Hầu hết những người quen tôi lâu hoặc từng dùng bữa với tôi đều biết rằng tôi không thích 2 thứ: Cà chua sống và Thạch rau câu. Trên cả vấn đề mùi vị, tôi cảm thấy gai người khi thấy cà chua chín và luôn tránh đi qua những gian hàng bày bán thạch rau câu. Khi được hỏi lý do tại sao, tôi thường trả lời đơn giản là không hợp khẩu vị. Nhưng sự thật là tôi không thích hai thứ này vì chúng gắn liền với hai kỷ niệm không vui của tôi khi còn nhỏ.
Một vài năm trở lại đây, tôi suy nghĩ nhiều hơn về quá khứ và những câu chuyện đã góp phần khiến tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Tôi nhận ra rằng khi trưởng thành hơn và có tư duy tích cực hơn, tôi bắt đầu có cái nhìn khác về quá khứ của chính mình. Tôi dần cảm thấy mình có khả năng viết lại được quá khứ, kể cả những ký ức đau buồn nhất, những sai lầm, va vấp lớn nhất đều có thể thay đổi nếu tôi nhìn mọi việc dưới con mắt khác.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc hai câu chuyện rất riêng tư mà tôi chưa từng kể ra bao giờ, với hy vọng có thể giúp bạn viết lại quá khứ của mình theo hướng tích cực và tươi sáng hơn.
Cà chua, thạch râu câu, và câu chuyện hơn 20 năm trước
Hồi nhỏ, tôi là một cô bé ngoan nhưng rất nhút nhát và hay sợ đưa ra ý kiến của mình trước người lớn.
Năm tôi lên 3 hay 4 tuổi, mẹ tôi nghe ai đó nói rằng ăn cà chua sống tốt cho sức khoẻ và quyết định mua rất nhiều cà chua về nhà. Nếu bạn từng đọc bài viết Tròn hay Méo, bạn có thể hiểu được phần nào về mẹ tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ rất năng động, thương chồng con, nhanh nhạy, và rất giỏi quán xuyến công việc. Nhưng làm quá nhiều việc một lúc cũng đồng nghĩa với việc mẹ tôi luôn bận rộn và thường không chú ý đến tiểu tiết. Trong khi đó, hồi nhỏ, tôi rất nhạy cảm và hay để ý đến cách cư xử của người lớn dành cho mình.
Vậy là một buổi sáng, mẹ dúi vào tay tôi một quả cà chua sống to, đỏ mọng, nói vội: “Con ăn đi!” và xấp ngửa đi khuất ngay vào bếp nấu cơm. Đối với một con bé 3-4 tuổi, việc mẹ bảo ăn gì gần như là mệnh lệnh nên chưa kịp nghĩ, tôi đã cắn ngay miếng cà chua đầu tiên. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in mùi vị quả cà chua khi đó, nó chua nồng, nhớp nháp, tanh hôi, và sống sượng. Tôi chỉ chực muốn nhè ra.
Đúng lúc đó mẹ tôi đi từ trong bếp ra, cau mày hỏi tại sao tôi không chịu ăn. Sau khi nghe tôi nói câu được câu chăng là cà chua khó ăn quá, mẹ tôi rắc một lớp đường cát lên trên miếng cà chua cắn dở (hồi nhỏ tôi rất thích ăn ngọt) và nhanh chóng quay lại bếp. Lúc này mặc dù không muốn chút nào, tôi vẫn cố gắng cắn thêm một miếng cà chua “ngậm” đường. Trời ơi! Thậm chí còn tệ hơn ban đầu, vị cà chua chua nồng quyện lẫn với đường ngọt lờ lợ thật không thể nuốt nổi. Nhưng bởi vì nhút nhát và sợ cãi lời người lớn, tôi vẫn cố gắng ăn gần hết quả cà chua trong tình trạng khó chịu, buồn nôn, và ức chế. Sau một lúc, mẹ tôi quay vào thấy tôi mặt mũi nhăn nhó thì lại càng bực hơn, gắt: “Không ăn được thì thôi, không ai ép!” và giật lấy quả cà chua đang ăn dở từ tay tôi.
Tôi không nhớ cụ thể mình đã nghĩ gì khi bị mắng, nhưng mờ nhạt trong đầu một đứa bé 3-4 tuổi khi đó là một cảm giác tấm tức, ức chế, cảm thấy mình đã cố gắng hết sức làm điều mình không thích mà người lớn vẫn không hài lòng. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao ký ức về câu chuyện này lại sống động trong tôi đến vậy, từ cái vị cà chua trong miệng đến cảm giác ấm ức khi bị mắng. Hàng chục năm sau, tôi vẫn ghét cà chua sống, phần vì tôi không thích mùi vị của nó, phần vì nó gợi nhắc cho tôi nỗi tấm tức của một cô bé con.
Câu chuyện về thạch rau câu cũng trẻ con không kém.
Cùng vào năm tôi khoảng 4 tuổi, loại thạch rau câu xanh đỏ, đủ mùi vị trái cây mới bắt đầu được bày bán. Đó là loại thạch được đóng trong cúp nhựa nhỏ chỉ bằng chừng hai ngón tay cái và bọc bên trên một lớp vỏ nhựa mỏng. Tôi rất háo hức được thử loại “kẹo” mới này. Hôm đó, ba mẹ tôi quyết định mua một túi về, nhân dịp có hai anh em con một người bạn mẹ tôi đến nhà chơi. Người em khoảng bằng tuổi tôi, còn người anh bằng tuổi anh trai tôi, chúng tôi đều biết nhau từ nhỏ.
Ba mẹ tôi có chia đều và để phần mỗi đứa trẻ con một vài cúp thạch riêng. Tuy nhiên, trong lúc mải chơi đùa, người anh vô ý ăn hết phần thạch của tôi. Ban đầu tôi chỉ ngạc nhiên chứ không hề giận (từ nhỏ tôi vốn không phải loại giành đồ chơi, khóc lóc, ăn vạ). Tôi chỉ đợi xem phản ứng của người lớn như thế nào để giành lại “công lý” cho tôi, bởi vì ba mẹ tôi thường phạt rất nghiêm nếu anh em tôi lấy đồ của người khác hay ăn vụng khi không được phép.
Nhưng trái lại với mọi ngày, ba mẹ tôi lại chỉ cười xoà cho qua, đại ý nói là không sao, hôm khác sẽ mua đền cho tôi. Điều này làm cho tôi vô cùng giận dữ. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ 4 tuổi, tôi không hiểu tại sao ba mẹ lại đối xử bất công với tôi như thế, tại sao không phạt đứa trẻ hư đã giành đồ của tôi, tại sao lại thương đứa trẻ con nhà khác hơn tôi? Tôi bắt đầu khóc tu tu, khóc một mình từ tối đến đêm, càng khóc tôi càng nghĩ ra nhiều lý do để khóc hơn, và càng khóc dai hơn. Đó có lẽ là lần đầu tiên tôi nhớ mình khóc nhiều như vậy, khóc cả trong khi ngủ. Sáng dậy, mắt tôi sưng lên như hai quả nhót. Nhưng điều đó không làm tôi thôi rấm rứt vì “bị đối xử bất công”.
Rồi bà ngoại tôi đến chơi, có lẽ đã nghe được phần nào câu chuyện, bà mới an ủi và giải thích rằng có lẽ ba mẹ tôi cư xử như vậy vì nể gia đình bố mẹ hai anh em kia, không muốn mắng con người khác trước mặt họ. Nghe vậy, tôi ôm chặt bà, khóc còn nức nở hơn.
Tôi của năm 4 tuổi không thể chấp nhận nể nang là lý do đối xử khác nhau với trẻ con (mà có lẽ tôi của năm 27 tuổi cũng chưa chấp nhận hẳn được điều này). Kể từ sau ngày hôm đó, tôi không bao giờ ăn thạch rau câu. Nó luôn gợi lên trong tôi cảm giác ức chế, bất công, và cả xấu hổ, yếu đuối, non nớt.
Cà chua, thạch rau câu, và câu chuyện gần 20 năm sau
Khi trưởng thành hơn, phần nhiều tính cách nhạy cảm, nhút nhát của tôi vẫn không thay đổi, nhưng tôi dần biết thêm nhiều về ranh giới đúng, sai, và những khó xử ở thế giới “người lớn”.
Bắt đầu từ khi tôi đi làm, đi du học, lập gia đình, và va chạm nhiều hơn trong xã hội, tôi bắt đầu nhìn nhận mẹ tôi không chỉ là một người mẹ mà còn là một người phụ nữ. Tôi cảm thấy gần với mẹ hơn, không chỉ như mẹ-con, mà còn như hai người phụ nữ – hai người bạn. Tôi hiểu hơn những hy sinh (về thời gian, vật chất, tinh thần) mà mẹ tôi đã dành cho gia đình. Thậm chí, tôi càng ngày càng nhìn thấy nhiều nét của mẹ tôi ở trong tôi. Tôi là con gái của mẹ tôi. Vì là con gái mẹ tôi, tôi thường xuyên làm nhiều việc một lúc, tôi thỉnh thoảng cũng gắt lên khi quá bận rộn, và tôi đôi khi cũng thiếu kiên nhẫn. Nhưng cũng vì là con gái mẹ tôi, tôi quan tâm đến người thân của mình từ cái ăn cái mặc, tôi đa cảm, tôi sâu sắc, và tôi luôn cố gắng giúp đỡ mọi người nhiều nhất có thể. Những năm gần đây, nhất là khi sống một mình ở nước ngoài, tôi thấm thía hơn tình cảm mẹ dành cho tôi…
Tôi vẫn không ăn cà chua sống … Nhưng bây giờ, mỗi khi nhìn thấy cà chua chín, tôi không còn nhớ cảm giác bị la mắng và chịu ấm ức nữa. Thay vào đó, tôi nhớ đến tình yêu thương vô điều kiện của mẹ dành cho tôi, và nhớ rằng tôi đã hạnh phúc thế nào vì có một tuổi thơ bình yên dưới bàn tay che chở của mẹ.
Câu chuyện về thạch rau câu có một kết thúc buồn. Người anh trong câu chuyện — cậu bé đã ăn phần thạch của tôi năm nào — không may bệnh nặng qua đời khi mới ngoài 20 tuổi. Sự ra đi của người anh, người bạn thuở ấu thơ làm tôi thấy trống vắng, hoang mang. Có lẽ vì khi đó, tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác mất đi người thân quen khi họ còn đang tuổi thanh xuân phơi phới, tôi cảm giác như người bạn này ra đi mang theo rất nhiều ký ức tuổi thơ của chúng tôi. Nhưng sự mất mát này cũng khiến cho tôi nhận ra mình may mắn như thế nào vì được sống. Sống – đó đã là một đặc ân.
Trong nhiều năm qua, thi thoảng bất chợt tôi nghĩ, anh ấy sẽ như thế nào nếu còn sống đến bây giờ, có quá nhiều thứ mới mẻ sinh ra theo từng năm tháng, anh ấy có ngạc nhiên không nếu có cơ hội được trở lại cuộc sống dù chỉ một ngày? Tôi sẽ không bao giờ có được câu trả lời cho những câu hỏi ấy.
Nhưng từ khi anh ra đi, tôi không còn gắn thạch rau câu với ký ức buồn nữa. Thay vào đó, mỗi lần nhìn thấy những cúp thạch màu sắc để trên kệ, tôi lại mỉm cười và thầm cảm ơn thượng đế đã cho tôi cơ hội được sống, được trở thành tôi của ngày hôm nay. Và tôi cũng cám ơn người anh – người bạn nhỏ đã trở thành một phần trong ký ức không thể nào quên của tôi.
Thay đổi tư duy để viết lại quá khứ
Câu chuyện về cà chua và thạch rau câu thực sự chỉ là những ký ức con trẻ. Nhưng qua câu chuyện này, tôi mong bạn đọc có thể mở lòng hơn về những kỷ niệm không vui trong quá khứ của mình. Rất nhiều tài liệu Tâm lý học đã chỉ ra rằng những sang chấn tâm thần khi còn bé, những câu chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt từ quá khứ có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành và sức khoẻ tâm lý của con người. Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng có ít nhiều ký ức không vui mà mình cố gắng quên đi hoặc không muốn đối mặt với nó. Ở đây, tôi khuyến khích bạn hãy thử suy nghĩ về những ký ức không vui này dưới một góc nhìn khác và một tư duy tích cực hơn. Nếu coi cuộc sống là một lớp học thì những trải nghiệm buồn, những va vấp, sai lầm đều là “học phí” để giúp ta trưởng thành hơn.
Trong cuốn What I Know For Sure (Những Điều Tôi Biết Chắc), bà hoàng truyền hình Oprah Winfrey đã dũng cảm viết về câu chuyện mình bị lạm dụng và mang thai khi mới 14 tuổi. Đứa bé mất ngay khi vừa chào đời và Oprah luôn cảm thấy tủi nhục, xấu hổ, và mất mát vì điều đó. Khi trở nên nổi tiếng, Oprah luôn nớm nớp lo sợ rằng một ngày nào đó, cả thế giới sẽ phát hiện ra quá khứ đen tối này của mình. Vì vậy, khi chuyện Oprah mang thai và có con ở tuổi 14 bị lộ ra vì một người thân trong gia đình bà đã bán nguồn tin này cho tạp chí lá cải, Oprah đã vô cùng lo sợ. Bà nghĩ rằng, chỉ ngày mai thôi, cả thế giới sẽ quay lưng với mình.
Nhưng không, khi Oprah quay lại làm việc, không có một ai nhắc đến việc này, không có bất kỳ một người nào thay đổi thái độ với bà, thậm chí mọi người còn nể phục hơn khả năng vượt lên quá khứ của Oprah. Sau đó, Oprah viết, bà nhận ra đây là bài học lớn nhất của cuộc đời mình. Sự phản bội của người thân đã dạy cho bà niềm tin vào nhiều người khác, những người không cùng huyết thống. Bà nhận ra rằng, chỉ cần ta sống tốt và đúng với lương tâm, khi ta gục ngã, cả thế giới sẽ đỡ ta dậy. Oprah cũng bắt đầu nhìn về quá khứ đau buồn khi mất đứa con bằng con mắt khác. Thay vì xấu hổ, tủi cực như trước đây, bà nhận ra rằng dù Chúa tước đi đứa con thơ, Người cũng đưa cho bà cơ hội thứ hai để sống.
Vì cơ hội thứ hai này, Oprah đã trở lại trường học, tập trung học tập, và nắm lấy tất cả cơ hội được dẫn chương trình trên radio và truyền hình. Đây cũng chính là những bước đi ban đầu khiến Oprah thành công như ngày hôm nay. Từ khi nhìn lại sự việc đã qua bằng con mắt khác, Oprah nói, quá khứ của bà trở nên tốt đẹp hơn và hiện tại của bà trở nên tươi mới hơn.
—
Không ai có thể quay ngược dòng thời gian để xoá đi những kỷ niệm không vui của mình trong quá khứ. Tôi không thể, và bạn cũng vậy. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là thay đổi tư duy của mình ở thời điểm hiện tại mà thôi.
Tôi mong bạn đọc thử một lần nhìn lại quá khứ của mình với tư duy tích cực. Tôi tin bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, may mắn hơn và nhận ra rằng mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó.
Cám ơn bạn đã đọc bài viết này và sống lại một phần tuổi thơ cùng với tôi!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Huyen Nguyen says
Cám ơn em đã chia sẻ 2 câu chuyện hết sức riêng tư. Để chị có thêm động lực để “chuyển hóa” quá khứ của mình!
Chi này, 2 trường hợp trên thì theo em nên xử lý thế nào cho phù hợp? Nhất là trường hợp 2 – liên quan đến bạn bố mẹ.
Chi Nguyễn says
Hi chị Huyền! Em cám ơn chị đã đọc bài viết và thấy nó như một “động lực” để có tác động tích cực về quá khứ của mình ạ. Vì đây là những chuyện đã xảy ra rồi nên em cũng không đặt ra câu hỏi nên làm gì để giải quyết vì em nghĩ mình không có khả năng quay ngược thời gian và làm lại những việc có liên quan đến người khác (mình chỉ có thể thay đổi tư duy của chính mình thôi ạ). Tuy nhiên, em nghĩ phần lớn những việc tấm tức trẻ con này xảy ra là vì người lớn (nhất là ở Việt Nam) thường ngại hoặc không muốn giải thích cho trẻ con lý do tại sao họ cư xử như thế này thế khác ngay khi sự việc xảy ra. Trong khi đó, em học Giáo dục ở Mỹ thì họ rất chú trọng việc giải thích cho con trẻ và coi con như một người lớn, có thể hiểu những vấn đề sâu sắc. Nên ví dụ có nhiều kỹ thuật nói chuyện với trẻ con trong trường hợp khó xử như: đưa trẻ ra một chỗ riêng và giải thích cụ thể, nếu là việc bất công với trẻ thì tìm cách bù đắp hoặc giảng giải (ví dụ như cách Bà ngoại làm với em), sau đó tìm cách bù đắp (tinh thần, vật chất) cho trẻ. Em cũng chưa có con nên không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc này. Ba mẹ em đều là những người tâm lý với con cái, tuy nhiên Ba mẹ chỉ có thể làm được hết sức trong khả năng kinh nghiệm, kiến thức có được ở thời điểm đó thôi ạ. Mình học để tâm lý hơn nữa với con cái mình sau này 🙂
Tường Vi says
Cảm ơn chị vì 1 bài viết rất ý nghĩa chị ah ^^
schwarzeperle says
Đọc bài viết của chị em thấy thực sự rất gần gũi và phần nào em nhìn thấy con người mình trong đó. Em cũng là một đứa trẻ nhút nhát và bị tổn thương rất nhiều. Cảm giác bị tổn thương ban đầu rất là đau, thậm chí càng về sau khi nhìn sâu vào chúng còn đau hơn rất nhiều lần. Nhưng sau mỗi cú vấp như thế em học được rằng ”nỗi đau” giống như một người thầy, rằng nếu nhìn nhận chúng theo một cách khác, thì rõ ràng em có thể học được rất nhiều từ đó cũng như chị nói đó là học phí để giúp ta trưởng thành hơn.
Em cảm ơn những chia sẻ của chị. Em hy vọng chị vẫn sẽ tiếp tục có những bài viết mới và mong rằng sẽ được học hỏi từ chị nhiều hơn nữa!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc và chia sẻ. Đôi khi người lớn không nhận ra những đứa trẻ hướng nội và nhạy cảm thường “khôn sớm” (và có lẽ dễ buồn sớm) hơn những đứa trẻ vô tư khác. Đúng như em viết, mỗi va vấp là một người thầy để ta lớn lên. Chúc em thật nhiều may mắn trong quá trình trường thành của mình!
Trang says
Cám ơn chị Chi. Bài viết thực sự rất hay và ý nghĩa ạ
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết 🙂
Hà Thu Nguyễn says
Cảm ơn chị vì những bài viết rất hay ạ
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi blog <3
Đá says
Mới biết đến chị, đọc nhiều bài viết của chị thấy rất thú vị và bổ ích. Những chia sẻ kinh nghiệm cá nhân này thường bổ ích hơn là những lời khuyên chung chung trong các sách tự lực.
Chị làm em nhớ tới cô bạn của mình, một cô gái cũng rất giỏi giang và nỗ lực. Bọn em xuất phát điểm như nhau, cùng một đội tuyển tiếng Anh, nhưng giờ cô ấy đã bước rất xa. Cô ấy sau ba năm học THPT ở Chuyên ngữ Hà nội thì hiện giờ đã du học ở Mỹ. Cô ấy cũng từng bù đầu vì các loại lịch học, câu lạc bộ,… nhưng giờ đã sống cân bằng, thích Phật pháp, thiền,… Có lẽ cũng có nét gì giống chị?
Em lan man kể như vậy là vì nhìn về quá khứ bây giờ, em tràn ngập hối tiếc chị ạ. Em đã có những lựa chọn sai lầm trẻ con, dẫn tới mình đã thua kém bạn bè nhiều. Năm đó thi cấp 3, cô bạn ấy đã dám thi tận Hà Nội, còn em vẫn quanh quẩn ở đó. Cô ấy dần trở nên tiến bộ và trưởng thành hơn, ra dáng một người trẻ thời đại mới. Khi ấy em mới chợt nhận ra, mình vẫn quá ấu trĩ và nhà quê. Để rồi khi em ra tới Thủ đô thì cô ấy đã xách va ly sang Mỹ rồi. Cô ấy từng bảo bọn em ” Mày ra ngoài đó cũng không được tiếp xúc với bọn Hà Nội đâu, vì lên đh chúng nó cũng đi hết cả rồi” Nghe mà thấy mình tụt hậu quá.
Chắc giờ bạn ấy đã không để em trong danh sách 20% người mang lại 80% hạnh phúc, nhưng em vẫn cảm phục bạn, gia đình bạn còn thuộc diện khó khăn. Mà càng phục, em càng thấy tiếc nuối những lựa chọn ngô nghê của mình, không nhưng không cho em bước tiến đáng kể nào mà còn khiến trì trệ ngột ngạt suốt 3 năm. Dù rằng em không giỏi như cô ấy, nhưng cũng đủ sức ở một môi trường tốt hơn, cái sự hối hận vì mình đủ sức mà không làm, nó ám ảnh lắm, mà càng ân hận hơn là mình ko cố chỉ bởi chút tình cảm ấu trĩ với đám bạn. Giờ thì bạn bè chẳng còn bao nhiêu, mà mình so với các bạn ngoài này lại quá thua kém, quê mùa.
Không biết sau này khá hơn, nhìn lại, em có viết lại được quá khứ không nhỉ?
Cảm ơn những bài viết của chị. Chúc chị và gia đình mạnh khỏe.
Chi Nguyễn says
Chào em, cám ơn em rất nhiều vì đã đọc bài viết và comment trên blog. Đọc chia sẻ của em, chị rất đồng cảm, con người ai cũng có một ai đó để so sánh và cảm thấy mình tụt hậu hơn. Chị cũng vậy. Nhưng chị nghĩ so sánh không làm được điều gì tốt đẹp hơn cho mình em ạ, nó chỉ làm cho mình cảm thấy yếu ớt, muộn phiền hơn thôi. Chị có một bài viết (rất nhiều người đọc) về chủ đề này, chị mong em đọc để tham khảo: https://thepresentwriter.com/ren-luyen-tu-duy-tich-cuc-phan-3-ngung-so-sanh-ban-than-va-ghen-ti-voi-nguoi-khac/
Ngoài ra, chị nghĩ cô bạn em chắc chắn là một người giỏi giang nhưng câu nói: “Mày ra ngoài đó cũng không được tiếp xúc với bọn Hà Nội đâu, vì lên đh chúng nó cũng đi hết cả rồi” có phần hơi cực đoan quá. Chị là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và cũng học trường điểm với nhiều bạn cũng người Hà Nội nhưng chỉ có số ít đi nước ngoài thôi, còn bạn bè chị vẫn ở Việt Nam rất nhiều và cũng rất thành công. Em đừng để trong lòng lời nói của bạn quá lâu, chị nghĩ có thể giờ bạn ấy có trải nghiệm nhiều rồi, ra ngoài tiếp xúc lâu rồi bạn sẽ nghĩ khác. Ở quê hay ở Hà Nội, ở Việt Nam hay ở nước ngoài, chị nghĩ không quan trọng. Quan trọng là chúng ta vẫn nỗ lực vươn lên phía trước, suy nghĩ tích cực vào tương lai, và sống có ích. Chị chúc em nhiều điều may mắn!
thuphuongpham says
cảm ơn bài viết của Chi, mình có 2 cậu con trai sinh đôi đang ở tầm 3-4 tuổi. Đọc bài viết của Chi mình chột dạ không biết đã làm con tổn thương mà không biết chưa ( mặc dù mình là người mẹ luôn yêu thương, tìm hiểu tâm lí lứa tuổi, không áp đặt, để con bộc lộ bản thân và lắng nghe con rất nhiều). Đôi khi nghĩ ngợi miên man nhiều vấn đề trong cuộc sống mình lại chốt lại : điều con cần nhất là tình yêu thương! Cảm ơn cả ” chủ nghĩa tối giản” của Chi nữa. mình đã thanh lọc xong tủ quần áo và nhiều việc khác để cuộc sống của mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều! thank you so much Chi Nguyễn!
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị đã ghé blog. Em cũng thích có bé sinh đôi lắm nhưng không biết có may mắn được trời cho không :). Em nghĩ không có bố mẹ nào là hoàn hảo cả chị ạ. Nhiều khi vì em học Giáo dục nên có nhiều lần em nhận ra cách bố mẹ và thầy cô dạy mình ngày xưa có rất nhiều điểm chưa thực sự đúng đắn (mặc dù xuất phát từ tâm ý tốt). Nhưng quan trọng, đúng như chị nói, là đứa trẻ hiểu mình được yêu thương và từ tình yêu đó có thể thông cảm cho bố mẹ khi lớn hơn. Em tin chị là một người mẹ tuyệt vời, chắc chắn là vậy ạ! <3
Luna Eli says
Cám ơn câu chuyện của chị. Nó giúp em có thêm 1 góc nhìn tích cực về quá khứ. Chúc chị thành công và gặp nhiều may mắn.
Beatrix says
Em thật sự cảm ơn những bài viết của chị ạ. Em đã theo dõi chị từ lâu trên kênh youtube của chị nhưng cũng không thể thường xuyên xem hết những video chị up vì lịch học của mình ạ (hihi, lâu lâu thấy nhớ em mới vào ạ). À, em cũng muốn chia sẻ với chị một chuyện mà có lẽ nó đã luôn là nỗi băn khoăn của em từ khi nhận thức được việc dạy của mẹ em là chưa đúng đắn. Bây giờ, em đang học đại học nhưng việc nói chuyện cùng mẹ vẫn là điều em không thể, em cũng không hiểu vì sao sau nhiều lần thay đổi nhưng những vấn đề giữa em với gia đình vẫn không thể nhẹ nhàng được ạ. Em đã cố gắng giải thích những điều em cảm thấy buồn và bất công và cả những vấn đề mà gia đình đang làm chưa đúng nhưng họ luôn lơ nó đi như một thứ không đáng và nói em răng “thôi mày đừng lý thuyết suông nữa, cho học nhiều chữ rồi về dạy bố mẹ à”, hết lần này đến lần khác em chỉ biết tìm những video tâm sự ở podcast, youtube và nhạc nhẹ để xoa dịu và quên đi những chuyện đó nhưng cứ cách vài tháng thì chuyện đó lại xảy ra lần nữa. Hôm nay cũng vậy, mặc dù em vẫn còn 3 bài kiểm tra trong tuần nhưng em không thể tập trung học bài được vì những lời nói của mẹ cứ tua đi tua lại trong tâm trí em. Đây là lần đầu tiên em tìm kiếm sự giúp đỡ của một người khác về chuyện của bản thân và gia đình, thực ra em cũng chỉ mong là em có thể tìm kiếm một ai đó có thể hiểu những mong muốn của em, chắc hôm nào đó em cũng sẽ biết em nên làm gì để mọi thứ tốt hơn. Đọc những bài viết của chị khiến em như nhẹ lòng hẳn đi, cảm ơn chị vì đã mang lại cho em một cảm giác đặc biệt này. Em mong chị sẽ đạt được nhiều niềm vui hơn nữa trong công việc và cuộc sống, em cảm ơn chị rất nhiều ạ.