Có bao giờ bạn học từ vựng tiếng Anh đến mức hoa mày chóng mặt, đến mức nghĩ rằng sẽ không bao giờ mình học đủ từ vựng để dùng vì nhìn đâu cũng thấy từ mới? Tôi cũng từng như vậy, từng ngập trong những tấm flashcard, những trang sách chi chít dòng gạch chân từ mới và những cuốn vở chép từ dở dang.
Nhưng ngày hôm nay, sau gần hai thập kỷ học tiếng Anh, trong đó có 7 năm sống ở Mỹ, tôi tự hào để nói rằng mình không còn phải kỳ cạch học từ mới theo nghĩa truyền thống nữa. Tôi có thể đọc hầu như tất cả mọi văn bản phổ thông mà không gặp bất kỳ trở ngại nào về từ mới. Nếu gặp từ mới, tôi chỉ cần tra nhanh và nhớ trong đầu, không cần phải ghi chép nhiều và học thuộc lòng như ngày xưa nữa.
Bởi vậy, nếu bạn đang chật vật với việc học từ vựng tiếng Anh, cảm thấy việc học từ dường như dài vô tận đến “không lối thoát” thì hãy tin tôi đi, một ngày nào đó khi tới một trình độ nhất định, bạn sẽ không còn phải khổ sở với từ mới nữa. Khi đó, bạn sẽ thấy việc tiếp nhận từ mới trở nên rất tự nhiên và bạn sẽ thư thái hơn mỗi khi đọc sách tiếng Anh. Ngày đó sẽ tới sớm thôi, nếu bạn chăm chỉ và học đúng phương pháp ngay từ hôm nay!
Trong bài viết này, tôi chia sẻ 5 bí quyết lớn nhất để học từ vựng tiếng Anh một cách hiệu quả.
Bài viết này cũng đi kèm với một video trên YouTube, trong đó tôi kể lại câu chuyện ngày xưa mình học từ vựng (từ kiểu truyền thống với gạch chân, ghi nghĩa từ đến kiểu học mẹo—mnemonic) và giải thích tại sao những cách học này không thực sự hiệu quả để học từ mới lâu dài. Video đầy đủ ở dưới đây:
Bí Quyết Học Từ Vựng Hiệu Quả
1/ Đọc là cách tốt nhất để học từ mới
Đúng vậy. Sau rất nhiều năm vừa học vừa dạy tiếng Anh và thử qua rất nhiều phương pháp học từ mới, tôi đều phải quay lại với việc đọc. Đọc là cách hiệu quả nhất nhưng cũng là cách tốn nhiều công sức nhất để học từ vựng—có lẽ bởi vậy nên nó không được “tung hô” như là một phương pháp hàng đầu. Nhưng sự thật là chỉ có đọc nhiều mới có thể cho bạn khả năng nhận diện từ mới trong văn cảnh cụ thể, biết được cách dùng từ trong câu hoàn chỉnh như thế nào và biết được tất cả sắc thái của từ (thay vì chỉ học từ đơn nghĩa như cách học thuộc lòng). Càng đọc nhiều, vốn từ của bạn sẽ tự khắc tăng lên một cách chắc chắn, toàn diện và chuẩn xác hơn, đồng thời bổ sung tốt cho cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Tuy vậy, đọc đòi hỏi rất nhiều thời gian và cả một quá trình tích luỹ. Bạn không thể chỉ đọc hôm trước mà kỳ vọng ngay hôm sau sẽ có kết quả tốt được. Bởi vậy, nếu bạn hỏi tôi lời khuyên nào để học từ vựng tiếng Anh tốt nhất, tôi chỉ có một lời khuyên duy nhất là: Hãy đọc ngay từ hôm nay và đọc hàng ngày!
Nếu bạn đang gặp khó khăn về việc đọc, hãy tham khảo thêm phương pháp đọc của tôi trong bài viết này: “Cách đọc nhanh, tập trung, nắm chắc ý”
2/ Đọc tương đương với trình độ của mình và dần dần tiến lên về độ khó
Vấn đề của rất nhiều người mới học từ vựng và mới học đọc tiếng Anh là nóng vội muốn nâng cao trình độ ngay từ ban đầu. Ngay khi vừa đọc hết một bài đọc đơn giản, nhiều bạn đã ngay lập tức muốn đọc bài khó hơn, khó hơn nữa; càng khó, càng nhiều từ mới để học thì bạn lại càng nghĩ rằng mình học được nhiều hơn. Tuy nhiên, đây không phải là một phương pháp tốt.
Thứ nhất, đọc bài đọc quá khó và cần tra quá nhiều từ sẽ khiến bạn rất mệt khi đọc và dần mất động lực để đọc và học từ mới. Thứ hai, vì tra quá nhiều từ, bạn sẽ không có điều kiện tra cứu sâu vào một cơ số từ nhỏ để hiểu kỹ về từ (chất lượng đôi khi quan trọng hơn số lượng!).
Bởi vậy, lời khuyên của tôi là: Để học từ mới qua việc đọc hiệu quả, bạn cần đọc đúng trình độ của mình. Ví dụ, bạn đang ở trình độ thấp thì nên đọc những bài đọc ngắn và sách viết cho thiếu nhi. Đừng ngại hay xấu hổ khi phải làm điều này (!), chúng ta đôi khi học được nhiều hơn từ những thứ đơn giản nhất. Bản thân tôi có bằng Tiến sĩ tại Mỹ nhưng đôi khi đọc sách cho con trai 2 tuổi, tôi vẫn nhận ra từ mới và thấy học nó trong văn cảnh thiếu nhi rất dễ thương và dễ nhớ. Vì số lượng từ cần tra nhỏ và văn cảnh đọc đơn giản, bạn sẽ có điều kiện tra cứu kỹ hơn từng dạng từ, cách dùng từ, cách đặt câu… (xem thêm ở mục 4 dưới đây)
Nếu bạn đang ở trình độ trung bình, bạn có thể đọc bài đọc dài hơn, đọc sách viết cho thanh thiếu niên và những trang tiếng Anh thông dụng như: The New York Times, The Washington Post, Medium… Những nguồn đọc này thường có vốn từ mới dồi dào mà không quá khó, văn phong giản dị, dễ hiểu nên rất dễ để học và tra từ mới.
Nếu bạn ở trình độ cao và muốn trau dồi để học cao học hay nghiên cứu học thuật, bạn nên đọc những bài đọc khó hơn (như những bài trong kỳ thi GRE) và những bài nghiên cứu trong chuyên ngành của bạn. Ví dụ tôi học chuyên ngành Giáo dục thì những tạp chí chuyên ngành tôi hay đọc là American Education Research Journal hay Comparative Education Review… Đọc những tạp chí chuyên ngành như thế này không chỉ giúp tăng vốn từ vựng mà còn giúp làm quen với cách viết của những học giả lớn, tìm hiểu xem tại sao họ viết được đến trình độ xuất bản quốc tế. Tuy nhiên, nếu bạn ở Việt Nam và không có điều kiện tiếp cận những tạp chí này, bạn có thể tìm đọc những nghiên cứu được tải miễn phí (open access) trên Google Scholar, Research Gate, hay Academia…
3/ Đừng tra từ điển ngay lập tức tất cả mọi từ mới trong bài đọc
Với công nghệ hiện đại ngày nay, thật quá dễ để tra từ mới khi đọc (khác hẳn ngày xưa tôi lúc nào cũng phải kè kè cuốn từ điển dày cộm). Tuy nhiên, đừng vì thế mà chăm chăm tra từ điển ngay lập tức khi gặp từ mới khi đọc. Tại sao? Bởi vì một trong những kỹ năng quan trọng nhất khi đọc và học từ mới là đoán nghĩa của từ. Khi bắt gặp một từ mới trong bài đọc, liệu bạn có thể đoán xem từ đó có nghĩa là gì dựa theo văn cảnh hay không? Hoặc nếu không thể đoán được cụ thể từ đó có nghĩa là gì, liệu bạn có thể hiểu được đoạn văn mà không cần tra từ đó hay không? Kỹ năng này đặc biệt quan trọng để tăng khả năng đọc bài đọc dài và tăng sự tự tin của bạn khi đọc—thay vì phụ thuộc vào từ điển.
Cố gắng chỉ tra từ điển khi nhất thiết cần để hiểu bài đọc hoặc muốn hiểu từ đó nghĩa là gì sau khi kết thúc bài đọc. Trong quá trình đọc, hãy cố gắng để não bộ của mình vận động không ngừng, biến nó thành “cuốn từ điển sống” để đoán nghĩa và đọc hiểu hiệu quả.
4/ Ghi chú từ mới đầy đủ nhất có thể
Quan trọng hơn cả, khi tra cứu và ghi chép thông tin về từ mới, bạn cần phải tra đầy đủ nhất có thể (bao gồm các dạng từ, cách dùng từ trong câu, ví dụ với từ đó, cách phát âm…). Đừng như tôi khi mới học tiếng Anh. Tôi từng có thói quen xấu là chỉ tra nghĩa thứ nhất của từ, khiến cho sau này khi gặp nghĩa thứ hai, thứ ba, hay gặp từ đó ở dạng khác (ví dụ, từ danh từ thành tính từ) thì rất chật vật để học lại và thay đổi tư duy lối mòn trong đầu. Mặc dù tra cứu và ghi chú đầy đủ ngay từ đầu tốn nhiều thời gian nhưng giúp cho quá trình học sau này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Ví dụ như từ “economy” này (ảnh chụp từ Google search) bao gồm cả danh từ và tính từ, trong danh từ cũng có nhiều nét nghĩa khác nhau và ví dụ đặt câu cũng khác. Bởi vậy, nếu có thể, bạn nên ghi đủ các nghĩa của từ, phiên âm và ví dụ. Bạn cũng có thể chụp ảnh màn hình lưu vào điện thoại để xem lại và học từ mới hàng ngày.
5/ Học từ mới qua xem phim có phụ đề
Nếu bạn thường xuyên theo dõi những bài viết và video về học tiếng Anh của tôi, bạn chắc cũng biết rằng tôi là một “fan” của việc học tiếng Anh qua phim và show truyền hình Mỹ. Đối với tôi, cách học này rất hiệu quả vì nó lôi cuốn, tự nhiên, vừa học vừa giải trí, mà lại còn được nghe người bản ngữ nói chuyện ra rả trên tai mình. Nếu xem tivi để học nghe và nói tiếng Anh, tôi thường không để phụ đề để tránh việc mình dán mắt vào phụ đề mà không nghe nói được theo tivi (trừ khi nếu khó nghe quá thì có thể để phụ đề hỗ trợ thời gian đầu). Nhưng nếu học từ mới, tôi để phụ đề tiếng Anh để theo dõi mặt chữ và cách phát âm của từ mới, tua lại để xem từ đó dùng trong hoàn cảnh nào.
Nếu bạn muốn nâng cao từ vựng để giao tiếp hàng ngày, những sitcom như Friends hay How I met your mother rất hay và cung cấp từ vựng gần gũi. Nếu bạn muốn học những từ học thuật, những từ khó kiểu như GRE thì show The Big Bang Thoery là một lựa chọn tốt.
Bonus tips: Xem việc học từ mới là một niềm vui
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ “bí kíp” lớn nhất của mình về việc học từ vựng, cũng như học tiếng Anh nói chung—đó là: Cố gắng học mà như không học. Vì nếu bạn chỉ chăm chăm vào học từ vựng kiểu học thuộc lòng, học để trả bài trên lớp, học để thi chuẩn hoá thì rất áp lực và mau chán. Nếu bạn có thể tìm được một phương pháp nào đó đem lại niềm vui của bạn khi học—đối với tôi là xem phim, đi tình nguyện với người nước ngoài và tỉ tê với người yêu (chồng) ngoại quốc 🙊—thì bạn sẽ có động lực lớn hơn để học. Một khi đã có đam mê rồi, não bộ của bạn sẽ tự học kể cả khi bạn không chủ đích học, và khi đó bạn sẽ học hiệu quả hơn bao giờ hết.
—
Tôi hy vọng rằng bài viết này phần nào hỗ trợ được cho bạn trong quá trình học từ vựng tiếng Anh. Phương pháp tôi miêu tả trong bài này có thể không phải là phương pháp nhanh nhất để học từ nhưng là phương pháp học chắn chắn và toàn diện nhất, đảm bảo sự thành công lâu dài sau này.
Chúc các bạn nhiều may mắn trên con đường học ngoại ngữ của mình và đừng quên xem video để có thêm thông tin về phương pháp học này nhé!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Na Nguyễn Thị says
Chào chị! Em xin gửi lời chào kính mến và cảm ơn chân thành đến chị! Không biết bắt đầu từ khi nào, em có một thói quen yêu thích vào ngày thứ tư là ghé thăm blog của chị Chi để cập nhật thêm bài viết mới. Cảm ơn chị Chi đã mang đến cho độc giả điều ý nghĩa chính là nội dung các bài viết tư duy thiết thực, chỉn chu, tinh tế và chia sẻ chân thành! Em chúc chị và gia đình chị luôn mạnh khỏe và tràn đầy năng lượng ah!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều! Chị cũng thích ngày thứ tư được mang đến điều gì đó tích cực đến mọi người <3
Quynh Ngo says
Thanks Chichi. 🙂 I found your tips extremely helpful and informative. Without a second thought, I’ve shared this post to my nieces and nephews who are trying to improve their vocabularies. 🙂 Cheers 🥂.
Chi Nguyễn says
Thanks, AQ! Do you remember that I took your profile picture at a cafe in Hanoi? I miss our study group: Tuan Anh, Linh, Ngoc, Trang, Ha… I hope everyone is doing fine during this unprecedented time
HUU HUYNH says
Chị Chi ơi!
Em không dám nói là mình đã đọc nhiều quyển sách nhưng em cũng đọc được vài quyển sách nho nhỏ. Điều em thấy lạ khi em đọc quyển sách của chị “một cuốn sách về CHỦ NGHĨA TỐI GIẢN”. Em có cảm giác mình rất trân trọng từng trang sách (em vừa sợ rách sách, em vừa sợ mình đọc không kỹ) đến nỗi mà phần giới thiệu về chị em đọc 2 lần. Và comment này cũng vậy, em cũng đọc lại 2 lần trước khi em gửi đến chị, người mà luôn truyền cảm hứng tích cực cho em. Đến bây giờ em mới đọc quyển sách này nhưng em nghĩ vẫn chưa muộn và em đang chờ quyển sách thứ 2 của chị. Cám ơn chị Chi😊
Chi Nguyễn says
Awwwww. Chị cảm ơn em nhiều lắm. Chị rất thích viết sách nhưng viết sách cần đầu tư nhiều thời gian nên khi nào thư thả chắc chắn tập 2 sẽ ra đời 🙂
Food says
Cảm ơn về những chia sẻ của bạn tôi đã xem những video của bạn trên youtube và đọc những bài viết trên blog thực sự rất hữu ích đối với những người mới như tôi. Cảm ơn những chia sẻ của bạn. Food blog
Nhat Tan Phan says
Cảm ơn những chia sẻ của chị. Từ lâu em đã luôn loay hoay giữa suy nghĩ rằng mình có nên đầu tư thời gian tra kĩ từng từ một, hay là cố gắng tra nghĩa nhanh rồi chuyển qua những từ khác để học được nhiều từ mới hơn. Đọc bài viết của chị em mới nhận ra rằng nếu mình chỉ học hời hợt như vậy thì dù cho có học được nhiều đi chăng nữa cũng sớm quên mà thôi, tệ hơn là học xong mà không dùng được những từ mới đó. Từ bây giờ xem sẽ rèn luyện cho mình thói quen đọc mỗi ngày, cho dù ít thôi nhưng hy vọng kiên trì thì sớm muộn sẽ đạt được thành quả lớn.
Lê Thị Cẩm Tú says
Em vô cùng cảm ơn Chị Chi về những thông tin và tip học từ vựng tiếng Anh ạ.
Dạo gần đây em cũng rất muốn học lại tiếng Anh, nghe lời chị em bắt đầu tìm tòi các bài đọc tiếng Anh.
Nhiều người nói nên bắt đầu mọi việc với cái gì mình thích. Em rất thích những chủ đề kiên quan đến dinh dưỡng, thức ăn, chế độ ăn chay, nấu nướng,…
Vậy chị Chi cho em hỏi em có thể tìm những nguồn tiếng Anh nào viết về các chủ đề này chị Chi nhỉ?
Em đang là sinh viên Đại học năm 2, nói mất gôca thì không hẳn, nhưng trình độ tiếng Anh của em vãn còn tệ ạ. Em sẽ phù hợp hơn với những bài đọc đơn giản và có hình ảnh minh họa. Chị Chi vui lòng gợi ý cho em nhé. Em cảm ơn Chị!
Be present.