Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác háo hức những ngày đầu năm mới, lũn cũn xếp hàng sau anh chị, chìa hai tay ra nhận từ người lớn những bao lì xì đỏ, khấp khởi mở ra để sờ từng tờ tiền mới coong để hít hà cái mùi mực in đặc trưng – cái mùi mà cùng với bánh chưng, pháo tét, trầm hương từng là “phong vị” của ngày Tết Việt Nam trong tâm trí trẻ thơ của tôi.
Nhưng khi lớn hơn và hiểu biết hơn một chút, sự háo hức ban đầu ấy dần phai đi và đan xen với cảm giác tội lỗi đến kỳ lạ. Là một đứa trẻ, tôi có nên giữ những khoản tiền lì xì này không? Nếu có, tôi nên làm gì với chúng?
Cô bạn ngồi cùng bàn với tôi năm lớp bốn lập luận rằng, vì “tiền lì xì người ta cho mình chính là tiền của bố mẹ mình cho con nhà người ta” nên bạn ấy đưa lại hết cho bố mẹ; nghe đâu năm đó bố mẹ bạn mới xây nhà nên rất cần tiền trang trải. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất lâu. Mẹ tôi thường nói: “Lì xì là tiền mừng tuổi, tiền may mắn cho con nên con có thể tiêu vào bất cứ thứ gì mình thích, miễn là trong chừng mực và nên là những thứ có ích” – nhưng cụ thể thế nào là “chừng mực” và “có ích” thì không rõ. Ba tôi thì nghiêm khắc hơn, ông thường lắc đầu trước những dự định chi tiêu (có phần quá phấn khích) của tôi với tiền mừng tuổi và nhắc tôi phải biết nghĩ cho cha mẹ và biết tiết kiệm – nhưng làm thế nào để tiêu tiền có suy nghĩ, tiết kiệm cho mình và người thân thì cũng không rõ ràng. Chân thành mà nói, tôi không nghĩ là ba mẹ tôi thực sự có câu trả lời cho chính họ.
Lớn lên với vốn kiến thức ít ỏi, mơ hồ về quản lý tài chính cá nhân, tôi tiếp tục cảm giác háo hức, khấp khởi, xen lẫn tội lỗi, lo lắng mỗi lần cầm trong tay một khoản tiền mới. Từ những tờ tiền lẻ được cho tiêu vặt mỗi tháng, đến những tờ tiền lớn hơn kiếm được từ việc dạy gia sư, viết báo thời sinh viên, đến những lệnh chuyển khoản lương hằng tháng khi ra trường đi làm, tôi thực sự mơ hồ với mọi kế hoạch chi tiêu. Nhưng phải tới khi đi du học và tự bươn chải cho cuộc sống ở nước ngoài, tôi mới hiểu cảm giác bất an với đồng tiền là như thế nào – khi mà có những tháng, số tiền học bổng cộng với làm thêm sau khi trả tiền thuê nhà, điện nước, chỉ còn lại vài chục đô-la ít ỏi cho cả tháng sắp tới. Lúc này, tôi mới cuống cuồng tìm hiểu kiến thức về quản lý tài chính cá nhân như một cách để sinh tồn.
Tuy nhiên, một cú search Google cũng đủ gây choáng váng: hàng chục khóa học về đầu tư, quản lý tài chính, hàng trăm đầu sách về làm giàu, vô vàn những lời khuyên về chi tiêu cho những người trẻ như tôi. Và không phải lời khuyên nào cũng khớp nhau: Người trẻ được khuyên nên đầu tư sớm để tối đa lãi suất cộng dồn, nhưng cũng cần để tiền vào một quỹ ổn định cho hưu trí, rồi cũng nên cân nhắc đầu tư vào địa ốc vì giá nhà đất đang ngày càng tăng, điều rất quan trọng là phải tiết kiệm ngay từ bây giờ để sau này còn làm việc lớn, nhưng vì tuổi trẻ chỉ đến một lần nên cũng cần trải nghiệm du lịch để mở mang đầu óc… Làm sao một người mới bắt đầu sự nghiệp có thể làm tất cả những việc đó?
Quá ít thông tin về tài chính dẫn đến việc người trẻ lỡ nhiều cơ hội, nhưng quá nhiều thông tin cũng gây mất phương hướng, không biết nên bắt đầu từ đâu.
Gần đây, sau nhiều năm lặn ngụp trong “biển” thông tin về tiền tệ, làm giàu, tôi quyết định theo đuổi duy nhất một quy tắc tối giản về quản lý tài chính cá nhân:
Tiêu ít hơn số tiền kiếm được
Đây gần như là điều quy nhất mà tất cả sách vở, tài liệu, chuyên gia tài chính đồng ý. Nó tối giản đến ngỡ ngàng, những không hề đơn giản để thực hiện.
Bài viết này sẽ đưa ra một số gợi ý (cũng với tinh thần tối giản) để áp dụng quy tắc này.
Tại sao cần tiêu ít hơn số tiền kiếm được ?
Nếu tiêu ít hơn số tiền kiếm được ta sẽ có khoản dôi dư, nếu tiêu đúng bằng số tiền kiếm được ta không còn đồng nào, và nếu tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được thì tài khoản sẽ về âm và ta có thể phải vay mượn mới cân bằng được thu chi.
Đây là một bài toán cộng trừ đơn giản, trẻ con cũng biết làm. Tuy nhiên, để tiêu ít hơn số tiền kiếm được không phải dễ.
Phần lớn mọi người than phiền rằng vì họ không kiếm đủ tiền nên mới tiêu hết hoặc thậm chí nhiều hơn những gì mình kiếm được. Đây đúng là một thực tế.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi kiếm được nhiều hơn, nhu cầu chi tiêu cũng tự khắc tăng theo vì con người có xu hướng thích nghi nhanh với mức sống mới. Vì vậy, nếu không đặt ra giới hạn, kiểm soát và kỷ luật với chính bản thân mình, tiền kiếm được dù nhiều đến mấy cũng không đủ cho chi tiêu.
Một phương pháp đặt giới hạn hiệu quả, tích cực, mà không quá gượng ép chính là xác định mục tiêu tài chính cho mình. Nếu ngay bây giờ bạn nhìn vào gương và tự hỏi: “Giả dụ có một khoản tiền dư cuối tháng, mình nhất định cần phải làm việc gì?” (nhấn mạnh là cần chứ không phải muốn), câu trả lời sẽ giúp đưa bạn đi đúng hướng.
Một số mục tiêu lớn về tài chính thường gặp là:
Trả nợ
Dù là nợ tín dụng, nợ ngân hàng, nợ trả góp nhà, hay nợ người quen,… với lãi suất cao hay thấp, càng trả nợ nhanh thì bạn sẽ càng có tiềm lực tài chính, đầu óc thảnh thơi và tâm thế tự do để làm những gì mình muốn.
Hai phương pháp phổ biến nhất để trả nợ là: (1) trả nợ khoản nợ có lãi cao nhất trước, bất kể số dư nợ là bao nhiêu để cắt bớt lãi, hoặc (2) trả nợ khoản có số dư nợ thấp nhất trước, bất kể lãi là bao nhiêu, để tạo đà trả nợ nhanh.
Tiết kiệm cho trường hợp khẩn cấp
Có một khoản cố định trong ngân hàng sẽ giúp bạn tránh được sự hoảng loạn và đâm đầu vào vay nợ mỗi khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra (như bệnh tật, mất việc, tai nạn, v.v.). Chuyên gia tài chính thường khuyên bạn nên bắt đầu với 1.000 đô-la (khoảng 23 triệu đồng) cho quỹ khẩn cấp này, và sau khi trả nợ, dần nâng lên mức 3-6 tháng tiền tiêu tối thiểu hằng tháng (ví dụ, nếu chi tiêu tối thiểu trong gia đình là 10 triệu đồng, quỹ khẩn cấp này nên có từ 30-60 triệu đồng).
Tiết kiệm cho kế hoạch lớn
Nếu bạn có dự định làm một việc gì đó cần tiêu đến nhiều tiền (như du học, du lịch, mua xe, mua nhà, sửa nhà, mở doanh nghiệp, cưới hỏi, v.v.), việc tiết kiệm một khoản riêng từ sớm là vô cùng quan trọng để đảm bảo, ít nhất về mặt tài chính, những kế hoạch này sẽ thành hiện thực. Bạn có thể để tiền vào quỹ tiết kiệm với lãi suất ổn định hoặc mua những gói bảo hiểm có kỳ hạn và mục tiêu phù hợp với kế hoạch của mình.
Đầu tư
Bất kể là đầu tư bằng phương pháp nào, vào ngạch nào, vào thời điểm nào, bạn cũng sẽ cần tiền. Để ra một khoản tiền đầu tư từ sớm và đầu tư có mục đích là cách nhiều tỷ phú trên thế giới bắt đầu sự nghiệp làm giàu. Đầu tư vào thị trường chứng khoán với kế hoạch lâu dài, đa dạng vẫn là phương pháp đầu tư phổ biến nhất, bên cạnh đầu tư bất động sản và góp vốn kinh doanh.
Tích lũy hưu trí
Không ai có thể làm việc đến hết đời, bởi vậy, về hưu là tương lai không tránh khỏi của tất cả mọi người. Càng trẻ, bạn càng có thời gian và cơ hội để tích lũy. Nếu như thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta chỉ trông chờ vào đồng lương hưu cố định sau tuổi đi làm thì ngày nay, với công nghệ và kiến thức mới, người trẻ rất nên tích lũy sớm hơn (với nhưng kênh đầu tư và tiết kiệm phía trên) để chủ động hơn cho tương lai của mình.
Làm sao để tiêu ít hơn (tiết kiệm)?
Tiết kiệm, đặc biệt với những người trẻ, càng ngày càng khó khi quảng cáo nhan nhản khắp mọi nơi, người người làm đa cấp mời mua sản phẩm hằng ngày, mạng xã hội khiến chúng ta khát khao những món đồ hợp thời nhất. Tuy nhiên, nếu trang bị cho mình mục đích rõ ràng, ta sẽ dễ kiềm chế bản thân hơn với những cám dỗ vật chất không đáng có.
Bên cạnh đó, có rất nhiều phương pháp thực hành tiết kiệm một cách tích cực như:
Sống tối giản
Dù bạn có tin theo Chủ nghĩa tối giản hay không, ai cũng có thể tối giản hóa cuộc sống của mình thêm ít nhiều bằng cách bỏ/bán đi những đồ đạc dư thừa, từ chối bớt những buổi ăn nhậu, tụ họp vô bổ, xa rời những người “bạn” hay đặt nặng giá trị vật chất.
Lập kế hoạch chi tiêu
Bắt đầu bằng việc ghi chép lại những khoản chi tiêu hằng tháng (qua ứng dụng điện thoại, trên phần mềm máy tính, hay bằng giấy bút thông thường) và đặt cho mỗi đồng tiền một mục đích là cách tốt nhất để kiểm soát tài chính cá nhân.
Đợi ít nhất 24 giờ
Khi dự định mua một món đồ nào đó có giá trị cao, nên cân nhắc trong ít nhất 24 giờ (hoặc tốt hơn là 3 ngày) trước khi mua để tránh tiêu tiền trong tâm lý hấp tấp, vội vàng, thiếu suy nghĩ.
Làm sao để kiếm nhiều hơn (tăng thu nhập)?
Ai cũng muốn kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng tăng thu nhập không hề dễ dàng vì nó yêu cầu sự thay đổi, bước ra khỏi vùng an toàn của mình – điều mà không phải ai cũng sẵn sàng.
Tuy nhiên, tùy vào khả năng và hoàn cảnh của mình, bạn có thể tăng thu nhập với một số gợi ý sau:
Yêu cầu tăng lương tại vị trí bạn đang làm
Nếu bạn thể hiện được khả năng của mình và muốn gắn bó với công việc hiện tại, bạn có thể nói chuyện với cấp trên về khả năng tăng lương để có điều kiện làm việc lâu dài hơn.
Tìm cơ hội mới
Nếu yêu cầu tăng lương không được chấp nhận, bạn có thể tìm kiếm cơ hội tốt hơn bằng cách vừa tiếp tục làm vừa tìm việc mới với mức lương cao hơn hoặc làm thêm ngoài giờ, làm trên mạng để kiếm thêm thu nhập.
Phát triển bản thân
Nếu không thay đổi được công việc hiện tại, không được tăng lương và cũng không có điều kiện làm thêm ngoài giờ, việc tốt nhất bạn có thể làm ở thời điểm hiện tại là tận dụng thời gian trống để phát triển bản thân, chuẩn bị mình để đón cơ hội mới.
Ví dụ, nếu như công việc chính trước đây cần 8 tiếng để hoàn thiện, bạn nên cố gắng tập trung làm việc hiệu quả hết sức để giảm thời gian hoàn thành công việc xuống 2-4 tiếng (với yêu cầu chất lượng công việc vẫn đảm bảo). Thời gian trống còn lại bạn có thể học khóa học kỹ năng mới, network trên mạng, đọc sách phát triển bản thân,…
Nếu chia số tiền lương cuối tháng ra từng giờ làm việc, cách làm này giúp bạn tự tăng lương cho mình bằng việc nâng số tiền lương trả theo giờ lên gấp 2-4 lần và đầu tư thời gian trống vào “dự án bản thân mình”.
—
Trái với suy nghĩ mơ hồ, bất an khi nghĩ về tiền bạc trước đây, áp dụng quy tắc tối giản này, tôi nhận ra rằng quản lý tài chính cá nhân không nhất thiết phải quá phức tạp, cao siêu và khó tiếp cận. Tuy nhiên, quản lý tốt yêu cầu tinh thần trách nhiệm cao, kỷ luật tốt và kế hoạch cụ thể cho chính bản thân mình. Với cái nhìn tối giản về đầu vào và đầu ra của từng món tiền mình có, ta có thể thực hiện những bước nhỏ ngay từ bây giờ để tiến tới tương lai tự do và thịnh vượng tài chính không xa.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Một phiên bản của bài viết này đã được đăng trên Tạp chí J.O.Y vào năm 2020.
Nguyễn Đức Hậu says
Là một sinh viên, e cũng chỉ theo 1 quy tắc như chị, nhưng có phần khắt khe hơn là chỉ chi <40% số thu được vì lớn lên trong gia đình vốn không khá giả, e càng nhận thức được câu "Bạn sẽ chẳng biết khi nào mình cần tiền đâu" . Ban đầu e đã nghĩ đọc bài sẽ tìm được một cái gì đó cao siêu nhưng e nhận ra chỉ cần làm tốt đc quy tắc đơn giản này thì vấn đề tài chính của 1 người không chuyên đã gần như được giải quyết hết mà không cần tới cố vấn tài chính.
Cảm ơn chị,
Be present.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Đọc comment của em chị cảm thấy chị còn khắt khe hơn cả sinh viên 😀 vì từ 2 năm nay chị chỉ cố gắng tiêu trong vòng 30% thu nhập, còn lại tiết kiệm cho mục đích lớn hơn và đầu tư tài chính. Chị cảm thấy tiêu ít đi không khiến cuộc sống nghẹt thở như nhiều người nghĩ mà nó khiến chị sáng tạo hơn khi tận dụng những thứ mình vốn có để tối giản hoá cuộc sống. Chị ước mình có suy nghĩ này từ khi còn sinh viên như em. Chúc em nhiều may mắn!
Thảo says
Chị cực thích bài này của em. Mọi thứ tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại rối tung rối mù. Muốn tìm được cách giải quyết, lại phải đưa nó về những phân tích để tìm ra giải pháp đơn giản nhất.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị. Đúng là nhiều khi những giá trị và giải pháp đơn giản nhất lại là tốt nhất <3
Phạm Thu Phương says
cảm ơn Chi về bài viết này, vợ chồng mình tối qua vừa ngồi : “Họp tài chính” để lên kế hoạch chi tiêu cho tháng tới. 2 năm qua theo dõi những bài viết của Chi mình cũng có nhiều kiến thức hơn trong quá trình tự học về Quản lý tài chính cá nhân! giờ mình đang áp dụng ” Bình thông nhau” theo ideas của bạn, Tháng vợ chồng mình sẽ ” Họp tài chính” 2 lần vào 1 và 15 hàng tháng để cân đối chi tiêu, mình tin mọi việc sẽ được điều chỉnh tốt hơn! Chúc Chi tháng mới hào hứng và tốt lành!!! Love you!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Phương đã đọc và “thực hành” nhé. Hồi đầu vợ chồng Chi “họp tài chính” đầu tháng căng thẳng lắm luôn haha, còn đổ lỗi cho nhau tùm lum. Qua một thời gian rồi thì giờ mọi thứ rất nhẹ nhàng, nhanh gọn, không cần nói nhiều vì cả hai đã chung một chí hướng. Chúc Phương và gia đình tháng mới vui nhé!
Hương says
Cảm ơn CHi, mình đang tìm kiếm chủ đề này và quyết định vào đây để tìm kiếm nội dung. NHững thông tin đơn giản và súc tích dễ hiểu.
Rất cảm ơn bạn.
Ngô Hồng Hạnh says
Đọc đoạn đâuc tiên em rất háo hức với câu hỏi: thế nào là chi tiêu hợp lí? Vì khi cho tiền con mình em cũng không biết làm thế nào để hướng dẫn châu sử dụng đồng tiền ấy hợp lí. Nhưng cứ cháu đưa da gợi ý nào là lại thấy nó không hợp lí, lãng phí.
Chị có thể viết thêm về việc dạy trẻ con cách sử dụng đồng tiền không?
Chi Nguyễn says
Con chị còn khá nhỏ nên khoảng 5 tuổi chị dự định mới dạy về quản lý tiền. Em có thể tham khảo một số cuốn sách về vấn đề này, như “Smart Money Smart Kids”
Trần Thủy says
Lần đầu tiên biết đến Chi qua group Sống tối giản, và bài đầu tiên đọc cũng là bài viết này. Mình đã có gia đình, tuy nhiên về mặt quản lý chi tiêu thì chắc không bằng bạn sinh viên comment đầu tiên. Từ nay sẽ cố gắng thay đổi bản thân từng chút một. Cảm. Ơn bài viết của Chi
Tan-Long Nguyen says
Cảm ơn bài viết của Chi. Gốc nhìn của tôi là chia bữa ăn hàng tháng thành 4 phần như sau:
1. Cho nhu cầu cơ bản tối thiểu – 30%
2. Cho trường hợp rủi ro ngắn hạn (hư laptop, sửa ống nước) – 10%
3. Cho trường hợp phải chi dài hạn (mua nhà, mua xe, cho con đi học) – 20%
4. Cho đầu tư (mua chứng khoán/stock/đầu tư mảng kinh doanh mới) – 40%
Nếu áp dụng vào cách chi tiêu tối giản của Chi thì có cần phải thay đổi gì không, trong mùa dịch mình đang cấu trúc lại chi tiêu hàng tháng. 😀
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đọc bài viết. Chi nghĩ cách làm của bạn rất hợp lý, có lẽ phù hợp với nhu cầu của gia đình bạn. Nếu có góp ý, Chi chỉ có góp ý là khi nào có vấn đề chi tiêu gì cần ưu tiên hơn thì mình nên có tầm nhìn xa để chia phần đó lớn hơn. Nếu bạn có nhu cầu chi tiêu biết trước khoảng tháng nào mình cần khoản nào thì có thể dùng thêm quỹ chìm (sinking fund): https://thepresentwriter.com/sinking-fund/
Hong Vu says
Cám ơn những chia sẻ thật sự hữu ích trong hoàn cảnh dịch bệnh thế này.
Nguyen Anh Tuan says
Có thể xem lại cách chi tiêu của mình kỹ lưỡng hơn sẽ thấy được mình chi đúng hay sai.Nó có đưa mình đến những tình huống không thoải mái nào, tại sao như thế. Và nhẹ nhàng chỉnh sửa ,thay đổi nó. Một góp ý về tài chính cá nhân.
Nguyên Cao says
Chào Chi,
Mình biết Chi trong một buổi chiều vô tình lướt youtube, cũng không nhớ đã search gì. Nhưng thực sự quá ấn tượng với những điều mà em đã làm được.
Mình hiện đang ở trong giai đoạn chi tiêu trong mức kiếm được, nhưng lại không hề có khoản nào tích lũy cho tương lai. Mình tin vào luật hấp dẫn, nên mình nghĩ đây là dấu hiệu cho mình thấy mình cần nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề tài chính cá nhân.
Cảm ơn Chi rất nhiều, về mọi chia sẻ của em ở các kênh thông tin. Mình rất thích xem video chia sẻ của em trên youtube, hình ảnh chụp trên instagram, xem bài trên facebook và giờ là blog này.
Chúc em luôn nhiều sức khỏe để thực hiện được nhiều điều mong muốn, và chúc cho cuộc sống mới của em ở Arizona luôn thuận lợi. Không biết em sẽ sống ở thành phố nào, nhưng Tucson là một thành phố rất đặc biệt với mình, dù mình chưa đến nơi ấy bao giờ.
Mong mọi điều tốt đẹp luôn đến với em và gia đình.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn anh/chị đã theo dõi các kênh nội dung của em. Em sẽ làm việc ở Tucson từ tháng 8 tới. Mong anh/chị vẫn tiếp tục ủng hộ em trong thời gian tới.
Kiều Trường says
Mình hay nghe Podcast của Chi trong khi chạy bộ. Cảm ơn bạn đã chia sẻ kinh nghiệm.
Hoàng Hải says
Cảm ơn Chi Nguyễn rất nhiều! Mình cũng đang theo đuổi lối sống tối giản! Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống và công việc mình luôn đơn giản hoá mọi thứ để tìm ra giải pháp và thực sự điều đó mang lại hiệu quả! 🙂
Tuệ như says
Chị Chi ơi, chị có thể gợi ý một vài cách đầu tư tài chính cho sinh viên được không ạ?
Chi Nguyễn says
Nếu là sinh viên, chị ưu tiên tiết kiệm quỹ khẩn cấp trước, không nợ nần, sau đó mới tiến đến đầu tư. Em có thể đầu tư lâu dài vào index fund, ETF — chị có khá nhiều bài trên blog viết về chủ đề này, em tìm đọc lại nhé
Carrot says
☘️cảm ơn vì đã viết ra những điều mà em cảm thấy thắc mắc ,những suy nghĩ mà em khó có thể diễn tả thành lời .Cảm ơn ạ🙏
VIỆT TAISHIN says
Hi Chi. Thật vô tình một ngày em lướt google và tìm được blog của chị. Em là một tattoo artist cũng có chút mê viết lách, thật cảm ơn vì đã tìm đọc được blog của chị.
Sau khi đọc và theo dõi blog của The Present Writer và em đã quyết tâm xây dựng 1 kênh blog cho riêng mình (mặc dù em cũng ấp ủ khá lâu nhưng chưa khi nào thật sự bắt tay vào làm) em cũng cảm ơn những bài viết của chị cũng phần nào truyền động lực cho em để bắt tay xây dựng nó. Biết rằng khởi đầu cũng có những khó khăn, em cũng sẽ theo dõi những bài viết của chị để rút ra được kinh nghiệm sau này cho mình.
Thùy Linh says
Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của chị. Chị có thể chia sẻ thêm cho em biết về những cuốn sách Phát triển bản thân chị đã đọc được không ạ?
Chi Nguyễn says
Em có thể đọc ở đây: https://thepresentwriter.com/goi-y/