Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 26/03/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Tuần vừa qua, chồng và con mình đi nghỉ/công tác ở một thành phố khác nên mình ở nhà một mình nguyên 10 ngày. Tạm ngưng lại “công tác bỉm sữa”, mình có thời gian hơn để làm việc, suy nghĩ, và nhất là… xem phim 😎. Nếu bạn chưa biết thì mình xin tự giới thiệu: Mình là một “con nghiện phim” thực thụ! Nếu có phim bộ nào thực sự hay, mình sẵn sàng bỏ mọi thứ (thậm chí xin nghỉ phép) để “cày phim” 12-18 tiếng/ngày, 2-3 ngày liên tục. Mình thích xem phim vì phim đưa mình vào thế giới sáng tạo, dạy cho mình cách kể chuyện (storytelling) và kết nối sâu với cảm xúc bên trong…
Tuần rồi, mình dành rất nhiều thời gian để xem lại và suy ngẫm các bộ phim Siêu anh hùng (Superheroes) mà mình thích từ thời niên thiếu. Từ đó, mình nhận ra có 3 câu nói truyền cảm hứng của 3 nhân vật siêu anh hùng đã in hằn trong mình suốt những năm qua và giúp mình sống mạnh mẽ hơn trong thế giới thực:
“It’s not who I am underneath, but what I do that defines me”
“Không phải con người thực sự bên trong tôi, mà chính những gì tôi làm định nghĩa nên tôi”
(Batman/Người Dơi)
Trong hành trình tuổi trẻ mông lung, mình có nhiều thời điểm lạc lõng với câu hỏi: “Tôi là ai?” Cũng như nhiều bạn trẻ, mình “điên cuồng” tìm kiếm bản thân qua sách vở, khóa học, ý kiến của những người xung quanh—dường như mình chờ đợi một ai đó hoặc một cái gì đó sẽ giúp mình định nghĩa chính mình. Nhưng sự thật là: Câu trả lời đã ở trong mình từ rất lâu rồi. Mình là ai được xác định bởi những điều mình đã làm, đang làm và sẽ làm. Hành động của mình, chứ không phải của ai khác, tạo nên chính mình.
- Bạn muốn biết mình là ai? Hãy xem lại những việc bạn đã làm ngày hôm qua, một tuần qua, một tháng qua, một năm qua… Bạn thích cái gì, không thích cái gì, tại sao bạn làm việc này, tại sao bạn không làm việc kia, những ai bạn dành thời gian nhiều nhất trong ngày… Tất cả đều là dữ kiện nói lên bạn là ai.
- Bạn muốn biết mình sẽ như thế nào trong tương lai? Hãy xem lại những việc bạn đang làm trong hôm nay, tuần này, tháng này, năm nay. Nếu mọi thứ không thay đổi, những gì bạn đang làm sẽ định hình bạn và tương lai của bạn.
- Bạn muốn trở thành phiên bản mơ ước của mình? Nếu hiện tại không phải là mơ ước của bạn, bạn sẽ làm gì trong tương lai, thay đổi nào bạn sẽ phải chấp nhận, con đường nào bạn sẽ phải đi…để phát triển bản thân tiệm cận với phiên bản mà mình mong muốn?
Hãy nhớ, Batman dạy cho chúng ta rằng: Ta sinh ra là ai không quan trọng, thậm chí con người bên trong chúng ta hình hài, tính cách là gì cũng không quan trọng (vì dù cho đã định hình hay không, ai cũng sẽ thay đổi theo thời gian và quá trình trưởng thành) mà những hành động ta đã, đang và sẽ làm hàng ngày mới là điều tạo nên con người thực sự của mình.
—
“With great power comes great responsibility”
“Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nặng”
(Spider-Man/Người Nhện)
Mình còn nhớ khi nghe câu thoại này ở rạp chiếu phim “Spider-Man 1” năm 13 tuổi, mình đã co rúm người lại và nghĩ: “Đây là bộ phim siêu anh hùng buồn nhất và thật nhất mà mình từng xem”. Mặc dù mới chỉ là một cô bé, mình hiểu logic: Quyền lực đi kèm với trách nhiệm, mà trách nhiệm đi kèm với việc phải gánh vác, va chạm, chiến đấu cho mình và cho người khác nữa. Mà với một đứa hướng nội như mình, chỉ nghĩ về “người khác” thôi đã khiến mình nghẹt thở. Bởi vậy, ngay thời khắc ấy, tại Rạp Tháng Tám ở Hà Nội, cô bé Chi 13 tuổi đã ra quyết định: “Lớn lên, mình sẽ không bao giờ ở vị trí nắm quyền!”
Thế nhưng, sau này “dòng đời xô đẩy” mình vào những hoàn cảnh buộc phải đứng lên lãnh đạo, hay nói cách khác là nhận quyền lực kèm theo trách nhiệm. Bắt đầu từ việc một tổ chức tình nguyện mình tham gia thời sinh viên cần có người phỏng vấn tình nguyện viên mới, và mình đột ngột chuyển từ một nhân sự bình thường sang người có quyền quyết định ai được vào tổ chức hay không. Ban đầu mình rất ngại ngùng, nhưng sau vài đợt phỏng vấn, mình nhận ra rằng vị trí mới cho mình cơ hội chọn những bạn tình nguyện viên thực sự tâm huyết và mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn (thay vì những lý do cá nhân đơn thuần như “đi chơi cho vui” hay “làm đẹp CV”). Nhờ thế, chất lượng chương trình tình nguyện những năm sau tốt hơn và nhóm tình nguyện viên cũng gắn bó hơn vì có chung mục tiêu và tâm huyết.
Với trải nghiệm ban đầu ấy, mình tiếp tục được “tín nhiệm” vào những vị trí có trách nhiệm/quyền lực cao hơn và nhờ đó, mình học được nhiều bài học về lãnh đạo. Những bài học đó đưa mình tới quyết định học Tiến sĩ ngành Educational Leadership (Lãnh đạo Giáo dục) tại Mỹ—điều mà cô bé Chi năm 13 tuổi có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi.
Ngày nay, khi nắm vị trí lãnh đạo ở nhiều tổ chức (The Present Writer, Lab nghiên cứu, trường đại học), mình thấm thía hơn câu nói: Quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng nặng—đặc biệt với những người sống có đạo đức. Nhưng thay vì nghĩ về quyền lực/trách nhiệm/đạo đức một cách nặng nề, mình nghĩ về khía cạnh tích cực của nó: Khi nắm quyền, mình có thể tạo ra thế giới riêng của mình, với luật chơi riêng của mình, xoay quanh những điều khiến mình và những người mình quan tâm thấy vui và hạnh phúc.
Quyền lực/trách nhiệm có thể gông cùm, xiềng xích nhưng cũng có thể là đôi cánh chắp cho ta sự tự do.
__
“I am Iron Man”
“Tôi là Người Sắt”
(Iron Man/Người Sắt)
[Spoiler] Những giây cuối cùng của bộ phim “Iron Man 1” khiến khán giả sốc đến nhảy dựng khỏi ghế. Đó là khoảnh khắc trong buổi họp báo, trước hàng chục kí giả, Tony Stark thừa nhận: “I am Iron Man” (Tôi là Người Sắt). Điều này đi ngược lại hoàn toàn mô-tuýp cổ điển về Siêu anh hùng giấu mặt trước nay và tạo nên sự thay đổi khủng khiếp trong “Vũ trụ siêu anh hùng” sau này.
Nhưng bạn có biết, không chỉ khán giả mà cả đoàn làm phim cũng sốc đến nhảy dựng lên khi quay cảnh này? Đó là vì lời thoại này vốn không-có-trong-kịch-bản! Diễn viên đóng Tony Stark, Robert Downey Jr (thần tượng của mình từ thập niên 90s 😘) tự biến tấu ra màn thú nhận này ngay trong khi quay. Đạo diễn phim quá thích nên quyết định thay đổi kịch bản và từ đó thay đổi luôn lịch sử điện ảnh với dòng phim Siêu anh hùng “lộ diện”.
Mình thường nghĩ về câu nói này mỗi khi bước lên khán đài, bật máy quay video, hay tham gia buổi phỏng vấn quan trọng. Nếu mình chỉ là Chi (“Just Chi”), mình sẽ rất run khi nói, mình sẽ lo lắng khi nhìn vào những cặp mắt dò xét của khán giả và mình sẽ nghi ngờ bản thân, kiểu như: “Liệu mày có gì đáng nói để người ta nghe hay không mà đòi lên đây?” Nhưng nếu mình là phiên bản siêu anh hùng của Chi (“Super Chi”), mình sẽ tự tin hơn khi nói, mình tin rằng mình có điều gì đó đặc biệt đáng để nghe, đáng để chia sẻ, và đáng để mình tự hào về bản thân. Đặc biệt, sau khi đọc nhiều tiểu sử của người của công chúng như Adele, Oprah, Beyonce… và nhận ra họ đều khoác lên phiên bản “Super” của mình khi lên sân khấu biểu diễn (họ gọi là “nhân cách khác của tôi” hay “phần khác trong tôi”), mình càng tin thêm vào kỹ thuật này.
Mặt trái của việc “lộ diện” phiên bản Siêu anh hùng của mình là [spoiler] cũng như Tony Stark/Iron Man sẽ chịu búa rìu của dư luận và sự tấn công trực diện của kẻ ác, bạn cũng sẽ gặp nhận xét/chỉ trích, thậm chí tấn công từ người khác, kể cả những người thân thiết nhất với mình (ví dụ: “khác thế”, “thay đổi nhiều thế”, “dạn dĩ thế”, “thị trường thế”, “làm màu”, “nói như bán hàng đa cấp”, “nói thì hay lắm, làm được gì chưa?”….). Và cũng như Tony Stark qua các tập phim, bạn sẽ phải ngồi lại xem đâu là lời nhận xét mang tính xây dựng, đâu là chỉ trích tiêu cực một chiều, ai là người mình có thể tin tưởng, ai đang lợi dụng mình, đâu là thiện và đâu là ác… Có những người sẽ hiểu và chấp nhận bạn với cả phiên bản bình thường và phiên bản “super” (bởi vì cả hai cùng là bạn!), có những người sẽ không bao giờ hiểu được điều này và cho rằng thay đổi luôn là điều xấu và con người không thể có nhiều hơn một phiên bản.
Nhưng khi Tony Stark nói: “Tôi là Iron Man”, anh ấy chấp nhận sự tồn tại của hai phiên bản trong con người mình và thực sự tự hào về điều này. Mình thực sự mong chúng ta có được sự tự tin “sắt đá”(như iron 😄) này.
—
Nếu bạn thấy bài học hôm nay thú vị, hãy nhấn trả lời để chia sẻ suy nghĩ của mình hoặc chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
GỢI Ý TUẦN NÀY
1-Phim “The Bucket List”. Bộ phim này mình được giới thiệu tuần trước trong Workshop “Design Your Life” của Coach La Khuê. Nhờ đó, mình mới biết được khái niệm “Bucket list”—Danh sách những điều nhất định phải thực hiện trước khi chết—bắt nguồn từ bộ phim này.
Đây là bộ phim nhẹ nhàng nhưng sâu lắng với hai người đàn ông lớn tuổi có xuất phát điểm khác nhau nhưng cùng bị ung thư và bất đắc dĩ nằm chung một phòng bệnh viện. Ban đầu, hai người không ưa nhau nhưng sau này, với mục tiêu giúp nhau thực hiện “bucket list”, cả hai đã chu du khắp thế giới và hiểu thêm về bản thân, cuộc sống đã qua và cái chết.
2-Sách “The Catcher in the Rye” (Bắt trẻ đồng xanh). Gần đây, mình quyết định đọc sách giả tưởng (fiction) trở lại sau nhiều năm chỉ đọc sách học thuật và phi giả tưởng để tăng khả năng sáng tạo của não bộ (và thành thực, cũng để thư giãn hơn trước khi đi ngủ 😌). Cuốn sách mình đang đọc là bản tiếng Anh của “Bắt trẻ đồng xanh”. Sách viết về trải nghiệm của một cậu con trai 17 tuổi đang trong giai đoạn trưởng thành và có những tư duy “nổi loạn” rất riêng và rất chân thật.
Điều mình thích ngay từ những chương đầu là cách viết từ ngôi thứ nhất, viết theo dòng suy nghĩ của nhân vật chính một cách rất tự nhiên (điều khiến mình tò mò không biết bản dịch tiếng Việt có thể phản ánh được hay không).
3-App MochiMochi: MochiMochi là ứng dụng học từ vựng được rất nhiều bạn trẻ yêu thích với hai bộ môn tiếng Anh và tiếng Nhật. Điểm đặc biệt nhất của app này là được xây dựng theo phương pháp Spaced Repetition (Lặp lại cách quãng) đã được khoa học chứng minh là tốt cho trí nhớ. Ngoài ra, thiết kế app dễ thương, cổ vũ người dùng đăng nhập sử dụng app để học ngoại ngữ.
MochiMochi có ưu đãi riêng dành cho cộng đồng The Present Writer: Giảm giá 30% cho cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
4- Khóa học từ Coach La Khuê.Nếu bạn muốn học từ “thầy” của mình thì chị La Khuê (Business Coach của Chi) mở Khóa học “Diamond Time Secret” vào đầu mỗi tháng cho các bạn muốn rèn luyện, tu tập những thói quen tốt để rèn thân-tâm-trí hàng ngày. Riêng trong ngày 30 & 31/3 tới đây, chị La Khuê có mở Chương trình “Personal Branding Bootcamp” dành cho những ai muốn xây dựng thương hiệu cá nhân từ gốc và tạo kênh thu nhập mới cho mình.
Mình đã tham gia coach với chị La Khuê từ năm 2022, khi mình mới bước vào con đường kinh doanh nghiêm túc và chị Khuê đã giúp mình chuyển hóa tư tưởng sâu sắc và xây dựng thương hiệu The Present Writer như ngày nay.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
Video – Những điều nhất thiết cần làm trong 4 NĂM ĐẠI HỌC (từ một Giảng viên). Chúng ta đã nghe rất nhiều lời khuyên về việc học đại học, nhưng ít khi những lời khuyên đó được phân tách ra từng năm học cụ thể; mà trong thực tế, khoảng cách giữa năm nhất, năm hai và năm ba, năm tư rất lớn. Do vậy trong video này, mình chia sẻ góc nhìn của mình (một giảng viên tại Mỹ) về những điều sinh viên nên làm trong từng năm học.
🎤 Podcast – Tư duy thiếu và tư duy thừa. Tiếp nối tập Podcast trước về Tư duy chống thiếu (Anti-deficit), tập Podcast này tiếp tục phát triển và bàn về một dòng tư duy tích cực khác: Tư duy thịnh vượng (Abundance Mindset). Tư duy thịnh vượng khác gì so với Tư duy khan hiếm (Scarcity Mindset)? Tại sao ta cần học Tư duy thịnh vượng để giải phóng bản thân, vượt lên nỗi sợ và tự tin nắm lấy cơ hội mới?
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email