Bạn có bao giờ bị mắc kẹt giữa một nhóm con gái đang châu đầu vào “đấu tố” lẫn nhau hoặc đang xì xào về một đứa con gái khác không có mặt ở đó và bạn tự hỏi: “Tại sao con gái lại có thể ghét nhau đến thế?!”?
Tất nhiên, con trai cũng có thể không ưa con trai; con trai có thể lời qua tiếng lại, sừng sộ, thậm chí gây gổ, đánh nhau. Như không có sự ganh ghét nào giữa con trai với con trai hay con trai với con gái mà có thể so sánh với những gì xảy ra giữa con gái với con gái. Trong thế giới con gái, mọi thứ dường như phức tạp, ngấm ngầm, mạnh mẽ, và cũng dai dẳng hơn rất nhiều. Đó là lý do tại sao chúng ta nghe nhiều hơn những câu chuyện về “mean girls” (các cô nàng xấu tính) ở trường học – thay vì các anh chàng xấu tính. (Thành thật mà nói, có ai trong chúng ta từng đi học mà không biết đến ít nhất một cô nàng xấu tính?). Ta cũng bắt gặp những vụ bắt nạt trong trường học, phong trào đánh bạn quay video clip, nói xấu trên mạng xã hội… đến nhiều hơn từ các cô gái, nhằm vào các cô gái khác. Ở những môi trường làm việc nhiều nữ giới, bên cạnh sự đùm bọc, sẻ chia thân thiết, các chị em đồng nghiệp đôi khi cũng khiến nhau phát điên vì những lời nói xấu sau lưng, ganh đua, so sánh, đồn đoán vô căn cứ, bằng mặt chứ không bằng lòng. Trong gia đình, mối quan hệ giữa phụ nữ với nhau như mẹ chồng-nàng dâu, chị dâu-em chồng, hai chị em dâu… luôn khiến những người trong cuộc phải đau đầu. Những giai thoại về “chiến sự” giữa con gái/phụ nữ với nhau được ghi chép từ trong lịch sử từ cổ chí kim, qua nhiều thế hệ, nhiều quốc gia và nền văn hóa, chứ không riêng gì ở xã hội Việt Nam hiện đại.
Đối với riêng tôi, đây là một đề tài vô cùng nhạy cảm. Là một đứa con gái bình thường, theo học khối Chuyên Văn từ nhỏ, rồi tiếp tục học lên đại học Ngoại Ngữ, và đi làm trong ngành Giáo dục, tôi gần như lớn lên hoàn toàn trong môi trường nữ giới. Và cho tới tận ngày hôm nay, khi đã gần 30 tuổi, nhiều khi nghĩ lại những lời nói và hành động từng diễn ra giữa tôi và một vài cô bạn học từ thưở 15, 16 tuổi, tôi vẫn còn cảm thấy lạnh sống lưng, toát mồ hôi hột. Đủ để thấy rằng những năm tháng dậy thì ở thế giới con gái có thể kinh khủng đến thế nào. Trong một số chuyện lùm xùm thời ấy, tôi từng là nạn nhân của thói nói xấu, đặt điều, những hành động vô tâm, độc ác của các cô học trò còn chưa kịp lớn. Nhưng cũng có một số chuyện, tôi lại chính là đầu trò – là nguồn cơn của những trò xấu tính khác nảy mầm từ những thay đổi tâm sinh lý non nớt, từ sự thích gây chú ý, từ áp lực hành động hùa theo số đông, bầy đàn… Tất cả những điều này, đối với tôi, không có gì đáng để tự hào. Nhưng cũng chính vì quá khứ trưởng thành trong môi trường nữ giới đầy phức tạp ấy, chính từ những va vấp đáng xấu hổ ấy, tôi đã lớn lên rất nhiều và học được nhiều bài học đắt giá về cách đối nhân xử thế sau này. Ngày nay, tôi biết mình phải làm gì để tránh bản thân khỏi những rắc rối liên quan đến phụ nữ. Tôi cố gắng chủ động bước ra khỏi những câu chuyện ngồi lê đôi mách, giới hạn sự chia sẻ cá nhân cho những người bạn tốt, biết giữ bí mật, và tuyệt đối không lan truyền điều gì khi chưa chắc chắn và được sự cho phép của những người liên quan. Đôi khi, để làm được những điều này, tôi phải chấp nhận đánh đổi hình ảnh “thân thiện” của mình với nhiều người, nhưng bù lại, có thể xây dựng những mối quan hệ chân thành, ít “drama” hơn.
Những năm gần đây, mỗi lần có dịp đứng lớp dạy học và tiếp xúc với các học trò nữ còn trên ghế phổ thông hoặc đang ở năm đầu đại học, tôi lại nhận ra hình ảnh mình trong đó — hình ảnh một cô bé mới lớn đang loay hoay với các mối quan hệ phức tạp, với những cái lườm nguýt của bạn bè, những câu nói cạnh khóe, những hội nhóm chia tách nhau… Dẫu biết đây là một phần không thể thiếu của quá trình trưởng thành, tôi vẫn muốn làm một cái gì đó để các cô bé học trò ấy biết rằng các em không hề đơn độc trong thế giới con gái này, và mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều khi tất cả các em trưởng thành hơn. Vì thế, bài viết này ra đời như một cách diễn giải của tôi cho con gái về lý do chúng ta thường không ưa nhau và cách để có thể vượt qua sự ganh ghét, đố kỵ ban đầu ấy để sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn cho bản thân mình và những người con gái/phụ nữ xung quanh mình.
====
Tại sao con gái ghét con gái?
Con gái ghét con gái vì…
1/ Con gái “được” dạy phải ganh đua với nhau ngay từ thuở lọt lòng
Ngay khi mới ra đời, các bé gái đã trở thành đối tượng để người lớn, dù vô tình hay cố ý, đem ra so sánh với nhau. Nếu như các bé trai thường chỉ bị so đo với nhau về cân nặng, chiều cao, và ít nhiều nét tính cách ban đầu, thì các bé gái lại thường xuyên bị so sánh rất nhiều về hình thức bề ngoài (mắt có to không, da có trắng không, mũi có thẳng không…), hành vi (có ngoan không, có nhỏ nhẹ tình cảm không, có chăm làm không, có sạch sẽ không…) và đủ các loại chuẩn mực của người con gái/phụ nữ hoàn hảo (“con gái con lứa thì phải thế này…” , “là con gái thì không được thế kia…”). Và một khi đã so sánh, tất nhiên người lớn sẽ đặt con gái lên bàn cân cùng với nhau, thay vì so sánh con gái với con trai một cách công bằng vì đối với nhiều người, đặc biệt ở Việt Nam, con gái và con trai có những chuẩn mực khác nhau. Vì thế, con gái lớn lên với sự so sánh thường nhật giữa mình với các chị em gái, chị em họ, bạn cùng lớp, bạn hàng xóm, cùng với đủ loại ví dụ về “con nhà người ta” khác cũng là con gái. Không chỉ bố mẹ, ông bà, họ hàng trong gia đình mà ngay cả thầy cô giáo cũng thường xuyên so sánh học trò đồng giới với nhau, đặc biệt là con gái với con gái.
Cách “giáo dục” này khiến con gái hình thành thói quen trong đầu luôn so sánh, ganh đua mình với những người con gái khác, cảm thấy mình chỉ có thể trở nên tốt đẹp hơn nếu hạ bệ người con gái khác xuống. Bắt đầu có thể chỉ là những lời nói tự bảo vệ mình ngây thơ trước sự so sánh của người lớn như: “Bạn A viết chữ đẹp hơn con nhưng con viết nhanh hơn bạn ấy!” Dần dần sau này, nó có thể biến thành những lời nói xấu, hạ bệ ghê gớm hơn: “Con A điểm cao nhưng chưa chắc đã học thực chất, có khi mua điểm, mà tính cách nó còn kinh tởm như thế này… thế kia…” Song song với việc hạ thấp hình ảnh của người khác, con gái còn chịu áp lực phải tô vẽ, thêu dệt thêm hình ảnh của mình để cảm thấy tự tin hơn trong mắt bản thân và người khác. Từ thời còn chưa có mạng xã hội, đã có rất nhiều cô gái tôi biết từng nói những điều không có thật về mình như gia cảnh giàu có, nhiều người để ý, quen biết “hotgirl”, “hotboy” nổi tiếng. Ngày nay, với mạng xã hội, không còn quá khó để “sống ảo” bằng những hình ảnh vay mượn, những status ỡm ờ, và những tin đồn không kiểm chứng. Nhưng ở thời kỳ nào đi chăng nữa, tất cả những hành động hạ bệ người khác hay thêu dệt hình ảnh cho mình đều là biểu hiện của sự thiếu tự tin vào bản thân và nỗi lo lắng thường trực xoay quanh việc người khác nghĩ gì về mình của các cô gái mới lớn. Những điểm yếu này sẽ dần dần được cải thiện khi con gái trưởng thành hơn, tự tin và thoải mái hơn với những gì mình vốn có, với tính cách đã được định hình của mình. Nhưng vì những thói quen, tư duy so sánh đã hằn sâu trong nếp nghĩ, con gái khó có thể hoàn toàn tách bản thân ra khỏi vòng xoáy của sự ganh đua, đố kỵ, hạ bệ người khác, đánh bóng bản thân mà mình đã được đặt vào từ khi mới lọt lòng.
2/ Truyền thông, mạng xã hội không ngừng khiến con gái so sánh lẫn nhau 24/7
Cùng với lối giáo dục sai lầm từ khi còn nhỏ là sự so sánh không ngừng truyền thông và mạng xã hội nhằm về các cô gái, khiến con gái luôn cảm thấy việc ganh đua, kèn cựa lẫn nhau là hết sức bình thường và (thậm chí) còn đáng được tung hô, đưa lên báo chí. Nếu hai cô gái nổi tiếng nào đó tình cờ mặc một chiếc váy từa tựa nhau, y như rằng hôm sau trên trang báo mạng, tạp chí thời trang đã đưa ngay ra so sánh: “Theo bạn, ai mặc đẹp hơn ai?” (Điều này rất hiếm khi xảy ra với các ngôi sao nam, mặc dù họ thường xuyên mặc những bộ vest tối màu không khác biệt nhau là mấy). Những so sánh đơn thuần như thế này khiến con gái “soi” kỹ hơn vào những đường nét cơ thể, những điểm khiến cô gái A vượt trội hơn cô gái B trong cùng một bộ trang phục. Đó còn chưa nói đến trang điểm, làm tóc, dưỡng da, làm răng, phẫu thuật thẩm mỹ… ty tỷ những thứ trên gương mặt của người con gái được đưa ra so sánh trên truyền thông và mạng xã hội, tạo nên áp lực lớn về hình thể, bề ngoài trong mắt người con gái.
Chưa hết, mỗi lần có sự kiện nào liên quan đến hai cô gái, truyền thông cũng phải bằng mọi giá đặt cho hai cô ấy đối đầu với nhau. Khi hay tin Brad Pitt và Angelina Jolie chuẩn bị ly dị, ngay lập tức truyền thông nhằm vào vợ cũ của Brad Pitt là Jennifer Aniston – “Jennifer Aniston bắt gặp tươi cười khi nghe tin Brad Pitt chuẩn bị tự do”, “Cùng trong một cuối tuần, Angelina Jolie ủ rũ đưa con ra nước ngoài, Jennifer Aniston khoe thân hình quyến rũ chuẩn bị nối lại tình yêu”... Tại sao lại có thể quy chụp sự hạnh phúc của một người con gái là dựa trên sự khổ sở của một người con gái khác? Tại sao tất cả mọi vui buồn của phụ nữ đều phải xoay quanh một người đàn ông (mà họ đã ly dị rồi!!!)? Hay như gần đây, khi vừa hay tin Justin Bieber đính hôn với người bạn gái mới, truyền thông lập tức đăng lên những ảnh chụp với góc máy tối nhất, vào thời điểm kỳ cục nhất của bạn gái cũ Justin là Selena Gomez để giật tít: “Nghe tin Justin đính hôn, Selena lộ hình ảnh xập xệ, béo ú, mắt thâm quầng, không trang điểm”. Tại sao? Tại sao luôn phải đặt phụ nữ vào những tình huống so sánh bất công đến như vậy chỉ vì một vài đồng tiền bán báo, đôi ba cú click chuột?
Những người con gái – Chúng ta đọc báo mạng, xem tạp chí thời trang, đọc báo lá cải để bàn luận vô thưởng vô phạt về những người nổi tiếng, nhưng thực chất, một cách không chủ đích, chúng ta cũng so sánh lại với chính mình. Chúng ta đưa mình vào chuẩn cái đẹp cùng những người nổi tiếng, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để nghĩ cách kèn cựa, thỏa thuê với những người con gái bất hạnh hơn, rồi lại ức chế khi biết cô gái nào đó đạt đến một mức thành công mà mình chưa vươn tới được.
Và ngày nay, cũng không quá khó để so sánh bản thân với người khác vì mạng xã hội đã làm điều này “hộ” ta rồi. Hầu như ai cũng xuất hiện trên mạng xã hội hào nhoáng, xinh đẹp, phô ra những điều tích cực nhất, mới mẻ nhất trong cuộc đời mình, khiến cho những người “bạn” trên mạng không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về bản thân. Tôi từng có một người bạn luôn khao khát đi du học mà ước mơ mãi không thực hiện được. Trong khi đó, mỗi dịp năm học mới, bạn lại thấy trên các nhóm du học mình theo dõi trên mạng rầm rầm thông tin bạn này được nhận học bổng, bạn kia đang hào hứng chuẩn bị lên đường. Mỗi lần đọc được dòng tin như vậy, bạn ấy trở nên tự ti, tiêu cực, và gần như bị “ám ảnh” với việc lùng tìm CV, bắt chuyện với những người được du học để so sánh xem mình với người đó hơn kém nhau ở điều gì, tại sao người ta được mà mình lại không. Việc “ám ảnh” này diễn ra trong vài năm liền, ngốn không biết bao nhiêu thời gian, tâm sức, trong khi đó chính bạn ấy chưa làm một động thái gì cho chính mình để nộp học !!! Mãi sau này bạn đóng Facebook hẳn, tập trung vào bản thân mình, và cuối cùng cũng hoàn thành được hồ sơ để đi du học. Tôi cũng có những người bạn gái bị muộn chồng, khó có con và từng khổ sở khi thấy bạn bè mình thay nhau đưa lên mạng xã hội hình ảnh đám cưới, nhà mới, sinh con. Cũng có những bạn mới sinh bị stress khi lên mạng xã hội so sánh thấy con mình không bụ bẫm như con nhà người ta, chưa biết lẫy sớm, chưa biết đọc sớm như con bạn bè. Ngoài ra, những so sánh về ngoại hình, vật chất, cái quần, cái áo, lối sống… thì ngày càng nhan nhản. Dù ta có muốn hay không, bản thân sẽ luôn cảm thấy mình đang không ngừng so sánh với người con gái khác, với người vợ khác, với người mẹ khác… để thấy rằng ta còn chưa hoàn hảo, cuộc sống của ta còn chưa đủ, và khổ sở chỉ vì ở ngoài kia có một người con gái khác (có vẻ) đang sống tốt hơn mình.
3/ Bản chất con người khó có thể kiềm chế được cảm xúc tự nhiên
Dù yếu tố bên ngoài có tác động nhiều đến thế nào, ta cũng không thể phủ nhận rằng so sánh, ganh tỵ, đố kỵ là những cảm xúc rất tự nhiên và bình thường của con người, không riêng gì con gái. Tôi tin rằng không có ai trên đời có thể loại bỏ hoàn toàn nét tính cách này — ngay cả những người tu hành đắc đạo họ cũng phải thiền định nhiều năm, luyện tập hàng ngày để vơi bớt tham, sân, si — chứ đừng nói đến những người bình thường. Con gái khó kiểm soát được sự đố kỵ của bản thân hơn bất cứ ai vì áp lực xã hội, thói quen so sánh của những người xung quanh, cách truyền thông và mạng xã hội “buộc” con gái phải đối đầu lẫn nhau hàng ngày.
Do vậy, đôi khi cách làm tốt nhất để đối mặt với sự đố kỵ của con gái là thừa nhận nó. Thay vì chối đây đẩy mỗi lần bị người khác hay chính mình chất vấn: Liệu mình có đang ghen tỵ với người con gái khác không?, hãy dành ra một vài giây để suy nghĩ. Nếu sự đố kỵ thực sự tồn tại, hãy thừa nhận nó và tìm hiểu xem tại sao mình lại có suy nghĩ này. Nếu không thể gạt bỏ đi hoàn toàn sự đố kỵ, việc thừa nhận nó ít nhất khiến ta cảm thấy mình có lại sự kiểm soát bản thân, và có thể dùng sự kiểm soát này để để giải tỏa tâm lý cho mình. Ngẫm lại, dù ta có ganh ghét, đố kỵ, hạ bệ người con gái khác, tô vẽ tôn vinh bản thân mình lên như thế nào đi chăng nữa, thực tế vẫn sẽ không thay đổi. Ta vẫn sẽ là ta, vẫn mắc kẹt trong cuộc đời hiện tại của ta. Người ta vẫn sẽ là người ta, vẫn sống cuộc đời riêng của họ. Vậy điều duy nhất ta có thể kiểm soát được chỉ có thể là cuộc đời mình, cảm xúc của mình, và suy nghĩ của mình mà thôi. Nói cách khác, nếu ta chọn nhìn cuộc sống của mình dưới con mắt tích cực, nó sẽ là tích cực – mặc dù có thể không bao giờ “hoàn hảo” được như người khác; ngược lại, nếu ta chọn nhìn cuộc sống của mình tiêu cực, nó sẽ tiêu cực đến tận dưới mức thực tế cuộc sống của mình. Tất cả thực sự chỉ là lựa chọn.
Làm gì để con gái sống cho nhau và vì nhau hơn?
Tại sao con gái lại cần sống cho nhau và vì nhau trong khi thường xuyên ghét nhau? Đó là bởi vì, con gái à, chúng ta cùng bị kẹt lại trong thế giới bất công này, chúng ta cùng bị so sánh lẫn nhau ngay từ khi lọt lòng, chúng ta cùng bị truyền thông-mạng xã hội ngày ngày “tiêm” vào những liều thuốc độc của sự ganh ghét, và chúng ta cùng biết và thừa nhận rằng, về bản chất, rất khó để không thể không so sánh lẫn nhau. Như vậy, hơn ai hết, chúng ta thấu hiểu nỗi khổ của nhau. Vậy tại sao chúng ta không thông cảm, sẻ chia, và giúp đỡ cho nhau? Cuộc đời đã có quá nhiều bất công cho phụ nữ rồi, chúng ta không cần phải dìm nhau xuống, không cần phải dẫm lên đầu, lên cổ nhau để tồn tại, bởi vì đó là cách mà, một cách gián tiếp, chúng ta tiếp tay cho bất bình đẳng giới, cho đàn ông được nghiễm nhiên đứng lên trên sự nhỏ nhen của phụ nữ mà hưởng lợi. Thay vào đó, hãy học cách yêu thương những người em bé gái nhỏ, thông cảm cho những cô gái vừa mới lớn, và sẻ chia nhiều hơn sự khó khăn với những người phụ nữ trưởng thành.
Dưới đây là một vài lời khuyên của tôi để con gái có thể sống cho nhau và vì nhau hơn:
- Đừng bao giờ châm ngòi lửa cho rắc rối không đáng có. Đừng nghĩ rằng mình có thể nói xấu, đặt điều cho người khác mà người khác không thể nói xấu, đặt điều cho mình. Những lời nói đùa bâng quơ, những lần lan truyền thông tin không chính xác, những dịp “tám” chuyện sau lưng người khác luôn gây hậu quả khôn lường sau này – không những cho người chịu tin đồn mà cho cả chính mình.
- Hạn chế tham gia vào những chuyện ngồi lê đôi mách, nói xấu sau lưng. Trong thế giới con gái, đôi khi những lần hùa vào nói xấu lẫn nhau là cách con gái “xây dựng mối quan hệ”, “gần gũi”, “làm thân” nhau hơn, bởi vậy sức hút của những lần chuyện trò như vậy là rất lớn. Nhưng có một sự thật là niềm vui nho nhỏ này đến từ sự hành hạ một người con gái khác và mang “khẩu nghiệp” vào cho mình. Liệu nó có đáng không?
- Chọn cho mình một vài người bạn có thể tin tưởng được để chia sẻ chuyện cá nhân. Con người, đặc biệt là con gái, luôn có nhu cầu chia sẻ. Nhưng đôi khi, vì chúng ta chia sẻ không đúng lúc, đúng người, dẫn đến việc mang lại những vấn đề phức tạp cho mình, khiến bản thân mất niềm tin vào người khác. Bởi vậy, hãy chọn cho mình một vài người có thể hoàn toàn tin tưởng được, biết giữ bí mật, và hiểu chuyện để chia sẻ buồn vui, những tâm sự thầm kín của mình. Một khi đã tìm được một người bạn tốt, hãy giữ lấy họ thật chặt bằng tình cảm chân thành, tuyệt đối không tiết lộ chuyện riêng của bạn và không nói xấu bạn sau lưng.
- Cảm thông và tha thứ cho “những cô nàng xấu tính”. Đây là một điều rất khó để thực hiện. Nhưng có một câu nói rất hay như thế này: “Không ai cố gắng làm tổn thương người khác mà hạnh phúc cả” — có nghĩa là những người xấu tính với người khác, bản thân việc làm của họ xuất phát từ sự bất hạnh, thiếu tự tin từ chính họ, hoặc từ hoàn cảnh không hạnh phúc của gia đình, xuất phát điểm của họ. Bởi vậy, nếu có cô gái hay người phụ nữ nào đối xử không tốt với bạn, trước hết hãy thông cảm cho hoàn cảnh của họ. Nếu những người này là thành viên trong gia đình – những người ruột thịt bạn không thể từ bỏ, hãy mở lòng tha thứ cho họ và cố gắng hạn chế tham gia vào những chuyện dễ gây tổn thương cho họ và cho bạn. Nếu những người này là người bạn xã giao, từ những mối quan hệ không thực sự có ý nghĩa, hãy dũng cảm ra khỏi cuộc đời họ và cho phép họ ra khỏi cuộc đời mình.
- Chọn lựa sáng suốt thông tin trên truyền thông và mạng xã hội. Mặc dù truyền thông và mạng xã hội ngày ngày tuyên truyền cho con gái những tư tưởng so sánh, ta không nhất thiết phải tiếp nhận mọi thông tin. Nếu đọc thấy những loại tin giật tít vô căn cứ, đặt con gái đối đầu với con gái, so sánh tiêu cực, hãy ngừng mua những tờ báo lá cải như thế, tránh click vào những đường link như vậy, và không chia sẻ, lan truyền thêm thông tin sai lệch để cố xúy thêm cho trào lưu này. Nếu trên mạng xã hội của bạn có những ai (dù cố tình hay vô ý) khiến bạn cảm thấy tiêu cực, thường xuyên so sánh với bản thân, hãy chủ động ngừng theo dõi họ. Hãy nhớ rằng so sánh, ghen tỵ là bản chất của con người, đừng lấy làm xấu hổ khi phải hành động để tự bảo vệ mình khỏi phần tiêu cực trong con người chính mình.
- Lan tỏa dòng “nước trong”. Cuối cùng, hãy trở thành một nhân tố tốt bằng cách chia sẻ những thông điệp tích cực về cuộc sống, những người con gái/phụ nữ tích cực, nữ quyền, bình đẳng giới để phụ nữ có thể yêu và nâng đỡ lẫn nhau hơn. (Bản thân bài viết này là cách riêng của tôi để làm lan tỏa dòng “nước trong”, bạn có thể làm điều gì đó theo cách của mình ngay hôm nay được không? <3)
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
=====
Những bài viết liên quan:
- 29 năm tập làm người phụ nữ Việt: https://thepresentwriter.com/29-nam-tap-lam-nguoi-phu-nu-viet/
- Tròn hay méo: https://thepresentwriter.com/tron_hay_meo/
- Ngừng so sánh bản thân và ghen tỵ với người khác: https://thepresentwriter.com/ren-luyen-tu-duy-tich-cuc-phan-3-ngung-so-sanh-ban-than-va-ghen-ti-voi-nguoi-khac/
Paris Tran says
Many thanks for your writing, chị Chị. Hiện tại, em cũng đang học ở nước ngoài, em còn không dám tiếp xúc với các bạn nữ trong cộng đồng người Việt ở đây vì không biết nên nói năng, hành xử sao cho đúng. Và kết quả là khi em không nói gì, tiếp xúc gì thì cũng có hành loạt tin đồn thất thiệt về em. Em không hiểu được, mặc dù em chỉ dừng lại ở mức độ xã giao chào hỏi thông thường. Anw, chị cho em lời khuyên được không ạ? Huge thanks, chị !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Đọc comment của em, chị rất thông cảm vì nhiều khi mình đến môi trường mới, còn lúng túng, chưa giao tiếp nhiều mà nghe tin đồn thất thiệt thì sẽ rất hoang mang. Bản thân chị cũng từng rơi vào hoàn cảnh này. Lời khuyên của chị là trước hết em cố gắng xem lại lời nói và hành động của mình xem có gì mình có thể chỉnh sửa được cho vừa đúng với con người thật của bản thân, vừa cởi mở với người khác được không. Song song với đó, em chịu khó quan sát xem mọi người xung quanh nói năng, hành xử như thế nào, có gì tốt để mình học được không. Nếu bắt được tin đồn nào chưa đúng về mình, em có thể thẳng thắn nói là không đúng và nhấn mạnh sự thật với thái độ cởi mở, cầu thị (vì nhiều khi những tin đồn đến từ việc mình không diễn tả rõ ràng về bản thân mình cho người khác). Chị nghĩ nếu có thể, em cũng nên mở rộng mối quan hệ chơi thêm với các bạn nữ ở cộng đồng Châu Á nói chung và các quốc gia khác nơi em đang sinh sống; bản thân chị cảm thấy nhiều khi những người bạn nước ngoài lại có thể chia sẻ những khía cạnh thú vị hơn mà các bạn người Việt không chia sẻ được. Mong mọi chuyện sẽ dần tốt lên cho em — Yêu thương
Paris Tran says
Em cảm ơn Chị nhiều ạ! Love your sharing.
Ngân Lê says
Đến tôi là con gái đây,học xong 12 năm lớp toán (nhiều boy hơn) và lên ĐH học khoa NN (vì bị bố mẹ ép),sốc văn hoá với lớp nhiều con gái,haizzzz,chán kiểu này nhất luôn,tất nhiên loại con gái vậy tôi rất ghét nhưng k thể phủ nhận là con trai cũng có người tôi rất ghét
Linh Nguyễn Thùy says
bài viết của chị đến đúng lúc em đang rơi vào hoàn cảnh như này. thật lòng em rất muốn cái đứa đố kị với em đọc dc bài này để sống một cách thoải mái và yên bình hơn. em cảm ơn chị rất nhiều. em thích nhất là câu “Tất cả thực sự chỉ là sự lựa chọn.” Đó cũng là những gì em tin tưởng từ trước đến nay nên có lẽ em mới có thể sống một cuộc sống thoải mái an yên suốt hơn 1 năm nay. Trước đây em thường xuyên bị truyền thông dắt mũi về những tiêu chuẩn cái đẹp cho phái nữ mà sinh ra buồn bực khó chịu trong người, nhưng giờ thì khác rồi. Tuy em có ko hoàn hảo nhưng em thấy rất hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ. Chị viết bài cũng vì muốn mọi người share lại cho nhau nhiều hơn để lan tỏa tốt hơn những thông điệp tích cực, biết đâu “cái đứa đố kị với em” lại tình cờ bắt được bài này :). Chị cũng mong mọi người bình an và sống hạnh phúc hơn
Hianh says
Mình rất đồng ý với chi về việc phụ nữ hay dùng sự chia sẻ để xây dựng mối quan hệ thân thiện, vô hình chung lại thành sự so bì, soi mói lẫn nhau.
Chi Nguyễn says
Đúng vậy! Thế nên có những chia sẻ mình cho là bình thường thôi nhưng vô tình người khác lại cho là làm tổn thương đến họ. Chọn được người tin tưởng để chia sẻ, để biết rằng dù mình có nói vô tư như thế nào họ cũng không soi mói, đánh giá mình là điều quan trọng nhất <3
T.N says
Vấn đề của mình về các cô gái đó là sự dựa dẫm đôi khi hơi quá đà vào bạn trai/bạn thân/chồng của họ. Mình thích và làm bạn với các cô gái độc lập hơn. Bạn trai mình thì tốt, đôi khi quá tốt, thi thoảng lại được các cô em gái thân /bạn gái thân …. mượn tiền. Tuy là tiền cá nhân của bạn trai mình, nhưng cái mình muốn nói là các cô gái ấy không quá khó khăn, vẫn đi du lịch nước ngoài đều đặn, nhưng có vẻ không có ý định tự xài tiền của mình. Tương tự như chị dâu mình, mình hoàn toàn không ghét chị ấy nhưng vấn đề tài chính của anh chị mình làm ảnh hưởng không nhỏ đến cháu mình.
Mình không rõ tư tưởng phụ nữ phải yếu đuối mới được đàn ông che chở có từ đâu. Thi thoảng vẫn thấy tư tưởng hẹn hò con trai trả tiền, hoặc con gái không yêu nhưng vẫn cố gắng “take advantage” từ người khác. 🙂
Tuy trong lòng vẫn còn nhiều lấn cấn vì mình cũng muốn cố gắng “mở lòng” với những người như vậy, nhưng quả thật rất rất khó. Bao năm qua mình chỉ thân với các bạn nam và hiếm hoi 1-2 bạn nữ mạnh mẽ.
Dù sao cũng cám ơn Chi vì bài viết đánh trúng vào tâm lý chị em thế này. Mình rất thích đọc blog của Chi mỗi khi stressed, chúc Chi 1 ngày vui và chúc mừng Chi về em bé nhé.
Thân,
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc blog và chia sẻ rất thật lòng. Bản thân mình cũng là mẫu phụ nữ độc lập nên mình cũng khó chịu khi thấy những cô gái quá phụ thuộc vào đàn ông, đặc biệt là về tiền. Tuy nhiên, có một kỷ niệm năm mình 20 tuổi – khi đó mình đi thực tập ở Đài Loan và có làm bạn với một cô gái rất dễ thương và xinh đẹp. Bạn ấy có bạn trai lớn hơn tuổi rất nhiều (khoảng 10-15 tuổi), thành đạt, trông trẻ hơn tuổi, và có rất nhiều tiền. Bạn mình làm thực tập 6 tuần thì bạn trai đến thăm (từ nước khác) đến 3-4 lần liền và lần nào cũng dẫn đi du lịch hạng sang, tặng tiền mặt … Các bạn gái trong nhóm thực tập cũng không tỏ ra không thích bạn này ra mặt vì cả ghen tỵ và cả bức xúc vì sự dựa dẫm về tài chính. Bạn ấy cũng hoàn toàn biết điều đó luôn. Sau này, có một lần bạn tâm sự với mình là: “Chưa bao giờ thích cầm tiền của bạn trai, ban đầu cực kỳ ngại vì bạn ấy cũng kinh doanh làm ra được ít nhiều tiền. Nhưng sau này, vì bạn trai toàn dẫn đến những chỗ hạng sang, gặp những người có tiền, bạn ấy cảm thấy thiếu tự tin khi mặc những chiếc váy hàng chợ, những cái túi phổ thông. Vì thế, dần dần buộc phải phụ thuộc vào bạn trai chu cấp, mặc dù đôi khi bạn trai vì thế cũng nói bạn ấy là “máy rút tiền”. Nghe bạn ấy nói, mình thấy rất tội nghiệp, đáng thương hơn là đáng trách, vì nhiều khi đàn ông cũng khiến phụ nữ buộc phải phụ thuộc, rồi lại dằn hắt người ta. Nhưng rất may là khoảng 5-6 năm trước, bạn mình đã dứt được khỏi người đàn ông này; giờ bạn ấy kinh doanh độc lập rất ổn, làm ra tiền, và sắp sửa có em bé với một người tử tế nữa. Vì thế, mình nghĩ nếu người phụ nữ có nghị lực sẽ vượt qua được cám dỗ ban đầu để trở nên độc lập.
Ngân Lê says
Mình cũng giống bạn
Lan says
Hi Chi,
Một bài viết rất hay và có những giải thích logic, cùng với giải pháp mà Chi đưa ra :). Tính L từ nhỏ rất “men”, chỉ thích bảo vệ con gái và chống lại bọn con trai, vậy mà không hiểu sao lại cứ bị bọn con gái “gato,” nói xấu, đặt điều, nói chung là làm rất nhiều khiến mình phải ghét. Nhưng L vẫn không ghét con gái, chỉ chấp nhận bỏ đi cho họ “thắng,” và tự đóng lại những cánh cửa đến với họ. L thấy sợ khi phải vào “nhóm con gái,” cho nên đến tận bây giờ, mình cho là có bạn thân con gái nhưng nhìn lại không có mấy người :). Tại sao con gái lại phức tạp và tự làm mọi thứ phức tạp quá =.= (Chi đã giải quyết được câu hỏi này). L rất là nhạy cảm với những từ ngữ, hành động của người khác, cho nên L đã cố gắng xây dựng một cái vỏ để đấu tranh chống lại, nhưng bản thân L lại hay nhiệt tình, chơi với ai là hết mình nên cũng dễ bị lợi dụng :))… Dù sao cũng may mắn được biết Chi và một số bạn cũng như mình, nên mình vẫn có “nhóm” để thuộc về.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Lan. Có một thời gian vì quá đau đầu với mấy chuyện con gái, Chi quyết định chỉ chơi với con trai thôi :D. Ban đầu rất vui (vì Chi cũng “man”) nhưng càng về sau lại càng nảy sinh nhiều rắc rồi nhưng tình bạn bình thường và tình cảm trên tình bạn lẫn lộn, bị mọi người trêu và chế nhiều, rồi cũng có các bạn nữ bàn ra tán vào nữa. Sau này, Chi vẫn còn một số người bạn trai thân (bạn thân thật sự chứ không có dây dưa tình cảm gì) nhưng qua thời gian, các bạn trai có bạn gái rồi mình cũng đi lấy chồng, gặp nhau nhiều quá trở nên bất tiện. Thế nên nhóm bạn này của Chi giờ cũng không còn khăng khít nữa. Tuy nhiên, Chi vẫn còn những người bạn gái tốt (quen trước khi quyết định chỉ chơi với con trai) và là những người bạn lâu nhất của Chi hiện giờ. Vì vậy, con gái vẫn nên là bạn với con gái. Ước gì nếu quay lại quá khứ Chi sẽ không phản ứng thái quá như vậy và cố gắng đầu tư những tình bạn con gái có chất lượng hơn.
Phương Phạm says
Hi chị Chi, em là Phương học ở Penn State ngày trước đây ạ, không biết chị còn nhớ em không ^ ^. Đợt trước em có tham gia một diễn đàn trên mạng tập trung toàn con gái nhưng lâu rồi em không đăng gì trên đó nữa vì bận. Ngày hôm qua vừa logged in lại thì thấy một số bạn gái đang kháo nhau hỏi em đi đâu, có một số người đồn đại không hay ho hoặc nói kháy em sau lưng dù em chẳng làm gì cả. Hôm nay đọc bài viết của chị em thấy rất nhiều điều hay và đúng. Sau này em mà có con gái em sẽ chia sẻ với nó những lời giống như chị đã viết.
Em thấy thật ra việc tránh chơi với con gái và chỉ làm bạn với con trai cũng có phần tiêu cực của nó. Thứ nhất, đúng như chị đã nói, cô gái nào dù mạnh mẽ đến mấy thì cũng có nhu cầu chia sẻ, mà không phải chuyện gì cũng chia sẻ cho các bạn nam được. Thứ hai, đàn ông (kể cả ở những nước phát triển như Mỹ) em vẫn thấy họ ẩn chứa một sự kỳ thị phụ nữ ngầm. Em không biết trong giới học thuật của chị Chi sao, nhưng trong giới kinh doanh của em, đàn ông họ thường co cụm lại và có hẳn một văn hóa kiểu “Old Boy Club” mà rất ít khi con gái đặt chân được vào. Nếu con gái không tự tạo cho mình được một network thì thật sự rất thiệt thòi, cả trong sự nghiệp lẫn đời sống cá nhân.
Đó là ý kiến đóng góp nhỏ của em, còn em rất đồng ý toàn bộ phần còn lại bài viết của chị ạ. Em nghe nói chị đang mang bầu một bé trai, cho phép em được chúc mừng anh chị 🙂 Mong hai mẹ con khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông nhé!
Chi Nguyễn says
Chào Phương! Chị vẫn nhớ em chứ – cảm ơn em và An đã cho chị ở nhờ những ngày đầu tiên ở Penn State. Chị cũng thấy ở Mỹ dù đã có nhiều mặt phát triển nhưng sự kỳ thị giới tính trong công việc vẫn còn nhiều, nó âm ỉ, không rõ rệt như ở Việt Nam nhưng cũng rất mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chị em. Cảm ơn em đã đóng góp một ý rất hay cho bài viết của chị. Chúc em mọi điều may mắn. Hy vọng có ngày chị em tái ngộ <3
Minh Hương says
Chị sắp xếp thời gian như thế nào vậy ạ? Đọc bài viết của chị e phải thốt lên “trời ơi c lấy đâu ra thời gian vừa làm việc, vừa viết bài lại còn vẫn cập nhật những tin tức về chuyện tình justin bieber “. Chưa kể đang bụng mang dạ chửa sức khoẻ lúc mệt lúc khoẻ nữa chứ. Lần tới chị có thể nói thêm về cách chị quản lý và sắp xếp thời gian trong thời gian này ko chị?
Chi Nguyễn says
Đợt này thực ra chị không làm việc hiệu quả được vì những yếu tố em liệt kê đấy :D. Chị nghĩ 6 tháng gần đây chị chỉ làm được 30-60% năng suất trước đây thôi. Nhưng có những thứ chị ưu tiên chị vẫn sẽ làm trước (trừ vụ Justin Beiber – hihi). Chị nhất định sẽ viết về sắp xếp thời gian khi bầu bí trong tương lai gần <3
Minh Hương says
dạ, e đợi chị. 😊
Nguyen Tuong Vi says
Cảm ơn chị! Bài viết vô cùng hữu ích và giải đáp cực kì cặn kẽ. Lâu nay em ít khi thắc mắc về vấn đề này, có lẽ đó giờ quan điểm của em là ‘Đây là chuyện hiển nhiên rồi’, và em cũng hay chối bỏ việc mình ghen tị với một cô gái nào đó, đáng buồn hơn khi đó lại là một người bạn rất thân với mình. Cũng vì lối suy nghĩ này mà em trở thành một người sân si, hay cạnh khoé, và còn thiếu tôn trọng bản thân nữa… Đọc xong bài này như được tát nước mát vậy! Có lẽ em nên thay đổi mình ngay thôi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ. Chị cũng từng cảm thấy rất khó khi chấp nhận rằng mình đang ghen tỵ với một ai đó vì cảm giác như mình nhỏ nhen, kém cỏi hơn người đó. Nhưng thực ra sau khi chấp nhận rằng so sánh và ganh tỵ là nét tính cách không thể bỏ hoàn toàn của một con người, chị cảm thấy dễ chịu hơn. Hy vọng em cũng sẽ thấy như thế khi mở lòng với chình mình
dinh hana says
Em chào chị ạ!
Em tình cờ đọc được bài viết này qua cụm từ tìm kiếm trên Google ” ứng xử khi bị con gái ghét” . Em rất cảm ơn vì bài viết của chị. Nếu chị có đọc được comment của em, em hi vọng chị sẽ dành chút thời gian cho em một lời khuyên nho nhỏ.
Em là một cô nhóc 17 tuổi. Khi em mới bước chân vào lớp 10, trường mới, bạn mới. Lớp em học chỉ có duy nhất một bạn nam học cùng em năm cấp 2, điều đó khiến em không có bạn bè. Tính em lúc đó lại rất hay thể hiện. Thể hiện như mình là một cô gái giỏi giang, xinh xắn, hiền lành . Rồi không biết từ bao giờ mà các bạn trở nên ghét em, nói xấu em, tẩy chay em. Có bạn nữ nói lời xúc phạm, ném sách vở , các bạn còn sửa bài kiểm tra khiến em điểm kém. Mỗi khi em tiến lại gần nhóm con gái mọi người lại tránh xa em. Lúc đó em như suy sụp, em trở nên thiếu tự tin, học tập không tốt. Em hận bạn nữ đã ghét em, em còn tưởng tượng ra những cảnh em trả thù một cách rất đáng sợ ( như một kẻ giết người). Rồi mọi chuyện nó cũng dần ổn hơn, chỉ ổn một chút thôi. Em tự ti về bản thân lắm, gia đình em thì cũng bình thường không phải khá giả. Mỗi khi em vô tình nghe thấy lời xỉa xói là y rằng nguyên một ngày em suy nghĩ, em tự ti . Dù nhưng câu nói, hành động nhỏ dù là cố ý hay không nó cũng khiến em phải suy nghĩ. Em luôn quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Mỗi khi thấy người khác có gì đó mà mình không có em cảm thấy buồn vô cùng. Em từ chối một bạn chỉ vì nhà bạn ấy có điều kiện hơn nhà em. Em không dám ước mơ vào một trường đại học vì học phí cao, em nghĩ nhiều bạn giàu học, em sợ bị coi thường
Còn về mạng xã hội, em thường xuyên ngắm cuộc sống của người khác mà ước mình như vậy, ghen tị. Em tìm những điểm xấu của người ta mà tự an ủi bản thân. Em cũng thường xuyên tô bóng bản thân trên mxh bằng những tin không có thật.
Sắp vào năm học mới rồi , em muốn bản thân học thật tốt nhưng không hiểu sao em lạo tưởng tượng ra cảnh các bạn ganh ghét em, sợ điều kinh khủng năm lớp 10 lại tái diễn, thế nên em mới tìm trên Google ” ứng xử khi bị con gái ghét ” và tình cờ đọc bài của chị.
Em là vậy, rất sợ bị thua người khác, bị người ta coi thường. Thật sự rất rất sợ…
Cảm ơn chị đã đọc đến đây, em biết mình rất nhảm nhí-( . Em chúc may mắn luôn đến với chị và gia đình.
Linh Vũ says
Trời, em đang học lớp chuyên Lý, xung quanh hầu hết là con trai nên tính tình cũng thoải mái lắm, em chưa từng cảm nhận được sự ganh ghét hay đố kị nào giữa các bạn nữ ở đây cả. Em đoán một phần là vì con gái học Khoa học Tự nhiên đều mạnh mẽ và tự tin cả, các bạn ý và cả chính em không cần dèm pha người khác để thấy mình tốt hơn mà sự tốt đẹp ấy vốn tồn tại và sẽ mãi tồn tại!!!
Chi Nguyễn says
Em thật là may mắn! Nhiều khi chị cũng ước gì chị học khối tự nhiên để được như em. hihi. Nhưng cũng có thể bây giờ mạng xã hội phát triển, nhiều thông tin bổ ích, sách vở cũng chọn lọc hơn xưa nên hy vọng thế hệ trẻ “sang” hơn, ít nói xấu nhau hơn xưa ha 🙂
Như Quỳnh says
Nguyên nhân sâu xa thực sự là do dư âm lớn của chế độ nam quyền trước đó. Ở chế độ mẫu quyền , đàn ông, nằm dưới phụ nữ. Nên phải học cách ganh đua , chém giết lẫn nhau để được làm tình với phụ nữ hay đơn giản chỉ để có tiếng nói trong nhóm. Đến chế độ mẫu hệ , phụ nữ cũng phải cạnh tranh đấu đá tương tự giống như vậy. Xã hội mà…. chị có thể cho em copy bài này lên fb ko? Em sẽ ghi nguồn và lẫn link đầy đủ ạ
Như Quỳnh says
* …Đến chế độ phụ hệ …
Chi Nguyễn says
Em có thể chia sẻ bài viết với link gốc nhé 🙂
Nguyễn Quế Chi says
Hi chị. Em khá bất ngờ vì có bài cùng quan điểm. Cùng tên họ với em, cùng tình huống đã từng gặp phải. Là một đứa con gái bình thường, theo học khối Chuyên Văn từ nhỏ, rồi tiếp tục học lên đại học Ngoại Ngữ, và đi làm trong ngành Giáo dục, tôi gần như lớn lên hoàn toàn trong môi trường nữ giới”. Bài viết thú vị. Mong làm quen c hen. Nice day, sis 😊