Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 14/08/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Trước khi vào nội dung chính, mình muốn nhắn các bạn hãy đặt câu hỏi/gợi ý đề tài podcast mùa mới tại đây. Dự kiến, đây sẽ là mùa podcast cuối cùng trước khi mình nghỉ một thời gian dài 🥹 để tập trung toàn lực cho nghiên cứu khoa học (đồng thời học hỏi thêm để làm nội dung chất lượng hơn). Do vậy, mình rất hy vọng được nghe chia sẻ của nhiều bạn nhất có thể. Khảo sát sẽ đóng cuối tuần này.
—
Cập nhật tuần này của mình: Các bạn ơi, mình đã biết nổi ngửa trên mặt nước!!!! (như trong ảnh)
Ok…Ok… Các bạn bơi giỏi hãy cứ cười mình nhé 😂. Mình thực sự cũng thấy buồn cười lắm, vì một kỹ thuật đơn giản như vậy mà tới giờ mình mới làm được. Nhưng vì mình mới biết bơi (ý là không chết chìm) năm 18 tuổi thôi, nhà mình không gần sông nước, cũng không có điều kiện tài chính để học bơi từ nhỏ nên việc biết bơi được ở tuổi này với mình là điều hạnh phúc lắm.
Khoảng 3 năm trở lại đây, mình có điều kiện đi bơi thường xuyên hơn và bắt đầu tập nổi ngửa, nhưng lần nào thử mình cũng…chìm nghỉm. Chồng mình—một người rất giỏi kỹ thuật này—thường xuyên nói: “Để làm được em phải thư giãn cơ thể! Hết sức thư giãn!”. Nhưng nói dễ hơn làm, mỗi lần mình nghĩ trong đầu là “phải thư giãn, thư giãn!” là một lần mình quẫy đạp để nổi lên và (trớ trêu thay) chìm xuống.
Cuối tuần rồi, sau khi bất ngờ làm được (yay!!!), mình nghĩ lại hành trình học nổi ngửa (hay học thư giãn?) vừa qua và nhận ra ba giai đoạn sau:
- Giai đoạn 1: Càng cố thư giãn lại càng không thể thư giãn. Nếu chỉ nói rằng “Hãy cứ thư giãn!” mà cơ thể và tâm trí thư giãn được ngay thì con người đã không cần đến huấn luyện viên hay bác sĩ tâm lý. Thư giãn phải từ bên trong. Khi cảm thấy thả lỏng và kiểm soát được thân-tâm-trí, ta mới có thể thư giãn. Nếu nghe lời nhắc nhở, chỉ trích, dạy bảo bên ngoài quá nhiều, ta rất khó có thể thư giãn; thậm chí, còn dễ tự trách bản thân: “Tại sao tôi không thể thư giãn? Có điều gì sai đối với tôi?” Điều này dẫn đến gồng cứng, áp lực (hay như trong trường hợp học bơi của mình là…chìm nghỉm)
- Giai đoạn 2: Tốn nhiều công sức để thư giãn. Nghe có vẻ hơi ngược đời. Nhưng ở giai đoạn này khi bơi, mình bắt đầu nổi được nhưng mất rất nhiều sức do phải đạp chân, quẫy tay liên tục để không bị chìm. Điều này khiến cho mình cảm thấy “sai sai” vì mặc dù tư thế đã đúng nhưng kết quả cuối cùng (thư giãn) lại không đạt được. Tương tự như vậy trong cuộc sống hiện đại, đôi khi để thư giãn ta cảm thấy mình cần có nhiều thứ bổ trợ (ví dụ: app tập thở, trầm hương thơm, chuông thiền định, những chuyến du lịch xa, tiền tiêu xài mua sắm, bữa ăn hàng…). Nhưng thực tế, thư giãn đích thực luôn đi đôi với sự dễ dàng, ít đòi hỏi công sức (effortless).
- Giai đoạn 3: Thư giãn tự nhiên như một hơi thở. Mình bắt đầu nổi ngửa được mà không cần quẫy đạp khi mình chấp nhận để nước vào tai và dâng lên ngang mặt (trước đó, mỗi khi nước dâng lên, mình thường sợ sẽ vào mũi, sặc nước nên cuống lên quẫy đạp). Điều này có vẻ rất đơn giản với nhiều người (ví dụ như chồng mình nói: “Đi bơi thì đương nhiên nước vào tai rồi”) nhưng không dễ dàng với một người sợ nước như mình. Khi mình bắt đầu học được cách chấp nhận và tin tưởng hơn vào bản thân, mình bắt đầu nổi được nhiều phần trong cơ thể hơn, và dần dần mình nổi được cả người mà không cần phải làm bất kỳ điều gì hết. Cả cơ thể của mình trôi trên dòng nước một cách tự nhiên—sự tự nhiên đến từ buông thả, nhẹ nhõm, bình yên trong tâm hồn.
—
Ngày nhỏ, mình từng xem một show truyền hình Mỹ và nhớ nữ MC nói rằng: “Các ông chồng, đừng bao giờ kêu vợ là “Hãy bình tĩnh! Thư giãn!” (“Calm down! Relax!”) khi nàng đang giận vì nói cái này không giúp được điều gì, thậm chỉ đổ dầu vào lửa!”. Là một bà vợ, mình thấy lời khuyên này rất đúng 😉. Nhưng tới khi trải qua việc học nổi ngửa, mình mới thực sự hiểu tại sao nói “Hãy cứ thư giãn!” thôi chẳng giải quyết được điều gì. Nếu thực sự muốn giúp đỡ ai thư giãn, hay cho họ không gian, thời gian, và sự động viên cần thiết để tìm sự thả lỏng từ bên trong, để thư giãn đến một cách nhẹ nhõm, dễ dàng, và tự nhiên như một hơi thở.
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Nếu bạn thấy thích nội dung này, hãy nhấn chuyển tiếp “Bài học thứ Tư” này cho ai cần, và cân nhắc ủng hộ tại đây để bản tin miễn phí này được duy trì và phát triển bền vững nhé!
GỢI Ý TUẦN NÀY
- Sách “The Dip” (Vùng Trũng). Phản biện câu nói: “Người thắng cuộc thì không từ bỏ”, tác giả nổi tiếng về kinh doanh Seth Godin cho rằng người thắng cuộc là người từ bỏ đúng lúc, những người nhắm thấy thua mà vẫn cố bám vào rồi cuối cùng vẫn phải từ bỏ mới là những người thực sự thua cuộc. Điểm mấu chốt của quyết định từ bỏ hay không nằm ở cách xác định “vùng trũng” (điểm khó khăn nhất) trong hành trình chinh phục mục tiêu, bạn có đủ sức mạnh để vượt qua nó? Mình đang đọc lại cuốn sách này và thấy nó rất thú vị; mặc dù sách rất mỏng nhưng từng trang đều có ý nghĩa và bài học đáng suy nghĩ.
- Combo sổ + Quà tặng giới hạn của The Present Writer trên Shopee. Khi bạn mua 2 sổ “The Present Day planner” trên link duy nhất này, bạn sẽ được tặng kèm MIỄN PHÍ: 01 thẻ sách nói “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” (với giọng đọc của mình) và 01 postcard thiết kế đặc biệt (với chữ ký sống của mình). Combo hiện chỉ còn dưới 30 suất thôi nên bạn nào muốn tận dụng ưu đãi đợt này nhanh tay đặt nha!
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎬 YouTube – 5 Bài Học từ Niềng Răng 🦷
Ở tuổi 35, mình quyết định niềng răng để cải thiện tận gốc những vấn đề mà mình trốn tránh 20 năm qua do…sợ nha sĩ 🥹. Quá trình 2 tháng đầu niềng răng cũng giúp mình nhận ra một số bài học đắt giá về sức khỏe răng miệng. Trong đó là:
#1 Răng vĩnh viễn không phải là “vĩnh viễn”
#2 Khỏe trước, đẹp sau
#3 Ăn vặt là ăn hại
#4 Chu trình dẫn tới chu toàn
#5 Thời điểm tốt thứ hai là hiện tại
Mình phân tích cụ thể từng bài học và trải nghiệm cá nhân (khá đau đớn 😬) trong video này.
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email