Mang thế nào mới là đủ? – Đó là câu hỏi mà rất nhiều người đau đầu khi chuẩn bị cho một chuyến đi lớn (từ một năm trở lên) như du học sinh hoặc những người sang định cư, công tác thường trú ở nước ngoài. Những ai vốn đã gặp khó khăn khi lựa chọn đồ đạc cho những chuyến du lịch nhỏ, ngắn ngày thì ắt hiểu được cái khó của những người phải đối diện với chuyến đi lớn đến như vậy. Tâm lý chung thường là: “Chỉ muốn mang cả nhà đi, gói cả cuộc đời vào valy rồi ship thẳng đến nước ngoài là tốt nhất!”. Nhưng mang quá nhiều đồ đạc không những làm cả chuyến đi trở nên nặng nề mà còn khiến bản thân khó có thể vượt lên quá khứ để đón nhận hiện tại và tương lai của cuộc sống mới. Tuy nhiên, mang quá ít đồ cũng dễ gây ra nhiều khó khăn khi mới sang, thiếu thốn, chưa biết mua bán ở đâu, vận chuyển hàng hóa ra sao… Chốt lại vẫn là một câu hỏi: Mang thế nào mới là đủ?
Tôi từng là một ví dụ điển hình cho tuýp du học sinh mang quá tải đồ đạc. Năm 2013, khi lên đường sang Mỹ học Thạc sĩ (chương trình khoảng 1 năm), tôi mang theo 2 chiếc valy to (50 kg), 1 chiếc valy nhỏ xách tay (khoảng 20 kg), 1 chiếc ba-lô (khoảng 10 kg), 1 chiếc túi đeo chéo (khoảng 2 kg), lại còn nhờ người bạn đi cùng chuyến bay mang hộ khoảng 12 kg nữa. Tổng cộng hành lý đến gần 100 kg (!). Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy rùng mình. Nào là quần áo đi học, quần áo đi làm, đồ ngủ ở nhà, giày dép, túi xách các kiểu; nào là sách vở, từ điển, văn phòng phẩm; nào là dụng cụ nấu ăn; nào là gấu bông kỷ niệm; nào là đồ ăn vặt, lương khô, quà tặng biếu cho mọi người… Thôi thì thượng vàng hạ cám, đủ các thứ trên đời! Ngày đó, tôi có tư tưởng là cứ mang được cái gì ở nhà đi thì mang, đến nơi đỡ tốn thời gian và tiền bạc tìm mua đồ mới, mà có mua thì đồ mới chưa chắc đã phù hợp với mình. Thế nên, mấy tuần trước khi đi, cứ nghĩ ra món đồ gì chưa có là tôi chạy bổ đi mua ngay, nhiều khi mua trong tâm trạng “mua ngay hôm nay vì ngày mai đi rồi, hết cơ hội” nên cũng không để ý nhiều đến giá cả, chất lượng, và kiểu dáng của sản phẩm. Chính những lần mua “cho có” mấy tuần trước khi đi này đã tạo nên gánh nặng vô cùng lớn cho tôi sau này khi phải di chuyển và bắt buộc thanh lý bớt đồ đạc của mình.
Sau hơn 4 năm, nhìn lại những gì tôi đã mang theo từ ngày đầu đặt chất đến nước Mỹ và những gì còn lại đến tận bây giờ, tôi viết bài này để tổng hợp kinh nghiệm của mình về hành lý khi đi du học/định cư/công tác dài ngày ở nước ngoài. Cuối bài, tôi sẽ có một tổng hợp nhỏ, vui vui để bạn đọc thấy sau hơn 4 năm, 100 kg đồ đạc tôi mang theo còn bao nhiêu :).
Yếu tố nào quyết định số lượng đồ mang đi?
1. Thời gian lưu trú ở nước ngoài
Biết được thời gian bạn dự định lưu trú ở nước ngoài vô cùng quan trọng, không chỉ để tính toán chính xác số lượng đồ cũ mang đi mà còn để kiểm soát số lượng đồ mới mua khi ở nước ngoài. Nếu bạn ở nước ngoài trong thời gian tương đối ngắn (khoảng 1-2 năm) và mỗi năm về thăm nhà ít nhất 1 lần thì không cần thiết phải mang quá nhiều đồ cũ và mua thêm nhiều đồ mới. Nếu bạn ở nước ngoài trong thời gian tương đối dài (từ 3 năm trở lên) và ít khi về thăm nhà thì có thể cân nhắc mang nhiều đồ cũ hơn, hoặc mang ít đồ cũ ban đầu để đầu tư tiền mua đồ mới khi ổn định ở nước ngoài. Đối với du học sinh, rất nhiều bạn không chắc mình sẽ ở nước ngoài bao lâu và chưa có nơi ở riêng cho mình ngay khi mới sang thì rất nên cân đối linh hoạt khi tính toán đồ đạc mang theo để có thể di chuyển dễ dàng khi đưa quyết định ở đâu lâu dài.
*** Tôi có một kỷ niệm khá thú vị liên quan đến việc này. Khi lên đường đi học Thạc sĩ 1 năm, tôi đã có suy nghĩ sẽ ở lại thêm ít nhất 4-5 năm nữa để học Tiến sĩ hoặc đi làm một việc gì đó liên quan đến giáo dục ở nước ngoài. Nhưng tôi không thực sự tự tin về khả năng xin học bổng và xin việc của mình. Sự thiếu tự tin này khiến cho tôi phủ nhận cả tương lai của bản thân, luôn tự nói là: “Thôi, cứ đến đâu biết đến đó” và mỗi lần có ai hỏi liệu tôi có ý định ở lại sau khi tốt nghiệp không, tôi chỉ trả lời là: “Không biết” – vì thực sự tôi không chắc chắn bất kỳ điều gì ở thời điểm đó. 6 tháng đầu ở Mỹ, tôi rất thích mua giày vì giày bên này chất lượng tốt mà giá lại rẻ hơn ở Việt Nam (đây là trước khi biết đến Chủ nghĩa tối giản). Một hôm khi đang mua sắm, tôi bắt gặp hai người bạn học cũng là sinh viên quốc tế. Thấy tôi xách túi nhỏ túi to, hai bạn mới bảo: “Sao cậu mua nhiều giày thế? Thế này làm sao mang hết về Việt Nam được?”. Lúc đó, tôi mới chợt ngớ người ra, tự hỏi tại sao trong suốt nửa năm mua sắm, tôi chưa từng nghĩ đến việc chỉ vài tháng nữa thôi, tôi sẽ phải gói ghém tất cả về Việt Nam (?). Chưa bao giờ, chưa bao giờ suy nghĩ đó hiện lên trong đầu tôi. Trong khi đó, hai người bạn kia biết chắc họ sẽ quay về nước sau khóa học nên mỗi lần mua gì cũng phải cân nhắc kỹ trọng lượng, kích cỡ. Sau chuyện này, tôi mới nhận ra là mặc dù bản thân phủ nhận nhưng sự thật là từ sâu thẳm bên trong, từ trong tiềm thức tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ về Việt Nam, ít nhất không phải ngay sau khi tốt nghiệp. Nhận ra điều này, tôi bắt đầu thay đổi cách mình nghĩ và nói về tương lai, không tự lừa dối bản thân nữa, và bắt đầu làm việc hết sức mình để đạt được mục tiêu tìm việc và học bổng Tiến sĩ. Tất cả đều bắt đầu từ những đôi giày thuở ban đầu ấy 🙂
2. Tình trạng tài chính
Bạn sẵn sàng đầu tư bao nhiêu tiền để mua những món đồ mới cần thiết khi sang nước ngoài? Nếu kinh tế không dư dả, bạn có thể cân nhắc mang nhiều hơn những đồ cũ sẵn có (tập trung vào những thứ thực sự cần, còn giá trị sử dụng cao, và không quá nặng). Nếu có điều kiện kinh tế tốt hơn, bạn có thể mang tương đối ít đồ cũ thôi và để dành tiền để sang nước ngoài sắm những món đồ mới theo nhu cầu. Tuy nhiên, điều này cũng không nhất thiết đúng cho mọi trường hợp. Có những bạn tôi quen khi ở Việt Nam không có điều kiện mua sắm nhưng biết trước là khi sang nước ngoài làm, sau 1 tháng đầu tiên sẽ nhận được lương hoặc tiền học bổng. Những bạn này chỉ mang ít đồ từ Việt Nam và đến khi ổn định ở nước ngoài, có tiền rồi mới bắt đầu trang bị thêm. Đây cũng là một cách làm thông minh.
***Một lưu ý về tiền là bạn chỉ nên mang theo ít tiền mặt lên máy bay (đủ để trả tiền nhà, tiền ăn, và các khoản cần kíp khác trong 1-2 tháng đầu). Số tiền mặt lớn hơn bạn nên để ở Việt Nam, gửi cho gia đình hoặc những người bạn tin tưởng. Điều này đảm bảo bạn đi lại an toàn và không quá lo lắng về số tiền mang trong người. Khi sang nước ngoài rồi, bạn mở ngay tài khoản ngân hàng. Có tài khoản này rồi, gia đình bạn ở Việt Nam có thể mang giấy tờ chứng minh du học, lưu trú ở nước ngoài hợp pháp để chuyển tiền cho bạn sau này (sẽ mất một khoản phí chuyển tiền nhưng không quá đáng kể). Số tiền hạn mức được gửi trong một năm thông thường đủ để một người trưởng thành tiêu dùng thoải mái. Khoản tiền lớn nhất là học phí (đối với những bạn không có học bổng toàn phần) thì gia đình có thể gửi trực tiếp từ Việt Nam vào tài khoản của nhà trường. Đối với những bạn có học bổng hoặc việc làm với nhà trường rồi thì lại càng đơn giản — chỉ cần mang tiền mặt đủ dùng 1 tháng, sang mở tài khoản và đợi tới tháng nhận lương mà thôi.
3. Mức độ sử dụng hàng ngày
Những món đồ cần thiết nhất thường là những món ta sử dụng hàng ngày với mật độ cao. Những món này đối với tôi là máy tính xách tay, điện thoại, bút, sổ, áo phông, quần jeans… Đối với bạn có thể là mỹ phẩm, váy đầm, máy đọc sách, ipad… Để xác định chính xác những món đồ cần thiết này là gì và số lượng cần mang theo bao nhiêu, bạn nên chụp ảnh, ghi chép, hoặc ghi nhớ cẩn thận về mức độ sử dụng đồ đạc trong vòng 3 tháng đến 1 năm trước chuyến đi. Món nào có mức độ sử dụng cao nhất sẽ được ưu tiên mang đi trước nhất.
4. Đặc điểm nơi đến
Một số câu hỏi bạn có thể tự đặt ra và tìm hiểu về nơi bạn sắp đến:
- Thời tiết nơi đó như thế nào? Các mùa trong năm là gì? Nhiệt độ thấp nhất/cao nhất là bao nhiêu? Cần phải chuẩn bị quần áo, giày dép như thế nào để đối phó với giai đoạn thời tiết khắc nghiệt nhất?
- Địa lý ở nơi đó thế nào? Đó là vùng núi cao hay đồng bằng? Có gần thành phố lớn, trung tâm mua sắm, giao thông công cộng không? Có cần mang nhiều đồ đạc theo không hay đến nơi có thể dễ dàng kiếm được những món đồ cần thiết?
- Nơi đó có thuận tiện cho mua sắm qua mạng không? Có những trang web bán hàng lớn như Amazon không? Nếu mua đồ trên mạng thì vận chuyển đến nhà có khó không, có mất nhiều chi phí không?
Xác định được những điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tính toán đồ đạc mang theo và nhìn trước được khả năng mua sắm đồ mới cần thiết khi sang nước ngoài.
Những món nên mang
Sau đây là những món đồ tôi nghĩ là thiết yếu với đa số những người mới sang và có kế hoạch lưu trú lâu dài ở nước ngoài:
- Sản phẩm công nghệ thiết yếu: Máy tính xách tay; Điện thoại; Ổ cắm chuyển đổi điện; Máy ảnh; Máy đọc sách; Máy tính bảng; Ghi âm …. (tùy theo nhu cầu sử dụng)
- Tiền mặt: Đủ dùng ít nhất 1-2 tháng đầu (xem ghi chú phần 2 mục trên)
- Quần áo thiết yếu nhất: Tập trung vào những món có sẵn, được sử dụng nhiều nhất, và có chất lượng tốt nhất. Hạn chế mua thêm quần áo mới, trừ khi quá thiếu (xem thêm phần 1 mục dưới)
- Thuốc đặc trị: Ở nhiều nước, bạn cần có đơn của bác sĩ mới được mua thuốc đặc trị. Vì vậy, nên mang theo mình những loại thuốc cần dùng.
- Những đôi giày vô cùng tốt và đã quen chân: Giày dép có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của cuộc hành trình, đặc biệt ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Rất nên đầu tư vào một đôi giày thật tốt!
- Mỹ phẩm thiết yếu: Để tránh bị kích ứng da khi chưa quen với thời tiết, bạn nên mang những món mỹ phẩm mình quen dùng (nhưng chỉ nên giữ ở mức tối thiểu).
- Va-ly/Ba-lô/Túi xách chất lượng cao: Điều cuối cùng bạn muốn xảy ra là nhận ở sân bay một cái va-ly vỡ tan nát trên băng chuyền (tin tôi đi, tôi đã từng lâm phải hoàn cảnh đó!) hay đang xách nặng nhiều thứ theo người thì ba-lô/túi xách bục ra giữa đường (tôi cũng từng gặp phải vụ này luôn, hic). Vì thế, những món đồ có chức năng chứa đựng nhiều thứ khác bên trong thì luôn luôn phải có chất lượng tốt nhất.
***Bổ sung thêm danh sách này, tôi có làm 1 checklist khác về những món đồ cần thiết khi đi du lịch. Bạn có thể tìm và tải về miễn phí tại đây. Checklist này đảm bảo cho bạn không bỏ sót đồ quan trọng khi lên đường.
Những món không nên mang (nhiều)
- Quần áo, giày dép, phụ kiện, mỹ phẩm dư thừa: Đối với nhiều chị em phụ nữ và các anh nam giới yêu thời trang, mỹ phẩm, rất khó để xác định món nào là dư thừa vì tâm lý chung đều sợ không mang đi thì nhỡ lúc cần không có để dùng hay thiếu đi sự lựa chọn đa dạng. Nhưng sự thật là, nếu bạn yêu đã thời trang, yêu mỹ phẩm thì chắc chắn khi sang nước ngoài bạn sẽ tiếp tục đầu tư mua thêm nhiều món đồ mới. Bởi vì phong cách ăn mặc, trang điểm ở mỗi nơi mỗi khác, khi có cảm hứng thời trang khác đi, bạn sẽ muốn mình khác đi. Bởi vậy, việc không mang nhiều đồ dư thừa sẽ khiến bạn dễ dàng hơn khi chuyển đổi phong cách và tiếp cận đến những thứ còn mới hơn, phong phú hơn trước.
- Những món đồ kỷ niệm cồng kềnh: Rất khó để bỏ lại những món đồ kỷ niệm (tôi hiểu điều này vì chính tôi cũng từng mang theo một chú gấu bông to đùng từ Việt Nam sang Mỹ). Nhưng hãy cứ cho là bạn đang bước vào một chương mới trong cuộc đời. Bạn có thể giữ lại kỷ niệm bằng nhiều cách (trong trí nhớ, ghi chép, ảnh chụp, video) nhưng không nhất thiết cứ phải đem theo mình thì kỷ niệm mới còn. Kỷ niệm sẽ vẫn luôn ở bên bạn.
- Từ điển và các món văn phòng phẩm: Ngày nay, từ điển trong máy điện thoại, máy tính đã rất tốt rồi nên mang từ điển giấy hoặc kim từ điển không còn phù hợp nữa. Văn phòng phẩm có thể mua ở bất cứ đâu.
- Đồ dùng nhà bếp: Bạn có thể mang theo một ít đề phòng (như 1 chiếc bát, 1 đôi đũa) nhưng hết sức tối giản. Những dụng cụ nấu ăn thông thường có thể mua ở bất cứ đâu.
- Các sản phẩm đâu cũng có bán: Những thứ này thường là vật phẩm thiết yếu như kem đánh răng, xà phòng, dầu gội đầu, đồ về sinh phụ nữ… nên hầu như cửa hàng tiện lợi nào (kể cả bé tý ở góc đường hay ở trong cây xăng) cũng có bán. Không cần thiết phải mang đi.
*** Nếu bạn đã ra nước ngoài và trót mang đi những món đồ dư thừa này thì cũng không sao cả. Bạn hãy xem danh sách này là gợi ý để tối giản hóa đồ đạc mình đang có – đây là những món nên ra đi đầu tiên. Khi mới sang, mọi thứ đều lạ lẫm và cảm giác thiếu thốn là chuyện bình thường. Nhưng hãy bình tĩnh và kiên nhẫn, qua thời gian bạn sẽ tìm ra những nơi mua sắm cần thiết, những thương hiệu mình thích, và cả những người bạn mua sắm cùng mình nữa :).
4 năm & 100 kg: Những gì còn lại?
Cuối tuần vừa rồi, khi chuẩn bị cho bài viết này, tôi nảy ra ý tưởng gom lại tất cả những món đồ tôi còn giữ từ khối hành lý 100 kg mang từ Việt Nam tháng 8/2013. Kết quả thử nghiệm này cũng làm cho tôi rất bất ngờ vì mặc dù thường xuyên sắp xếp đồ dùng của mình, tôi cũng không thống kê những món nào có “tuổi thọ” lâu nhất trong nhà – những món đã vượt qua cả đại dương, qua 4 lần chuyển nhà, và qua rất nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi.
Tất cả những gì tôi còn lại là:
- 5 chiếc váy đầm. Nguồn gốc (từ trái sang phải): Đặt may, Mango VNXK, Forever 21 VNXK, Đặt may, H&M – mua về khoảng năm 2013. Điểm chung của 5 chiếc váy này là thường chỉ sử dụng khi đi tiệc (váy màu cam và váy kẻ) và đi hội thảo (váy xám và váy trắng xanh). Có lẽ vì thế mà tình trạng cả 5 món này đều còn rất tốt.
- 2 cái áo khoác. Nguồn gốc (từ trái sang phải): The North Face VNXK – mua năm 2013 và Hãng (không rõ tên) Hàn Quốc – mua second-hand khoảng năm 2010. Đây là 2 chiếc áo tôi rất thích để mặc trong mùa thu, chớm đông. Chiếc áo dạ Hàn Quốc đặc biệt đã theo tôi đến rất nhiều hội thảo quan trọng.
- 4 món đồ áo, quần. Nguồn gốc (từ trái sang phải): Áo liền quần (jumpsuit) mua ở chợ đêm Đài Bắc từ năm 2009; Ao cardigan hình tuần lộc mua ở một cửa hàng tuổi teen ở Hà Nội khoảng năm 2010; Áo len móc Mango – mua năm 2013; Áo trắng hãng Hàn Quốc – mua năm 2012; & Quần jeans Mango VNXK – mua năm 2013. Chiếc áo trắng Hàn Quốc là món tôi thích nhất, có thể mặc cả ngày thường và khi có dịp cần trang trọng.
- 4 món đồ khác. Nguồn gốc (từ trái sang phải): Túi da second-hand mua khoảng năm 2012; Máy tính Samsung mua khoảng năm 2010; Đôi dép Nike mua năm 2013; và ba-lô Reebok mua năm 2013 (ngay trước khi đi Mỹ). Trong tất cả những thứ còn lại đến ngày hôm nay, đôi dép Nike là món tôi dùng nhiều nhất (đi lại hàng ngày trong nhà, đi biển, đi tắm ở nhà tắm công cộng…). Nếu bạn để ý kỹ sẽ thấy đôi dép đã mòn sát đế, có lẽ năm nay tôi sẽ phải thay đi :(, nhưng đây thực sự là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất tôi từng có trong suốt hơn 4 năm qua.
Sau 4 năm, những gì còn lại từ 100 kg đồ đạc tôi mang theo chỉ còn xấp xỉ 10 kg. Qua trải nghiệm này, tôi nhận ra rằng: (1) Trước đây mình đã tha mang quá nhiều đồ đạc không cần thiết (gần 10 lần những thứ còn lại!); (2) Đa phần những món còn lại là những món tôi thực sự thích, có tính năng sử dụng cao, và có chất lượng tốt; (3) Mặc dù những thương hiệu lớn có chất lượng sản phẩm ổn định, những thương hiệu nhỏ, thậm chí second-hand, mua chợ đêm vẫn có thể sử dụng lâu dài — nếu chọn được sản phẩm có chất lượng; (4) Cái nhìn về thời trang và mua sắm của tôi vừa khác nhiều so với trước đây: Tôi không còn mua sắm ở những thương hiệu thời trang “ăn liền” như H&M hay Forever 21 nữa và cũng ít có điều kiện đặt may váy áo hơn. Tuy nhiên, tôi thỉnh thoảng vẫn đi mua sắm ở các cửa hàng second-hand bên Mỹ và rất vui khi kiếm được các món đồ cũ mà chất lượng. (Đây cũng một cách tốt để xoay vòng thời trang và giảm đồ dư thừa thải ra môi trường, đúng không mọi người? :D).
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Đặng Kim Thanh says
Bạn khiến tôi cảm nhận về con người xuyên giới tính, xuyên quốc gia và xuyên thời đại, theo nghĩa tích cực.
hung says
Mấy món đồ điện tử như màn hình máy tính rời, loa hay nguyên một bộ máy tính bàn có quá to để mang đi không chị. Vì có thể mua ở Việt nam sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Chị chỉ mang theo duy nhất 1 laptop thôi