Được sống ở nước ngoài ít nhất một lần trong đời là ước mơ của rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Miền đất xa lạ luôn hứa hẹn nhiều điều thú vị, cơ hội mới, quan hệ mới, và những trải nghiệm khác biệt so với cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Tuy vậy, không nhiều người nhận ra rằng điểm tuyệt vời nhất của cuộc sống ở nước ngoài thực ra không phải là ở nơi đến mà chính là ở những thay đổi trong con người mình trong quá trình sống xa quê hương. Đây cũng là điểm mấu chốt tạo ra sự khác biệt giữa việc đi du lịch nước ngoài ngắn ngày (dưới 1 tháng) và sống ở nước ngoài lâu dài (từ 3 tháng trở lên). Khi đi du lịch, mục đích chính thường chỉ là thăm thú, mua sắm, ngắm cái hay, cái đẹp của đất nước bạn; bởi thế, thời gian và trải nghiệm có được đều chưa đủ để tạo ra những thay đổi rõ nét trong tư duy của người đi du lịch. Sống ở nước ngoài lại là một trải nghiệm khác hẳn! Với tâm thế của một người lưu trú lâu dài, tầm nhìn của ta buộc phải mở ra để thấy được cả điểm hay lẫn điểm dở ở môi trường mới; thời gian lâu dài cũng khiến ta nếm trải không chỉ niềm vui, sự thích thú ban đầu mà còn cả nỗi đau khổ, sự thất vọng sau nà. Chính những điều này khiến con người ta thay đổi, trưởng thành hơn. Bởi vậy, tôi tin rằng, ai trong chúng ta cũng nên trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài ít nhất một lần trong đời.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có được cơ hội ấy (hay ít nhất, một cách dễ dàng). Khi còn là một cô học trò nhỏ ở Việt Nam, tôi đã khát khao được trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài; tất cả những gì mới mẻ tôi nghe được về những miền đất mới đều khiến trái tim tôi đập rộn ràng. Nhưng vì gia đình tôi không quá khá giả để có điều kiện đưa tôi ra nước ngoài từ sớm, tôi cố gắng tự định hướng và đi những bước nhỏ để tiến dần hơn đến ước mơ của mình. Ban đầu chỉ bằng việc học ngoại ngữ – điều duy nhất tôi biết là cần thiết để mở ra cánh cửa du học, sau là chọn học ngành “Quốc tế học” ở đại học – một ngành còn rất mới thời bấy giờ, và tiếp đến là rất nhiều hoạt động nhỏ như làm tình nguyện với tổ chức quốc tế, nộp đơn xin đi làm thực tập không lương ở nước ngoài, gõ cửa không biết bao cơ hội học bổng lớn nhỏ… Rồi từ đó, tôi dần dần có cơ hội đi nước ngoài trong những chuyến nhỏ ngắn ngày, rồi nhiều chuyến nhỏ dài ngày hơn nữa, và cuối cùng là một cơ hội lớn hơn để theo học ở nước ngoài nhiều vài năm. Đến nay, sau gần 5 năm sống ở Mỹ, trải qua nhiều thăng trầm, tôi càng nhận ra sự cần thiết của trải nghiệm sống ở nước ngoài đối với người trưởng thành. Không kể là bạn có ý định ở lại định cư hay trở về quê hương, thích hay không thích cuộc sống ở nước ngoài, đi du học hay chỉ đi làm công việc chân tay, thành công hay chưa thành công… đối với tôi, ai cũng nên cố gắng để được trải nghiệm cuộc sống “tha hương” ít nhất một lần trong đời.
Và dưới đây là một số lý do cho sự tồn tại của mong muốn ấy, nhìn từ góc độ phát triển bản thân:
Mang cho mình một góc nhìn khác
Trải nghiệm sống ở nước ngoài sẽ cho ta góc nhìn khác về hầu như mọi mặt của cuộc sống. Và điều này giúp mở mang kiến thức, tư duy, và sức sáng tạo lên rất nhiều. Con người thường có xu hướng chịu ảnh hưởng bởi môi trường sống, khiến ta tin vào những điều mà số đông cũng tin tưởng, và hành xử theo cách mà mọi người quanh ta vẫn làm. Nhưng khi tách ra khỏi môi trường quen thuộc này, ta sẽ bỗng nhiên trở thành “người ngoài” và như mọi người vẫn nói, người ngoài cuộc thì thường có cái nhìn sáng tỏ, đa chiều, hiểu biết hơn những người trong cuộc. Sống ở nước ngoài lâu dài, ta sẽ dần phát triển góc nhìn khác biệt hơn, khách quan nhưng cũng cá nhân hơn, bớt đi tính rập khuôn, a dua, “bầy đàn” thường thấy.
Đó là lý do tại sao mà nhiều vlogger, blogger, hay influencer – những người tạo ảnh hưởng lớn cho giới trẻ hiện nay là du học sinh hoặc có xuất phát điểm là du học sinh. Cuộc sống ở nước ngoài dễ cho các bạn cái nhìn khác đi về những sự việc, hoàn cảnh xảy ra ở trong nước, tạo cảm hứng cho các bạn dám nói ra những điều khác biệt, làm những điều mà có thể nếu còn ở trong nước bạn chưa chắc đã dám làm. Bởi được chứng kiến nhiều điều mới mẻ hàng ngày, chất liệu sống của các bạn cũng giàu có hơn và bạn muốn được làm nhiều hơn cho đam mê, sáng tạo của mình. Đây là điều rất khó để có được nếu không tách rời hẳn môi trường quen thuộc và bắt đầu trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài.
Biết ơn những gì mình từng có và đang có
Cuộc sống xa gia đình thường gặp không ít khó khăn, tủi cực mà không biết nên chia sẻ cùng ai. Chính vì thế, cuộc đời “tha hương” cũng dạy cho ta lòng biết ơn, sự trân trọng những gì mình từng có và đang có. Phải những ai đã từng trải qua những ngày đau ốm không có người thân bên cạnh, mệt đến bò lê ra sàn nhà vẫn phải gượng đứng lên nấu nồi cháo loãng thì mới thấm thía bát cơm nóng, miếng thịt kho mẹ nấu cho mình quý giá đến thế nào. Phải những ai nỗ lực vượt qua những định kiến, kỳ thị, kèn cựa của xã hội ngoại lai để có được một cơ hội, dù chỉ là nhỏ nhoi cho riêng mình mới hiểu hết giá trị của đồng tiền, may mắn, và tất cả những gì mình đang sở hữu.
Rất nhiều người sống ở nước ngoài mà tôi biết từng tâm sự rằng họ trở nên gần gũi, cảm thông hơn với gia đình khi ra nước ngoài sinh sống. Mặc dù không có điều kiện liên hệ về nhà, trò chuyện thường xuyên với bố mẹ như khi còn trong nước nhưng trong thâm tâm, họ biết mình đã trở thành người con ngoan hơn nhờ sống xa rời gia đình. Bản thân tôi cũng vậy, nhiều khi ở vào hoàn cảnh không được như mong muốn, cuộc sống ngột ngạt, mệt mỏi, tưởng muốn buông xuôi, nhưng mỗi lần nghĩ đến con đường mình đã qua và những gì gia đình đã hy sinh cho mình để có được ngày hôm nay, tôi lại cảm thấy bình tâm trở lại và quý trọng hơn những gì mình đang có.
Trưởng thành và độc lập hơn
Có lẽ ít trải nghiệm nào khiến con người ta trưởng thành nhanh như khi sống một mình ở nơi đất khách. Rất nhiều người vì điều kiện học tập, công việc và hoàn cảnh mà phải rời quê hương ra nơi khác lập nghiệp. Tuy nhiên, nếu còn ở trong cùng một đất nước, ta sẽ không gặp quá nhiều khó khăn khi giao tiếp với người mới, tìm hiểu văn hóa nơi ở mới, và thậm chí, vẫn có thể nhận được sự trợ giúp về vật chất và tinh thần dồi dào từ gia đình. Nhưng khi sống ở nước ngoài, ta chợt nhận ra rằng mình chỉ có thể dựa vào chính mình; ngay cả khi may mắn được sống cùng người quen hay trong cộng động kiểu bào đi chăng nữa, sẽ có những quyết định trong cuộc sống ta phải tự đưa ra và những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sắc tộc ta phải tự vượt qua một mình. Một khi đã nhận ra rằng mọi hành động mình làm ra đều đi liền với hệ quả của nó và không ai có thể theo sau nâng đỡ, chỉ bảo cho mình được, ta buộc phải trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn. Trong quá trình đó, ta cũng dần trở nên độc lập hơn trong suy nghĩ, hành động, và định hướng cho tương lai cho mình.
Chính vì lợi ích này của việc sống ở nước ngoài mà những học sinh, sinh viên ở các nước phát triển vẫn tích cực tham gia các chương trình trao đổi, du học ngắn hạn, gap year ở nước ngoài; chứ không chỉ riêng gì sinh viên Việt Nam sang các nước phát triển để trải nghiệm. Tôi có nhiều người bạn Mỹ từng sang Việt Nam du học và qua rất nhiều năm, các bạn vẫn không ngừng kể lại những câu chuyện trong quá trình du học đã làm mình thay đổi như thế nào. Như Vicky, một cô bạn người Mỹ từng co rúm lại khi sang đường, không dám ăn đồ ăn ngoài phố, uống nước đá… kể cho tôi rằng cuộc sống có phần hỗn loạn, tùy tiện ở Việt Nam khiến cho bạn sau này trở nên mạnh mẽ hơn, dám nghĩ dám làm hơn để trải nghiệm cuộc sống. Hay như Tam, một cậu bạn người Mỹ gốc Việt từng chia sẻ với tôi rằng mặc dù khi còn ở Mỹ, bạn đã dọn ra ở riêng, nhưng phải đến khi sang Việt Nam và tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, từ quê lên thành phố vừa học vừa làm, Tam mới thấy mình còn có thể sống độc lập và có trách nhiệm hơn nữa với cuộc sống riêng của mình. Bởi vậy, việc sống ở nước ngoài, dù là địa điểm nào đi chăng nữa, cùng cho con người một cơ hội mới để thay đổi bản thân, trưởng thành, và sống độc lập hơn.
Giỏi tìm kiếm thông tin và không ngại đặt câu hỏi
Khi bắt đầu sống ở một nơi mới lạ, sẽ có rất nhiều điều ta không biết và nếu không chủ động tự tìm kiếm hoặc hỏi người khác giúp đỡ, ta chắc chắn sẽ gặp nhiều thiệt thòi. Những thông tin cần thiết là vô vàn, từ những thứ tưởng như đơn giản, nhỏ bé như cách đọc số nhà, tìm đường đến siêu thị, cách gửi một bức thư… đến những thứ phức tạp, quan trọng hơn như thủ tục làm visa, cách khai thuế, lập tài khoản ngân hàng, chuyển tiền quốc tế… Thông tin càng quan trọng thì lại càng cần phải tìm kiếm, nghiên cứu, hỏi han kỹ lưỡng để tránh vi phạm pháp luật, mất tiền oan, và thậm chí, bị kẻ xấu lừa và lợi dụng.
Bởi thế, những người từng sống ở nước ngoài thường là những người giỏi tìm kiếm thông tin và mạnh dạn đặt câu hỏi nhất mà tôi từng biết. Họ thường rất chủ động tìm kiếm đối tượng để hỏi thông tin; nhưng trước khi làm phiền những người này, họ cẩn thận tra cứu trước trên mạng, ghi chép cụ thể các câu hỏi mà internet không thể trả lời, rồi sau đó mới tiếp cận người để hỏi một cách lịch sự và cầu thị. Đây là một kỹ năng rất quan trọng mà bất cứ ai, đặc biệt là những người trẻ còn non hiểu biết, cần phải nắm vững.
Ngay đối với bản thân tôi hiện nay, đây cũng là một kỹ năng mà tôi cảm thấy mình phải luyện tập hàng ngày. Là một người làm khoa học, tôi không ngại tự mày mò tìm kiếm thông tin, nhưng tôi vẫn còn thói quen ngại nhờ người khác giúp đỡ, ngại hỏi ý kiến những người đi trước. Điều này khiến cho tôi gặp rất nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần khi mới bắt đầu sống ở nước ngoài. Mấy năm gần đây, cùng với cuộc sống có những thay đổi lớn liên quan đến các vấn đề tôi không thông thạo như chính sách nhập cư, thuế má, y tế, sinh đẻ… tôi buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của mọi người xung quanh nhiều hơn. Và phải thú nhận rằng, mỗi lần học thêm được một điều mới, tôi lại không khỏi nhăn nhó tự trách bản thân tại sao không biết điều này, làm điều kia cho sớm hơn. Nhưng nhìn lại, nếu không sống ở nước ngoài, có lẽ tôi sẽ mãi ở trong vỏ bọc của mình và sẽ còn thiếu hiểu biết hơn nhiều so với tôi của ngày hôm nay.
Có được những trải nghiệm có-một-không-hai trên đời
Điều cuối cùng và cũng là tuyệt vời nhất của việc sống ở nước ngoài là có được những trải nghiệm độc đáo mà không gì có thể so sánh được. Những trải nghiệm này đến từ nhiều cung bậc cảm xúc thăng trầm của cuộc sống nơi đất khách, từ niềm vui được mắt thấy, tai nghe, tay chạm đến những thứ mà mình chưa từng biết đến, và từ sự trân trọng những nỗ lực, hy sinh của bản thân và gia đình để mình được đặt chân đến những nơi mình được đến, làm những điều mình được làm. Đây không chỉ là những điều làm cuộc sống của ta trở nên màu sắc, sinh động, đa chiều hơn, mà còn có thể tiếp tục trở thành những giai thoại truyền cảm hứng cho con cháu sau này. (Khi còn nhỏ, tôi luôn say mê nghe những câu chuyện kể về chuyến đi Đông Đức của bà hay trầm trồ ngắm chiếc cốc thủy tinh có in hình hai chú chim hòa bình ông mua khi ở Bun-ga-ri — đó là một phần ký ức tuổi thơ đáng nhớ tạo nên ước mơ du học của tôi sau này).
Bởi vậy, dẫu biết rằng không phải ai trong đời cũng có cơ hội được sống ở nước ngoài và không phải ai cũng có ước mơ lớn đủ để rời bỏ gia đình, quê hương sang một vùng đất mới, tôi vẫn muốn viết ra những dòng này thay lời động viên, khích lệ. Tôi có nhiều người bạn từng đi du học ở nước ngoài nhiều năm, sau đó về nước hẳn và không còn ý định đi đâu xa nữa, nhưng những trải nghiệm đáng nhớ một thời “xa xứ” vẫn còn nguyên đó và tiếp tục giúp mọi người trong cuộc sống hiện tại ở Việt Nam. Tôi cũng có những người bạn khi còn trẻ lúc nào cũng kể về ước mơ đi “Tây” của mình nhưng chưa bao giờ có đủ động lực để bắt tay vào hành động hiện thực hóa ước mơ. Thế nhưng đến khi có gia đình, con nhỏ, tưởng như ổn định rồi thì ước mơ lại trỗi dậy, cộng thêm mong muốn cho con cái được lớn lên trong môi trường khác, các bạn lại đi được những bước lớn hơn, dài hơn, quyết liệt hơn để đưa cả gia đình sang nước ngoài trải nghiệm. Khi còn làm công tác xã hội ở cộng đồng người Việt nhập cư tại Mỹ, tôi được làm quen với rất nhiều ông bà, cô bác tuổi đã cao, tưởng như cả đời sẽ chỉ sống an nhiên ở Việt Nam, ấy vậy mà (nửa) cuối cuộc đời lại ra nước ngoài. Nhìn những bác bằng tuổi ông bà, bố mẹ mình vẫn vui vẻ hàng ngày cắp sách đi học tiếng Anh, học thi quốc tịch, vận động người Việt đi bầu cử…, tôi nhận ra rằng không có gì là không thể. Nếu bạn thực sự quyết tâm, hãy để trải nghiệm sống ở nước ngoài có-một-không-hai này được trở thành một phần cuộc đời của chính mình!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Quỳnh Hương says
Chào chị,
Bản thân em cũng có một thời gian du học nên hoàn toàn thấu hiểu và đồng ý về suy nghĩ và trải nghiệm trên của chị. Việc chúng ta tự bươn chải, đối diện và giải quyết vấn đề của mình rõ ràng đã hình thành và củng cố mạnh mẽ khả năng độc lập trong suy nghĩ và hành động. Và, đúng là ở xứ người, xa quê lạ nước lạ cái, trông cậy ai không bằng tự mình vực mình dậy.
Ngoài ra, việc research tìm hiểu thông tin trước khi chủ động hỏi người khác về một vấn đề mình không rõ cũng là cách tiếp cận và mở mang tri thức mà em phải rèn luyện từ từ. Cũng qua cách này, em thấy mình có dạn dĩ hơn, giờ nghĩ lại có hơi tiếc nếu ngày ấy mình tham gia nhiều hoạt động hơn, cởi mở hơn, mặt khác em nhận thấy nếu mình nhận ra thiếu sót, thì luôn có thể thay đổi từ bây giờ.
Cám ơn chị vì những bài viết trút hết tâm can, em luôn theo dõi blog Thepresentwriter vào mỗi sáng thứ 4!Have a nice day, chị ^^!
Trang says
Đọc bài của chị xong tự dưng bao nhiêu cảm xúc của em lại ùa về. Em là một người đã từng đi du học ở nước ngoài một thời gian, bây giờ quay trở lại Việt Nam sinh sống và thực sự không muốn đi nữa nhưng quả thật, cuộc sống/trải nghiệm ở nước ngoài đã giúp cho em rất nhiều. Bây giờ ai hỏi ý kiến em cũng khuyến khích mọi người nên ra nước ngoài/cho người thân ra nước ngoài học tập/sinh sống một thời gian bởi vì không gì bằng thật sự trải nghiệm chị nhỉ.
Cảm ơn bài viết của chị rất nhiều!
Pham Thu Phuong says
Cảm ơn Chi về bài viết này! Mình cũng ôm ước mơ du học từ nhỏ , 5 năm trước có cơ hội đi du học Đan Mạch và du lịch châu Âu đã làm mình có những kỉ niệm tuyệt vời tuổi trẻ, nên mình đọc bài của bạn thấy rất đồng cảm và mỉm cười mỗi khi nhớ lại giai đoạn ấy! Đúng là ước mơ sẽ lại trỗi dậy, mình dù giờ đã 2 con, nhưng cũng vừa đi 1 tháng du học nước Úc và có những trải nghiệm thú vị! Mình sẽ chuyển bài viết này của Chi đến cậu em trai đang có ước mơ du học của mình, và hai cô em mình rất yêu quý sắp đi học tiến sĩ 4 năm ở nước ngoài. Sau này con lớn hơn, mình sẽ cố gắng cho con đi những chuyến ngắn ngày để thắp lên ước mơ được bay cao bay xa của chúng!
Chúc gia đình Chi hạnh phúc và hai mẹ con thật khoẻ mạnh tươi vui nha! Mong chờ những bài viết của bạn!❤️
Linh Tran says
Nghe van thau hieu nhung loi chia se cua Chi 🙂
Hianh says
Cảm ơn chi về bài viết. Tớ chưa có cơ hội sống ở nc ngoài nhưng sẽ nỗ lực hơn để đạt được những ưu điểm mà bài viết nói đến
Linh Chi says
Cảm ơn chị Chi, vì đã viết ra được phần nào những tâm tư mà em vẫn ấp ủ trong lòng. Vì đã được trải qua cuộc sống ở nơi đất khách quê người, em cũng luôn mong mỏi những người xung quanh em có cơ hội được đi và trải nghiệm. Em luôn cảm thấy trân trọng và biết ơn những điều em đang có hiện tại, yêu bản thân mình bây giờ hơn bất cứ lúc nào. Hành trình này khép lại để hành trình mới mở ra. Một lần nữa cảm ơn chị Chi và chúc chị có những ngày nắng rực rỡ.
Tuyết says
Em Chào chị Chi. Em đang là sinh viên tại Việt Nam, em có ước mơ đc đi du học, đó là ước mơ lớn nhất của em khi học đại học, em biết nếu nó có thành hiện thực hay không thì đó cũng chính là kỉ niệm, một dấu ấn của tuổi thanh xuân. Nhưng em lo sợ một số điều khi đi du học: sức khỏe em không tốt và đường ruột kém (ko ăn đc nhiều loại thức ăn) sẽ khiến em ko thích nghi đc với thời tiết và lối sống ở đó, em là người khá trầm tính, em sợ rằng với cuộc sống nhiều áp lực ở nước ngoài sẽ khiến em bị trầm cảm. Em nói ra ko phải vì em nản chí mà em muốn có sự chuẩn bị tốt nhất cho những quyết định của mình, em mong đc sự giúp đỡ của chị, cảm ơn c rất nhiều ạ
Chi Nguyễn says
Chào em! Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chị mới đăng bài tiếp theo về những khó khăn khi sống ở nước ngoài, có đề cập đến vấn đề tâm lý mà em đang lo lắng: https://thepresentwriter.com/tai-sao-cuoc-song-o-nuoc-ngoai-khong-phai-luc-nao-cung-la-mau-hong/. Em ghé đọc xem nhé! Còn các vấn đề khác, chị nghĩ thực ra không đáng ngại lắm đâu. Nếu em đường ruột kém thì hoàn toàn có thể tự nấu ăn để đảm bảo nhu cầu của mình – vừa tiết kiệm được tiền lại tăng khả năng nấu nướng nữa :). Còn về thời tiết nếu em sợ nóng hay sợ lạnh có thể tìm nơi du học vừa đúng ý mình. Chị không biết em định đi nước nào chứ như ở Mỹ thì đất nước rộng lớn, mỗi nơi có thời tiết khác nhau. Em ở California thì quanh năm mát mẻ, ở Florida thì còn ấm hơn cả Sài Gòn – không có mùa đông mà lo lạnh đâu. Em cứ tự tin vào ước mơ của mình, những nỗi lo này rồi sẽ chỉ là một phần nhỏ trong cuộc hành trình của mình mà thôi
Tuyết says
em cảm ơn chị Chi nhiều ạ.
Tuyết says
cảm ơn bài viết của chị ạ
Quynh Anh says
Chào chị Chi. Em cảm thấy được inspired rất nhiều mỗi khi đọc blog của chị. Thậm chí có những ngày chán nản, em lại ngồi lần mò đọc lại các bài blogs cũ của chị và thấy lòng nhẹ nhõm hơn hẳn. Bài viết du học này của chị làm em thấy bản thân mình trong này vì hiện tại em cũng đang ở bước đầu tiên là học chuyên ngành ngôn ngữ Anh và tham gia một tổ chức sinh viên quốc tế để luyện tập Tiếng Anh hàng ngày. Em rất muốn đi du học nhưng gia đình cũng không đủ điều kiện tài chính cho em. Em cảm thấy tò mò về các bước nhỏ sau đó mà chị nói đến trong bài blog này. Em hy vọng chị sẽ chia sẻ chi tiết hơn về các bước nhỏ này ở các blogs tiếp theo ạ. Em cảm ơn chị nhiều 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi blog. Những bước nhỏ như việc học tiếng Anh và chuẩn bị du học chị từng viết ở một số mục trong blog như:
https://thepresentwriter.com/category/hoc-tieng-anh-cho-nguoi-lo-co/
https://thepresentwriter.com/chung-toi-da-apply-va-hoc-tien-si-nhu-the-nao-phan-1/
https://thepresentwriter.com/category/qa-ban-hoi-chi-tra-loi/
Chị cũng đang ấp ủ dự định viết sách về du học. Hy vọng khi sách ra đời sẽ có nhiều nội dung cụ thể hơn cho em tham khảo. Chúc em ngày mới vui vẻ!
Quynh Anh says
Chắc chắn sẽ có nhiều bạn đọc ủng hộ nếu chị cho ra đời cuốn sách xoay quanh chuyện du học ạ 🙂 Cảm ơn chị nhiều và chúc chị ngày mới vui vẻ bên gia đình nhỏ của mình!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Chị đang bắt đầu viết cuốn sách. Hy vọng năm tới có thể ra mắt