Tuần trước, bài viết “Tại sao ai cũng nên sống ở nước ngoài ít nhất một lần trong đời?” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ của bạn đọc. Tuần này, cũng với chủ đề sống ở nước ngoài nhưng tôi viết về một khía cạnh đối lập so với bài viết trước — đó là về những khó khăn, trở ngại của cuộc sống nơi đất khách. Cùng với đó là lời khuyên của tôi để giúp mọi người vượt qua thời điểm khó khăn khi sống xa gia đình. Mục đích của việc viết hai bài đối nhau như thế này là để bạn đọc có cái nhìn cân bằng và thực tế hơn về cuộc sống ở nước ngoài. Qua đó, hy vọng cặp bài viết giúp cho những ai còn đang phân vân về dự định ra nước ngoài của mình có được một góc nhìn khác — có thể không hoàn toàn là màu hồng nhưng thực tế, rõ ràng, và an yên hơn.
Với bài viết này, tôi sẽ không đề cập đến những vấn đề khó khăn thường gặp như: khác biệt văn hóa, thiếu hụt ngôn ngữ, căng thẳng trong học tập-công việc… vì những vấn đề này hầu như ai cũng đã biết và ít nhiều chuẩn bị trước khi lên đường. Thay vào đó, bài viết sẽ đi sâu vào những vấn đề mà thường ít được nhắc đến nhưng có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ đối với những ai sống ở nước ngoài, đặc biệt là du học sinh hay người mới nhập cư. Vì đây là những vấn đề mà mọi người ít có sự chuẩn bị nên lúc gặp phải rất dễ trở nên khủng hoảng, bế tắc mà không biết hỏi ai giúp đỡ. Những lời khuyên đưa ra trong bài được viết bởi trải nghiệm thực tế, cảm xúc chân thành, và quan sát có chọn lọc của tôi trong hơn 5 năm sống ở nước ngoài và làm việc với nhiều tổ chức liên quan đến người nhập cư.
Tại sao cuộc sống ở nước ngoài không phải lúc nào cũng là màu hồng?
Sức khỏe tinh thần sa sút mà không có khả năng chia sẻ
Tâm lý của người sống xa quê thường rất phức tạp bởi vì cảm xúc không chỉ bị chi phối bởi một sự kiện nhất định mà là tổng hợp của rất nhiều thứ không tên cùng xảy ra một lúc. Khi mới sang nước ngoài, ta còn bỡ ngỡ, lẻ loi, chưa quen với môi trường mới thì ngay lập tức đã phải vào guồng học tập/làm việc, bắt chuyện với mọi người, chuyển nhà-mua thêm đồ đạc… Ai có người quen giúp cho những ngày đầu thì còn đỡ được phần nào, chứ những người một thân một mình phải lo liệu từ những cái nhỏ nhất ngay ngày đầu tiên thì sẽ rất tủi thân và stress. Khi ở nước ngoài được một thời gian, ta có thể quen với nhịp sống hơn nhưng lại bắt đầu lo lắng cho tương lai, cho những dự định lâu dài hơn. Ta có thể cảm thấy trống trải nếu cuộc sống của mình quá đơn điệu, nhàm chán; lại cũng có thể bức bối với cuộc sống quá bận rộn, căng thẳng. Thêm vào đó là cảm giác không thực sự “thuộc về” trong tâm hồn. Tất cả những điều này khiến cho nhiều người sống ở nước ngoài cảm thấy khó có thể ổn định, an yên trong lòng. Trong tâm trạng như thế, nếu gặp phải một sự kiện không may nào đó xảy ra thì khác nào nhát búa giáng vào tấm kính vốn đã mỏng manh, khiến tâm hồn mình trở nên tan nát.
Nhưng điều khó khăn nhất về tâm lý của người sống ở nước ngoài là cảm giác bất lực khi không tìm được người chia sẻ. Trước đây khi ở gần gia đình, bạn bè, việc chia sẻ một điều gì đó cá nhân là không quá khó vì khoảng cách địa lý, thời gian, văn hóa rất gần, dễ tạo được sự đồng cảm. Nhưng khi ra nước ngoài, ta sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới – những trải nghiệm mà có thể không ai trong gia đình hay nhóm bạn ở nhà từng có. Điều này khiến cho việc truyền tải về nội dung thôi cũng đã là rất khó, chưa nói đến mức thấu hiểu đủ để đồng cảm. Cộng thêm tâm lý người đi xa không muốn nói đến những vấn đề khó khăn để người nhà đỡ lo lắng khiến cho khoảng cách giao tiếp, sẻ chia ngày càng xa cách hơn.
Tôi có một cô bạn người Trung Quốc từng stress đến mức đập vỡ cả điện thoại vì mẹ bạn ngày nào cũng gọi điện, nhắn tin yêu cầu chat webcam về nhà cập nhật cuộc sống; nếu bạn không chủ động liên lạc thì sẽ bị trách là thiếu tình cảm (vì bạn là con một, bố hay đi làm xa nên mẹ con rất gần nhau). Trong khi đó, bạn hầu như quay cuồng cả ngày với việc học, lại bị áp lực vì ngôn ngữ, văn hóa, phân biệt đối xử trong trường học và ngoài xã hội; có nói ra mẹ bạn cũng không hiểu hết lại càng lo lắng thêm. Bạn từng kể: “Mẹ mình ngày nào cũng muốn mình gọi nhưng câu chuyện quanh quẩn chỉ có: ‘Hôm nay con ăn gì? Gầy thế! Béo thế! Ở trường được mấy điểm?’ Mình kể chuyện thêm thì mẹ cũng chỉ khuyên là đừng đi đâu, va chạm gì, cứ an toàn ở nhà rồi đến trường là được. Khi mình đang có chuyện ức chế, nhìn điện thoại mẹ gọi là chỉ muốn dập đi ngay. Thế nhưng rồi mình kiên nhẫn hơn và nghĩ vì mẹ chưa có cơ hội ở nước ngoài nên mẹ chỉ có thể nói với mình những gì mẹ biết thôi, thế nên mình vẫn cố gượng vui vẻ chuyện trò với mẹ hàng ngày”. Sau đó, cô bạn phải đến trung tâm tư vấn đề có người tâm sự, giải tỏa tâm lý.
Tâm lý sa sút là điều gần như không thể tránh khỏi đối với những người sống xa quê. Nhưng trước hết, mỗi khi bạn cảm thấy tiêu cực, hãy nhắc bản thân rằng đây là một điều rất bình thường, ai đi xa cũng có lúc vui lúc buồn, Khi vượt qua được giai đoạn này và nhìn lại, bạn sẽ thấy nó chỉ vô cùng bé nhỏ thôi (thật vậy!). Sau đó, nếu cảm thấy tự bản thân mình không thể vượt qua được, hãy cố gắng tìm một cộng đồng với những người cùng hoàn cảnh như mình để chia sẻ. Đó có thể là nhóm những người bạn Việt Nam cùng sang nước ngoài một đợt hay những người bạn quốc tế khác cũng phải xa rời quê hương và đối mặt với khó khăn như mình để tồn tại ở nươc ngoài. Có lẽ sẽ phải mất một thời gian trước khi bạn tìm được ai đó hoặc nhóm người nào đó đủ tin tưởng để chia sẻ các vấn đề cá nhân, nhưng một khi đã tìm ra và mở lòng được với họ, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Trong trường hợp chia sẻ cộng đồng không mang nhiều lợi ích hoặc bạn không tìm được ai đủ tin tưởng để chia sẻ, hãy tìm đến với các bác sĩ/chuyên gia tâm lý. Trên blog này, tôi từng viết rất nhiều về sức khỏe tâm thần và cũng không ngại chia sẻ việc mình đã từng đến bác sĩ tâm lý nhiều lần trong những ngày tháng khó khăn. Trái với quan niệm của nhiều người là chỉ có ai bị bệnh tâm thần mới phải đến bác sĩ, dịch vụ tư vấn tâm lý là cho tất cả những người cần đến nó. Ở hầu hết các nước tiên tiến, dịch vụ này hoàn toàn miễn phí đối với sinh viên trong trường đại học; nếu không phải là sinh viên, bảo hiểm sức khỏe cũng có chức năng chi trả phần lớn chi phí quan trọng này. Vậy, không có lý do gì để ngại ngần tìm đến chuyên gia để tháo nút thắt về tâm lý cho mình! (Đọc trải nghiệm gần nhất của tôi với bác sĩ tâm lý trong: “Một cuộc phiêu lưu của tâm hồn“)
Phai nhạt dần các mối quan hệ và cơ hội cũ
Một điều khá hiển nhiên của việc ra nước ngoài sinh sống là bạn sẽ mất đi nhiều mối quan hệ và cơ hội khi còn ở trong nước. Tuy nhiên, ít người nhận ra tầm ảnh hưởng lớn lao, sâu sắc của việc này cho tới tận sau khi đã ở nước ngoài một thời gian.
Tình cảm, mối quan hệ giữa người với người có được là do hàng ngày vun đắp, sự có mặt vì nhau trong những lúc cần, tương trợ lẫn nhau… Bởi thế, hãy thử tưởng tượng tình cảm của mình với bạn bè thân thiết sẽ như thế nào nếu mình không có điều kiện trò chuyện với họ mỗi ngày? Sẽ như thế nào nếu ngày cưới của bạn, ngày con bạn chào đời, hay ngày mất của cha mẹ bạn mà mình không thể có mặt? Sẽ như thế nào nếu mình biết bạn đang gặp khó khăn mà bất lực không thể làm gì giúp được? Thời gian ở nước ngoài càng lâu thì những sự kiện trong gia đình, họ hàng, nhóm bạn bè, đồng nghiệp… mà mình bỏ lỡ sẽ ngày càng nhiều. Ai rồi cũng sẽ có những mối quan hệ mới và cũng thay đổi dần theo thời gian. Bởi thế, sự nhạt phai về tình cảm, mặc dù có thể đoán được trước, nhưng cũng không tránh được nỗi buồn, sự hụt hẫng, xen cả cảm giác tội lỗi, tiếc nuối nữa.
Tương tự như vậy, sống ở nước ngoài cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất đi nhiều cơ hội công việc, làm ăn, nhiều móc nối mà trước đây mình phải nỗ lực lắm mới xây dựng được. Bản thân tôi khi quyết định sang nước ngoài du học cũng phải từ bỏ một công việc tốt và từ chối nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng. Ngay cả thời điểm này, có rất nhiều lời mời và dự án hay ở trong nước tôi muốn làm cho bản thân và cho sự phát triển của The Present Writer nhưng không thể thực hiện được ngay vì điều kiện địa lý không cho phép. Vậy mới thấy những người đã có tên tuổi, sự nghiệp vững chắc, nhiều mối quan hệ kinh tế ở trong nước mà vẫn dứt áo ra đi là những người dũng cảm đến thế nào. Suy cho cùng, đi là đánh đổi.
Nhưng nếu nhìn vào một khía cạnh khác tích cực hơn, việc sống ở nước ngoài cũng sẽ “cởi trói” cho ta khỏi những mối quan hệ mà trước đây dù không muốn vẫn phải duy trì, thậm chí chịu đựng. Tách khỏi những ràng buộc hệ lụy, quá trình sống ở nước ngoài cũng sẽ khiến cho ta có cái nhìn chân thực hơn vào các mối quan hệ – đâu là những người thực sự quan tâm đến mình? đâu là những người mình thực sự quan tâm? Và từ đó, ta có thể tập trung nhiều hơn vào những mối quan hệ có ý nghĩa quan trọng và bỏ dần đi những ràng buộc chỉ mang tính xã giao, hình thức. (Đọc “Quy luật 80/20 trong mối quan hệ xã hội“ để hiểu rõ thêm ý này). Tương tự với cơ hội trong cuộc sống, đôi khi tách rời khỏi môi trường cũ cũng mang đến cho ta nhiều cơ hội mới, đồng thời giúp ta dễ nói “không” hơn với những cơ hội mà mình không thực sự thích tham gia nhưng bạn bè, người thân vẫn mời vào bằng được. Ban đầu, khi thấy những cơ hội cũ trôi đi thì sẽ không khỏi tiếc nuối nhưng chắc chắn sau một thời gian quen dần với cuộc sống mới, ta sẽ nhận ra rằng một cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, chỉ cần mình không bỏ cuộc và luôn chủ động tìm kiếm.
Giá trị con người và vị thế xã hội bị giảm sút
Trong Xã hội học, người ta thường nói đến ba loại “vốn” của con người: (1) vốn văn hóa (cultural capital) như phông nền văn hóa, tư tưởng giáo dục, phong thái, khả năng cảm thụ cái đẹp, (2) vốn nhân lực (human capital) bao gồm kiến thức, kỹ năng, bằng cấp, và (3) vốn xã hội (social capital) thể hiện ở các mối quan hệ xã hội mà có thể dùng để làm thước đo hoặc đổi lấy địa vị, danh vọng, và lợi thế trong xã hội. Trong ba loại vốn này, vốn văn hóa và vốn nhân lực có khả năng “dịch chuyển” tốt nhất, không bị hao hụt quá nhiều khi con người sang môi trường mới. Tuy nhiên, vốn xã hội lại hoàn toàn khác. Khi còn ở trong một môi trường quen thuộc như quê hương mình chẳng hạn, bạn có thể nhận được vốn xã hội từ cha mẹ (ví dụ, nếu cha mẹ là “ông nọ, bà kia”, có địa vị to, có quan hệ rộng) hoặc bản thân tự xây dựng được giá trị cho mình (ví dụ, nếu bạn tốt nghiệp những trường đại học tiếng tăm, ra đời nói tên bằng cấp người ta cũng có thể nhìn mình bằng con mắt kính phục). Nhưng một khi đã tách khỏi môi trường xã hội này, rất nhiều phần trong vốn xã hội của bạn sẽ không còn trọng dụng, chuyển giao được nữa. Trừ khi bạn là con nguyên thủ quốc gia hay tài phiệt lẫy lừng thế giới, khi ra nước ngoài, bạn sẽ không là ai cả. Bạn có thể có tiền, có kiến thức, có văn hóa, nhưng người ngoài nhìn vào chưa chắc đã biết được địa vị của bạn là ở đâu; họ có thể nhìn bạn đơn giản như “một đứa Châu Á” như mọi đứa Châu Á khác, thậm chí coi thường bạn là dân nhập cư, kẻ ngoại lai, người chưa hòa nhập được vào xã hội của họ. Sự giảm sút về giá trị con người và vị thế xã hội thường thể hiện rõ nhất khi đi xin việc, xin nhập cư, hay cạnh tranh với những người bản xứ để vào cùng một vị trí. Khi ấy, con người ta mới thấy được hết tầm quan trọng của vốn xã hội, của những mối quan hệ mà trước đây mình cho là không cần thiết, và của địa vị xã hội mà trước nay mình dễ dàng có được.
Đây cũng là lý do tại sao nhiều người, đặc biệt là các bạn du học sinh với gia cảnh khấm khá, sau một thời gian ở nước ngoài thì kiên quyết về nước, thậm chí bỏ dở cả việc học để đi về. Bởi vì các bạn nhận ra rằng không có lý do gì để phải chịu cảnh lăn lộn, vất vả, thua thiệt nơi đất khách quê người; trong khi đó, nếu về quê nhà thì mình nghiễm nhiên ở một vị thế tốt hơn hẳn, có nhiều cơ hội hơn mà không phải cạnh tranh quá khắc nghiệt. Tôi từng nói chuyện với một cô phụ huynh của bạn du học sinh như thế, cô phân tích rằng: “Con cô cũng không hẳn thiết tha cuộc sống ở nước ngoài mà hoàn cảnh gia đình ở trong nước cũng không có gì thiếu thốn để nó phải sống chết trụ lại nước ngoài cả. Vì thế, cô bảo con thích đi đâu thì đi, thích ở đâu thì ở, tùy ý con. Có khi về Việt Nam lại dễ sống hơn, gần bố gần mẹ, kiếm được khá tiền rồi mỗi năm cả nhà đi du lịch nước ngoài cũng được chứ không cần phải ở hẳn làm gì”. Điều cô nói cũng có lý, nếu bạn không thích cuộc sống ở nước ngoài đủ để có thể xa gia đình nhiều năm trời, mà lại có điều kiện để sống một cuộc sống có chất lượng, với vị thế cao ở trong nước thì bạn không nhất thiết phải sống cuộc sống “tha hương”.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn sống lâu dài ở nước ngoài hoặc có ý định về nước sau này nhưng muốn cải thiện giá trị và vị thế của mình trong thời gian ở nước ngoài thì cũng không phải là không thể, nhưng cần rất nhiều thời gian và nỗ lực. Cá nhân tôi chọn xem đây là một thử thách để mình có thể tạo lập giá trị cho bản thân và địa vị xã hội của mình mà không phải dựa vào bất kỳ một ai khác. Đây là một trải nghiệm rất thú vị; bởi vì nó sẽ cho bạn thấy sự thay đổi trong cách đối xử của mọi người đối với mình khi mình chứng tỏ được năng lực bản thân, khiến những người từng xem thường phải thay đổi thái độ với mình. Trải nghiệm này giúp mang lại động lực, sự tự tin, và sức bật tự thân rất lớn. Qua một thời gian nỗ lực thể hiện mình trong công việc và cuộc sống, chủ động làm quen, “network” với nhiều người, bạn cũng sẽ dần xây dựng được vốn xã hội cho riêng mình trong môi trường mới. Bản thân tôi là một người hướng nội, không quảng giao và thường chỉ tập trung vào những mối quan hệ mình thực sự thích duy trì. Vậy nhưng qua 5 năm, tôi cũng đã gom góp được cho mình một vốn xã hội tương đối với các dự án làm chung, kết nối có hiệu quả tốt cho tương lai. Bởi vậy, tôi tin rằng ai cũng có thể làm giàu thêm vốn xã hội của mình, nếu ta thực sự kiên trì, nỗ lực, và cầu tiến.
Không hạnh phúc ngay trong chính giấc mơ của mình
Đây có lẽ là điều khó khăn nhất và khó nói nhất đối với những người sống ở nước ngoài. Trước khi đặt chân đến một miền đất mới, ai cũng mang kỳ vọng về hạnh phúc nơi đất khách, phải trải qua những ngày tháng vất vả chuẩn bị hồ sơ, tốn kém tiền bạc, tâm tư, rồi phải hy sinh nhiều thứ khi xa gia đình, rời bỏ cơ hội và nếp sống cũ. Vậy nhưng đến khi ước mơ thành sự thật, khi mọi người tin rằng bạn đang sống một cuộc sống màu hồng tuyệt vời, thì có thể chính bạn lại nhận thấy mình không thực sự hạnh phúc. Nhưng vì đã mang trên vai kỳ vọng cho bản thân và cho tất cả mọi người, bạn không dám từ bỏ. Tâm trạng này cũng gần giống với những người con xa quê lên thành phố lập nghiệp, dù cuộc sống ở thành phố có khốn khổ như thế nào cũng không cam tâm về nhà trước khi thành danh, có tiền, có xe, có nhà cửa cho gia đình nở mày nở mặt.
Tôi có nhiều người bạn từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Khác với những gì truyền thông trong nước hay rêu rao về việc du học sinh ở lại nước ngoài kiếm việc tiền tỷ hay bỏ cơ hội tốt đẹp để trở về “cống hiến cho nước nhà”, sự thật là kiếm được một công việc trả cho đồng tạm lương đủ sống, có tài trợ visa đi làm hợp pháp thôi (chứ chưa dám nói là tiền triệu hay tiền tỷ gì) đã là một việc vô cùng, vô cùng khó. Không phải ai ra trường cũng kiếm được việc ngay, không phải việc nào cũng cho phép đi làm dài hạn, và càng không phải cứ có việc là sẽ giàu. Bởi thế, nhiều bạn ngụp lặn trong cơn stress tìm việc, trong nỗi thấp thỏm chờ “quay xổ sổ” visa đi làm, trong nỗi khổ bị chèn ép trong công việc, thiếu hụt về tài chính. Mọi người cảm thấy mình bị “nuốt chửng” trong giấc mơ của chính mình mà không muốn thoát ra để về nước vì nhiều lý do.
Bản thân tôi cảm thấy may mắn vì tới giờ vẫn thấy hạnh phúc với quyết định “xa xứ” của mình. Phần nhiều vì tôi đã có gia đình riêng và cơ hội ổn định lâu dài ở Mỹ. Nhưng có giai đoạn tôi cũng từng gặp nhiều khó khăn, gian khổ mà không biết kể cùng ai; trong khi mọi người ở nhà thì kháo nhau là tôi là đứa may mắn nhất, sướng nhất trên đời. Có khi nghe được những lời như thế, tôi chỉ chực trào nước mắt. Đó cũng là một phần lý do tại sao tôi quyết định chia sẻ nhiều hơn về buồn vui của mình qua The Present Writer, để mọi người có cái nhìn thực tế hơn về những con người đang sống và thực hiện ước mơ của họ ở nước ngoài. (Đọc thêm câu chuyện của tôi trong “Con đường (đến trường) em đầy mưa bay“).
Theo quan điểm của tôi, sống ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình có hạnh phúc hay không. Những người thực sự quan tâm đến mình họ sẽ thực tâm cầu mong mình hạnh phúc và sẽ luôn ủng hộ quyết định của mình; những người hay dè bỉu, coi thường quyết định về hạnh phúc của mình, lời nói của họ không xứng đáng để tâm. Bởi vậy, tất cả đều quy vào bản thân mình và câu hỏi: Mình sẽ làm gì để ngày mai cảm thấy vui vẻ, an yên hơn hôm nay? Nếu câu trả lời của bạn là trở về nước, tôi thật lòng khuyên bạn nên thành thật với bản thân, với những người thân yêu và quay về. Nơi đâu có hạnh phúc, nơi đó ắt sẽ có cơ hội! Nếu câu trả lời của bạn là tiếp tục sống ở nước ngoài, tôi thật tâm cầu chúc may mắn đến cho bạn vì đây là con đường rất gian khó. Nhưng mỗi khi bạn thấy nản lòng, lạc lõng, khó khăn nơi đất khách, hãy nghĩ về ước mơ của mình – đừng quên mình đã vượt qua những gì để có được ngày hôm nay và dùng đó làm lời nhắc để cảm thấy tích cực, tươi mới, giàu năng lượng hơn mỗi ngày. Ngẫm cho cùng, nơi đâu chưa có hạnh phúc, mình có thể tự gieo vào đó hạt mầm hạnh phúc cho riêng mình, đúng không?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Van Anh Nguyen Thi says
Em cảm ơn chị Chi về những chia sẻ chân thành này ạ. Em chúc chị luôn chân cứng đá mềm và vững tin vào lựa chọn của chị nhé.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều. Chúc em có thêm nhiều bài viết hay nhé 🙂
Van Anh Nguyen Thi says
Dạ, em cảm ơn chị Chi nhiều nha. hihi
HAI HA LE says
đọc bài viết của tác giả mình thấy được chia sẻ rất nhiều. Những điều bạn viết gần như đúng với những gì đã trải qua với mình. Xin cám ơn tác giả và mong đọc được nhiều bài viết hơn nữa từ bạn.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghe blog! Mình cũng đã viết kha khá các bài về đề tài Du học (https://thepresentwriter.com/category/du-hoc/). Tương lai mình hy vọng có thể viết ấn phẩm nào đó chỉn chu và cặn kẽ hơn về mọi mặt của việc sống ở nước ngoài
Phuong Pham says
Cảm ơn chị Chi vì đã chia sẻ! Em nhìn thấy chính mình và rất nhiều bạn khác trong những lời tâm sự của chị ạ 🙂
Có một điều em vẫn luôn thắc mắc lâu nay: em quan sát thấy giới học thuật, nhất là những ngành khoa học tự nhiên thường khá “ưu ái” học sinh quốc tế, đặc biệt là những bạn đến từ Châu Á vì sinh viên bản xứ họ ít khi theo được những ngành này, và những ngành này lại đang phát triển và cần nhân lực. Đồng thời em thấy chính sách nhập cư của nước Mỹ cũng coi trọng người có trình độ cao nên những bạn đi theo con đường nghiên cứu hoặc làm cho các tổ chức phi chính phủ thường được tạo điều kiện hơn là những người làm kinh doanh (ví dụ: nghiên cứu sinh sẽ không cần phải hồi hộp quay H1B lottery để được ở lại làm việc). Em không rõ chị Chi có cảm nhận thấy đó là lợi thế khi làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu/học thuật không? Và khi có dịp, chị có thể chia sẻ cho tụi em về lựa chọn nghề nghiệp của bạn bè/những người Việt Nam mà chị quen ở Mỹ không ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Về câu hỏi của em, chị sẽ cố gắng trả lời ngắn gọn nhất có thể vì nó cũng hơi phức tạp. Thứ nhất là đúng như em nói, ở nước ngoài thì các ngành STEM (khoa học kỹ thuật nói chung) được ưu ái hơn vì cần nhân lực phát triển trong thời đại số như hiện nay. Vì những ngành này sinh viên Châu Á học nhiều nên sinh viên Châu Á có thêm cơ hội ở lại và tìm việc (nhưng cũng không có nghĩa là cứ ngành này là có việc ngay, các bạn cũng phải nỗ lực nhiều mới được). Nhưng cũng vì thế mà cạnh tranh quay H1B cũng lớn hơn vì nhu cầu cao hơn. Thế nên cũng khó nói là STEM hay không STEM thì dễ ở lại hơn, chị nghĩ quan trọng mình phù hợp ngành gì và cơ hội, sự cạnh tranh trong ngành đó. Thứ hai, đúng là nếu em có khả năng nghiên cứu (thường có bằng tiến sĩ) mà xin được vào *một số* trường đại học và tổ chức phi chính phủ có tài trợ H1B thì không bị hạn chế số lượng quay xổ số. Nhưng không phải tất cả các trường đại học và tổ chức nghiên cứu đều có chính sách này. Bản thân chị cũng là người từng nộp hồ sơ nhiều nơi nghiên cứu và họ có nói ngay trên website là không sponsor cho người ngoại quốc. Nếu em theo nghiên cứu ngành kỹ thuật thì chị không nói vì chị không có nhiều kinh nghiệm, còn ngành xã hội thì phải cạnh tranh với người bản xứ rất nhiều vì khả năng viết lách, đọc hiểu, thuyết trình của những ngành này rất lớn. Nói tóm lại, chị nghĩ là chọn ngành gì ở nước ngoài trước hết là do khả năng của mình (chị từng nghĩ hay làm STEM để có nhiều cơ hội xin việc hơn nhưng trời ơi, bảo cho tiền cũng không ham học nổi 5-6 năm thứ mình không thích nên thôi khỏi mơ mộng :D), sau đó mới tính đến cơ hội việc làm và điều kiện ở lại lâu dài (nếu muốn). Nhiều khi người tính không bằng trời tính vì chính sách nhập cư thay đổi liên tục nên chị nghĩ cứ chọn con đường nào mình thực sự thích thì sau này không được như kỳ vọng mình cũng đỡ hụt hẫng hơn.
Hoàng Hương says
Bài viết vô cùng ý nghĩa và hữu ích Chi à. Cảm ơn vì những chia sẻ của em.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn anh/chị đã đọc bài viết 🙂
T.N says
Mình nghĩ phần lớn mọi người đều kì vọng quá mức vào việc “đi nước ngoài” của họ. Bản thân mình cũng gặp khó khăn vì đậu vào 1 trường khá tốt ở bên này, ngày đầu tiên nhập cảnh chỉ cần nói tên trường người ta đã có thái độ khác hẳn, càng làm mình hi vọng vào 1 “chân trời tri thức màu hồng”. Nhưng thực tế khác hẳn, giáo sư quan liêu, dạy cho có, rồi thủ tục hành chính hành lên hanhf xuống đã làm mình có lúc muốn buông xuôi. Còn cuộc sống thường ngày thì mình nghe mọi người nói nhiều rồi nên mình không gặp khó khăn mấy, kì vọng thấp hơn hẳn. Cho nên giờ mình cũng khá ổn, có việc làm, đồng nghiệp tốt dù chưa ra trường. Việc học bị ngưng lại 1 năm nhưng tháng 9 này mình sẽ tiếp tục để hoàn thành thesis. Thế nên mình đúc kết lại là làm gì cũng cố gắng làm hết khả năng, còn kết quả thì đừng để tâm nữa.
Cám ơn bạn vì 1 bài viết hay. Nice day!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và chia sẻ. Bản thân mình cũng từng học và tốt nghiệp một trường Ivy League trong mơ nên ban đầu cũng nhiều kỳ vọng lắm nhưng sau này mình nhận ra là cũng bình thường thôi vì bằng cấp tên tuổi chỉ là một phần nhỏ để đạt được thành công.
Chúc mừng bạn đã có công việc tốt dù chưa ra trường, chắc chắn bạn cũng phải nỗ lực lắm mới có được thành quả này. Mình thích lời khuyên của bạn về việc làm hết khả năng của mình, kết quả ở phía trước đừng quá bận tâm. 🙂 Chúc bạn ngày mới vui vẻ nhé!
Leochung says
Cám bạn vì đã nói những điều nhiều người muốn nói. Người Việt chúng ta khi đi ra thế giới tự do chỉ là một sắc dân thiểu số như dân châu Phi hay Ả rập. Nhưng cộng đồng chúng ta ít có tầm ảnh hưởng xã hội hơn so với họ ko muốn nói là ở vị thế yếu dù có những cá nhân xuất sắc. Điều đó cũng ảnh hưởng ko nhỏ đến vị thế xã hội của những cá nhân khi muốn hòa nhập vào xã hội mới.
Đó là cảm nhận cá nhân của mình muốn được chia sẻ với bạn qua bài viết này.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mình đồng tình với bạn là mặc dù người Việt nói riêng và người Châu Á nói chung có nhiều cá nhân xuất sắc nhưng tiếng nói của chúng ta vẫn chưa được nghe nhiều trong cộng đồng thiểu số. Mình làm việc với cộng đồng người Á nhập cư nhiều và có nhiều hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng nhưng các thành viên lớn tuổi, kỳ cựu lại hay ngại tham gia, ngại lên tiếng vì sợ phiền phức, ảnh hưởng chính trị, ảnh hưởng công việc. Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử và cách ta được nuôi dạy khiến cho tiếng nói của ta còn ngại ngùng, yếu ớt. Hy vọng trong tương lai điều này sẽ thay đổi với sự đóng góp của các bạn trẻ thế hệ mới, không ngại lên tiếng cho cộng đồng.
Lyly0111 says
Cảm ơn chị vì tất cả. E vui vì biết rằng ở 1 nơi nào đó vẫn có những ng hiểu mình . 19 tuổi bước chân ra nước ngoài mà k có 1 ng bạn 1 ng thân. E đã từng nghĩ mình là 1 cô gái hiện đại , sống tự lập . Đi du học là điều e muốn thực hiện nhất khi còn trẻ. Đã từng nghĩ và chuẩn bị tinh thần đối phó với những khó khăn trc mắt. Sẵn sàng bỏ lại bao điều tốt đẹp ở lại quê hương vậy mà đến bây giờ là gần 1 năm trôi qua r😞. E thấy mệt mỏi và kiệt sức quá. Có quá nhiều chuyện xảy ra mà mình k lường trước đc . Nhiều lúc cứ đi 1 mình như ng mất hồn nhưng chị nói đúng , đó k phải thứ khó khăn nhất . Cái khó chính là k có ai để kể ra, bbe trong nc thì an ủi đó nhưng bọn n cũng chưa từng trải qua nên k thể hiểu hết đc. Bố mẹ thì k dám nói, có 10 chỉ dám nói 1. Nhiều lúc e muốn mua luôn 1 vé để về nhà. Tim muốn nhấn mà não k cho. Ngày e đi hừng hực khí thế bao nhiêu. Nay làm sao trở về vs 2 bàn tay trắng, làm sao còn mặt mũi nhìn mẹ 😞. Con đường phía trước phải đi tiếp kiểu gì đây chị :(((
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ rất thật. Đọc comment của em làm chị nhớ hồi 19 tuổi mới sang Mỹ lần đầu tiên, dù lúc đó chị đi ngắn ngày thôi nhưng cảm thấy rất bỡ ngỡ. Sau đó chị quay lại Việt Nam một thời gian và đến tận năm 23 tuổi mới trở lại Mỹ, lúc đó chị thấy mình đã vững vàng hơn nhiều (mặc dù vẫn còn ngây ngô lắm!). Thế nên chị nghĩ em còn trẻ như vậy mà đã đi xa, trải qua khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Chị rất khâm phục những bạn trẻ như em. Em đừng bỏ cuộc nhé! Có thể đây chỉ là một giai đoạn khó khăn thôi, nếu qua năm đầu rồi sang năm thứ hai chị nghĩ sẽ dễ chịu hơn nhiều. Còn nếu sang năm thứ 3 rồi em vẫn chưa thấy đỡ hơn thì lúc đó mới tính đến tình huống về nhà. Cố lên em! <3
Lyly0111 says
E cảm ơn chị nha. E sẽ cố gắng đi tiếp con đường này. Đến khi e cảm thấy thực sự k chịu được nữa. Lúc đó e sẽ suy nghĩ chuyện quay về nhà. Cảm ơn chị nhiều nha. Chúc chị ngày càng thành công và có nhiều bài viết hay hơn nhé . ❤️
Vi says
Vi cũng đang có cảm giác không thực sự “thuộc về” trong tâm hồn đây ~
Nhưng vẫn cứ lạc quan, sống, và đọc blog của Chi. ^_^
Chi Nguyễn says
“thuộc về” là một khái niệm trừu tượng lắm Vi ơi, có những người sống ngay chính quê hương cả đời còn không thấy thực sự thuộc về. Cứ lạc quan sống và tự tìm hiểu bản ngã của mình nha Vi 😀
Phuong Pham says
Chị Chi ơi lại là em đây! Hôm nay em muốn hỏi chị một câu hơi nhạy cảm, khi nào rảnh em hy vọng chị có thể viết một bài ngắn trả lời câu hỏi của em ạ.
Em thấy rất nhiều người Việt Nam nói riêng, và Châu Á nói chung, khi sang Mỹ và quyết định định cư ở đây lâu dài, thường gặp phải những xung đột đáng kể về văn hóa gia đình và giá trị sống so với người bản xứ. Ví dụ: văn hóa đi bar/club uống rượu, hẹn hò tình một đêm lăng nhăng, con cái quá tự do không tôn trọng bố mẹ/người lớn tuổi, thói quen ăn uống không lành mạnh dẫn đến béo phì, vv. Những khác biệt này còn lớn hơn và sâu hơn rất nhiều so với những khác biệt văn hóa bề nổi mà những sinh viên quốc tế ở Mỹ trải qua. Em quan sát nhiều gia đình gốc Á, bố mẹ thành đạt, lối sống truyền thống, nhưng lại không giáo dục con cái tử tế nên đứa con lớn lên thành người “mất gốc”, thậm chí ở mức độ nặng hơn là chán ghét văn hóa Châu Á, sính Tây. Thế hệ người Việt (hoặc rộng hơn là người Á) thứ hai ở Mỹ hầu hết không nói được tiếng mẹ đẻ, và chỉ thích giao du hẹn hò kết hôn với người Mỹ Trắng thôi. Có một số bạn còn kêu “Tôi ước gì mình không sinh ra là người gốc Á” ạ.
Em muốn hỏi rằng chị Chi đã bao giờ quan sát thấy hiện tượng này chưa? Và khi có ý định lập gia đình và ở lại Mỹ lâu dài, lại sắp sửa có em bé, chị có lo lắng điều kể trên không ạ? Em rất mong chị chia sẻ. Iu chị nhìu! 🙂
Chi Nguyễn says
Chào em! Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chị không biết em đã ở Mỹ bao lâu và tiếp xúc cộng đồng người Việt nào tại Mỹ. Nhưng cá nhân chị từng làm ở cộng đồng người Châu Á nhập cư ở Bờ Đông nước Mỹ vài năm và có khá nhiều trải nghiệm với họ, nhận xét của chị là mọi thứ đều khá bình ổn chứ không đến mức xung đột mạnh mẽ như em miêu tả ở trên. Chị cũng chưa từng gặp ai xấu hổ vì gốc gác của mình cả. Có lẽ những bạn chị gặp có giáo dục tốt hơn chăng (?). Theo quan sát của chị, các bạn rất ngoan, hiểu biết, có thể không nói được nhiều tiếng Việt nhưng tôn trọng văn hóa Á-Âu và rất cầu thị, ủng hộ cho hoạt động cộng đồng và đa phần sống rất lành mạnh. Còn club, bia rượu, hay tình một đêm… có lẽ cũng là tùy quan điểm của mỗi người về văn hóa và tình dục, cái này thì trên 21 tuổi chị nghĩ ai cũng nên tự trang bị kiến thức và đưa ra quyết định cho mình.
Về em bé của chị, chị cũng chưa xác định sẽ làm cách nào cụ thể để cho em bé quen với cả văn hóa Việt và Mỹ. Ở Mỹ có nhiều gia đình triệt để giữ ngôn ngữ bằng cách yêu cầu con cái về nhà chỉ được nói tiếng Việt với bố mẹ, nói tiếng Anh thì bố mẹ không trả lời. Cách này chị nghĩ là tốt cho các bé học giao tiếp tiếng Việt. Nhưng đối với chị và hoàn cảnh gia đình chị (vợ chồng nói tiếng Anh, chồng nói tiếng Việt bập bõm thôi) thì không thực sự phù hợp và có phần gượng ép cho cả bố mẹ và con. Chị nghĩ mình sẽ dạy bé cả hai ngôn ngữ song song, có dịp hè về Việt Nam chơi với ông bà, đi học lớp tiếng Việt thêm, và dạy văn hóa Việt Nam ở những khía cạnh bình thường trong cuộc sống chứ không o ép. Thành thật mà nói, chị không lo lắng gì mấy về vấn đề này. Có lẽ chị không đặt nặng việc em bé phải theo hướng văn hóa nào khi lớn lên, chị tâm niệm con trước hết là người tốt, hiểu biết, tôn trọng mọi người là điều quan trọng nhất, những thứ khác con sẽ có cơ hội học hỏi dần khi trưởng thành hơn.
VyVy says
Em rất thích cách chị luôn nhìn ra được mặt tích cực của mỗi khó khăn và đưa ra lời khuyên cho nó, cách chị chia sẻ những trải nghiệm của chính mình một cách chân thành. Cảm ơn chị vì những chia sẻ sâu sắc!
Nguyen Hien says
Chào chị Chi! Em là một độc giả đã theo dõi blog của chị khá lâu. Em rất ngưỡng mộ chị và gia đình. Hôm nay em muốn nói cho chị biết một việc như sau ạ: tình cờ em đọc được một bài viết của trithuctre (tác giả Ngọc Minh) được trích dẫn trên kenh14: http://kenh14.vn/song-o-nuoc-ngoai-khong-suong-khac-biet-van-hoa-cong-viec-kho-khan-nho-nha-do-an-kinh-khung-va-vo-van-bat-ngo-nua-20190413145028062.chn
Em đọc qua và thấy giật mình vì nội dung bài viết khá giống với bài TẠI SAO CUỘC SỐNG Ở NƯỚC NGOÀI KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ MÀU HỒNG? mà chị từng chia sẻ trên blog. Lý do em nhớ được là vì em đã từng đọc bài viết của chị trước đó và rất ấn tượng đến mức thuộc lòng cả một số câu. Mặc dù nội dung bài viết báo trên có giản lược và thay đổi đi một số từ nhưng có những câu chữ thì giống y hệt (ví dụ câu: Rồi khi cuộc sống bắt đầu vào guồng quay, chúng tôi lại lo nghĩ về tương lai xa hơn, sẽ thấy chán nản khi cuộc sống quá đơn điệu nhưng lại bực bội nếu cuộc sống quá bận rộn, căng thẳng). Bài báo kia được đăng vào tháng 4 năm 2019, có nghĩa là sau khi chị đăng bài viết trên blog.
Em không biết đây có phải là tình trạng phổ biến không (khi báo mạng của VN lấy bài viết của tác giả như chị và sửa đổi chút nội dung để đăng lên trang của họ), nếu đây là chuyện bình thường thì chị cứ bỏ qua. Còn nếu đây là một hình thức của vi phạm bản quyền thì em nghĩ chị có thể liên lạc trực tiếp với Trí Thức Trẻ để hỏi rõ ạ.