Cách đây gần 2 năm, tôi từng đăng bài viết giới thiệu journaling (ghi chép cá nhân) như một phương pháp rèn luyện tư duy tích cực. Vào thời điểm đó, tôi đã thực hành journaling được hơn 1 năm, vậy là tính đến nay đã 3 năm tròn tôi viết cho mình, viết cho một mục đích duy nhất: giải tỏa bản thân. Trong các hình thức journaling, tôi vẫn thích nhất Morning Pages (những trang viết buổi sáng)—một “bài tập” viết tự do, viết không câu nệ văn vẻ, ngữ pháp, chính tả, viết để trút hết suy nghĩ trong đầu mình xuống 3 trang giấy vào mỗi sáng. (Ý tưởng làm blog này được hình thành chính trong một buổi viết Morning Pages như thế!). Và hình như bạn đọc blog và “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” cũng thích phương pháp này vì thường xuyên, tôi nhận được tin nhắn của mọi người “khoe” là đã viết Morning Pages được một thời gian dài (từ 3 tuần đến 1 năm hoặc hơn). Đôi khi, tôi còn may mắn được đọc trang viết của các bạn qua hình chụp gửi tới inbox, email. Điều này làm tôi rất vui bởi vì hơn ai hết, tôi hiểu rằng viết lách suông thôi vốn đã khó rồi, mà hình thành được thói quen viết đều đặn những 3 trang/ngày lại là điều khó hơn nữa. Vậy mà rất nhiều bạn đã chứng minh thực tế rằng thói quen này hoàn toàn có thể tạo lập được và ảnh hưởng tích cực của nó đủ lớn để tiếp tục duy trì tới hàng năm trời.
Nhưng bên cạnh đó, những năm qua, tôi cũng nhận được nhiều câu hỏi và chia sẻ băn khoăn về journaling. Đa phần mọi người chưa thực sự hiểu journaling là gì, không biết bắt đầu như thế nào, không chắc nó có phù hợp với mình không, sợ rằng mình không đủ thời gian, kiên nhẫn, sức viết để theo đuổi journaling, và nhất là, không chắc lợi ích của journaling đủ để mình dành thời gian và tâm sức viết mỗi ngày. Bởi vậy, thông qua bài viết này, tôi muốn dùng kinh nghiệm 3 năm journaling của mình để trả lời những câu hỏi thường gặp nhất của mọi người về journaling và về cách tôi viết journal. Hy vọng bài viết này sẽ làm sáng tỏ phương pháp journaling, khuyến khích những ai chưa bắt đầu có thể thử nghiệm ngay phương pháp này và những ai đã viết rồi có thêm động lực để viết tiếp.
===
Journaling, nói một cách đơn giản nhất
Journaling là gì?
Journaling là một hình thức ghi chép cá nhân, gần như nhật ký. Nhưng hơn cả nhật ký, journaling không chỉ ghi lại những sự kiện xảy ra trong ngày mà tập trung vào suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của con người ngay tại thời điểm viết. Người viết có thể thả hồn vào suy nghĩ những gì mình băn khoăn trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai; có thể viết về bất cứ thứ gì và ở bất kể hình thức nào. Bởi thế, đa phần mọi người tìm đến journaling để giải tỏa bản thân khỏi chính những suy nghĩ rối ren của mình.
Tưởng tượng như não bộ con người là một cái thùng chứa, khi có quá nhiều suy nghĩ, lo âu mà chưa được giải quyết triệt để, chiếc thùng này sẽ ngày một đầy, dần dần trở nên quá tải. Một khi đã quá tải rồi thì con người sẽ rất mệt mỏi, nảy sinh nhiều suy nghĩ tiêu cực, đầu óc không còn được tập trung, minh mẫn nữa. Nhưng điều nguy hiểm nhất là, đa phần chúng ta không hề biết não bộ của mình đang bị quá tải, mà phải đến khi qua một thời gian dài tăm tối, xảy ra nhiều việc không được như mong muốn thì mới nhìn lại bản thân—lúc đó đã quá muộn! Bởi vậy, journaling hàng ngày là một biện pháp tốt để trút xuống những suy nghĩ, lo toan trong đầu; mỗi ngày một chút, một chút thôi cũng khiến đầu óc được minh mẫn, thông thoáng hơn nhiều. Qua journaling, ta cũng hiểu hơn về chính mình, biết được lúc nào đang lo lắng thái quá để tìm cách tháo gỡ ngay khi chưa bị bùng phát.
Đối tượng nào nên thực hành journaling?
Journaling tốt nhất cho những ai hay có nhiều suy nghĩ, lo âu, nhạy cảm, nhưng ngại chia sẻ với người khác. Với đối tượng này, journaling là cách họ tự đối thoại để tư vấn tâm lý cho chính mình, an ủi bản thân, và hướng tâm trí đến những nơi tích cực, sáng sủa hơn. Những ai hay lo âu, trầm cảm mà chưa có điều kiện đến gặp bác sĩ tâm lý thì rất nên thử journaling trước ở nhà xem mình có thể hiểu được bản thân đang nghĩ gì và có giải pháp nào để cảm thấy khá hơn được không, trước khi tìm đến sự trợ giúp bên ngoài.
Điểm mạnh và yếu của journaling?
Điểm mạnh nhất của journaling là nó tận dụng được năng lượng nội tại để phục vụ cho bản thân. Ví dụ, thay vì phải đợi đến tác động từ bên ngoài để giải tỏa stress (như có người tâm sự, tiền đi mua sắm, điều kiện du lịch giải trí…) thì hàng ngày ta cũng có thể tự đối thoại với chính mình qua journaling. Journaling đặc biệt có khả năng giúp ta hiểu hơn về bản thân, gợi ý những giải pháp gỡ rối, và đưa ra các ý tưởng sáng tạo vốn ẩn đâu đó trong đầu mà giờ mới có thể chạm tới.
***Có một thời gian sau khi viết journaling đều đặn hàng ngày, tôi nhận ra mình là một người không quyết đoán! Điều này thể hiện qua việc mỗi câu tôi viết hay bắt đầu bằng đầu bằng “I think” (Mình nghĩ), “I’ll try” (Mình sẽ cố gắng) hoặc “I should” (Mình nên) rồi sau đó mới tới những hành động tôi cần thực hiện. Theo phân tích cá nhân, đây là một biểu hiện của sự rụt rè, chần chừ ngay cả trong suy nghĩ (với chính mình). Phát hiện ra điểm yếu này, tôi chủ động gạch đi mỗi lần mình viết đầu câu như thế, và thay bằng cụm từ quyết đoán hơn như “I will” (Mình sẽ). Sau một thời gian thay đổi cách viết, tôi nhận thấy suy nghĩ và hành động trong thực tế cũng trở nên tự tin, quyết đoán, mạnh mẽ hơn nhiều so với trước đây. Đối với tôi, đây là cái được lớn nhất kể từ ngày làm journaling.
Điểm yếu của journaling là nó yêu cầu người viết phải thường xuyên đào sâu vào tâm trí của mình, nếu không, các trang viết sẽ trở nên buồn chán, nhạt nhòa như nhật ký thông thường, khiến người viết mất đi hứng thú để duy trì journaling. Thực tế, không phải ai cũng đủ dũng cảm để đào sâu vào tâm trí mình hàng ngày, kể cả khi không chịu sự phán xét từ bên ngoài. Vì journaling là tâm sự của bản thân nên nó mang tính chủ quan rất cao; nếu ta có suy nghĩ nào sai lệch thì khi viết, chưa chắc ta đã nhận ra được sự sai lệch này, có khi còn làm nó sai nhiều hơn nữa. Bởi thế, journaling không phải là “cây đũa thần” để giải tỏa mọi suy tư và cho ta ngay giải pháp cuộc sống. Sẽ có những thời điểm, ta phải ra khỏi vỏ ốc của mình, gấp lại cuốn sổ journaling để tâm sự với một ai đó về những gì mình đang băn khoăn. Chia sẻ với người ngoài sẽ giúp ta có thêm nhận định khách quan và ý tưởng mới cho vấn đề của mình.
***Cá nhân tôi tìm đến journaling như một hình thức giải tỏa tâm lý, gần như một liệu pháp tự trị liệu cho mình. Nhưng có những thời điểm, journaling không thể giúp cho tôi thoát ra khỏi hố đen trong suy nghĩ của mình và đó là khi tôi biết mình cần tìm đến bác sĩ/chuyên gia tư vấn tâm lý (ví dụ như trong “Một chuyến phiêu lưu của tâm hồn”).
===
Journaling & Chi
Quá trình viết mỗi ngày của Chi như thế nào?
Tôi thường viết vào buổi sáng trước khi bắt đầu làm việc và viết trong một không gian riêng tư, khi tôi ngồi một mình. Có những buổi sáng quá bận rộn hoặc không có không gian lý tưởng để viết, tôi mang theo sổ và viết vào thời gian sau đó trong ngày, có thể là buổi trưa hoặc chiều. Tôi viết bằng tiếng Anh vì đó là ngôn ngữ mà tôi tư duy và trò chuyện với bản thân. Bạn có thể viết với bất cứ ngôn ngữ nào. Tôi viết tay vì tôi cảm thấy tự do và thành thật với bản thân hơn, nhưng bạn có thể đánh máy nếu đây không phải vấn đề của bạn. Như đã kể phía trên, tôi thích viết Morning Pages nên “khoán” cho bản thân 3 trang tự do mỗi ngày. Thời gian tôi thường hoàn thành 3 trang này là khoảng 15-30 phút, tùy độ tập trung và độ khó trong diễn đạt. Những ngày nhiều tâm sự, tôi có thể dành thêm thời gian viết dài hơn nữa.
Không phải ai cũng có đủ thời giờ viết hàng ngày. Chi tìm đâu ra thời gian để viết?
Tôi không “tìm” thời gian để viết, tôi tạo ra thời gian. Mọi người ai cũng nói là thiếu thời gian nhưng người nào cũng có 24 giờ trong ngày, một bộ óc, hai tay, hai chân như nhau cả. Điểm khác biệt, theo tôi, là bạn có đặt ưu tiên cho bản thân mình không mà thôi. Nếu bạn cho rằng journaling đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của bạn, giúp bạn sống tốt hơn, bạn ắt sẽ tìm được thời gian cho mình. Lý tưởng nhất đối với tôi là viết vào buổi sáng yên tĩnh; nhưng có nhiều ngày, tôi cũng phải tranh thủ viết vào buổi trưa, viết trong giờ nghỉ, viết ngoài ghế đá, viết khi chờ xe buýt…
Làm sao Chi duy trì được việc viết Morning Pages đều đặn mỗi ngày?
Bản thân tôi cũng KHÔNG viết được đều đặn cả 365 ngày trong năm. Có những ngày tôi quên không viết, để quên sổ ở nhà, không có không gian viết…— điều này là vô cùng bình thường. Không ai có thể làm gì hoàn hảo tuyệt đối, đặc biệt với một thói quen khó như viết lách. Có một thời kỳ tôi còn bỏ bẵng đi việc viết Morning Pages vài tuần, thậm chí cả tháng trời bởi vì tôi đi công tác, di chuyển quá nhiều; hay lần gần đây nhất, khi tôi bị ốm nghén (!). Nhưng thường khi tôi về nhà sau chuyến đi dài ngày, cảm thấy sức khỏe tốt hơn, có không gian viết lý tưởng hơn, tôi quay lại viết ngay lập tức. Những thời điểm như thế, tôi thường thiết kế một buổi viết tự do, không giới hạn số trang, chủ đề, ngày tháng… để trút xuống mọi suy nghĩ dồn nén trong đầu qua một thời gian dài.
Một hành động nhỏ tôi thường làm để nhắc bản thân viết đều đặn là để cuốn sổ chuyên cho Morning Pages trên mặt bàn hoặc nơi nào đó mà tôi nhất định phải lui tới mỗi sáng để chắc chắn thấy nó. Sau một thời gian, khi đã hình thành thói quen, mỗi khi ngủ dậy tôi lại lật đật đi tìm cuốn sổ. Khi ấy, tôi cảm thấy mình có nhu cầu bức bối để “xả” xuống những suy nghĩ rối ren trong đầu mình ngay lập tức, để cho ngày mới được bắt đầu thông thoáng, sáng sủa, và tích cực.
Chi có đọc lại những gì mình viết không?
Thông thường, tôi không đọc lại những gì mình đã viết. Đối với tôi, journaling như một hình thức trút xuống suy nghĩ còn thô nguyên, chưa thành hình, lộn xộn. Tôi cảm thấy nếu mình có ý định đọc lại thì sẽ tạo áp lực cho bản thân viết chau chuốt, dễ hiểu hơn, và vì thế, có thể mất đi tính thành thật quan trọng của journaling. Tuy nhiên, thi thoảng, tôi cũng xem lại một vài trang viết trong những thời điểm đặc biệt của cuộc sống—lúc này, journaling có chức năng gần như nhật ký. Đọc lại những trang viết này khá thú vị vì chúng thường làm tôi nhận ra rằng có những điều mình lo lắng vô cùng ở quá khứ hóa ra lại nhỏ bé, chẳng đáng là gì khi nhìn lại.
===
Journaling & Bạn
Nhỡ ai đó đọc được những gì thầm kín mình viết thì sao?
Bản thân tôi cũng rất ghét hành động tọc mạch vào đời tư của người khác, nhất là việc đọc trộm nhật ký, nên đây cũng là điều tôi từng băn khoăn khi bắt đầu journaling. Nhưng sau này, càng viết nhiều, tôi càng nhận ra rằng vì journaling là hành trình tích cực của tâm hồn, là tôi đưa chính bản thân mình đến nơi tươi sáng, đẹp đẽ hơn nên những gì tôi viết ra thường đi vào tâm lý tích cực, thay vì sa đà đổ lỗi cho người này, nói xấu người kia—những điều mà có thể gây ra hiểu lầm, sóng gió nếu người ngoài đọc được. Tôi hay tưởng tượng rằng nếu ai đó tình cờ cầm đọc cuốn journal của mình thì họ cũng thấy hình ảnh một cô gái bình thường, có nhiều khiếm khuyết nhưng nghị lực, cố gắng tìm hiểu và thay đổi bản thân cho tốt hơn mỗi ngày. Và điều này thì chẳng có gì đáng xấu hổ hay cần phải che giấu cả.
Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy không an toàn khi viết, bạn có thể viết trên máy tính với mật khẩu hoặc cất riêng cuốn sổ journaling ở nơi không ai biết ngoài bạn. Nhưng tốt hơn cả là nên ở bên những người tôn trọng quyền riêng tư và cá nhân của bạn để chuyện bị người khác đọc trộm ngoài ý muốn sẽ không xảy ra.
Tại sao journaling với mình không thực sự hiệu quả như với người khác?
Cũng như mọi hình thức giải tỏa tâm lý, journaling có thể hợp với người này mà không hợp với người kia. Nếu journaling không dành cho bạn, không sao cả! Bạn có thể tìm đến những hình thức giải tỏa khác như trò chuyện với người thân, bạn bè, tham khảo chuyên gia tâm lý; hoặc tìm thú vui, sở thích nào khác mà mình có thể thư giãn đầu óc khi làm.
Mình không giỏi viết lách, có nên thử journaling?
Tại sao không? Vì journaling là viết để cho mình, viết tự do, không câu nệ chính tả, câu cú, không có ai “chấm điểm” cả thì không có lý do gì để không thử một lần. Một số bạn đọc blog từng gửi tin nhắn cho tôi nói rằng bạn làm journaling không phải để viết tốt hơn mà để học cách sắp xếp suy nghĩ tốt hơn, logic trong đầu hay luyện cách diễn đạt bằng ngôn từ, lời nói dễ hiểu hơn cho người ngoài (vì họ không đọc được suy nghĩ của mình). Có rất nhiều lý do, ngoài viết lách, để bắt đầu journaling.
Lời khuyên nào cho người mới bắt đầu?
Cái gì khi mới bắt đầu cũng rất khó khăn. Lời khuyên của tôi là kiên nhẫn thử nghiệm journaling trong ít nhất 3 tuần. Nếu sau 3 tuần, bạn cảm thấy không phù hợp thì hoàn toàn có thể từ bỏ và thử sang phương pháp khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi bạn không làm journaling hàng ngày, đây vẫn là một kỹ năng cần biết để khi gặp hoàn cảnh khó khăn, bức bối vẫn có thể tự giải tỏa tâm lý cho bản thân (bằng cách đối thoại trực tiếp với chính mình). Bất cứ phương pháp nào tận dụng được năng lực nội tại để bảo vệ bản thân trong tình huống thử thách đều là quý giá, liên quan mật thiết tới sự sinh tồn và phát triển của con người. Bởi vậy, hãy cứ xem journaling như một bài tập để giải tỏa bản thân, rèn luyện tư duy tích cực, và tự bảo vệ mình khỏi những tổn hại về tâm lý không đáng có sau này.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Lan says
Cảm ơn Chi về bài viết này. Đúng thật là khi một điều gì đó quan trọng cho bản thân, thì mình nên “tạo” thời gian để thực hiện. Mấy bữa nay L cũng đang đọc cuốn sách The 12 Week Year để học cách phân chia thời gian cho đạt được mục tiêu. L chưa thử Morning pages nhưng L sẽ thử 🙂
Chi Nguyễn says
Cuốn sách nghe tên thú vị quá! Chi nghĩ Lan sẽ rất thích journaling
Vân Anh says
Chị rất cảm ơn Chi vì nhờ có Chi chị đã biết tới Morning Pages và nhờ có Morning Pages rất nhiều vấn đề của chị đã được giải toả tích cực.
Chị viết Morning Pages bằng tiếng Anh vào sáng sớm. Tuy nhiên chị thường cần tới 60 phút để hoàn thành 3 trang viết này. Có lần chị cũng thử với tiếng Việt thì thời gian cũng như vậy. Do đó chị không duy trì viết Morning Pages thường xuyên hàng ngày được. Tuy nhiên, khi tâm trạng bắt đầu có những dấu hiệu không ổn là chị luôn ưu tiên dành 60 phút để viết Morning Pages cho tới khi mọi việc ổn thoả.
Ngoài ra khi viết Morning Pages thì chị không đọc lại, nhưng chị có một cuốn sổ tay nhỏ ngay cạnh, và note lại thật nhanh những ý tưởng giải quyết vấn đề xuất hiện trong quá trình viết Morning Pages. Chị hành động theo chính những ý tưởng này để giải quyết vấn đề của mình.
Morning Pages luôn hiệu quả đối với chị.
Một lần nữa cảm ơn em!
Chi Nguyễn says
Em cũng cảm ơn chị đã theo dõi blog từ những bài đầu tiên em viết về tư duy tích cực và Morning Pages. Em thấy cách làm của chị rất hay, tức là khi thấy có dấu hiệu là não bộ của mình đã bắt đầu quá tải thì dùng Morning Pages/journaling để giải tỏa. Em rất vui khi biết những trang viết này có ích cho chị <3
Anh Tim says
Chị là người đã cho em cảm hứng để bắt đầu viết, nhiều lúc em cảm thấy bế tắc và mệt mọi nó đã giúp em rất nhiều.Viết giúp em giải tỏa cảm xúc ra bên ngoài, viết còn giúp em bình tâm lại và suy nghĩ tích cực hơn khi đã trút đc mọi thứ trong đầu ra những dòng chữ.Và viết còn giúp em nâng cao tiếng anh nữa vì em củng đang tập viết bằng tiếng anh.Cảm ơn chị rất nhiều!!
Chi Nguyễn says
Chị rất vui vì em thích viết và có cảm hứng viết qua blog. Chị cũng thấy viết tiếng Anh tự do (kiểu không bị ai kè kè chấm lỗi, sửa chữa) giúp mình tư duy tiếng Anh tốt hơn; sau này tư duy tốt rồi viết có ý mình sẽ sửa thêm ngữ pháp, chọn từ … cho chau chuốt hơn.
Miu says
Hi Chi, mình thỉnh thoảng vào đọc trang của Chi, cũng rút ra được nhiều điều hữu ích, cảm ơn bạn vì đã chia sẻ nhiều.
Về Morning journal mình có viết không thường xuyên, sau khi biết về MJ qua blog Lavenderaire. Đúng như Chi nói, sau một thời gian viết mình mới nhận ra, mình thường bắt đầu các trang viết của mình (cũng như đầu ngày mới) bằng cách liệt kê các khuyết điểm hay sai lầm của mình ngày hôm trước, dẫn đến tinh thần của cái ngày đó rất tệ. Sau này mình tự ý thức việc đó và đổi thành liệt kê các điểm tốt, những việc mình đã làm tốt ngày hôm trước và sau đó thái độ của mình với ngày mới khác hẳn. Mình cũng đồng ý morning pages không phải là nhật ký, nó giúp mình hệ thống suy nghĩ và giải tỏa tâm trí tốt hơn.
Một mẹo nhỏ là mọi người nên thử mua các loại sổ có ghi sẵn ngày tháng ^^, mình nhìn lại sổ sẽ thấy mình viết ngày nào, để trống ngày nào (nếu muốn đọc lại).
Thanks Chi lần nữa nhé.
Van says
Cám ơn bài viết của chị nhiều ạ. Bình thường khi nào stress quá e mới viết, và thấy nó giải tỏa thực sự cho tâm hồn mình, giúp mình bình tâm hơn, suy nghĩ rõ ràng và giải quyết đc vấn đề. Đôi lúc em cảm thấy mình ko sắp xếp dc thời gian để viết, ng cứ thấy bận bận, nhà có 2 vc, 2 con nhỏ. Bài viết đã truyền cho em nhiều động lực, em sẽ tập để rèn đc thói quen viết hàng ngày a
Emma says
Hi chị Chi,
Em biết đến chị Chi cách đây 3 năm khi tình cờ mua cuốn sách về chủ nghĩa tối giản. Em có đọc và thực hành được chút ít, em cũng thường xuyên ngẫm nghĩ về tư tưởng mà chị truyền tài trong cuốn sách.
Chỉ mới gần đây, khi em cảm thấy bản thân mình rất không ổn, mình cần tìm phương pháp, lời giải hay bất cứ thứ gì có thể giúp mình. Em tìm và bỗng gặp và ở lại các kênh của chị rất lâu, Youtube, Podcast. Thực sự là lần đầu tiên em cảm thấy yên như vậy khi nghe 1 Youtuber chia sẻ, nói chuyện. Những câu chuyện của em không hoàn toàn giống những câu chuyện chị kể. Nhưng phần nào em thấy được mình trong những câu chuyện đó. Về những hiện tượng tâm lí em đang có, em tưởng mình có vấn đề bất thường và không giống ai (thực ra thì đúng là ko giống ai, nhưng ý em là em tưởng em hoàn toàn cô đơn và kiệt quệ trong hành trình đi tìm sự an yên cho tâm trí của mình. Tìm được kênh của chị giống như tìm được 1 “khu vườn xanh mát” thực sự. Nơi mà em có thể ghé đọc, nghe mỗi lần bận tâm và lo lắng.
Về bài Journaling này, thực sự đúng là liều thuốc em cần cho hiện tại (em thấy e đã bắt đầu thực hành ngay khi em quyết định viết comment cho bài này, vì vốn em lâu nay rất sợ ai đó biết mình đang gặp vấn đề, chứ ko hề “nhìn” hạnh phúc như những hình ảnh em show ra trên mạng xã hội), em thấy đúng là trí não của em đang liên tục trào, em chỉ đổ đi phần phía trên như 1 hình thức tạm bợ, mà ko chịu khó đào sâu, làm mới.
Vậy em sẽ cố gắng tích cực viết hơn vào ngày mai.
Cảm ơn chị Chi rất nhiều, vì tâm hồn và những bài viết giản dị ấm áp của chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị rất thích journaling và có thể không viết đều mọi ngày nhưng mỗi lúc chị thấy chống chếnh, journaling thực sự là cứu cánh cho tâm hồn
Nam Dao says
Dear chị Chị,
Cám ơn bài viết của chị Chi. Em có 2 thắc mắc là:
1. Nhất định phải viết được 3 trang ạ? Hay bao nhiêu cũng được ạ?
2. Trang ở đây là trang giấy A4 ạ? Vì có những cuốn sổ có khổ nhỏ hơn A4. Cá nhân em thì thích viết trên laptop, nên em ko rõ trang ở đây được định nghĩa theo khổ nào.
Chúc chị Chị ngày tốt lành 😀
Thu Hà says
Chi ơi, mình muốn hỏi về việc lưu trữ journaling viết bằng sổ hoặc giấy. Nếu mỗi ngày mình đều viết journaling thì khối lượng sổ sẽ rất nhiều sau bao nhiêu năm, những cuốn sổ ấy mình hiếm khi đọc lại, và cũng không muốn ai đọc, diện tích nhà mình cũng nhỏ nên cần tối ưu… vậy mình sẽ nên lưu trữ thế nào cho hợp lí Chi nhỉ. Nhờ Chi cho mình xin lời khuyên nhé ☺️
Chi Nguyễn says
Do nhu cầu công việc (viết lách) nên Chi lưu trữ lại để làm tư liệu sau này. Nhưng nếu bạn không có điều kiện và nhu cầu thì có thể bỏ đi hoặc chuyển sang các loại hình viết điện tử nhé
Thu Hà says
Journaling ở đây ý mình muốn nói tới Morning Pages (nên mới ko đọc lại), đừng hiểu lầm nha ☺️😊
(Câu hỏi của mình về việc lưu trữ rất nhiều cuốn sổ)