Bản tin “Bài học thứ Tư”, gửi vào 19/03/2024
Xin chào thứ Tư bạn đọc The Present Writer,
Mình mới về nhà được hai ngày sau chuyến đi hội thảo tại Miami. Trong bản tin tuần trước, mình chia sẻ rằng mình đã dành cả một thập kỷ (!) để dự hội thảo khoa học và dấn thân vào giới học thuật tại Mỹ. Trong quá trình này, điều khủng khiếp nhất đối với mình là: networking—hay nói một cách nôm na là tự giới thiệu bản thân, làm quen với mọi người, tạo dựng mối quan hệ.
Với một người hướng nội như mình, networking không đến một cách tự nhiên. Chưa kể, mình lại cần phải network trong một môi trường nghiêm túc, dưới áp lực cao và bằng tiếng Anh—ngôn ngữ thứ hai của mình. Nhưng vì ai cũng nói PHẢI NETWORK thì mới được mọi người biết đến, mới quen được người có tầm ảnh hưởng, mới có cơ hội việc làm…nên mình đã ép bản thân network rất nhiều khi còn là Nghiên cứu sinh. À không, “ép” còn là một từ nhẹ nhàng; đúng hơn có lẽ là phải “co kéo”, “xô đẩy” bản thân vào những hoàn cảnh networking gượng gạo mà mình tự trấn an bằng việc đặt cho nó cái tên ngọt ngào: “bước ra khỏi vòng an toàn”.
Và kết quả là gì? Không gì cả! Thật vậy, 5-6 năm đầu khổ sở networking thời còn là Nghiên cứu sinh không mang lại bất kỳ cơ hội nào đáng kể cho sự nghiệp của mình. Nói cách khác, mặc dù làm đúng như lời khuyên của “nhiều người”, networking không làm cho mình được biết đến nhiều hơn, không giúp mình quen được người có tầm ảnh hưởng, và cũng chẳng mang lại cơ hội việc làm. Đó là sự thật.
Bởi thế, có một giai đoạn khoảng 1-2 năm mình bớt đi hội thảo, không giao tiếp nhiều với người mới và chỉ tập trung làm việc trong thế giới riêng của mình. Khi ấy, mình cho rằng networking là vô ích—hay ít nhất là vô ích với kiểu người hướng nội như mình. Nhưng 3 năm trở lại đây, sau khi đã trở thành giáo sư đại học (một công việc không hề có nhờ networking), mình trở lại hội thảo với một tâm thế khác, thoải mái hơn, tự tin hơn. Và mình nhận ra một bài học lớn:
Networking chỉ có thể thành công khi ta là chính mình
Bởi nền tảng của networking là giao tiếp, hình ảnh mặc định về networking giỏi là những người “ăn to nói lớn”, quảng giao, tự tin, có tài ăn nói, biết gây cười cho người khác… Chính vì thế, trong những năm làm Nghiên cứu sinh, mình đã “gồng lên” để biến mình thành một phiên bản hướng ngoại quảng giao như vậy trong những buổi networking. Nhưng vấn đề là: Đó không phải là mình!
Và bạn có biết điều khủng khiếp thứ hai sau networking là gì không? Đó là: Khi bạn không là chính mình, người khác sẽ rất dễ nhìn xuyên qua bạn. Người ta sẽ nhận thấy ngay nguồn năng lượng “giả tạo” (hay như một người bạn mình từng nói: “I smell plastic” – “Tôi ngửi thấy mùi nhựa”) và vì thế họ sẽ không chú tâm tới những gì bạn nói, không ấn tượng nhiều về bạn và bước qua bạn dễ dàng. Điều này không chỉ áp dụng cho người hướng nội, mà ngay cả những người hướng ngoại nhưng giả tạo, thiếu chân thành, họ cũng không thành công trong việc tạo kết nối sâu, kể cả khi có ấn tượng mạnh ban đầu.
Mình học được bài học này chính trong ngày mình phỏng vấn vào vị trí hiện tại cách đây hơn 3 năm. Ở thời điểm đó, mình đã phỏng vấn rất nhiều vị trí, trong một thời gian rất dài. Buổi phỏng vấn nào trước đó mình cũng trang điểm kỹ càng, luyện tập kỹ lưỡng, thậm chí cười trước gương hàng tiếng đồng hồ trước giờ phỏng vấn. Việc bị từ chối khi đó còn không đáng sợ bằng điều khủng khiếp thứ ba: Mình ghét chính mình khi phỏng vấn. Mà mình còn không ưa bản thân nữa thì ai có thể ưa mình ?!
Do vậy, khi nhận lời mời phỏng vấn từ University of Arizona, mình đã nghĩ: “Ôi giời, chắc lại chẳng được đâu! Trường nghiên cứu lớn thế cơ mà. Thôi, chả mất công chuẩn bị làm gì cho thất vọng thêm!” Và thực sự, ngày phỏng vấn hôm đó mình còn suýt quên, tới giờ mới khoác vội cái áo blazer ra ngoài chiếc áo phông mặc ở nhà, không trang điểm, không diễn tập trước, cứ thế bấm vào link phỏng vấn và “xuất hiện”—xuất hiện đúng như con người thật của mình. Đó là buổi phỏng vấn đầu tiên mà mình không ghét chính mình và là buổi phỏng vấn thành công nhất, đưa mình tới vị trí công việc hiện tại. Khi nhận việc, mình cũng rất hạnh phúc vì mình biết mình sẽ không phải “giả vờ” là một phiên bản nào khác trong mắt đồng nghiệp và cấp trên—họ chọn mình khi mình là chính mình ☺️.
Từ đó, mình luôn cố gắng là chính mình nhiều nhất có thể trong các buổi networking và đạt được những thành công nhất định. Dưới đây là 3 điều mình chắt lọc được:
1- Đừng chỉ network vì mục đích cuối cùng. Networking về bản chất là tạo sự kết nối giữa người với người—điều này nên đặt lên hàng đầu (ví dụ: “Tôi thích kết nối với người này vì tôi thấy người ta thú vị”) thay vì một mục đích cuối cùng nào đó (ví dụ: “Tôi sẽ làm quen với người này vì anh/chị ta sẽ cho tôi công việc”). Giống như việc học chỉ vì điểm số thì sẽ rất mệt mỏi nhưng học vì niềm hứng thú với kiến thức thì sẽ rất vui, networking cũng vậy. Mỗi người cần tìm ra một điểm gì đó thú vị trong hành trình, thay vì đích đến, để networking trở nên dễ dàng và chân thật hơn.
2- Network với cả điểm mạnh và điểm yếu của mình. Mỗi người có cách network riêng, đừng nên ép bản thân vào hình ảnh “quảng giao”, “ăn to nói lớn” nếu bạn không phải là người như vậy. Dựa vào cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của mình để network sẽ mang lại cảm giác chân thành tuyệt đối. Ví dụ: Đối với mình, việc chen vào giữa một đám đông và hô lên: “Xin chào, tôi xin tự giới thiệu…” là một điều vô cùng khó, nhưng mình có điểm mạnh là nụ cười thân thiện 😁, do vậy, mình sẽ chọn thời điểm yên ắng, chỉ có 1-2 người và mỉm cười thú nhận: “Xin chào, tôi mới tới đây nên hơi hồi hộp chút, tôi làm quen với bạn được không?” Thường những lần kết nối nhỏ như vậy tạo ra kết nối sâu và phù hợp hơn với tính cách cũng như điểm mạnh/yếu của mình.
3- Network không chỉ là “nói”. Network có rất nhiều hình thức: nói trực tiếp, viết email, comment trên mạng xã hội, gửi tin nhắn cá nhân… Hình thức viết thường dễ dàng hơn với những người cảm thấy khó khăn khi giao tiếp trực tiếp. Do vậy, đừng nghĩ rằng bạn chỉ có thể network khi gặp người khác trực tiếp. Cách mình thường làm ở hội thảo: Nếu có cơ hội gặp trực tiếp, mình sẽ gửi email ngay sau 1-2 ngày nói “Cảm ơn đã dành thời gian trò chuyện với tôi. Hãy giữ liên lạc qua email này nhé”. Nếu không có cơ hội gặp trực tiếp, mình sẽ email hoặc nhắn tin/comment trên mạng xã hội: “Tôi rất thích bạn/công việc bạn làm nhưng chưa có cơ hội trao đổi trực tiếp. Tôi là… và đây là việc tôi đang làm… Hy vọng có thể kết nối thêm với bạn”. Rất nhiều bạn đọc của The Present Writer cũng đang “network” với mình theo cách này 😉
Ngày nay, mình network vì mình thực sự học được nhiều điều thú vị khi làm quen và kết nối với người khác, thay vì việc gượng ép bản thân làm quen với ai đó vì mục đích nào đó rõ ràng như trước đây. Nói cách khác, mình sống cho hiện tại (#bepresent) nhiều hơn với hành trình, thay vì đích đến.
Còn bạn thì sao?
- Công việc của bạn có yêu cầu networking nhiều không? Bạn có cảm thấy thoải mái với việc này không?
- Bạn có “ngửi thấy mùi nhựa” (cảm thấy sự giả tạo) trong network quanh mình?
- Hai điều gì bạn cần làm ngay và một điều gì bạn cần bỏ ngay để network tốt hơn (và thoải mái hơn)?
Hãy nhấn trả lời hoặc chuyển tiếp email “Bài học thứ Tư” tuần này cho những ai cần nhé!
Be present,
Chi Nguyễn
GỢI Ý TUẦN NÀY
1- Phim “Oppenheimer”. Trên chuyến bay hơn 3 tiếng từ Chicago về Tucson, mình đã xem hết bộ phim mới đạt giải Oscar này. OMG! Phim 3 tiếng mà xem cuốn hút tưởng như chỉ 45 phút 😆 Dựa vào sự kiện có thật trong lịch sử, phim kể lại hành trình Tiến sĩ Vật lý J. Robert Oppenheimer học tập, nghiên cứu và tạo ra bom nguyên tử cho nước Mỹ trong Thế chiến thứ hai. Một đề tài tưởng như khô khan nhưng kịch bản phim, cách làm phim, dựng phim, đạo diễn và dàn diễn viên quá xuất sắc, khiến cho bộ phim thực sự lôi cuốn. Là một người làm nghiên cứu, mình rất thích những trường đoạn miêu tả quá trình làm khoa học và giảng dạy ở trường của Oppenheimer. Mình được truyền cảm hứng để tạo ảnh hưởng của mình cho khoa học như vậy (tất nhiên sẽ ít cháy nổ và đau thương hơn Oppenheimer 😉).
2- Sách “A woman makes a plan” (“Sống mạo hiểm một cách cẩn thận”). Tuần rồi mình đọc lại cuốn sách này lần thứ 3 để có thêm sự tự tin khi đi hội thảo ☺️. Sách viết bởi bà Maye Musk, siêu mẫu 70+ tuổi, biểu tượng của sắc đẹp cao niên và đặc biệt… mẹ của tỷ phú công nghệ Elon Musk. Tuy nhiên, nếu không đọc cuốn sách này, ít ai biết được rằng cuộc đời của bà Maye Musk đã trải qua nhiều thăng trầm, khổ đau đến nhường nào, và bà đã phải dũng cảm ra sao để thoát khỏi người chồng bạo hành, cùng ba con di cư sang một đất nước khác. Cuốn sách chứa đựng những thông điệp ý nghĩa dành cho nữ giới về sự tự tin, bản lĩnh, vượt qua nỗi sợ để “sống mạo hiểm, một cách cẩn thận”.
3- Khóa học từ Coach La Khuê. Nếu bạn muốn học từ “thầy” của mình thì chị La Khuê (Business Coach của Chi) mở Khóa học “Diamond Time Secret” vào đầu mỗi tháng cho các bạn muốn rèn luyện, tu tập những thói quen tốt để rèn thân-tâm-trí hàng ngày. Riêng trong tháng 3 này, chị La Khuê có mở hai chương trình đặc biệt: “Design Your Life” dành cho những ai đang cảm thấy lạc lối và bất an trong cuộc sống của mình & “Personal Branding Bootcamp” dành cho những ai muốn xây dựng thương hiệu cá nhân từ gốc và tạo kênh thu nhập mới cho mình.
Mình đã tham gia coach với chị La Khuê từ năm 2022, khi mình mới bước vào con đường kinh doanh nghiêm túc và chị Khuê đã giúp mình chuyển hóa tư tưởng sâu sắc và xây dựng thương hiệu The Present Writer như ngày hôm nay.
CÓ GÌ MỚI TRÊN THE PRESENT WRITER?
🎤 Podcast – Tự ti về xuất phát điểm của mình. Có bao giờ bạn cảm thấy tự ti khi so sánh bản thân với những người “sinh ra đã ở vạch đích”? Làm sao để vượt qua sự mặc cảm về xuất phát điểm này?
ĐĂNG KÝ NHẬN BẢN TIN “BÀI HỌC THỨ TƯ”
Bản tin đặc biệt của TS. Chi Nguyễn — nơi chia sẻ những bài học, công cụ, lời khuyên… hữu ích nhất được Chi tìm tòi và chắt lọc hàng tuần.
Bạn thích newsletter hàng tuần này? Hãy kết nối tiếp tục với Chi & The Present Writer
Giới thiệu sản phẩm/dịch vụ trên newsletter → Liên hệ đặt quảng cáo: connect@thepresentwriter.com
Ủng hộ dự án Bản tin miễn phí này → Tặng Chi “một tách cà phê”
Khóa học miễn phí: Làm blog cho người mới bắt đầu → Đăng ký khóa học miễn phí 7 ngày qua email