Tập đi xe đạp
Tôi tập đi xe đạp tương đối muộn. Khi bắt đầu ngồi lên chiếc “mini” đỏ có khung tay cầm vòng lên điệu đà, tôi đã 11 tuổi. Mười một tuổi, tôi đã đủ lớn để biết gần như tất cả mọi thứ (trên lý thuyết) về xe đạp, biết một chiếc xe gồm có những bộ phận gì, nó vận hành ra sao, phải làm gì để xe chuyển động…
Nhưng từ nhỏ, tôi chưa từng thử trèo lên một cái xe đạp nào bao giờ. Đến xe bốn bánh cho trẻ con tôi cũng chưa từng chạy. Bởi vậy, về mặt thực hành, tôi gần như chẳng biết gì về đi xe đạp cả.
Vừa biết lại vừa không biết, vừa tự tin lại vừa thiếu tự tin. Hai điều trái ngược này khiến tôi trở nên ngần ngại với việc học xe đạp. Hãy thử nghĩ mà xem: một đứa cao lớn tồng ngồng, cái gì cũng biết, nhưng chỉ trừ một thứ mà hầu như ai cũng biết thì lại không biết: đó là đi xe đạp.
Ba mẹ tôi cứ nói đi nói lại về chuyện tập xe suốt mấy mùa hè. Nhưng càng nghe nói nhiều, tôi càng sợ, càng ngại, và càng trì hoãn chuyện tập xe. Đến mức mà một mùa hè nọ, nghe thúc giục hoài, tôi gắt: “Được thôi! Còn sẽ tập xe nếu mọi người muốn!” Ba mẹ tôi nghe thế mới kêu ầm lên: “Trời con bé này. Tập xe là để cho mày chứ cho ai”. Nghĩ lại thật buồn cười. Cái tôi tự ái kiểu trẻ con, nỗi lo bị cười chê của một cô nhóc đang tuổi mới lớn, cảm giác khó chịu khi bị người lớn áp đặt… Tất cả mớ cảm xúc hỗn độn ấy, giờ nghĩ lại thật buồn cười, xấu hổ, và kỳ cục.
Rồi tôi cũng đi tập xe đạp thật. Tôi còn nhớ, mình lái xe không hề tệ. Nhưng cũng như mọi đứa trẻ lần đầu biết đi xe, tôi lóng ngóng, vụng về, rụt rè, ngượng nghịu. Thời gian đầu, ba tôi vẫn thường đi theo sau cầm yên xe, giúp tôi giữ thăng bằng để đạp. Khi đó, tôi vẫn chưa tự tin để đạp xe một mình.
Một lần nọ, không nhớ ba có việc gì bận mà tới muộn, tôi phải dắt xe ra vườn hoa trước đợi ba ra tập. Vì chưa dám tự đi xe, tôi dắt xe đi bộ một quãng dài giữa trưa. Dắt bộ được một lúc thì có đám con trai chạc tuổi tôi từ đâu đạp xe vọt tới, rào rào cười nói trêu chọc nhau. Rồi chúng nó bắt đầu chú ý đến tôi—một con bé mặt mũi nhăn nhó đi một mình, dắt theo cái xe đạp lành lặn không thủng lốp, không cong vành giữa buổi trưa nắng. Bị “dòm ngó”, tôi thấy ngượng kinh khủng, cảm giác như hàng trăm con mắt đang đổ dồn về mình mà không có cách nào trốn đi được. Thế là tôi cố gắng ra vẻ tự tin, leo lên xe, và hung hục đạp đi như thật. Tôi ước gì có thể kể tiếp là mình đột ngột nhận ra khả năng lái xe tốt như thế nào, đã đạp xe phăng phăng qua lũ con trai ấy tự tin ra sao. Nhưng đáng tiếc, sự thật phũ phàng là ngay sau khi leo lên xe, tôi đã loạng choạng ngã và phải cố gắng lắm mới không lao vào miệng cống ở vệ đường (hic). Lũ con trai thấy thế nổ một tràng cười to như pháo: “Ôi trời ơi!!! Hóa ra là không biết đi xe! Không biết đi xe à??” và kháo nhau váng cả con đường. Khỏi phải nói, mặt tôi đỏ lựng lên, nóng ran như bị hàng ngàn con ong đốt. Cho đến tận bây giờ, đó có lẽ vẫn là một trong những kỷ nghiệm xấu hổ nhất mà tôi từng có. Mà cũng có thể nó tệ đến thế vì tôi mới vừa bước vào tuổi dậy thì nữa. Bạn biết đấy, ở tuổi đó thì cái gì mà chả đáng xấu hổ.
Dần dần, kỹ năng của tôi tốt lên và tôi cũng dần thích đi xe hơn, nhất là sau khi ba mẹ thưởng cho tôi một chiếc “cào cào” màu tím khi thi đỗ vào cấp hai. Cuối cùng, năm 14 tuổi, tôi bắt đầu tự lái xe đi học một mình. Vì quãng đường từ nhà đến trường cũng khá xa và đông xe, ba tôi ban đầu “bí mật” đi xe máy phía sau (bí mật trong ngoặc kép bởi vì tôi luôn phát hiện bóng dáng ba—một chú bộ đội áo xanh lấp lo đằng sau). Nhưng sau khoảng một tuần, tôi đã hoàn toàn tự đi một mình.
Khi tự tin hơn về việc đi xe đạp, tôi đạp xe đi khắp mọi nơi, thậm chí còn đi rất nhanh và rất ẩu, đi “kẹp 3, kẹp 4”, và đi đến cả những chỗ “hang cùng, ngõ hẻm” của Hà Nội. Tôi cũng ngã xe nhiều lần—rất, rất nhiều lần là đằng khác. Nhưng hơn tất cả, tôi thích cảm giác được lái xe. Biết đi xe đạp cho tôi một cảm giác tự do mà tôi chưa từng biết đến, tôi thấy như mình có thể đi đến bất kỳ nơi đâu mình muốn, dù có xa xôi như thế nào. Có thể nói, biết đi xe đạp đã mở ra cho tôi một cơ hội trưởng thành, tự lập, và khám phá một “tôi” mới mà tôi chưa từng biết đến bao giờ.
Tập làm mẹ
Tôi làm mẹ lần đầu năm 29 tuổi. Hai chín tuổi, tôi đã đủ trưởng thành để biết hầu hết mọi điều (trên lý thuyết) về làm mẹ. Tôi tự nghiên cứu và đọc nhiều tài liệu về mang thai, sinh con, và nuôi con; thậm chí còn đi học đến mấy khóa tiền sản liền.
Nhưng từ nhỏ tới lớn, tôi chưa có kinh nghiệm thực tế về nuôi trẻ nhỏ. Tôi là con út trong gia đình và cũng không sống gần anh chị em họ hàng nào có con nhỏ. Và mặc dù đi dạy học nhiều năm, tôi chỉ tiếp xúc với các bé đã đến tuổi đi học, chứ chưa từng bế ẵm, chăm sóc em nào nhỏ hơn 4 tuổi cả. Bởi vậy, về mặt thực hành, tôi gần như chẳng biết gì về làm mẹ cả.
Vừa biết lại vừa không biết, vừa tự tin lại vừa thiếu tự tin. Hai điều trái ngược này khiến tôi trở nên trở nên lúng túng khi bắt đầu làm mẹ. Tôi biết quá nhiều điều trong sách vở, nhưng chưa biết vận dụng thực tế như thế nào. Khi con chưa ra đời, mỗi lần nghe bạn bè nói về khó khăn khi nuôi con, tôi thường ngấm ngầm đánh giá cách làm cha làm mẹ của họ, dựa trên lý thuyết này, phương pháp kia. Nhưng thực chất ở bên trong, tôi biết mình thực sự chẳng biết cái gì cả.
Ngay khi Jaden mời chào đời, tôi đã cảm thấy choáng ngợp bởi hàng loạt những lời khuyên, ý kiến, kinh nghiệm trái ngược nhau về nuôi con. Bác sĩ khuyên theo hướng này, y tá chỉ theo hướng nọ, gia đình lại kéo thêm một hướng khác nữa, và xin thôi đừng nói đến mạng Internet—nơi 100 bà mẹ bỉm sữa thì có đến 101 ý kiến khác nhau. Tôi cảm thấy vô cùng mâu thuẫn và bức bối. Tới mức mà có thời điểm tôi cảm thấy như mình đang chống lại cả thế giới để bảo vệ quan điểm của mình: “Tôi có quyền làm mọi thứ tôi muốn cho con của tôi!” Nhưng mọi người lại nói: “Đây không phải lúc thể hiện cái tôi, tất cả giờ không phải vì Chi nữa, mà vì Jaden cơ mà” Nghĩ lại, tôi nhận ra thời điểm mới sinh con, tôi phải vượt qua rất nhiều thử thách về tâm lý: hooc-môn thay đổi, cảm xúc không ổn định sau sinh, lo lắng thường trực, thiếu ngủ thường xuyên… Tất cả những vấn đề ấy khiến mọi thứ tưởng như nhỏ nhất cũng khiến tôi cảm thấy bất an và mệt mỏi.
Dần dần, tôi cũng làm quen với việc làm mẹ. Tôi còn nhớ, ngay từ những ngày đầu, mình không hề tệ. Nhưng cũng như mọi người lần đầu học làm mẹ, tôi lóng ngóng, vụng về, rụt rè, ngượng nghịu. Thời gian đầu, mẹ ruột và mẹ chồng tôi giúp đỡ rất nhiều, từ việc cho em bé ăn, ngủ, đến thay tã, tắm gội. Khi đó, tôi vẫn chưa tự tin để chăm con một mình.
Một lần nọ ngay trong hai tuần đầu tiên sau khi sinh, Jaden bị ốm và phải nhập viện. Vậy là hai mẹ con quay lại chính cái bệnh viện mà chỉ khoảng chục ngày trước thôi, tôi đã trải qua 22 tiếng (!) vượt cạn để sinh con. Những ngày con trong viện tuy rất ngắn ngủi nhưng là một trải nghiệm kinh hoàng. Tôi còn nhớ mỗi lần cô y tá chích gót chân con để lấy máu xét nghiệm, dù chỉ là một giọt máu nhỏ tí xíu thôi nhưng cũng làm tôi cảm thấy xót xa vô cùng. Lần nào tôi cũng nhắm mắt quay đi, nhưng cứ nghe tiếng con khóc là trào nước mắt. Thêm nữa là cảm giác tội lỗi (mom guilt) nổi lên thường trực: “Đây là lỗi ở mình. Mình có thể làm thế này, thế kia khác đi thì có thể con sẽ không ốm…” Mỗi lần đi qua dãy hành lang bệnh viện, nhìn thấy các bà bầu đang vác bụng đi lại để chờ đẻ, tôi nhớ lại cái ngày mình cũng đi đi lại lại trên hành lang này để mong sớm được gặp con. Lúc đó, tôi chỉ ước gì mình có thể quay ngược trở lại thời điểm đó, trở lại 22 tiếng đau đẻ hàng ngàn lần cũng được, chỉ để thay đổi những điều mà (trong đầu tôi tự nghĩ) mình có thể làm khác đi để cho con không bị ốm. Nghĩ lại, những suy nghĩ tội lỗi này quá nặng nề và vô lý, nhưng đó thực sự là những gì tôi cảm thấy ở thời điểm đó. Đó có lẽ là thời điểm yếu đuối và hoang mang nhất nhất tôi từng trải qua. Mà cũng có thể nó tệ như thế vì tôi có biểu hiện rối loạn lo lắng sau sinh nữa. Bạn biết đấy, làm mẹ lần đầu thì vấn đề bé bằng móng tay thôi cũng có thể thổi bùng lên thành nỗi lo lớn.
Dần dần, kỹ năng của tôi tốt lên và tôi cũng thích việc chăm sóc cho con hơn, nhất là khi con bắt đầu biết cười, biết đùa, biết thể hiện tính cách. Cuối cùng, khi Jaden được 4 tháng, mẹ tôi quay lại Việt Nam thì cũng là lúc tôi bắt đầu chăm con hoàn toàn. Vì tôi chưa từng một mình chăm em bé cả ngày bao giờ, mọi người trong nhà cũng lo lắng, thường xuyên gọi điện, nhắn tin hỏi thăm; chồng tôi còn xin đi làm về sớm để đỡ cho vợ… Nhưng chỉ qua một vài ngày đầu tiên, nắm được rõ xu hướng ăn, ngủ tự nhiên của con (hay nói theo ngôn ngữ nghiên cứu là, “quan sát thu thập dữ liệu để tìm ra xu hướng tự nhiên” :>), tôi bắt đầu lập ra “thời khóa biểu” mẫu cho một ngày chăm em bé. Sau một tuần thử nghiệm và hướng con sinh hoạt theo lịch, nghiên cứu sự thay đổi của con trước và sau khi có lịch (hay cũng theo ngôn ngữ nghiên cứu là: “trước và sau khi có can thiệp”), mọi thứ dần vào nếp hơn. Và sau khoảng 10 ngày, tôi hoàn toàn tự chăm con được một mình, theo cách riêng của tôi.
Khi đã tự tin hơn với vai trò làm mẹ, tôi bắt đầu yêu thích và thử nghiệm nhiều thứ mới hơn với con. Làm mẹ dần dần không chỉ còn là nỗi lo cho con ăn no, ngủ kỹ, làm sao để một ngày trôi đi không bị ngộp thở vì lo lắng và stress nữa. Mà làm mẹ còn là hành trình mở ra cuộc sống mới cùng với con, nhận thấy những niềm vui không tên nhưng ý nghĩa từ cuộc sống đời thường, và khám phá một “tôi” mới—một bản ngã dưới cái tên “Mẹ Jaden”—mà tôi chưa từng biết đến bao giờ.
Tập đi xe đạp và tập làm mẹ
Tập đi xe đạp và tập làm mẹ có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là những kỹ năng mà để thành thục, ai cũng buộc phải vấp ngã, phải mắc sai lầm ít nhất một đôi lần. Nhưng một khi đã thành thục rồi, kỹ năng và trải nghiệm đó sẽ theo ta mãi mãi. Cũng như ít ai phải học lại khi đã biết đi xe, việc có con cũng khiến cuộc sống của người làm mẹ thay đổi mãi mãi.
Nhưng tập đi xe đạp và tập làm mẹ cũng rất khác nhau. Khi ngã xe, ta có thể bị đau, xe có thể bị hỏng; nhưng không sao cả, vì vết thương có thể lành, xe hỏng có thể sửa. Nhưng nếu phạm lỗi khi làm mẹ, người bị đau không phải là mẹ, mà là con; và vì con còn non nớt, sẽ có những vết sẹo về thể chất, tinh thần không thể lành lại được. Nếu như kỹ năng lái xe đạp thường sẽ tốt lên nếu ta luyện tập thường xuyên, việc làm mẹ đòi hỏi không chỉ luyện tập mà còn liên tục học hỏi, thay đổi cách làm của mình cho tốt hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của con. Không ai hoàn toàn sẵn sàng khi lần đầu làm mẹ và không ai có thể tự tin nói rằng mình là người làm mẹ giỏi nhất (như cách người ta trao huy chương vàng cho người vô địch giải đạp xe). Bởi thế, làm mẹ, hay nói đúng hơn là làm cha mẹ, khó hơn, vất vả hơn, ít danh hiệu hơn; NHƯNG có lẽ cũng vì thế mà ý nghĩa, tình cảm, và nhân văn hơn nhiều.
Tôi nhớ cảm giác lần đầu mình đạp xe lao xuống dốc, cảm thấy chiếc xe trôi đi nhanh vùn vụt, gió thổi ngược chiều táp vào da mặt mát rượi. Tôi dang hai cánh tay, nhắm mắt lại… cảm thấy mình như có tất cả sự tự do trên thế giời này.
Tôi nhớ cảm giác lần đầu chăm con một mình, cảm thấy cuộc sống thật tù túng, bí bức khi mọi hoạt động phải gắn vào một cá thể khác nhỏ bé, non nớt, phụ thuộc tất cả vào mình chỉ để tồn tại. Trong một giây lát, tôi thấy như mình như đã đánh mất hết mọi sự tự do trong đời. Nhưng rồi tôi dang tay ra đón lấy con trai bé bỏng, con đón lại tôi với một nụ cười; nhìn vào đôi mắt đen láy của con, tôi thấy hình bóng của mình tràn ngập… và tôi cảm thấy mình như có tất cả mọi tình yêu trên thế giới này.
Be Present,
Chi Nguyễn (a.k.a. Mẹ Jaden)
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Chị PC says
ôi, trải nghiệm tập xe đạp của chị em mình giống nhau phết. Bố mẹ chị giục mãi chị mới tập, tập lên tập xuống mới đi được. Xong rồi giờ 35 rồi mà vẫn nhớ cú ngã xe đầu đời, khi lần đầu tiên tự dắt xe đi tập và nhìn thấy xe máy cách 200m đã vội cho chân xuống để phanhhhh, xong ngã lăn quay ra =))). Về nhà vẫn nhớ là xẩm tối, bố mẹ đang ngồi trên bể nước chờ về ăn cơm cười cho một trận.
Còn về con cái, giờ có bầu và bắt đầu nghén, chả muốn ăn gì nhưng lại cứ nghĩ là ăn cho con chứ có phải ăn cho mình đâu là lại cố em ạ. Rồi chúng ta sẽ chững chạc, sẽ siêu như bố mẹ của chúng ta nhỉ 😉
Chi Nguyễn says
Chị có bầu rồi ạ? Em chúc mừng chị! Vui quá! Nghĩ lại em thấy quãng thời gian có bầu là lúc nhàn nhất, vui nhất (mặc dù hồi đó em cũng nghén mà ăn gì cũng sợ, phải Google xem có được ăn không, lo lắng những cái rất chi là vớ vẩn :D). Nếu được quay lại em sẽ relax hơn và tận hưởng hơn thời gian mang bầu. Vụ xe cộ bây giờ em sắp phải lấy bằng lái ô tô rồi mà ngại quá, huhu
hianh says
♥️
Thu Hang says
Chào chị Chi ạ.
Em kém chị vài tuổi.
Em thích cách viết của chị lắm. Từ Milimalism đến những bài viết nhỏ nhỏ như này. Chị viết thật và dễ hiểu. Chị làm em mong muốn có 1 cuộc sống đơn giản mà văn minh như chị vậy.
Em mong mình có thể tiến bộ hơn từng ngày với những nguồn cảm hứng tích cực chị mang lại.
Cảm ơn chị vì những điều nhỏ bé chị mang đến qua mỗi bài viết ạ.
Mong gia đình chị luôn thật mạnh khoẻ và nhiều niềm vui ạ!
Dalia says
Bài viết dễ thương quá
Khanh Huyen says
love
Phuong Phan says
Đến 25 tuổi rồi và em vẫn chưa dám đi xe máy chị ạ, em có cảm giác em không làm chủ được cái xe và lúc nào cũng loạng quạng chỉ chực đâm vào đâu đó : ((