao nhãng như mạng Internet, sóng điện thoại, email trên máy tính … bạn sẽ dễ tập trung hơn.
d. Dọn không gian làm việc: Xao nhãng có thể đến từ sự bừa bộn. Hãy dọn bàn làm việc thật sạch sẽ. Dọn cả màn hình máy tính nữa, cố gắng chỉ làm việc trên một chương trình duy nhất, nếu có thể.
e. Tập trung: Khi đã dọn đi được những thứ dễ gây xao nhãng, hãy tập trung toàn lực để hoàn thành mục tiêu. Kể cả khi không thể tập trung cao độ, bạn vẫn có thể tiếp tục duy trì trạng thái làm việc ổn định, hiệu quả.
f. Nghỉ ngơi: Cho phép bản thân vài phút nghỉ ngắn để đầu óc được thông thoáng, thư giãn. Sau đó, quay lại làm việc và tập trung trở lại.
4. “Tôi thường không cảm thấy có hứng làm một chút nào. Ý nghĩ về công việc làm tôi phát hoảng và vì thế, tôi chẳng bao giờ bắt đầu làm gì cả”
Tôi hiểu cảm giác này, cảm hứng làm việc là một điều rất khó hiểu. Tôi chưa chắc có được câu trả lời hoàn hảo nhưng dưới đây là lời khuyên của tôi:
a. Chăm sóc tốt bản thân: Nếu bạn làm việc tại nhà, hãy tắm rửa [gội đầu, chải tóc, thay quần áo…]. Thông thường chăm sóc bản thân sẽ khiến ta cảm thấy tốt hơn.
b. Đi bộ: Tôi nhận thấy việc đi bộ ngắn khiến máu được tuần hoàn tốt hơn, đầu óc thông thoáng hơn, và cho tôi thời gian để nghĩ về những việc mình thực sự muốn làm trong ngày.
c. Tập thể dục: Tập thể dục khiến bạn cảm thấy tốt hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến làm việc hiệu quả hơn.
d. (Tiếp tục) Nghĩ về các cơ hội tích cực: Nghĩ về ngày mai, ngay ngày mai thôi. Bạn có vui không khi nghĩ lại hôm nay mình chẳng làm gì ra hồn cả? Hay bạn sẽ vui hơn khi nghĩ là hôm nay mình làm việc rất hiệu quả, mở ra những cơ hội cho ngày mai? Đôi khi nghĩ về tương lai của mình sẽ giúp bạn có thêm động lực cho hành động ngày nay.
e. Làm những việc nhỏ, dễ dàng trước để thúc đẩy bản thân. Mọi bước đi nhỏ nhất tiến đến mục tiêu đều quý giá.
f. Tìm những thứ vui để làm: Hãy cố tìm được những điểm thú vị trong công việc tưởng như buồn chán của mình. Nếu không tìm được điểm nào, hãy nghĩ đến ngày nghỉ trong tương lai, khi đã làm xong việc bạn có thể dành cả ngày cuốn tuần chơi vui như thế nào.
g. Cam kết bản thân: Nếu vấn đề của bạn là ở động lực, hãy cam kết với bản thân mình sẽ đạt được mục tiêu này, dự án này, trong khoảng thời gian cố định. Nói với gia đình, bạn bè, viết trên blog, mạng xã hội về cam kết của mình. Đây là cách để tạo động lực tốt và giữ bản thân có trách nhiệm hoàn thành.
h. Đừng quên thưởng cho bản thân khi hoàn thành công việc
5. “Tôi lập danh sách những việc cần làm cho ngày hôm sau nhưng sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy ngày mới thật mệt mỏi, đầy việc phải làm, vì thế, tôi cảm thấy không muốn làm gì trong danh sách đó cả”
Hai điều tôi nghĩ nên bàn ở đây:
a. Quá tải: Bạn có thể đang bị quá tải. Nhiều người thường có kỳ vọng cao về bản thân nên nghĩ mình có thể làm được nhiều việc trong ngày, dẫn đến việc đặt ra quá tải đầu việc cho ngày tiếp theo. Hãy lập thói quen chỉ đặt ra 3 đầu việc quan trọng nhất trong ngày và làm chúng sớm nhất có thể (trước khi kiểm tra email). Những việc nhỏ hơn cũng có thể ghi lại nhưng với ưu tiên thấp hơn và làm vào cuối ngày.
b. Niềm vui: Bạn có thể đang bắt bản thân làm quá nhiều việc mình không thích. Chẳng có ai muốn tỉnh dậy để đối diện với những thứ như vậy cả. Hãy lập một to-do list mà bạn có thể hào hứng để làm. Nếu tất cả những việc bạn đang làm đều không thú vị, bạn có thể đang làm nhầm việc. Vâng, mọi công việc đều có những đầu việc không hay ho, hào hứng gì, nhưng chúng đều phải dẫn đến kết quả sáng sủa, đáng hào hứng nào đó. Nếu bạn không tìm thấy những điều này trong công việc, bạn cần đánh giá kỹ lại việc của mình – hoặc thay đổi cách mình đang làm hoặc tìm việc khác.
Link bài gốc bằng tiếng Anh: https://zenhabits.net/how-to-actually-execute-your-to-do-l…/
***
Tôi nghĩ đây là một bài viết khá thú vị, xác thực, có tính ứng dụng cao, mặc dù có vài đoạn viết hơi lặp lại, trùng nhau. Tôi đặc biệt thích lời khuyên nhìn lại công việc mình đang làm. Mặc dù có thể gây tranh cãi, tôi chia sẻ quan điểm với tác giả rằng nếu công việc không đưa cho ta bất kỳ một điều gì để ngóng chờ, để hào hứng bắt tay vào làm việc, đó có thể không phải là công việc phù hợp. Cuộc đời ai mà ngày nào ra khỏi cửa đi làm cũng thở dài thườn thượt, cảm thấy như đang bước vào 8 tiếng địa ngục trần gian thì cũng không phải là cuộc đời đáng sống. Tin tôi đi, tôi đã từng ở vị trí đó rồi.
—-
LISA SHANTAN NICHOLS – TRUYỀN CẢM HỨNG CHO MỌI PHỤ NỮ TRÊN THẾ GIỚI
Hôm nay là một ngày tương đối mệt mỏi với tôi. Nhưng đến cuối ngày, về lại căn hộ Airbnb mình thuê tạm ở Houston trong thời gian đi hội thảo và nghe được bài nói chuyện này của Lisa Nichols, tôi cảm thấy được truyền cảm hứng thêm rất nhiều. Tôi lược dịch lại một phần bài nói chuyện dưới đây để chia sẻ lại với bạn đọc.
https://www.youtube.com/watch?v=5NsykK5sAWg
[Cách đây 20 năm] tôi sống bằng trợ cấp của chính phủ, ngày càng cạn kiệt về tài chính. Tôi cần phải mua bỉm cho con trai tôi, Jelani, nhưng tôi chỉ còn $11.42 (259 ngàn đồng) trong tài khoản ngân hàng. Tôi còn nhớ mình phải cuốn con trai vào một cái khăn tắm…trong 2 ngày liền. Vào ngày thứ hai, tôi đặt tay mình lên bụng Jelani và nói: “Đừng lo con ạ, mẹ sẽ không bao giờ bị nghèo đói hay bị hủy hoại đến mức này một lần nữa” (Don’t worry baby, mommy will never be this broke or broken again).
Và ngày đó đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Điều này có thể nghe thật điên rồ. Nhưng khi đó, tôi sẵn sàng CHẾT ĐI tất cả phần con người mình vốn có để có thể SINH RA phần con người mà tôi sẽ trở thành. Lý do nhiều người không thể trở thành phiên bản con người mà họ hằng mong muốn là bởi vì họ nắm giữ quá chặt phiên bản họ vốn có. Chúng ta thường nghe mọi người nói: “Tôi vẫn luôn luôn như vậy đấy!” — Tốt thôi, nếu việc đó ổn với bạn, hãy cứ là con người bạn vốn có. Nhưng khi đó, tôi biết rằng điều này không còn tốt cho tôi nữa rồi. Tôi đã chạm tới đáy cùng cực!
Bởi vậy tôi đã sẵn sàng bỏ tất cả mọi thứ và TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Bạn thấy đấy, một lý do nữa tại sao nhiều người không đến được với thành công là vì họ không biết rằng cánh cửa phía trước chỉ vừa cho một người mà thôi. Chúng ta ai cũng muốn mang theo tất cả mọi người khác qua cánh cửa, chúng ta muốn trở thành người cứu trợ 911. Nhưng bạn phải cứu giúp bản thân mình trước. Ngày nay, tôi đem lại giá trị lớn cho gia đình và cho cộng đồng của tôi bởi vì ngày đó, tôi đã dám để họ ra đi. Tôi đi qua cánh cửa một mình, tôi tự học, tôi tự thay đổi bản thân, rồi tôi quay lại với mọi người. Ngày nay tôi rất có giá trị. Nhưng đó là bởi vì tôi phải trải qua quãng thời gian 10 năm bị người khác không ngừng đánh giá: “Ồ, bây giờ cô lại đi với bọn người da trắng hay sao?!”, “Giờ cô đi khắp các nước trên thế giới sao?!” …Nhưng tôi sẵn sàng chịu tội và chấp nhận. Bạn thấy đây, chúng ta muốn phát triển nhưng cũng ta lại cũng muốn tất cả mọi người đều yêu quý mình. Nhưng không, tôi sẵn sàng cứu rỗi bản thân mình, mặc cho bạn có đồng tình hay không. Tôi phải biết yêu mình trước. Nhưng không dễ để làm được điều này. Nó đồng nghĩa với sợ hãi và cô đơn.
Vậy tôi phải đã làm gì? Tôi bước ra ngoài học hỏi tất cả những người có kiến thức và trải nghiệm mà tôi chưa từng có, chưa từng trải nghiệm. Tôi muốn nói giống họ, đi đứng giống họ, hiểu được tất cả những gì mà họ biết … để một ngày kia, tôi dựng lên phiên bản của chính tôi. […] Mỗi sáng, tôi đứng trước gương và tôi nói với bản thân 3 điều:
1) Lisa, tôi tự hào về cô vì … [7 điều đáng tự hào về mình]
2) Lisa, tôi tha thứ cho cô vì … [7 lỗi lầm trong quá khứ]
3) Lisa, tôi cam kết với cô rằng … [7 cam kết cho bản thân]
Tôi sẵn sàng đầu tư tiền vào chính mình. Tôi để con trai ở chỗ trông trẻ, tôi làm 9 tiếng ban ngày, hết giờ làm đón con về văn phòng. Tôi chỉ nghỉ 30 phút từ 6 giờ đến 6:30 chiều để đón con. Sau đó làm từ 6:30 đến nửa đêm, ngày nào cũng như ngày nào. Tôi đặt con trai trong văn phòng, trong những cái chăn màu sắc, và cho nó chơi bất cứ món đồ gì có thể. Tôi đã làm như thế mọi ngày, tất cả mọi ngày! Tôi ngừng ra ngoài ăn tối, ngừng đi nhảy, ngừng làm móng, làm tóc… Và mỗi lần có lương, tôi lại chuyển một tấm séc đến ngân hàng, gửi cho chính tôi, với dòng ghi chú: “Tiền đầu tư cho giấc mơ của tôi”. Cứ hai tuần, tôi lại gửi một tấm séc cho chính tôi như vậy trong vòng 3 năm rưỡi. Mỗi tấm séc tôi viết cho bản thân tôi lại thử thách mình tấm séc sau phải tăng lên 5% so với tấm séc trước. Bởi vậy tôi làm ngày làm đêm, làm thêm cả một công việc nữa để tấm séc có thể ngày một lớn hơn. Tôi cũng học thay đổi cuộc sống, tôi học cách sống với số lượng tiền tối thiểu, tôi bán xe mình đang đi để mua chiếc cũ hơn, tôi dọn khỏi căn hộ 3 phòng ngủ của mình để vào một căn chia chung với người khác … Tôi chọn sự không thoải mái để cách tuần lại được viết vào tờ séc: “Tiền đầu tư cho giấc mơ của tôi”
Một ngày nọ tôi đến ngân hàng để kiểm tra tài khoản của mình. Trong suốt 3 năm rưỡi, tôi chưa từng mở cập nhật tài khoản ra xem, tôi không muốn biết mình có bao nhiêu tiền. Mẹ tôi luôn nói: “Tiền cháy túi”. Tôi đồng ý: “Đồng tiền nóng bỏng lắm” – có bao nhiêu đốt đi bấy nhiêu, bởi vậy tôi không muốn biết mình có bao nhiêu. Hôm đó tôi đến ngân hàng và nói: “Tôi muốn kiểm tra tài khoản của mình. Tên tôi là Lisa Nichols”. Tất cả mọi người trong ngân hàng sửng sốt: “Cô là cô gái ‘đầu tư cho giấc mơ của tôi’?!” và họ đều muốn biết giấc mơ của tôi là gì. Tôi nhún vai:“Tôi không biết! Nhưng chắc là nó tốn tiền”. (Cười lớn). Tôi nói với cô nhân viên ngân hàng là tôi chưa từng biết mình có bao nhiêu tiền, tôi sợ “tiền cháy túi”. Cô ấy viết số tiền vào trong một tờ giấy và đưa cho tôi. Tôi nhìn nó. Rồi tôi nói: “Không thưa bà, tên tôi là LISA SHANTAN NICHOLS, đây là số an sinh xã hội của tôi…. Tôi không biết số tiền này của ai, tôi thực sự không muốn gặp rắc rối. Bà có thể cho tôi đúng số tài khoàn của tôi được không?”. Bạn biết không, tôi chưa từng biết ai trong gia đình mình có tới $5,000 hay $10,000 trong tài khoản cả. Nên khi bạn viết xuống giấy là tôi có $62,500 (khoảng 1,4 tỷ đồng), tôi không tin đó là của tôi. Và thế là mọi người trong ngân hàng đều rơi nước mắt, họ nói: “Không, tiền của cô mà, của cô đấy!”
Tôi nhìn xuống con tôi, lúc đó 5 tuổi, và nói: “Jelani, mẹ nghĩ cuộc đời mẹ con mình sẽ thay đổi từ đây”
Con trai tôi mới nói: “Mẹ ơi, thế mình có thể đi ăn ở McDonald’s được chưa?” (Cười lớn)
Link bài nói chuyện trên Youtube bằng tiếng Anh: https://www.youtube.com/watch?v=5NsykK5sAWg
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Nhan Sophia says
Chào Chi!
Cám ơn chị đã chia sẻ những bài viết trên trang blog này. Mỗi bài viết của Chi truyền cho mình rất nhiều động lực tích cực trong cuộc sống. Hy vọng Chi sớm có các bài viết tiếp theo.
Thank you very much!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé blog. Tớ đây Chi sẽ cố gắng dịch nhiều hơn nữa 🙂
Lê Hồng Chiêm says
Như một thói quen trước giờ đi ngủ, mình check mail để xem thông báo về những bài viết mới của Chi. Bài chia sẻ hôm nay tuyệt quá, giống như một ời động viên khích lệ, cũng truyền cảm hứng cho mình tiếp tục cố gắng và thay đổi – vì một ngày mai, vì mình tốt đẹp hơn. Cảm ơn Chi với những bài viết, những chia sẻ tuyệt vời nhé.
Anh Tim says
Cảm ơn chị!! đúng tình cảnh e gặp phải đây, nó sẽ giúp e nhiều để có thể thực hiện những mục tiêu trong mùa hè này-mùa hè quan trọng nhất của e trong đời sv.
Chang says
Rất thích đọc blog của chị <3
Bùi Vinh Quang says
Em mới biết đến blog của chị . Quả thực là ngay lần đầu tiên ghé blog của chị đã em đã thấy rất ấn tượng, một cái gì đó rất hiện đại, tinh tế và tối giản.
Khi đọc các bài viết của chị, từ bài này lại muốn đọc thêm các bài tiếp theo. Cứ thế mà em cũng đã đọc được kha khá bài của chị. Mỗi bài viết đều mang tới những hiểu biết hơn cho em, còn là một nguồn động lực nữa..
Cảm ơn chị Chi đã viết blog này.
Em chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe ! Em sẽ luôn theo dõi blog này
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi blog của chị nhé!