Travel light,
Live light,
Spread the light,
Be the light.
(Yogi Bhajan)
Thế nào là Travel light?
Nói đến Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) không thể không nhắc tới phong cách Du lịch gọn nhẹ (Travel light). Khi đã có một tư duy tối giản, không khó để giảm thiểu số đồ mang theo khi du lịch bằng việc nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi sắp xếp hành lý, tập trung vào những món đồ thiết yếu, và linh hoạt sử dụng đồ đạc trong quá trình du lịch. Việc có ít hành lý khiến việc di chuyển được tự do, dễ dàng, thoải mái hơn, khuyến khích những người sống tối giản (minimalists) du lịch nhiều hơn và linh hoạt hơn trong việc chọn thời điểm đi, chi phí du lịch, và điểm đến.
Bất cứ ai từng đi du lịch, dù dài ngày hay ngắn ngày, cũng hiểu được sự mệt mỏi của việc chọn và xếp đồ cho chuyến đi (cảm giác như mang bao nhiêu cũng không đủ, sợ đến nơi “nhỡ ra” một cái thì thiếu cái này, cái kia), rồi còn nỗi khổ của việc phải chờ đợi lấy đồ ký gửi, rồi bê vác, kéo lê mấy kiện hàng trong sân bay, chưa kể đến sự phiền toái khi di chuyển qua các thành phố với đồ đạc nặng nề. Trước đây, tôi thường xuyên “overpack” (xếp quá nhiều đồ so với nhu cầu sử dụng) nên đi đâu cũng phải mang đồ đến tận cùng hạn mức hãng máy bay cho phép. Còn nhớ lần đầu bay từ Mỹ về Việt Nam thăm gia đình vào kỳ nghỉ đông năm 2014… Chỉ có một thân một mình, lại không có phương tiện cá nhân, vậy mà tôi mang đủ 2 vali to ký gửi, 1 vali xách tay, và 1 ba-lô đeo vai, “ì ạch” mang vừa đồ cá nhân vừa quà cáp cùng những món đồ mọi người nhờ mang hộ về Việt Nam. Không may là ngày tôi lên máy bay cũng là ngày bão tuyết đổ bộ toàn miền Đông Bắc nước Mỹ. Tôi bắt taxi đến sân bay, đẩy tất cả các kiện hàng vào ký gửi, ngồi lên máy bay đợi 2 tiếng rồi mới được thông báo chuyến bay huỷ, có khả năng phải đến một sân bay khác mới có chuyến mới. Thế là tôi phải chờ lấy hành lý ký gửi ra, tự “bốc vác” 3 cái vali, xốc ba-lô lên vai, vẫy taxi đến sân bay một thành phố khác. Đến nơi, lại lặp lại quy trình ký gửi đồ đạc, check-in, đợi lên máy bay rồi mới nghe tin chuyến bay ở đây cũng bị huỷ, ngày mai mới có chuyến mới. Vậy là tôi lại tiếp tục chờ hành lý, lại lấy đủ các kiện hàng ra một mình, tự đi xe buýt đến khách sạn ngủ. Sáng ngày hôm sau lại tiếp tục chu trình cũ: kéo hành lý, ký gửi, check-in, đợi máy bay… nhưng may mắn là cuối cùng cũng bay được về đến nhà an toàn. Sau chuyến đi “bão táp” đó, tôi đã hứa với bản thân từ nay sẽ không bao giờ overpack, không bao giờ nhận mang đồ cho người khác quá sức của mình, và sẽ luôn du lịch gọn nhẹ!!!
3 tháng & 1 valy xách tay
Tháng 12/2016 vừa rồi, tôi về Việt Nam làm đề tài tốt nghiệp và kết hợp du lịch trong vòng 3 tháng. Vì đã xác định sẵn là sẽ du lịch gọn nhẹ, cộng với dự trù phải mang về nhiều tài liệu thu thập cho đề tài tốt nghiệp, tôi ra khỏi Mỹ với 1 valy lớn đựng quà tặng, đồ dung, thuốc thang mang về cho gia đình (giải phóng ngay khi về đến Việt Nam), 1 valy xách tay đựng đồ cá nhân của tôi trong 3 tháng, và 1 ba-lô đựng laptop, giấy tờ xuất nhập cảnh, và vài sản phẩm dùng trên máy bay. Như vậy, với chỉ 1 valy xách tay, tôi đã có đầy đủ đồ cá nhân, thậm chí thừa rất nhiều, để sử dụng trong vòng 3 tháng. Nhờ có hành trang gọn nhẹ, tôi đã có thể transit qua các chặng bay dễ dàng, không phải chờ hành lý quá lâu, và có nguyên cả một valy lớn trống để tài liệu dự án mang về. Sau chuyến đi này, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm về du lịch gọn nhẹ. Nếu được quay lại, tôi nghĩ mình có thể bớt đi tới 40-50% số quần áo và giày dép mang theo, nhưng sẽ mang thêm thuốc và 2-3 món đồ chăm sóc da thiết yếu.
Dưới đây là tổng hợp kinh nghiệm và bài học của tôi về du lịch gọn nhẹ cho chuyến đi dài (từ 3 tuần trở lên):
1. Xác định là mình không bao giờ có thể chuẩn bị đủ cho mọi tình huống, và vì thế, chỉ nên mang đủ những thứ vô cùng thiết yếu và đặt yếu tố linh hoạt-sáng tạo lên hàng đầu. Chuyến đi càng dài thì càng nảy sinh nhiều tình huống trớ trêu, khó kiểm soát. Tôi về Hà Nội vào mùa đông và có kế hoạch đi những vùng lạnh như Sapa và Đà Lạt, vì vậy tôi chuẩn bị khá nhiều đồ ấm như áo khoác, giầy cao cổ, tất dày, găng tay, mũ…nhưng tất cả những món này hầu như không được sử dụng. Lý do là bởi vì mùa đông ở Hà Nội năm rồi rất nóng (tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hơn 24 năm nhưng chưa bao giờ thấy một mùa đông nào nóng đến như thế!), Đà Lạt cũng vậy – rất nóng vào buổi trưa và đầu giờ chiều. Sapa thì đúng là khá lạnh nhưng có lẽ sau hơn 4 năm sống ở Pennsylvania, tôi cảm thấy cái lạnh này chỉ khoác một cái áo gió là đủ. Vậy là tôi thừa ra khá nhiều đồ mùa đông, trong khi lại không chuẩn bị đủ đồ mùa hè. Nhưng may mắn là trong những món đồ thiết yếu (những món tôi luôn mang theo khi đi du lịch) có bao gồm áo phông, quần bò, quần leggings, và váy đen – những thứ hoàn toàn có thể dễ dàng biến hoá cho các mùa. Do đẩy mạnh tính linh hoạt, tôi không phải mượn của ai, cũng không phải mua đồ mới vì lý do thời tiết.
2. Chỉ nên mang những thứ thường ngày vẫn mặc và thực sự thích vì những món hàng ngày đã không thích thì sẽ càng không có lý do gì để mặc khi đi du lịch. Ngày trước, mỗi khi chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày, tôi thường xếp vali rất sớm và để đồ mặc đi du lịch riêng, đồ hàng ngày mặc (trong lúc đợi đi du lịch) riêng. Nhưng càng về sau, tôi càng nhận thấy việc xếp đồ sớm như vậy không tiết kiệm thời gian được bao nhiêu mà lại còn khiến cho việc mặc đồ cả trước và trong lúc đi du lịch không thoải mái vì lúc nào cũng thấy thiếu một món nào đó. Với việc tối giản hoá tủ quần áo chỉ còn khoảng 20%, tôi càng dễ dàng tìm ra những món yêu thích (cũng là những món thường được mặc nhất), chỉ cần bỏ tất cả vào giặt trước khi đi một hôm, hôm sau xếp vào vali là có thể lên đường.
3. Gấp quần áo theo phương pháp KonMari. Nếu bạn đã theo dõi chuỗi bài viết về Chủ nghĩa tối giản trên blog, hẳn bạn không lạ gì với Marie Kondo, tác giả của cuốn sách “The life-changing magic of tidying up”. Marie Kondo có một phương pháp gấp quần áo rất riêng, vừa nhanh, vừa gọn gàng, lại không tốn diện tích (xem một số video minh hoạ tại đây). Cách gấp này tương đối giống như cuộn quần áo (một phương pháp được sử dụng phổ biến khi đi du lịch) nhưng gọn hơn, thân quần áo “dẹp” hơn, và do vậy dễ ép vào nhau hơn. Đây có lẽ là phương pháp tối ưu nhất để xếp nhiều đồ vào vali nhỏ khi đi du lịch.
4. Xếp đồ vào các túi/khu vực nhỏ để tiết kiệm diện tích và dễ tìm đồ hơn. Tôi là một “chuyên gia” trong việc xếp đồ dùng vào các túi có khoá nhỏ (tương tự như hộp bút/túi đựng đồ trang điểm), mỗi một túi là một nhóm đồ riêng: nhóm đồ dưỡng da, nhóm đồ dưỡng tóc, nhóm đồ dùng học tập, nhóm đồ vệ sinh ... Việc cho tổ hợp đồ vào những chiếc túi nhỏ như thế này khiến những món đồ vụn vặt được quy lại gọn gàng, vừa dễ xếp đồ vào, vừa dễ tìm đồ ra để sử dụng. Trong các chuyến du lịch sau, tôi có kể hoạch sử dụng các packing cubes – những hộp mềm có khoá để để quần áo, đồ dùng lớn hơn nữa. Nếu bạn không có túi hay hộp mềm đựng, kinh nghiệm của tôi là nhét tất cả tất, đồ lót, và đồ ngủ mềm vào giày – việc này giúp giày vừa giữ phom dáng mà đồ dùng lại đỡ chiếm diện tích. Ngoài ra, khi đi du lịch vào mùa đông, tôi thích mang theo down jacket – một dạng áo ấm với chất liệu giữ nhiệt tốt, mỏng, nhẹ, có thể cuộn vào để rất gọn trong một chiếc túi bé được thiết kế riêng. Hiện tôi đang có một chiếc down jacket của Calvin Klein rất tốt – mặc được đến -28 độ, ở Việt Nam thì có vẻ thịnh hành loại áo này của hãng UniQlo nhưng có vẻ cũng phải tìm được nguồn hàng tốt mới có áo chuẩn chính hãng.
5. Gợi ý về trình tự và phương pháp xếp đồ của tôi dựa trên kinh nghiệm số 3 và 4 phía trên. Hình ảnh mô phỏng gần như hoàn toàn cách sắp xếp và số lượng đồ cá nhân của tôi trong 3 tháng tại Việt Nam (đây cũng chính là chiếc vali xách tay tôi sử dụng trong chuyến đi).
6. Giày dép và ba-lô/vali là hai thứ nhất thiết phải đầu tư khi đi xa. Tôi đã từng phải bỏ giày ra đi bộ giữa trưa tháng 6 trên đường đi du lịch vì mang phải đôi giày mới tuy xinh đẹp nhưng chưa quen chân, tôi cũng từng đứng giữa sân bay nhìn trân trân xuống chiếc vali “rởm” của mình vỡ tan nát, đồ đạc “riêng tư” văng tung toé khi bị ném lên băng chuyền, rồi cả những chiếc ba-lô hình thức thì đẹp mà đeo vài cân sách đi bộ 30 phút đã trĩu hết vai… Bạn đọc đừng ai như tôi! Người đi xa có kinh nghiệm là phải mang theo những đôi giày tốt nhất, quen chân nhất (đừng vì mong ngóng đi thử giày mới mà mang theo đi xa) và luôn mua những chiếc vali chắc chắn nhất, những chiếc ba-lô trợ lực cho lưng và vai tốt nhất.
7. Đừng quên thuốc và các sản phẩm chăm sóc da cần thiết. Đây là bài học “nhớ đời” của tôi trong chuyến đi về Việt Nam vừa rồi. Khi du lịch một thời gian dài như vậy, cơ thể chúng ta sẽ phải thích nghi với môi trường mới, và điều này không hề dễ dàng gì. Ngay trong tháng đầu tiên, tôi đã bị viêm mũi dị ứng rất nặng, phải đi khám bác sĩ và mua một rổ thuốc mới vì quên không mang chai thuốc riêng của mình từ Mỹ sang (tôi có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, được kê toa dùng quanh năm). Tương tự như vậy, chồng tôi cũng không mang theo thuốc đặc trị viêm họng của anh ấy và khi bị cảm tại Việt Nam thì phải dùng thuốc mới, rất lâu mới có tác dụng. Không bao giờ được quên mang thuốc! Ngoài mũi và họng, da mặt cũng là một nơi chịu nhiều kích ứng nhất khi chuyển sang một môi trường mới, vì vậy, cần mang đủ các sản phẩm chăm sóc da cần thiết. Trong 3 tháng ở Hà Nội, do tiếp xúc với khói bụi nhiều, da mặt tôi nổi nhiều mụn và nhiều dầu hơn, trong khi tôi lại không mang đủ các sản phẩm cần thiết để làm sạch da và trị mụn. Nếu được quay lại, chắc chắn tôi sẽ mang thêm giấy lau mặt (ví dụ, Simple) vì nó có tính năng vừa làm sạch da nhẹ nhàng và sữa tẩy trang quen dùng (ví dụ, Neutrogena) để làm sạch da sâu hơn sau khi trang điểm.
8. Đừng ngại dùng chung hay mượn đồ của bạn đồng hành. Quay lại với điều thứ 1: bạn không bao giờ có thể chuẩn bị đủ cho mọi tình huống, vì vậy, thay vì cố gắng mang đủ mọi thứ trên đời hoặc mua ngay khi thiếu, hãy hỏi bạn đồng hành hoặc người thân nếu bạn có thể dùng chung đồ của họ. Tôi và chồng tôi dùng chung rất nhiều đồ khi du lịch (ví dụ: áo sơ-mi rộng, áo nỉ rộng, dầu gội đầu, kem đánh răng…) để hành lý của cả hai đều được nhẹ nhàng. Khi ở Hà Nội, tôi bất ngờ được mời dự đến 3 đám cưới (!) và có nhu cầu mặc quần áo và trang điểm rực rỡ hơn cho phù hợp với sự kiện. Để giải quyết được nhu cầu này, tôi đã mượn của mẹ tôi 1 đôi giày cao gót êm chân và một số món trang điểm đặc biệt. Linh hoạt với việc sử dụng đồ của mình và người khác (với sự đồng ý của họ) là điều cần thiết để du lịch gọn nhẹ trong thời gian dài.
9. Tự tin vào bản thân mình. Trong quá trình sống ở Việt Nam 3 tháng với chỉ 1 vali xách tay (mà còn thừa rất nhiều đồ không dùng tới !), tôi tự hỏi tại sao trước đây mình phải mang nhiều quần áo khi du lịch đến thế? Câu trả lời là: bởi vì tôi không tự tin vào bản thân mình. Tôi sợ mọi người sẽ phát hiện ra mình mặc những món đồ lặp đi lặp lại, tôi sợ mình sẽ không thu hút, không thú vị trước mắt người khác nếu tôi có ít đồ, tôi lo lắng người khác sẽ đánh giá khiếu thẩm mỹ, khả năng phối đồ của tôi. Nhưng sự thật là gì? Sự thật là chẳng ai “quan tâm” tôi kỹ đến thế! Trong 1 tháng đầu ở Việt Nam, khi đến làm việc với các trường phổ thông để lấy dữ liệu cho đề tài tốt nghiệp, tôi đã quyết định làm một thử nghiệm xã hội (social experiment) lấy cảm hứng từ #1dress1month project. Thử nghiệm đó là: tôi chỉ mặc đúng một bộ quần áo duy nhất (áo vest và quần tây màu xanh dương – xem hình dưới đây) để hàng tuần đến các trường làm việc. Tuỳ theo thời tiết và theo cảm hứng, tôi có thể mặc thêm áo len, thay đổi áo sơ-mi bên trong, tết tóc hay thả tóc… nhưng về cơ bản vẫn là bộ đồ y như cũ.
Trong suốt 1 tháng đó, tôi xuất hiện với tần suất cao trước rất nhiều người nhưng chưa có một ai nhận ra tôi mặc “đồng phục” (trừ khi tôi nói cho họ về thử nghiệm của mình). Bản thân tôi cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp vì tôi biết mình thoải mái nhất và chuyên nghiệp nhất khi khoác lên bộ đồ này. Từ thử nghiệm này, tôi nhận ra rằng khi ta cảm thấy tự tin vào bản thân mình, cảm thấy bất cứ món đồ nào ta mặc trên người cũng khiến mình toả sáng, cảm thấy không cần phải để ý đến miệng lưỡi thế gian, khi đó và chỉ khi đó, ta mới có thể bỏ bớt đi những nặng nề về vật chất mà ta nghĩ là “phải” mang theo mình. Tôi khuyến khích các bạn thử trải nghiệm du lịch với ít đồ, mặc “đồng phục” trong ít nhất 1 tuần, hoặc gấp quần áo theo phương pháp KonMari, tôi tin bạn sẽ học được nhiều điều thú vị!
***
Trước khi bạn đóng lại bài viết này, tôi muốn bạn tĩnh tâm một chút và cùng hít thở sâu với tôi ít nhất 3 lần. Sau khi tâm đã tĩnh, hãy cùng tôi trả lời những câu hỏi sau:
- Nghĩ lại lần gần đây nhất bạn đi du lịch… Đó là khi nào? Bạn đã đi đâu?
- Nghĩ về hành lý bạn mang theo trong chuyến đi… Bạn có sử dụng hết tất cả số đồ mình đã mang đi với đầy đủ công năng của nó hay không?
- Nếu được quay trở lại, liệu bạn có thể mang theo ít đồ hơn nữa không? Nếu tôi nói bạn có thể cắt giảm từ 80%-50% số đồ bạn từng mang đi du lịch, bạn nghĩ thế nào? 🙂
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hà Phạm says
Cảm ơn Chi về bài viết thú vị và bổ ích này. Bây giờ, hàng tuần lại mong đến thứ tư để đọc bài viết của Chi.
Về hành lý đã từng mang đi khi du lịch, đúng là chị thường xuyên mang quá nhiều đồ, không mặc hết. Có một kỷ niệm buồn cười là có lần chị chuẩn bị đồ cho hai con gái của chị đi du lịch cùng bố (đợt đấy chị ở nhà không đi cùng). Chị đã soạn rất cẩn thận, là phẳng và gấp gọn rất nhiều quần áo, váy cho hai con, thậm chí dặn chúng đi đâu thì nên mặc gì… Nhưng lúc xem ảnh chụp lại chỉ thấy chúng nó mặc đi mặc lại mấy bộ đồ cho cả chuyến đi. Lúc về, cả va li quần áo hầu như còn nguyên, không mặc đến :). Đúng là tiêu chí tiện lợi, mặc thoải mái mới là tiêu chí đặt ra hàng đầu khi chọn quần áo khi du lịch.
Tuy vậy vẫn còn có một lăn tăn, chẳng lẽ trong những bức ảnh kỷ niệm của chuyến du lịch lại chỉ có một bộ quần áo lặp đi lặp lại? Chị cũng tìm được câu trả lời trong bài viết. Sự tự tin biết mình là ai, những trải nghiệm của chuyến đi quan trọng hơn việc trở thành người mẫu trong những bức ảnh. Nhưng chị nói thật, việc mặc những quần áo điệu đà hay phá cách khác những bộ quần áo chỉnh chu nơi công sở khi đi du lịch cũng là một trải nghiệm thú vị đấy (đôi khi mình thấy cần phù phiếm một tý làm gia vị cuộc sống).
Nói tóm lại, việc cắt giảm 50-80% số lượng đồ khi đi du lịch chị nghĩ chắc chắn làm được. Tuy nhiên, tùy vào tính chat của chuyến du lịch chị sẽ chuẩn bị số lượng đồ cho phù hợp.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã đón đọc blog mỗi tuần và trả lời câu hỏi trên blog! Em trước đây cũng lăn tăn vụ mặc một bộ khi chụp ảnh và mong muốn mặc đồ phá cách khi đi chơi vs. du lịch gọn nhẹ. Nhưng sau này, em nhận ra là “cái khó ló cái khôn” – chính dùng ít đồ mới khiến mình thêm sáng tạo. Khi du lịch em thường mang những món có thể “dress up” và “dress down” tức là mặc thành công sở, điệu đà cũng được mà phối đồ thành thường ngày, lông bông cũng được. Em không phải fashion blogger nhưng hy vọng tương lai sẽ có một hai bài viết về cách phối đồ này ạ!
Nguyen Dang Lan Phuong says
Hay quá, Chi! Học được cháu rất nhiều do là kẻ cầu toàn, luôn sợ thiếu trong các chuyến đi…
Chi Nguyễn says
Cháu cám ơn cô ạ! Nếu cô sợ thiếu, có một nguyên tắc $2 (có thể mệnh giá thay đổi tuỳ theo điểm đến) nghĩa là những gì có thể mua được dễ dàng và dưới $2 thì không cần phải mang theo ạ 🙂
Đỗ Hồng Thuận says
Em ơi, cái vali xách tay em mua ở đâu vậy? Chị thực sự cũng đang định mua 1 cái giống vậy.
Chị cũng có trải nghiệm rất giống em là khi chị từ UK về VN: 2 vali to, 1 vali xách tay, 1 túi đựng laptop, và cuối cùng phải hi sinh cái vali xách tay lại vì quá cân và hãng hàng không không cho phép khi chị đã mang rất nhiều pieces trên người. Giờ chị muốn mua một cái vali xách tay nhỏ xinh như cái của em để thay thế cái đã mất 🙁
Về mua va li, chị rất đồng ý là đừng ngại mua vali đắt tiền một chút nhưng tốt mà bền sẽ dùng được nhiều lần và tiết kiệm được nhiều thứ.
Cám ơn em Chi vì bài viết!
Chi Nguyễn says
Cám ơn chị đã đọc bài viết! Cái vali này mẹ em nhờ một cô mua cho ở Singapore cũng vài năm rồi ạ. Nếu chị đang kiếm vali xách tay thì hãng Samsonite em thấy mọi người nói là khá bền. Em vẫn luôn mua vali có 4 bánh xe để di chuyển dễ hơn. Nếu mua vali mới, em muốn mua vali cứng để cho bền hơn nữa
Huong says
Mỗi lần đọc 1 bài mới của chị em đều đọc lâu + xem những link chị dẫn chứng luôn. Chị luôn viết rất là chi tiết, em thì lười mà vẫn chưa làm theo được nhiều qua những bài viết của chị nhưng có lẽ phải tự “thúc” bản thân tại công sức chị bỏ ra viết bài chia sẻ + lợi ích “tất yếu” cho bản thân khi có thể làm theo những kinh nghiệm của chị.
Cảm ơn chị nhiều và hi vọng chị sẽ viết thêm nhiều nhiều bài nữa ạ !
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều!!!! Khi viết dài chị cũng không biết có bạn đọc nào đủ kiên nhẫn đọc kỹ không. Nếu em viết bài chia sẻ như vậy thì tag chị hoặc gửi link cho chị nhé <3
Phuongthu says
Em cảm ơn chị về bài viết ạ. Hè này e sẽ có 1 chuyến đi xa, và đang đau đầu vì không biết mang quần áo gì cho gọn nhẹ!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc! Chúc em đi chơi vui vẻ, gọn nhẹ 🙂
Trang says
Cảm ơn Chi vì bài viết rất hữu ích nhé. Sắp tới cả nhà chị đi Nha Trang Đà Lạt 8 ngày (2 vc và 2 con trai), chị sẽ thử dùng 1 vali xách tay có extend xem có chứa đủ đồ cho cả nhà không. Và có dùng hết đồ mang theo không. Vì chị thường không bao giờ dùng hết đồ. 😀
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị! Em rất vui vì bài viết có vẻ đến đúng lúc. Em không biết thời tiết hiện nay thế nào nhưng em mới đến Đà Lạt hồi cuối tháng 2 thì rất nóng, chỉ có buổi tối vào sáng sớm là hơi lành lạnh thôi ạ. 4 người cho 8 ngày thì em thấy 1 vali rất có thể là đủ, nếu lo thiếu đồ dùng dọc đường thì chị hoặc anh có thể đeo thêm ba-lô 😀
Vu Thi Tuyet says
Một bài viết quá tuyệt vời, cảm ơn em vì thông tin quá bổ ích. Những chuyến đi tới chắc chị cũng phải tối giản cho nhẹ người.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị đã đọc bài viết. Lần tới nếu du lịch gọn nhẹ có trải nghiệm gì thú vị, chị comment lại hoặc tag em trên FB nhé 🙂
Trang says
Một số bài viết cũ em khóa chế độ comment phải không em, chị không thể leave a comment trong những bài đó. Nên viết vào đây cho dù không hợp lắm 🙂
Chị đọc hết các bài viết của em về Minimalism và Tư duy tích cực. Chị cảm thấy được inspire rất nhiều. Chị đã bắt đầu dọn dẹp tủ quần áo, cho đi các món đồ mình cảm thấy rất đẹp nhưng chưa một lần mặc. Cũng chưa thể thay đổi ngay lập tức được, nhưng cứ bắt đầu như thế đã.
Các bài viết về tư duy tích cực của em cũng rất hay 🙂 chị sẽ áp dụng một vài thứ.
Cảm ơn em về những bài viết với các thông tin đầy đủ, hữu ích, và rất gợi mở! Chúc em một cuối tuần vui vẻ!
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị nhiều! Em vẫn để mở comment, không rõ tại sao chị không comment được ạ. Em sẽ tiếp tục viết về Chủ nghĩa tối giản và những thứ khác thú vị trong cuộc sống. Chị ghé blog thường xuyên nha <3
Lan Anh Pham says
Nhân một buổi chiều rảnh rỗi và ngồi tìm hiểu về chủ nghĩa tối giản e thấy tâm đắc với bài viết này của c quá. Trc đây khi chưa được đi du lịch nhiều hay đi với gia đình, cả nhà e đều luôn mang rất nhiều đồ đạc. Cũng bởi lí do nghĩ rằng đi dài từ 7-10 ngày nên cả nhà ai cũng lo lắng, và tệ hại nhất là một lần mang tới 1 cái balo 60l và ì ạch vác nhưng k hề dùng đến. Nhưng đó là chuyện khi e còn học phổ thông. Sau này khi đã lên đại học e tự dành tiền và đi nhiều nơi hơn, rút kinh nghiệm từ các lần trc e gần như không tốn công sức cho việc chuẩn bị đồ. Thông thường e chỉ mất khoảng 1 tiếng để chuẩn bị đồ cho vào một cái balo thậm chí cả khi vừa rồi e đi 1 chuyến khoảng 11 ngày mà balo của e chưa tới 6 kí :)). Đi du lịch ở các thành phố lớn càng không phải lo vì có thể chiều hôm trc mang quần áo tới tiện giặt là là sáng mai có đồ thơm để mặc rồi.
Thật là tuyệt vời khi mang ít đồ nhưng e luôn note vài món cần thiết như giày thể thao, mũ, kem chống nắng và áo gió, áo phông và legging nữa, đó là những thứ tuyệt vời để đi du lịch nếu mình không quá cầu kì.
E k gặp vấn đề với quần áo lắm nhưng lại có nhiều vấn đề với các loại đồ đạc :(( e chẳng muốn bỏ cái gì đi. Tối nay về e sẽ thử cố gắng dọn dẹp thật sạch những thứ ko dùng đến nữa.
Rất cảm ơn chị vì những chia sẻ tuyệt vời này 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em vì đã đọc bài vết! Nếu em không gặp vấn đề mấy về quần áo, em đã ở tình thế tốt hơn nhiều so với đa số chị em :). Chị có viết một số bài cùng về Chủ nghĩa tối giản (em có thể search trên menu blog) nói về tối giản hoá các đồ dùng khác. Em có thể tham khảo nha <3
Hòa Đỗ says
Bạn gái mình cứ mỗi lần đi du lịch thì mang hành lí cứ y như là chuyển nhà đi luôn ý. 😀 Bạn có cách tư duy rất hay, cảm ơn vì bài viết hấp dẫn. Mình sẽ share cho bạn gái mình đọc.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc! Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn gái 🙂
Canh Van Le says
mình cũng đang định làm 1 chuyến du lịch dài ngày, may quá đọc được bài của bạn, trước đó liệt kê 1 đống đồ, nhưng giờ chắc phải loại bớt thôi, cảm ơn bạn vì bài viết!
Chi Nguyễn says
Tới đây mình cũng sẽ viết thêm về du lịch. Có thể chụp thêm ảnh và video hướng dẫn xếp đồ nữa 🙂
Shameless Monsters - N says
Bài viết rất hay ạ 😀
Hè năm trước em có đi Tây Ban Nha khoảng chục ngày, cũng chỉ kéo 1 vali xách tay nhỏ như của chị mà vẫn không dùng hết quần áo mang đi. Hóa ra qua đó em vẫn mặc đi mặc lại 2 bộ thay nhau 😅 Thời tiết ở đó rất nóng nên cứ tắm xong là em giặt quần áo ở sink luôn, phơi qua đêm là khô chứ không cần tới laundry service. Tháng 8 + 9 này em đi backpack 6 tuần dọc Việt Nam và Thái Lan, hi vọng sẽ có được 1 bài Minimalist Packing như này trên blog trước khi đi 😅
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Chắc khoảng tháng sau (tháng 6) sẽ có bài mới về minimalist packing vì chị cũng sắp đi du lịch vài tuần 😀
Huong says
E quyết tâm cuối tháng về VN sẽ làm theo chị, chỉ 1 vali xách tay thay vì 40kg check in như mọi lần. Cố gắng cố gắng
Chi Nguyễn says
Cố lên em!!! Tháng sau chị phải đi 3 thành phố làm hội thảo 3 tuần liền mà mua vé giá rẻ chỉ cho mang 1 cái ba-lô hoặc túi xách nhỏ thôi nên cũng phải cố gắng gọn nhẹ nhất 😀
Huong says
e mua vé rẻ nên transit nhiều, được 30kg nhưng e cũng như c , là đồ gửi mua hoặc ng khác gửi, về Vn là giải tán hết. Còn đồ của e e cố gắng cố gắng, đang follow check list của c để soạn. Tại T11 bên này thì lạnh rồi mà về HN thì chắc còn nóng nên đồ mùa hè thôi. Vừa tiết kiệm tiền quá kí mà cũng vì biết bao lần mang nhiều mà cuối cùng chỉ dùng có nửa trên của cái vali quay vòng <3. E sẽ báo cáo c khi mà hoàn thành mục tiêu ạ !