Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 03/12/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Mình đang ở Miami vài ngày để dự hội thảo khoa học thường niên về Giáo dục quốc tế của Comparative and International Society. Đây là năm thứ 10 mình dự hội thảo này (thời gian trôi nhanh quá! 🥲). Nhìn lại quá trình đi hội thảo từ khi còn là nghiên cứu sinh năm nhất mới từ Việt Nam sang Mỹ và tới nay khi đã là giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh lứa sau, bài học lớn nhất của mình cho cả khoa học lẫn đời sống là:
Cần dũng cảm chia sẻ những ý tưởng chưa-thành-hình
Khi còn trẻ, mình có thói quen giữ ý tưởng trong đầu và chỉ chia sẻ cho người khác khi việc hình muốn làm đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện tới 80%. Đặc biệt đối với nghiên cứu, mình cho rằng việc chỉ xuất hiện trước giáo sư, hội đồng, hội thảo… khi đã hoàn thành nghiên cứu là cách “chứng minh bản thân mình tốt nhất”, “không làm tốn thời gian của người khác” và “không để lộ ý tưởng nguyên bản của mình”.
Nhưng sự thật là, như tác giả nổi tiếng Elizabeth Gilbert từng viết trong cuốn Big Magic (đại ý): Không ý tưởng nào hoàn toàn nguyên bản, các ý tưởng đều “bay lơ lửng” trong tư tưởng của rất nhiều người, điều khác biệt chỉ nằm ở việc ai sẽ là người thực thi, biến ý tưởng đó thành hiện thực mà thôi. Do vậy, thay vì giữ ý tưởng cho mình, ta nên chia sẻ ngay từ khi ý tưởng còn trong giai đoạn phát triển để tham khảo liệu ai đã thực hiện ý tưởng này chưa, cách họ triển khai ý tưởng giống/khác gì so với mình và mình phải làm gì để tạo ra giá trị độc bản.
Quan trọng hơn, việc chia sẻ ý tưởng khi chưa hoàn thiện không không những không phản ánh sự “thiếu chỉn chu” mà thực chất lại nhấn mạnh hơn sự chuyên nghiệp và cởi mở khi sẵn sàng để người khác góp ý trong giai đoạn đầu tiên của ý tưởng để phần thực thi sau này được cải tiến hơn. Một sự thật về hội thảo quốc tế mà nhiều học giả trẻ không biết, đó là phần đông mọi người tới hội thảo để trao đổi ý tưởng trên một dự án dang dở—nhiều hơn rất nhiều những người tới thuyết trình các dự án đã hoàn thành—bởi chính sự dang dở của dự án tạo ra cảm hứng và ý nghĩa cho trao đổi đa chiều. Khi một dự án đã hoàn thiện và bạn chỉ tới hội thảo để “báo cáo” thì đồng thời cũng bạn cũng tước đi cơ hội đóng góp của khán giả, khiến người ta đến chỉ để “nghe” chứ không thể “tương tác”.
Nếu muốn trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, bạn không những cần dũng cảm chia sẻ ý tưởng ban đầu của mình mà còn cần chủ động lấy góp ý của nhiều người. Điều này không dễ, đặc biệt với những ai hướng nội hoặc có tính cầu toàn (là một người có cả hai tính cách này, mình rất hiểu!) nhưng ta cần vượt qua nỗi sợ này để trở thành chuyên gia.
Mình còn nhớ trong một hội thảo 5 năm trước ở Denver (Mỹ), mình quyết định thuyết trình một phần luận án Tiến sĩ khi vẫn trong giai đoạn phân tích dữ liệu. Sau buổi thuyết trình, một nữ giáo sư ở trường khác đã nhẹ nhàng gọi mình lại và nói: “Bạn nên xem lại phần xác định loại dữ liệu ban đầu. Phần này tôi chưa rõ trong bài nói”. Mình thực sự đã rất ngạc nhiên (thâm chí nghi ngờ), tự nhủ: “Xác định loại dữ liệu?! Đó là công việc đầu tiên, đơn giản nhất, dễ dàng nhất mà ai làm nghiên cứu sơ đẳng cũng biết, sao mà phải xem lại?”. Thế nhưng khi về nhà xem kỹ lại, mình nhận ra: Cô ấy đúng! Vì quá tập trung vào việc sử dụng các thuật toán phức tạp để xử lý dữ liệu (một hậu quả của việc “chứng minh bản thân” độc hại), mình đã quên mất những bước đầu tiên sơ đẳng nhưng quan trọng. Nếu không có góp ý của cô ấy, mình sẽ mất ít nhất 6 tháng (nửa năm cuộc đời!) sau khi viết hoàn thiện luận án rồi mới nhận ra cái sai và sửa lại—khi ấy, hậu quả đã trở nên nghiêm trọng tới thế nào.
Từ đó, mình luôn khuyến khích bản thân và học trò: Hãy dũng cảm! Chia sẻ ý tưởng khi chưa-thành hình, vượt lên nỗi sợ phải chứng minh bản thân, buông bỏ sự hoàn hảo để từng bước, từng bước, thông qua quá trình sai và sửa sai, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Còn bạn thì sao?
- Có phần nào trong học tập/công việc và cuộc sống mà bạn có thể chia sẻ khi ý tưởng chưa-thành-hình?
- Ai là người mà bạn có thể chia sẻ và nhận góp ý trung thực?
- Nếu là người lãnh đạo đội nhóm, bạn có thể làm gì để khuyến khích những thành viên trong đội nhóm của mình thoải mái hơn khi chia sẻ ý tưởng?
Hãy nhấn trả lời hoặc chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
PREP
PREP là nền tảng học & luyện thi thông minh các kỳ thi ngoại ngữ như IELTS, TOEIC. Chi đã trải nghiệm hơn 1 năm và đặc biệt tin tưởng vì ở PREP các bạn sẽ được học chắc kiến thức qua video bài giảng của thầy cô, sau đó sẽ được thi thử không giới hạn qua phòng luyện đề ảo 4 kỹ năng, được chấm điểm ngay lập tức và nhận xét kỹ càng.
Chi và PREP xin gửi tặng các bạn mã giảm giá khóa học PREP với rất nhiều ưu đãi:
Code CHI25 (giảm 25% khi đăng ký từ 2 khoá TOEIC, tặng 45 ngày dùng phòng luyện đề ảo và bộ tài liệu độc quyền)
Code CHI (giảm 30% khi đăng ký từ 2 khoá IELTS, tặng 60 ngày dùng phòng luyện đề ảo và bộ tài liệu độc quyền)
Cảm ơn PREP đã tài trợ cho số “Bài học thứ Tư” tuần này!
GỢI Ý TUẦN NÀY
- Sách “Make time” (“Kỹ năng quản lý thời gian”). Mình đang đọc tới chương cuối cùng của cuốn sách này và thấy nó thực sự thú vị vì hai điểm đặc biệt. Thứ nhất, sách viết bởi hai tác giả, do vậy, có những phần “tranh luận” về cách quản lý thời gian riêng của mỗi người—điều này giúp cho người đọc có cái nhìn đa chiều, thực tế, dí dỏm hơn các cuốn sách với chỉ một tác giả. Thứ hai, sách viết bởi hai người từng nhiều năm là “dân văn phòng” nên những giải pháp về quản lý thời gian đưa ra có thể áp dụng được với nhiều độc giả—khác với những cuốn sách cùng đề tài được viết bởi những người có sự nghiệp tự do hoặc chủ doanh nghiệp.
- Show truyền hình “Forensic Files” (“Hồ sơ pháp y”). Đây là một show thuộc dòng true crime (vụ án có thật) nổi tiếng tại Mỹ từ năm 1996. Mình cực kỳ thích show này vì nó là sự kết hợp tuyệt vời giữa khoa học pháp y và hình sự trinh thám. Điểm tuyệt vời nhất là giọng đọc thuyết minh của cố nghệ sĩ Peter Thomas thực sự êm ái, nhẹ nhàng, những cũng không kém phần hồi hộp. Mình xem đi xem lại rất các tập phim gần như hàng đêm và nhiều khi (theo ngôn ngữ của chồng mình) “ngủ thiếp đi trong khi người ta đang kể chuyện giết người phân xác” 🫣. Show này có thể xem trên YouTube một cách miễn phí ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam.
- Khóa học Làm blog miễn phí. Tuần rồi khi mình viết blog trở lại, rất nhiều bạn hỏi mình cách lập blog, viết blog và duy trì blog. Mình nhận ra đã lâu rồi chưa truyền thông cho Khóa học làm blog miễn phí của The Present Writer, nơi mình chia sẻ mọi bí quyết từ A-Z 😉. Bạn chỉ cần đăng ký địa chỉ email tại đây và hệ thống sẽ tự động gửi email liên tiếp trong 7 ngày, mỗi ngày là một bài học mới. Hoàn toàn miễn phí!
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎤 Podcast – Nghiện sự chắc chắn. Nghiện sự chắc chắn có ảnh hưởng gì? 3 bước để vượt qua “cơn nghiện.”
✍️ Blog – Tại sao tôi ngừng viết & Tương lai của The Present Writer. Bài viết trở lại blog sau một thời gian dài “vắng bóng”. Tại sao mình ngừng viết, muốn viết lại, và viết theo một cách khác?
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email