Tôi viết những dòng này 3 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi dân tình vẫn còn chưa hết sửng sốt, bàng hoàng về sự kiện tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống, vượt qua nhà chính trị và ngoại giao kỳ cựu – Hillary Clinton. Ngay từ những ngày đầu của cuộc tranh cử, hầu hết người Mỹ đều hiểu rằng cả hai vị ứng cử viên này đều không hoàn hảo và dù ai trong hai người vào được vị trí tổng thống, nhiều cử tri sẽ không phục. Tuy nhiên, có lẽ ít người đoán được diễn biến căng thẳng ngày càng leo thang đến thế nào sau ngày Trump lên làm tổng thống. Có lẽ khi bài viết này được đăng, tin tức đã hạ nhiệt, và mọi người đã có cái nhìn khác (hy vọng tích cực hơn) về cuộc bầu cử Mỹ. Tuy vậy, tôi muốn viết ra suy nghĩ và cảm xúc của mình ở thời điểm nhạy cảm này bởi vì tất cả còn rất thô ráp, mơ hồ, vụng dại — những điều mà tôi biết mình sẽ trân trọng khi nhìn lại sau một vài năm nữa.
Nhưng đây sẽ không phải là một bài viết về chính trị. Suốt mấy ngày qua, càng cố gắng suy nghĩ, phân tích, lý giải nguyên do của kết quả bầu cử và liên hệ ảnh hưởng của nó với bản thân và bạn bè mình, tôi càng cảm thấy khó có thể tóm tắt lại trong một hai gạch đầu dòng tất cả những yếu tố liên quan đến vấn đề này. Chính trị không chỉ vượt ra khỏi tầm vóc của blog này mà còn không phù hợp dòng chảy tích cực mà blog luôn hướng tới. Nhưng nếu xem tất cả mọi tình huống khó khăn là cơ hội để ta học thêm điều mới, đây chính là lúc tôi học được nhiều nhất. Đúng theo tôn chí đó, dưới đây là 4 điều tôi học được từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
1. Nỗi sợ là rất thật
Tôi sống tại Centre County, khu vực “xanh” nhất trên bản đồ bầu cử của bang Pennsylvania — phần đông người Mỹ sống trong County (hầu hết là sinh viên, giáo sư, và công nhân viên chức trong trường Đại học) đều bầu cho Hillary Clinton. Vì vậy, khi nhận được kết quả bầu cử chung cuộc, cả County gần như chết lặng.
Tôi sẽ không bao giờ quên được buổi sáng đến trường sau ngày bầu cử. Khuôn viên trường vẫn tấp nập, sinh viên vẫn bước vội vào lớp, người người vẫn đi qua nhau. Nhưng khi nhìn kỹ vào gương mặt của từng người, rất dễ để nhận ra là họ đang sợ hãi. Trông ai cũng thất thần, trống trải, mệt mỏi, vừa như giận dữ, vừa như đang nuốt nỗi uất ức vào bên trong. Có lẽ không có một ngôn từ nào có thể diễn tả được cảm giác lúc ấy. Tôi cảm thấy như mình đang đi giữa một bộ phim quay chậm về thảm hoạ diệt vong—cảnh quay mà mọi người dân thường dõi theo diễn biến của miếng thiên thạch đang rơi xuống Trái đất mà bất lực, tuyệt vọng, sợ hãi. Lần đầu tiên tôi hiểu nỗi sợ của đám đông là như thế nào. Trong một khoảnh khắc, tôi cảm thấy nỗi sợ là rất thật, thật đến mức tưởng như có thể nhìn được, sờ nắn được, thậm chí nếm được vị đắng ngắt của nó trong miệng. Cảm giác ấy có lẽ tôi không bao giờ quên.
Ngày thứ hai sau cuộc bầu cử, tôi thực sự không muốn ra khỏi nhà. Tôi nói với Joe rằng tôi không muốn nhìn thêm cảnh hàng đoàn người buồn bã, ủ rũ đi đi lại lại trong trường, tôi càng không muốn tiếp tục phải nghe và phải nói về cuộc bầu cử trong không khí nặng nề, nghẹn đắng. Nhưng làm sao có thể không bàn về chính trị khi đó là tất cả những gì chúng tôi thảo luận trên lớp suốt học kỳ qua? Làm sao có thể không nói về kết quả bỏ phiếu khi chỉ một tuần trước đây, cả sinh viên và giáo viên còn cười châm biếm, lắc đầu trước những tuyên ngôn của Trump về tôn giáo, thiểu số, người nhập cư? Làm sao có thể không đặt câu hỏi về Giáo dục Mỹ trước một thay đổi mang tính chất lịch sử như thế này? Cuối cùng, tôi vẫn đi học, vẫn nghe về chính trị, vẫn nói về kết quả bầu cử, và hẳn nhiên, vẫn trong không khí nặng nề, nghẹn đắng.
Trên đường từ lớp học ra về, một người bạn tôi là sinh viên quốc tế đến từ quốc gia Châu Phi chỉ cho tôi hàng loạt tin nhắn cảnh báo: “Ở một số trường Đại học đã bắt đầu có tấn công bạo lực vào sinh viên Mỹ gốc Phi (African Americans), nếu cậu không may gặp vấn đề gì, gọi đến mình ngay!” — một tin nhắn viết. Bạn tôi không phải người Mỹ, nhưng màu da tối và mái tóc xoăn xù có thể là dấu hiệu để những kẻ phân biệt chủng tộc nhắm vào, bạn rất lo sợ. Tôi cũng nói với bạn rằng ở một tổ chức phúc lợi cho người nhập cư gốc Á mà tôi từng làm việc, ngay từ đêm qua, kẻ xấu đã vào phá hoại và vẽ lên tường những dòng miệt thị thiểu số. Chúng tôi cùng im lặng trong một quãng đường dài. Trước khi tôi rẽ về một hướng khác, bạn nói với theo: “Be safe!” (Giữ an toàn nhé!). Nỗi sợ là rất thật và nó không loại trừ bất kỳ ai.
Khi sự kiện khủng bố tại Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 nổ ra, tôi còn nhớ mọi người ở Việt Nam cũng bàn tán xôn xao. Nhiều người nói “thật đáng đời” nước Mỹ, đây là hồi chuông cảnh báo để nước Mỹ bớt cao ngạo, coi mình là bá chủ thế giới. Khi đó tôi còn quá nhỏ để tranh luận về chính trị nhưng tôi còn nhớ mình đã tự hỏi: Nếu mọi người có người thân tình cờ ở trong toà tháp đôi hôm đó thì sao? Liệu họ còn nói “thật đáng đời” nước Mỹ nữa không? Người ngoài cuộc thì bao giờ cũng nhìn vào sự việc một cách đơn giản, nhẹ nhàng, mọi phán xét đưa ra đều bâng quơ, dễ dãi, nhưng phải ở trong cuộc mới cảm nhận được hết chân tơ kẽ tóc, hết sự phức tạp của vấn đề. Đây hẳn nhiên không phải là một bài học mới nhưng chắc chắn ai trong chúng ta cũng phải học đi học lại một vài lần trong đời.
2. Luôn luôn quay lại với thực tế
Tiếng Anh có câu: “Always keep your reality in check” ý nói rằng phải luôn nhìn lại bản thân và cuộc sống của mình để biết đâu là thực tế – sự thật, đâu là phi thực tế – mộng mơ, bởi vì con người thường có xu hướng chỉ nhìn vào những cái mình muốn nhìn, nghe những điều mình muốn nghe, và quay lưng lại với những lập luận trái chiều với mình. Đây có lẽ là bài học đắt giá nhất tôi nhận ra sau cuộc bầu cử này.
Như tôi đã viết, vì tôi sống trong một County quanh trường Đại học, nơi có số đông cử tri ủng hộ Clinton (cũng như các chính sách mở cửa của Clinton/Obama về nhập cư, LGBTQ, và tôn giáo thiểu số), ai cũng tự tin là Clinton sẽ thắng đậm. Trên lớp học, ngoài quán bar, trong tiệm cà-phê, sinh viên và giáo viên cười nhạo chính sách của Trump. Thậm chí không có một ai đưa ra giả thuyết nước Mỹ sẽ thế nào nếu Trump lên làm tổng thống, không một ai có thể tin được người Mỹ sẽ bầu cho một tỷ phú ít kinh nghiệm chính trị, phát ngôn thô lỗ, nhiều scandals. Trên mạng xã hội cũng vậy, bạn bè tôi hầu như ai cũng ủng hộ Clinton, họ share những bài viết về bê bối của Trump và chỉ đọc những tin tức tích cực về Clinton. Vậy nên, mọi người (trong đó có tôi) tự tạo ra một lớp bong bóng thông tin một chiều, chủ quan, và ở một mức độ nào đó, xa rời thực tế.
Trong một năm qua, tôi và Joe lái xe quanh tiểu bang Pennsylvania rất nhiều lần, lần nào đi qua khu vực nông thôn – nhiều người lao động Mỹ trắng, chúng tôi đều thấy biển tên Trump cắm rợp trên thảm cỏ, những tấm áp phích cổ động cho Trump to, sáng trên đường cao tốc. Thậm chí chúng tôi có cả những người hàng xóm dán đầy slogan của Trump trên xe ô tô và trước cửa nhà. Nhưng chúng tôi gần như “từ chối” bàn về điều này, bằng một cách nào đó, chúng tôi tự huyễn hoặc bản thân là khu vực ủng hộ Trump chỉ là thiểu số (!). Trong lớp học về trường học và cộng đồng nông thôn (Rural Schools and Communities), chúng tôi nói rất nhiều về việc những người nông dân Mỹ cảm thấy giận dữ vì thiếu cơ hội việc làm, trường học đóng cửa, tiếng nói của họ không được coi trọng, và nói đó là lý do tại sao chiến dịch bầu cử của Trump nhắm vào các vùng nông thôn nước Mỹ. Nhưng cũng bằng một cách nào đó, chúng tôi vẫn tin rằng đa số người nông dân Mỹ da trắng vẫn sẽ bầu cho Clinton (?!).
Tôi có biết một giáo sư công khai ủng hộ mạnh mẽ cho Trump. Khác với những điều tiếng mọi người thường ghép cho những cử tri bầu cho Trump, giáo sư này là người rất nhẹ nhàng, lịch sự, từng tốt nghiệp ngành Khoa học Chính trị (Political Science), và làm việc với rất nhiều sinh viên quốc tế. Ông lên tiếng rất nhiều về việc chính phủ Mỹ đương nhiệm gây thất vọng cho tầng lớp lao động Mỹ, họ đã mất niềm tin vào đảng Dân chủ và cảm nhận được khả năng làm thay đổi đất nước từ tận gốc rễ nơi Trump. Ông cũng nói rằng việc những người nổi tiếng và quyền lực (tầng lớp elites) công khai ủng hộ Clinton trên mọi phương tiện thông tin đại chúng sẽ chỉ làm những người dân lao động da trắng (cử tri đa số) thêm giận dữ mà thôi. Nhưng không ai để ý đến vị giáo sư này cả. Rất nhiều người “unfriend” ông giáo sư ở trên mạng và ngoài đời, mọi người đều cho ông này chỉ là một trong những tiếng nói thiểu số ủng hộ Trump một cách “vô lý”. Nhưng thực tế, những người ủng hộ Trump rất im lặng, họ không thường xuyên có mặt trên mạng xã hội, trên thông tin đại chúng, họ âm thầm ủng hộ Trump bằng lá phiếu – điều then chốt nhất tạo nên chiến thắng của Trump.
Cuộc bầu cử lần này dậy cho tôi một điều rằng rất nhiều người (bao gồm có tôi) đang sống trong lớp bong bóng của chính mình, bao bọc bởi những người có suy nghĩ giống nhau (like-minded), và không chú ý đến những luồng tư tưởng trái chiều. Với cách chúng ta dùng mạng xã hội hiện nay, các thông tin đọc được trên Facebook, Instagram, Twitter là những gì ta muốn đọc, chứ không nhất thiết là quan điểm chung của tất cả mọi người. Vì vậy, để thẩm định những tình huống quan trọng, còn đang gây tranh cãi, đôi khi ta cần bước ra khỏi cái bong bóng của mình để có cái nhìn toàn diện hơn về thực tế, lắng nghe phản biện từ người khác, và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để bảo vệ luận điểm của mình. Always, always, always keep your reality in check.
3. Xem lại đặc quyền của mình
Cũng có câu “check your privilege” (xem lại đặc quyền của mình), ý nhắc con người thường xuyên phải xem lại những điều mình may mắn hơn người khác để lấy đó làm nền tảng cho sự cảm thông, gắn kết với những người có ít đặc quyền, ít may mắn hơn. Mỗi xã hội, mỗi hoàn cảnh, mỗi con người đều có định nghĩa riêng về đặc quyền. Đặc quyền nhiều khi rất rõ ràng, ví dụ như, một người sinh ra là dân tộc đa số, gia đình giàu có, có đủ cha mẹ, có nhà để ở, được đi học đầy đủ… là đặc quyền hơn rất nhiều người. Nhưng đặc quyền nhiều khi cũng rất mơ hồ, ví dụ như một người thuộc dân tộc đa số nhưng nghèo túng, một người dân tộc thiểu số nhưng giàu có, một người giàu có nhưng sống ở vùng sâu vùng xa, ai là người có đặc quyền hơn ai? Hay không ai có đặc quyền? Hay mỗi người đều có những đặc quyền riêng? Thường xuyên xem lại đặc quyền của mình sẽ giúp ta hiểu mình đang đứng ở đâu và đang hưởng lợi gì từ những đặc quyền của mình.
Từ khi sang Mỹ, tôi đã ý thức được đặc quyền của mình hoàn toàn thay đổi. Ở Việt Nam, tôi thuộc nhóm dân tộc đa số (Kinh), tôi sinh ra ở thành phố, có đầy đủ cha mẹ, được đi học đầy đủ, không phải chịu đói ngày nào… — tôi hẳn nhiên là người có nhiều đặc quyền. Tất nhiên, hoàn cảnh của tôi không thể so sánh với những người giàu có, con ông cháu cha, sinh ra đã ngậm thìa bạc… nhưng chắc chắn là tôi may mắn hơn rất nhiều người khác sinh ra cùng một đất nước. Nhưng ở Mỹ, tôi lại thuộc nhóm dân tộc thiếu số – người ngoại quốc, măc dù tôi có may mắn vẫn được đi học và có công việc làm hợp pháp, tôi vẫn thuộc nhóm thu nhập thấp. Những điều này khiến tôi trở thành người ít đặc quyền ở xã hội Mỹ. Vì ở một vị trí thấp hơn, tôi cảm thấy đồng cảm hơn với rất nhiều người da màu ở Mỹ bị phân biệt đối xử, tôi đấu tranh rất nhiều cho quyền lợi của những học sinh nhập cư (immigrant students) và học sinh quốc tế (international students) vì tôi hiểu những khó khăn mọi người gặp phải khi bắt đầu hoà nhập với cuộc sống ở một đất nước xa lạ.
Cuộc bầu cử lần này một lần nữa khiến tôi suy nghĩ về đặc quyền của mình. Tôi tự hỏi, có phải vì tôi và bạn bè đang sống trong cộng đồng những người thiểu số, chúng tôi ủng hộ các chính sách có lợi cho nhập cư, sinh viên quốc tế, đa dạng hoá chủng tộc và văn hoá? Tôi tự hỏi, nếu như tôi và bạn bè thuộc nhóm đa số tại Mỹ, nhóm những người cảm thấy tiếng nói của mình không được coi trọng bằng thiểu số, những người cảm thấy cơ hội việc làm của mình bị đe doạ bởi người nước ngoài nhập cư, liệu chúng tôi có ủng hộ chính sách có lợi cho thiểu số hay không? Cá nhân tôi có biết chính sách nào ở Việt Nam ủng hộ lợi ích cho người dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu vùng xa nhập tịch vào thành phố hay không? Nếu có những chính sách như vậy tồn tại, liệu tôi và bạn bè có ủng hộ không?
Xem xét lại đặc quyền của mình có lẽ là cách suy nghĩ và hành xử văn minh nhất con người có thể làm để đặt mình vào vị trí của những người kém may mắn hơn và để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất về bình đẳng xã hội. Đây là một bài học sâu sắc mà chắc chắn tôi sẽ còn trở lại nhiều lần để nghiền ngẫm.
4. Tập trung vào những điều quan trọng nhất
Vào buổi sáng đầu tiên sau khi nghe kết quả bỏ phiếu, giữa vô vàn cảm xúc của cộng đồng, sợ hãi có, giận giữ có, đau khổ có, mà mừng vui cũng có, tôi có viết trên trang Facebook The Present Writer một thông điệp tích cực, đại ý nói đây là cơ hội tốt để chúng ta tập trung hơn nữa vào những điều quan trọng, cố gắng gấp 100% và hơn thế nữa để làm tốt những việc mình đang làm, và để giúp cộng đồng mạnh mẽ hơn. Ngày hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm đó. Dù cuộc sống có bất công, bạo lực, có xấu xa đến đâu, nếu ta tập trung toàn lực vào những điểm tích cực, vào những điều mà ta làm tốt nhất cho bản thân mình và cộng đồng, mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại — tôi tin là như thế.
Chắc chắn chỉ vài ngày nữa thôi, vượt qua cú sốc của cuộc bầu cử, mọi người sẽ bắt đầu có những ý kiến trái chiều về vị trí quyền lực của Trump. Chắc chắn sẽ có nhiều người nhìn lại những ngày hoang mang này và phủi tay nói rằng mọi người đã và đang làm quá lên, rằng sự việc không tệ đến thế, rằng Trump không thể thực hiện được tất cả những gì ông ta đề ra, rằng biết đâu Trump lên sẽ làm nước Mỹ tuyệt vời, hùng mạnh hơn trước…. Tôi cũng hy vọng là như thế. Nhưng những điều này, như tôi đã viết, vượt quá ngoài khuôn khổ của blog này. Trên hết, đây không phải là một bài viết về chính trị, bài viết này chỉ đơn thuần ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của tôi vào thời điểm 3 ngày sau cuộc bầu cử. Tôi không có quyền phán xét quyết định của người Mỹ và cũng không có khả năng đoán trước được tương lai nước Mỹ sẽ như thế nào.
Tương lai? Hãy để tương lai cho lịch sử quyết định. Lịch sử sẽ phán quyết những quyết định chúng ta đưa ra ngày hôm nay, lịch sử sẽ kể những ngày tháng này theo cách riêng của nó, và lịch sử sẽ cho chúng ta biết thế giới đang đi tới đâu.
Còn hiện tại? Hãy tập trung vào những điều quan trọng nhất, tập trung vào những điều chúng ta có thể kiểm soát, có thể thay đổi, và khiêm nhường đóng góp một phần nhỏ bé (hy vọng là tích cực!) vào lịch sử.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Linh Nguyen says
Thanks chị rất rất nhiều vì bài viết này! Những gì chị chia sẻ rất giống với những gì em suy nghĩ và có lẽ chị là một trong số rất ít người em biết có chung quan điểm này. Trong cuộc bầu cử lần này, em không nghiêng về bên nào cả, vậy nên em không có quá nhiều cảm xúc khi nhận được kết quả chính thức. Ai hỏi em nghĩ gì, em chỉ nói là em thông cảm với những gì người Mỹ quyết đinh, rằng em là người ngoài cuộc (không phải công dân Mỹ) và em không thể biết hết những gì người Mỹ suy nghĩ và mong muốn. Sẽ rất không công bằng nếu một sinh viên quốc tế như em cứ khăng khăng rằng Cliton mới xứng đáng làm tổng thống bởi như thế mới đem lại lợi ích cho những người thuộc nhóm thiểu số như mình. Đó thực sự là một suy nghĩ rất chủ quan.
Bạn bè xung quanh em hầu hết đều ủng hộ Clinton nên khi tranh luận về vấn đề này, em nhận được rất nhiều dấu chẩm hỏi là tại sao lại có thể nghĩ như vậy. Nhiều lúc em không dám tranh luận đến cùng bởi sợ những quan điểm của mình sẽ khiến bạn bè em tổn thương vì lúc đó nhiều người đã sợ hãi và lo lắng cho tương lai của mình và gia đình họ lắm rồi. Nhưng bài viết này của chị làm em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều về những gì em suy nghĩ trong thời gian qua.
Em luôn tự nhủ với bản thân rằng cho dù ai giành chiến thắng thì người có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của mình không ai khác chính là mình. Thế nên dù Trump hay Clinton có đắc cử thì người đầu tiên cần thay đổi nhiều nhất vẫn luôn là bản thân mình.
Em vẫn luôn theo dõi blog của chị và chưa bỏ sót bài nào hết ạ! 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã chia sẻ! Chính trị luôn là chủ đề nhạy cảm. Nếu mình nhìn từ bên ngoài thì có thể nói rõ trắng-đen, nhưng phải là người trong cuộc mới biết bên trong phức tạp như thế nào. Chị hy vọng bài viết đến được với nhiều bạn đọc hơn – nhất là những người đang lo sợ cho tương lai của mình và gia đình. Cám ơn em đã luôn là độc giả thường xuyên của blog!
Luc says
Cảm ơn Chi về cảm nhận rất sâu sắc và hướng tới điều tích cực của bản thân cũng như nỗ lực lan truyền cảm xúc đó cho mọi người. Luôn dõi theo và ủng hộ Chi!
Chi Nguyễn says
Cám ơn động viên của bạn dành cho Chi và blog ! 🙂
Pham Bich Ngan says
Em rất thích bài viết của chị bởi nó rất giống với dòng cảm xúc và quá trình nhận diện thực tế mà em đã trải qua trong suốt giai đoạn cuối của cuộc bầu cử và những ngày tiếp sau đó.
Là một người ủng hộ Clinton, em đã vô cùng thất vọng khi có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Ủng hộ bà vì những gì em đã đọc biết về bà, về chính sách của bà và phải tính đến cả sự chi phối phần nhiều bởi các luồng ủng hộ mạnh mẽ, ồ ạt khác trên mạng xã hội, truyền thông – cái mà ta luôn có xu hướng muốn nghe và tìm kiếm để nghe, để thỏa mãn cảm xúc của chính mình.
Sau tất cả với những biến đổi cảm xúc, suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá của bản thân đối với vấn đề thực tại, em rất thích câu nói của chị : ” Vì vậy, để thẩm định những tình huống quan trọng, còn đang gây tranh cãi, đôi khi ta cần bước ra khỏi cái bong bóng của mình để có cái nhìn toàn diện hơn về thực tế, lắng nghe phản biện từ người khác, và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để bảo vệ luận điểm của mình. Always, always, always keep your reality in check.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã chia sẻ! Mặc dù cuộc bầu cử đã qua được gần 1 tháng nhưng vẫn còn rất nhiều bài học mới chị nhận ra hàng ngày. Chắc chắn 1 năm nữa thôi khi các chính sách và quan điểm của Trump đã thành hình hơn, mình sẽ còn có thêm nhiều điều để bàn nữa 🙂 Always, always, always keep your reality in check.
Vo Van says
Xin hãy cho mình biết tên của vị giáo sư ủng hộ Trump mà bạn nhắc đến trong bài viết để mình tìm hiểu thêm.
Chi Nguyễn says
Chào bạn, cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Rất tiếc mình không thể công khai tên giáo sư nêu trong bài vì tôn trọng quyền tiêng tư của giáo sư (vì thế mình cũng đã chủ động không nêu tên trong bài viết). Nếu bạn quan tâm đến chủ đề này, mình tin bạn có thể tìm hiểu nhiều thông tin khác trên mạng bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Phan Thanh Thảo says
Em chào chị ,
Đã qua 4 năm kể từ ngày bài viết này ra đời, và sau 4 năm (2016-2020) ông Trump lên làm tổng thống thì cuộc bầu cử lại diễn ra 1 lần nữa. Em hy vọng rằng sẽ có 1 bài viết ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của chị vào những ngày này ạ.
Chi Nguyễn says
Chào Thanh Thảo, chị mới đăng bài viết mới về Covid-19 và có bàn về vai trò của Trump. Em đọc thêm nhé: https://thepresentwriter.com/tai-sao-nuoc-my-khung-hoang-voi-dai-dich-covid-19/