Thời gian gần đây, theo dõi các diễn đàn tâm sự, những trang gỡ rối trên mạng, tôi nhận ra một bộ phận rất lớn, gần như đã thành trào lưu, ở những người tự xem mình là “nạn nhân” (playing the victim). Cả đàn ông lẫn phụ nữ, từ mọi địa vị và hoàn cảnh xã hội dường như đều có cách riêng để làm nổi bật hình ảnh “nạn nhân tội nghiệp” của mình; họ cho rằng hầu hết (nếu không phải tất cả) những gì chưa được như ý trong cuộc đời mình là do ai đó hoặc thế lực nào đó gây ra. Họ cho rằng có quá nhiều yếu tố bên ngoài, không kiểm soát được tạo nên sự bất công, thiếu may mắn, sai lầm trong cuộc đời mình; rằng phần nào số phận của họ đã được sắp đặt, dù có cố gắng đến mấy cũng không thể nào vươn lên được bằng người nọ, người kia.
Lẽ tất nhiên, cuộc đời con người không thể tránh được những điều ngoài ý muốn. Có những người sinh ra đã ngậm thìa bạc, sống một cuộc sống suôn sẻ, may mắn, ít sóng gió; lại có những người sinh ra đã vất vả, ra đời chịu nhiều bất công, phải nỗ lực không ngừng nghỉ mới giành được những gì mà người khác đôi khi nhắm mắt là đã có được. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu điều này. Nếu bạn theo dõi trang blog này từ những ngày đầu tiên và biết phần nào câu chuyện của tôi, tôi tin bạn hiểu rằng bản thân tôi cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách để có được vị trí tôi đang đứng ngày hôm nay (mặc dù vị trí này còn rất, rất xa so với những gì tôi muốn vươn tới). Bởi vậy, tôi nhạy cảm khi thấy ai đó ở trong hoàn cảnh khó khăn và cảm thông cho họ mỗi khi nghe họ than thở, kêu khóc vì bức bối, hờn ghen, giận dữ với cuộc đời và với số phận của chính mình. Nhưng trên cả sự cảm thông đó, tôi vẫn phải khẳng định rằng hoàn cảnh không thực sự là yếu tố quyết định, mà chính tư duy về bản thân và cuộc sống xung quanh mới khiến con người thường cảm thấy ức chế, bị “kẹt” lại trong số phận hẩm hiu của mình. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi một phần không thể thiếu của lối tư duy tiêu cực này chính là thói quen tự xem mình là nạn nhân.
====
Thế nào là “tự xem mình là nạn nhân”? Hiểu một cách đơn giản nhất thì đây là lối suy nghĩ và thói quen cho rằng phần lớn những gì thua thiệt trong cuộc đời mình là do yếu tố bên ngoài tác động. Ví dụ, rất nhiều người cho rằng gốc gác và hoàn cảnh xuất thân định đoạt hầu như mọi điều của số phận. Câu cửa miệng của những người này thường là: “Thì đấy, tôi dân quê lên thành phố, nhà không có điều kiện, bố mẹ không có nhiều tiền mà cũng chẳng quen biết ai. Thế nên ra đời tôi rất chật vật. Thời buổi này những nơi làm tốt đều là con ông cháu cha giữ chỗ cả rồi, chả thi thố xin tuyển vào làm gì cho mất công. Muốn độc lập, ra riêng làm ngoài thì phải có tiền, có vốn, có quan hệ… Nói chung vô cùng bế tắc!” Phần nào những điều này là sự thật bởi không ai trong chúng ta có thể chọn lựa gốc gác của mình cả, mà xã hội thì phân tầng, bất công ngay từ những ngày đầu tiên con người ta ra đời. Nhưng một sự thật lớn hơn thế là: Không phải đâu đâu cũng như vậy!— mà nếu có như vậy thật thì chúng ta than vãn, tuyệt vọng liệu có được gì? Kêu gào lớn tiếng liệu có thay đổi được gốc gác và hoàn cảnh xuất thân của mình hay không?
Khi mới ra trường, tôi nộp đơn thi tuyển vào một trường đại học công—một nơi hội đầy đủ ban bộ, biên chế như mọi cơ quan nhà nước khác ở Việt Nam. Ở thời điểm đó, rất nhiều người cũng nói ra nói vào với tôi về vấn đề tiêu cực, chạy chức chạy quyền; rằng phải có mấy trăm triệu mới có một chân làm trong biên chế; “chạy” vào trường mầm non đi dạy còn khó chứ đừng nói đến trường đại học… Nhưng thực tế, năm đó, tôi đã trải qua quá trình tuyển dụng, thử việc, đi làm, tăng lương… vô cùng minh bạch; tôi chưa từng phải lạy lục ai hay bỏ bất cứ đồng tiền nào từ túi mình để đút lót. (Đọc thêm về trải nghiệm này của tôi ở: “Tư duy khan hiếm và thư duy thịnh vượng“). Nếu nghe theo những “lời khuyên” của mọi người từ ban đầu, có lẽ tôi thậm chí không dám đi thi viên chức. Sau này, khi biết được câu chuyện tuyển dụng của tôi, những người trước đây từng nói ra nói vào lại chép miệng bảo rằng tôi may mắn, “mèo mù vớ cá rán” tìm được ngay một chỗ làm tốt vô cùng hiếm hoi. Có thật là như vậy không? Là vị trí công việc tôi tìm được hiếm có trên đời hay là tư duy tích cực, giữ vững niềm tin vào sự minh bạch của xã hội đã trở nên hiếm có ở thời buổi này?
Ở một góc độ khác, rất nhiều người rất hay cho rằng mình là “nạn nhân” của các thành viên khác trong gia đình. Những lời than vãn kiểu như thế này hầu như ngày nào ta cũng có thể bắt gặp: “Trời ơi, tôi khổ thế này vì …chồng/vợ tôi không làm ra tiền, không ủng hộ tôi làm ăn, thăng tiến; vì con tôi còn nhỏ quá phải trông nom không làm gì được; vì tôi phải sống chung với bố mẹ chồng rất khó chịu; vì tôi không tự chủ kinh tế nên phải ở lại với chồng lăng nhăng, bạo hành…” Tôi từng tận mắt chứng kiến những cặp bố mẹ chỉ thẳng vào mặt con mình trước mọi người và dõng dạc (thậm chí tươi cười) tuyên bố là: “Đấy, vì nuôi ‘thằng này/con này’ nên bao tiền cũng hết, hồi trẻ muốn làm nhiều thứ lắm mà sau chả làm được gì!” Tôi cược rằng những đứa con ấy cũng chẳng vui vẻ, tự hào gì khi nghe thấy bố mẹ vì mình mà không thực hiện được những gì họ muốn (dù cho điều này có được gắn với những mỹ từ như “hy sinh” hay “thiên chức” đi chăng nữa). Nhưng đó có đúng là sự thực không? Có phải luôn là lỗi của những ông chồng, bà vợ, đứa con, bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, họ hàng… khiến cuộc đời ta không được như ý muốn? Suy cho cùng, ai là người đã chọn lấy vợ, lấy chồng? Ai là người chọn sinh con? Ai là người đồng ý ở chung rồi “hy sinh” vì gia đình? Ai? Ai ngoài chính bản thân ta ra? Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao có những người ở vào hoàn cảnh như mình hoặc kém hơn mình mà họ vẫn có thể thay đổi cuộc đời, sống một cuộc sống hạnh phúc mà mình lại không thể? Giữa ta và họ khác nhau ở điểm nào?
Và tất nhiên, luôn có những người ngày đêm than vãn về nhà nước, thể chế, xã hội. Dạo qua các hàng nước vỉa hè, ngồi lê la ngoài cổng chợ, hay lang thang trên mạng xã hội đọc mục comment là có thể đập vào mắt ngay những câu đại loại thế này: “Sống ở Việt Nam thì mãi cứ thế thôi, không thể khá lên được! Cơ cấu chính trị, đất nước đã thế rồi thì chỉ có con cái ông to mới mở mày mở mặt lên được; mình dân đen không tiền, không quyền thì chỉ làng nhàng vậy thôi” Rồi thì nào là ăn uống mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường nên thể lực con người yếu ớt; nào là giáo dục chưa được toàn diện, học mãi mà không thấy thực hành được nên ra trường chật vật với công việc; nào là cơ quan công quyền bòn rút ăn hết các dự án rồi nên đường xá mới chật hẹp, tắc đường liên miên nên đi làm về thôi là đã mệt chả còn hơi sức đâu để làm thêm hay học thêm nữa… Vô vàn những thứ bên ngoài khiến cho cuộc sống của ta chẳng bằng ai. Nhưng điều thú vị là, dường như ở đâu cũng có những người không hài lòng, cảm thấy mình là nạn nhân của xã hội như thế, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Bản thân tôi đang sống ở nước ngoài và có rất nhiều bạn bè, người quen ở nước ngoài, và mặc dù đại đa số những người Việt ra nước ngoài thường nỗ lực lao động và sống tích cực, không ít lần tôi cũng bắt gặp mầm mống tư duy “nạn nhân” nảy lên trong cộng đồng. Những người đi làm ở trời Tây được hưởng cơ sở hạ tầng tốt, dịch vụ công tốt thì luôn miệng than vãn phải nộp thuế cao, có cố gắng đi làm mấy cũng không khá lên được vì bị thu nhập bị trừ thuế lớn, thế nên “thôi thì cứ làng nhàng, làm ít nộp ít, đỡ phải cạnh tranh cố gắng vươn lên kiếm thêm lại tốn thêm tiền thuế nuôi đứa khác”. Những người không có việc làm, được nhận tiền trợ cấp của xã hội phương Tây thì cũng vẫn bức bối vì “như đi ăn xin, chỉ đủ chi tiêu cơ bản; muốn làm thêm tăng thu nhập thì lại mất trợ cấp xã hội – chả còn động lực cố gắng nữa!“.
Tất cả những băn khoăn, than vãn này không sai (thậm chí vô cùng chính đáng) nhưng cứ để chúng quẩn quanh trong đầu thì thật sự không giúp mình thêm được điều gì! Không có một xã hội nào là hoàn hảo cả. Bạn đã chọn ở lại nơi bạn đang ở (xin đừng tiếp tục đổ lỗi cho gia đình, gốc gác, công việc vì nếu bạn thực sự muốn ra đi, bạn đã đi từ lâu rồi!) và bạn chấp nhận những điểm mạnh và yếu của nơi đó (nếu không, một lần nữa, bạn đã ra đi từ lâu rồi!). Bởi vì đó là sự lựa chọn và sự chấp nhận của chính mình, bạn không phải là nạn nhân đáng thương của xã hội. Và nếu tiếp tục những suy nghĩ kiểu “nạn nhân” như thế này và bao quanh những người cũng ngày ngày lê la “than trời, trách đất” chửi chế độ, ghét thể chế, thù hận xã hội …thì cuộc đời trong mắt ta sẽ mãi mãi chỉ toàn màu xám, không có lối ra mà thôi.
Phần lớn chúng ta không phải là “nạn nhân” của ai cả, mà chỉ là “tù nhân” trong chính tư tưởng, sự cam chịu, chọn lựa và chấp nhận của chính bản thân mình mà thôi.
====
Khi tôi bắt đầu công khai phản đối lối tư duy tự xem mình là nạn nhân này, một số người từng góp ý với tôi rằng những gì tôi nói ra là đúng nhưng nó duy ý chí, thiếu đi sự đồng cảm và thấu hiểu cho những đối tượng bị thua thiệt trong xã hội. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại! Có lẽ chính bởi tôi quá hiểu và cảm thông cho những người có hoàn cảnh khó khăn, tôi mới có thể chỉ ra những điều này trong tư duy của họ. Hơn 10 năm qua, tôi đã tham gia nhiều dự án, làm nhiều nghiên cứu về bất bình đẳng xã hội. Đề tài tốt nghiệp Tiến sĩ hiện nay tôi đang theo đuổi cũng tập trung phân tích cách mà thể chế xã hội, giai tầng kinh tế, chia rẽ sắc tộc, gốc gác, quốc tịch…ảnh hưởng đến cơ hội học tập và phát triển của thanh thiếu niên. Thành thật mà nói, những vấn đề tôi làm nghiên cứu hàng ngày thật sự rất tiêu cực; nó tiêu cực đến mức làm cho tôi nhìn thấy bất công ở mọi nơi. Càng có thêm nhiều kiến thức, tôi càng thấu hiểu tại sao bất bình đẳng tồn tại và tiếp diễn trong xã hội, tại sao con người khó có thể thoát ra được những rào cản đến từ gốc gác, hoàn cảnh của mình. Tôi có thể kể hàng giờ, hàng giờ cho mọi người nghe về các học thuyết, nghiên cứu, bằng chứng thực tế cho thấy rằng có quá nhiều bất công trong xã hội vượt ngoài tầm kiểm soát của con người. Những yếu tố này khiến cho chúng ta, dù cố vùng vẫy đến đâu, cũng khó có thể vượt lên được những hạn chế mà mình sinh ra đã có. Và áp dụng những điều này vào chính bản thân tôi, vào chính những bất công, áp lực, mệt mỏi tôi phải đối mặt khi ở một đất nước xa lạ, tôi hoàn toàn có thể nhìn nhận mình là “nạn nhân” của không chỉ một, mà rất nhiều các khía cạnh bất công khác nhau của xã hội. Nhưng tôi không và không thể cho phép mình có tư duy như vậy! Tại sao? Bởi vì nếu bất cứ lúc nào gặp điều không như ý, tôi lại mất đi niềm tin vào cuộc sống, vào con người, lại rao rả cái bài “nạn nhân tội nghiệp” thì tôi chắc chắn không còn dũng khí để đi tiếp được nữa. Nếu sống tiêu cực như vây, thà rằng tôi buông xuôi, từ bỏ, dừng chân ngay tại đây! Đây là tâm sự rất thật của tôi. Trong công việc hàng ngày, tôi luôn tâm niệm rằng cách tôi đấu tranh cho bình đẳng giáo dục trong những nghiên cứu của mình cũng là cách tôi đấu tranh cho chính bản thân tôi trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với tôi, sự khác biệt giữa những người làm được điều họ định ra trong cuộc đời và những người chỉ biết mơ thôi nhưng không dám thực hiện là họ không bao giờ để hoàn cảnh xác định vận mệnh của mình. Họ tạo ra vận mệnh cho mình; họ tin rằng nếu mình cố gắng hết sức, mình tin tưởng vào tương lai, mình luôn nỗ lực đi tới thì rồi ắt sẽ có cánh cửa mới mở ra cho mình. Họ thậm chí chấp nhận những thua thiệt, hạn chế của bản thân ở thời điểm hiện tại là một phần của con đường tới thành công và họ dám đương đầu để tạo nên sự khác biệt, trong khi vẫn cảm thông và giúp đỡ người khác. Đây là hình mẫu con người và tư tưởng sống tôi luôn hướng tới, và tôi cũng mong học trò, đối tượng nghiên cứu, và người thân có thể nhìn nhận lại cuộc đời mình với lối tư duy tích cực như thế. Đừng tự biến mình thành nạn nhân!
===
Viết ra những điều này không phải tôi muốn tạo áp lực cho mọi người hay muốn bất cứ ai cảm thấy xấu hổ về những gì mình đã và đang chia sẻ, than phiền hàng ngày. Bởi vì, bản thân tôi cũng không ngoại lệ. Trước đây, có những khi thất vọng vào cuộc sống, tôi cũng rất hay quay sang cho rằng mình là nạn nhân của cái nọ, cái kia. Đây dường như là một cách dễ dàng (hay nói đúng hơn là dễ dãi) nhất để đối diện với thực tế. Trên blog này, tôi từng viết về nhiều trải nghiệm trong quá khứ của mình, bao gồm nhiều kỷ niệm buồn. Bởi lẽ, càng học nhiều về giáo dục và tâm lý, tôi càng nhận ra cách mình được dạy bởi bố mẹ và thầy cô trước đây có rất nhiều phần không đúng. Những phương pháp giáo dục lệch lạc này đã khiến tôi khi trưởng thành trở nên thiếu tự tin, khép kín, và phải chật vật rất nhiều năm mới có thể tìm được chính mình. (Ví dụ như trong: “Điều tệ nhất của việc học Giáo dục” và “29 năm tập làm người phụ nữ Việt). Nhưng tôi biết mình không có cỗ máy thời gian để quay lại quá khứ để chỉnh sửa những điều đã xảy ra; tôi càng không thể trách cứ cha mẹ và thầy cô vì họ chỉ có thể dạy cho tôi những gì họ được thế hệ trước truyền lại. Bởi vây, tôi chọn cách thay đổi tư duy, cách nhìn của mình ở hiện tại để nhìn nhận lại quá khứ với một con mắt tích cực hơn (Đọc thêm về phương pháp này trong: “Thay đổi tư duy để viết lại quá khứ”). Đây là cách tôi chọn để ngừng thói quen “dễ dãi” đổ lỗi cho người khác, tự xem mình là nạn nhân mà tôi từng mắc phải. Còn bạn thì sao? Bạn rồi cũng sẽ phải tìm ra một con đường riêng để đối diện với những vấn đề khúc mắc trong đời, bởi vì “phương pháp” xem mình là nạn nhân không bao giờ đưa chúng ta đến được tận cùng của vấn đề và giải quyết chúng hiệu quả. Ai rồi cũng phải tìm cho mình một lối ra—một con đường dũng cảm, mạnh mẽ, có trách nhiệm hơn với chính mình. Thay vì xem mình là “nạn nhân” hãy biến bản thân thành “giải pháp”!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Ngọc says
Cảm ơn bài viết của chị Chi <3.
Lần đầu tiên em comment trên bài viết của chị dù đã theo dõi blog này từ năm 2016. Em rất tâm đắc với chủ đề bài viết lần này của chị. Dù đa phần thời gian em luôn tránh việc đổ lỗi cho ngoại cảnh, người khác mà chỉ tập trung vào bản thân mình để tìm ra giải pháp cho mỗi việc khó khăn, nhưng đôi lúc khi mệt mỏi hoặc nhiều vấn đề cùng xuất hiện thì em phát hiện ra em vẫn có suy nghĩ tiêu cực này. Bài viết của chị khiến cho em nhìn nhận rõ ràng hơn những suy nghĩ, hành động của em, đối với em là lời thức tỉnh để em cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết! Chị nghĩ mình không thể nào hoàn toàn (100%) bỏ qua vấn đề hoàn cảnh, nhất là khi có nhiều việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng miễn là đừng để những suy nghĩ này chiếm quá nhiều thời gian và tâm sức mà thôi. Tập trung vào hoàn thiện mình vẫn là tối ưu hơn cả 🙂
pham thu phuong says
Cảm ơn Chi về bài viết này!❤️😍
Hương Mai says
Hi chị Chi, cảm ơn chị vì một bài viết thật sự hay và có ý nghĩa! Em có thể thấy được chị đã dồn nhiều tâm huyết vào bài viết này và chia sẻ rất tận tình những kinh nghiệm cá nhân của bản thân. Có lẽ bởi chị là nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học xã hội nên những thứ như sự bất bình đẳng, nguồn gốc xuất thân, văn hóa, ngoại cảnh gần như trở thành thuật ngữ chuyên môn của chị ạ 🙂
Em hoàn toàn đồng ý với thông điệp chính của bài viết: không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh và tự biến mình thành nạn nhân. Hầu hết những người thành công nổi bật trong xã hội đi lên từ khó khăn (em có đọc một bài báo trước đây thống kê là hơn 2/3 tỉ phú trong top 500 của nước Mỹ có xuất thân nghèo khó). Thật ra em chưa bao giờ ghen tị với những công chúa hoàng tử “sinh ra đã ngậm chiếc thìa bạc”, vì em biết rằng sống trong nhung lụa từ bé chưa chắc đồng nghĩa với hạnh phúc. Nhiều người có bố mẹ rất thành đạt nhưng bản thân họ thiếu ước mơ, không có động lực để phấn đấu lại phải sống dưới cái bóng quá lớn của người đi trước nên họ cũng không kế thừa được thành tựu mà bố mẹ họ đã đổ mồ hôi nước mắt dựng nên.
Em chỉ muốn bổ sung một ý nhỏ: chuyện am hiểu những tác động (cả tiêu cực lẫn tích cực) của ngoại cảnh lên cuộc sống của mình là rất cần thiết để điều tiết cách mà mình ứng phó với cuộc sống. Nói nôm na kiểu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” ấy ạ. Em tin rằng mỗi sắc tộc, giới tính, thậm chí là từng cá nhân trong xã hội (nhất là một đất nước đủ màu như Mỹ) đều có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Ví dụ: do định kiến xã hội, phụ nữ có thể bị đánh giá kém hơn nam giới ở khía cạnh quyết đoán nhưng lại “nhỉnh hơn” khi phải mềm mỏng và sử dụng tình cảm để thuyết phục người khác. Hiểu được “chỗ” của mình trong xã hội như vậy sẽ giúp mình phát huy tối đa thế mạnh của mình cũng như tránh được những “vũng lầy” không cần thiết. Quan trọng hơn cả là “biết mình biết ta” để đặt cho bản thân những mục tiêu phù hợp, tránh gây áp lực và thất vọng. Còn việc đấu tranh cho bình đẳng xã hội quả là một mục tiêu rất cao quý, nhưng rất tiếc rằng điều đó có lẽ phải mất một thời gian rất lâu (có lẽ đến khi chị em mình đều già) mới thấy được chút ít tiến triển, và kể cả cách thức đấu tranh em nghĩ rằng cũng phải rất mềm mỏng, khôn ngoan, bền bỉ thì mới có tác dụng. Em đã thấy có rất nhiều trường hợp cố vùng lên kiểu một phụ nữ dõng dạc tuyên bố “Tôi là người đàn bà mạnh mẽ độc lập, chẳng cần đàn ông”, hoặc một số những người dân tộc thiểu số nói với con cái họ “Đừng bao giờ chơi với trẻ em Mỹ trắng, chúng không hiểu chúng ta đâu con”. Theo quan điểm của em thì những cách “đấu tranh” kiểu này dễ phản tác dụng. Con người luôn luôn là những sinh vật khá ích kỷ và mang tính bầy đàn cao. Muốn được đối xử bình đẳng thì trước hết bản thân mình phải có đóng góp cho xã hội và phải biết bày tỏ ý kiến thẳng thắn nhưng vẫn chuyên nghiệp (ví dụ như vụ việc của bác sĩ David Dao vs. United Airlines)
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc và viết comment chia sẻ. Chị hoàn toàn đồng ý với em! Mình vừa biết người, vừa biết ta thì mới có thể cân bằng được tất cả. Bởi vì nếu tập trung vào bản thân quá mức để đến độ có gì chưa được như ý, mặc dù không phải do mình, cũng lôi bản thân ra chỉ trích thì cũng không ổn. Mình không xem bản thân là nạn nhân, cũng không tự cho mình là tội phạm 😀
Dung says
Cảm ơn Chi, bài viết rất hay, giúp mình thêm động lực & giải toả phần nào tư duy tiêu cực mình đang mắc phải.
Hoài Thanh says
Chào chị, cảm ơn chị nhiều về bài viết Đọc xong bài này em cảm thấy càng có động lực để tiếp tục đi con đường mình đã chọn.
Phạm hùng says
Rất hay và thiết thực. Cảm ơn chị
Uyen Ngo says
Em cảm ơn chị Chi đã viết bài này. Đúng là bố mẹ chúng mình chỉ có thể dạy mình tất cả những gì tốt nhất mà họ biết, đôi khi nó khiến mình mất nhiều thời gian hơn để tìm ra được chính mình, nhưng cũng chính họ đã cho mình có cơ hội được trưởng thành để đi đây đi đó mà mở mang tầm mắt, thay đổi tư duy. Chỉ một chút đổi khác trong cách nghĩ lại có ảnh hưởng lớn không ngờ chị ạ. Từ lúc ngừng xem mình là nạn nhân, em thấy cuộc đời mình khác đi nhiều.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn chia sẻ của em. Sau này khi có con rồi chị cũng sẽ nói với con là chị chỉ có thể dạy cho con những gì chị biết thôi, còn lại là hành trình của con để tìm chính mình. Có lẽ với tư duy như thế mình cũng đỡ áp đặt cho con hơn 🙂
Giang Nguyen says
cám ơn chị đã có những bài viết rất hay và hữu ích. Em đã đọc sách của chị : Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản và em rất tâm đắc. Không biết em có thể share bằng cách dẫn link các bài viết của chị lên FB cá nhân của em được không ạ?
Dù trễ nhưng vẫn muốn chúc chị sinh nhật tuổi 30 thật vui vẻ, hạnh phúc, bình an!
Hàn Minh Thu says
Hi Chi, mấy hôm nay chị cứ nghĩ mãi, sao đến giờ chị mới biết đến Chi, đến blog của Chi, sách Chi viết. Đầu tiên chị đọc cuốn Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản, chị đọc liên tục trong 1 ngày, sau đó thì nghiền ngẫm lại, văn phong cuốn sách cũng như tư tưởng của Chi thực sự lôi cuốn chị. Đợt gần đây chị đã tìm đọc một vài cuốn sách về chủ nghĩa tối giản như Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn, Lối sống tối giản của Người Nhật… chị bắt đầu muốn tìm hiểu về lối sống này. Nhưng khi tìm được blog của em thì chị say mê hơn, mỗi ngày chị tìm một chủ đề để đọc, áp dụng. Cảm ơn em rất nhiều. Thời điểm này chị đang bị mất phương hướng nên blog của em như kim chỉ nam cho cuộc sống của chị vậy. Cảm ơn em nhiều. Mong em sẽ viết đều đặn hơn nữa.
T.N says
Theo dõi blog bạn đã lâu nhưng đây là 1 trong những lần hiếm hoi mình comment, có lẽ do nó chạm tự ái của mình ít nhiều. Bạn cho rằng gặp gỡ thoáng chốc những người trong lúc nghiên cứu đã là đồng cảm? Thật sự bạn cũng chỉ là người ngoài mà thôi. Có những người đã thực sự cố gắng, đứng lên rồi vấp ngã biết bao nhiêu lần vẫn chưa gọi thành công. Bạn sống ở nước ngoài chắc cũng biết cuộc sống thân cô thế cô nó như thế nào, là người nước ngoài sống ở nước khác nó cô độc, trầm cảm ra sao. Mình chọn ở lại đất nước này, không phải Mỹ hay một nước nói tiếng Anh vì một chuỗi những sự kiện khiến mình ko còn lựa chọn khác. Về nước mình cũng không muốn về vì Việt Nam ko phải là nơi dành cho mình. Không phải ai than thở cũng là tự coi mình là nạn nhân đâu, mình đã từng cố gắng rất rất nhiều, đến than còn chẳng dám vì đã có người từng nói thẳng vào mình là đừng khiến người khác cảm thấy có lỗi vì mình nữa.
Bạn mình đã tự tử vì trầm cảm khi không có ai để chia sẻ. Nó khiến mình cảm thấy có lỗi vô cùng. Biết đâu 1 lời nói vô tình động viên có thể cứu 1 mạng người. Nên ai than thở mình ko giúp được gì cũng ko dám đưa lời khuyên gì thì cũng im lặng lắng nghe. Đó mới là đồng cảm.
Chi Nguyễn says
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình. Đây là một bài viết về đề tài khá “nhạy cảm” nên mình hiểu không phải ai cũng đồng tình với ý kiến hơi “cứng rắn” như trong bài. Tuy vậy, bài viết này không có ý nói: không ai có quyền được than vãn vì than vãn cũng là một cách giải toả, chia sẻ. Thông điệp lớn nhất của mình là: nếu mình cứ than vãn hoài, tiêu cực hoài thì cũng không giải quyết được vấn đề triệt để, tại sao (sau khi đã than vãn, “xả” nỗi bức bối) ta không thử tìm giải pháp mới để gỡ rối cho mình?
Mình muốn trích lại một đoạn mình viết trên bài đề bạn hiểu hơn về mình: “Nếu bạn theo dõi trang blog này từ những ngày đầu tiên và biết phần nào câu chuyện của tôi, tôi tin bạn hiểu rằng bản thân tôi cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách để có được vị trí tôi đang đứng ngày hôm nay (mặc dù vị trí này còn rất, rất xa so với những gì tôi muốn vươn tới). Bởi vậy, tôi nhạy cảm khi thấy ai đó ở trong hoàn cảnh khó khăn và cảm thông cho họ mỗi khi nghe họ than thở, kêu khóc vì bức bối, hờn ghen, giận dữ với cuộc đời và với số phận của chính mình”.
Mình không chỉ lắng nghe và chia sẻ với người khác qua nghiên cứu. Mình đã từng làm việc ở trại trẻ mồ côi, dạy học cho trẻ tự kỷ, bán cả dây chuyền của mình để đổi sữa và gạo cho gia đình nghèo cầm cự khi đang đợi tiền chính sách… Bản thân mình cũng từng đối diện với trầm cảm, rối loạn lo âu, cũng thất bại, vấp ngã tả tơi mới viết được nên những dòng này. Tất cả những gì mình viết ra đều từ cái tâm của mình để mọi người thay đổi và cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, không phải bài viết nào cũng làm được điều đó, với tất cả mọi người. Và mình luôn tôn trọng ý kiến riêng của độc giả như bạn 🙂
T.N says
Hi Chi, cám ơn bạn đã dành thời gian để viết comment dài. Tất nhiên, theo dõi blog bạn đã lâu, mình biết bạn là ai, đang làm công việc gì và qua đó cũng hiểu được một phần con người của bạn.
Bài này bạn viết đã được vài năm. Vài năm trước mình rất đồng tình với bạn nên không comment. Nhưng sau vài năm, nhiêu sự kiện đã xảy ra với mình, với bạn mình khiến mình đã thay đổi góc nhìn và có phần nhìn nhận vấn đề khác hơn một chút, thậm chí hơi tiêu cực vì nó trigger nhiều điều trong mình. Mỗi người có những kiểu đau khổ khác nhau, không phải chỉ là feel depressed mà là depression. Khi cuộc đời mình (tạm gọi là) bằng phẳng sau những biến cố, mình tự cho là mình hiểu chuyện, và nghĩ chỉ cần cố gắng là vượt qua được thì có những người không bao giờ có cơ hội cố gắng nữa. Và khi mình quá bận rộn cho cuộc sống thì mình đã simplify nỗi khổ của người khác quá nhanh. Cũng giống như việc người châu Âu (1 số bộ phận) đánh đồng người nhập cư và tị nạn là lười biếng nên thất nghiệp vậy.
Chút lan man để bạn hiểu hơn góc nhìn của mình và tại sao mình phản ứng hơi gay gắt. Thật tâm mình vẫn thi thoảng vào đọc blog bạn. Nhưng câu chuyện lần này mình nghĩ mình nên góp ý kiến riêng. Chúc Chi và gia đình vui.
Thân,
QUYNH DO says
Hi chị Chi, em cảm ơn bài viết của chị. Em đọc nó trong một khoảng thời gian mà em thực sự rất streess và áp lực về cuộc sống, công việc và tình cảm.
Ngược lại với tâm lý là xem mình là “nạn nhân”, em không hay coi mình là nạn nhân của việc gì. Không phải vì cuộc sống của e dễ dàng, tuổi thơ là những ngày chan cơm với nước mắt, lớn lên thì cũng chẳng được đi học thêm, những năm đại học là những ngày học hành và làm thêm cũng khá là vất vả mệt đến khó thở. Nhưng em vẫn luôn cảm ơn vì những thứ em đang có. Em không phải là người đổ lỗi cho hoàn cảnh hay biến thành mình nạn nhân của ngoại cảnh, nhưng em lại rơi vào tình trạng “tự đổ lỗi cho bản thân”. Dạo gần đây em khi công việc và cuộc sống bề ngoài của em trở nên nhẹ nhàng và êm đềm bên ngoài, thì bên trong em lại dạy sóng. Em cảm thấy vô định khi nghĩ về 5, 10 năm tới, đúng là em cũng cố gắng em có học thêm, có làm việc chăm chỉ, có đọc sách,… nhưng dường như mọi thứ cứ dậm chân tại chỗ, em thấy mình cố gắng chưa đủ, không biết mình đi đúng hướng hay chưa, rồi tự thấy mình thất bại, tự trách bản thân mình sao lại kém đến thế. Em thấy rằng tình trạng này kéo dài dần dần nó làm em mệt mỏi, rồi nhiều khi muốn buông xuôi ko cố gắng nữa, mà không cố gắng lại càng thấy thất vọng về bản thân. Nó như một vòng luẩn quẩn vậy.
Có thể là chia sẻ của em không liên quan đến nội dung bài viết này lắm, nhưng không hiểu sao đọc bài này của chị em lại có cảm xúc nhiều đến vậy và muốn viết ra. Em hy vọng chị đọc được comment và cho em một lời khuyên nho nhỏ.
Phước Hùng says
Em cảm ơn chị!
Nhờ bài viết của chị mà tư duy của em cũng ngày càng dần thay đổi hơn, lúc trước em hay luôn nghĩ mình là nạn nhân hoàn cảnh và đổ lỗi cho các động bên ngoài, em luôn so sánh mình với người khác răng họ thành công sung sướng bởi vì họ có điều kiện nhiều hơn mình nên vì lý do đó mà em luôn thuộc lùi về phía sau không tiếng lên phía trước. Dạo này em hay đọc blog của chị nhiều tự duy trong suy nghĩ cũng như cách viết của em tuy hơi tệ nhưng em sẽ cố gắng tốt hơn mỗi hơn.