Có bao giờ bạn nhìn vào chân dung một người ngoài 80 tuổi và tự hỏi cuộc đời họ đã trải qua những gì, điều gì làm họ tự hào nhất, nuối tiếc nhất, và liệu ta có thể học được gì từ 80 năm cuộc đời họ? Trong bài phỏng vấn đặc biệt này, sử dụng phương pháp photo elicitation interview (dùng hình ảnh để gợi mở câu hỏi, diễn tiến phỏng vấn), tôi tìm hiểu về cuộc đời nhà báo Mai Hân (Mai Thị Ngọc Hân) từ năm 6-7 tuổi đến ngoài 80.
Đối với các bạn đã theo dõi blog từ lâu, bạn có thể sẽ nhận ra nhà báo Mai Hân chính là bà ngoại tôi, người thầy đầu tiên, và là người có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của tôi. Mặc dù sống với ông bà ngoại từ nhỏ, nhưng phải qua cuộc phỏng vấn này, tôi mới học được thêm về cuộc đời bà và những điều tuyệt vời ông bà đã trải qua khi còn trẻ. Tôi tin rằng bạn đọc cũng sẽ thấy bài phỏng vấn này thú vị và dễ thương như chính con người ngoài đời của bà ngoại tôi, nhà báo Mai Hân.
1.
Chi: Bà có thể nói cho cháu về ảnh số 1 này được không ạ?
Bà Hân: À, ảnh này chụp ở nơi tản cư. Bà năm ấy lên lớp 1 (khoảng 6-7 tuổi), vì chiến tranh nên tản cư về quê ngoại học ở một trường làng.
Chi: Thế trước khi tản cư nhà bà ở đâu và như thế nào ạ?
Bà Hân: Trước khi tản cư, nhà bà ở 14 phố Bùi Viện (bây giờ gọi là phố Phan Huy Ích). Bố bà là Giáo sư Mai Phương, chuyên dạy về Lịch Sử; ông cụ khi đó là Giám đốc Sở Giáo dục miền Bắc (trong thời Pháp gọi là Nha Học Chính Bắc Phần). Khi chiến tranh với Nhật nổ ra, cả nhà phải đi sơ tán. Bà được gửi về quê ngoại ở làng Vẽ (*nay thuộc Đông Ngạc, Từ Liêm), đây là một làng nổi tiếng về khoa bảng và cũng rất giàu truyền thống Cách mạng.
Chi: Khi bà nhìn tấm ảnh này, bà nghĩ đến điều gì đầu tiên?
Bà Hân: Bà nghĩ đến những kỷ niệm hồi bé, ngây thơ, hồn nhiên. Từ một cô bé thành thị chưa bao giờ tới nông thôn, giờ về đây để học cùng các bạn. Các bạn rất quý mình, mà mình cũng hoà đồng. Bà nhớ nhất là một cô bạn tên là Hốt hay Hót gì đó thường lấy hạt cây xâu lại thành vòng cho bà đeo tay, đeo cổ. Bây giờ cũng không còn nhớ hạt cây đó gọi là gì nhưng hình ảnh về vòng hạt thì bà vẫn còn nhớ rất rõ nét.
Hồi đó bà ốm lắm, cả nhà gọi là “mèo ốm”. Vì ốm quá nên mới được gửi về quê chăm cho khoẻ; khi đi như thế cũng có một “vú em” theo cùng để săn sóc.
2.
Chi: Vậy còn tấm thứ 2 này thì sao ạ?
Bà Hân: Bà lúc này khoảng 15 tuổi. Khi đó bà đã về lại Hà Nội, đang học ở trường Hàng Cót. Tấm này chụp ở đám cưới ông Ứng (*anh trai cả của bà). Ông Ứng học ở trường Pháp Albert Sarraut (*một trong những trường trung học nổi tiếng nhất Đông Dương tại Hà Nội thời Pháp thuộc); ông học rất giỏi Toán nhưng mà lười (cười).
Chi: Thế lúc này bà đã hết ốm chưa?
Bà Hân: Chưa, bà vẫn ốm liên miên, mà lại còn nổi tiếng là “kỵ thầy giáo” – cứ đi học một tuần là lại ốm một tuần (cười). Nhưng may mắn bà dần khoẻ hơn là nhờ có ông bà cụ chăm sóc cẩn thận. Nghĩ lại bây giờ, bà nghĩ mình chăm con không bằng bố mẹ bà chăm bà đâu. Hồi đó, mẹ bà mỗi sang lại nấu cao với thuốc bổ cho bố bà và cho bà “ăn ké”; cụ bà kỳ công lắm, thuốc nào cũng phải đặt mua từ tận gốc, lâu lắm mới gửi về được đến nhà, rồi được phơi tẩm, nấu kỹ. Sáng nào bà cũng lần lần tìm cách “trốn” uống thuốc nhưng cụ bà lúc nào cũng “tóm” được và bắt uống cho kỳ được (cười).
Chi: Nhà bà có bao nhiêu anh chị em?
Bà Hân: Kể cả bà là có 9 người, bà là con thứ 7
Chi: Hiện nay thì còn bao nhiêu người ạ?
Bà Hân: Hiện nay 3 người đã mất, còn một bà chị cả là bà Ân thì xa xôi lắm, lâu rồi mất liên lạc. Bà Ân lấy người Pháp nên gia đình đã “từ” cách đây hàng chục năm. Lúc bà Ân lấy chồng là cả nước đang trong thời kỳ chống Pháp – toàn quốc kháng chiến; việc bà ấy lấy Tây như vậy thật sự là nỗi “sỉ nhục” cho một gia đình yêu nước như ông bà cụ Mai Phương.
Chi: Bà có thể giải thích thêm cho cháu một chút được không ạ? Tại vì cháu thấy trong thời Pháp thuộc, cụ Mai Phương vẫn làm cho Sở Giáo dục của Pháp và các anh chị em nhà bà đều học ở trường Pháp, vậy tại sao cụ lại không ủng hộ đám cưới của bà Ân với người Pháp?
Bà Hân: Bởi vì đây là một gia đình Hà Nội gốc, vô cùng nề nếp, có tôn ti trật tự – thậm chí có thể gọi là “phong kiến” nữa – nên việc lấy người nước ngoài, nhất là người Pháp, là tối kỵ. Cả gia đình đều yêu nước, theo Cách mạng. Khi Kháng chiến nổ ra, ông cụ Mai Phương vẫn kiên định ở lại Hà Nội — lúc ấy cụ giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội— để ký quyết định cho giáo viên ra trường đi dạy học ở mọi nơi. Các anh chị lớn của bà, những người đã học xong, đều đi làm giáo viên; nhỏ hơn thì đi làm “tự vệ” phường. Khi Pháp nghi ngờ cụ Mai Phương có liên kết với lực lượng Cách mạng, họ còn bắt giam ông cụ. Vì vậy, mặc dù làm việc và cho các con ăn học trong chế độ thực dân Pháp, gia đình vẫn âm thầm chống Pháp – một gia đình như thế không thể chấp nhận chuyện có một người con lấy Pháp. Vậy là gia đình “từ” bà Ân; chỉ có một người em giấu diếm liên lạc lại với bà Ân thôi, nhưng thời đó cũng rất khó khăn.
Thời đó, bà còn nhớ, Hà Nội chìm trong bom đạn, trừ cụ ông bám trụ lại Hà Nội, cả nhà phải đi sơ tán. Khi về, nhà cửa tan nát, mọi gia sản bị cướp hết; người ta “hôi của” lấy hết tất cả những gì có giá trị, đập cả cột nhà để tìm xem có vàng, tiền giấu không. Của cải mất hết, nhưng tiếc nhất là mất sách, cả mấy tủ tường kín đặc sách bị đập đi lấy hết… Tiếc lắm cháu ạ!
3.
Chi: Tấm này cháu bắt đầu thấy bà uốn tóc “phi-dê” này! (cười)
Bà Hân: Đúng rồi! Hình này chụp lúc bà thi Trung học Phổ thông. Trước đó, cụ ông, cụ bà không cho làm xoăn đâu, bắt để tóc dài thẳng truyền thống cơ; nhưng đến lúc này thì bà lớn rồi, bà thích thì bà cứ đi “phi-dê” thôi, các cụ không thể cấm mãi được (cười).
Chi: Nhìn tấm hình này bà có suy nghĩ gì không?
Bà Hân: Cũng không có gì nhiều. Bà chỉ nhớ là mình thích đi chụp ảnh để lưu giữ kỷ niệm thanh xuân, chụp chơi thôi chứ không phải dịp gì đặc biệt cả. Năm đó bà 18 nhưng chưa biết yêu đương gì đâu (cười) vì hồi đó con trai học riêng, con gái học riêng mà.
4.
Chi: Cháu rất thích tấm này!
Bà Hân: Tấm này cũng là dạng chụp chơi thôi. Đây là khoảng năm bà 18-19 tuổi. Bà rất thích cái áo này nhưng hồi đó chỉ được mặc ở nhà thôi (*vì phong cách áo ngắn tay như thế này không được xem là “chỉn chu”để ra ngoài đường thời đó). Nhưng bà rất muốn chụp một tấm với phong cách khác đi nên bà mặc áo sơ-mi ra ngoài, áo ngắn tay này bên trong. Đến hiệu ảnh bà mới cởi áo sơ-mi ra và bảo thợ ảnh “chụp cho tôi một phong cách ‘ở nhà’ với áo quần này”. Hồi đó mặc “xu-chiêng” (*áo lót hiện đại) như thế này cũng khổ đấy, phải mặc giấu đấy (cười). Ngày xưa chỉ được mặc áo yếm thôi, các cụ cứ cho “xu-chiêng” là dành cho nhưng người không đứng đắn.
Chi: Vậy chứng tỏ tấm này mang “hơi thở thời đại” đậm nét quá rồi (cười).
5.
Chi: Tấm hình vẽ này thì sao ạ?
Bà: Đây là hình vẽ thời Tiếp quản Thủ đô. Khi đó, Cách mạng thành công rồi, người ta tuyển lựa một số học sinh kháng chiến và cho đi học về Tiếp quản Thủ đô, cùng với các quân nhân và công nhân viên chức. Thế là bà được gửi đi học chính trị. Lúc này bà đã 20 tuổi rồi. Hồi đó mọi người học chung với nhau, từng đoàn, từng đoàn một. Trong đoàn của bà có ông hoạ sĩ thời chiến tên là Sự. Ông ấy thích bà (nháy mắt cười) thì ông ấy tự ngắm rồi tự vẽ tặng thôi.
Chi: Thời kỳ này có gì đặc biệt không ạ?
Bà Hân: Sau khi học chính trị, bà về tiếp quản thủ đô, tức là đi tuyên truyền về nhà nước mới, đi thăm hỏi bà con, chuẩn bị đón đoàn quân kháng chiến trở về. Xong nhiệm vụ, bà lại về đi học để chuẩn bị thi Tú tài (*thi hết cấp 3) ở trường THPT Chu Văn An.
Chi: Vậy thi hết cấp 3 xong bà có học Đại học không ạ?
Bà Hân: Có chứ. Khi còn học cấp 3, bà mê nhất 2 ngành: một là Luật, hai là Y. Nhưng đến lúc kháng chiến xong thì không còn trường Luật để học nữa, mà Y thì rất khó để vào ở thời điểm đó. Vì thế bà chuyển sang thi Sư Phạm và đỗ vào Đại học Sư Phạm Hà Nội. Hồi đấy phụ nữ học Đại học ít lắm, người ta toàn bảo “xấu xí thì mới học Đại học, đẹp thì đã chồng con rồi” (cười), nhưng cụ Mai Phương không muốn cho bà lấy chồng sớm, mặc dù đã có nhiều người hỏi, và khuyến khích cho bà đi học tiếp.
Chi: Vậy bà quen ông ngoại (*ông đã mất) lúc nào?
Bà Hân: À, là thế này (cười)… Hồi bà ra học Tiếp quản thủ đô, là lúc hoạ sĩ vẽ hình phía trên ấy, bà học chung với nhiều người ở nhiều ngành nghề. Trong quá trình học, cũng có nhiều cán bộ chính trị nòng cốt họ ngồi cùng để tìm hiểu và nắm tầng lớp trí thức – ông cũng là một trong những cán bộ đó. Ông là công an. Nhưng bà không hề để ý, bà cứ đi học là đi học thôi, không nhìn đến ai cả. Đến lúc học xong rồi, có buổi họp mặt cả đoàn thanh niên thì “cái ông này” cùng lò dò đến, nhưng nói chung bà cũng chẳng để ý (cười). Cuối cùng, ông ý mới gửi một lá thư làm quen. Thư này bây giờ bà vẫn còn giữ đấy (nháy mắt).
Chi: Trời, lại còn thư làm quen nữa ạ (cười lớn)
Bà Hân: Nhiều thư lắm, cả một tập thư thời đó đến giờ bà vẫn còn giữ kia kìa.
Chi: Vậy lúc đó bà đã biết tên thật của ông chưa, hay vẫn chỉ biết ông tên là Nguyễn Hải (*mật danh trong kháng chiến và cũng là bút danh của ông thời bình)?
Bà Hân: Chưa. Phải đến khi bà đồng ý tìm hiểu rồi, ông ấy mới nói: “Tên thật của anh là Trần Tất Thắng” và kể hoàn lại cảnh gia đình. Ông ấy là con lớn trong gia đình; bố ông là Giám đốc Ga Hà Nội thời đó, còn mẹ ông thì buôn bán nhỏ. Gia đình cũng có hoàn cảnh vì bố ông ấy có thêm vợ hai.
Chi: Vậy từ lúc viết thư đến lúc yêu nhau là bao lâu ạ?
Bà Hân: Yêu đâu, bà mới chỉ đồng ý “tìm hiểu” thôi chứ (cười). Ban đầu, ông ấy nói là “Anh rất biết gia đình em vì đã theo dõi gia đình từ lâu” —tại vì ông ấy làm trong Cục Bảo vệ Chính trị, Bộ Công An, có nhiệm vụ theo dõi tìm hiểu các trí thức — “Anh thích em từ lúc còn ở ngoài kháng chiến, từ lúc em còn đi học phổ thông”. Ông ấy mới kể ra như thế, nhưng ngại vì hoàn cảnh bố có vợ hai, mẹ buôn bán (*chứ không truyền thống trí thức như gia đình bà) nên sau một thời gian dài suy nghĩ mới quyết định làm quen. Hồi đầu thì ông ấy nhờ một người chị họ chuyển thư từ cho bà. Bà nhận được mới đưa cho bà Từ (*chị gái bà) xem, rồi kể với bà Từ là “anh ấy nói với em như thế, như thế …” – hồi đó ngây thơ, trong sáng lắm (cười). Bà Từ bảo nếu thấy anh ấy tốt thì cứ làm quen. Thế là thư đi thư lại nhiều lần, rồi bà đồng ý, rồi ông ấy đến chơi. Từ lúc đấy thì “lính” (*cấp dưới) của ông ấy đưa thư, không cần qua chị họ nữa.
Mỗi lần đi chơi với ông ấy là bạn bà phải “giấu” cho đấy. Bà toàn bảo với cụ là đi học tư, đi đến nhà bạn gái, rồi bạn nó sắp xếp cho một chỗ ngồi nói chuyện riêng với ông ấy.
Chi: Nhưng cháu biết là cụ ông, cụ bà không đồng ý cho ông bà yêu nhau đúng không ạ?
Bà Hân: Đúng rồi. Sau này khi ông ấy đến xin cưới, gia đình bà không đồng ý vì cho là không “môn đăng hộ đối” và vì ông ấy làm trong ngành công an – cả nhà có ác cảm với công an, mật thám thường xuyên rình mò, kiểm soát các gia đình trí thức. Cụ ông không đồng ý 4 năm liền. Ông Chung (*anh trai bà) còn đến hẳn cơ quan của ông Hải, nói là anh chị không hợp, nên thôi không nên tìm hiểu nữa. Ông Hải mới nói là: “Đó là việc riêng của chúng tôi, cậu không cần để tâm”. Trong 4 năm đấy, bà vân bí mật gặp ông ấy, vẫn nhờ bạn bí mật giúp hai người có chỗ gặp nhau nói chuyện. Trong thời gian này bà cũng không tập trung học được nữa vì tình yêu quá lớn, chỉ muốn đi làm để được độc lập, tự do đến với nhau.
Chi: Vậy cuối cùng thì sao ạ?
Bà Hân: Cuối cùng, bà đang cân nhắc việc có nên học tiếp không thì ông Thép Mới (*bạn thân của ông ngoại, cũng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng) gọi bà đến gặp. Ông Thép Mới bảo: “Này, Hải nó không thể chờ em thêm được nữa. Tại sao cứ phải ngồi trên ghế nhà trường mới thành tài? Anh sẽ giúp em có một công việc tốt để độc lập tách khỏi gia đình”. Rồi ông Thép Mới trò chuyện, thuyết phục bà bỏ học, đến làm cho báo Nhân Dân.
Chi: À, vậy là bà bỏ học Đại học là vì tình yêu? Bây giờ cháu mới biết đấy ạ. (cười)
Bà Hân: Ừ thì đúng (cười). Nhưng cũng vì không đủ điểm nữa ý, bà cũng phải thi lại nhiều môn lắm. Thế là bà mới về bảo ông cụ là “con không được học nữa vì không đủ điểm” – thế thôi, ông cụ cũng không thể bắt bẻ được thêm gì.
Chi: Vậy là bà bắt đầu làm báo Nhân Dân ạ? Bao giờ thì bà cưới?
Bà Hân: Bà vào báo Nhân Dân năm 24 tuổi. Vừa vào làm vài tháng thì cưới luôn. Gia đình vẫn không đồng ý, thậm chí “từ” luôn. Bà rất đau khổ. Bà vẫn nhớ hồi đó gia đình có “sổ gạo” rồi, cụ bà còn bắt bà đi lên trên phường để cho người xoá tên bà ra khỏi “sổ gạo”! Các cụ gọi mắng chí chết, rồi sỉ nhục, chì chiết khổ lắm.
Nhưng bà rất kiên quyết, bà còn nói qua chị dâu để gia đình biết là: “Em đã yêu ai, em phải lấy bằng được!” Bà yêu ông Hải nên nhất định lấy. Bà quý ông Hải vì ông ấy có học, người Hà Nội, nói chuyện hợp ý, có duyên; lại qua cả ông Thép Mới giới thiệu nên rất tín nhiệm. Ông ấy sống rất có trách nhiệm, tính cách điềm đạm, hiểu biết, thông minh.
Chi: Lại còn đẹp trai nữa! (cười)
Bà Hân: Đẹp trai. Bà chỉ mê nhất cái mắt thôi, còn lại đi chân vòng kiềng.
Chi: (cười lớn)
Bà Hân: Nhưng rồi về sau, lúc cụ ông Mai Phương ốm, gia đình lại gọi bà để cắt lượt đến trông. Ông Hải cũng đến trông cụ Mai Phương mấy đêm, nói chuyện với cụ nhiều về lịch sử, xã hội. Thế là cụ dần có tình cảm, cụ nói là quý ông Hải vì ông ấy có học. Cuối cùng thì cũng gọi là đồng ý.
Lúc mới cưới ông bà nghèo lắm, ông Hải làm được 100 đồng, còn bà làm được có 40 đồng thôi. Thế mà hai vợ chồng cũng xoay xở đủ sống, rồi có con. Bà yêu ông ấy không phải vì tiền bạc mà chỉ vì quý nhân cách của ông ấy, vì hợp ý nhau. Đơn giản vậy thôi.
6.
Chi: Tấm này bà từng nói với cháu là bà rất thích này.
Bà Hân: Đúng rồi. Hình này là thời bà mới có con đầu lòng (*mẹ của tôi), thời đó bà chưa được làm phóng viên mà mới chỉ là thư ký Ban thôi. Hôm ấy, bà mới về nhà buổi trưa, rửa mặt, vội vàng phóng xe quay lại toà báo. Vừa cất xe thì nhà báo, nhiếp ảnh gia Trinh Hải bảo: “Hân, Hân vào đây anh chụp ảnh thử phim” và bấm một kiểu này. Không ngờ tấm hình đen trắng đơn giản này thôi mà bà vẫn thích mãi. Hồi này mới sinh xong nên có lẽ “thay máu” nên da dẻ hồng hào, tươi tắn hơn xưa nhiều.
Chi: Cháu muốn hỏi một chút về cuộc sống sau hôn nhân của bà. Vì khi còn nhỏ, ba hay ốm rồi được gia đình bao bọc nhiều. Khi bà kết hôn rồi chuyển ra sống với ông, cuộc sống bà có thay đổi nhiều không?
Bà Hân: Phải nói là tự do tuyệt vời, không còn bị kìm kẹp, săm soi. Ông bà được ở riêng một tầng nhà người bạn, rất thoải mái. Có thể khổ về vật chất thôi còn tinh thần thì rất vui vẻ. Cảm giác hạnh phúc vô cùng vì hai người yêu nhau bao lâu, muốn lấy nhau nhiều lần mà tưởng không được, giằng xé giữa gia đình và tình yêu, rồi cuối cùng cũng về với nhau.
7.
Chi: Tấm này chụp lúc bà đi đâu thế ạ?
Bà Hân: Đây là lúc bà sang Đức năm 1973 – năm bà gần 40 tuổi. Lúc này bà đang là phóng viên Ban Khoa học & Giáo dục ở Báo Nhân Dân. Đợt này, đoàn thanh niên, sinh viên quốc tế đi mít-tinh ở Đức nên bà được đi theo tiêu chuẩn của Đoàn thanh niên Việt Nam.
Chi: Hình ảnh này có gợi cho bà kỷ niệm gì về nước Đức không?
Bà Hân: Thời này vẫn còn Đông Đức. Bà vẫn nhớ là từ nhỏ bà vẫn muốn được đi nước ngoài. Khi còn dưới thời thực dân Pháp, bà với hai em trai đã được hứa đài thọ cho đi Pháp học bằng tiền của Chính phủ Pháp; nhưng sau đó vì chiến tranh nổ ra nên bà ở lại Việt Nam. Vì là ước mơ từ nhỏ nên lúc nào bà cũng tiếc, muốn xem cuộc sống ở nước ngoài như thế nào.
Khi sang Đức, cảm nhận đầu tiên của bà là con người ở đây thực sự được tôn trọng. Đến thăm chuồng lợn thôi cũng mặc áo blouse, rửa chân tay… Nước ngoài tự do, tôn trọng con người, đặc biệt là trí thức. Bất cứ khi nào họ nghe bà giới thiệu mình là nhà báo, họ rất quý và trân trọng.
8.
Chi: Tấm này ông bà chụp với cháu đây!
Bà Hân: Lúc chụp ảnh này bà vẫn còn đi làm còn ông đã nghỉ hưu rồi. Ông bị ốm nên về hưu sớm. Cái khăn này là chú Bảo (*em trai của ông) gửi về từ nước ngoài đấy.
Chi: Từ khi là người vợ, người mẹ, rồi giờ có cháu ngoại, bà cảm thấy thế nào?
Bà Hân: Có cháu thì thật sung sướng, vui lắm! Chỉ tiếc là đến đời bà thì không còn nhiều tiền bạc cho con cháu. Bà tay trắng ra khỏi nhà, không mang theo cái gì, mà lúc đó các cụ cũng giận nên không cho gì. Chỉ có một cái dây chuyền vàng kỷ niệm, sau rồi cũng phải bán đi để nuôi cuộc sống.
9.
Bà Hân: Đây là hình mới gần đây, mới chụp lúc cháu còn ở nhà (*khoảng 4-5 năm trước).
Chi: Để 9 tấm hình của bà từ nhỏ đến hiện tại bên cạnh nhau thế này, cháu muốn hỏi bà: Bây giờ nhìn lại cuộc đời của mình, bà cảm thấy điều gì tự hào nhất, và điều gì tiếc nuối nhất?
Bà Hân: Bà tự hào thứ nhất là bà cố gắng vươn lên để học không kém gì các anh, các chị trong gia đình. Thứ hai là nhờ có chồng có học thức, nhờ bản thân có năng lực làm việc ở báo Nhân Dân nên ra ngoài đời người ta vẫn tôn trọng. Bà rất tự hào vì mình là con nhà trí thức, đi đâu người ta cũng biết đến cụ ông – đó cũng là một động lực để bà phấn đấu để không phụ lòng ông bà cụ nuôi cho ăn học.
Điều nuối tiếc nhất thì bà tiếc vốn ngoại ngữ của mình. Bà vốn là người rất ham học ngoại ngữ nhưng vì sống trong chế độ hậu chiến đầy khó khăn, bà không có điều kiện dùng tiếng Anh, tiếng Pháp nên dần dần thành “câm” (*bà vẫn đọc, nghe, và hiểu được nhưng không nói được như xưa). Ban đầu bà còn cố gắng luyện tập ngoại ngữ được một chút nhưng cuộc sống ngày càng cuốn đi; đi làm thì chớ, về nhà là hung hục làm việc nhà, dọn dẹp, lo toan. Cuộc sống khó khăn lắm mà cũng không đủ sống. Bà còn phải nhận đan len ở nhà nữa. Thế nên, điều tiếc nuối nhất của bà là không còn giữ được vốn ngoại ngữ mình từng có.
Chi: Vậy bà có lời khuyên gì cho những người trẻ tuổi đang đọc bài viết này không ạ?
Bà Hân: Thế này… Bà từng sống qua thời Phong kiến, Pháp thuộc, chống Mỹ, Chủ nghĩa xã hội, bà nhận thấy xã hội bây giờ rất khác. Đối với người Hà Nội gốc như bà, bà cảm thấy xã hội hiện tại đang mất đi cốt cách, tri thức, phông nền văn hoá, giáo dục ngày xưa. Tri thức khác với kiến thức; tri thức không phải là kỹ thuật, bác sĩ, kĩ sư… mà là phông nền văn hoá, là phong cách sống. Ngày xưa, không chỉ qua ăn mặc mà còn qua lời ăn tiếng nói, cách mình cư xử trong cuộc sống, người ta đã phân biệt được ngay là mình có học hay không có học, người ta đã nhìn nhận được ra ngay cốt cách của mình. Nhưng hiện nay, mọi người đều lao ra kiếm tiền, coi đồng tiền trên hết, mọi phân chia giai cấp đều dựa trên đồng tiền. Xã hội xuất hiện tầng lớp hãnh tiến, có tiền nhưng không có tri thức, hoặc được bao che ô dù – cha truyền con nối mà không có năng lực.
Đặc biệt đối với thanh niên, các cháu đang hàng ngày tiếp nhận một luồng thông tin, văn hoá nước ngoài vô cùng lớn. Một bộ phận lớn các thanh niên lao theo lối sống phương Tây, tôn sùng giá trị của xã hội tư bản, bất chấp đúng sai, hay dở như thế nào. Trong khi đó, những nước tư bản phương Tây họ cũng có điểm hạn chế, vấn đề riêng của họ, chứ không phải cứ nước phát triển là tuyệt vời trên hết. Bà nghĩ, thanh niên Việt Nam cần tiếp nhận văn hoá nước ngoài một cách có chọn lọc hơn, ngừng tư duy “sính ngoại”, tôn trọng những giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống.
Một vài lời khuyên của bà: Thứ nhất, các cháu hãy tự trang bị cho mình kiến thức, kiến thức tối thiểu nhất cũng phải là cấp 3 để xây dựng được nền kinh tế mặt bằng. Học cái gì phải ra cái đó, học say mê, đặt cả tương lai của mình ở đấy. Thứ hai, các cháu phải tăng cường trang bị kiến thức về văn hoá Việt Nam, phải nắm được rõ văn hoá Việt Nam mới có thể chọn lọc được văn hoá nước ngoài khi hội nhập quốc tế. Thứ ba, dù giàu hay nghèo, hãy cứ giữ cái tâm cái đức, đừng tham ô, tham nhũng – tất cả những việc làm bất nhân đều có quả báo, bài học nhãn tiền ra đấy. Các cháu tuyệt đối đừng bao giờ đi vào con đường ấy. Đồng tiền rất quý nhưng đồng tiền không nên là kim chỉ nam, chỉ đường chỉ lối cho cuộc đời.
Chi: Cháu cám ơn bà nhiều ạ.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Huong says
Ôi nửa đêm thấy bài của c , đọc 1 mạch luôn. Thấy cả 1 thời quá khứ, bố mẹ e cũng hay kể chuyện thời mới giải phóng khó khăn rồi học hành cũng hạn chế nhưng lúc nào cũng dặn con là phải cố học hành, rồi không vì tiền mà thay đổi cái “cốt lõi” của mình được. Mong bà khoẻ để các cháu có thêm nhiều bài học hay, chị Chi chịu khó viết nhiều nhiều nhé <3
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Bà vẫn khoẻ và minh mẫn lắm 🙂
Hai Tam says
Bà đẹp quá chị ạ. Vẻ đẹp từ cốt cách của người Hà Nội…
Chi Nguyễn says
Cám ơn em <3
Hạnh Nguyễn says
Những điều bà gửi gắm thế hệ trẻ em đọc thấy thấu quá chị ạ,
Chúc bà luôn khỏe mạnh, tươi vui,
Em cảm ơn chị về bài mới làm 1 ngày làm việc của e ý nghĩa hơn!
Chi Nguyễn says
Chị cũng cám ơn em và sẽ gửi lời chúc của em đến bà
Tường Vân says
Xin cảm ơn Chi. Tình cờ biết đến Chi hơn một năm khi tìm kiếm các Podcast cho người Việt vì mình vẫn tin có những Podcast Việt rất riêng và đặc trưng bên cạnh các ngôn ngữ khác. Chi có cách nhìn nhận vấn đề cuộc sống rất công bằng, đan xen giữa bản lĩnh và mềm mại. Khi phải nhắc đến sự mất mác người thân không dễ dàng, Chi đã dùng trải nghiệm để động viên quý trọng Gia đình, người thân.
Mến chúc Bà dồi dào sức khỏe, Bà có nét đẹp sang trọng giàu kiến thức cổ xưa. Mình tin Chi thụ hưởng rất nhiều tinh hoa từ các thế hệ, học vấn, nhiều nền văn hoá, tư duy mở sẽ chấp cánh Chi ngày càng thành công những gì Chi ấp ủ!!!
Mãi là một thính giả của Bạn,
Tran Nguyen says
Chi ơi, bài viết này thú vị lắm, cách phỏng vấn gợi mở và Trân có cảm tưởng mình được nghe bà mình kể chuyện xưa 🙂
Mình cảm giác hai bà cháu của Chi có khuôn miệng cười giông giống nhau 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn Trân đã đọc bài viết! Nhiều người cũng nói là Chi giống bà, mình cũng có má lúm đồng tiền nhưng không sâu và rõ như bà 🙂
Phương says
Bài này hay quá Chi ạ!!! Bà ngoại đẹp quá, đúng cốt cách của người phụ nữ Hà Nội xưa. Ngưỡng mộ tình yêu của ông bà nữa!!! Chắc hẳn mày có gen mê học với viết lách từ bà ngoại và mẹ mày rồi ku 😁
Chi Nguyễn says
Cám ơn m đã đọc và comment nha. Thực ra t có gen mê viết là từ ông ngoại cơ, bao giờ t sẽ viết thêm về ông
Em Hanh says
Chi Chi va me chi Chi giong ba ngoai qua a! Ba dep that!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Cả mẹ chị và chị đều thích được giống bà. hihi
.SS. says
Cảm ơn chị về bài viết rất ý nghĩa ạ 🙂
Chúc bà của chị luôn hạnh phúc và khỏe mạnh!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều!
Nhung says
Buổi nói chuyện hay quá ạ. Bà chị Chi rất đẹp và lời nói cũng rất đi vào lòng người. Đang nghe bà kể hay mà bỗng dưng hết bài nên em thấy hẫng quá ạ. Chị Chi cho độc giả (em) gửi lời chúc sức khỏe tới bà nhé!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Bà còn nhiều chuyện hay lắm, đợi sau chị sẽ “khai thác” tiếp 😀
Tiên Tiên says
Thích bà của Chi quá. Lời khuyên của bà đúng quá.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Tiên. Mình sẽ chuyển lời của bạn đến bà
Thanh Nguyen says
Cảm ơn bài viết của chị Chi nhé. Rất hay và ý nghĩa. Câu chuyện thật là tự nhiên, như bà cháu tâm tình bình thường thôi vậy. Bà ngoại chị đẹp quá ạ!
Hương says
Bài viết rât hay về thế hệ trước. Có một số từ nên sử dụng từ nguyên gốc lịch sử. Chẳng hạn thời chỗng Pháp là “tản cư” chứ không phải là “sơ tán” (sơ tán là thời chống Mỹ). Một số tên cũ cũng nên dùng nguyên gốc, chẳng hạn tên trường sư phạm, hoặc tên cơ quan của ông (không phải là sở giáo dục).
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã gửi lời góp ý. Đây là bài phỏng vấn nên mình tôn trọng ngôn ngữ và cách chọn từ của nhân vật. Mình phỏng vấn có ghi âm và đánh máy cẩn thận trước khi đăng. Cả hai từ “sơ tán” và “sở giáo dục” đều là hai từ bà sử dụng trong cuộc phỏng vấn. Vì bà là người sống trong thời điểm lịch sử, mình tin là có lý do bà sử dụng những từ đó và mình tôn trọng điều này. Cảm ơn bạn đã đọc bài phỏng vấn.
Bichngoc says
Đọc bài của Chi viết về ông ngoại và bài phỏng vấn bà đều rất hay và thu hút. Mình thấy thế hệ ông bà đã sống làm việc và cống hiến hết mình. Chúc bà ngoại Chi luôn mạnh khoẻ và kể nhiều chuyện ngày trước để cô cháu ghi chép lại cho các độc giả được biết thêm. Mong sẽ được đọc nhiều bài viết nữa của Chi.
À cả ông bà đều rất đẹp nữa! 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn. Mình sẽ gửi lời khen của bạn đến bà mình nha. Mình cũng thấy ông bà rất đẹp kiểu vẻ đẹp cổ điển, thanh lịch.
Thu says
Cảm ơn Chi, nội dung ý nghĩa quá!
PH Trang says
Em đã từng nghe đôi lần chị nhắc về bà ngoại trong podcast. Chị từng kể có người có thói quen nói chuyện suồng sã, hay nói tục mà đi cạnh bà chị vẫn thể hiện sự kính cẩn, trân trọng. Nét đẹp toát ra từ con người bà mà chị chắc đến rất thu hút cô gái 20 tuổi như em. Mình cần làm những gì để có nét đẹp toát ra từ cốt cách như thế nhỉ? Nay đọc được bài viết này phần nào đã lí giải cho em về nét đẹp thu hút ấy. Chúc chị và gia đình có thật nhiều sức khoẻ. Thật trùng hợp khi em vừa nhận được cuốn sách “một cuốn sách về CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN”.