Trong chuỗi bài viết này, tôi đã giới thiệu tới bạn đọc khá nhiều phương pháp rèn luyện tư duy tích cực. Tôi khuyên các bạn nên bắt đầu journaling, xây dựng habits và routines tích cực, ngừng so sánh bản thân với người khác, và cân nhắc kỹ hơn về kỳ vọng. Tôi cũng viết #30daysofgratitude trên trang Facebook của blog để tạo cảm hứng cho các bạn viết về những điều mình biết ơn trong cuộc sống. Những phương pháp này tôi đã xây dựng trong quá trình nghiên cứu về Tâm lý học tích cực và qua trải nghiệm của bản thân. Đây đều là những điều mà tôi ước có ai đó chỉ cho mình khi bắt đầu trưởng thành và hoang mang trước những khó khăn đầu đời. Tất nhiên, chuỗi bài này được viết ra vì tôi có niềm tin mạnh mẽ vào từng phương pháp—tôi tin chúng có sức mạnh thay đổi tư duy con người theo chiều hướng tích cực, tươi sáng hơn. Nhưng nếu những phương pháp này hiệu quả đến như vậy, tại sao cả thế giới không làm theo? Và tại sao không phải ai làm theo những phương pháp này cũng có thể vui cười, hạnh phúc ngày này qua ngày khác?
Cuộc sống thực sự rất thú vị! Một sự kiện nho nhỏ cũng có thể bị chi phối bởi hàng ngàn yếu tố bất ngờ và bởi những người liên quan và không liên quan đến mình. Vì vậy, ta sẽ không bao giờ kiểm soát được cuộc sống một cách tuyệt đối. Nói cách khác, tất cả các phương pháp rèn luyện tư duy, phát triển bản thân, self-help… chỉ có thể làm cho bản thân mình tốt lên và tạo ảnh hưởng gián tiếp đến những người xung quanh mà thôi. Không ai trong chúng ta có sức mạnh toàn năng để kiểm soát mọi vật và chỉ đạo tư duy của người khác. Hạnh phúc hay đau khổ, vì lẽ đó, không hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay. Không ai có thể cười hàng ngày, cũng không ai có thể khóc hàng đêm. Đó chỉ là quy luật chung của cuộc sống.
Tuy nhiên, cùng với quá trình rèn luyện tư duy tích cực, ta có thể tự mình tạo một màng lọc (filter) để lọc bỏ những tiêu cực, cặn bã, xấu xa của xã hội — những thứ mà trước đây ta có thể mang vào cuộc sống của mình một cách vô thức. Ta cũng có thể sàng lọc lấy được những điều tích cực và niềm vui để có cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống. Dưới đây là 3 điều theo tôi là quan trọng nhất:
1.Kiên trì với phương pháp rèn luyện
Trước khi hệ thống lại các phương pháp rèn luyện tư duy tích cực nói trên, tôi đã từng chia sẻ đơn lẻ với rất nhiều người, người thân có, bạn bè có, và học trò cũng có. Ai cũng gật gù rồi cuối cùng chốt lại một câu: “Nghe có vẻ hay đấy, nhưng có cách nào nhanh hơn không? Mình không có thời gian để ngày nào cũng làm những cái này!” Tôi thường hỏi lại: “Nếu không có thời gian thì chọn một cái thôi, ví dụ như ngồi thiền 10 phút mỗi sáng hay viết gratitude journal khoảng 2-3 phút mỗi tối? Chẳng nhẽ không để ra được 5-15 phút một ngày cho bản thân?” Đáp lại vẫn là: “Ngại lắm! Có cách nào nhanh hơn không?” Câu trả lời của tôi ngắn gọn là: “Không!”
Hễ động đến những cái liên quan đến rèn luyện, thói quen, routines thì không có cách nào để đốt cháy giai đoạn. Lại càng không thể bỏ bẵng đi quá lâu. Ví dụ như việc rèn luyện thể chất, bạn chỉ có thể bắt đầu cảm nhận sự thay đổi của cơ thể khi tập luyện hàng ngày, nếu bỏ lỡ đi một vài ngày hay một vài tuần, rất khó để có thể quay lai guồng luyện tập như trước. Rèn luyện tư duy cũng vậy, thành hay bại chỉ ở trong một chữ “kiên trì”. Ta cần phải làm hàng ngày, làm việc nhỏ thôi cũng được, làm ít hơn thời gian dự kiến cũng được, nhưng điều quan trọng là giữ được nhịp độ rèn luyện thường xuyên, liên tục. Trong bài về Habits & Routines tôi đã giới thiệu một số phương pháp để nhắc bản thân thực hiện thói quen mỗi ngày. Nó có thể đơn giản là đặt thảm yoga ở một góc trong nhà để mỗi khi bước qua đó, bạn nhớ rằng mình muốn tập yoga hôm nay, cũng có thể phức tạp hơn như đặt báo thức hàng ngày trên điện thoại để nhắc bản thân… Kiên trì với phương pháp và thực hành thường xuyên là cách duy nhất để tối ưu hoá việc rèn luyện tư duy tích cực.
Cũng có những phương pháp “cấp tốc” được xây dựng để giúp con người giải phóng tư duy khi bị trầm cảm, stress, lo lắng quá mức, nhưng những cách này đều không bền. Ở Mỹ, rất nhiều học sinh và bạn học của tôi phụ thuộc vào Xanax, một loại thuốc giúp giảm căng thẳng và hồi hộp. Nó phổ biến đến mức trước mỗi kỳ thi hay thuyết trình trên lớp, học sinh truyền tay nhau Xanax uống như lẽ đương nhiên—cứ như đó là thỏi kẹo cao su hay gói bánh vậy! Nhưng cũng như nhiều loại thuốc khác, Xanax có nhiều tác dụng phụ, và việc phụ thuộc vào thuốc sẽ làm giảm khả năng tự đương đầu với khó khăn, thử thách của con người. Ngoài ra, mọi người cũng thường tìm đến bác sĩ tâm lý mỗi khi gặp khủng hoảng tâm lý, mặc dù không phải ai cũng có điều kiện đến được dịch vụ này. Cá nhân tôi cũng mang ơn một số bác sĩ tâm lý đã giúp mình vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống. Nhưng bằng trải nghiệm của mình, tôi có thể khẳng định rằng bác sĩ tâm lý không thể “sửa chữa” mọi vấn đề của bệnh nhân, họ chỉ có thể lắng nghe và đưa ra một số lời khuyên để giúp giải toả ức chế tâm lý ở thời điểm đó, còn lại có thể duy trì được tư duy tích cực được hay không, phần lớn vẫn phụ thuộc vào bệnh nhân. Chính bác sĩ tâm lý đầu tiên của tôi là người dạy cho tôi hít thở theo phương pháp thiền, khuyến khích tôi xây dựng routines tốt, và giới thiệu cho tôi tài liệu về tư duy tích cực – nền tảng cho chuỗi bài viết này. Cũng có những người chỉ tìm đến một số phương pháp hữu hiệu như thiền (meditation) như một cách giải toả “khẩn cấp” mỗi khi lo lắng, hồi hộp. Đây là điều rất phổ biến, bản thân tôi vẫn khuyên mọi người sử dụng meditation app có phần “meditation for anxiety” (thiền khi cảm thấy lo lắng) trước mỗi sự kiện quan trọng như thi cử, phỏng vấn, thuyết trình… Nhưng đó không phải giải pháp lâu dài. Nếu có thể rèn luyện thiền hàng ngày, khi gặp vấn đề khó khăn bất chợt, ta cũng có thể tìm cách quay lại với nhịp thở, tự giải phóng bản thân chỉ trong một vài giây, thay vì phải đợi đến thời điểm thích hợp để thiền.
Tất nhiên, con người không phải thánh nhân, không ai có thể theo đuổi phương pháp một cách hoàn hảo. Nếu bạn bỏ lỡ việc rèn luyện một hai ngày, hay thậm chí một tuần, đừng xem đó là điều gì quá kinh khủng! Điều quan trọng là ta luôn nhớ đến việc rèn luyện và cố gắng quay lại sớm nhất có thể. Có những ngày vô cùng bận rộn, phải di chuyển nhiều, tôi không có không gian ngồi thiền hay cũng không mang theo sổ gratitude journal. Những lúc như vậy, tôi luyện tập walking meditation (thiền khi đi bộ), eating meditation (thiền khi ăn), và nhẩm trong đầu 5 điều tôi biết ơn trong ngày như tôi vẫn ghi lại trên gratitude journal. Nhưng những cách này chỉ có thể thực hiện khi ta đã nắm được nguyên tắc cơ bản của việc rèn luyện tự duy tích cực và đã luyện tập trong một thời gian dài, đủ để tự điều tiết phương pháp theo hoàn cảnh của mình.
2.Hiểu ý nghĩa của “nước trong” và “nước đục”
Lần đầu tiên tôi nghe về khái niệm “nước trong” và “nước đục” là từ podcast Get Busy Living của Benny Hsu (đây là một podcast rất hay về trải nghiệm cuộc sống). Khái niệm này ngắn gọn là, hàng ngày, chúng ta nên để ý xem mình đón nhận những thông tin gì: tích cực (“nước trong”) hay tiêu cực (“nước đục”) và phải làm sao để thanh tẩy tâm hồn bằng việc lọc bỏ đi “nước đục”, rót thêm vào “nước trong”. Ví dụ mà Benny nêu ra là khi anh làm việc trong một nhà hàng ăn (và chán ngán công việc đó đến tận cổ), mỗi lần đến giờ nghỉ, Benny lại đọc tờ báo địa phương. Vì báo toàn giật tít những chuyện cướp của, giết người, tham nhũng, tệ nạn…, mỗi khi đọc xong Benny thường cảm thấy chán nản với cuộc sống và bắt đầu than phiền về xã hội. Vì tự mình “tiêm” vào đầu những dòng “nước đục” này hàng ngày, Benny nói anh trở nên nhụt chí, không có động lực để suy nghĩ tích cực vào tương lai của chính mình. Chỉ đến khi chạm tới tận cùng khó khăn, anh mới quyết định vùng dậy, bỏ hết báo lá cải, ngắt tivi, ngừng xem tin tức trên mạng, tập trung vào phát triển bản thân và kinh doanh cá nhân bằng cách đọc thêm nhiều sách hay, nghe nhiều podcast/radio tích cực (“nước trong”). Cuối cùng, anh cũng bỏ được công việc ở nhà hàng và trở thành một doanh nhân thành đạt.
Tôi cũng có trải nghiệm tương tự đối với báo mạng Việt Nam và Facebook. Trước đây, tôi thường nhận được spam từ mấy trang web, forum tâm sự về gia đình và thi thoảng cũng bị cuốn vào đọc hàng giờ đồng hồ những chuyện bi thương, bồ bịch, mẹ chồng-nàng dâu, bệnh tật… Được một thời gian, tôi nhận ra mình bị ảnh hưởng từ mấy câu chuyện đâu đâu đó một cách vô thức, tôi bắt đầu nhìn cuộc sống dò xét, không biết mình hạnh phúc bây giờ nhưng tương lai thì thế nào, nghi hoặc đủ thứ trên đời. Sau khi nhận ra điều này, tôi cắt đi hoàn toàn các tài khoản spam, ngừng đọc báo mạng, hoặc nếu đọc cũng chỉ lướt qua một vài tin chính và bỏ qua những tin giật gân, câu khách rẻ tiền. Cũng đã từ 3 năm nay, tôi không xem tin tức trên tivi. Tôi nhận ra rằng nếu có chuyện gì lớn xảy ra, như lũ lụt, thiên tai, khủng bố… sẽ có hàng chục kênh thông tin khác đưa đến, tôi không nhất thiết phải đọc tin tức hàng ngày để biết chuyện gì đang xảy ra.
Facebook cũng tương tự như vậy. Bản thân tôi không phải là người hay chia sẻ những tin tức tiêu cực trên Facebook, trừ những việc cần tố cáo cái xấu hay vận động thay đổi xã hội tích cực. Tuy nhiên, mỗi lần lên Facebook là tôi lại bị cuốn vào hàng loạt những thông tin mọi người share lại, phần nhiều để chỉ trích và chửi bới người khác. Bởi thế mọi người vẫn nói, để nổi tiếng ở thời đại này là phải viết những status gây sốc, để “cộng đồng mạng” ném đá, càng bị chỉ trích nhiều, càng được thêm lượt share, và càng nổi tiếng. Đây đều là những dòng “nước đục” — không những làm vẩn đục tư tưởng của mình mà còn lan sang những người khác cùng sử dụng mạng xã hội. Bởi vậy, nếu bạn không đồng tình với chia sẻ của ai trên Facebook, bạn có thể dislike hoặc unfollow người đó, đừng nên bận tâm comment hay share lại để chửi bới, những điều này chỉ làm cho dòng “nước đục” càng ngày càng lan rộng—đúng như mong muốn của những người thích gây sự chú ý. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy bức xúc với xã hội và lượng thông tin độc hại trên mạng, đừng chỉ nói suông! Hãy hành động để tạo ra và lan toả thêm nhiều dòng “nước trong”. Hành động có thể đơn giản chỉ là comment hoặc share lại những bài viết/chia sẻ có tâm, có ích cho cuộc sống hoặc tự viết ra những suy nghĩ của mình về điều mà bạn tâm huyết. Mục đích lớn nhất của tôi khi viết blog này cũng là để tạo nên một nguồn “nước trong” của riêng mình, đóng góp một phần nhỏ làm thanh tẩy nguồn “nước đục” ngày càng nhiều trên mạng internet.
Hãy cùng nhìn lại trang Facebook của mình, chúng ta đang lan toả “nước trong” hay “nước đục”?
3. Học cách cư xử dễ chịu với mọi người
Một trong những ngôi sao tôi yêu thích nhất là Ellen Degeneres. Mỗi khi kết thúc một show ghi hình, cô ấy thường nói: “Be kind to one another. Bye!” (Hãy cư xử tốt với người khác nhé. Tạm biệt!). Tôi cảm thấy đây là cách rất dễ thương và ý nghĩa để nói lời chào với mọi người bởi chúng ta thường hay “quên mất” rằng trước khi làm bất cứ điều gì to tát, ta cần phải là người tốt trước đã. Việc này đôi khi nói dễ hơn làm.
Tôi vẫn còn nhớ vài năm trước, tôi từng gọi đến tổng đài 1088 để kiểm tra mệnh giá quy đổi tiền từ VNĐ sang USD (thời đó chưa có Google và mạng internet sẵn như bây giờ). Một giọng nữ trẻ trả lời tổng đài và đưa ra một con số sai khác rất nhiều so với thông thường. Khi đó, mặc dù đang rất vội ra đường, tôi vẫn “phải” nán lại lên giọng với cô gái trực tổng đài là con số sai như thế nào và cô ấy cần xem lại dữ liệu của mình ra sao (với một giọng không lấy gì làm dễ chịu). Đây là một trong những lần mà tôi ước có cỗ máy thời gian để quay lại quá khứ và tát cho chính tôi một cái thật đau. Tôi không có quyền phán xét người khác— không ai trong chúng ta có đặc quyền này cả. Sau này, có nhiều lần tôi gặp phải tình huống mắc lỗi sai vì lý do khách quan nhưng không được người khác thông cảm. Ai cũng dễ dàng nhảy dựng lên phán xét và làm cho người khác cảm thấy thật tồi tệ thì thôi. Khi đó, tôi mới hiểu tầm quan trọng của việc cử xử dễ chịu với mọi người xung quanh.
Cử xử dễ chịu có nghĩa là bạn đón người khác với một nụ cười (không “thảo mai”, không thái quá, nên chỉ dừng ở mức độ thân thiện) và giải quyết mọi việc với thái độ nhẹ nhàng, lịch sự. Sẽ có những hoàn cảnh để bảo vệ những điều mình tin tưởng, bạn cũng phải quyết liệt, lớn tiếng, nhưng đó không có nghĩa là xù lông, xù cánh, đay nghiến, khắc nghiệt với người khác. Ai cũng có những vấn đề riêng. Nếu bạn quan tâm đến bạn học, thầy cô giáo, đồng nghiệp, hay cấp trên của mình, bạn sẽ nhận ra rằng họ cũng là con người, cũng có những lỗi lầm và lo lắng, cũng có gia đình, và cũng có những nỗi niềm thầm kín. Không có cuộc sống của ai là hoàn hảo cả. Và chúng ta thực ra không khác xa nhau đến thế. Cư xử dễ chịu với mọi người không những làm cho người khác cảm thấy tốt hơn, mà còn là cách hữu hiệu nhất để rèn luyện tư duy tích cực hàng ngày. Bây giờ, mỗi lần nhận được nụ cười thân thiện của người lạ trên đường hay nghe câu nói: “Have a good day!”, tôi lại nghĩ rằng họ cũng đang rèn luyện tư duy tích cực như mình và thấy có động lực để sống tích cực hơn.
Tôi hy vọng bạn đọc bước ra khỏi chuỗi bài viết này với 3 điều quan trọng nhất tôi viết ra trên đây. Kể cả nếu bạn không đồng ý với tôi và không tin vào hiệu quả của những phương pháp tôi giới thiệu, tôi mong bạn vẫn có thể (1) kiên trì với việc rèn luyện tư duy tích cực (với bất kỳ phương pháp nào bạn cảm thấy tốt cho mình), (2) điều phối lượng tư duy tích cực (“nước trong”) và tiêu cực (“nước đục”) đến với mình hàng ngày, và (3) luôn cư xử tốt với mọi người (điều quan trọng nhất!). Cám ơn tất cả bạn đọc đã đồng hành cùng tôi trong hành trình này!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thảo Nguyễn says
Em theo dõi chị từ bài về chủ nghĩa tối giản và giờ cũng hình thành thói quen ngóng bài của chị hàng tuần ^^. E rất thích chuỗi bài về tư duy tích cực và đang làm thử 3 page journal được khoảng 2 tuần. Tới giờ thì vẫn đang hữu ích ạ. Em muốn tìm hiểu sâu hơn về tư duy tích cực, chị có thể gợi ý em nên đọc thêm từ nguồn hay tìm sách nào không ạ? Em cảm ơn chị nhiều !
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã là một bạn đọc thường xuyên của blog! Một cuốn sách chị thấy rất hay và gần gũi với Tư duy tích cực là 4 Agreements. Chị có giới thiệu cuốn sách này ở đây: https://thepresentwriter.com/4-thoa-uoc-de-giai-phong-ban-than-the-four-agreements-don-miguel-ruiz/. Theo chị biết, hiện sách đã có cả bản tiếng Anh và tiếng Việt nhưng nhiều bạn phản hồi lại là bản tiếng Việt dịch không được trôi chảy lắm. Nếu em có thể đọc tiếng Anh thì tìm thêm bản tiếng Anh nhé! Chúc em tiếp tục lâu dài với phương pháp rèn luyện tư duy tối giản của mình! 😀
Dreamer says
Em không biết nói gì ngoài cảm ơn chị. Những bài chia sẻ của chị thật sự rất có ích và em cảm thấy thật may mắn khi vô tình biết đến trang blog của chị. Mong rằng chị sẽ có được 1 cuộc sống tràn ngập hạnh phúc và có thể truyền cảm hứng đến nhiều người hơn nữa. Em sẽ share blog này đến mọi người :))). Let’s make the world a better place
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã theo dõi và share blog tới mọi người. Đây có lẽ là cách hữu hiệu nhất để lan thêm dòng “nước trong” trên mạng internet. And yes, let’s make the world a better place! 🙂
Phuong Nguyen says
Xin chào Chi, chị là 1 silent reader của em.
Nhưng thật sự hôm nay phải lên tiếng để nói là “Biết ơn vì đã gặp và đọc được những bài viết trong blog của Chi”.
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị nhiều ạ! Những comment như thế này là động lực để em viết tiếp 🙂
Loan says
Chào Chi.
Bài rất hay. Và như Chi nói: cái gì cũng cần kiên nhẫn.
Mình đã làm theo hướng dẫn của Chi… mình ngày càng viết nhiều và cũng mê viết hơn. Hihi….
Cảm ơn bạn nhé.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã theo dõi blog! Mình rất vui vì bạn thích viết và viết nhiều hơn. Hy vọng viết mang lại nhiều điều thú vị cho cuộc sống của bạn 🙂
Tam says
Tình cờ biết đến blog của chị vào dịp nghỉ lễ tết năm 2018 và thấy như 1 cơ duyên để thay đổi và cải thiện cuộc sống của em trong năm mới. Cảm ơn chị nhiều lắm.
Duy says
thanks, chị have a good day.