Tuần trước, tôi mới nhận được thông báo từ Penn State là luận án Tiến sĩ của mình đã được xuất bản trên trang web của nhà trường. Khi bảo vệ thành công luận án, tôi đã lựa chọn phương án để luận án “mở” (open access) để ai cũng có thể vào đọc không cần trả phí. Bạn đọc quan tâm có thể đọc tại đây.
Luận án của tôi bàn về những thay đổi chính sách giáo dục của Việt Nam xoay quanh kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông quốc gia và ảnh hưởng của nó với học sinh, lãnh đạo nhà trường, và cộng đồng. Đề tài này được truyền cảm hứng bởi cú sốc của chính tôi vào năm lớp 12 khi chính sách tuyển thẳng Đại học cho học sinh giỏi đột ngột thay đổi. Đọc thêm về câu chuyện này ở: Cú sốc và bước ngoặt đầu đời của tôi.
Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi sẽ không đi sâu vào nghiên cứu của mình. Thay vào đó, tôi muốn mượn phần “Acknowledgement” (Lời cảm ơn) để kể cho bạn đọc về những con người đã giúp làm nên luận án tiến sĩ của tôi và những câu chuyện “đằng sau hậu trường” của một nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ.
Tôi hy vọng bài viết này sẽ truyền cảm hứng cho những ai đam mê nghiên cứu hoặc có ước mơ học cao học tại nước ngoài. Đây là thực sự một chặng đường dài với những câu chuyện thăng trầm mà ít ai hiểu hết được.
LỜI CẢM ƠN
Luận án Tiến sĩ này không thể trở thành hiện thực nếu không có sự ủng hộ cả về mặt tri thức lẫn tinh thần của rất nhiều người quan trọng trong cuộc đời tôi.
Khi mới bước vào con đường học thuật, tôi đã nghe nói rằng rất nhiều nghiên cứu sinh bỏ dở giữa chừng vì không thể hoàn thành luận án tốt nghiệp. Tôi đã rất ngạc nhiên, thầm nghĩ điều đó sẽ không bao giờ xảy ra với mình. Thậm chí, vì tự tin bản thân là người làm việc năng suất cao, tôi từng đặt mục tiêu có bằng tiến sĩ sớm hơn hẳn mọi người, trong khoảng 3-4 năm.
Vậy nên, đến khi bắt tay vào làm luận án và vấp phải vô vàn chông gai dẫn đến việc phải lùi lại thời gian tốt nghiệp tới 2 năm so với kỳ vọng, tôi mới thấm thía lý do tại sao có những người mặc dù vô cùng tài giỏi lại phải đầu hàng với luận án. Lý do thì có rất nhiều, nhưng về cơ bản làm luận án rất khó vì: (1) đây là thường dự án lớn và độc lập đầu tiên của nghiên cứu sinh nên quá trình làm rất đơn độc, rất nhiều câu hỏi phải tự tìm lời giải đáp, nếu không biết cách thúc đẩy mình đi đến cùng thì rất dễ buông tay; và (2) quá trình làm luận án thường trải dài hàng năm trời, trong thời gian đó, rất nhiều sự kiện cá nhân có thể xảy ra (như mất học bổng, nhà có tang, kết hôn, sinh con nhỏ, bệnh tật…) dẫn đến sao nhãng trong công việc và rất khó để lấy lại được cân bằng.
Bản thân tôi bắt tay đi làm thực địa và lấy dữ liệu nghiên cứu từ rất sớm nhưng không lường trước được quá trình nhập dữ liệu lại mất đến 6 tháng vì mẫu nghiên cứu của tôi lớn hơn 20 lần so với dự kiến. Từ đó đã mất đi tới nửa năm hì hục vào số liệu, ngày đêm đối chiếu mẫu trước khi đưa vào phân tích. Sau đó, tôi lại có bầu và ốm nghén hết 3 tháng đầu, hầu như chỉ nằm một chỗ không làm được gì. Hết ốm nghén tôi lao vào vừa làm luận án vừa tìm việc làm vô cùng vất vả. Bụng bầu 9 tháng vẫn lang thang trên mọi nẻo đường, ngồi chờ vào phỏng vấn 30 phút cũng tranh thủ đánh máy luận án. Rồi sau khi sinh con, trí nhớ và độ tập trung của tôi giảm sút rất nhiều, chưa kể đến việc chăm con đêm ngày thiếu ngủ triền miên. Có giai đoạn cả 4 tháng trời, kể cả khi con có người bế đỡ cho rồi, tôi vẫn ngồi trước máy tính thẫn thờ hàng giờ liền mà không đọc nổi một công thức toán, không viết được một dòng nào. (Nghĩ lại thật quá hãi hùng!). Mãi sau này, với sự động viên của chồng, tôi mới dứt việc nhà ra đi làm toàn thời gian và lấy lại được động lực và sự tập trung để hoàn thành luận án.
Bởi vậy, quá trình thực hiện luận án là cả một cuộc hành trình với đủ mọi cung bậc cảm xúc cá nhân, lẫn thử thách về tri thức và nội lực con người. Sau khi đã trải qua rồi, tôi mới thấy để có được thành công, mình đã mang ơn rất nhiều người—mỗi người như một chiếc giá đỡ, một bàn tay nắm lấy mình khi vấp ngã và một bờ vai giang ra để mình dựa vào đứng dậy và đi tiếp con đường mình đã chọn.
HỘI ĐỒNG CỐ VẤN
Tôi muốn thể hiện sự cảm kích chân thành của mình tới Hội đồng cố vấn đề tài. Tôi vô cùng may mắn khi có Dr. Kai Schafft là giáo viên hướng dẫn; sự kiên nhẫn, đạo đức, và thẳng thắn của thầy đã truyền cảm hứng cho tôi và giúp tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất.
Mỗi nghiên cứu sinh làm luận án đều có một Hội đồng cố vấn đề tài (4-5 người) với người đứng đầu là giáo sư hướng dẫn. Trong cả cuộc đời làm nghiên cứu sinh của mình, điều may mắn nhất đến với tôi là có được một giáo sư hướng dẫn vô cùng tuyệt vời. Thầy tên là Kai, đọc cùng âm với từ “kind” (tốt bụng). Thầy thật quả là một trong những người tốt bụng nhất mà tôi từng gặp, tới mức mà mỗi lần nghĩ đến những gì thầy đã làm cho tôi, tôi lại rơm rớm nước mắt (ví dụ như khi đang viết những dòng này).
Điều tốt nhất ở thầy là sự thẳng thắn; trước cái xấu hay trước những ai chèn ép sinh viên, thầy lên tiếng rất mạnh mẽ và đấu tranh và bảo vệ sinh viên đến tận cùng. Cứng rắn bên ngoài là như thế nhưng bên trong, thầy rất ấm áp. Mỗi khi gửi lời phê bình/góp ý cho nghiên cứu của tôi, thầy đều bắt đầu bằng một lời khen, như “Em không bao giờ làm tôi hết ấn tượng về khả năng của mình” hay “Đây là một trong những bài viết hay nhất tôi từng được đọc”… và tôi luôn biết lời khen của thầy là thật vì thầy không bao giờ nói dối hay ngần ngại vạch ra cái sai để học trò sửa đổi.
Trong suốt nhiều năm làm việc với thầy Kai, tôi đã nghĩ mình đến với thầy là do may mắn vì đề tài nghiên cứu của tôi tình cờ khớp với thầy và vì thầy nhận tôi làm học trò khá muộn (từ năm thứ 3 Tiến sĩ). Nhưng cách đây không lâu, sau khi đã bảo vệ thành công luận án, tôi dọn lại tủ sách và nhặt được một mảnh giấy mình viết 5 năm trước khi mới tới Penn State. Giữa những dòng tiếng Anh nguệch ngoạc, tôi ghi chú: “Nếu được, chọn Kai làm giáo viên hướng dẫn. [Thầy] rõ ràng, thẳng thắn, vào thẳng vấn đề”. Thì ra là ngay từ những ngày đầu tiên non nớt ấy, tôi đã “chọn” thầy và ở đâu đó trong tiềm thức hàng năm sau tôi vẫn biết thầy là người phù hợp nhất với tôi. Tôi xem đây cũng là một cái duyên.
Cảm ơn Dr. Soo-Yong Byun vì đã chỉ cho tôi thấy sức mạnh của phương pháp phân tích định lượng/xác suất thống kê để trả lời các câu hỏi nghiên cứu quan trọng. Chính nhờ khóa học hữu ích và sự chỉ dẫn của thầy mà tôi tự tin theo đuổi mô hình kết hợp giữa định lượng và định tính.
Nếu bạn theo dõi The Present Writer từ lâu, hẳn bạn cũng biết tôi có xuất phát điểm là dân chuyên Văn. Tôi không thích Toán và hồi học Đại học tại Việt Nam từng suýt trượt môn Xác suất thống kê 🙈. Thế nên khi sang Mỹ học cao học, tôi vẫn đinh ninh mình sẽ chỉ làm nghiên cứu định tính (qualitaitve methods như phỏng vấn, quan sát, phân tích tài liệu với con chữ…) và tránh xa định lượng (quantitative methods như khảo sát, phân tính số liệu với nhiều con số…). Thật không thể ngờ sau này tôi lại làm nghiên cứu cả định lượng lẫn định tính; thậm chí ra trường giờ còn đang làm công việc Chuyên viên phân tích dữ liệu (Data analyst). Cuộc đời thật trớ trêu đúng không?
Nhưng người góp phần làm thay đổi suy nghĩ của tôi về định lượng chính là Soo-Yong, một giáo sư người Hàn Quốc. Tôi học một khóa của thầy về sử dụng phương pháp định lượng để phân tích bộ dữ liệu lớn xuyên quốc gia và nó đã thực sự mở ra cho tôi một chân trời mới. Tôi nhận ra rằng mình có thể không giỏi Toán nhưng mình có tư duy logic tốt, với sự kết hợp của công nghệ tính toán hiện đại, tôi hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn mình nghĩ. Bởi vậy, tôi chuyển hướng sang học thêm định lượng và gặt hái được nhiều thành công, trong đó có hai lần đạt điểm tuyệt đối (100/100) môn Xác suất thống kê tại Penn State—”trả thù” cho năm xưa suýt trượt môn này tại Việt Nam 🐵.
Nếu không nhờ có thầy Soo-Yong, có lẽ giờ tôi vẫn chưa khai thác được hết khả năng của mình, có lẽ vẫn nghĩ mình là đứa “dốt Toán”, và chắc chắn không bao giờ chọn công việc Data analyst cho mình. Trong cuộc đời, đôi khi ta gặp được những người chỉ cho ta thấy những điều về mình mà chính mình còn chưa hiểu hết.
Cảm ơn Dr. Edward Fuller, người đã vô cùng rộng lượng khi hướng dẫn tôi trong những năm đầu học Tiến sĩ; rất nhiều ý tưởng về mô hình lãnh đạo giáo dục hướng tới bình đẳng xã hội tôi đề cập trong luận án xuất phát từ những buổi trò chuyện và dự án cộng tác ban đầu và thầy.
Trong những năm đầu làm nghiên cứu sinh còn nhiều bỡ ngỡ, thầy Ed đã rộng lượng nhận làm mentor cho tôi. Thầy cho tôi một công việc làm trợ lý nghiên cứu (nhưng trợ lý được cho thầy thì ít mà thầy chỉ dạy lại cho tôi thì nhiều); thầy dạy cho tôi từng li từng tí, từ cách nhập con số đến cách dùng dấu chấm, dấu phẩy trong văn viết học thuật. Ngay cả khi tôi không còn làm với thầy nữa, thầy luôn nói tốt về tôi và thậm chí còn dẫn tôi đến buổi họp đầu tiên với “Sếp” mới để chắc chắc người ta đối tốt với tôi. Tôi có viết về kỷ niệm làm chung với thầy trong “PhD Funding hay những gì tôi học được khi từ chối một công việc tốt”.
Cảm ơn Dr. Leif Jensen vì những góp ý quý báu của thầy từ giai đoạn đề án mới ở trên giấy. Thầy khuyến khích tôi suy nghĩ một cách đa chiều về khái niệm nông thôn, kỳ vọng, mong ước trong hoàn cảnh cụ thể của dự án.
Để tăng tính khách quan và mở rộng thêm ý tưởng về nghiên cứu, một Hội đồng thường yêu cầu có thành viên ngoài (outside member) là một giáo sư ở Khoa khác hay làm ở một mảng nghiên cứu khác hẳn. Người giữ vị trí này trong Hội đồng của tôi là thầy Leif. Thông thường outside member thường có tiếng nói mờ nhạt nhất và nhiều người chỉ đọc qua loa nghiên cứu (vì nghiên cứu sinh không phải học trò trực tiếp của họ). Nhưng Leif khác hẳn, thầy luôn đưa ra những nhận định sắc sảo, hữu ích.
Ngày tôi bảo vệ luận án, thầy xuất hiện với hơn 170 trang luận án của tôi được in ra với hàng nghìn dấu highlight, ghi chú chằng chịt, chứng tỏ thầy đọc rất kỹ. Ban đầu thấy vậy tôi cũng hơi “choáng”, lo sợ thầy không đồng tình với nghiên cứu của mình. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, ngay trong buổi bảo vệ, thầy nói: “Đây là một trong những luận án xuất sắc nhất tôi được đọc trong 30 năm qua làm giáo sư ở Penn State. Tôi không thể tưởng tượng được một người dùng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai có thể viết được như vậy”. Lời khen của thầy, đối với tôi, còn đáng giá hơn cả tấm bằng Tiến sĩ.
GIÁO SƯ VÀ BẠN HỌC
Luận án này được phát triển từ rất nhiều trao đổi giữa tôi và các giáo sư cũng như bạn học ở Penn State. Tôi vô cùng biết ơn những đóng góp quan trọng của họ. Xin gửi thật nhiều lời cảm ơn đến Dr. David Post, Dr. Marsha Modeste, Dr. Joseph Valente, và Dr. David Baker, những người mà bằng nhiều cách, đã giúp tôi phát triển câu hỏi nghiên cứu và phương pháp tiếp cận cho dự án.
Trong những năm làm nghiên cứu sinh, tôi học hỏi rất nhiều từ các khóa học và những dự án cộng tác cùng các giáo sư ở Penn State. Mặc dù nhiều người không nằm trong Hội đồng cố vấn và cũng không phải là giáo sư trực tiếp của tôi, nhưng họ đã giúp đỡ tôi rất nhiệt tình. Đặc biệt, thầy David Post còn nồng hậu mời vợ chồng tôi (cùng con mèo) đến ở nhà thầy trong cả tháng trời. Tôi chắp bút viết “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” chính là ở trong căn nhà gỗ nên thơ của thầy.
Tôi thực sực cảm kích sự trợ giúp vô tư của người bạn tuyệt vời đồng thời cũng là chuyên gia xác xuất thống kê, Ismael Muñoz— người đã kiên nhẫn trả lời mọi câu hỏi của tôi về Stata. Xin được gửi lời cảm ơn đặc biệt tới những người bạn trong nhóm viết của tôi, Jinhee Choi, Anke Li, và Maraki Kebede, vì mang đến cho tôi tinh thần trách nhiệm, năng lượng tích cực, và niềm vui viết lách.
Tôi cũng rất may mắn khi có được những người bạn đồng môn vô cùng tốt bụng. Ví dụ như cậu bạn người Peru: Ismael, người đã dành hàng tiếng đồng hồ trong giờ nghỉ trưa để sửa lại đọan code tôi viết trên Stata (phần mềm tôi dùng để phân tích dữ liệu). Sau khi bảo vệ luận án, tôi mời cậu ấy ăn trưa một buổi để “đền bù” bao giờ nghỉ trưa vì tôi mà hộp đồ ăn của cậu ấy nguội ngắt; cậu ấy giản dị, thông minh, và tốt bụng đến kỳ lạ.
Tôi cũng có một “nhóm viết” gồm vài bạn học cùng đang “đắm đuối” với luận án tốt nghiệp. Chúng tôi thường hẹn nhau một giờ cố định ở quán cà phê rồi làm việc cùng nhau; đôi khi hàng tiếng đồng hồ chúng tôi không nói với nhau một câu nào nhưng nhìn thấy người kia làm việc, mình cũng có động lực hơn. Có những người bạn như vậy cũng giúp con đường học thuật bớt đơn độc hơn nhiều.
“TRỢ LÝ” & ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Quá trình nghiên cứu thực địa tại Việt Nam không thể thành công nên không có sự trợ giúp trên cả tuyệt vời của mẹ tôi (và cũng là trợ lý không chính thức của dự án), Trần Ngọc Diệp. Với kinh nghiệm 30 năm làm báo, mẹ dạy cho tôi cách kết nối quan hệ, tìm đường đi trong hệ thống hành chính của Việt Nam, và xây dựng chiến thuật thông minh để tiếp cận những người quan trọng cho nghiên cứu tại địa phương.
Mẹ tôi có vai trò quyết định trong sự thành công ngoài mong đợi của quá trình làm thực địa của tôi tại Việt Nam. Mẹ tôi là người kết nối, xin thư giới thiệu, gửi lời mời cộng tác của tôi đến từng trường, làm việc trước với địa phương, dọn đường cho tôi về nước làm nghiên cứu. Quá trình làm thực địa có nhiều vất vả do dự án của tôi tương đối lớn (trải dài nhiều quận huyện, qua nhiều trường học, mẫu nghiên cứu lớn), nhưng tôi rất an tâm vì có mẹ đồng hành.
Tôi từng nói đùa là: Ví đây là con đường lên Tây Trúc thỉnh kinh thì con là Đường Tăng thung dung trên ngựa, còn mẹ là Tôn Ngộ Không đi trước đón đuổi yếu quái, dẹp đường lấy chân kinh 🐒. Nói đùa vậy thôi, nhưng để làm được nghiên cứu thực địa thành công, người làm nghiên cứu rất cần sự hỗ trợ của trợ lý là một người nhạy bén, giao tiếp tốt, và nắm được địa bàn.
Bằng cả tấm lòng mình, tôi cảm ơn tất cả những người tham gia nghiên cứu vì đã cho phép tôi ghi lại trải nghiệm giáo dục của họ và tạo cho tôi động lực lớn để theo đuổi tới cùng công việc quan trọng này.
Nghiên cứu của tôi khảo sát hơn 4,000 học sinh cuối cấp và phỏng vấn gần 80 người, bao gồm học sinh, thầy cô, và lãnh đạo 12 trường phổ thông. Luận án không thể hoàn thành nếu không có những người đã nhiệt tình tham gia nghiên cứu, không ngại nói ra những điều bức xúc, những tiêu cực của hệ thống giáo dục tại Việt Nam, và mong muốn những thay đổi tích cực hơn từ chính sách.
Có nhiều lần trong quá trình làm luận án, tôi cảm thấy rất bế tắc và mất phương hướng, nhưng mỗi lần giở lại những tấm ảnh chụp trong quá trình làm thực địa, đọc lại những dòng tâm sự của các em học sinh, những thầy cô tâm huyết ở địa phương, tôi lại nhắc mình nhớ rằng: Đây là một dự án có ý nghĩa và mình phải làm cho tới cùng để không phụ lòng những ai đã tin tưởng mình.
“HẬU PHƯƠNG”
Cuối cùng, tôi muốn gửi lời cảm ơn đế chồng tôi, Joseph Vũ vì những hy sinh hàng ngày giúp cho tôi tập trung hoàn thành luận án. Chồng tôi đã dạy cho tôi không những phải đứng lên bảo vệ mình và đấu tranh cho những gì mình tin tưởng, mà còn phải sống chậm lại để tận hưởng cuộc sống. Tôi không thể mong một người bạn đời và người cha cho con mình nào tốt hơn anh ấy.
Bạn đọc The Present Writer chắc không còn xa lạ gì về câu chuyện của vợ chồng tôi và những hy sinh thầm lặng của Joe để tôi có thể làm những điều mình thích và vươn lên trong sự nghiệp. Bằng hành động thực tiễn, chồng tôi chỉ cho tôi rằng kỳ vọng của xã hội cho phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là thái quá, đặc biệt nếu người phụ nữ đó đang làm một điều vô cùng khó như hoàn thành luận án tiến sĩ (chỉ khoảng 1% dân số trên toàn thế giới có bằng PhD). Chính nhờ sự hỗ trợ rất lớn của chồng mà tôi mới có thể rũ bỏ nhiều định kiến của xã hội, tạm buông việc nhà, bịt tai trước những ý kiến của người ngoài, để tập trung toàn lực hoàn thành luận án đúng hạn.
Làm luận án này là cả một cuộc hành trình dài với nhiều cung bậc lên, xuống. Quá trình này khiến tôi trở nên vô cùng khiêm nhường, biết ơn những gì mình đang có và những người mình đã gặp. Dành cho những ai biết đến dự án và từng cầu nguyện cho tôi, CẢM ƠN BẠN!
Nếu có một điều gì lớn nhất tôi học được từ quá trình gần 3 năm đằng đẵng làm luận án thì đó là: sự khiêm nhường. Tôi cảm thông hơn với những người bỏ cuộc giữa chừng khi theo đuổi PhD (ít nhất 3 bạn vào cùng khóa với tôi đã từ bỏ), hiểu rằng có rất nhiều rào cản dẫn đến việc một người không làm việc hiệu quả như họ muốn chứ không phải chỉ do lười nhác, và biết rằng tôi còn rất nhiều điều phải học để trở thành một nhà nghiên cứu giỏi hơn và một con người tốt hơn nữa.
Tôi cũng biết ơn tất cả những người, dù không nêu tên ở đây nhưng đã ủng hộ cho tôi rất nhiều trong hành trình của mình. Trong đó, thật sự là thiếu sót nếu không kể đến bạn đọc The Present Writer. Có một giai đoạn nửa năm cao điểm làm luận án, tôi hoàn toàn mất hút trên mạng, không một bài viết mới, không cập nhật mạng xã hội, không cả IG Story về cuộc sống hàng ngày. Vậy nhưng rất nhiều người vẫn nhớ đến tôi, lo lắng cho tôi, và gửi tin nhắn hỏi thăm, chúc tôi mọi việc bình an. Tôi thực sự rất cảm động. Một phần động lực để tôi hoàn thành luận án cũng là để được quay lại với bạn đọc và The Present Writer.
Ngày nay, khi sóng gió đã qua đi, nhìn thấy luận án của mình không chỉ xuất hiện trên trang chính thức của nhà trường mà còn được đăng trên tạp chí nghiên cứu quốc tế, tôi cảm thấy rất tự hào về nỗ lực của mình và biết ơn rất nhiều người đã giúp làm nên luận án. Tôi cảm thấy rằng từ đây, không có việc gì có thể làm khó mình được vì mình đã “go to hell and back” (trải qua bể khổ rồi) 🙈
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phạm Tuấn Đức says
Cảm ơn những chia sẻ quý giá của Chi.
Liên says
Thank chị về bài viết.
Nếu có thời gian chị có thể share về con đường của ” một người không giỏi toán” đến data analyst không ạ?
Em xin cảm ơn
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã gợi ý. Chị nhất định sẽ viết về đề tài này trong thời gian tới.
robert99 says
Cám ơn tác giả, cảm thấy bình an
robert99 says
Chúc mừng Chi nhé, những ngày đầu tìm năng lượng tích cực, mình mới biết đến Chi
Chi Nguyễn says
Chào mừng bạn đến với The Present Writer!
Nguyen Loan says
Chúc mừng Chi. ^_^
Chi Nguyễn says
Chi cảm ơn Loan <3
Phạm Thu Phương says
Đọc bài viết của Chi thấy xúc động vì những gì bạn đã trải qua, đồng cảm phần nào dù mình mới đang học thạc sĩ ở Viêt Nam thôi. Đọc thấy 5 năm của bạn đã bao cố gắng, đã bao người bên bạn!Một lần nữa chúc mừng Dr. Chi!!!!!
Ps: mình rất thích bức ảnh của bài viết, với trang phục theo chủ nghĩa tối giản nhưng rất thanh lịch, bạn chụp cùng biểu tượng của trường với nụ cười thật tươi, nụ cười an nhiên trước những vất vả đã qua rồi ! ( chứ ko phải ảnh lên gân cốt gì về quá trình bù đầu làm việc)
Yêu Thương
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Phương nhiều vì đã luôn ủng hộ những bài viết của mình!
Thin Pham says
Bài viết cảm động quá! Đúng là ở quanh ta luôn có những người tốt bụng. Những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất họ làm cho mình chính là thước đo về lòng tốt. Chúc Chi luôn hạnh phúc như hiện tại.
Chi Nguyễn says
Chi cảm ơn bạn nhiều <3
Anh Vo says
Chúc mừng chị! Em rất thích những bài viết của chị và thường xuyên theo dõi những bài viết trên blog này. Em tình cờ thấy một bài viết của chị được share trên fb và theo dõi trang blog này đã hơn 2 năm trở lại đây. Đọc những bài viết của chị truyền cho em động lực và cố gắng nỗ lực hơn trong cuộc sống, tin vào công sức mình bỏ ra hôm nay sẽ gặt hái được quả ngọt trong tương lai phải không chị? Em chúc chị có thật nhiều sức khoẻ, hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình và có nhiều bài viết hay, chất lượng hơn để gởi đến các bạn đọc 🙂
Thân ái
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã theo dõi blog 2 năm qua. Thương yêu — Chi
Linh Nguyen says
Bài viết của Chi dường như nói đúng tâm trạng của người cũng đang chuẩn bị bảo vệ LATS như chị. Chặng đường làm TS của mỗi ng có thể khác nhau nhg chắc chắn là đều chung 1 điểm: Gian nan và chung 1 giải pháp: Kiên trì. Quả thực có quá nhiều lý do để bỏ cuộc, dù là làm LA ở nc ngoài có học bổng hay vừa học vừa làm ở VN. Nhg c rất vui vì đọc MCSVCNTG và biết Chi, My Present Writer trên con đg gian nan nó. Có thể Chi ko biết chứ MCSVCNTG là cuốn sách đc c mua để tặng bạn bè, ng thân nhiều nhất. Đến nỗi giờ đến nhà ai cũng thấy cuốn sách có bìa xanh dễ thg đó trên kệ sách hay trên bàn. C mong mọi ng đều có thể nhìn tgioi qua con mắt đơn giản hoá, bao dung và biết ơn như cách Chi thể hiện trong cuốn sách.
Chúc mừng Chi đã, đang và sẽ luôn thành công, hạnh phúc 🍀🍀 Vì Chi xứng đáng 😇
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị nhiều vì đã theo dõi hành trình của em, blog, và cả Một cuốn sách về CNTG nữa. Em chúc chị bảo vệ luận án thành công. Trước khi bảo vệ em cũng hồi hộp lắm, đứng ngoài đợi các giáo sư thảo luận trước giờ mà tim đập chân run. Sau đó thầy em (thầy Kai) đi ra và nói nhỏ: “Đừng lo lắng nhé! Ai cũng khen luận án của em nên em cứ tự tin nhé! Thầy rất tự hào…” làm em thấy đỡ hơn hẳn. Nếu có cơ hội được trở lại bục giảng, em cũng muốn được thành giáo sư tốt như thầy em
Trần Huệ Chi says
Cảm ơn chị Chi về những chia sẻ rất chân thực và cảm động này. Các bài viết về hành trình học thuật của chị luôn mang lại động lực và niềm cảm hứng cho em, đặc biệt trong những khoảng thời gian em cảm thấy lạc lối trong những việc em đang cố gắng. Dù bài viết chị chia sẻ cũng khá lâu rồi, nhưng em vẫn muốn để lại lời nhắn rằng: Cảm ơn chị rất nhiều.
Mong chị và thepresentwriter sẽ còn phát triển hơn nữa nhé ạ.
Luong Nguyen says
Thật tuyệt, em cũng là người đang muốn cải thiện bản thân và tìm phương pháp để trau dồi kiến thức cách hiệu quả. Bên cạnh đó, quản lý thời gian và hướng đến việc cân bằng cuộc sống cũng là những nội dung chưa bao giờ cũ với mọi người và riêng cá nhân em. Biết đến chị một cách tình cờ, và quá ấn tượng về background của chị, đồng thời cảm thấy ngưỡng mộ hơn với mục đích và hướng đi của blog phi lợi nhuận. Chắn hẳn là một con người tri thức, đáng ngưỡng mộ đây.
Hơn nữa, với kinh nghiệm của mình chị đã shortcut cho mọi người những nội dung và highlight tiêu biểu của những cuốn sách, mà có thể người ta phải mất nhiều ngày, nhiều tháng chỉ để tìm những chi tiết đó. Đặc biệt là những người có tần suất đọc sách thấp.
Thật tuyệt vời, Cám ơn chị.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã ủng hộ chị <3
Nguyen Anh Tuan says
Vất vả thật sự , Tự Hào với thành quả !
Ánh Mai says
Em cảm ơn bài viết của chị Chi, em cũng đang trong giai đoạn làm ncs, và là mẹ của một cậu bé 1 tuổi, em đang vật lộn với vô vàn kiến thức khó khăn, em lại nhụt chí và nghĩ rằng mình không đủ năng lực, mình kém cỏi và nghĩ đến việc từ bỏ con đường này (mặc dù chồng em và mọi người xung quanh đều hết lòng ủng hộ và support). Khi đọc bài viết này của chị em thấy được một phần của mình trong đó, em ngưỡng mộ chị rất nhiều vì đã vượt qua tất cả những khó khăn này, bài viết cũng tiếp cho em thêm một chút động lực để cố gắng và suy nghĩ tích cực hơn. Cảm ơn chị và blog rất nhiều ạ.