Cách đây hai năm, tôi lần đầu tham gia một buổi học miễn phí về quản lý tài chính ở trường. Bắt đầu buổi học, người diễn giả thuyết trình về tầm quan trọng của việc có một “budget” (ngân sách chi tiêu) rõ ràng cho từng tháng để biết từng đồng tiền mình kiếm được đi vào đâu. Ông ấy chỉ lên bảng và hỏi: “Hãy cho tôi biết, khi dự trù budget, tiền bạn kiếm được hàng tháng (income) trừ đi khoản bạn tiêu hàng tháng (expense) là phải bằng bao nhiêu?“ Ông ấy nhìn những người ngồi hàng ghế đầu (trong đó có tôi) dò hỏi. Tôi nhớ lúc đó mình chợt toát mồ hôi, mặt đỏ bừng vì xấu hổ, suy nghĩ nhảy loạn xạ trong đầu: “Phải bằng bao nhiêu? Phải bằng bao nhiêu? Bằng 10% – 15% tiền lương để đem đi tiết kiệm? đi đầu tư? Bằng con số dương hay âm? Trời ơi! Tại sao một câu hỏi đơn giản như thế mà mình không biết chắc câu trả lời!” Cho đến khi, một người ở phía dưới lớp nói vọng lên: “Bằng 0 (zero)”. Người diễn giả gật đầu: “Đúng vậy! bằng zero”. Cả lớp mới “À” lên một tiếng rõ to, và buổi học cứ thế tiếp tục. Nghĩ lại, tôi không chắc tất cả chúng tôi thực sự hiểu tại sao các con số chi tiêu đều phải quy về zero và cũng không ai dám gạt đi cái tôi to đùng để giơ tay hỏi lại diễn giả. Ít nhất, tôi biết bản thân mình cũng chỉ hiểu lờ mờ.
Chính vì cái hiểu lờ mờ này mà sau buổi học, mặc dù tôi có tìm nhiều cách để xây dựng “budget” hàng tháng như chăm chỉ ghi lại các khoản mình tiêu, kiểm tra tài khoản trên các ứng dụng điện thoại, và cố gắng cân đối thu-chi, tôi vẫn không cảm thấy mình thực sự hiểu thế nào là budget. Đúng là việc ghi chép chi tiêu hàng tháng giúp tôi nhận ra một số điều cần thay đổi về thói quen chi tiêu của mình (ví dụ: tiền ăn ngoài hàng quán ban đầu tưởng không nhiều nhưng khi cộng dồn lại trở thành một khoản vô cùng lớn hay việc chi tiêu bằng thẻ tín dụng khiến tôi không ý thức được mình đã “quá tay”…). Nhưng ghi chép suông không cho tôi quyền kiểm soát tài chính một cách tự chủ, tôi cảm giác mình chỉ chạy theo thói quen chi tiêu vốn có mỗi tháng và chỉ có thể sửa sai vào tháng kế tiếp mà thôi. Nhất là vào những tháng có việc đột xuất như công tác hay chữa bệnh, tôi mới nhận ra rằng “budget” của mình không dự trù được những thay đổi đột ngột trong chi tiêu như vậy. Chính vì thế mà nhiều lần tôi cảm thấy nản và dần ngừng hẳn việc theo dõi chi tiêu của mình, để mặc tiền có đến đâu tiêu đến đấy.
Mãi cho đến gần đây, khi đọc cuốn The Total Money Makeover của Dave Ramsey và sử dụng ứng dụng EveryDollar để quản lý chi tiêu tôi mới thực sự hiểu thế nào là zero-based budget. Tất cả đều “click” lại trong đầu tôi một cách rõ ràng: tại sao người diễn giả hai năm trước lại nói về con số không, tại sao những lần tôi thử kiểm soát chi tiêu lại không đi đến đâu, tại sao zero-based budget lại quan trọng đến vậy… Sau chỉ ba tháng thực hiện quản lý tài chính theo phương pháp này, tôi thực sự không thể tưởng tượng nổi tại sao mình trước đây mình có thể sống mà không có zero-based budget! Nghe có vẻ hơi thái quá nhưng đó hoàn toàn là sự thật, phương pháp này đã làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn của tôi về quản lý tài chính.
Tôi không phải là một chuyên gia tài chính và còn rất nhiều điều phải học về quản lý tiền. Nhưng từ kinh nghiệm bản thân, tôi tin rằng bất cứ ai từ 16 tuổi trở lên, ngay khi bắt đầu hiểu giá trị của đồng tiền thì nhất thiết cần phải biết về zero-based budget. Vì thế, bài viết này ra đời:
Quản lý tài chính bằng “Zero-Based Budget”
Một số sai lầm thường gặp về budget (hay: Tại sao cần “zero-based budget”)
1. Không có cái nhìn toàn diện về thu-chi. Vấn đề thường gặp nhất khi làm budget là việc chỉ chăm chăm ghi chép và tính toán những khoản chi tiêu nhỏ mà không biết đặt tất cả trong một toàn cảnh lớn. Điều này dẫn đến việc chi tiêu “lấy túi nọ, bỏ túi kia”, “thiếu trước, hụt sau”, hoặc mặc dù có tiền dư dả nhưng không có định hướng lâu dài cho tiết kiệm hay đầu tư. Vì vậy, khi làm budget, thay vì chỉ ghi chép lặt vặt như hôm nay đi chợ hết bao nhiêu, tiền điện nước bao nhiêu… thì nên đặt những khoản chi này vào tổ hợp lớn hơn. Ví dụ: khoản lớn “Tiền ăn” có thể bao gồm tiền chợ và tiền ăn ngoài hàng quán, khoản lớn “Tiền nhà” bao gồm tất cả chi phí cho nơi ở như thuê nhà, điện, nước, internet… Có cái nhìn toàn cảnh về chi tiêu sẽ giúp việc cộng, trừ để budget quay về zero được dễ dàng hơn.
2. Không bao gồm tiền tiết kiệm vào khoản tiền tiêu. Đây là nguồn cơn sự hiểu lầm của tôi khi mới nghe về zero-based budget. Tôi từng nghĩ là nếu (Tiền kiếm được — Tiền tiêu = 0) thì đâu còn khoản nào để tiết kiệm hay đầu tư lâu dài. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là, tiền tiết kiệm phải được tính luôn trong khoản tiền tiêu hàng tháng; tức là mỗi tháng trước khi bạn chi tiêu bất kỳ khoản gì thì phải trả cho mình trước (pay yourself first!) bằng việc để tiền tiết kiệm ra riêng. Cách làm này tốt hơn nhiều cách tiết kiệm trước đây tôi từng được dạy, tức là (Tiền kiếm được — Tiền tiêu = Còn thừa bao nhiêu để tiết kiệm) bởi vì nếu không để tiền ra ngay từ ban đầu thì đến cuối tháng ta rất khó để ra được một khoản tiết kiệm cất đi. Bởi thế, hãy tính tiền tiết kiệm ngay vào tiền tiêu, coi như mình tiêu cho bản thân mình, và cất đi riêng vào một tài khoản khác/chỗ khác không đụng đến.
Trong kế hoạch tự chủ tài chính 7 bước của mình, Dave Ramsey khuyên mọi người trước hết tiết kiệm $1,000, sau đó trả hết nợ nần, rồi tiếp đó mới xây dựng khoản tiết kiệm lớn hơn bằng 3-6 tháng chi phí cuộc sống (khoảng $5,000 – $10,000). Khi có những khoản này rồi thì mới tính đến việc để ra 15% thu nhập vào những khoản đầu tư khác.
3. Lập kế hoạch chi tiêu sai thời điểm. Rất nhiều người đợi đến đầu tháng có tiền lương rồi mới bắt đầu thực hiện ghi chép các khoản tiêu dùng trong tháng, tiêu bao nhiêu ghi bấy nhiêu. Cách làm này đã là tốt hơn nhiều so với những người không có bất kỳ hệ thống theo dõi tiêu dùng nào. Tuy nhiên, đây không phải là “kế hoạch” mà chỉ là “ghi chép” chi tiêu mà thôi.
Kế hoạch tức là phải có tầm nhìn, định hướng cho tương lai và uốn nắn, thay đổi dựa vào thực tế trong hiện tại. Thời điểm đúng để lập kế hoạch chi tiêu là tuần cuối cùng của tháng cũ hoặc ngày đầu tiên của tháng mới. Khi đó, ta ngồi lại để dự tính xem tháng mới mình sẽ kiếm được khoảng bao nhiêu tiền, khoản tiền này sẽ chi vào những đâu; cộng lại tất cả những khoản chi (nhớ là bao gồm tiết kiệm) và trừ đi khoản tiền kiếm được phải bằng 0. Tức là tất cả số tiền ta dự tính kiếm được đều đã có mục đích riêng của nó. Trong tháng thực hiện, dựa vào tình hình thực tế, ta có thể thay đổi những con số kế hoạch NHƯNG quy tắc bất di bất dịch là phải quy được về số 0 (nếu số âm tức là ta đã dự chi quá nhiều, nếu số dương thì nên chi khoản tiền thừa vào tiết kiệm ngay từ ban đầu).
4. Không thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh budget hàng tuần. Cùng với luận điểm trên, để budget sát so với thực tế, ta cần xem xét, điều chỉnh hàng tuần xem tình hình mình đang chi tiêu như thế nào, có khoản nào phát sinh cần cân đối lại không, có khoản nào dôi dư nên để vào đâu hay không… Việc kiểm tra và điều chỉnh này cũng sẽ giúp ta có thêm động lực duy trì budget.
Zero-based budget cơ bản
Đọc đến đây, có lẽ bạn đã hiểu phần nào về zero-based budget. Công thức cơ bản của phương pháp này là (Tiền kiếm được — Tiền tiêu = 0). Mục đích của việc quy về zero là để ép người sử dụng tiền cân đối số tiền tiêu của mình trong vòng tiền mình kiếm được, để tất cả mọi đồng tiền mình làm ra đều có mục đích chi tiêu riêng của nó. Hay nói cách khác, bạn “ra lệnh” cho đồng tiền phải đi về các hướng, chứ không để đồng tiền thúc ép bạn phải chạy theo nó. Mỗi người có thể có những cách thực hiện zero-based budget riêng (phần sau tôi có nêu ra 3 cách để bạn lựa chọn) nhưng về cơ bản, nội dung budget bao gồm những khoản lớn như sau:
1. Tiền kiếm được (Income)
Tiền kiếm được là dự trù tất cả những khoản tiền đi vào trong nhà bạn như tiền lương của vợ, tiền lương của chồng, tiền làm thêm… Nếu bạn đã kết hôn, tôi khuyên nên thuyết phục chồng/vợ mình tham gia vào làm budget, cởi mở về tình hình tài chính để hợp nhất các khoản tiền kiếm được và tiền tiêu của vợ và chồng làm một. Là một người thích tự lập, trước đây tôi từng khăng khăng để các khoản chi cá nhân riêng rẽ. Nhưng sau này, nhất là khi đọc thêm nhiều tài liệu về tài chính, tôi nhận ra đây là một cách nghĩ và cách làm sai lầm. Nếu hợp nhất được chi tiêu, cả hai vợ chồng sẽ đồng lòng, thấu hiểu, và cùng hướng đến mục tiêu tự chủ tài chính tốt hơn.
Như vậy, khoản Tiền kiếm được có thể bao gồm:
- Lương chính của chồng/vợ (Nếu bạn được trả lương theo tuần thì có thể tách ra làm “Lương tuần 1”, “Lương tuần 2″… Nếu thu nhập bấp bênh thì dự trù số tiền lương thấp nhất)
- Tiền làm ngoài giờ
- Tiền thưởng
- Thu nhập bên ngoài lương chính
2. Tiền tiêu (Expense)
Tiền tiêu là dự trù tất cả những khoản tiền sẽ ra khỏi nhà bạn trong tháng. Tiền tiết kiệm cũng được tính ở đây như một khoản chi lâu dài cho bản thân. Như đã viết, những khoản nhỏ nên để vào các đầu mục lớn.
Như vậy, khoản Tiền tiêu này có thể bao gồm:
- Savings: Tiền tiết kiệm (nhất thiết phải có, sau này có đủ tiết kiệm rồi có thể chuyển thành Tiền đầu tư)
- Giving: Tiền tặng/biếu/làm từ thiện/cưới hỏi/ma chay
- Housing: Các khoản liên quan đến duy trì nhà ở: tiền thuê nhà/trả góp nhà, điện, nước, ga, điện thoại, internet, truyền hình cáp…
- Transportation: Chi phí đi lại: xăng xe, vé xe buýt, phí gửi xe, phí bảo hành xe…
- Food: Chi phí ăn uống: tiền chợ, tiền ăn hàng quán, tiền cà phê…
- Lifestyle: Chi phí cuộc sống khác: quần áo, tiền học, thuê người giúp việc, thẻ tập gym, chăm sóc thú nuôi… Ngoài ra, rất nên thêm vào mục này khoản “Chi phí lặt vặt” để tính toán những khoản chi chưa rõ nên cho vào đâu.
- Insurance & Tax: Chi phí bảo hiểm và thuế: bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xe cộ, thuế thu nhập…
- Debt: Các khoản nợ phải trả hàng tháng như tiền nợ lãi, tiền nợ gốc. Trong thời gian nợ, tất cả khoản tiết kiệm (trừ $1,000 ban đầu) nên đổ vào đây để tập trung trả nợ. Cố gắng đừng để nợ thêm. Trả nợ nhanh nhất có thể.
3. Còn lại: Tiền kiếm được — Tiền tiêu = 0.
Một lần nữa, sau khi đã ra được con số tiền kiếm được và tiền tiêu hàng tháng, trừ cho nhau phải bằng zero.
Ba cách thực hiện zero-based budget
Tùy vào nhu cầu, khả năng, và thói quen của mỗi người, bạn sẽ xây dựng cho mình một zero-based budget riêng. Budget chỉ đúng nhất khi phù hợp với hoàn cảnh của mình nên bạn đừng ngại thay đổi và thử nghiệm các cách làm khác nhau. Dưới đây, tôi gợi ý cho bạn 3 cách:
1. Phương pháp “phong bì”
Phương pháp này tốt nhất cho những ai: (1) chủ yếu tiêu tiền mặt và (2) cảm thấy mình yếu trong việc theo dõi chi tiêu.
Phương pháp này rất đơn giản. Cuối tháng cũ hoặc đầu tháng mới, bạn lập ra kế hoạch chi tiêu (như miêu tả ở trên) và lập phong bì cho những đầu mục chi tiêu. Ví dụ, một phong bì cho tiền tiết kiệm, một phong bì cho tiền ăn, một phong bì cho khoản nợ… bên ngoài phong bì ghi con số cụ thể dự chi trong tháng. Khi có tiền lương rồi bạn chia tiền vào từng phòng bì, làm sao cho số tiền bỏ vào phong bì trừ đi số tiền dự chi bằng 0 (zero-based budget). Mỗi khi cần tiêu gì, bạn lấy tiền từ đúng phong bì đó ra đề chi đúng cho việc đó. Cách làm này đảm bảo bạn biết được chính xác mình đang tiêu như thế nào vì phong bì hết tiền coi như hết tiêu! Cố gắng chỉ chi tiêu trong vòng tiền phong bì quy định mà thôi. Phong bì tiền tiết kiệm tuyệt đối không được lấy ra tiêu, trừ trường hợp khẩn cấp không thể tính toán trước được (như bệnh tật, mất việc, tai nạn…)
Có những người sáng tạo hơn với phương pháp phong bì này bằng cách chia ngăn trong ví tiền của mình, mỗi ngăn tương ứng với một phong bì. Đây cũng là một cách rất hay, nhưng cần đề phòng trộm cắp.
2. Phương pháp bảng biểu Excel
Phương pháp này tốt nhất cho những ai: (1) thường xuyên sử dụng máy tính, quen thuộc với Excel và (2) có khả năng tự nhập dữ liệu chi tiêu của mình hàng ngày.
Phương pháp này cũng rất đơn giản, nếu bạn biết dùng Excel cơ bản. Bạn có thể tìm một số templates sẵn trên mạng nhưng nói chung, mẫu Excel của bạn có thể bao gồm 3 cột chính: Cột 1 – Tiền kiếm được; Cột 2 – Tiền tiêu; Cột 3 – Tiền còn lại. Theo zero-based budget, làm công thức cộng trừ đơn giản trên Excel làm sao để tổng Cột 1 trừ tổng Cột 2 bằng Cột 3 (và cuối cùng bằng 0). Nội dung nhỏ từng hàng trong từng cột là những mảng thu-chi nhỏ như đã viết phía trên. Mỗi khi tiêu gì bạn ghi nhớ vào điện thoại hay giữ lại biên lai thu tiền rồi nhập vào Excel.
Cách này thực sự rất tốt cho những ai muốn linh hoạt hơn với phép toán của mình, để mọi thu-chi đều trong vòng kiểm soát mà vẫn cập nhật đúng với nhu cầu của bản thân theo từng ngày. Những bạn nào làm văn phòng, có tính cẩn thận, chỉnh chu tôi nghĩ phù hợp nhất với phương pháp này.
3. Phương pháp App điện thoại
Phương pháp này phù hợp với những ai: (1) hay tiêu tiền qua thẻ ngân hàng, có e-banking và (2) sử dụng thành thạo các apps tiện ích trên điện thoại thông minh.
Phương pháp này rất tiện dụng. Bạn chỉ cần download app điện thoại có chức năng làm budget kiểu zero-based. Ứng dụng điện thoại tôi hay sử dụng là EveryDollar, còn bạn đọc có giới thiệu thêm cho tôi app Mint và app Money Lover — đặc biệt Money Lover rất tiện với những ai dùng tài khoản tại Việt Nam. Những apps này cũng cho phép bạn thực hiện kế hoạch hàng tháng, ghi lại chi tiêu, và kiểm soát số tiền còn thừa như phương pháp “phong bì” và “Excel” kể trên. Tuy nhiên, app có mặt mạnh hơn là cho phép bạn kết nối với tài khoản ngân hàng (có thể tính thêm phí nhỏ). Mỗi lần bạn chi tiêu bằng tiền trong ngân hàng, app sẽ tự động báo để bạn cho tiền vào từng khoản đã định sẵn. Như vậy, bạn không phải tốn thời gian nhập tay hay lo lắng vì việc nhập thiếu khoản nào đó, bạn cũng có thể kiểm tra tài khoản được ở bất cứ đâu.
Cách này rất tiện dụng cho các bạn trẻ, hay sử dụng điện thoại di động và e-banking. Kể từ khi sử dụng app, tôi cũng phát hiện được thêm nhiều khoản trừ tiền tự động từ ngân hàng mà trước đây mình không để ý. Bạn nào hay tiêu dùng bằng thẻ thì đây là một phương pháp rất tốt để quản lý tiền.
===
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích cho các bạn đang muốn hướng đến sự tự chủ về tài chính. Bản thân tôi cảm thấy mình còn thiếu hụt rất nhiều kiến thức về quản tiền và dự định học nhiều hơn nữa trong năm nay. Tôi sẽ tiếp tục chia sẻ hành trình này của mình đến với các bạn qua blog. Chúc mọi người sử dụng đồng tiền mình làm ra một cách tự chủ, tự tin, và an nhiên.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Các bài viết liên quan:
- Review và so sánh hai cuốn sách Rich Dad, Poor Dadvà The Total Money Makeover: https://thepresentwriter.com/cung-noi-ve-tien-review-hai-cuon-sach-rich-dad-poor-dad-robert-kiyosaki-va-the-total-money-makeover-dave-ramsey/
- Mini-post về quản lý tiền: https://thepresentwriter.com/mini-posts-2-quan-ly-tien-bau-cu-my-thi-cuoi-ky-noi-loan/
- Các app điện thoại tiện ích: https://www.facebook.com/PresentWriter/photos/a.1086371568076211.1073741825.1083846228328745/1705760156137346/?type=3&theater
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Vân Anh says
Bài viết quá hữu ích. Mình cũng thử rất nhiều cách và khá lâu rồi nhưng vẫn cảm thấy đang bị theo đuôi chi tiêu vậy. Mình sẽ áp dụng bổ sung việc lên kế hoạch định hướng cho tiền vào cuối tháng trước và điều chỉnh budget hàng tuần như chia sẻ của Chi. Cảm ơn Chi nhiều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vân Anh đã đọc bài viết. Chỉ cho đồng tiền biết nên đi đâu trước thì mình sẽ chủ động hơn, đỡ chạy theo đuôi, và cũng giảm chi tiêu ở các khoản không cần thiết
Huyen says
Rất cám ơn bài viết này của Chi Nguyễn.
Quế Vũ says
Cám ơn chị Chi rất nhiều ạ! Lúc nào cũng mong ngóng các bài viết của chị <3
Thanh says
Cảm ơn Chi về bài viết rất chi tiết này. Cách đây không lâu mình cũng có viết 1 bài liên quan đến quản lý tài chính trên trang facebook cá nhân vì đây cũng là một trong những vấn đề mình quan tâm.
Cá nhân mình thì lúc trước có sử dụng Excel để ghi lại chi tiêu. Nhưng sau này có chuyển qua app. Và bây giờ khi đang trong hành trình du lịch dài ngày mình cũng sử dụng app để lưu lại tất cả chi tiêu và có định hướng để không vượt quá budget.
Mình ở Pháp nên không sử dụng Mint, nhưng mình có tìm hiểu về nguyên tắc hoạt động của nó là kết nối với tài khoản ngân hàng của người dùng. Mình có một câu hỏi liên quan tới việc bảo mật khi sử dụng app Mint hoặc tương tự: Chi nghĩ thế nào về mức độ bảo mật của những app này? Cá nhân mình không đặt lòng tin vào nguyên tắc hoạt động này cho lắm.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Mình sử dụng EveryDollar thì thấy app của họ có chế độ bảo mật tương đương với bảo mật ngân hàng. Có sign in rồi dùng dấu vân tay để mở. Mint nhiều bạn dùng cũng nói là rất tốt. Mình nghĩ an toàn thì nên cài khoá cho cả điện thoại luôn nữa. Đề phòng bị mất điện thoại.
Vũ Hải says
Cám ơn chị Chi về bài viết này. Em cũng muốn giới thiệu một cuốn sách rất hay cùng chủ đề, với cách tiếp cận linh hoạt hơn một chút về quản lí chi tiêu dựa trên 4 nguyên tắc chính. Cuốn sách tên là “You Need A Budget” của tác giả Jesse Mecham. Các nguyên tắc trong cuốn sách này cũng được phát triển thành hệ thống quản lí chi tiêu và app rất nổi tiếng cùng tên ạ ^_^
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã gợi ý cuốn sách. Chị sẽ cho vào reading list năm nay
Giang says
Em cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết hữu ích này ạ ^^. Chúc chị một tuần vui <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Chúc em tuần mới an yên
Hoàng Huệ Phương says
Tao chính là con nghiện excel Chi ạ, quản lý chi tiêu hàng tháng bằng google speadsheet. Lại một bài hay hay <3
Chi Nguyễn says
Vịt giỏi thế! Sáng nhảy múa tối về nhập Google speadsheet à? Hihi. Đùa thôi. Nếu m làm doanh nghiệp hoặc self employed thì excel là hợp lý nhất vì nó cho phép mình linh hoạt hơn trong thuật toán
Hoàn says
Bài viết rất hữu ích. cám ơn bạn!
Thảo says
Cảm ơn chị Chi thật nhiều vì bài viết rất thú vị này ạ <3 Đúng lúc em đang rất bối rối trong việc quản lý tài chính, vì bấy lâu nay em thường chi tiêu khá thoải mái, chưa nghĩ nhiều đến việc có khoản tiết kiệm, hay ghi chú lại các khoản thu-chi. Em sẽ thử áp dụng cách chị chia sẻ , hi vọng là sẽ có hiệu quả ạ ^^
Trần Ngọc Diệp says
Bài viết rất hứu ích . Cảm ơn Chi Nguyễn .
Mialee says
Qua bài viết của chị, em lại bổ sung thêm kiến thức thiếu về chi tiêu tài chính của mình. Quả thực hiện tại e cũng bị theo đuôi chi tiêu hàng tháng. Thanks chị, bài viết rất hữu ích
Thủy says
Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin, mình thích những bài viết của bạn, chúc bạn vui khỏe
Viet Nguyen says
Hi Chi,
Rat vui khi dao gan day blog cua em viet nhieu ve Personal Finance. Cam on em da chia se nhung kien thuc doc duoc voi moi nguoi 🙂
Anh cung da doc nhung cuon sach em neu ra va thuc hanh nhung nguyen tac co ban cung duoc mot thoi gian. Anh co mot it kinh nghiem ve tool nen chia se:
– Phuong phap phong bi anh khong the thuc hien duoc vi qua bat tien 😛
– Anh co dung bang tinh Excel mot thoi gian nhung khong co du skills, voi ca no khong tu dong ket noi duoc voi ngan hang nen kho’ theo doi duoc nhung khoan fee bi tru nho nho.
– Anh dung Mint mot thoi gian, app cung tot vi co ket noi voi ngan hang va co cho budget. Tuy nhien, anh nhan ra la Mint qua passive, no chi cho phep minh nhin overview SAU KHI da thuc hien giao dich va giao dich duoc reflect tu ngan hang ve Mint. Chu tai thoi diem minh muon mua cai gi do, minh khong biet chinh xac budget cho cai do con bao nhieu.
– Hien tai anh dang su dung YNAB. Co mot ban o tren da suggest app nay. Anh co xem so sanh YNAB va EveryDollar o day: https://www.alextran.org/ynab-vs-everydollar/ Co ve nhu chung deu thuc hien zero-based budget kha tot. Anh thich YNAB vi app cho phep minh budget NGAY KHI thuc hien giao dich. Vi du minh mua mot goi keo, minh co the mo app ra xem budget cho “qua banh” con bao nhieu, va nhap luon giao dich mua goi keo vao app, no se tu dong tru tien va cho minh thay con bao nhieu tien cho “qua banh”, neu khong du tien thi minh se khong mua them goi socola nua.
– Cung tu review tren, anh suggest em chuyen qua YNAB vi no re hon va no free cho student trong 1 nam dau tien 😀 Tat nhien, tools are personal, just my 2 cents 🙂
– Cac app chac chi su dung tot o cac nuoc quen dung credit/debit card de de quan ly. O Viet Nam thi anh… chiu thua
Mong doc tiep nhung bai viet tiep theo cua em ve chu de Finance.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn anh Việt đã giới thiệu app YNAB. Em đã download về và sẽ thử nghiệm dùng ngay tháng 4 tới đây xem sao. Vụ phong bì đúng là em cũng không thực hiện được vì ngoài phức tạp ra thì em cũng không quen mang nhiều tiền mặt. Nhưng với những người hay dùng tiền mặt như mẹ em chẳng hạn (mẹ em sang Mỹ thăm em vẫn chỉ quen tiêu tiền mặt thôi) thì phong bì lại hợp lý. Em cảm ơn anh lần nữa đã comment và gợi ý ạ.
Chi Nguyễn says
Em vừa đọc kỹ thêm comments dưới bài review anh gửi và check YNAB app. Em nhận ra là điểm khác biệt lớn nhất giữa YNAB và EveryDollar là YNAB muốn mình tiêu trong đúng vòng tiền mình đang có, còn EveryDollar cho phép mình kế hoạch cho cả tháng với cả số tiền mình chưa có (nhưng dự tính sẽ có). Thế nên em nghĩ YNAB phù hợp với ai có income ổn định, tiền lương nhận vào đầu tháng. Còn EveryDollar hợp với những ai income không thực sự ổn định, nhận lương 2 tuần/lần chẳng hạn (như kinh doanh, làm dịch vụ). Em sẽ nghiên cứu thêm các loại apps, biết đâu tương lai có thể làm bài so sánh đầy đủ :D.
Viet Nguyen says
Đúng rồi, YNAB nó chỉ cho mình thực hiện budget khi tiền đã vào tài khoản. Anh thấy thích cách “tiền tươi thóc thât” như vậy vì khi mình zero-budget ra rồi thì mình sẽ đảm bảo là net asset của mình sẽ không giảm. Cách dự trù trước đầu tháng các khoản income hơi dở ở chỗ là đôi lúc mình dự trù sai income cho tháng đó nên tiêu hơi quá. Lấy ví dụ, mình dự tính tháng tư là Tax Return về nên budget tháng đó cho phép mình mua thêm một cái máy tính chẳng hạn, nhưng chẳng may IRS nó làm lâu, tận tháng sáu nó mới trả tiền mình , thế là budget tháng tư bị âm, và mình cứ trong tâm trạng nơm nớp đến tận tháng sáu để bù lỗ.
Với YNAB thì cách tiếp cận có lẽ là “Không có tiền trong tay thì đừng có tiêu”. Mình đỡ phải trù bị sẽ nhận được bao nhiêu; đôi lúc paycheck nó bị giảm thì cũng dở. Anh cũng nhận được income hai tuần / lần này , dùng YNAB vẫn thấy OK.
Nghiên cứu tất cả các loại apps có vẻ như một công việc khá là tốn thời gian nhỉ 😀 Nhưng biết đâu em lại hứng thú, trở thành chuyên gia viết thêm quyển sách tiếng Việt về Tài chính cá nhân không biết chừng 🙂
Thuỷ Ngô says
hi Chi,
Cám ơn bạn về bài viết. Khi bắt đầu đi du học tầm 2 năm trước mình cũng y như những gì bài viết đề cập lúc đầu, ghi chép cẩn thận được chừng hơn tháng bắt đầu nản. Sau đó mình chuyển qua việc gom tiền tiêu thành từng group lớn như tiền ăn, tiền nhà, lúc đó mình chưa có income để tiết kiệm. Gần 1 năm nay mình đã đi làm nên cũng tiết kiệm được 1 khoản cố định, cụ thể là khoảng 40-50% lương của mình được set chuyển sau ngày lãnh lương 4 hôm hàng tháng để mình ko có tơ tưởng xài lố. Tiền trong thẻ còn lại chi tiêu ăn ở và mua sắm vài thứ làm mình vui. Mình luôn thấy cân bằng tài chính, không bao giờ thiêú tiền. Nhưng dạo này mình đang tìm hiểu về đầu tư, băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu. Mình cũng tìm hiểu vài trang tài chính nhưng mình không muốn bắt đầu bằng chứng khoán. Không biết Chi có tài liệu nào chia sẻ không?
Cám ơn bạn đã đọc tin
Chi Nguyễn says
Chào Thủy, mình rất vui khi đọc được comment của bạn. Nếu bạn tiết kiệm được 40-50% thì rất giỏi rồi! Về tiền tiết kiệm, mình nghĩ nếu bạn đã có đủ 6 tháng tiền emergency fund thì phần còn lại mình có thể đầu tư (nếu chưa có đủ 6 tháng fund thì không nên đầu tư ngay). Bản thân mình cũng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này và cũng không biết bạn Thủy đang du học ở nước nào để cho lời khuyên cụ thể. Nhưng từ những gì mình đang tìm hiểu, mình thấy có thể đầu tư stock và bond qua mutual funds vì những quỹ này người ta có kinh nghiệm đầu tư rồi nên cũng dễ hơn cho những người mới như mình. Nếu bạn mới bắt đầu và muốn tự thử đầu tư thì có thể nghiên cứu thêm Betterment. Nếu bạn đang ở Mỹ và dự định ở Mỹ lâu dài, bạn có thể đầu tư tiền vào quỹ tiết kiệm cho về hưu như (Roth)IRA hay 401K, đặc biệt nếu nơi bạn làm match những khoản này — Ở những nước khác thì mình thực sự không rõ. Nhưng nếu bạn không muốn đầu tư stock và bond (loại đầu tư phổ biến nhất cho passive income) thì có lẽ phải suy nghĩ kỹ hơn về các hướng đầu tư khác như góp vốn vào doanh nghiệp hay tự làm business nào đó — những thứ này mình phải tự tìm hiểu tùy hoàn cảnh của mình. Hy vọng những chia sẻ này giúp được cho bạn phần nào. Mình nghĩ bạn có thể đọc thêm các comments phía trên, các bạn đọc khác cũng gợi ý những cuốn sách mà mình nghĩ tốt cho đầu tư.
Thuỷ Ngô says
chào Chi,
Cám ơn vì đã trả lời, mình hiện sống ở Phần Lan, lương hàng tháng của mình đã có 1 khoản cho lương hưu, ngân hàng và sở thuế tự trừ vào đó :)). Nhờ Chi mình đã biết thêm về Betterment, thực sự hay và có ích, giúp mình định hướng hơn. Góp vốn hoặc tự làm business cũng là hướng mình đang nghĩ tới.
Chúc Chi 1 ngày vui, mình thuường đọc blog bạn và rất thích, keep it up. 🙂
Như Ý says
E cám ơn chị về một bài viết về quản lí tài chính rất hay. Chị ơi! E đag set budget như cách chị chỉ dẫn nhưng e có một thắc mắc nhỏ là nếu cuối tháng mà trong những khoản chi còn dư tiền thừa so với budget ban đầu thì mình nên để khoản đó vào khoản tiết kiệm hay trả nợ, hay là một khoản riêng hẳn ạ. E cám ơn chị nhìu.
Chi Nguyễn says
Nếu có dư thì chị hay “rollover” (chuyển sang) budget tháng sau, khoản đó làm gì thì tùy em cho tháng sau đó 😀 (nhưng nếu còn nợ thì ưu tiên số 1 là trả nợ)
Jing says
Cảm ơn bạn Chi đã chia sẻ. Mình ngày trước hay ghi chi tiêu ra excel, thấy cũng ổn, giờ biết thêm cái Money Lover công nhận tiện thật. Hi vọng bạn sẽ chia sẻ thêm các bài viết về quản lý tài chính và đầu tư trong tương lai. Hiện đang nghiên cứu bài về FIRE mà bạn viết bên vietcetera mà bên đó không comment được.
Nga says
Cảm ơn chị Chi nhiều về bài viết. Em đã ngộ ra nhiều điều.
Trước đây em ko ghi lại thu chi nhưng luôn tự bảo với bản thân cuối mỗi tháng phải để ra 1 khoản để tiết kiệm nhưng em luôn không hiểu sao đến cuối tháng cứ sạch nhẵn ko để ra nổi như dự định ban đầu. Hóa ra mình đã làm ngược.
Từ tháng này em đã bắt đầu với Money lover để tracking chi tiêu bản thân hy vọng sẽ cải thiện tốt câu hỏi tiền đi đâu.
Chi Nguyễn says
Đúng vậy đó em! Trước chị cũng toàn làm ngược là còn dư bao nhiêu cuối tháng thì tiết kiệm nhưng sau đọc nhiều ngộ ra mình phải làm ngược lại là dự trù tiết kiệm trước (pay yourself first) rồi mới rải ngân các phần khác. Chúc em nhiều may mắn với tài chính cá nhân nhé!
Huy says
Chị cho e hỏi 1 vấn đề ạ: quỹ khẩn cấp và dự phòng 6 tháng của mình nên gửi vào đâu ạ: nếu chỉ để ko hoặc gửi ko lãi suất thì sẽ bị lạm phát ăn mất, nếu bỏ vào quỹ để có % chống lạm phát thì tính thanh khoản lại ko cao, ko trụ bị cho những tình huống khẩn cấp được. Em cảm ơn chị
Chi Nguyễn says
Câu hỏi rất hay! Quỹ khẩn cấp nên để vào nơi nào có lãi suất cao hơn gửi ngân hàng thông thường để rút thẻ lương hàng tháng, tuy nhiên vẫn phải để ở chỗ nào rút được nhanh để khi khẩn cấp là có ngay. Ở Mỹ chị mở tài khoản money market account hoặc high yeild saving account, nó cho lãi suất cao hơn thông thường (khoảng 1-2%) nhưng cho rút tối đa 5-10 lần/tháng (tuỳ tài khoản). Ở Việt Nam em tìm hiểu có kiểu tài khoản nào như vậy là tốt nhất vì vừa chống lạm phạm lại vừa rút được tiền.
Phi says
Chào Huy,
Ở Việt Nam mình có biết một số nơi bạn có thể cân nhắc:
1./ Gói tích lũy tại app Finhay
– Ưu: rút bất kỳ lúc nào vẫn nhận lãi (hiện tại là 4%). Thực hiện ngay trên internet banking nên rất tiện.
– Nhược: lãi xuất thấp
* Hoặc bạn có thể dùng gói 3 tháng, lãi cao hơn nhưng rút trước đáo hạn thì không nhận lãi.
2/ Tpbank Savy, cũng có 2 lựa chọn như Finhay
3/ Túi Thần Tài từ Momo App
– Ưu: Lãi cao hơn Tpbank Savy và Finhay, tính thanh khoản cao.
Thảo Phan says
Ôi cám ơn chị Chi vì bài viết này. Em ước mình biết bài này sớm hơn, vì em đã từng rơi vào tình trạng kiếm nhiều xài nhiều, kiếm ít xài ít, không kiểm soát được túi tiền của mình nên đôi khi dù kiếm nhiều vẫn bị thiếu trước hụt sau. Đọc bài viết này, em đã có một cái nhìn rõ ràng hơn và một kế hoạch cụ thể hơn để quản lí tiền của mình. Cám ơn Chị!
Kim says
Cám ơn chị vì bài viết rất hay ạ.
Chị ơi nếu trong tháng có những khoản tiền được nhận ngoài plan trước (vd tiền thưởng hoặc được cho…) thì sau khi nhận chị sẽ làm gì ạ?
Em cám ơn chị!
Chi Nguyễn says
Chị sẽ tiếp tục sắp xếp vào theo thứ tự ưu tiên, cái nào ưu tiên hơn thì chị bỏ tiền dư vào
Minh Nguyễn says
Cám ơn Chi Nguyễn rất nhiều,
Mình cũng đọc và đang tìm hiểu để thực hành theo phương pháp Zero Based Budget của Dave Ramsey.
Bài viết của bạn giúp mình hiểu thêm một số vấn đề mà bản thân chưa nhận ra sau khi đọc sách.
Rất mong bạn có thêm nhiều chia sẻ về vấn đề quản lý tài chính cá nhân trong thời gian tới.
Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khoẻ.
Tracy Nguyen says
Cam on bai viet huu ich cua Chi! Love it!❤️❤️❤️