“Tự chăm con không ai giúp như bọn Tây á? Không! Không! Chắc chắn là không được!” —Cô bạn thân của tôi nhảy giãy lên khi nghe ý định tôi muốn nuôi con độc lập. Cô ấy ở cùng bố mẹ chồng, sinh hai con đều nhờ ông bà nội ngoại hỗ trợ—một mô hình thường thấy ở Việt Nam.
“Sinh con rồi mang về Việt Nam mẹ nuôi cho đến khi cứng cáp lại bế về Mỹ”—Mẹ tôi gợi ý. Đây một giải pháp mà nhiều du học sinh chọn khi sinh con lúc còn đang đi học như tôi ở thời điểm đó.
“Gửi bé đi nhà trẻ sớm cho quen chị ạ. Hơi tội nhưng mình còn phải đi học, đi làm; gửi sớm bé quen nếp sớm”—Cô em ở nhóm Những Bà Mẹ Đi Làm (Working Moms) mà tôi sinh hoạt khuyên. Cũng như tôi, cô ấy cũng chỉ có đúng 12 tuần nghỉ đẻ trước khi trở lại công sở.
Vậy mà vợ chồng tôi đã nuôi con độc lập (không ông bà, không người giúp việc, không gửi trẻ) được gần 2 năm rồi.
Trừ vài tháng đầu có sự giúp đỡ của bà nội và bà ngoại, thời gian còn lại trong gần 2 năm đầu đời của con đều là do vợ chồng tôi chăm nom. Hai vợ chồng vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền, vừa làm việc nhà, vừa chăm con… giữa nước Mỹ bận rộn, cạnh tranh, đắt đỏ.
Đây là một cuộc hành trình dài và một lựa chọn lớn, có xen lẫn hạnh phúc, niềm vui và cả hy sinh, đánh đổi.
Đây là câu chuyện của ba người chúng tôi:
Hành trình nuôi con độc lập tại Mỹ
Trước khi con ra đời (thuở bố mẹ còn “ngây thơ”): Khi quyết định sinh con, tôi còn là nghiên cứu sinh năm cuối, đang viết luận án tốt nghiệp và làm trợ lý nghiên cứu bán thời gian; chồng tôi làm việc toàn thời gian ở hai nhà hàng, giờ giấc thất thường, có khi nửa đêm mới về tới nhà. Cuộc sống thật sự rất bận rộn nhưng vợ chồng tôi từ đầu đã quyết định sẽ tự nuôi con với ít sự trợ giúp nhất có thể. Trong suốt 9 tháng con trong bụng, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm nhiều tiền để khi con ra đời vợ/chồng có thể cắt giảm giờ làm ở nhà chăm con. Ở thời điểm này, có lẽ chúng tôi hơi “ngây thơ” vì nghĩ mình có thể sắp xếp được để vừa học vừa làm bên máy tính còn con ngoan ngoãn nằm chơi, im ắng bên cạnh 🙈
Tháng đầu đời của con (hỗ trợ của bà nội và bà ngoại): Wow! Một đứa trẻ ra đời thật có quá nhiều thứ thay đổi, con còn non dại, bố mẹ lúng túng, cái gì cũng phải học từ đầu (không có một sách vở nào có thể dạy được hết!). Thật sự vô cùng bận rộn. Bé còn nhỏ nên còn cần nâng đỡ, cho ăn thường xuyên, rửa bình, thay tã… chứ không nằm như búp bê cả ngày để bố mẹ làm việc riêng (như trong tưởng tượng 🙊). May mắn là thời gian này có mẹ đẻ tôi từ Việt Nam sang và mẹ chồng ở tiểu bang khác đến giúp cho một tháng đầu nên chồng tôi vẫn có thể tiếp tục đi làm và tôi nghỉ ngơi phục hồi sau sinh.
Khi con từ 2-4 tháng (hỗ trợ “kéo dài” của bà ngoại): Vì thấy chúng tôi quá bận rộn và quay cuồng với con nhỏ, mẹ đẻ tôi kéo dài thời ở Mỹ để chăm cho bé tới 4 tháng. Vợ chồng tôi rất biết ơn sự giúp đỡ này trong những tháng đầu của bé vì đó là những tháng lo lắng, mệt mỏi, chông chênh nhất của cả bố/mẹ và con. Hình ảnh bà ngoại mắt nhắm mắt mở, chìa tay giữa đêm tối để bế cháu tôi sẽ không bao giờ quên. Nhưng cũng bởi suy nghĩ đã phiền bà quá nhiều ở tuổi bà cần nghỉ ngơi, khi bé lên 4 tháng và bà về Việt Nam, chúng tôi quyết định đã đến lúc trở lại kế hoạch độc lập nuôi con ban đầu.
Khi con từ 4-6 tháng (mô hình bố mẹ “bán thời gian”): Thời gian đầu khi mới độc lập chăm con, vợ chồng tôi chia đôi thời gian giữa ngày chăm con và ngày đi làm/đi học: tôi trông bé 3 ngày, chồng trông bé 3 ngày, 1 ngày cuối tuần hai vợ chồng phụ nhau. Thời gian này chúng tôi đã luyện ngủ cho bé và cho bé ăn, ngủ vào nếp nên cũng đỡ bận hơn phần nào. Nhưng tôi vẫn không thể vừa làm luận án vừa chăm con vì công việc nghiên cứu cần tập trung cao độ mà trí nhớ và sức tập trung của tôi bị giảm sút nhiều sau khi sinh bé. Bởi vậy, chồng tôi khuyên tôi nên đi làm chính thức để có không gian và thời gian làm luận án. Chồng tôi đề xuất nếu tôi đi làm, anh ấy sẽ nghỉ việc để làm bố toàn thời gian. (Đọc thêm ở Mini Post #13)
Kể từ khi con 6 tháng tới nay (mô hình bố toàn thời gian, mẹ đi làm): Sau khi tôi có được việc làm chính thức (Data Analyst), chồng tôi thực hiện đúng lời hứa ở nhà chăm con. Tuy nhiên, vì là “người chồng quốc dân” nên anh ấy vẫn nhận thêm việc làm ca đêm 3 buổi/tuần để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Một từ “bận rộn” không thể tả hết nỗi vất vả trong thời gian con từ 6 tháng tới 1 tuổi. Vì bé còn bú mẹ nên ngày 2 lần chồng tôi chở bé đến văn phòng tôi làm cho bé bú, kết hợp với ăn bình thêm bên ngoài. Ngày nào chồng đi làm ca đêm thì phải đến văn phòng đón vợ sớm rồi “giao ca” chăm con trước khi đi làm tiếp đến đêm. Tôi sau một ngày làm việc 8 tiếng về nhà chưa kịp thay đồ đã phải cho con ăn, cho con tắm, cho con ngủ… tới 8g tối mới tắm rửa, rồi lại lao vào làm luận án đến đêm. Tối nào con ngủ ngoan thì hai vợ chồng cũng được ngủ đủ giấc. Tối nào con không yên giấc thì chồng ra ngoài chăm con, đóng cửa cho vợ ngủ để sáng đi làm. (Đọc thêm ở Mini Post #12)
Khi bé được hơn 1 tuổi, biết đi vững rồi, chúng tôi có gửi trẻ (daycare) 2 buổi/tuần để chồng tôi có được 2 ngày nghỉ. Bé đi học rất tự tin, hoà đồng, vui vẻ. Chỉ tiếc là mới đi học chưa đầy 3 tháng thì dịch COVID-19 nổ ra nên bé phải nghỉ học cho tới tận bây giờ (21 tháng) 🙈. Vợ chồng tôi lại tiếp tục về với mô hình chăm con độc lập “truyền thống”. Có điều giờ tôi làm việc ở nhà, con cứng cáp ăn ngủ dễ hơn, chồng cũng không làm thêm ca đêm nữa nên cả nhà được ở bên nhau nhiều hơn, bớt bận rộn hơn so với trước đây.
Một tuần bình thường của chúng tôi: Trong tuần, chồng trông con ban ngày, vợ đi làm tới 5g chiều xuống phụ chồng chăm con tới 8g tối con ngủ (bé ngủ được 12 tiếng tới 8g sáng hôm sau). Sau khi con ngủ, hai vợ chồng làm việc thêm dự án ngoài, làm công việc sở thích (bao gồm blog này 🐒), hoặc dành thời gian cho nhau, xem phim, nghe nhạc, đọc sách… Cuối tuần, cả nhà đi chơi suối, vườn hoa, sở thú, thư viện, siêu thị…. cùng nhau. Tôi cảm thấy từ ngày có dịch COVID làm việc tại nhà, cuộc sống của chúng tôi dễ thở hơn, bớt áp lực về thời gian hơn, và mô hình độc lập chăm con cũng dễ thực hiện hơn.
Lợi ích của việc nuôi con độc lập
Nuôi con độc lập có rất nhiều lợi ích. Dưới đây là một số lý do tại sao vợ chồng tôi (cũng như rất nhiều cặp vợ chồng hiện đại khác) chọn cách này:
- Lợi ích lớn nhất của việc độc lập nuôi con là bạn có toàn quyền quyết định đối với con mình. Bạn không phải giải thích cho bất kỳ ai hoặc khi nhờ vả thì lo lắng không biết người ta có chăm con đúng cách mình muốn hay không. Nếu va vấp, bạn sẽ tự rút kinh nghiệm để trưởng thành hơn, trở thành bố mẹ tốt hơn—mà không phải nghe lời chỉ trích của bất kỳ ai cả. Tất nhiên, nuôi một đứa trẻ không thể tránh khỏi việc nghe những lời khuyên “không mời mà đến”, nhưng vì bạn độc lập nuôi con không nhờ vả ai nên cũng dễ bỏ ngoài tai những “lời khuyên” kiểu này và sáng suốt hơn khi chọn lựa điều gì là tốt nhất cho con mình và cho gia đình mình.
- Nếu bạn là người thích sự riêng tư, nuôi con độc lập là tối ưu nhất. Cả hai vợ chồng tôi đều là những người kín tiếng, thích riêng tư, độc lập. Vì thế, việc ở chung với bố mẹ, có giúp việc hay bảo mẫu trong nhà không phù hợp với lối sống và tính cách của chúng tôi. Nếu bạn cũng thuộc tuýp người thích sự riêng tư, bạn sẽ tìm được lợi ích rất lớn về mặt tinh thần từ việc nuôi con độc lập.
- Bạn không phải phiền ai, không cần nhờ ai. Rất nhiều người mở miệng là nói: “Con mình đẻ ra thì mình tự nuôi” nhưng thực tế con cái gửi hết ông bà nội ngoại, con đi học rồi cũng tống vào ông bà cuối tuần. Nhờ ông bà không có gì sai cả (bản thân tôi lớn được từng đây cũng là nhờ ông bà ngoại chăm khi còn nhỏ rất nhiều) nhưng đó hoàn toàn không phải là “tự mình nuôi”. Nếu bố mẹ bạn còn trẻ khoẻ, có thời gian rảnh rỗi và thích chăm cháu, bạn hoàn toàn có thể nhờ ông bà trong một chừng mực nhất định. Nhưng nếu bố mẹ tuổi cao, có bệnh, và chưa được nghỉ ngơi dù chỉ một ngày mà về hưu phải mang thêm trách nhiệm chăm cháu thì thực sự rất vất vả và mệt mỏi. Đó là còn chưa kể ông bà nhiều khi chăm cháu chưa đúng ý còn bị “mắng vốn” rất tội nghiệp. Tôi lớn lên trong khu tập thể, từng chứng kiến nhiều ông bà còng lưng bế cháu, cho cháu đi ăn rong, nghỉ hưu vẫn phải bán rau, bán cà muối để cho cháu đồng quà tấm bánh hàng ngày… vô cùng vất vả. Bởi thế ngay từ khi còn rất nhỏ, tôi đã quyết định khi mình có con sẽ hạn chế nhờ vả ông bà, người thân, họ hàng nhiều nhất có thể.
- Tự nuôi con giúp tiết kiệm được nhiều tiền. Chi phí gửi trẻ, bảo mẫu, thuê người giúp việc ở Mỹ rất đắt đỏ. Thời gian ngắn bé nhà tôi đi nhà trẻ có 2 buổi/tuần mà đã gần $1,000/tháng—bằng với thu nhập của một người đi làm với lương tối thiểu tại Mỹ. Bởi vậy, tự nuôi con mang lại lợi ích kinh tế lớn. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh không cho phép tự nuôi con hoặc chi phí ở Việt Nam rẻ hơn, bạn có thể thuê người giúp việc theo giờ để ít nhất phụ dọn dẹp, rửa bát, nấu ăn… để tiết kiệm thời gian.
- Gia đình nhỏ gắn kết hơn. Lợi ích đặc biệt nhất của việc độc lập nuôi con là gia đình nhỏ khăng khít, gắn bó hơn vì luôn ở bên nhau và làm mọi việc cùng nhau. Vì tự nuôi con, vợ chồng tôi chứng kiến được tất cả khoảnh khắc của con, thấy mỗi bước đi của con, đếm từng từ con học nói… Tất cả đều nhiệm màu, hạnh phúc, và đáng yêu kỳ lạ. Những trải nghiệm nho nhỏ như thế này khó có thể có được nếu bé đi nhà trẻ hay ở với ông bà, bảo mẫu cả ngày.
Mặt trái của việc nuôi con độc lập
Ngoài những lợi ích lớn như trên thì nuôi con độc lập cũng có nhiều mặt trái. Dưới đây, bên cạnh việc chia sẻ các vấn đề nổi cộm của mô hình tự nuôi con, tôi sẽ bàn thêm về cách khắc phục từng vấn đề một:
- Độc lập nuôi con khiến cuộc sống trở nên vô cùng, vô cùng bận rộn. Ai đã từng nuôi một đứa trẻ mới hiểu “con mọn” có nhiều việc như thế nào. Con còn nhỏ thì hầu như lúc nào cũng phải để mắt tới, rất khó có thời gian riêng để tập trung làm gì đó; đó là còn chưa kể con ốm, con đau, con mọc răng, con quấy… Không có người trợ giúp thì cả ba người (bố, mẹ, con) phải cùng hợp tác như một “team” thực thụ. Bố mẹ cần trao đổi với nhau thường xuyên, phân chia công việc, sắp xếp thời gian vô cùng chuẩn xác để mọi thứ vào quy củ. Con dù còn bé cũng cần được dạy nếp tự lập, biết tự chơi một mình, làm được những việc nhỏ (như dọn dẹp đồ chơi, vứt rác, tự ăn) để bố mẹ có thể rảnh tay làm các việc khác trong gia đình.
- Bố hoặc mẹ phải hy sinh sự nghiệp. Để tự nuôi con được thì ít nhất phải có một người ở nhà gần như toàn thời gian để chăm con. Điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là phải hy sinh sự nghiệp trong thời gian 1-5 năm (cho đến khi con đi nhà trẻ, mẫu giáo hoặc đủ tuổi đi học). Thông thường, người mẹ là người hay phải hy sinh sự nghiệp để ở nhà nội trợ, chăm con để chồng đi làm. Trong trường hợp của gia đình tôi, chồng là người làm công việc “bố toàn thời gian” cho vợ đi làm. Nếu bạn chấp nhận được sự hy sinh này trong vài năm đầu, bạn mới có thể hoàn toàn độc lập nuôi con vì khó có thể chu toàn được mọi thứ, cả sự nghiệp lẫn gia đình cùng lúc khi con còn quá nhỏ.
- Đôi khi bạn cảm thấy cô đơn, trống vắng. Việc ở nhà cả ngày với một đứa bé còn chưa nói sõi, công việc quanh quẩn với bỉm sữa, dọn dẹp, nấu ăn… có thể khiến mình cảm thấy ù trệ, cô đơn, trống vắng vì không có giao tiếp với mọi người, không còn mục tiêu phấn đấu như trước đây. Để thoát khỏi tình trạng này, bạn nên để thời gian làm việc sở thích, đi ra ngoài nhiều hơn với em bé, đặt mục tiêu cho việc trở lại đi làm trong tương lai không xa khi bé đủ cứng cáp để đi học (hoặc khi hết dịch Covid 🙈)
- Bé có thể phụ thuộc nhiều vào bố mẹ. Một hiện tượng thường thấy ở các gia đình tự nuôi con là bé “bám” bố mẹ nhiều, nhát và ngại giao tiếp với người ngoài. Rất may là điều này không xảy ra với bé nhà tôi. Ngoài lý do tính cách bé mạnh dạn ra thì việc chúng tôi chủ động cho bé ra khỏi nhà thường xuyên, như đến thư viện động đồng, đi bơi, đi công viên, đi ăn ngoài hàng, dự tiệc sinh nhật… cũng giúp bé cảm thấy quen với người ngoài hơn. Tuy vậy, nếu bé quá nhát và quá bám, việc cho bé đi trẻ sớm có thể giúp cho sự phát triển của bé hơn là ở nhà.
Lời khuyên cho những ai muốn nuôi con độc lập
Trở lại câu nói của cô bạn thân của tôi từ đầu bài viết: “Tự chăm con không ai giúp như bọn Tây á? Không! Không! Chắc chắn là không được!”, tôi có thể tự tin khẳng định rằng: Nuôi con độc lập là hoàn toàn có thể.
Nếu vợ chồng tôi ở nước Mỹ xa xôi, không người thân, không họ hàng, không bạn bè ở bên cạnh mà còn vừa học, vừa làm, vừa chăm con được thì chắc chắn ai cũng có thể làm được. Vấn đề là bạn có muốn hay không, có cảm thấy mô hình này phù hợp với gia đình mình hay không, và có chấp nhận được những hy sinh, vất vả thể xác để đổi lại sự tự do, riêng tư, thoải mái về tinh thần hay không mà thôi.
Ngoài ra, việc độc lập nuôi con không phải là mãi mãi. Rồi sẽ có một ngày bạn phải rời bé ra để bé đi học, đi trại hè, đến chơi nhà ông bà… hoặc sẽ phải nhờ/thuê người giúp đỡ nếu có bé thứ hai hay bước vào thời điểm phải tập trung cho sự nghiệp của mình. Bởi vậy, nói ra cảm thấy to tát nhưng thực tế có lẽ thời gian độc lập nuôi con chỉ diễn ra trong vài tháng hoặc vài năm đầu đời của con. Vì thế nếu nhìn tổng thể thì quãng thời gian này dù vất vả nhưng ngắn ngủi so với đường đời của con và nhẹ nhàng hơn chúng ta tưởng nhiều.
Nếu đây là con đường mà bạn đang đi hoặc muốn đi trong tương lai khi có con nhỏ, tôi muốn chia sẻ một số lời khuyên để việc nuôi con độc lập được dễ dàng, suôn sẻ, và vui vẻ hơn:
- Bố mẹ cần nhìn cùng về một hướng. Để độc lập nuôi con được thành công, cả hai bố mẹ phải “on the same page” tức là cùng chung lý tưởng, mục tiêu và kế hoạch hành động. Hai vợ chồng hiểu rõ lý do tại sao mình độc lập nuôi con, mặt phải và trái của mô hình này và biện pháp khắc phục khó khăn. Ví dụ như bố đi làm còn mẹ ở nhà chăm con thì bố cũng phải hiểu rất rõ rằng việc ở nhà chăm con vô cùng vất vả—đôi khi còn vất vả hơn cả đi làm—vì thế đừng nên cao giọng nói những câu như: “có mỗi việc ở nhà chăm con mà cũng không xong” hay “ở nhà chơi ngửa tay xin tiền”… rất gây bức xúc. Hay như nếu có người can thiệp, nói này nói kia về cách con được chăm nom thì cả hai vợ chồng phải bảo vệ nhau, tin tưởng rằng mình đang làm điều tốt nhất cho gia đình và bỏ ngoài tai lời dèm pha của xã hội. Tất cả các chuyện trong gia đình như tiền bạc, con cái, nấu ăn, dọn dẹp… đều cần có giao tiếp rõ ràng, thường xuyên, mạnh lạc giữa hai vợ chồng để mọi thứ đều thông suốt, sáng tỏ.
- Kỹ năng quản lý công việc và thời gian phải rất tốt. Để làm được nhiều đầu việc (đa phần không tên) như vậy trong ngày, cả bố lẫn mẹ cần phải có kỹ năng quản lý thời gian tốt, biết chia đều đầu việc cho nhau dựa vào khả năng nổi trội của từng người để tối ưu hoá hiệu suất công việc. Ví dụ như tranh thủ lúc vợ cho con bú thì chồng dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, đi chợ. Lúc chồng tắm cho con thì vợ tranh thủ đi tắm, đổ rác, giặt đồ. Lúc con ngủ thì hai vợ chồng tranh thủ ngủ hoặc làm việc gì đó riêng cho hai người…. Các kỹ năng chăm con cơ bản (cho con ăn, thay tã, cho con ngủ) cả hai vợ chồng đều phải làm thành thạo.
- Sử dụng công nghệ một cách thông minh. Có rất nhiều công nghệ hiện đại giúp việc chăm con, làm việc nhà được dễ dàng hơn mà bố mẹ nuôi con độc lập rất nên tận dụng. Ví dụ như nồi áp suất nhanh (instant pot) giúp giảm thời gian nấu ăn xuống hơn nửa, máy hút bụi, máy giặt/máy sấy, máy rửa bát, ghế ăn cho con, xe đẩy (stroller) cho con đi chơi, địu mấy tư thế để vừa địu con vừa làm việc… Riêng việc cho trẻ xem tivi, ipad, điện thoại thì không nên vì mấy món đồ công nghệ này không tốt cho sự phát triển não bộ của trẻ, nhất là dưới 2 tuổi.
- Con cũng cần là một thành viên đắc lực. Để có thể nuôi con độc lập được dễ dàng, con cũng cần là một đứa trẻ độc lập. Như đã viết, chúng tôi khuyến khích cho bé ra ngoài tiếp xúc với mọi người, với thiên nhiên để dạn dĩ, mạnh bạo hơn. Khi ở nhà, bé cũng được khuyến khích làm những việc nhỏ trong gia đình. Bé nhà tôi tự bốc ăn từ 6 tháng, biết bỏ đồ vào máy giặt từ 13 tháng, và giờ 21 tháng có thể tự làm nhiều việc vặt trong nhà như dọn dẹp đồ chơi, đẩy ghế vào hộc bàn, vứt rác vào đúng nơi quy định… Nhiều người nghĩ trẻ con không biết gì nhưng thực ra các bé làm được khá nhiều đấy! Thay vì nghĩ tất cả mọi việc trong ngày chỉ xoay quanh vào phục vụ con, hãy để bé tự chơi một mình và tự “phục vụ” bản thân trong giới hạn cho phép; có như vậy cả bố mẹ lẫn con mới có thể làm được nhiều việc cho nhau và phát triển bản thân độc lập theo cách riêng.
—
Tôi quyết định thực hiện bài viết này vì trong suốt thời gian ấp ủ kế hoạch nuôi con độc lập, tôi từng tìm kiếm mọi nơi nhưng không thấy bài viết nào bằng tiếng Việt kể về quá trình tự nuôi con một cách hoàn toàn (không ông bà, không bảo mẫu, không giúp việc). Thời gian đầu có con, tôi rất hoang mang không biết việc độc lập nuôi con có khả thi không vì không có ai để chia sẻ cả—mặc dù tôi biết chắc chắn nhiều gia đình trẻ hiện đại cũng sống theo mô hình này. Bởi vậy, tôi muốn cho ra một bài viết đầy đủ, chân thực, để mọi người có cái nhìn rõ ràng về hành trình tự nuôi con.
Nuôi con độc lập hay không hoàn toàn là quyết định cá nhân, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, và chỉ có bố mẹ mới biết được điều gì là tốt nhất cho gia đình nhỏ của mình. Không có quyết định nào là hoàn hảo, cái gì cũng có mặt phải và trái riêng của nó. Tuy nhiên, nuôi con độc lập là một trải nghiệm rất đặc biệt mà tôi nghĩ bố mẹ nào cũng nên trải qua một lần (có vẻ như COVID-19 đã khiến nhiều bố mẹ ở khắp thế giới “nếm” qua trải nghiệm này 🙈).
Tôi hy vọng bài viết phần nào truyền cảm hứng cho bạn đọc—những người đã, đang, hoặc sẽ có con nhỏ—sống tự tin, mạnh mẽ, và độc lập hơn nữa.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Mon says
Dành 1 tràng vỗ tay tặng bố Joey!
Chi Nguyễn says
Bố Joey nói cảm ơn Mon 😀
Nhung Vũ says
Đọc bài viết của Chi xong mình phải nhìn ông bố quốc dân này. Hai VC em giỏi quá.
Haha says
Em chưa có người yêu nhưng em cũng đã nghĩ đến chuyện sau này sẽ nuôi con độc lập và đã nghĩ đến được gần hết những lợi ích và bất lợi của phương pháp này. Cảm ơn chị rất nhiều về bài viết, e đã save lại để sau này đem ra ngâm cứu dần rồi ạ!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết nhé! Chuẩn bị sớm về sau càng có nhiều lựa chọn 🙂
Haha says
Em vẫn luôn dõi theo từng bài viết của chị, trong đó có sự thật tâm chia sẻ và đầy sự tâm huyết của chị, em đã học hỏi rất nhiều từ chị, từ những thứ em luôn nghĩ tới nhưng vẫn loay hoay trong suy nghĩ của mình cho đến những thứ em luôn nghĩ nhưng không biết làm sao diễn tả bằng lời được. Em cảm ơn chị rất nhiều <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em vì sự đồng cảm. Chúc em mọi điều tốt lành!
Minh Châu says
Mình 28 tuổi, sống ở Việt Nam, mình đã qua giai đoạn nuôi con độc lập, không trợ giúp ông bà, không bảo mẫu, không gửi trẻ, cho đến khi bé đủ 18 tháng thì mình cho bé đi trẻ và mình lại bắt đầu sự nghiệp lại 🥰🥰🥰 trải nghiệm này cũng là định hướng năm mình 24 tuổi, lúc đó mình dự tính sẽ ở nhà chăm con nhưng vẫn tự kinh doanh riêng, và quyết định đó thật đúng đắn, hỗ trợ mình rất nhiều trong hành trình nuôi con độc lập, bài viết của bạn rất ý nghĩa, truyền thêm động lực cho các bạn trẻ, hy vọng sẽ được đọc thêm những bài viết hay từ bạn.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã chia sẻ! Mình cũng đồng tình với quan điểm khi bé ngoài 1 tuổi đi nhà trẻ và bắt đầu sự nghiệp lại cho bố hoặc mẹ. Mình thấy nhất là tầm bé 18 tháng đến 21 tháng đã nhận biết được nhiều, biết đòi, đi vững rồi thì nên gửi trẻ. Bé nhà mình đợt này dịch phải nghỉ ở nhà mình thấy cũng không được vào nếp như khi đi nhà trẻ. Khi nào hết dịch mình sẽ gửi bé trở lại. Nuôi con một mình có rất nhiều lợi ích, mình rất vui khi được kết nối với một bà mẹ có chung quan điểm này 🙂
My Linh says
Chị ơi, em muốn hỏi là việc sinh con là chị đã dự định từ trước, tức là mình có kế hoạch vào thời gian đó, trong năm đó mình sẽ sinh em bé hay là một việc đến bất ngờ ạ? nếu là việc chị có dự định từ trước thì chị có phải đấu tranh tâm lý nhiều không? vì khi ấy chị vẫn đang là sinh viên năm cuối, vẫn bận rôn với khóa luận, công việc và blog? khi ấy chị có suy nghĩ là việc có con sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của mình và chị phải dừng lại một thời gian mà chưa biết chắc là bao lâu không ạ? Sau tất cả thì chị đã làm gì để chuẩn bị tâm lý và sức khỏe thật tốt để có em bé ạ?
Chi Nguyễn says
Chị có viết về kế hoạch sinh con ở đây: https://thepresentwriter.com/quyet-dinh-co-con-nen-hay-khong-co-dung-thoi-diem-lieu-da-san-sang/
Mint says
Em có đọc 1 quyển sách mà ba mẹ em mua lúc em mới sinh ra tên là Em phải đến Harvard học kinh tế (phần 1 và 2). Em nghĩ chị nên đọc cuốn sách này vì cách giáo dục của tác giả( ba mẹ của 1 chị từng học ở Harvard) thực sực rất hay, và nội dung cuốn sách có thể dùng đến tận lúc con chị lên đại học. Đây không phải là 1 cuốn sách dạy con sao cho trở thành 1 thiên tài với các biện pháp ép buộc , hay đây là 1 cuốn sách chỉ dành cho những người muốn con vào Harvard đâu nên chị đừng lo, nên mua thử đi ạ. Vì em không giỏi viết nên chỉ có thể viết được đến đây thôi. Nói chung, em nghĩ chị nên đọc cuốn sách này và hi vọng chị có thể dành chút thời gian đọc comment của em.
Mint says
Bổ sung thêm 1 chút là những bạn tuổi teen hoặc những ai đang học cũng có thể đọc phần 2 của cuốn sách vì phần 2 có những cách làm sao để phát triển sự sáng tạo, … và chia sẻ về những bí kíp học Toán, Tiếng Anh hay những môn khác ở trên trường
Chi Nguyễn says
Chị chưa đọc cuốn này nhưng cũng được các bạn recommend. Khi nào có điều kiện chị sẽ tìm đọc.