Khi nộp hồ sơ du học, đặc biệt là lần đầu, ai cũng có tâm lý lo lắng, muốn thu thập càng nhiều lời khuyên càng tốt để soi sáng con đường đi phía trước của mình. Nhưng không phải lời khuyên nào cũng tốt và phù hợp trong mọi hoàn cảnh. Là một người đã từng xin lời khuyên và cho lời khuyên rất nhiều về du học, tôi hiểu rằng thực tâm ai cũng mong muốn đưa ra được lời khuyên tốt nhất để giúp cho người khác, không ai chủ đích chà đạp, kìm nén ước mơ của ai cả. Tuy nhiên, vì mọi lời khuyên đều xuất phát từ tư duy và kinh nghiệm chủ quan và hạn chế của mỗi cá nhân (ví dụ: tôi chỉ có thể đưa ra lời khuyên cho bạn từ những gì tôi biết), một lời khuyên có thể rất đúng trong một trường hợp có thể hoàn toàn sai trong một trường hợp khác. Rất ít lời khuyên có thể đúng trong tất cả mọi trường hợp.
Bởi vậy, khi nhận được một lời khuyên, thay vì tiếp nhận nó hoàn toàn, chúng ta nên cân nhắc kỹ, tự sàng lọc thông tin và quyết định làm điều gì là tốt nhất cho mình. Tuy nhiên, điều này nói dễ hơn làm. Khi ở trong tâm trạng lo lắng, mất tự tin, không biết mơ ước của mình có thành được hiện thực hay không, những người nộp học dễ trở nên thái quá với mọi lời khuyên họ nhận được, hoặc hoàn toàn tin theo lời khuyên đến 100% và hơn thế nữa, hoặc chỉ “chọn lọc” nghe những lời khuyên tích cực, đúng ý mình và bỏ ngoài tai những lời khuyên thực tế nhưng không đúng ý mình. Càng đi sâu vào quá trình nộp học, ta lại càng khó để phân biệt đâu là lời khuyên tốt, đâu là lời khuyên không tốt cho mình.
Trong bài viết tuần này, tôi lược lại một số lời khuyên tốt nhất và tệ nhất tôi từng nhận được trong quá trình nộp hồ sơ du học của mình, cũng như đưa ra một số cách để sàng lọc ra những lời khuyên hợp lý nhất.
*** Lưu ý: Như tôi đã viết, lời khuyên là một phạm trù có tính chủ quan và cá nhân cao, bởi vậy những lời khuyên (được xem là) tệ đối với tôi chưa chắc là tệ đối với bạn. Trong bài viết này, tôi sẽ cố gắng diễn đạt rõ ràng nhất lý do tại sao tôi cho từng lời khuyên này là tốt hay không tốt, và tôi cũng mong bạn đọc dựa vào đó để đưa ra kết luận cho riêng mình. Tôi trân trọng tất cả lời khuyên mình nhận được và thời gian mọi người đã từng bỏ ra để trò chuyện, đọc hồ sơ, và góp ý cho tôi khi nộp hồ sơ du học; mặc dù có những lời khuyên không thực sự hợp lý với hoàn cảnh của riêng mình, tôi vô cùng biết ơn những người đã đưa ra những lời khuyên này vì họ là một phần không thể thiếu để đưa tôi tới ngày hôm nay. Tôi hy vọng bạn đọc cũng bắt đầu đọc bài viết với tâm thế này.
Những lời khuyên tốt nhất
1. Điểm các kỳ thi chuẩn hóa (GRE/GMAT/TOEFL/IELTS) chỉ là một phần nhỏ trong hồ sơ du học
Đây là điều tôi được nghe rất nhiều lần trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, và chính tôi cũng đưa ra lời khuyên tương tự với các bạn nộp học sau này. Tuy nhiên, vào thời điểm 5 năm trước khi tôi nộp hồ sơ học Thạc sĩ, tôi cảm thấy mình như “chết đi, sống lại” với các kỳ thi này vì chúng thực sự rất căng thẳng, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức để ôn tập. Mọi tâm sức ban đầu của tôi đều dồn vào các kỳ thi này. Nhìn lại, tôi nghĩ lý do mình đặt nặng điểm thi là vì tâm lý giáo dục trong môi trường thi cử ở Việt Nam từ nhỏ nên tôi cho rằng điểm thi là thước đo lớn nhất cho thành công. Hơn nữa, tôi cảm thấy điểm thi là thứ duy nhất mình có thể “cân đo, đong đếm” được, những thứ khác như bài luận, phỏng vấn, C.V. … nhiều khi còn tùy vào người đọc hồ sơ chứ mình cũng chắc kiểm soát được kết quả. Bởi vậy, dù nhiều người khuyên bảo thế nào, tôi vẫn cứ lao đầu vào ôn thi, thi đi, rồi lại thi lại.
Tuy nhiên, sự thực là điểm thi các kỳ thi trên chỉ là một phần nhỏ của hồ sơ du học. Hầu hết ở các trường tôi biết, người đọc hồ sơ đều đánh giá ứng viên một cách toàn vẹn, thậm chí chú trọng hơn nhiều vào bài luận hơn là điểm thi. Thực tế trong trường hợp của tôi, tôi thi GRE đến 3 lần liền nhưng không đạt được điểm mình mong muốn, thậm chí có những thang điểm dưới cả mức mà nhiều nơi tôi nộp hồ sơ nêu ra là “mức điểm tối thiểu để hồ sơ có tính cạnh tranh cao”. Nhưng cuối cùng, cả 9 trường tôi nộp học năm 2013 đều gửi cho tôi thông báo trúng tuyển mà không có bất kỳ phàn nàn nào về điểm GRE cả.
2. Rất ít học bổng toàn phần cho các ngành khoa học xã hội bậc Thạc sĩ (trừ học bổng chính phủ)
Đây là một lời khuyên rất khó có thể chấp nhận, đặc biệt với những người cần đến học bổng nhưng không nộp học bổng chính phủ như tôi. Nhưng đây là một lời khuyên rất thật. Các ngành khoa học cơ bản (như Toán, Lý, Hóa…) và các ngành thu hút được nhiều tiền dự án (như Kỹ sư, Dầu khí, Dược…) rất dồi dào về nguồn tiền hỗ trợ cho sinh viên cao học. Tuy nhiên, các ngành khoa học xã hội (như Giáo dục, Xã hội học, Ngôn ngữ…) thì ở đâu cũng hạn hẹp về tài chính, nhất là cho bậc Thạc sĩ. Bởi vậy, đối với những bạn muốn nộp Thạc sĩ ngành xã hội mà cần học bổng toàn phần, các học bổng chính phủ là cơ hội tốt nhất (mặc dù phải thỏa mãn điều kiện của từng học bổng như có kinh nghiệm làm việc ít nhất 2 năm, yêu cầu trở lại Việt Nam ngay sau khóa học …). Nộp đơn tự do để xin học bổng từ các trường cũng có thể đưa tới học bổng toàn phần nhưng rất ít, bởi vậy, bạn nên xác định hướng tài chính phù hợp, có “kế hoạch B” để đảm bảo việc học của mình trong ít nhất 1-2 năm tới nếu chỉ nhận được nguồn hỗ trợ tài chính thấp.
3. Đừng nên so sánh bản thân với người khác
Tôi đã từng viết một bài chi tiết về việc ngừng so sánh bản thân và ghen tỵ với người khác nên tôi sẽ không viết thêm ở đây những vấn đề tiêu cực của việc làm này. Tuy nhiên, trong giai đoạn làm hồ sơ du học, bạn lại càng nên tránh so sánh bản thân với những người đã du học thành công bởi vì những so sánh này rất dễ làm cho bạn thêm căng thẳng, mệt mỏi, thiếu tự tin. Trong quá trình làm hồ sơ của mình, tôi từng so sánh rất nhiều: Tại sao bạn A. ngày xưa đi học kém hơn mình bao nhiêu mà giờ đã đi du học Mỹ dễ dàng? Tại sao chị B. chỉ tập trung 6 tháng làm hồ sơ đã được nhận đi học Tiến sĩ mà mình 1 năm trời vẫn chưa làm xong hồ sơ? Tại sao anh C. nhận được học bổng Thạc sĩ nhiều hơn mình gấp 3-4 lần?… Ban đầu, những suy nghĩ như thế này chỉ ngấm ngầm trong đầu thôi, nhưng đến khi cảm thấy tiêu cực quá không chịu được nữa tôi mới tâm sự hết với một người bạn thân. Người bạn này mới cười phá lên và phân tích cho tôi thấy: Này nhé, bạn A. đi du học Mỹ dễ dàng vì bạn ấy không cần xin học bổng và cũng không cần vào trường quá cao, gia đình bạn ấy có tài chính tốt, có thể nộp cho bạn học bất cứ đâu. Này nhé, chị B nói là 6 tháng làm hồ sơ thế thôi chứ chị ấy đã có bằng Thạc sĩ từ trước rồi, không phải thi lại các kỳ thi chuẩn hóa, giáo sư cũng viết sẵn thư giới thiệu cho rồi, chỉ cần tìm trường và sửa bài luận trong 6 tháng đó thôi. Này nhé, anh C. học Đại học ở nước ngoài, có điều kiện đến tận trường bên đó để gặp giáo sư và trực tiếp xin học bổng nên khả năng được sẽ cao hơn mình nộp tại Việt Nam… Nghe bạn nói, tôi mới sực tỉnh ra và thấy rằng mọi người thường chỉ chia sẻ trên mạng xã hội hoặc giao tiếp thông thường những thành công của mình – phần nổi của tảng băng trôi – mà thôi; bạn phải nói chuyện lâu, phải biết kỹ về họ mới hiểu hết các yếu tố cấu thành những gì họ có được ngày hôm nay. Bởi vậy, đừng nên so sánh bản thân với người khác!
4. Nhờ càng nhiều người đọc hộ hồ sơ càng tốt
Để có cái nhìn khách quan nhất về hồ sơ của mình, nhất là về bài luận, bạn nên nhờ nhiều người xem và góp ý nhất có thể. Tốt nhất nên có 1-2 người góp ý về nội dung và 1-2 người khác chuyên sửa về ngôn ngữ. Rất nhiều bạn cảm thấy bài luận của mình là “riêng tư” và ngại chia sẻ với người khác. Nhưng đây không phải là phương pháp tốt để phát triển bản thân và văn viết của mình. Đừng ngại chia sẻ! Khi nộp hồ sơ, tôi có một nhóm các bạn cùng học GRE và cùng nộp hồ sơ một lượt, chúng tôi chia sẻ bài luận với nhau và tìm cho nhau những người cùng ngành có thể giúp xem được hồ sơ. Các trung tâm tư vấn du học ngày nay cũng làm rất tốt công việc này, nếu bạn tìm được một trung tâm đáng tin cậy, bạn rất nên nhờ chuyên gia xem hộ hồ sơ vài lần trước khi nộp.
5. Tự tin vào thế mạnh của bản thân mình
Đây có lẽ là lời khuyên tốt nhất tôi nhận được trong toàn bộ quá trình nộp học, mặc dù đôi khi bản thân tôi cũng cảm thấy khó để nhấn mạnh sự tự tin này. Điểm cốt yếu ở đây là, không ai hiểu bạn hơn chính bạn. Nếu bạn biết được thế mạnh của mình, hãy làm nổi bật nó. Dù cho mọi người có đưa ra nhiều lời khuyên trái chiều như thế nào, hãy nhớ rằng họ không hiểu bạn bằng chính bạn, hãy nói cho họ biết điểm mạnh của bạn, hỏi họ xem bạn có thể dùng điểm mạnh này để át đi điểm yếu như thế nào, và luôn khẳng định rằng mình có thể làm được khi tự tin với chính mình. Tôi tin rằng ai cũng có ít nhất một điểm mạnh của riêng, bạn hãy tìm lấy điểm mạnh này của mình và giữ lấy nó thật chặt trong suốt quá trình nộp học.
Những lời khuyên tệ nhất
1. Đợi thêm một vài năm nữa rồi mới nộp hồ sơ
Lời khuyên này xuất phát từ tâm ý tốt của những anh chị đi trước, nghĩ rằng vào thời điểm 5 năm trước, tôi mới đi làm toàn thời gian được 1 năm nên còn quá “non” để nộp học cao học. Trong khi đó, các anh chị này đều đã đi làm vài năm trong ngành rồi mới nộp hồ sơ và mặc dù vậy, cũng phải khá chật vật mới được đi học. Lời khuyên này từng làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều. Tất nhiên, về lý thuyết, càng đi làm lâu năm thì bạn càng tích lũy được thêm kinh nghiệm và càng mở ra nhiều cơ hội hơn (ví dụ như học bổng chính phủ). Tuy nhiên, khi quyết định tập trung làm hồ sơ, tôi đã nghỉ làm và không còn con đường lùi nào nếu không nộp học ngay trong năm đó (tự tạo áp lực cho mình cũng là một trong những lý do tôi quyết định nghỉ làm khi đó). Hơn nữa, mặc dù mới đi làm toàn thời gian được 1 năm nhưng trong thời gian sinh viên, tôi đã đi làm bán thời gian và làm công tác xã hội rất nhiều, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và tự tin rằng những kinh nghiệm này không thua kém gì những người làm vài năm ở công sở. Vì thế, tôi vẫn quyết tâm nộp học. Nhìn lại, tôi không hối hận chút nào với quyết định tại thời điểm đó. Nếu chỉ chậm một năm thôi, có lẽ tôi sẽ không bao giờ đi du học.
2. Phải biết Toán cao cấp thì hồ sơ mới cạnh tranh
Đây thường là lời khuyên từ những người có nền tảng Toán tốt (ví dụ: Giáo viên dạy Toán, Kỹ sư, Lập trình…) hoặc từ những người không học Toán nhưng từng thấy những người có nền tảng Toán tốt dễ kiếm được học bổng hơn (ví dụ: giúp giáo sư xử lý dữ liệu, viết thuật toán cho dự án …). Tôi không phải là người học chuyên về Toán và thành thực mà nói, cũng không thực sự thích Toán nên khi nghe được lời khuyên này, tôi cảm thấy rất hoang mang. Rất may mắn là cùng thời gian đó, tôi tình cờ gặp được một nữ giáo sư cùng ngành và có cơ hội hỏi bà ấy về lời khuyên này. Ngay khi vừa nghe tôi trình bày, giáo sư đã lắc đầu ngay, nói rằng trong nghiên cứu khoa học xã hội, có nghiên cứu định lượng (quantitative) và định tính (qualitative) và không phải ai (kể cả khi đã lên hàm giáo sư) cùng giỏi cả 2 mặt này; có những người cả đời chỉ làm một trong hai mà vẫn thành công, bởi vậy không ai đánh giá ứng viên ngành xã hội ở trình độ Toán (để làm nghiên cứu định lượng) quá khắt khe. Nhờ có lời khẳng định này của giáo sư, tôi mới yên tâm làm tiếp hồ sơ chứ không phải lao đầu vào học thêm Toán.
Sau này, khi đã làm nghiên cứu cả định lượng lẫn định tính vài năm, tôi nhận ra rằng bạn không nhất thiết phải quá giỏi Toán mới có thể làm nghiên cứu định lượng vì công nghệ hiện đại với các phần mềm tính toán ngày nay đã lên một tầm cao mới; nghiên cứu sinh chỉ cần hiểu về bản chất của phép Toán chứ không cần phải tính toán bằng tay (như học phổ thông ở Việt Nam) khi làm nghiên cứu. Bởi vậy, những bạn đang lo lắng về nền tảng Toán của mình có thể hoàn toàn yên tâm để nộp hồ sơ cao học; bạn luôn có thể bổ sung kiến thức Toán sau này (nếu cần).
3. Tặng quà có giá trị lớn cho giáo sư ngay lần đầu gặp mặt
Lời khuyên này tất nhiên xuất phát từ văn hóa “quà cáp” ở Việt Nam, khi quà tặng thể hiện sự trân trọng cho lần đầu gặp gỡ. Tuy nhiên, nếu bạn nộp hồ sơ ở các nước phương Tây, bạn nên cân nhắc lại vấn đề này vì văn hóa của họ rất khác với Việt Nam. Đối với lần đầu gặp mặt, theo tôi, bạn không cần câu nệ quà cáp để tránh làm cho người nhận khó xử. Nếu là lần đầu gặp mặt nhưng đã có trao đổi qua lại lâu dài trên mạng, bạn có thể cân nhắc tặng một món quà nhỏ, ít giá trị vật chất (như kẹo bánh, cà-vạt thủ công, khăn tay thủ công…) để cho vui. Nhưng điều quan trọng là, dù bạn có tặng quà hay không, giáo sư cũng sẽ không lấy đó làm thước đo đánh giá phẩm chất, cách ứng xử, hay mối quan hệ của hai người. Vì thế, đừng nên coi trọng vấn đề quà cáp, một lời chào lịch sự hay một lời cảm ơn chân thành cũng đã là quá đủ.
4. Riêng với nộp Tiến sĩ: Tập trung xin học bổng/công việc từ những giáo sư có học hàm, học vị cao
Những người đưa ra lời khuyên này cho rằng những giáo sư có học hàm, học vị cao (ví dụ, Full Professor) sẽ có nhiều uy tín và nguồn tiền để đài thọ cho nghiên cứu sinh, bởi vậy, chỉ nên tập trung liên hệ và xin công việc từ họ. (Đọc thêm bài viết về “học bổng” cho Tiến sĩ tại đây). Điều này đúng, nhưng không hoàn toàn. Nhiều giáo sư có học hàm, học vị cao thường lại cũng rơi vào nhóm cao tuổi, đã có sự nghiệp ổn định, chuẩn bị nghỉ hưu. Bởi thế, họ cũng không có nhu cầu nhận thêm nhiều sinh viên, cũng không quá áp lực để xin tài trợ hay thúc đẩy các dự án nghiên cứu. Trong khi đó, các giáo sư trẻ hơn hoặc vẫn đang đà thăng tiến (ví dụ, Assistant Professor, Associate Professor) có áp lực xuất bản, thúc đẩy nghiên cứu, xin tài trợ nhiều hơn; và ở một số trường (trong đó có trường tôi), giáo sư trẻ được tài trợ tiền tuyển nghiên cứu sinh nhiều hơn. Như vậy, họ không chỉ là những người có khả năng đài thọ mà còn thúc đẩy tốt cho sinh viên đạt được nhiều thành công trong các dự án hợp tác. Lời khuyên của tôi ở vấn đề này là bạn nên tập trung vào những giáo sư có nghiên cứu thực sự phù hợp với mình, sau đó mới cân nhắc đến học hàm, học vị của họ, và quan trọng hơn cả, luôn liên hệ với giáo sư trước để giới thiệu bản thân và hỏi xem giáo sư có đang tuyển nghiên cứu sinh hay không (đừng ngại!) – những điều này sẽ mở ra cơ hội tốt cho bạn sau này.
Những lời khuyên cuối cùng
Đây là những lời khuyên cuối cùng của tôi về chủ đề này. Theo quan điểm của tôi, lời khuyên nào cũng quý giá vì nó xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của những người đi trước. Bởi vậy, dù bạn có đồng tình hay không đối với những người đưa ra lời khuyên, hãy luôn nói lời “Cảm ơn” với họ. (Không có gì bất lịch sự hơn là hỏi xin người khác lời khuyên, thậm chí nhờ sửa hồ sơ nhưng không bao giờ phản hồi lại thông tin, một dòng cảm ơn đơn giản cũng không thấy). Hãy luôn tỉnh táo, chọn lựa lời khuyên hợp lý nhất, và luôn giữ cho mình tâm lý lạc quan trong quá trình nộp hồ sơ.
1. Lời khuyên chỉ là lời khuyên. Hành động mới nói lên tất cả
Sau nhiều năm tư vấn cho bạn bè, người thân, cả những người chưa từng quen biết về du học, tôi nhận ra rằng nhiều người có xu hướng “nghiện” lời khuyên. Một bộ phận thích du học như một “ý tưởng” nhưng không thực sự đầu tư thời gian, công sức để tìm tòi, nâng cao kiến thức cho bản thân mà ngay lập tức tìm xin lời khuyên từ người khác khi có bất kỳ thắc mắc nào, dù là đơn giản nhất, dễ tìm kiếm nhất trên mạng. Nhóm người này, theo tôi, chưa thực sự sẵn sàng để du học và làm việc độc lập. Một bộ phận khác rất mong muốn du học, bỏ nhiều công sức để tìm tòi nhưng thường xuyên lo lắng, thiếu tự tin nên xin lời khuyên nhiều để cảm thấy tốt hơn – thay vì bắt tay vào làm một cái gì đó thực tế như viết bài luận, ôn thi … Nhóm người này, theo tôi, nên giảm cường độ hỏi xin lời khuyên hay tìm kiếm thêm bất kỳ động lực nào từ bên ngoài, hãy xây dựng sức mạnh từ chính bên trong con người mình, tự tin là mình có thể làm được, và bắt tay vào làm việc. Nếu bạn thực sự muốn đi du học, hành động nào bạn cần làm ngay hôm nay, ngay sau khi đóng bài viết này để hiện thực hóa ước mơ của mình?
2. Chọn những người có nền tảng, định hướng, kinh nghiệm tương tự với mình
Để tìm được lời khuyên phù hợp nhất, bạn cần tìm được những người cho lời khuyên phù hợp nhất. Lý do lớn nhất tạo ra những lời khuyên tệ mà tôi nêu lên phía trên chính là do lỗi của tôi khi không tìm những người có cùng nền tảng, định hướng về học tập, và kinh nghiệm làm việc gần với mình. Một người học khoa học xã hội không thể đưa ra tất cả lời khuyên tốt cho những người học khoa học cơ bản và ngược lại. Bởi vậy, để tìm được những lời khuyên tốt, hãy cố gắng mở rộng mối quan hệ, tìm đến những người gần nhất với ngành học của mình, và làm bạn với họ.
3. Thường xuyên hỏi: “Tại sao?”
Khi nhận được một lời khuyên trái chiều so với định hướng hoặc hiểu biết của mình, bạn hãy: ‘Tại sao?”. Tại sao anh/chị/bạn lại cho tôi lời khuyên này? Mọi người có thể nói rõ được hơn không? Lời khuyên này thể hiện rõ nhất trong những trường hợp nào? Mọi người đã gặp ai có hoàn cảnh tương tự như tôi chưa? Tại sao họ có thể thành công với lời khuyên này? … Hỏi trực tiếp những người đưa ra lời khuyên sẽ giúp cho bạn quyết định được đâu là lời khuyên sát nhất, hợp lý nhất với hoàn cảnh của mình. Nếu bạn đặt ra câu hỏi một cách chừng mực, lịch sự, cầu tiến, kèm theo lời cảm ơn chân thành, tôi tin rằng không ai có thể từ chối chia sẻ với bạn kiến thức và quan điểm của họ.
4. Riêng với những người cho lời khuyên: Đừng quên nói về sự khác biệt
Đối với những người hay cho lời khuyên, tôi mong các bạn có thể nói nhiều hơn về sự khác biệt giữa bạn và người xin lời khuyên. Khi nộp hồ sơ, ứng viên thường rất lo lắng nên khó có thể tự xác định chính xác đâu là lời khuyên hợp lý nhất cho hoàn cảnh của mình. Bởi vậy, hãy là người chỉ rõ ra sự khác biệt trước tiên. Ví dụ, thay vì nói: “Bạn nên học Toán cao cấp ngay từ bây giờ để nâng cao tính cạnh tranh của hồ sơ!”, hãy nói: “Trong ngành hẹp của tôi, vì tôi có nền tảng Toán tốt nên có thêm nhiều lợi thế, tôi không biết đó có đúng với ngành hẹp của bạn không. Tôi khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ hơn để xem tầm quan trọng của Toán như thế nào đối với mức độ cạnh tranh của hồ sơ bạn nộp”. Hãy luôn bắt đầu với phản hồi tích cực, đừng nên quá khắt khe với người mới nộp học. Chúng ta ai cũng có điểm xuất phát ban đầu và nhờ có những người tận tình giúp đỡ mới thực hiện được ước mơ du học của mình. Hãy tiếp tục truyền lửa và chắp cánh cho ước mơ chân chính của những người đi sau!
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
FormYourSoul says
Em cảm ơn chị Chi nhiều nha. Bài viết hữu ích cho em quá chị Chi ạ. hihi. Tuyệt vời lắm chị ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em!
Quynh Vu says
Cảm ơn Chị nhiều nhé. Mình cần đọc bài này thật nhiều thì mới ngấm được.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Quynh. Khi nào nộp học cảm thấy nản lại đọc 🙂
minhchau says
Cám ơn em, vì những lời khuyên hữu ích. Sau này con chị tìm học bổng du học, mong được trao đổi với em có được không em?
Chi Nguyễn says
Dạ được chị. Em không chuyên về tư vấn du học nhưng có thể đưa ra lời khuyên chung và giới thiệu chị và con đến những người có thể thư vấn kỹ hơn ạ.
Vũ Minh Hằng says
Em cảm ơn chị về bài viết rất nhiều ạ! Em cũng đang dự định tìm học bổng bậc thạc sỹ ngành khoa học xã hội. Chị cho em hỏi ạ
1. bài viết có nói học bổng ngành này rất ít là đang nói về khu vực nào ạ? (Em hiện muốn tìm học bổng ở các nước Châu Âu ạ)
2. Hơi riêng tư một chút mong chị trả lời: lý do gì khiến chị không app vào các chương trình học bổng của chính phủ ạ?
Em cảm ơn chị nhiều ạ! <3
Chi Nguyễn says
Chào em! 1) Theo hiểu biết của chị, học bổng TOÀN PHẦN cho ngành này ít ở hầu hết các nước nhưng có thể ở Châu Âu phần trăm học bổng được nhiều hơn. 2) Như chị có viết trong bài, học bổng chính phủ có nhiều điều kiện mà chị không đạt được ở thời điểm đó như kinh nghiệm làm việc 2 năm trở lên. Ngoài ra, vì quá trình nộp hb chính phủ từ lúc nộp đến lúc đi thường phải 1-2 năm mà chị không có điều kiện đợi lâu đến thế. Cũng có nhiều lý do nữa nhưng chủ yếu có lẽ vì không có duyên 🙂
Vũ Minh Hằng says
Em cảm ơn câu trả lời của chị ạ :”>
Chị ơi chị có thể viết thêm bài về chủ đề những kỹ năng cần rèn luyện càng sớm càng tốt cho sinh viên muốn du học thạc sỹ được không ạ. Ví dụ như việc viết tiếng anh hàn lâm (chứ không phải viết kiểu IELTS), nếu mà học sớm thì đi du học sẽ bớt cực hơn… Và cách chị rèn luyện những kỹ năng đó hiệu quả ạ.
p.s: thực sự từ ngày biết đến blog của chị, mỗi ngày sống của em lại có thêm chút ý nghĩa (kiểu như thức dậy để đọc bài của chị vậy ạ) và em thấy chỉ đọc bài của chị thôi cũng khiến em cảm thấy mình lạc quan, tự tin và thay đổi cách nhìn cuộc sống. Em cảm ơn chị lần nữa!
Thin says
Cám ơn bạn về những bài viết hữu ích, mình cũng đang thiếu tự tin vào bản thân mình. Vì mình học đại học, thạc sỹ toàn ở Việt Nam, nên cảm thấy việc xin được 1 học bổng Tiến sỹ so với các bạn đã học đại học, thạc sỹ nước ngoài rồi thật kém cạnh tranh.
Chi Nguyễn says
Mình cũng xin học bổng tiến sĩ khi ở Việt Nam. Lúc đó các loại bằng cấp cũng là Việt Nam hết. Nếu bạn làm nghiên cứu tốt và hoạt động nghiên cứu đều đặn, dù là ở đâu, bạn chắc chắn có cơ hội!
Bình says
Dạ em chào chị, trong lúc loay hoay tìm tài liệu hướng dẫn du học, em vô tình tìm được blog của chị. Cảm ơn chị đã để tâm huyết vào từng câu chữ, những điều mà em ước giá như có ai đó ở đây chia sẽ và chỉ dẫn cho em.
Hiện tại e 25 tuổi, mới bắt đầu tìm hiểu và ao ước được du học. Có lẽ hơi muộn so với các bạn bây giờ. nhưng em vẫn đang cố gắng tìm hiểu.
Chị có thể giúp em giải đáp một số câu hỏi được không ạ?
1. Em tốt nghiệp đại học ngành Cử nhân anh văn loại Khá. Có thêm IELTS 6.5. chỉ có kinh nghiệm dạy trung tâm tiếng anh. Vì khi ra trường, em xác định không xin việc nhà nước, một phần sợ mai một, không tích lũy được kiến thức, một phần không đủ tài chính để xin việc (ở chỗ em, hầu hết đầu bỏ tiền để đi xin, hầu hất các bạn em học sư phạm ra, đều đi làm nghề khác).
Vậy GPA không cao + IELTS 6.5 (em có thể improve lên 7.5 được) + không kinh nghiệm dạy full-time => có apply được học bổng không ạ?
2. Chị có thể giới thiệu cho em, người nào có thể giúp đỡ em bước hoàn tất hồ sơ không ạ?
Em cảm ơn chị rất nhiều ạ.
Chúc chị luôn hạnh phúc.
Chi Nguyễn says
Chào em! Cảm ơn em đã đọc bài viết. Trước hết, chị nghĩ em cần phải tự tìm câu trả lời cho các câu hỏi của mình trước bằng cách tìm hiểu trên mạng, vào từng trang học bổng, từng trang của trường để tìm hiểu YÊU CẦU của từng nguồn (đây cũng là một công việc gần như full-time, nếu em quyết tâm, chị khuyên em nên để ra ít nhất 2-3 tiếng/ngày để làm việc này). Cả 2 câu hỏi của em, em đều có thể tự trả lời được bằng cách tìm hiểu (1) Những học bổng em hướng đến đòi hỏi GPA như thế nào, IELTS như thế nào, thời gian nộp là bao giờ, có yêu cầu kinh nghiệm không? và (2) tìm hiểu các trung tâm hoặc tổ chức hỗ trợ làm hồ sơ và review của bạn bè xung quanh. Nếu em chưa biết bắt đầu từ đâu, em có thể đọc blog của chị phần “Du học” để tìm hiểu về lời khuyên, còn về học bổng em có thể tìm đến những trang như: http://nguonhocbong.com/