Hãy cùng nói về tiền
Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ được dạy một cách đầy đủ về tiền. Tiền ban đầu chỉ là những tờ giấy bạc nhăn nheo mẹ cho hàng ngày để đổi lấy quà sáng, truyện tranh, và mấy gói mỳ tôm trẻ em. Tiền sau này là những ngày đi dạy thêm, bán hàng online, rồi đi làm công chức miệt mài cả tháng để chi vào váy áo, giày túi, cà phê, hàng quán, và hàng trăm những khoản không tên khác. Đến những năm sống một mình ở nước ngoài, tiền là tất cả những gì còn lại sau khi trả hết tiền thuê nhà — một khoản lớn mà trước đấy tôi chưa từng phải lo đến. Tiền, trong khái niệm mơ hồ của tôi khi đó, luôn gắn liền với chi tiêu. Đi làm để có tiền, có tiền để chi tiêu nhiều thứ hơn, tiêu rồi lại hết tiền, lại đi làm thêm, lại có tiền, và lại tiêu nhiều hơn nữa… Cứ như thế, một vòng tròn luẩn quẩn tiếp diễn.
Vì không hiểu về tiền, tôi cũng từng ghét nói về tiền và ghét cả những ai hay nói về tiền. Tôi từng cảm thấy khó chịu khi có ai đó hỏi về kế hoạch chi tiêu của mình, về những dự định tương lai liên quan đến tiền bạc với suy nghĩ nông cạn (và có phần kiêu ngạo rằng): “Nghĩ về tiền là thực dụng, vật chất” hay “Tiền là thứ cuối cùng mình quan tâm đến”. Tôi từng có ác cảm với những người giỏi tính toán tiền bạc, tôi cảm giác càng biết nhiều về tiền, con người sẽ càng dễ chi li, tủn mủn, trục lợi từ người khác hơn. Tôi từng cảm thấy nếu mình không nghĩ về tiền, không nói về tiền, không tích cực kiếm tiền, mình sẽ không phải làm nô lệ cho đồng tiền, và sẽ sống một cuộc sống không có tham, sân, si.
Nhưng càng trưởng thành hơn, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của đồng tiền, nhưng lớn hơn cả là kiến thức về tiền. Đúng vậy, học về quản lý tiền, tiết kiệm tiền, tiêu tiền, và kiếm tiền cũng là một loại kiến thức — nó cũng quan trọng không kém gì Toán, Văn, Lịch Sử…, thậm chí có khi còn quan trọng hơn vì cần dùng hàng ngày cho đến hết cuộc đời. Vậy không có lý do gì lại gắn mác “vật chất” hay “thực dụng” lên việc học về tiền. Là người trưởng thành (nhất là đối với phụ nữ), làm chủ được tài chính, biết được trong túi mình/trong tài khoản ngân hàng của mình có bao nhiêu tiền, đồng tiền kiếm được sẽ đi vào những đâu… là một cảm giác vô cùng tuyệt vời! Kể cả khi bạn không có nhiều tiền, nếu bạn làm chủ được tài chính, bạn sẽ luôn cảm thấy an toàn, tự tin, quyết đoán. Bạn biến đồng tiền làm việc cho bạn, thay vì bạn phải làm việc cho đồng tiền. Đây có lẽ là một trong những điều lớn nhất tôi học được khi trưởng thành.
Với xuất phát điểm là một người không biết nhiều về tiền, tôi biết mình phải học rất nhiều. Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong năm nay của tôi là học về quản lý tài chính, bắt đầu bằng việc đọc sách, nghe podcast, radio, và xem các video về tài chính. Trong 3 tháng đầu năm này, tôi đã đọc hết 5 cuốn sách lớn về đề tài này, trong đó có 2 cuốn tôi cho rằng bất-cứ-ai-trong-đời-cũng-phải-đọc-một-lần. Cuốn thứ nhất rất nổi tiếng tại Việt Nam, đã từng xuất bản và tái bản rất nhiều lần và luôn có mặt trên các tiệm sách — “Rich Dad, Poor Dad” (Cha Giàu, Cha Nghèo) của tác giả Robert Kiyosaki. Cuốn thứ hai, hình như chưa xuất bản tại Việt Nam, nhưng rất nổi tiếng tại Mỹ — “The Total Money Makeover” (Thay Đổi Diện Mạo Tài Chính) của tác giả Dave Ramsey. Cũng như mọi cuốn sách khác, hai cuốn này không hoàn hảo tuyệt đối nhưng thực sự là những cuốn sách có khả năng thay đổi tư duy và thói quen chưa tốt với đồng tiền của con người.
Bài viết dưới đây kết hợp review và so sánh hai cuốn sách Rich Dad, Poor Dad và The Total Money Makeover.
Đề từ
Cùng viết về tiền nhưng đây là hai cuốn sách rất khác nhau, đến từ hai con người có hai nền tảng gia đình, tài chính khác nhau, với động lực và cách tiếp cận đồng tiền cũng rất khác nhau.
Rich Dad, Poor Dad là một cuốn sách viết về làm giàu. Đề từ của cuốn sách viết về kỷ niệm thời còn nhỏ của Robert Kiyosaki khi lớn lên với hai ông bố. Một ông là bố ruột, làm giáo viên, luôn coi trọng học thức trên tiền bạc, nhưng luôn chật vật với đồng tiền (“cha nghèo”). Ông bố thứ hai là bố của một người bạn thân, người này học thức thấp nhưng làm kinh doanh rất giỏi, giàu có, và có cách nhìn về tiền rất đặc biệt (“cha giàu”). Lớn lên với hai người bố có xuất phát điểm khác nhau, có cách nhìn về học thức và về tiền trái ngược nhau, Robert buộc phải chọn mình sẽ học và làm theo người bố nào. Cuối cùng, ông chọn theo “cha giàu” — quyết định này là nền tảng để viết nên cuốn sách.
The Total Money Makeover là một cuốn sách viết về quản lý tài chính. Đề từ của cuốn sách là một biến cố tài chính xảy đến với Dave Ramsey khi ông đã ngoài 30 tuổi, đang là triệu phú, có nhà đẹp, xe đẹp, vợ và hai con nhỏ. Biến cố này bắt nguồn từ việc Dave vay ngân hàng để kinh doanh bất động sản một cách thiếu kiểm soát, cộng thêm việc tiêu tiền vô tội vạ… Khi Dave nhận ra mình đã “vung tay quá trán” thì cũng là lúc phá sản. Ở tận cùng của xấu hổ, tủi cực, bất mãn với cuộc đời, Dave lấy lại sự kiểm soát tài chính, thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình về tiền, và một lần nữa,… trở thành triệu phú! Trong quá trình nhận định lại mối quan hệ của mình với đồng tiền, Dave bắt đầu giúp đỡ rất nhiều người xung quanh và xây dựng một kênh radio (nay đã có cả podcast và Youtube) để dạy mọi người cách thoát khỏi nợ nần và trở nên độc lập về tài chính. Cuốn sách này được viết bởi trải nghiệm phá sản kinh hoàng của tác giả và truyền cảm hứng để mọi người tìm được sự tự do cho chính mình.
Nội dung lớn
Cả hai cuốn sách đều nhấn mạnh hai điểm:
Thứ nhất, lỗ hổng lớn của hệ thống giáo dục hiện nay là không bao gồm các khóa học bắt buộc về quản lý tài chính. Vì vậy, con người lớn lên không biết cách làm chủ về tiền, cho rằng đây là một kỹ năng không cần học mà cũng có thể giỏi được, dẫn đến rất nhiều bi kịch, căng thẳng, mệt mỏi sau này. Quản lý tiền là một kỹ năng bắt-buộc-phải-học và phải thực hành thường xuyên, tạo ra những thói quen tốt mới có thể giỏi được. Đây là một kỹ năng gần như sinh tồn đối với con người. Nếu trường lớp chưa thể đáp ứng ngay được, hãy tự học bằng cách đọc những cuốn sách có uy tín, học từ những người có hiểu biết để hoàn thiện chính mình.
Thứ hai, luôn làm theo quy tắc của Người Giàu Nhất Thành Babylon (“The Richest Man in Babylon” –George Samuel Clason): Trả cho bản thân trước! (pay yourself first). Điều này có nghĩa là khi bạn nhận được một khoản tiền (ví dụ: lương, thưởng) thay vì tiêu ngay vào quần áo, ăn uống, vui chơi giải trí … (tức là bỏ tiền vào túi người khác), hãy trích ngay ra một khoản tiền tiết kiệm cho mình. Trả cho mình trước là một hành động vô cùng nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn. Nếu một tháng, bạn có thể bỏ ra 10-15% thu nhập mà không đụng đến thì những khoản nhỏ này sẽ nhanh chóng tích lại thành một khoản lớn có thể dùng cho mục đích quan trọng hơn sau này. Luôn trả cho bản thân trước!
Rich Dad, Poor Dad khai sáng người đọc bằng việc chỉ ra rằng rất nhiều người lầm lẫn giữa khái niệm tài sản (asset) và tiêu sản (liability). Trong khi tài sản là những gì sẽ mang lại cho người sở hữu thêm nhiều tiền (tiền đẻ ra tiền), tiêu sản là thứ mà mọi người phải trả để sở hữu, trong khi không mang lại đồng tiền nào. Ví dụ, tác giả kể rằng bố ruột của ông (“cha nghèo”) thường tự hào nói rằng ngôi nhà là tài sản lớn nhất đời mình. Nhưng thực chất ngôi nhà lại là tiêu sản vì nhà không có giá trị tăng lên, không bán đi thì không mang lại đồng tiền nào, trong khi đó, hàng năm người bố này phải trả thuế nhà, thuế đất, trả tiền sang sửa cho căn nhà, tiền sử dụng tiện ích trong khu nhà… Tài sản phải là những thứ có thể đẻ ra tiền như kinh doanh, chứng khoản, địa ốc cho thuê … Nắm rõ sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản sẽ giúp ta hiểu hơn về sự đối lưu của dòng tiền.
Trong cuốn sách, tác giả từ chối cách sống và quản lý tài chính “thông thường” – với ông có nghĩa là: Làm lụng chăm chỉ, kiếm tiền, tiết kiệm tiền trong ngân hàng, đến khi về hưu thì được hưởng “một cục”. Ông nói rằng cách làm này không sai nhưng không thể cho con người giàu có được. Cuốn sách nhấn mạnh những cách làm giàu bằng việc tập trung tăng lên phần tài sản của mình, mặc dù sẽ có rủi ro, nhưng thành quả sẽ lớn hơn việc tiết kiệm thông thường.
Xem thêm video giới thiệu nội dung chính của Rich Dad, Poor Dad dưới đây:
Ngược lại, The Total Money Makeover nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm an toàn và quản lý tiền chặt chẽ TRƯỚC KHI đầu tư làm một điều gì đó rủi ro để kiếm thêm tiền. Tác giả nói cho người đọc một cách rõ ràng, khúc chiết làm sao để đạt được tự do về tài chính. Kế hoạch này bao gồm 7 bước (“7 baby steps”)
Bước 0 (chuẩn bị): Phải có kế hoạch chi tiêu rõ ràng mỗi tháng! Điều này vô cùng quan trọng. Trước mỗi tháng, bạn (cùng chồng/vợ/những người quyết định chi tiêu trong nhà) cần ngồi xuống viết ra mình có bao nhiêu tiền lương, dự tính chi tiêu những khoản nào, trả nợ những khoản nào, tiết kiệm những khoản nào, còn lại bao nhiêu… Bạn có thể viết tay, đánh máy, hoặc dùng những tiện ích điện thoại để làm việc này. Đây là thói quen tối quan trọng, không thể bỏ qua.
Bước 1: Tiết kiệm $1,000 ban đầu cho Tài khoản Khẩn Cấp (Emgerency Fund). Tiết kiệm được khoản này để phòng thân và giúp bạn an tâm hơn để làm các bước tiếp theo
Bước 2: Trả TẤT CẢ các khoản nợ (trừ tiền trả góp nhà — nếu có), bắt đầu từ khoản nhỏ nhất đến khoản lớn nhất. Đây là bước vô cùng quan trọng để giải thoát những ai đang là nô lệ cho trả góp hàng tháng. Nhất định phải tìm cách trả dứt điểm nợ, dù phải làm thêm giờ, làm thêm việc, tằn tiện đến như thế nào.
Bước 3: Tiết kiệm 3-6 tháng tiêu dùng hàng tháng, cho vào Tài Khoản Khẩn Cấp. Tổng cộng khoảng $10,000. Khoản tiền này sẽ giúp bạn vượt qua những khó khăn đến bất chợt như nằm viện, mất việc, ma chay, xe hỏng, nhà hỏng, phải đền tiền… Có khoản này bạn sẽ yên tâm để bắt đầu làm giàu.
Bước 4: Đầu tư 15% thu nhập vào tài khoản lương hưu tiết kiệm (cuốn sách chỉ đến loại tài khoản lương hưu của Mỹ có chức năng đầu tư như Roth IRA hay 401K — Bạn đọc Việt cần tìm hiểu cách đầu tư tương ứng cho mình)
Bước 5: Tiết kiệm tiền học đại học cho con cái. Học phí đại học ngày càng đắt đỏ, nếu bạn muốn con có một tương lai đảm bảo, cần tiết kiệm ngay tại bước này.
Bước 6: Trả hết tiền trả góp nhà (nếu có) — sở hữu hoàn toàn ngôi nhà của mình
Bước 7: Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh và giúp đỡ cho người khác.
Đối với Dave Ramsey, làm giàu nhanh không phải là một cách tốt (vì bản thân ông đã là nạn nhân của việc làm mạo hiểm này). Xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh dựa vào cách chi tiêu hợp lý, thay đổi quan niệm về tiền, và đầu tư dài hạn là cách tác giả khuyên người đọc nên làm theo.
Xem thêm video giới thiệu The Total Money Makeover tại đây:
Nhận xét
Cả hai cuốn sách:
- Điểm mạnh: Lối viết rõ ràng, khúc chiết. Đem đến những tư duy mới về tài chính và những bài học truyền cảm hứng. Như đã viết ban đầu, đây là 2 cuốn sách mà tôi nghĩ bất cứ ai trên đời cũng cần đọc một lần, và tốt nhất nên đọc trước tuổi 30.
- Điểm yếu: Cả hai cuốn đều viết cho độc giả Mỹ nên có một số thông tin về chính sách như lương hưu hay địa ốc rất riêng cho nước Mỹ — người đọc nước ngoài cần tra cứu để tìm cách ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của nước mình.
Rich Dad, Poor Dad
- Điểm mạnh: Cách vào vấn đề mạnh mẽ, đưa ra những thông điệp lớn (có phần “gây sốc”) để làm người đọc nhận ra những lầm tưởng mình mắc phải về tiền bạc. Cuốn sách có khả năng truyền cảm hứng lớn cho người đọc khởi nghiệp, làm giàu.
- Điểm yếu: Nêu vấn đề một chiều, dễ gây hiểu lầm cho người đọc (nếu không đọc với tư duy phản biện sắc bén).
***Viết ra những điều sau đây có thể sẽ làm phật ý những “fan” hâm mộ của cuốn sách nhưng tôi cảm thấy nên nói ra suy nghĩ thật của mình về cuốn sách. Đây là một cuốn sách rất tốt nhưng cách truyền tải đôi chỗ có phần tự tôn thái quá. Ví dụ, tác giả viết rất nhiều về thành công của mình, về những món tiền mình kiếm được và giúp người khác kiếm được (nếu họ nghe theo sự chỉ bảo của tác giả) nhưng viết rất lướt về thất bại của mình. Nếu bạn tìm hiểu về Robert Kiyosaki thì bạn sẽ biết ông đã từng bị phá sản và mất uy tín không chỉ một lần, kể cả sau khi đã xuất bản cuốn sách này. (Vì thế, có nhiều trang báo mạng nhại là Rich Dad, Poor Dad, Bankrupt Dad — Cha giàu, Cha Nghèo, Cha Phá Sản). Tuy nhiên, tác giả phá sản không có nghĩa là những điều sách nói là sai. Trong kinh tế xã hội Mỹ, phá sản cũng có thể là phương án để bảo vệ tài sản, nếu biết làm một cách thông minh. Và tác giả hiện nay vẫn có thu nhập tốt từ việc bán sách, bán thương hiệu, mở nhiều lớp dạy làm giàu … Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nếu là một người viết chân chính và có trách nhiệm, tác giả cần viết về những thất bại này trong cuốn sách để cho người đọc không bị lầm tưởng rằng làm giàu là rất nhanh và rất dễ, và cũng để họ cẩn trọng hơn với những món đầu tư mạo hiểm. Nhưng ngay cả ở lời mở đầu ở phiên bản sách mới (kỷ niệm 20 năm ngày xuất bản), tác giả cũng không hề đả động gì đến những thất bại này, thậm chí còn viết với giọng văn hơi cao ngạo kiểu “mọi điều tôi nói là đúng hết”. Bởi vậy, khi đọc sách, bạn đọc nên có tư duy phản biện, hãy thường xuyên lật lại vấn đề. Tương tự, hãy cẩn trọng với những khóa học làm giàu nhanh có cách truyền tải thông tin một chiều kiểu như thế này.
Tuy vậy, đây vẫn là một cuốn sách rất nên đọc.
The Total Money Makeover
- Điểm mạnh: Trung thực, thẳng thắn, không ngại viết về thất bại và bài học từ thất bại. Cách viết dễ hiểu, rõ ràng, chi tiết.
- Điểm yếu: Tương đối bảo thủ. Có thể do cuốn sách được phát hành đã lâu, cách quản lý chi tiêu trong sách tương đối bảo thủ như: chỉ tiêu tiền mặt, bỏ tiền vào từng phong bì ghi từng món chi tiêu, viết thu-chi vào giấy… Cách làm bảo thủ này đặc biệt tốt cho những ai thiếu trách nhiệm về quản lý tiền. Nhưng nếu bạn biết (qua trải nghiệm thực tế) là mình là người chi tiêu có kỷ luật, bạn có thể dùng những phương pháp hiện đại hơn như sử dụng ứng dụng quản lý tiền như: Every Dollar, Mint, Money Lover… để quản lý tài chính một cách hiện đại hơn.
Tôi hy vọng bài review sách này sẽ khiến bạn bắt đầu nói về tiền một cách cởi mở hơn và học quản lý tài chính hợp lý hơn. Trước khi đóng lại bài viết này, tôi mong bạn hãy cùng tôi suy nghĩ 3 điều sau đây:
- Bạn có biết mình hiện đang có bao nhiêu tiền trong tài khoản? Mỗi tháng chi tiêu khoảng bao nhiêu? Các khoản nợ cộng lại là bao nhiêu? Hãy nhớ rằng: “It’s not the money you make, it’s the money you keep” (tạm dịch: Cái quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền)
- Nghĩ về tiền với 4 chức năng: Kiếm, Tiêu, Tiết kiệm, và Cho tặng, chức năng nào đang lớn nhất trong thói quen sử dụng tiền của bạn. Bạn kiếm nhiêu hơn tiêu, tiêu nhiều hơn tiết kiệm, hay tiết kiệm nhiều hơn cho tặng? Có cách nào để tăng thu nhập, giảm chi tiêu, tiết kiệm nhiều hơn, và cho tặng hào phóng hơn được không?
- Bạn có hài lòng với cuộc sống, công việc, và đồng lương hiện tại không? Trong 5 năm, 10 năm nữa bạn muốn mình làm gì?
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Huyền says
Xin cám ơn Chi Nguyễn, bài review thật chi tiết và hữu ích với mình.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mình sẽ cố gắng review sách nhiều hơn nữa
Nhu Nguyen says
Cám ơn bài viết chân thực và tâm huyết của chị Chi ạ. Chúc chị sức khỏe để có thể tiếp tục công việc của mình.
Vũ Thị Hồng says
Thanks very much!
Nguyen Phuong says
Thanks Chi! This is good review and comment for every body.
Mark Tuyen says
Cảm ơn chị nhiều, những phần tổng hợp rất có giá trị ạ!
Chi Nguyễn says
Chị sẽ cố gắng review tổng hợp nhiều sách hơn nữa vì cảm giác độc giả có thể biết được nhiều hơn 1 cuốn sau 1 bài
Sơn says
Bài viết rất hay. Hi vọng chị tiếp tục viết về chủ đề này trong thời gian sắp tới.
Chi Nguyễn says
Chắc chắn rồi! Cảm ơn em đã ghé blog
Trang says
Cảm ơn Chi nhé! Chị cũng mới tìm hiểu về quản lý tài chính cá nhân hai năm trở lại đây. Thấy tiếc là sao mình không biết sớm hơn (năm nay chị 34 tuổi) :D. Nhưng không sao, muộn còn hơn không.
Ở VN mọi người rất khen ngợi quyển “Thịnh vượng tài chính tuổi 30”, gồm 2 tập, tác giả là người Hàn Quốc. Chị cũng mới đọc 2 cuốn này gần đây, nên cũng chia sẻ vài nhận xét với em nhé!
Có lẽ là người châu Á nên cách đặt vấn đề cũng như tình huống nêu ra trong cuốn sách khá gần gũi với người Việt. Quyển sách này dành cho những người làm văn phòng (tức là không phải làm chủ) với nội dung làm sao để có kế hoạch tài chính tốt, đồng nghĩa với một cuộc sống sung túc khi về già. Cá nhân chị thích quyển 2 hơn, quyển 2 gợi mở câu trả lời cho 2 câu hỏi của chị, đó là 1) có nên đầu tư quá nhiều (so với tổng thu nhập của mình) vào giáo dục cho con cái không? và 2) cơ cấu khoản savings của mình như thế nào cho hiệu quả?
Để đảm bảo tài chính cho bản thân, nhất là khi về già, quyển sách này (như các cuốn sách khác) khuyên cắt giảm chi tiêu (hi hi, nó cũng rất phù hợp với lối sống tối giản chúng mình hướng tới), và sau khi trừ hết chi phí, mỗi người nên đảm bảo mình có 3 tài khoản:
1. Tài khoản đảm bảo: là bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo cho con cái, người thân của mình nếu có rủi ro gì xảy ra với mình.
2. Tài khoản dưỡng già (hay hưu trí): chiếm khoảng 15% tổng thu nhập.
3. Tài khoản đầu tư: là số tiền còn lại dùng để đầu tư, làm cho tài sản của mình tăng lên.
Quyển sách cũng gợi ý người đọc cách tính số tiền mà mình cần có sau khi về hưu. Có số tiền mục tiêu rồi, mình sẽ có kế hoạch cụ thể hơn.
Cảm ơn Chi lần nữa vì bài review hữu ích của em nhé!
Phuong Le says
Em van loay hoay ve van de kiem soat tai chinh ca nhan thi moi thu ro rang hon khi doc bai viet cua chi. Cam on chi!
Kim Chi says
Cảm ơn chị rất nhiều. Bài đọc rất có giá trị đối với em ạ
Thủy says
cảm ơn những chia sẻ của bạn
Linh says
Cám ơn chị Chi về chia sẻ của chị. Mặc dù em học về kinh tế nhưng thú thực là em chưa bao giờ quan tâm đến việc sử dụng tiền cho đúng cách.
Em rất mong chị Chi có thể chia sẻ kinh nghiệm của chị hoặc những gì chị đọc được về đầu tư sao cho hiệu quả ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết! Chị thấy ở Mỹ nhiều người học tài chính ở trường xịn lắm mà cũng không để ý kiểm soát tài chính đâu nên chị nghĩ mình phải học và phải rèn luyện hàng ngày nữa :). Chị không biết nhiều về đầu tư nhưng trước hết chị sẽ chia sẻ về tiết kiệm và quản lý tài chính nhé em 🙂
Hoàn says
Em cũng đang loay hoay về việc kiểm soát chi tiêu, bài viết đã cho em hiểu được nhiều điều. cám ơn chị
Linh Do says
Mình mới đọc Rich dad poor dad và cũng đồng ý với review của Chi. Cuốn thứ 2 chắc ko cần đọc nữa vì những đêm cốt yếu bạn đã nêu rồi. Cảm ơn Chi nhiều.
Chi Nguyễn says
Chào Linh! Cuốn thứ 2 mình nghĩ nếu bạn có thời gian thì rất nên đọc vì tác giả chia sẻ về hành trình từ phá sản đến triệu phú của mình, dành tâm huyết giúp cho mọi người thoát khỏi cảnh khốn khó rất hay. Mặc dù trước khi đọc mình nghe kênh radio của tác giả nên cũng biết cơ bản rồi nhưng đến khi đọc sách thì mới “thấm” nhiều hơn <3
Viet Nguyen says
Hi Chi,
Anh co nghe audio book cua cuon thu hai cua Dave Ramsey, chinh tac gia la narrator luon. Anh thay sach vi the ma tro nen hap dan hon nhieu vi giong tac gia rat truyen cam luc ke ve bi pha san, luc bat dau tiet kiem lai, hieu ung snowball debt,… Neu ban doc co dieu kien thi co the thu ban audio book.
Chi Nguyễn says
Đúng ạ! Dave là radio show host nên giọng đọc truyền cảm nhất rồi. Em hay nghe kênh radio của bác, cộng thêm Youtube, podcast The Dave Ramsey Show và học được thêm rất nhiều. Mặc dù bác qua giai đoạn khổ sở phá sản lâu rồi nhưng mỗi lần kể lại chuyện bị cắt cầu dao điện, bán nhà, bán xe, vợ con nheo nhóc là giọng bác lại rưng rưng xúc động. Rất truyền cảm hứng cho những ai đang ở hoàn cảnh khó khăn.
Quang Pham says
Cám ơn review của Chi. Nhờ Chi mà Quang mới biết về cuốn sách The Total Money Makeover của Dave Ramsey.
Về mặt kỹ năng các bước hay mặt techniques chúng ta đều có thể biết và học như hướng dẫn của Dave, Rich Dad, Poor Dad, Tony Robbins hay cuốn sách Người giàu nhất thành Babylons nhưng ẩn sâu về mặt chi phối hành động là tư duy gốc rễ và cảm xúc dẫn đến hành động thì cần những cú shock kiểu như Dave hay thấy rõ sự tương quan so sánh giữa cha giàu, cha nghèo như Robert thì tiềm thức mới bắt đầu thay đổi. Khi hiểu sâu sắc vấn đề thì tự khắc hành động thay đổi y như câu nói “Có 2 cách để chúng ta thay đổi là một biết đủ nhiều hai là quá đau”. Nhưng để chờ đau mới thay đổi thì trễ, những bài viết của Chi dành cho bạn trẻ sẽ giúp nhận ra phần nào và bắt đầu những bước nhỏ để quản lý tài chính cá nhân.
Với Dave Ramsey ông chú trọng an toàn chính trước “không thủng lưới trước ghi ghi bàn” còn Robert Kiyosaki sau khi đã an toàn rồi thì muốn ghi bàn và nhanh chóng tạo ra dòng tiền thụ động để chi trả cho cuộc sống của ông mong muốn.
Với cách của Dave Ramsey nó sẽ tương ứng với level 1 của mức độ giàu có là ổn định tài chính. Với tiếp cận của Robert, Quang thấy ở mức độ 2,3,4.
4 mức độ giàu có bên dưới là trong cuốn sách của tác giả Adam Khoo (Singapore) – The Secret of Self-made Millionaires.
Nếu có thời gian, Chi có thể tham khảo thêm sách của Tony Robbins: Money Master the Game và tác giả Robert G. Allen .
—
Level 1: Financial Stability. You have achieved Financial Stability when you have accumulated enough liquid assets (i.e. disposable cash) to cover your current expenses for a minimum of six months.
Level 2: Financial Security. You have achieved Financial Security when you have accumulated an amount of investment that generates enough passive income to cover your most basic expenses.
Level 3: Financial Freedom. The difference between Financial Freedom and Security is that the accumulated investment generates enough passive income to sustain your current lifestyle.
Level 4: Financial Abundance. The ultimate level that allows you to sustain your desired lifestyle.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Quang đã đọc bài viết và giới thiệu sách, mình sẽ ghi lại vào reading list để đọc tiếp trong năm nay. Đúng là Dave chú trọng hơn vào ổn định tài chính vì chủ yếu độc giả tìm đến Dave là những người đang gặp rắc rối thực sự như chìm trong nợ nần (car loan, credit card debt, student loan…) nên ông muốn người ta thoát khỏi cảnh khó khăn trước, học cách làm chủ tài chính rồi mới tính đến làm giàu. Còn Robert thì bắt đầu từ tư duy làm giàu trước. Mình nghĩ cả 2 cuốn này vì thế đều cần thiết. Tuy nhiên, Dave cũng có một số chương trong sách này và những sách tiếp theo về đầu tư tài chính để làm giàu sau khi mình đã qua được giai đoạn khó khăn, cá nhân Chi thấy cũng có nhiều điểm tương đồng với Robert và kéo người dùng tiền lên được bưới 2,3,4 nhưng Quang viết ở trên.
Phúc says
Chào Chi, có một cuốn về quản lí tài chính cá nhân là “Personal Finance for Dummies”. Cuốn này Phúc đánh giá là rất tốt cho mọi người khi mới bắt đầu (như Phúc là dân kĩ thuật nhưng qua cuốn ấy đã hiểu thêm rất nhiều thuật ngữ, từ chuyên ngành, cũng như cách hoạt động của vài lọa hình đầu tư). Không nhấn mạnh vào việc phải giàu, hay dùng những từ ngữ gây ấn tượng, và tác giả còn làm trong ngành tư vấn tài chính nên rất sát thực tế.
Tuy cuốn sách viết cho độc giả Mỹ, giải quyết các vấn đề của người Mỹ (nợ tín dụng, tuyên bố phá sản cá nhân) nhưng nếu lọc bớt đi thì ta sẽ có được kiến thức nền khá tốt để đọc các cuốn sâu hơn.
Bao Yan says
Có những nội dung có thể áp dụng cho bản thân.
Chân thành cảm ơn tác giả – chúc chị nhiều sức khỏe.
Thúy says
Review của chị Chi rất chuẩn xác. Khi em đọc Rich Dad Poor Dad cũng có cảm nhận như vậy, ban đầu khiến em rất băn khoăn vì thực sự những lời khuyên của tác giả khá hữu ích nhưng lại khiến người đọc thấy làm giàu dễ quá, mơ hồ nữa. Nói chung khi đọc em thường nghi hoặc nhiều.
Đọc review của chị xong thì thấy yên tâm hơn, dù sao vẫn có thể rút ra bài học tài chính áp dụng vào cuộc sống. Và ko thể tin hoàn toàn vào sách được. P ko chị☺
Lữ Trung Đạt says
Cám ơn Chi Nguyễn
HuongAnhTuc says
Liability dùng là tiêu sản thì dễ hình dung đó chị
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã góp ý! Chị cũng mới biết đến từ này bằng tiếng Việt gần đây. Hồi chị viết bài này thì tìm mãi mà không ra từ dịch hợp lý. Những bài viết tới chị sẽ dùng “tiêu sản” cho liability
Anonymous says
cảm ơn chị, bài review chất lượng lắm ạ