Đã khá lâu tôi không đăng bài viết mới trên blog. Đôi lúc tôi tự hỏi: Cái tên “The Present Writer” có còn đúng nữa không khi mình không còn là một writer (người viết) trong lòng công chúng?
Mới cách đây vài hôm, tôi nhận được một tin nhắn trên Instagram: “Em theo dõi chị mấy năm nay qua YouTube và podcast nhưng hôm nay em mới biết chị có cả blog!” Đối với các bạn khán giả mới (và đôi khi cả với chính tôi!), thật khó có thể tưởng tượng rằng tôi bắt đầu xây dựng thương hiệu The Present Writer với trang blog này năm 2016. Phải tới 4 năm sau, năm 2020, các kênh video và podcast mới ra đời. Đã có những giai đoạn, hàng năm liền, tôi đều đặn đăng bài viết mới vào thứ Tư hàng tuần. Dù bận rộn, đau ốm, mưa nắng như thế nào, tôi cũng cố gắng lên bài đúng “deadline”—một hạn chót không ai bắt tôi làm, không vì mục đích chiến lược nào, và không hề đem lại một đồng thu nhập nào cho tôi ở thời kỳ đó. Tôi viết thực sự chỉ vì đam mê và niềm vui thuần túy.
Nhưng tại sao một người viết lại ngừng viết? Tôi từng tự hỏi điều này rất, rất, rất nhiều lần trong hai năm vừa qua. Và không chỉ có tôi, rất nhiều blogger nổi tiếng, tác giả sách best-seller và những người làm nghề viết chuyên nghiệp cũng đặt câu hỏi tương tự trên các diễn đàn khắp thế giới. Tại sao người viết, đặc biệt người viết thành công, ngừng viết?
Thực ra, tôi đã có câu trả lời từ khá lâu, nhưng tôi quyết định rằng mình sẽ không chia sẻ lý do cho tới khi nào tìm ra được giải pháp. Và hôm nay, tôi tự tin rằng đã tìm ra lời giải (ít nhất cho trường hợp của mình) và quyết định ngồi lại với blog—trở lại điểm xuất phát—để chia sẻ những bài học của tôi và con đường sắp tới của The Present Writer.
—
Bài viết này dành tặng:
- Tất cả những ai đang trên hành trình viết, dù bạn viết sách, viết báo, viết blog, hay viết nội dung số nào khác, tôi tin rằng cũng như tôi, bạn sẽ có những thời điểm cảm thấy khó khăn với việc duy trì viết đều đặn và tiếp nối những thành công ban đầu từ nghề viết.
- Những độc giả đã theo dõi blog The Present Writer từ những ngày đầu tiên. Những bình luận tích cực, những lời động viên, hay đơn thuần là việc bạn còn “nhớ tới” trang blog này chính là động lực lớn nhất để tôi bước đi trên con đường đơn độc (nhưng không cô đơn) của một người viết hơn 8 năm qua.
—
Tại sao “ngừng” viết?
Sở dĩ “ngừng” được để trong ngoặc kép là vì sự thật là không người viết nào hoàn toàn ngừng viết, họ vẫn viết hàng ngày—viết tin nhắn, viết nháp, viết nhật ký, hay viết trong tâm tưởng… Họ chỉ ngừng viết cho người đọc rộng rãi mà thôi.
Đây là điều tôi quan sát được từ nhỏ khi lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề viết. Nhưng phải tới khi (tình cờ) đi tiếp con đường của gia đình, tôi mới thấm thía được “ngừng” viết thực sự là thế nào.
Vậy, tại sao tôi “ngừng” viết?
1. Viết không chỉ là…viết
Trước đây đối với tôi, viết đơn thuần là sắp xếp tâm tư, câu chuyện, cảm xúc của mình trên một trang (giấy, blog, mạng xã hội) và chia sẻ trang viết đó tới mọi người. Nhưng hiện tại, với việc mở rộng làm video, podcast và các dự án cùng cộng sự, viết đã mang những hình thái khác như viết kịch bản quay video/podcast, viết miêu tả/truyền thông cho mỗi nội dung số mình làm ra, viết bài thuyết trình cho sự kiện, viết email lên kế hoạch thực hiện dự án… Cùng là viết nhưng khoảng cách từ thứ mình viết ra tới sản phẩm cuối cùng có thêm nhiều bước và nhiều người cùng tham gia, khiến thời gian viết giảm xuống trong khi độ phức tạp của nội dung viết lại cao lên.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều người viết thành công mà tôi biết đã và đang gặp phải. Khi mới bắt đầu viết, bạn chỉ viết cho chính mình và cho độc giả. Nhưng khi việc viết của bạn bắt đầu có kết quả rõ rệt, bạn lại có thêm những cơ hội viết khác như: viết bài cho báo, làm truyền thông cho nhãn hàng, biên tập cho tác giả khác… hay giống như tôi, bạn mở rộng sáng tạo đa nền tảng và kinh doanh sách. Điểm chung lớn nhất là bạn sẽ chứng kiến quá trình “scale up” (tăng trưởng, mở rộng) từ nền tảng ban đầu của mình. Và điều trớ trêu nhất của việc này, đối với người làm sáng tạo, đó là càng scale up sự nghiệp sáng tạo của mình thì thời gian làm sáng tạo cá nhân lại càng ít đi; bởi khi đó, bạn cần chia sẻ thời gian với người khác và dành những ưu tiên khác.
Bởi vậy, mặc dù tôi vẫn viết hầu như hàng ngày nhưng thành quả cuối cùng khán giả nhìn thấy không phải là bài viết mà là video, podcast, sự kiện, sản phẩm… —những thứ bắt đầu từ viết nhưng không kết lại bằng viết!
2. Viết có sức nặng lớn hơn
Khi mở ra blog này, tôi mới 27 tuổi, đang học năm thứ ba Tiến sĩ và chưa kết hôn. Khi viết những dòng này, tôi đã 34 tuổi, là giảng viên đại học và có chồng cùng con nhỏ. Cuộc sống thay đổi khiến sức nặng của việc viết đối với tôi trở nên lớn hơn. Chẳng hạn, cùng là hai tiếng viết, nhưng giữa việc viết một bài blog miễn phí và viết nghiên cứu khoa học để tính điểm lên hàm giáo sư (theo cơ chế tenure tại Mỹ), tôi buộc phải chọn làm nghiên cứu trước. Tương tự, có thể cùng là việc viết cho cộng đồng nhưng giữa việc viết các bài blog vì cảm hứng bất chợt và việc viết sách tạo ảnh hưởng lâu dài, tôi buộc chọn viết sách trước. Sức nặng của việc viết lên quỹ thời gian eo hẹp của tôi trở nên rất lớn.
Bên cạnh đó là sức ép của cái gọi là “trách nhiệm người của công chúng”. Nếu như trước đây tôi chỉ viết cho một bộ phận độc giả nhỏ, giống như những người bạn tới nghe tôi thủ thỉ, tâm tình, thì bây giờ, tôi như một diễn giả đứng trên khán đài với hàng trăm ngàn con mắt đổ dồn tới. Có nhiều khán giả ủng hộ, nhưng cũng không ít người chưa hài lòng. Dù đôi khi chỉ là lỗi chấm phẩy, cách dùng từ, hay một quan điểm cá nhân nào đó khác với góc nhìn chung của xã hội cũng đủ đề tôi nhận được những bình luận với “cáo buộc trách nhiệm” nặng nề.
Thành thực, tôi biết ơn sự quan tâm, chú ý của cộng đồng. Có ai làm nghề viết mà lại không muốn có nhiều độc giả cơ chứ? Nhưng không thể phủ nhận, điều ấy khiến tôi cảm thấy áp lực lớn hơn rất nhiều mỗi khi đặt bút viết.
3. Viết không còn là sở thích
Lý do lớn nhất khiến tôi quyết định viết blog khi còn là nghiên cứu sinh là bởi tôi rất cần một sở thích bên ngoài việc học và nghiên cứu ở trường. Khi ấy, viết thực sự là một hobby—một thú vui cá nhân đơn thuần, không phải vì “miếng cơm manh áo”. Nhưng tới khi tôi bắt đầu “sống được” với nghề viết thì bỗng chốc, viết biến thành công việc thay vì sở thích.
Nhà văn nổi tiếng Stephen King từng định nghĩa người viết cho vui và người viết chuyên nghiệp như thế này:
“If you wrote something for which someone sent you a check, if you cashed the check and it didn’t bounce, and if you then paid the light bill with the money, I consider you talented.”
“Nếu bạn viết một cái gì đó mà nhờ đó người ta trả bạn một tấm séc, khi bạn dùng tấm séc đó rút ra được tiền mặt thành công, rồi bạn dùng tiền đó để trả hóa đơn tiền điện, tôi cho rằng bạn tài năng”
Ai làm nghề viết mà lại không mong sống được bằng con chữ, chi trả được hóa đơn bằng nhuận bút của mình và được Stephen King gọi là “tài năng” cơ chứ? Nhưng thời điểm mà viết chuyển từ sở thích sang công việc cũng chính là lúc tôi không còn muốn viết mỗi khi rảnh rỗi và thư giãn nữa. Đó là lúc tôi quyết định “ngừng” viết…
—
Tại sao viết tiếp?
Đúng vậy, tôi đã quyết định viết tiếp… với một hướng đi khác. Nhưng trước hết, tôi muốn cam kết với chính mình bằng những lý do viết rõ ràng hơn:
1. Viết là “món quà”
Tôi đặt tên blog là The Present Writer vì chữ “present” ngoài nghĩa là “hiện tại” (triết lý: sống cho hiện tại) thì còn mang nghĩa “món quà”. Sau rất nhiều năm trốn tránh con đường viết lách của gia đình (với nỗi ám ảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”) và coi thường khả năng viết của mình; đến một ngày, tôi nhận ra rằng đây là sự nghiệp phù hợp nhất với mình—là công việc mình đam mê và có khả năng làm tốt nhất. Nói một cách khác, kể từ ngày mở blog 8 năm trước, tôi quyết định nhận món quà này, từ truyền thống gia đình và từ bản thân mình, để trở thành một người viết.
Mỗi lần tập trung viết tới trạng thái dòng chảy (flow), tôi đều quên hết tất cả mọi thứ xung quanh và cảm thấy hưng phấn như một đứa trẻ đang mở ra một món quà mới vậy. Ngay khi viết được một nửa bài blog này, tôi đã có khoảnh khắc cảm xúc dâng trào tới mức trái tim tôi dường như bị bóp nghẹt. Tôi hít thở một hơi thật sâu, đóng máy lại, bước ra ngoài đi bộ để tận hưởng, “nhâm nhi” cảm xúc này. Đây cũng là điều tôi quan sát được từ nhỏ ở ông ngoại tôi, cố nhà báo Nguyễn Hải, mỗi khi ông trút hết tâm can viết ra một bài báo mà ông tâm huyết. Viết khiến tôi thấy gần ông mình hơn bao giờ hết. Thực sự, viết là một món quà tuyệt vời!
2. Viết là “phương tiện nghệ thuật”
Mọi người có thể biết đến tôi nhiều hơn trên video hay podcast bởi đây là những loại hình dễ thu hút người xem, nhưng viết lại là “phương tiện nghệ thuật” (art medium) tôi thoải mái sử dụng nhất.
Giống như cùng là họa sĩ, nhưng có người chọn vẽ trên giấy, vải, gỗ, iPad…, có người chọn sơn dầu, khảm trai, màu nước, acrylic… Đối với tôi, đó là viết. Mặc dù rất thích quay, chụp, dựng video/podcast và làm các dự án sáng tạo khác, những thứ đó đến với tôi bởi trí tò mò, sự ham học hỏi và nỗ lực, chứ không phải từ bản năng tự nhiên. Viết thì khác, viết luôn đến cùng tôi nhẹ nhàng như một hơi thở.
3. Viết là “phép màu”
Trong một phiên viết journal buổi sáng cách đây chừng 10 năm, tôi bất chợt có giây phút tỉnh thức khi nối được sợi dây liên kết, một mẫu số chung tạo nên những điều tốt đẹp nhất trong đời mình. Tôi vội ghi xuống một câu nguệch ngoạc:
“When I write, good things happen”
“Khi tôi viết, điều tốt đẹp xảy ra”
Hết lần này tới lần khác, viết mang đến phép màu trong cuộc đời tôi. Viết giúp tôi từ một cô bé xuất phát điểm bình thường tại Việt Nam nhận học bổng sang Mỹ du học. Viết giúp tôi vượt qua tất cả nghiên cứu sinh tài năng trong Khoa để nhận giải thưởng “Luận án Tiến sĩ xuất sắc nhất”. Viết giúp tôi chiến thắng trong cuộc đấu giá cam go giữa thời điểm sốt nhà đất tại Mỹ để mua được hai căn nhà đầu tiên cho gia đình nhỏ của tôi và cho ba mẹ… Viết đã làm thay đổi cuộc đời tôi!
Vậy, giải pháp của tôi là gì để tiếp tục viết và kiến tạo nên những phép màu này?
—
Hướng đi mới của The Present Writer
Ở phần đầu bài viết, tôi đã nhấn mạnh rằng mình quyết định không chia sẻ lý do ngừng viết và chỉ viết trở lại khi đã tìm ra giải pháp để viết bền vững hơn. Sau một thời gian dài cân nhắc và thử nghiệm, tôi rất vui được chia sẻ hướng đi mới của The Present Writer:
1. The Blog
Để tiếp tục viết đều đặn nhưng giảm áp lực thấp hơn, tôi quyết định cho ra đời newsletter—bản tin hàng tuần có tên “Bài học thứ Tư”. Đây là một bản tin hoàn toàn miễn phí, được gửi trực tiếp tới hòm email mà độc giả đăng ký vào mỗi sáng thứ Tư hàng tuần (theo giờ Việt Nam). Bản tin này là phiên bản mới, ngắn gọn, cô đọng hơn của blog. Tuy vậy, bản tin sẽ không thay thế hoàn toàn blog—vẫn có những bài viết dài được đăng trên blog và email tóm tắt/trích đoạn tới bản tin.
Bạn hãy nhấp vào đây hoặc điền thông tin phía dưới để đăng ký nhận bản tin miễn phí ngay nhé!
2. The Present
“Món quà” tôi trao trong “Bài học thứ Tư” là những điều do tôi chiêm nghiệm, chắt lọc, tìm tòi trong từng tuần. Kèm theo trang viết thông thường sẽ có những gợi ý sách hay, khóa học bổ ích, nội dung số đáng xem, những sản phẩm/công cụ hiệu năng… giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức. Những món quà này bạn sẽ nhận được hoàn toàn miễn phí tại đây.
Điều duy nhất tôi mong nhận lại là sự ủng hộ chân thành. Nếu bạn trân trọng những gì tôi làm, hãy giúp tôi lan tỏa rộng rãi hơn món quà này bằng việc tương tác The Present Writer: nhấn yêu thích nội dung, bình luận, chia sẻ bài viết, chia sẻ bản tin, gửi link đăng ký bản tin cho những ai đang cần…
3. The Writer
Để mang viết trở lại trong chu trình hàng ngày của mình mà không dẫn đến tình trạng áp lực, kiệt sức, “chia năm sẻ bảy” với những công việc khác, tôi sẽ:
- Phát triển thêm sở thích khác. Để thay thể cho sở thích viết lách lúc rảnh rỗi, tôi đã trở lại với một sở thích thưở nhỏ là vẽ truyện tranh. Nếu bạn bắt đầu thấy những bức vẽ “nhi đồng” của tôi đâu đó thì mong bạn đừng chê cười nhé! ☺️
- Viết “nhanh” hơn. Một trong những điểm mạnh của The Present Writer là những bài viết dài và sâu sắc—thường ngốn của tôi 3-4 ngày để hoàn thiện. Nhưng trong tương lai, tôi muốn thử nghiệm cách viết ngắn và viết với tốc độ cao hơn để chia sẻ dễ dàng hơn qua bản tin “Bài học thứ Tư” và trên mạng xã hội. Vì viết nhanh hơn nên có thể những lỗi đánh máy, chính tả, chấm phẩy, câu từ… sẽ xảy ra, mong bạn thông cảm trước nhé!☺️
- Tập trung sáng tạo sản phẩm mới. Quá trình chuyển hóa các bài viết trên blog thành sách (“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”) và tập hợp các kiến thức quản lý thời gian/làm việc hiệu quả tạo nên sổ (“The Present Day planner”), dạy tôi rằng: Sản phẩm tri thức là bước nhất thiết để đưa nội dung số thành “di sản”. Những sản phẩm này có khả năng tạo ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài hơn tới nhiều người, giúp lan tỏa thông điệp và kiến thức của tôi xa hơn nữa. Bởi vậy, những năm tiếp theo tôi sẽ tập trung viết sách, thiết kế sổ và tạo ra nhiều sản phẩm tri thức mới. Bạn hãy theo dõi bản tin để cập nhật thông tin sớm nhất nhé!
Tôi thực sự biết ơn sự ủng hộ của bạn đọc trong suốt những năm qua. Hy vọng sẽ tiếp tục được đồng hành với bạn trong nhiều năm sắp tới!
Be present,
Chi Nguyễn
Ngan Thi Phuong Nguyen says
Chi có cách diễn giải lí do thấu đáo và sự thay đổi này cũng rất hợp lí trong thời đại số mà vẫn yêu “Viết”. Ủng hộ Em nhé!
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã ủng hộ em và blog ạ. Comment yêu quá! ^^
Mai Vũ says
Tôi đọc thấy bài viết này thật hay, tôi thích cách diễn giải vấn đề rõ ràng như vậy. Mong đọc bản tin thứ 4 mỗi tuần của bạn.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn nhiều. Chi hẹn bạn mỗi thứ 4 nhé. Mình sẽ cố gắng tiếp tục lối viết rõ ràng như bài này ^^
Đỗ Đức Thông says
Em thường xuyên vào blog của chị,
1 là để nghiên cứu, 2 là để học hỏi những ý tưởng mà chị đã áp dụng trong cuộc sống.
Em ít xem video hơn, vì xem tốn nhiều thời gian hơn so với viết.
Viết có thể đọc lướt, tóm tắt và dừng lại để suy ngẫm (liên tưởng) về cuộc sống của mình.
Rất vui vì chị đã quay lại!
Chúc chị sức khỏe, và có nhiều năng lượng để phát triển dự án ý nghĩa này!
Nhi Bui says
Tuyệt vời quá chị ơi. Cảm ơn chị vì đã “trở lại”. Mong bản tin thứ 4 hàng tuần từ chị ạ. <3
Thao Huynh says
Ủng hộ hướng đi mới của TPW hết mình luôn Chị ơi. Viết ngắn cũng là một giải pháp để duy trì sự viết trong lúc em làm rất nhiều thứ cùng lúc như này. Nhiều khi chị chỉ biết nhìn và tự hỏi how. Nhưng đã nghe 1 podcast của em về việc này, rằng em làm được không có nghĩa chị sẽ làm được vì mỗi người mỗi khác. Từ đó bớt thèm thuồng và đối xử nhẹ nhàng với bản thân hơn.
Chị cũng là người thích viết và đang ngừng viết ( không có ngoặc kép ngoặc đơn gì ráo 😁) vi khổ sở với cái blog thỉnh thoảng cứ bị lỗi code và mất tg ngồi mò mẫm trong bóng đêm để sửa nó, do đâu có thu nhập gì từ nó để thuê dịch vụ.
Nên khi ngừng viết được 1 tg, cái cảm giác cồn cào nhung nhớ lại thỉnh thoảng mò đến khi tình cờ đọc được bài viết hay của ai đó, ví dụ của em chẳng hạn.
An says
Chúc mừng bài viết mới của chị Chi trên blog và chúc mừng sự khởi đầu của bản tin “Bài học thứ Tư” ạ 🥰
Vivian says
Vẫn mãi một tình yêu Chi ơi <3
B.N. says
Em cũng là người có sở thích viết blog, và cũng viết blog được hơn 5 năm rồi. Mỗi tháng em thường viết 1 bài, nhưng đa số là dạng bài “ngắn và nhanh” như bản tin thứ 4 của chị ạ. Em cũng đang làm giảng viên cho 1 trường ĐH ở Việt Nam, tham gia làm nghiên cứu để có thể xuất bản các tạp chí quốc tế và cũng có đam mê giúp đem lại môi trường giáo dục phát triển hơn cho sinh viên Việt Nam. Nhưng em có khác chị Chi rằng em chưa có gia đình, ấy thế mà bản thân nhiều lúc cũng cảm thấy rất quá tải. Thật khâm phục chị Chi vì có thể làm được nhiều công việc như vậy cùng 1 lúc.
Hương says
Cảm ơn Chi rất nhiều!
Quyên Quyên says
mong được đọc bản tin thứ 4 hàng tuần của chị Chi quá
Thanh Thảo says
Cảm ơn Ms Chi nhiều nhé! chị luôn tin yêu và ủng hộ em 🙂
Tuyet Pham says
Một ngày cách đây không lâu, chẳng hiểu vì sao em biết đến blog này và biết đến chị, em đã áp dụng phương pháp Pomorodo từ lúc ấy đến nay và thực sự nó giúp em làm việc tập trung và hiệu quả hơn rất nhiều, em cũng có xem cái bài chị đăng về nghiên cứu khoa học trên youtube. Em cảm ơn chị Chi nhiều lắm, chúc chị cùng gia đình an lành và hạnh phúc, chúc các dự án của chị đều suôn sẻ để đem lại giá trị nhiều nhất đến cộng đồng. Trân quý chị! Love you from China.
Nga says
Đọc bài này giúp em nhận ra nhiều điều. Cảm ơn chị vì luôn chia sẻ chân tình như thế. Em chúc chị thành công rực rỡ với hướng đi này 🙂
Thảo Nguyên says
Em rất cảm ơn chị Chi vì đã thành thực chia sẻ những điều này trên blog của mình. Em cũng là một người yêu việc viết lách và theo dõi chị từ lâu. Bản thân em cũng cảm nhận được những áp lực khi em chia sẻ một quan điểm nào đó của mình dưới dạng các bài viết cá nhân trên mạng xã hội. Vậy nên em rất rất đồng cảm với chị. Nhờ có bài viết này của chị mà em có động lực hơn để tiếp tục viết và tin rằng những chia sẻ của mình đang giúp ích cho bản thân và cộng đồng. Em chúc chị thật nhiều sức khỏe và luôn tìm thấy hạnh phúc bên trong mình!
Hannah Tong says
Hết thảy đều tuyệt diệu em ạ. Thích cách em nói: Viết là phép màu, viết là phương tiện nghệ thuật, viết là phép màu. Và giờ là viết nhanh và viết có tranh…nhi đồng. Thật đáng ngưỡng mộ và luôn theo dấu của em!
Nguyễn Văn Nghĩa says
🫶 Luôn có sự đồng cảm nào đó khi đọc những bài viết của Chi.
Giang Kiều says
Luôn theo dõi và trân trọng những gì Chi chia sẻ. Mình học được rất nhiều từ Chi!
lemi says
Viết đối với em giúp sắp xếp tư tưởng và giúp bản thân phát hiện ra nhiều kết nối mới giữa những gì mình tưởng chừng đã biết, và cũng gợi mở những câu hỏi mà nếu chỉ giữ trong tâm tưởng, rất khó để lần tới. Em học ngành kỹ thuật nên học nặng về toán. Em được học là khi gặp vấn đề/ bài toán, mình phải viết ra rõ ràng, tạo thói quen phân tích… thay vì dùng intuition. Việc viết và trình bày rõ ràng cho một bài toán hay cho một chủ đề viết nào đó đều có sức mạnh rất lớn. Đặc biệt, khi chủ đề mình viết phức tạp và quan trọng, mình càng cần phải viết kỹ hơn. Nếu không, càng không thể tìm ra lời giải hoặc ít nhất, hiểu hơn về vấn đề ấy ạ.
Viết bản chất là kết tinh của văn minh nhân loại, vì đâu phải chữ viết đã tự nhiên mà có. Em có đọc về những xã hội chỉ có ngôn ngữ nói, người ta phải chật vật như thế nào để truyền miệng biết bao là sự việc, hiện tượng. Với những xã hội mà tuổi thọ con người không quá cao, không ai nhớ đến những đợt lũ lụt, hạn hán lịch sử vì những người đã trải qua những ngày tháng ấy đã mất mà không có ghi chép gì. Có nhiều điều mình sống trong xã hội hiện đại, mình tưởng là hiển nhiên, nhưng thật ra rất đáng quý ạ.
Trong đời sống hiện đại gấp gáp, em rất quý thời gian được đọc và viết, vì tâm trí được luyện tập suy nghĩ sâu và sắc hơn. Những bài viết của chị rất truyền cảm hứng, nhắc nhở em nên ưu tiên chút thời gian mỗi ngày cho việc viết ạ. Em đã dùng sổ hiệu năng của chị được nhiều tháng và em nhận thấy rằng, tuần nào em viết vào sổ nhiều hơn, tuần ấy em được sống sâu hơn, (vì viết giúp mình quan sát lại, ‘sống lại’, chiêm nghiệm về sự việc), cảm thấy mình làm chủ thời gian của mình nhiều hơn. Đúng là những điều tốt đẹp xảy ra khi mình viết ạ. Hihi.
Em cảm ơn chị vì những bài viết sâu và hữu ích. Em mong được đọc bản tin thứ 4 của chị.
Anonymous says
Câu chuyện thật gần gũi và mang nhiều thông điệp. Mong đợi bản tin Thứ 4 hàng tuần từ chị. Chúc chị luôn rực rỡ trong hành trình của riêng mình!
Yến Vy says
Thật vui khi tiếp tục đc đọc Blog của chị sau thời gian dài chờ đợi.
Cám ơn chị đã luôn đem đến những bài viết, câu chuyện có giá trị cho mn.
—–
Chia sẻ nhỏ ạ.
Với em, chị Chi là một người rất đặc biệt. Thường thì e cảm thấy những anh chị tài giỏi mà e follow họ giống như những người đặc biệt phi thường.
Nhưng với chị, e không cảm thấy điều đó.
Có lẽ vì những chia sẻ rất thật của chị nên dù chưa bao giờ gặp nhưng e thấy rất gần gũi với chị thông qua blog và nghe podcast. Nhờ chị mà em được tiếp thêm niềm tin và động lực để luôn nỗ lực phát triển bản thân.
Những ngày tâm trạng em nặng nề nhất nhờ vào những chia sẻ của chị https://youtu.be/kLeymBD2hZk?si=eyUdToThBTFcp5X1 , mà em đã tìm về an ủi chính mình và vượt qua nó. Lạ thay, e nghe video của chị để tìm hướng đi nhưng trong em cảm lại cảm thấy e có được sự đồng cảm từ chị.
—
Em luôn trân quí và biết ơn vì may mắn được “biết chị”.
Cám ơn chị rất nhiều và chúc chị luôn khoẻ mạnh, vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc sống.
Là người độc giả từ quê nhà, e sẽ luôn dõi theo và ủng hộ chị Chi ạ
Hieu says
Cám ơn Chi nhé, mình là một người đọc lớn tuổi biết đến Chi nhờ con Covid và đến giờ vẫn âm thầm ủng hộ Chi. Cũng nhờ những chia sẻ của Chi mà mình vượt qua một quãng thời gian khó khăn trong công việc/cuộc sống. Hiện tại mình coi mỗi ngày đều làm một món quà và mình đã giúp chữa lành cũng như lan tỏa những năng lượng tích cực cho một số bạn bè gặp tình trạng tương tự mình và vượt qua. Thân ái !
Kiều says
Em vẫn luôn chờ đợi bài viết mới trên blog của chị. Em thích đọc hơn là nghe, là xem. Cảm ơn chị đã mang blog trở lại ạ!
Văn Hiệp says
Cảm ơn Chi vì những giá trị tốt đẹp mà bạn chia sẻ! Chúc bạn luôn nhiều sức khoẻ và niềm vui!
Giang says
Em vẫn hay vào kiểm tra xem có bài mới không và thỉnh thoảng đọc lại bài cũ vì không có bài mới. Chúc chị sức khoẻ ạ
Tracy Nguyen says
Ôi thật sự là một bài viết dài hehe. Nhưng thật sự nó vẫn cho em thấy tại sao vẫn âm thầm follow chị vì bài viết nó có các phần từng phần thay vì là 1 tâm thư dài. Mong là bảng tin mỗi thứ tư sẽ thật vui và có nhiều điều hay ạ.
Linh Tran says
Em cảm ơn chị Chi đã chia sẻ bài viết này, khi đọc em có thể cảm nhận được sự yêu thương của chị Chi dành cho việc viết lách.
Lâu lắm rồi em lại được thấy bản thân mình được động viên nhiều hơn trong việc cứ viết, viết thật sự là một món quà.
Mong sẽ nhận thêm được nhiều bài viết sắp tới của chị
_nlfau_ says
Cảm ơn bài chia sẻ của chị Chi. Em đọc được bài viết của chị khi em đang thả mình trong không gian tĩnh lặng của trường, khi ai ai cũng đang chăm chỉ với những công việc riêng của mình. Là một sinh viên năm 2 với mong muốn tìm kiếm và khám phá bản thân, em cũng đã thử và trải nghiệm rất nhiều, nhìn nhận được nhiều thứ và cũng trưởng thành hơn phần nào. Tuy nhiên khi nhìn lại em thấy bản thân mình đã có những năm tháng bề bộn quá. Tự dưng em thèm cảm giác được tĩnh lặng, được thả trôi mình, được hòa quyện vào những con chữ, được viết ra bao nỗi tâm tư bấy lâu. Em cũng từng rất thích viết và viết cũng cho em những cảm xúc đẹp và thăng hoa lạ thường. Cơ mà em lại đánh mất thói quen ấy.
Cảm ơn bài viết của chị như cho em động lực để tìm lại cái thú vui thuở ấy. Và mong rằng cho sẽ luôn thành công hơn nữa với the present writer