Từ ngày có con, mọi người thường xuyên hỏi tôi: “Chi nuôi con theo phương pháp nào? Triết lý làm cha mẹ của Chi là gì? Chi có biết và dạy bé theo phương pháp ABC XYZ [thường là tên tiếng nước ngoài nào đó] không?” Có lẽ vì mọi người nghĩ tôi có bằng Tiến sĩ về Giáo dục nên sẽ dạy con bài bản cao siêu lắm. Tiếc là câu trả lời của tôi thường chỉ là: “Không ạ”, “Không biết”, hoặc “Có biết nhưng không ứng dụng hoàn toàn”. Tuy nhiên, câu trả lời này dường như không làm thoả mãn mọi người cho lắm. Đặc biệt mỗi lần có mẹ nào chứng kiến con trai gần hai tuổi của tôi, Jaden, tự lập và làm được nhiều việc vặt thì tôi lại nhận được ánh mắt nghi ngờ, kiểu như: “Làm giáo dục mà giấu nghề, chỉ dạy cho con mình mà không tiết lộ cho con người khác” 🙈 Khổ quá đi mất thôi!
Thế nên cả tháng nay tôi nằm vắt tay lên trán xem cái “phương pháp” (nếu có) của mình thì gọi tên ra là gì, giải thích như thế nào cho mọi người thì mới đúng… Sau một thời gian suy nghĩ, vắt kiệt hết trí lực (bạc đi đến vài sợi tóc!) thì tôi mới ngộ ra đúng là mình có một “phương pháp” nuôi dạy con thật. Và nó có lẽ nên được gọi là “Thái cực kiếm pháp” (theo môn phái Võ Đang trong truyện chưởng Kim Dung) 🙊.
Trước khi bạn đập vỡ màn hình hay đánh tan bàn phím với những comment nói là tôi là Tiến sĩ giả, giáo dục vô học, nói năng lăng nhăng, thì hãy nán lại một chút đọc hết lời giải thích của tôi (kèm video clip không che! 🙈)
Bí kíp
Ngày nhỏ tôi mê đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung và từng xem đi xem lại tất cả các bản dựng phim của đủ các bộ truyện. Tác phẩm tôi thích nhất là “Ỷ Thiên Đồ Long Ký”—một thiên kiếm hiệp lồng ghép lịch sử tuyệt vời, kể về chàng trai Trương Vô Kỵ từ một đứa trẻ ngây ngô được nuôi lớn ở đảo hoang rồi trở thành giáo chủ Minh Giáo hùng mạnh.
Trong cả truyện lẫn phim, đoạn hấp dẫn nhất là khi kẻ địch kéo đến Võ Đang—môn phái mà sư ông của Trương Vô Kỵ là Trương Tam Phong sáng lập—để gây rối. Vô Kỵ muốn đứng ra bảo vệ cho Võ Đang nhưng không biết nhiều chiêu pháp của môn phái này. Bởi vậy, giữa trận chiến, Tam Phong đã đi vài đường quyền để dạy cho Vô Kỵ độc chiêu “Thái cực kiếm pháp” chân truyền.
Khi Tam Phong vừa cất kiếm, ông quay lại hỏi Vô Kỵ: “Con đã nhớ chưa?” Vô Kỵ trả lời: “Con quên một nửa rồi!” nhưng với khuôn mặt tươi cười. Tam Phong gật đầu: “Hay lắm, cũng thật khó cho con. Con hãy suy nghĩ thêm đi”. Vô Kỵ trầm tư rồi reo lên rạng rỡ: “Con quên hết rồi, không nhớ chút nào nữa rồi!” Mọi người xung quanh sợ hãi xôn xao: “Trời, quên hết rồi sao đánh được kẻ địch” Nhưng chỉ có Vô Kỵ và Tam Phong là mỉm cười. Sau đó, Vô Kỵ sử dụng Thái cực kiếm thuần thục, ra chiêu nhẹ nhàng mà mạnh mẽ, đánh bại kẻ địch bằng chính kiếm pháp chân truyền của Võ Đang.
Vậy câu chuyện học Thái cực kiếm pháp này liên quan gì đến việc nuôi dạy con? Dạ, xin mời các hạ xem tiếp hồi sau sẽ rõ.
Luyện Công
Nói như trong kiếm pháp, bí kíp chỉ là phần ban đầu thôi, còn thành bại hay không là do quá trình lĩnh hội bí kíp và luyện công mới quyết định được. Một khi đã học đến mức nhuần nhuyễn, biến nó thành phản xạ tự nhiên của mình, thậm chí quên đi cả sự bó buộc của ngôn từ, chiêu thức trong bí kíp thì lúc đó ta mới lên hàng “cao nhân” được. Ở ví dụ của Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Thái cực kiếm (cũng như Thái cực quyền) là phương pháp “lấy nhu thắng cương”, “lấy tĩnh thắng động”—rất tinh tế, nhẹ nhàng khi ra chiêu nhưng đòn xuống dứt khoát, hiệu quả, triệt hạ đối thủ trong nháy mắt. Do vậy, rất khó có thể nhẹ nhàng, bay bổng, linh hoạt trong khi trong đầu phải nhớ chiêu này phải ra thế này, chiêu kia phải đánh thế kia… Vì thế, khi Vô Kỵ đã quên hết tất cả những gì mình học được, Tam Phong mới yên tâm rằng anh chàng đã thực sự lĩnh hội được hoàn toàn kiếm pháp.
Đối với tôi, nuôi dạy con cũng như vậy. Với giáo dục hiện đại, có rất nhiều phương pháp và triết lý để dạy con. Mặc dù phương pháp nào cũng tuyên truyền là tốt nhất, hay nhất nhưng phương pháp nào cũng có hạn chế của nó và không áp dụng được hiệu quả cho tất cả các em bé. Tin tôi đi, nếu có một phương pháp “thần thánh” nào đó mà các mẹ áp dụng đến từng chi tiết một mà đảm bảo 100 em như 1 đều thành thiên thần thì mọi chương trình giáo dục, mọi trường học trên thế giới này đã áp dụng rồi, không đợi đến forum bỉm sữa và Internet nhắc.
Bản thân tôi là người được đào tạo bài bản về giáo dục, mỗi lần học một phương pháp mới là không chỉ đọc vài dòng miêu tả qua loa mà đi sâu vào phân tích từng nghiên cứu đã được thẩm định và xuất bản trên tạp chí khoa học về độ hiệu quả của từng phương pháp. Và sự thật là, không có phương pháp nào là tuyệt đối cả. Kể cả phương pháp có chứng minh được hiệu quả trong phần lớn các nghiên cứu thì thực tế cũng chưa chắc đã thành công (vì thực tế không có nhóm control/treatment nào cả, môi trường cũng không được giản lược như trong nghiên cứu, và mỗi em bé bạn nuôi sẽ khác chứ không như “em bé trong sách” được.
Nhưng phương pháp, sách vở, triết lý làm cha mẹ… có quan trọng không? Có chứ! Vì nó là tiền đề, là cái để ta có thể học hỏi, trao đổi với nhau và thử nghiệm trong thực tế xem có thể ứng dụng vào việc nuôi dạy con được tốt hơn không. Cũng như Vô Kỵ không thể ứng dụng nhuần nhuỵ Thái cực kiếm nếu không có sư ông dạy cho lần đầu, ta cũng khó có thể làm bố mẹ tốt được nếu không có kiến thức cơ bản về cách chăm sóc con từ các y bác sĩ, về tâm lý trẻ nhỏ và cách xử lý xung đột trong gia đình từ các nhà nghiên cứu giáo dục. Cha mẹ thiếu kiến thức thì rất thiệt thòi cho con, nhưng cha mẹ quá nguyên tắc mà áp đúng sách vở vào dạy con thì cũng không có lợi cho con.
Vì thế, lời khuyên của tôi là trong quá trình “luyện công” này, các ông bố, bà mẹ hãy đọc những cuốn sách dạy con chọn lọc, được xuất bản bởi những nơi uy tín (không chỉ chắp vá trên mạng Internet) và tham khảo nhiều (chứ không phải một) phương pháp và triết lý dạy con. Đừng nên thần thánh hoá bất kỳ phương pháp nào hết, hãy chỉ nên xem nó là công cụ. Trong bài viết này, bạn có thể thấy là tôi chủ động không nêu tên một phương pháp nào hay một cuốn sách nào hết bởi vì tôi không muốn áp tư duy của tôi vào các bạn; mọi người cần phải tự tìm hiểu, học hỏi và lựa ra (một vài) phương pháp phù hợp với cả mình lẫn con mình. Nói cách khác, trong quá trình luyện công này, bạn cần tự tạo ra “bí kíp” riêng cho mình.
Thi Triển Công Lực
Khi lâm trận, đối phương như thế nào thì ta lựa đường quyền, cây kiếm theo đó—không có một công thức nào hết. Khi thực hành nuôi dạy con cũng vậy, điều quan trọng nhất là quan sát hành vi, lắng nghe tâm sự của con để thay đổi phương pháp can thiệp của mình cho hợp lý nhất. Không một đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, và không giai đoạn trưởng thành nào giống nhau cả, vì vậy, bố mẹ cần thay đổi và lớn lên cùng con.
Tôi đặc biệt thích Thái cực kiếm pháp và Thái cực quyền vì nó nhìn bên ngoài rất thư thái, nhẹ nhàng, không lên gân lên cốt nhưng hiệu quả thì mạnh mẽ đến không ngờ. Có lẽ hợp hơn cả với tính cách của tôi 🐒. Bởi vậy, khi nuôi con tôi cũng cố gắng thư giãn, nhẹ nhàng, không gào thét, không đánh mắng. Khi con hư cần chịu phạt thì cũng có hình thức phạt cụ thể, rõ ràng; nhưng khi con đã nhận lỗi và bình tĩnh lại thì vỗ về, động viên con. Tôi cũng không phải là người mẹ có thể suốt ngày gắn vào con 24/7, đút con ăn từng thìa, bế con ngủ từng đêm, đỡ con ngã mọi lúc mọi nơi. Tôi cố gắng dạy con “luyện công” ngay từ nhỏ bằng cách khuyến khích con tự lập, tự ăn, tự ngủ, ngã tự đứng dậy. May mắn là cho tới hôm nay thì phương pháp này vẫn hiệu quả đối với bé nhà tôi.
Phương pháp này có hoàn hảo không? Không! Nhưng ít nhất, nó giúp tạo ra khoảng trống cho sự không hoàn hảo để bố mẹ chỉnh sửa dần cho hợp với mình và con hơn. Cũng như kiếm pháp, phải vào trận thì mới ngộ ra được cảnh giới cao hơn, luyện tập nhiều hơn để công lực thâm hậu hơn. Bố mẹ cần phải mắc sai lầm thì mới có cơ hội học và trưởng thành để làm bố mẹ tốt hơn. Đó, theo tôi, là cách tốt nhất để học làm bố mẹ.
—
Cuối cùng, tôi cũng không hiểu bài viết vui vui này có đem lại được giá trị gì cho các bạn không 🙉. Nhưng ít ra sau này có ai hỏi, tôi cũng có cái giơ ra để nói rằng: “Mình đã viết hẳn một bài về phương pháp dạy con nhé” kiểu rất chuyên nghiệp, không phải Tiến sĩ Giáo dục giả vờ, giấu diếm 🙈. Hy vọng các bà mẹ trẻ, các ông bố trẻ ngộ ra được bí kíp, luyện công thâm hậu để sớm đạt được cảnh giới thượng thừa nhé (nói theo cách này thì nuôi con đúng là cuộc chiến đấy!)
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thái says
Em năm nay 18 tuổi, nhưng lại rất thích tìm hiểu thông tin về các cách nuôi dạy con cái (vì em chưa được có phương pháp giáo dục tốt từ cha mẹ nên em muốn con em không phải bị như vậy). Em cũng là fan cuồng kiếm hiệp Kim Dung nên sau khi đọc xong bài viết cảm tưởng như mới vừa được “đả thông kinh mạch”. Em thật sự cám ơn chị rất nhiều! ♥️
P/s: Tự dưng đọc xong em lại muốn lập 1 blog của riêng mình quá 😅
Chi Nguyễn says
Haha. Cảm ơn em vì comment dí dỏm. Chào mừng em đến với “môn phái” blogging
HUU HUYNH says
“Đã nghe quý danh đã lâu, nay mới được diện kiến. Tại hạ khâm phục”. Em không phải fan cuồng kiếm hiệp nhưng em là fan cuồng của chị.
Chi Nguyễn says
Haha. Comment dễ thương quá! Đa tạ, đa tạ
khắc nam says
Gió nào kéo tôi tới đây!
Chào bạn. Mình cũng đã đọc 1 chút về lối sống tối giản của bạn mình thấy nó thật tuyệt. Giống như điều mình thiếu thiếu trong 30 năm nay. Thật hạnh phúc và may mắn đã mang mình tới đây.
Hiện tại mình đang lam giáo viên cấp 3, công việc hiện tại. Lương không cao nhưng cảm giác thật hạnh phúc khi ta được chia sẻ các điều thú vị đến với các bạn trẻ. Một ngày nào đó mình sẽ lan truyền triết lí sống tối giản cho các bạn trẻ hiện đại.
Mình đang trên hành trình giáo dục và sẽ lan tỏa những tinh hoa cho các bạn thế hệ tương lai nhiều hơn. Đã biết về tối giản lại biết về sự trống rỗng của sự hoàn hảo trong các phương pháp giáo dục. Mình cũng đang cần 1 số lời khuyên từ bạn lắm
Minh Hương says
Em đọc blog của chị từ lúc chưa có bồ tới lúc có con luôn. Mấy năm qua các vấn đề trong blog cũng thay đổi theo sự thay đổi của chị. Đọc bài này em cảm giác giống như có ngừoi chị cùng chia sẻ tâm tư vậy. Cảm ơn chị vì những nỗ lực để giúp blog này duy trì & phát triển.
Nhân tiện về vấn đề nuôi dậy bé chị có thể giới thiệu giúp em một số sách mà chị nghĩ bố mẹ nên đọc ko ạ?
Chi Nguyễn says
Chị đọc nhiều cuốn trong quá trình nghiên cứu lắm nhưng sách đó thì hơi hàn lâm quá. Nếu nói cuốn nào dễ chịu và hiệu quả cho bố mẹ chị giới thiệu cuốn Bringing Up Bebe (Pamela Druckerman). Tiếng Việt chị thấy hay dịch là: Nuôi một em bé Pháp hay Trẻ em Pháp không ném đồ ăn.
My Duy says
Bài viết thật độc đáo ạ. Sau khi làm mẹ thì mình cũng nhận ra cần để cho con không gian phát triển, không nên cứng nhắc. Không dễ chút nào!