Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 02/04/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Tuần rồi mình khá “overwhelmed” (ngợp) với công việc. Ở trường, hiện là dịp cuối năm học bên Mỹ nên mình rất bận với việc chấm bài, hỗ trợ học viên, dự hội đồng phản biện luận án tốt nghiệp…, bên cạnh những công việc nghiên cứu và quản lý quan trọng khác. Ở The Present Writer, tuần rồi mình xoay xở “gỡ rối” một số vấn đề kỹ thuật để chuẩn bị đưa sổ hiệu năng “The Present Day planner” ra thị trường quốc tế (bạn có thể nhận cập nhật ở đây), hoàn thành nộp thuế cho doanh nghiệp ở Mỹ và Việt Nam, lên kế hoạch cho team trong tháng 4…, bên cạnh việc giữ nhịp sản xuất các nội dung số miễn phí trên YouTube, podcast và bản tin “Bài học thứ Tư” này.
Mình vẫn làm việc chăm chỉ và hiệu năng hết sức có thể, tuy vậy, bạn biết đấy… sẽ có những lúc, “hết sức” vẫn chưa đủ.
Những lúc như thế, mình lại nhớ tới lời của thầy Kai, giáo sư hướng dẫn của mình.
Một ngày mùa đông lạnh giá cách đây 5 năm, mình gõ cửa văn phòng thầy—căn phòng nhỏ với chiếc cửa gỗ nâu trầm, nằm im ắng ở tầng hai khu Giáo dục, Đại học Penn State. Mình còn nhớ tay mình run lên vì lạnh và vì vừa hút sữa cho con trong một căn phòng nhỏ như tủ quần áo ở tầng hầm thư viện trường. Thầy mở cửa và chào mình bằng một nụ cười nhẹ nhàng: “Em thế nào?”.
Thầy vừa hỏi dứt câu, mình đã òa lên nói như khóc. Mình kể với thầy là mình đang vừa làm luận án tốt nghiệp, vừa làm việc toàn thời gian và vừa chăm con nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Mình vẫn rất chăm chỉ và cố gắng nhưng vì thời gian bị chia năm xẻ bảy, khả năng tập trung của mình không còn như trước khi sinh, cộng thêm áp lực từ công việc mới khiến luận án của mình không tiến triển. Mình thực sự “overwhelmed”, cảm thấy mọi thứ như nước biển ngập lên quá đầu và mình thì vùng vẫy trong cơn sóng để ngoi lên. “Em chưa biết ai làm cùng lúc nhiều việc như thế này. Em không biết mình có thể làm tiếp được hay không?”—mình nức nở.
Sau một vài giây im lặng, thầy ôn tồn nói:
“Đúng là chưa có ai làm được một lúc nhiều việc như thế này. Điều này tưởng như không thể.
Nhưng nếu có ai làm được, người đó chắc chắn là em.”
Mình sửng sốt khi nghe điều này. Mình không nhớ mình đã đáp lại thầy như thế nào. Nhưng mình còn nhớ không khí trong phòng tự nhiên trở nên thông thoáng, dễ thở hơn, và lòng mình trở nên dịu lại.
Mình nghĩ cùng một câu hỏi đó, nếu hỏi người thân trong gia đình, mọi người sẽ xót xa và nói: “Thôi bỏ luận án đi con ạ. Con đã cố gắng hết sức rồi, giờ trách nhiệm lớn nhất là làm vợ và làm mẹ”. Nếu hỏi bạn bè, các bạn sẽ khuyên nhủ: “Cậu có công việc toàn thời gian ổn định rồi thì không nhất thiết cần bằng Tiến sĩ nữa đâu”. Thậm chí, nếu hỏi một giáo sư khác, họ có lẽ cũng sẽ chỉ xua tay. Nhưng câu trả lời của thầy hoàn toàn khác.
Một mặt, thầy thông cảm cho sự vất vả, khó khăn của mình, đồng ý rằng những gì mình làm như “nhiệm vụ bất khả thi”. Mặt khác, thầy hiểu khả năng của mình, thầy biết việc học có ý nghĩa như thế nào với mình và thấy có niềm tin tuyệt đối ở mình. Đó là lần đầu tiên, mình cũng bắt đầu tin vào mình một cách tuyệt đối. Niềm tin ấy kéo mình ra khỏi hố đen của giai đoạn đó, thúc đẩy mình hoàn thành luận án và bảo vệ thành công chỉ 1 năm sau đó—mình làm tất cả với con nhỏ và với công việc toàn thời gian (mình chỉ xin nghỉ phép đúng nửa ngày để bảo vệ luận án!).
Bởi vậy, mỗi khi mình thấy công việc và cuộc sống trở nên ngột ngạt, mình lại nghĩ tới câu nói của thầy, an tâm rằng có một người đã từng tin tưởng mình tới thế, và nhớ lại rằng mình đã nhiều lần vượt qua những giai đoạn khó khăn như thế nào…
Mình không biết bạn có đang trải qua giai đoạn “overwhelmed” nào tương tự hay không, nhưng mình muốn mượn lời của thầy mình để nói với bạn rằng:
Có những lúc, “hết sức” vẫn chưa đủ
Có đôi khi, bạn sẽ thấy chùn lòng
Có những việc, bạn cho là “không thể”
Nhưng “không thể” với mọi người
Chưa chắc đúng với từng người
Hiểu bản thân
Tin chính mình
Cho mình thêm một cơ hội nữa…
Biết đâu
Ở một nơi nào đó,
Có một người nào đó,
Đang tin rằng:
“Nếu có ai làm được,
người đó ắt là em!”
—
Be present,
Chi Nguyễn
P/S: Nếu bạn thấy bài học hôm nay thú vị, hãy nhấn trả lời để chia sẻ suy nghĩ của mình hoặc chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nhé!
ELSA Speak
ELSA Speak là ứng dụng luyện nói và giao tiếp tiếng Anh với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu mà mình đã dùng được hơn 5 năm. ELSA hiện cung cấp 2 gói học bổ ích:
- ELSA Pro: luyện đầy đủ các nhóm kỹ năng nói cơ bản với hàng ngàn bài học có sẵn, được chấm chữa lỗi chi tiết với trải nghiệm học cá nhân hoá.
- ELSA Premium: luyện nói toàn diện từ cơ bản đến nâng cao. Gồm:
- ELSA Pro
- ELSA AI luyện hội thoại nhập vai, trò chuyện trực tiếp và nhận góp ý từ AI
- ELSA Speech Analyzer luyện các bài nói tự do cho thuyết trình, phỏng vấn hay thi lấy chứng chỉ
- Các gói học cấp chứng chỉ ELSA giúp luyện thi và tiếng Anh thương mại
Nhập code CHINGUYEN ở phần thanh toán để được giảm đến 56% cho các gói học của ELSA duy nhất tại link ưu đãi này https://bit.ly/newsletter-tpw
Cảm ơn ELSA đã tài trợ cho số “Bài học thứ Tư” tuần này!
GỢI Ý TUẦN NÀY
- Sách “Deep Work” (“Làm ra làm, chơi ra chơi”). Đây là một trong những cuốn sách hay nhất về làm việc hiệu quả mình từng đọc. Tuần rồi mình đọc lại lần thứ ba và vẫn thấy rất hay. Mỗi lần đọc lại học được thêm một điều mới. Vận dụng nhiều kiến thức khoa học và nghiên cứu thực nghiệm, tác giả Cal Newport (một giáo sư đại học kiêm tác giả—giống với mình 😉) chứng minh tầm quan trọng của việc “làm sâu”, tập trung cao độ trong khoảng thời gian dài, vào những việc có ảnh hưởng sâu rộng—thày vì những việc “nông” như trả lời email, tin nhắn, đăng bài trên mạng xã hội… Điểm hay nhất của sách là cách viết logic, khoa học nhưng cũng rất dễ hiểu và dễ ứng dụng.
- Phim “3 Body Problem”. Tuần rồi, sau mỗi ngày làm việc dài, điều mình và ông xã cùng trông ngóng tới là xem phim bộ sci-fi này trên Netflix. Phim chuyển thể từ bộ tiểu thuyết 3 tập của nhà văn Trung Quốc Liu Cixin. Phim kể trình tự song song giữa quá khứ (trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc) và hiện tại (trong thời kỳ công nghệ phát triển tại Anh Quốc) và những biến cố xoay quanh các nhà khoa học dẫn tới sự xâm lấn của một lực lượng mờ ám. Phim cuốn hút, đề tài khoa học nhưng không quá khó hiểu, có kèm nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa, đạo đức thú vị.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
YouTube – Đạt TỰ DO TÀI CHÍNH một cách AN TOÀN 💰
Chúng ta thường nghe nói: Muốn làm giàu thì phải liều lĩnh, mạo hiểm, đánh đổi…— kiểu như “liều cao thì lãi cao” vậy. Điều này không hoàn toàn sai nhưng dẫn đến nhiều vấn đề trong xã hội (như nạn lừa đảo, chiêu trò đánh vào lòng tham, đầu tư trái pháp luật) và phủ nhận nhu cầu chung của đa số mọi người là mong muốn sự bình yên, ổn định, an toàn về tài chính (financial peace). Hãy để mình chỉ cho bạn một con đường khác…
🎤 Podcast – SS4S3 Bền bỉ vượt lên mọi nỗi sợ (cùng Tố Uyên)
Trong tập Podcast đặc biệt này, Chi có dịp phỏng vấn Tố Uyên—một người mà nhìn qua bảng thành tích cũng đủ choáng ngợp: Uyên là thủ khoa kép, thạc sỹ MBA, nữ PM (project manager) đầu tiên tại Việt Nam sở hữu ba chứng chỉ cao nhất về quản lý dự án. Nhưng điều nhiều người chưa biết về Uyên là để đạt được thành tích như ngày nay, bạn đã trải qua rất nhiều thử thách và biến cố và đã bền bỉ vượt lên những nỗi sợ cá nhân như thế nào. Hãy cùng nghe tập Podcast rất đặc biệt và cảm động này nhé!
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email