Rồi sao?
Hơn 10 năm trước, khi còn là sinh viên và đi dạy thêm ở một trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam, công việc chính của tôi là giúp học viên thực hành phần thi Nói của IELTS dưới hình thức phỏng vấn.
Ngày nọ, một anh thanh niên cao gầy—khi đó vừa bỏ học một trường đại học tư về công nghệ thông tin và đang luyện thi IELTS để hoàn thành hồ sơ hướng dẫn viên du lịch—bước vào lớp của tôi. “Hello teacher!” (Chào cô giáo!)—Anh ấy bắt đầu ngượng nghịu, có lẽ nhận ra tôi trẻ hơn anh ấy vài tuổi.
Và cuộc nói chuyện của chúng tôi bắt đầu…
(dịch từ tiếng Anh)
“Tại sao anh quyết định nghỉ học công nghệ thông tin?”—Tôi hỏi sau khi nghe anh ấy giới thiệu về bản thân.
“Học được được gần hết năm đầu thì tôi thấy nản vì điểm thấp và mất động lực. Muốn học giỏi công nghệ thông tin cần có năng khiếu kỹ thuật và đam mê công nghệ. Tôi thích chơi điện tử từ nhỏ, nhưng hóa ra đó không đủ để học về máy tính”—Anh ấy phân trần.
“Vậy ước mơ lớn nhất của anh là gì?”—Tôi hỏi.
“Tôi muốn mở doanh nghiệp kinh doanh một cái gì đó. Cô biết đấy, người Việt có câu: Phi thương bất phú“—Anh ấy đáp—”À nhưng mà, tôi nghĩ sẽ chẳng làm được đâu!”
“Ủa? Tại sao vậy?”—Tôi bất ngờ sau cú “quay xe” đột ngột cuối câu trả lời của anh ấy.
“Kinh doanh thì phải có vốn. Tôi không có vốn và gia đình cũng không có điều kiện để dựa vào hay vay mượn ai cả. Nói chung tôi thấy những người làm kinh doanh đều phải có nhiều tiền sẵn, có quyền lực chống lưng rồi mới làm nên”—Anh ấy bắt đầu than thở về những vấn đề bất công trong xã hội, người giàu-kẻ nghèo, cơ hội không công bằng…cho những người như anh ấy.
Ngồi nghe một hồi, tôi chỉ chực bật lên một câu nửa Việt nửa Anh: “Rồi sao? What can you do about it?” (Rồi sao? Anh có thể làm điều gì để giải quyết vấn đề đó?). Nhưng rồi, chợt nhận ra rằng vị trí của mình là giáo viên tiếng Anh với nhiệm vụ góp ý về ngôn ngữ chứ không phải về lối sống, không muốn người ta nghĩ mình “dạy đời”, tôi ghìm lại, im lặng.
Tôi vẫn như in nhớ cuộc trò chuyện ngày hôm đó vì nó đưa đến cho tôi một cảm giác “ngột ngạt” đến kỳ lạ, mà lúc đó, tôi chưa thể cắt nghĩa được tại sao.
Bẵng đi một thập kỷ, người thanh niên và “cô giáo” năm nào đều đã ở tuổi 30+, đều có gia đình và trải qua nhiều công việc. Anh ấy tình cờ kết hôn với một người bạn học cũ của tôi nên chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ bạn bè và thỉnh thoảng liên lạc với nhau.
Gần đây, anh ấy nhắn cho tôi hỏi về cách kiếm thêm thu nhập, bởi COVID đã khiến anh ấy mất việc hướng dẫn viên và bán hàng cho khách Tây ở phố cổ Hà Nội. Một năm trở lại đây, anh ấy túc tắc chạy xe giao gas và nước ngọt cho các tiệm bán đồ ăn quanh thành phố, kiếm khoảng 3-5 triệu/tháng. Vợ anh ấy (bạn tôi) may mắn vẫn có việc nhưng không thấm vào đâu với việc nuôi hai đứa con đang tuổi đi học.
“Cô giáo”—Anh ấy vẫn quen cách gọi ngày xưa—”Chỉ cho anh cách kiếm tiền trên mạng đi, anh chán lăn lưng ra đường cả ngày lắm rồi. Nhưng đừng nói là viết blog như cô nhé, anh ngại viết lắm!”
“Anh có muốn thử bán hàng online không? Bạn em có đứa cần tuyển cộng tác viên bán online mà không cần vốn”—Tôi nói.
“Thôi cô ơi. Anh không có lượng tương tác lớn trên Facebook, bán hàng thì ai mua? Mà mấy hình thức online cộng tác đó anh còn lạ gì, bán theo order thì tất nhiên không cần vốn”—Anh ấy trả lời.
“Hay anh bán bảo hiểm? Em thấy chị A. bạn chung của mình mới đăng tuyển kìa”—Tôi gợi ý.
“Thôi cô ơi. A. nó cũng nói với anh rồi. Nhưng anh không bán bảo hiểm kiểu chèo kéo người thân này kia, ép doanh số đâu”—Anh ấy từ chối.
“Hay anh làm YouTube? Em thấy mấy video quay phim cách làm đồ ăn ở nhà hàng nhiều người xem lắm, anh đi giao hàng quen với chủ tiệm rồi thì chắc họ sẽ dễ cho mình quay hơn. Đợi xíu em gửi mấy video này em thấy họ làm dễ lắm nè…”—Tôi nói, đoạn bỏ hết công việc đang làm dở để tìm đường link video mẫu gửi cho anh ấy.
“Thôi cô ơi”—Anh ấy nhắn gần như ngay lập tức sau khi thấy đường link—”Cái này Việt Nam nhiều người làm rồi, mà phải có chiêu trò câu view mới có nhiều người xem, anh không làm được trò đó đâu!”
“Em làm YouTube có chiêu trò câu view gì đâu mà vẫn ok đó anh. Mà anh bào người nào ở Việt Nam làm cái này, em đã thấy mấy ai làm đâu ạ?”—Tôi hỏi lại.
“Thì YouTuber XXX, YYY, ZZZ đó thôi!”—Anh ấy nhắn.
“Ủa, mấy người đó họ làm khác hẳn mà anh. Cái này kiểu khác mà!”—Tôi ngạc nhiên.
“À thì… Anh chưa xem link cô gửi”—Anh ấy thú thật.
“…”— Tôi thực sự không còn điều gì để nói—”Vâng, vậy anh cứ xem và tham khảo thêm. Nói chuyện sau anh nhé”
Im ắng một vài tháng, anh ấy bất chợt gọi điện cho tôi, khẩn khoản nhờ tôi nói chuyện hộ với vợ anh ấy. Hai vợ chồng giận nhau đã hơn một tuần.
Và cuộc nói chuyện đó diễn ra như thế này:
“Vợ anh nó nói anh là kiểu người thiếu quyết tâm với không có chí tiến thủ cô ạ”—Anh ấy nói.
“Dạ”—Tôi đáp.
“Anh cũng thấy có lẽ đúng vì anh hay bỏ cuộc dễ dàng khi thấy khó. Với lại hơi lười”
“Dạ”
“Mẹ vợ anh thì cũng đang giận anh vì mấy lần bà ấy nhờ người quen giới thiệu chỗ làm nhưng anh không đi phỏng vấn”
“Dạ?”
“Tại anh thấy mấy chỗ ấy cũng không phải hay ho gì lắm, lương thì thấp mà giờ giấc lại bó hẹp, thế mà cũng đòi hỏi phỏng vấn với thi tuyển mấy vòng liền cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt”
“….”
“Không biết bên Mỹ chỗ cô Chi thì thế nào chứ ở Việt Nam giờ, từ ngày dịch dã lại càng thấy đúng là thằng nào nhà có điều kiện, có mối quan hệ thì mở mắt ra là có việc ngay. Như thằng V. cùng học lớp tiếng Anh ngày trước với cô Chi đấy, nó đang làm kỹ sư công trình bên Trung Quốc mà vì COVID, nó về Việt Nam là được ông bô xin chân dạy học ở trường ngay. Anh thân cô thế cô, một nách hai con, vợ với mẹ vợ suốt ngày áp lực nói đi chỗ này chỗ kia thi tuyển mà có thấy cơ hội nào ra hồn đâu…”
“RỒI SAO? WHAT CAN YOU DO ABOUT IT?!!!”
Lần này tôi không thể kiềm chế được nữa, ngắt lời anh để thốt ra chính cái câu mà tôi đã muốn nói hơn 10 năm trước.
What can you do about it?
Là một người làm giáo dục, điều tôi mong mỏi nhất là giúp được cho học trò hoặc ai đó thay đổi cuộc sống một cách tích cực. Và hàng ngày, tôi nhận không biết bao tin nhắn, email, cuộc gọi trên mạng chỉ xoay quanh vấn đề: Làm sao để thành công? (trong học tập, công việc, tiền bạc, quan hệ xã hội…)
Nhưng sau nhiều năm làm nghề giáo (và cả “influencer” trên mạng, nếu coi đây là một cái nghề), tôi nhận ra rằng: Không lời khuyên nào có thể giúp được bất cứ ai, nếu bản thân họ không tự muốn thay đổi. Rất nhiều lần, tôi bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian và tâm huyết để giúp người khác nhưng cái nhận lại chỉ là sự thờ ơ, dửng dưng, hững hờ. Tôi cảm thấy dường như tôi muốn họ thành công hơn cả chính họ muốn mình thành công.
Ai cũng biết xã hội là bất công, có rất nhiều thứ phải có tiền, có quyền, có mối quan hệ thì mới có thể đi được đến đích nhanh chóng. Nhưng tôi có thể khẳng định với bạn rằng, đó không phải là 100% mọi trường hợp. Mà kể cả có là 100% mọi trường hợp đi chăng nữa, bạn có thể làm gì ngoài việc ở đó và than vãn?
Nếu phải “là con ông cháu cha” mới kiếm được những vị trí “việc nhàn lương cao”, liệu ta có thể chấp nhận làm việc vất vả hơn lúc ban đầu, tiền kiếm được ít hơn nhưng ta nỗ lực gấp 2 lần, 3 lần “con nhà người ta” ấy để dần đạt được vị trí như họ hay không? Nếu phải có tiền vốn lớn để kinh doanh mới thu hồi lợi nhuận lớn, liệu ta có thể tiết kiệm ra một khoản nhỏ để kinh doanh online quay vòng vốn, dạy học, hay dùng những kỹ năng mình sẵn có để tăng thu nhập, tích cóp kinh doanh lớn hơn sau này? Nếu cơ hội hiện ra trước mắt ta chưa được như ta kỳ vọng, liệu ta có thể ít nhất thử nắm lấy nó xem nó dẫn mình tới đâu, biết đâu cơ hội nhỏ ấy lại là bước đi tiên quyết để tiến tới cơ hội mà ta mong ước?
Đừng bao giờ tự mình đóng sập cánh cửa tương lai của mình! Nếu bạn không có một tư duy mở, cầu tiến, chủ động để tìm ra giải pháp—nếu chính bạn không tự vùng vẫy, tranh đấu để cứu lấy mình trong cơn hoạn nạn—thì không có ai, không có bất kỳ một ai trên đời này có thể giúp được cho bạn cả.
Bởi vậy, lần tới, sau khi đã “xả” hết nỗi bức xúc về thời thế-thế thời, bất công, áp bức cuộc đời, hãy đặt ra câu hỏi này cho bản thân mình: “Rồi sao? What can you do about it?”
Yeah! What can YOU do about it?
Be present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Trang says
Thực ra, con người tự giới hạn tư duy, tư tưởng của chính mình rồi dẫn đến chính cơ hội của bản thân mà không hề biết mọi thứ xuất phát từ bên trong mà các cụ hay bảo do “trời sinh tính!”.
Em sống nước ngoài hơn 10 năm và giờ có gia đình nhỏ. Em cũng từng như chị cố gắng vạch đường lối cho những nhân vật hay than thân trách phận để họ có lòng tin và định hướng tốt hơn mà cuối cùng nhận ra không phải là họ không nhìn ra được mà là chính họ không muốn thay đổi. Tính cách, nhân sinh quan nhìn nhận cuộc sống có lẽ được định hình và cực kì khó thay đổi từ 18 tuổi. Sau độ tuổi này, có lẽ chỉ có những quả bom của cuộc đời mà người đời gọi là “biến cố” mới làm thức tỉnh năng lượng ở bên trong làm ta trưởng thành hơn nhưng lại có người “ngại” trưởng thành.
Vậy nên, khi tiếp xúc với những người có tính cách “đổ lỗi hoàn cảnh” thế này, em đã bắt đầu biết cách im lặng vì họ sẽ chỉ nhìn em bằng ánh mắt “ôi! nó may mắn trong mọi thứ” nên nó sao hiểu mình. Và cũng sẽ có một nhóm người mà mình ít khi gặp được bởi một ngày họ chỉ ước dài thêm 24 tiếng nữa để được “trưởng thành” hơn.
Ước gì những tâm hồn hay than vãn kia được một lần đi tìm mộ liệt sỹ như em có cơ duyên được tìm mộ của bác em khi em còn học cấp 2. Nhìn những tấm bia lạnh lẽo của lứa thanh niên trai gái độ tuổi đôi mươi khát khao được sống, khát khao được cống hiến để cho mình cảm thấy đừng nên lãng phí cuộc đời của chính mình – cuộc đời tự do mà biết bao triệu con tim đã từng ngã xuống để trao cho thế hệ sau này.
Chi Nguyễn says
Chị cũng từng có trải nghiệm đi thăm mộ liệt sĩ ở Trường Sơn năm cấp 3 và có cùng suy nghĩ như em. Thương cho những con người “mãi mãi tuổi 20” đầy cống hiến
Trần Phương says
Chội ôi chị Trang, bình luận của chị là bình luận thú vị nhất trong bài post này đủ để khiến em phải note lại hơn 2 câu mà chị Trang viết đấy ạ! Cảm ơn chị vì những chia sẻ rất chạm cảm xúc (ít nhất là với em) và cho em biết rằng hẵng ở thế giới ngoài kia vẫn còn những người có nhiều tư duy tích cực chị hen ^^
Nhu cầu chia sẻ của mỗi người đều rất lớn, nhất là đối với những người trưởng thành từ những lời khuyên đáng giá của người khác, nhưng em từng học được câu hay lắm: “Không bao giờ được phép đưa ra lời khuyên, khi họ chưa yêu cầu”
Cảm ơn chị Chi đã tạo cầu nối cho đọc giả có cơ hội chia sẻ và thảo luận những quan điểm rất hay trong cuộc sống
Phạm Chế Uyên Chi says
Dear chị Chi ^^ Cám ơn chị vì bài viết mới ạ. Sau khi đọc xong em đột nhiên muốn comment vì bài viết gợi cho em nhiều cảm xúc tương tự. E từng là cả 2 kiểu người trong bài viết của chị. E từng chỉ đi kể lể về khó khăn của bản thân và với bất kì lời động viên hay khuyên bảo nào e đều không suy nghĩ mà lập tức “nhưng mà…”. E cũng từng giống chị khi nghe kể lể của ai đó như nhân vật anh ở trong bài viết và có cảm giác ngột ngạt vì tại sao họ chỉ muốn than vãn mà không thử suy nghĩ tích cực hơn, bởi vì nó cũng ảnh hưởng đến e, làm e cảm thấy mệt mỏi theo họ. Tuy vậy e đã từng nghiêng về kiểu người hay than vãn nhiều hơn. Sau 1 thời gian nhận trị liệu tâm lý, e nhận ra những cảm giác bị kẹt lại không thấy lối thoát, hay muốn thay đổi nhưng không biết làm sao, hay cảm thấy mọi thứ đều quá khó với bản thân hơn người khác đều có xuất phát từ những chấn thương tâm lý. Đây có thể chỉ là trường hợp của riêng e, và e cũng ko rõ về anh bạn của chị nhưng vì e cảm nhận được sự tương đồng trong câu chữ của anh ấy ở bản thân mình khi xưa e chỉ nghĩ có thể đối với anh ấy, vấn đề gốc nằm ở nơi khác.
Chúc chị 1 ngày mới tốt lành ạ ^^
Trần Huệ Chi says
Đọc comment của bạn mình thấy đồng cảm vô cùng. Sau những biến cố xảy ra với mình và sau khi được nhận sự giúp đỡ về mặt tâm lý cũng như về cách xây dựng lại hệ thống niềm tin, mình mới dần trở thành một người tư duy mở hơn, nhìn rộng hơn, nghĩ sâu hơn về nguyên nhân vì sao bản thân mình đang có những biểu hiện/ thể hiện ra ngoài như thế này. Mình cũng nghĩ rằng vấn đề gốc của mỗi người là muôn hình vạn trạng, chỉ có chính bản thân dám thành thật và đối diện phân tích thì mới tìm ra những nguồn gốc sâu thẳm đó. Có lẽ cần những biến cố đủ mạnh mới khiến những niềm tin bám rễ này lung lay tìm kiếm sự thay đổi.
Nhưng đúng như chị Chi nói, phải chính bản thân một người tự muốn thay đổi, dũng cảm đối mặt để thay đổi thì mới nhìn thấy lối rẽ mới trong cuộc sống của mình. Trong trường hợp có chấn thương tâm lý như bạn nói, mình nghĩ rằng việc thừa nhận mình cần giúp đỡ về tư duy, tâm lý và tinh thần có lẽ chính là điểm bắt đầu trả lời cho câu hỏi ” What can YOU do about it?”.
Buổi sáng đến công ty đọc được bài viết của chị Chi và comment của bạn, thấy nhiều quan điểm tương đồng đan xen quá nên mình cũng muốn chia sẻ suy nghĩ của mình vậy thôi ạ^^.
Cảm ơn bài viết sâu sắc của chị Chi và comment đa chiều này của bạn.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Uyên Chi đã đọc và chia sẻ nhé. Chị nghĩ vấn đề của anh ấy phần nhiều là (như anh ấy nói) thiếu chí tiến thủ và lười, nhưng cũng vì từ nhỏ tới lớn anh ấy than vãn cái là bố mẹ và sau này là vợ và mẹ vợ phải sốt sắng đi lo cho từ A-Z, đưa cơ hội vào tay sẵn rồi nên anh ấy không trân trọng và không có kỹ năng để tự chèo lái khi gặp khó khăn. Chị cũng nghĩ đâu đó anh ấy cảm thấy chưa tự tin vào mình—có lẽ do sang chấn nào đó như em nói chăng? Hy vọng sau lần này, anh ấy sẽ có những thay đổi tích cực hơn.
Lan says
Chi post bài này thì nhiều người bị “nhột” lắm đó, hehe.
Tính ra L với Chi có nhiều điểm chung ghê luôn, cũng thích giúp người khác tìm kiếm ước mơ và còn cố… giúp họ thực hiện, mặc dù mình cũng có cuộc sống riêng và nhiều lo lắng, nhưng mình vẫn dành thời gian để nói chuyện và nghĩ cách giúp đỡ. Thực tế thì đúng là chỉ có bản thân người đó có muốn thực hiện hay không thôi. Còn giúp thì mình cũng đã cố hết sức rồi, nó đâu phải nghĩa vụ của mình đâu mà :)). Cuộc sống mà, cái gì thành công mà không có trả giá tương xứng :).
Tự nhiên hôm nay Chi viết bài này, L cũng muốn viết một bài blog (gần 2-3 năm chưa viết cái gì, hic). Cho L mượn link bài này nhe ^_^. Ngày mới vui vẻ <3
Chi Nguyễn says
Chi cũng rất ngạc nhiên vì mình viết về một câu chuyện thật và cá nhân nhưng lại nhận được vô vàn tin nhắn nói các bạn “thấy bản thân mình trong đó”. Chúc Lan sớm trở lại với viết đều nha
Kim says
Có một câu em đọc trong cuốn “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của Rosie Nguyễn mà thực sự ấn tượng: “Không tự cứu mình thì ai cứu em?”.
Ngày trước mình hay thích nghe lời tâm sự (thường là than vãn) của bạn bè và đưa ra lời khuyên. Nhưng thời gian trôi qua mới thấm thía được rằng, người thành công hay thất bại thì cũng đều là do bản thân họ có thực sự muốn thay đổi và phấn đầu không. Còn những lời tâm sự, những lời khuyên năm xưa thì cũng chỉ là “lời nói gió bay”…
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Kim đã đọc và chia sẻ câu quote rất hay <3
Ngọc Ánh says
đọc bài viết của chị e thấy mình có động lực để bắt đầu những cái mới .cố gắng và nổ lực quyết tâm làm một việc gì đó đến cùng .không bao giờ là quá muộn phải không chị
RosieLi says
Em cũng than thở suốt ngày và là mẫu người khá giống như chị vừa kể ở trên. Em đã nhận ra khuyết điểm này của mình khoảng 2 năm trở lại đây. Em không biết cách làm thế nào để thay đổi nó (em khá tiêu cực), cách trước mắt của em là em gạt nó đi và không suy nghĩ đến nữa. Em thích cái gì thì em cố gắng thu xếp tìm tòi học hỏi. Với cả em thấy cách khá khẩm hơn để ngưng nhụt chí kiểu đấy là mình xác định rõ mình làm việc đấy để làm gì, mình có thật sự muốn làm không. Thì lúc làm rồi sẽ đỡ thắc mắc với than vãn nhiều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Chị có một series Tư duy tích cực tại đây, em tham khảo nhé (bản thân chị cũng là một người từng vô cùng tiêu cực, thậm chí dẫn tới trầm cảm, nhưng nhờ một số thay đổi về tư duy mà tốt hơn nhiều):https://thepresentwriter.com/category/lam-sao-de-toi-uu-hoa-cuoc-song/tu-duy-tich-cuc/
Nguyễn Thi Ngọc Trâm says
Em chào chị! Được biết chị qua channel The Present Writer, xem hết tất cả những video của chị rồi lọ mọ tìm đến spotify nghe audio, thật sự em rất thích và ngưỡng mộ cách chị tư duy về mọi thứ và cả giọng đọc của chị nữa :’> Em nghĩ em chỉ thầm lặng theo dõi xem bản thân cần học hỏi điều gì ở chị chứ không nghĩ sẽ viết để lại suy nghĩ của bản thân sau khi nghe những bài học từ chị. Thật sự bản thân em đã từng lớn lên và được giáo dục một cách bài bản. Em cũng từng là đứa thật sự rất chăm chỉ, giỏi lắng nghe, đồng cảm sâu sắc. Vì xuất thân gia đình không được như “con ông này bà nọ”, em đã nỗ lực không ngừng nghỉ, sống độc lập với gia đình và cố gắng nhìn anh chị đi trước để học hỏi định hướng bản thân nghề nghiệp. Em cũng đỗ vào trường theo như nguyện vọng đăng kí ngành điện hạt nhân và cũng dành được 1 suất du học sang Nga. Sự nỗ lực bao nhiêu năm tháng sang ấy, em cố gắng học để tốt nghiệp và trở về nước. Ngành học của em trước thì tương lai rộng mở nhưng giờ đất nước cũng không còn đầu tư vào ngành nữa nên có bạn thì vẫn còn các mối quan hệ tốt để định hướng bản thân theo ngành khác, bạn thì gia đình giàu có thì mở tiệm kinh doanh, còn bản thân em chẳng lấy nối cho mình một cơ hội nào tốt hơn chỉ vì gia đình không như gia đình các bạn. Và giờ em đang trong tình trạng thất nghiệp vì dịch không thể kiếm được công việc cho bản thân. Em cũng tự đặt ra câu hỏi sau khi đọc xong bài viết của chị. OK! What can you do about it? Và em thật sự hiểu rằng bản thân mình phải tự mở cánh cửa cho mình nhưng thật sự em đang cảm thấy rất buồn, bế tắc và hơi đơn độc trên con đường tương lai của mình, em chỉ viết ra đây câu chuyện của bản thân sau khi đọc xong bài của chị và em hi vọng chị biết rằng luôn có một fan luôn dõi theo những bài viết của chị, những gì chị làm chị truyền tải để tiếp thêm sức mạnh cho em và cho các bạn trẻ. Luôn dõi theo chị và cảm ơn chị rất nhiều về những điều chị đã và đang làm.
Chi Nguyễn says
Chào Trâm. Cảm ơn em rất nhiều vì đã dành thời gian đọc và chia sẻ câu chuyện của em cho chị. Chị rất thông cảm với em vì bản thân chị cũng gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh, rất nhiều cơ hội bị bỏ ngỏ, ngay như chồng chị cũng mất việc vì COVID. Nhưng cũng chính trong thời gian chơi vơi ấy, chị mới nghĩ đến việc quay lại The Present Writer sau hơn 1 năm ngừng viết lách và phát triển thêm kênh YouTube (mà nhờ đó em biết đến chị), cũng như kênh podcast, cùng nhiều dự định sáng tạo khác. Chồng chị cũng mới nhận một công việc tốt mà anh ấy có được nhờ kỹ năng tự học trong thời kỳ COVID ở nhà chăm con. Vì thế, chị tin rằng nếu mình có thể tìm ra một hướng đi nào đó khác biệt thì mình sẽ có được thành công, nhất là trong giai đoạn nhiều người “đầu hàng” như thế này. Em có ngoại ngữ, có thời gian ở nước ngoài, lại còn giỏi giang đạt được học bổng thì chị tin rằng em sẽ tìm được công việc nào đó phù hợp với khả năng của mình (hoặc em tự tạo ra công việc tốt nhất cho mình) sớm thôi. Chị chúc em nhiều may mắn và thành công nhé!
Vũ Thị Thảo Uyên says
Woa sáng ra đọc được bài viết nói lên nỗi lòng của em ghê luôn á chị. Em hiện cũng đi dạy tiếng Anh, cũng được tiếp xúc với các bạn sinh viên. Em từng cố gắng nhào vô giúp người ta thay đổi, để rồi nhận lại sự thờ ơ và không trân trọng những gì mình làm cho người ta, nên là bây giờ em sẽ chỉ dành công sức cho những người thật sự muốn thay đổi thôi, không tài lanh như trước nữa.
Cảm ơn chị Chi đã cho em thêm nhiều kiến thức hay và tạo động lực cho em và cộng đồng subscribers của chị nhen.
Chúc chị nhiều sức khỏe ^^
Nguyễn Thu Hương says
I see myself somewhere ^^
Linh Nguyễn says
Công nhận Chi kiên nhẫn lắng nghe thiệt ấy, gặp Linh mà nghe anh bạn kia than vậy là Linh nói thằng luôn. Kiểu gì cũng không chịu thì chỉ có ngồi đó mà than hoài. Năng lượng của anh bạn đó cực kỳ tiêu cực.
Lan taro says
Thật sự đồng cảm với bài viết này của chị ạ. Thật ngại là thấy mình trong câu chuyện đó luôn. Bản thân em đang mò mẫm bế tắc trong chuyện hiểu rõ bản thân mình muốn gì và sẽ phải thay đổi như thế nào?
Em không muốn để tuổi trẻ mình trôi tuột đi giống như cái 10 năm của anh kia và để thời gian của mình cũng trôi qua một cách lãng xẹt.
Cảm ơn những chia sẻ của chị. Mới biết tới chị qua kênh youtube và sẽ theo dõi chị để tìm kiếm năng lượng tích cực và học hỏi thêm để biết đâu, tuổi trẻ của em cũng là một cái gì đó… có giá trị =.=
Anh Hào says
Dạ em chào chị Chi!
Em cảm ơn chị Chi vì bài viết rất ý nghĩa đối với đứa trai 23 tuổi vừa quyết định xin từ việc để về quê như em. Đọc xong bài viết của chị Chi, em tự hỏi đâu là sự khác nhau giữa “từ bỏ” và “chọn cái khác”, mình đang bỏ cuộc hay là chọn ra hướng đúng. Hiii, em phải ngồi nghiệm một lúc đấy chị ạ. Rồi em thấy mình thuộc trường hợp “chọn cái khác”. Công việc cũ em làm được 8 tháng rồi, kết quả công việc ở mức khá, cũng được Sếp đánh giá tốt…chỉ có điều trong em luôn có cảm giác muốn về quê vì có gia đình, có cảm giác an bình mà cuộc sống Sài Gòn không có.
Mong chị Chi có bài viết về sự khác biệt giữa “từ bỏ” và “thất bại” để em có cái hiểu sâu hơn ạ.
Em chúc chị sức khỏe và bình yên!
Nhi says
Dạ em chào anh!
Giờ là tháng 8/2024, em cũng vừa ở độ tuổi 23 như của anh năm đó, và cũng đứng trước sự lựa chọn tiếp tục ở lại Sài Gòn hay về quê.
Có lẽ vũ trụ đã gửi thông điệp nào đó đến cho em bằng việc thấy được chiếc comment của anh vào thời điểm này.
Không biết cuộc sống hiện tại của anh như thế nào ạ? Anh có thể chia sẻ về hành trình rời Sài Gòn và bắt đầu cuộc sống mới của mình được không ạ?
Cảm ơn anh rất nhiều và mong nhận phản hồi từ anh ạ!
Anh Dũng says
Đọc bài viết của chị, em tự nhiên thấy giận. Giận chính bản thân vì sao giống anh chàng trong câu chuyện chị. Đến bây giờ em vẫn chưa tìm được cách để thoát ra khỏi sự lười biếng và đổ lỗi, dù nhiều lần vụt mất cơ hội nhưng em chưa tỉnh được.
Dũng, 17 tuổi
t says
Em biết giận bản thân mình là đã học được nhiều điều mới mẻ từ chị Chi rồi. Nghĩa là em đã tiến bộ hơn 1 bậc. Em còn quá trẻ, còn rất nhiều thời gian để học tập và rèn luyện bản lĩnh cũng như tính cách. Nên hãy lạc quan lên cậu bé. Con đường phía trước dành cho em còn thênh thang lắm.
Con trai chị 14 tuổi, đang teen, nhỏ hơn em xíu. Hôm bữa khi Chi mới ra bài viết này, chị thấy hữu ích cho nó quá liền đưa nó đọc. Nó cũng chịu đọc. Đọc xong rồi, nó hỏi lại 1 câu: Rồi sao mẹ??? Thiệt bủn rủn tay chân kaka. Hi vọng nó dậy thì nhanh để sớm trưởng thành.
Quang says
bài viết vời các thông tin tuyệt vời, cảm ơn bạn
Khoagia96 says
Câu hỏi dành cho chính bản thân ta.
What can I do about it?
Lâu lâu, tâm trạng không được tốt, pha một ly cà phê và vô blog của chị với một vài blogger khác yêu thích của em thật là sảng khoái. Một bài viết quá hay và hữu ích.
Phuong Thuy says
Một buổi sáng đi làm ngồi nhâm nhi cafe và đọc bài viết của chị làm em cảm thấy có động lực quá ạ. Sau khi nghe chia sẻ của chị trên youtube, em đã quyết định bắt đầu hành trình chữa lành bản thân và bắt đầu thay đổi mình để có thể sống tích cực hơn (hiện tại bây giờ em đang khá chông chênh, stress về khá nhiều vấn đề). Rất cảm ơn chị ạ. Chúc chị một ngày làm việc hiệu quả <3
Anonymous says
Rất đúng, người thất bại hay đổ lỗi do hoàn cảnh và đặc biệt là lười, muốn bốc cả cục chứ không nhặt từng đồng.
Trần Long says
Gửi chị Chi,
Em tình cờ thấy blog của chị trên facebook, đây là bài đầu tiên em đọc. Em cũng là một người thích viết, thích cảm nhận trải nghiệm của người khác qua những dòng chia sẻ như thế này. Thông điệp chị truyền tải qua bài viết trên rất thực tế và hy vọng sẽ “thức tỉnh” được một số người chẳng may đang bị tình trạng như vậy.
Bản thân em cũng vừa trải qua một thất bại lớn, lớn đến mức nó đưa em về lại vạch xuất phát sau 5 năm làm nghề. Chặng đường để recovery hoàn toàn còn dài, em cũng đã có kế hoạch và đang hành động rùi nhưng đôi lúc vẫn thấy mệt mỏi lắm. Bài viết của chị, dù không quá liên quan tới trường hợp của em, nhưng phần nào em cảm thấy nó tiếp thêm sức mạnh và động viên em đôi phần chị ạ. Vì ít ra em không bị rơi vào trạng thái “ma sát nghỉ” quá là lớn của người anh chị đề cập trong bài, kkk.
Chúc chị sức khỏe, luôn sảng khoái yêu đời để tiếp tục cho ra những bài viết hay!
Chi Nguyễn says
Chị thích cụm “ma sát nghỉ” em dùng quá :D. chúc em thành công nhé!
Joach Lộc says
Follow chị được hơn 4 tháng, nhưng em rất ngưỡng mộ cách suy nghĩ và cách diễn đạt của chị. Thật ra em học được rất nhiều từ kênh youtube của chị và chờ chị ra thêm các video mới sau khi ổn định cuộc sống ở một môi trường mới.
Cảm ơn bài viết của chị đánh động rất nhiều ạ, em là một sinh viên mới ra trường và cũng đang loay hoay trong tình cảnh dịch bệnh. Cùng với tư tưởng của bài viết em nhớ đến câu nói “Điều gì không đánh gục chúng ta sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn” để em có thể mạnh dạn hoạch định tương lai của bản thân.
Thuy Linh Dang says
What can you do about it?
Không thể không hỏi câu hỏi này khi nói chuyện với một người như vậy đúng không Chi?
Mình không thể giúp ai đó thay đổi khi bản thân họ không muốn thay đổi. Một kinh nghiệm xương máu mà mình phải công nhận là không thể đúng hơn, ngay với cả những người thân yêu của mình.
Bản thân mình cũng đã nỗ lực thay đổi rất nhiều, và mình rất vui khi có được kết quả sau những nỗ lực đó cho tới ngày hôm nay!
Chỉ khi ai đó muốn, mình mới giúp họ được! Ngay cả bản thân mình cũng vậy luôn.
Đọc bài mà đồng cảm thực sự!
vương says
hi