Bài viết tổng hợp danh sách những gì hay nhất tôi từng xem, từ phim ảnh, show truyền hình, đến Youtube. Tiêu chí để chọn vào danh sách này bao gồm: (1) những thứ tôi thích nhất từ lần đầu xem, (2) những thứ tôi cảm thấy có thể xem đi xem lại nhiều lần nhất, và (3) những thứ có ý nghĩa nhất đối với quá trình trưởng thành và phát triển bản thân của tôi. Bạn đọc có thể click vào những từ khoá đã được hyperlink sau đây để tới từng thể loại mình quan tâm: Phim; Show truyền hình; Kịch/Nhạc kịch Kênh Youtube.
Đây là một trong những bài viết thuộc series “The Chi List” – nơi tôi chia sẻ những gì mình thích nhất tới bạn đọc. Tất cả những bài viết trong series này đều được cập nhật thường xuyên, lần cuối cùng bài viết này được cập nhật là 29/5/2018.
1. Shawshank Redemption (Việt ngữ: Nhà tù Shawshank)
Shawshank Redemption xoay quanh nhân vật Andy Dufresne (Tim Robbins), một nhân viên ngân hàng tài giỏi bị khép vào tội giết người và phải chịu án chung thân tại Shawshank – một nhà tù khét tiếng tàn độc, bạo lực, tham nhũng. Phim trải dài 3 thập kỷ Andy ở Shawshank với nhiều biến cố thăng trầm, diễn tiến quan hệ tình bạn giữa Andy và một người tù lâu năm có biệt danh Red (Morgan Freeman), và cách Andy giữ bản thân luôn bận rộn để nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc sống và cảm giác mình vẫn là một con người. Bộ phim càng về sau càng hấp dẫn với những diễn biến bất ngờ và xúc động, những giá trị nhân văn sâu sắc về tình người.
Đây là một bộ phim mà năm nào tôi cũng xem lại ít nhất một lần và lần nào xem cũng nhận ra một triết lý sống mới. Câu nói tôi thích nhất trong phim, từ nhân vật Andy Dufresne, là “I guess it comes down to a simple choice, really. Get busy living or get busy dying“ (tạm dịch: Tôi nghĩ mọi thứ trên đời này đều quy lại ở một lựa chọn đơn giản: Bận rộn với việc sống hay bận rộn với việc chết). Chúng ta đang sống hay chúng ta đang chết? Lựa chọn hàng ngày đưa ta đến một cuộc sống rực rỡ hay một cái chết âm thầm? Tôi để một mảnh giấy chép tay câu nói này trong ví và mỗi lần cần đưa ra quyết định quan trọng, tôi lại mở ra và nghĩ: “Am I getting busy living or getting busy dying?”. Câu hỏi này luôn giúp khai sáng và gợi mở cho tôi trong những tình huống khó khăn nhất.
2. Good Will Hunting (Việt ngữ: Chàng Will tốt bụng)
Good Will Hunting là câu chuyện về Will Hunting (Matt Damon), một thanh niên lao động nghèo, có tiền án, thường xuyên gây gổ, nhưng đồng thời cũng là một thiên tài toán học. Sau khi được một giáo sư toán nổi tiếng phát hiện ra tài năng, Will được gửi đến bác sĩ tâm lý (Robin Williams) để gỡ rối những vấn đề trong tâm lý và hành vi của mình. Ban đầu vô cùng chống đối và miễn cưỡng, nhưng thông qua các buổi làm việc với bác sĩ, Will dần nhìn nhận lại mối quan hệ của mình với bạn bè, người yêu, và với chính tương lai, cuộc đời của mình.
Bộ phim giành được 2 giải Oscar vô cùng xứng đáng cho Kịch bản gốc xuất sắc nhất (dành cho Ben Affleck & Matt Damon) và Diễn viên phụ xuất sắc nhất (dành cho Robin Williams). Là một người học về Tâm lý và từng làm việc với nhiều thanh thiếu niên “nổi loạn”, tôi nhận ra những mảnh ghép câu chuyện trưởng thành của học trò, bạn bè, và chính bản thân mình qua nhân vật Will Hunting. Lần nào xem đến đoạn cao trào của phim, khi bác sĩ dồn Will đối mặt trực diện với gốc rễ vấn đề tâm lý của mình, tôi cũng rơi nước mắt, cảm giác như chạm tay được vào nỗi đau thầm kín của cả hai nhân vật. Đây thực sự là một bộ phim hay.
Tôi cũng rất thích tiêu đề tiếng Anh, có phần chơi chữ của phim. Vì Will Hunting là tên nhân vật chính của phim, nên để chữ “Good” (tốt) ban đầu, ta có thể hiểu như tên Việt ngữ là “Chàng Will Hunting tốt bụng”. Nhưng “Goodwill” cũng có nghĩa là “thiện chí”, “lòng tốt” và “hunting” có nghĩa là “săn tìm”. Vì vậy, tên phim còn thể hiện một lớp nghĩa thứ hai về hành trình tìm kiếm những điều tốt đẹp của con người trong một thế giới tăm tối, đau thương, đầy nghi hoặc.
3. Silver Linings Playbook (Việt ngữ: Tình yêu tìm lại)
Silver Linings Playbook là một bộ phim hài tình cảm về quá trình tìm lại bản thân, tình yêu, và hạnh phúc của Patrick “Pat” Solitano (Bradley Cooper), một người đàn ông bị rối loạn lưỡng cực mới trở về nhà từ bệnh viện tâm thần sau cú sốc bị vợ lừa dối. Quyết tâm giành lại người vợ cũ, Pat gặp Tiffany Maxwell (Jennifer Lawrence), một goá phụ hứa sẽ giúp anh liên lạc với vợ nếu Pat đồng ý tham gia một cuộc thi nhảy với cô. Đan xem giữa mối quan hệ “trớ trêu” giữa Pat và Tiffany là câu chuyện gia đình phức tạp, những tổn thương về tâm lý, mồ hôi trên sàn tập, sự phấn khích theo mùa giải bóng bầu dục … — nụ cười và nước mắt của các nhân vật.
Tôi thích cách tiếp cận của bộ phim đối với vấn đề sức khoẻ tâm lý (mental health) và cách lồng ghép tình yêu vào trong sự điên rồ và đau khổ của hai nhân vật chính. Tiêu đề phim có một cụm từ rất đẹp trong tiếng Anh :”silver linings” – chỉ những mặt tươi sáng, tích cực trong hoàn cảnh tưởng chừng như đen tối, không có lối ra. Một điểm nữa làm tôi thích Silver Linings Playbook là phim này quay ở thành phố Philadelphia, nơi có đội bóng bầu dục Eagles mà bố Pat hâm mộ cuồng nhiệt – đây cũng chính là thành phố nơi tôi học thạc sĩ và bắt đầu biết đến môn thể thao “rất Mỹ” này.
4. Forrest Gump (Việt ngữ: Cuộc đời của Forrest Gump)
Forrest Gump trải dài theo câu chuyện từ nhỏ đến lớn của nhân vật Forrest, một người đàn ông hơi chậm về trí tuệ nhưng có tấm lòng lương thiện và đặc biệt giỏi thể thao. Cuộc đời của Forrest rất đặc biệt vì anh rất hay có cơ duyên gặp được những người nổi tiếng và (một cách rất tình cờ) tạo ra ảnh hưởng tới những sự kiện quan trọng của lịch sử, chính trị, và văn hoá Mỹ. Nhưng có lẽ Forrest không biết hoặc có biết nhưng cũng chẳng để tâm đến những sự kiện này; với trí tuệ hạn chế, anh có cái nhìn hết sức đơn giản và tích cực vào cuộc sống, khiến cho người xem ước đôi khi mình cũng có thể nhìn cuộc đời dưới lăng kính của Forrest. Theo suốt hành trình cuộc đời của Forrest, người xem cũng làm quen với các nhân vật thú vị như anh bạn Bubba, mẹ Forrest, Đại uý Dan, cô bạn gái Jenny…. – mỗi người là một cá tính, cách nhìn, và cách phản ứng khác nhau đối với các vấn đề biến động của nước Mỹ những năm đầu của thế kỷ 20 (trong đó có Chiến tranh Việt Nam).
Forrest Gump là một bộ phim rất hay, cả về mặt giải trí lẫn giáo dục; phim để lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp, nhân văn. Đây là một trong những phim mà tôi nghĩ có thể xem đi xem lại nhiều lần mà mỗi lần đều học được thêm điều mới mẻ. Có rất nhiều bài báo, bài phân tích hay về bộ phim này, đặc biệt lý giải những câu chuyện lịch sử, chính trị, văn hoá được liên hệ trong phim và ý nghĩa hình tượng ẩn dụ của từng nhân vật phim. Đối với những ai yêu thích lối tư duy tích cực hoặc/và mong muốn hiểu thêm những vụ bê bối chính trị của nước Mỹ những năm 1940s-1980s, đây là một bộ phim rất đáng xem.
5. The Secret Life of Walter Mitty (Việt ngữ: Bí mật của Walter Mitty)
Bộ phim khắc hoạ một vài ngày “điên rồ” trong cuộc đời của Walter Mitty (Ben Stiller), một nhân viên quản lý phim âm bản lâu năm cho tạp chí Life. Walter từng có mơ ước du lịch khắp thế giới, trải nghiệm mạo hiểm, làm những điều khác thường. Nhưng sau này, vì bố mất sớm, phải bươn chải lo cho cuộc sống của mẹ và em gái, anh ngày càng trở nên thu mình, trở thành một nhân viên lặng lẽ, sáng đi tối về, chỉ còn lại các “giấc mơ ngày” về một cuộc sống khác đi. Khi thước phim âm bản dự tính đưa lên trang bìa số cuối cùng của tạp chí Life bị thất lạc, Walter mới bắt đầu cuộc hành trình thực sự để tìm lại thước phim và tìm lại chính mình.
Đây là bộ phim đầu tiên mà vợ chồng tôi xem cùng nhau tại Mỹ sau 4 năm xa cách. Chúng tôi thích phim này đến mức tải cả album nhạc phim về nghe trên roadtrip từ Bắc vào Nam và tới giờ vẫn treo poster phim trong phòng khách. Phim là sự thể hiện hình ảnh tuyệt vời về một người sống nội tâm, thường xuyên nén đi cảm xúc của mình, hy sinh giấc mơ vì người khác, nhưng cuối cùng cũng quyết định ra khỏi “vùng an toàn” để trải nghiệm một cuộc sống vẹn nguyên, căng tràn nhất. Tôi thấy một phần con người mình trong Walter Mitty và mỗi lần xem phim, tôi lại cảm thấy được truyền cảm hứng sống – sống cho đúng nghĩa của động từ này.
6. The Intern (Việt ngữ: Bố già học việc)
The Intern – thực tập sinh – là câu chuyện hóm hỉnh về người đàn ông 70 tuổi Ben Whittaker (Robert De Niro) đi làm thực tập cho một công ty start-up thời trang online do nữ CEO trẻ Jules Ostin (Anne Hathaway) sáng lập. Ban đầu, lãnh đạo trong công ty cũng như các thực tập sinh khác đều nhìn Ben với một con mắt nghi hoặc, kiểu như: “Bố già này làm gì ở đây vậy?”. Nhưng càng về sau, họ càng nhận ra những điều tuyệt vời đến từ kinh nghiệm sống phong phú, tác phong làm việc nghiêm túc, và sự đĩnh đạc đáng kinh ngạc của Ben. Diễn tiến phim càng trở nên hấp dẫn khi Jules cảm nhận Ben như một người đồng nghiệp, một người bạn lớn đáng tin cậy để dần mở lòng với Ben những điều mà Jules đã phải trả giá để trở thành một nữ CEO trẻ.
Tôi từng viết về bộ phim này, cùng với review ngắn về cuốn sách #GirlBoss (Sếp Nữ) và câu chuyện chị CEO Đào Chi Anh của The Kafe trên trang mạng xã hội của blog (xem trên link). Đây là một bộ phim hài hước nhưng cũng rất tình cảm và đậm tính triết lý về công việc, cuộc sống, khác biệt các thế hệ. Nhân vật Ben nhắc tôi nhớ đến ông ngoại tôi, người mà dù đã về hưu nhưng vẫn hăng say làm việc và luôn chỉn chu, điềm đạm, thông thái trong mọi hoàn cảnh. Bộ phim còn là bài học cho những ai muốn mở start-up, đặc biệt là nữ giới, để cân nhắc những thiệt hơn mà kinh doanh mang lại cho bản thân mình, gia đình, và đồng nghiệp.
7. Tropic Thunder (Việt ngữ: Sấm nhiệt đới)
Tropic Thunder là phim hài hành động quy tụ nhiều ngôi sao như Ben Stiller, Jack Black, Tom Cruise, và đặc biệt là diễn viên tôi yêu thích nhất từ khi còn nhỏ: Robert Downey Jr (fan girl alert!). Phim kể về một đoàn làm phim Mỹ tới vùng rừng rậm nhiệt đới để quay phim về chiến tranh Việt Nam. Khi tiến trình của bộ phim ngày càng bế tắc, đạo diễn quyết định thả toàn bộ các diễn viên chính vào rừng, hoàn toàn không có người đi theo hỗ trợ, đặt máy quay camera khắp mọi nơi để lấy được những góc máy tự nhiên nhất. Nhưng mọi chuyện trở nên vô cùng “trớ trêu” khi khu rừng đó lại chính là địa điểm tập kết của trùm ma tuý, và những gì các diễn viên tưởng là “diễn” hoá ra lại là thật….
Khác với những phim được giới thiệu phía trên, Tropic Thunder có phần “máu me” và “thỗ lỗ” hơn một chút – mọi người nên cân nhắc trước khi xem – nhưng đây thực sự là một bộ phim thú vị. Phim có nhiều câu thoại “nói kháy” rất hài về giới làm phim Hollywood và nghiệp diễn viên. Phim mang về cho Robert Downey Jr một đề cử giải Oscar cho Diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đây có lẽ không phải một bộ phim “cho mọi nhà” nhưng là tiếng cười sảng khoái cho những ai mê phim Mỹ, mê hành động hài, và … mê Robert .
8. Three Idiots (Việt ngữ: Ba chàng ngốc)
Three Idiots – Ba Chàng Ngốc – là một bộ phim Ấn Độ nổi tiếng. Phim kể về tình bạn và những trải nghiệm “nhớ đời” trên giảng đường đại học của 3 anh chàng Farhan, Raju và Rancho. Dưới kỳ vọng lớn của gia đình và quan điểm về giáo dục tương đối cứng nhắc của nhiều người Ấn Độ (ví dụ: thành công là phải trở thành bác sĩ, kỹ sư), 3 anh chàng theo học một ngôi trường về kỹ thuật danh giá. Nhưng trường học sớm trở thành “nhà tù” với kiểu dạy học “vẹt” khô cứng, áp lực điểm số nặng nề, bóp nghẹt khả năng sáng tạo của sinh viên. Là một người có đầu óc thông minh và tâm hồn cởi mở, Rancho đã tạo ra rất nhiều thay đổi trong ngôi trường, cũng như trong cuộc đời hai người bạn thân. Tuy nhiên, ngay sau khi tốt nghiệp, Rancho đột ngột biến mất bí ẩn. 10 năm sau, ngay khi biết được chút tin tức về người bạn thân, Farhan và Raju quyết định bỏ lại tất cả để lên đường tìm Rancho. Cả bộ phim là những phân cảnh đan xen giữa hiện tại và quá khứ, khiến người xem hiểu thêm về tình bạn giữa “3 chàng ngốc”, và cùng khóc, cùng cười với cả 3 nhân vật.
Đây thực chất là một bộ phim về giáo dục. Dưới tiếng cười trào phúng, các nhà làm phim phê phán cách dạy học đầy áp lực ở Ấn Độ, sự kỳ vọng vô lý của bố mẹ dành cho con cái, và nỗ lực của những người trẻ để tìm lại chính mình. Tôi biết đến bộ phim này lần đầu khi đang làm hồ sơ du học. Một người bạn trong nhóm học GRE nói với tôi: “Cậu muốn học giáo dục thì nhất thiết phải xem bộ phim này!”. Bạn ấy nói đúng thật! Bộ phim đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi nghĩ về bản thân, về giáo dục, và về tương lai phía trước của mình. Đây là một bộ phim rất, rất đáng xem.
9. Freedom Writers (Việt ngữ: Những nhà văn tự do)
Cũng về đề tài giáo dục, Freedom Writers – Những Nhà Văn Tự Do – kể về câu chuyện có thật của Erin Gruwell, một cô giáo trẻ người da trắng được phân đến dạy ở một ngôi trường cấp 3 nằm trong khu dân cư thu nhập thấp, nơi mà học sinh của cô – phần lớn là người da màu – ngày ngày đối mặt với bao lực, phân biệt chủng tộc. Ban đầu, sự nhiệt tình giảng dạy của Erin vấp phải sự chống đối quyết liệt của cả học sinh (vì các em có ấn tượng xấu với người da trắng, cho rằng mình luôn bị coi thường) lẫn đồng nghiệp (vì họ đều chán nản với việc dạy học ở môi trường như vậy). Nhưng với niềm tin rất lớn vào học sinh, Erin liên tục áp dụng những phương pháp dạy học “không chính thống” để làm thay đổi không chỉ về kiến thức mà còn tư duy của học sinh về các phân biệt chủng tộc, lịch sử, xã hội, giáo dục, tương lai…
Tôi xem bộ phim này một lần khi còn học Đại học và luôn có ấn tượng rằng đây là một bộ phim hay. Nhưng phải đến khi sang Mỹ học và dạy học ở một xã hội đa chủng tộc, đa văn hóa, tôi mới thực sự hiểu hết các tình tiết trong phim, đặc biệt là lý do tại sao giữa Erin và nhóm học sinh da màu có một khoảng cách lớn như vậy. Sau này, tôi đã xem lại bộ phim rất nhiều lần, thậm chí tìm đọc những cuốn sách đề cập trong phim, và gần đây nhất là đến thăm bảo tàng về Holocaust (cuộc diệt chủng người Do Thái dưới bàn tay Đức Quốc Xã) để hiểu được ý nghĩa những gì Erin truyền tải trong bài giảng của mình. Và mỗi lần xem lại, tôi đều học thêm một điều mới. Đây là một bộ phim mà tôi nghĩ tất cả những ai làm giáo dục đều nên xem, đặc biệt là những người đang giảng dạy ở những địa phương gặp nhiều khó khăn, với những học sinh từ gia đình có thu nhập thấp.
10. Easy A (Việt ngữ: Cô nàng lẳng lơ)
Easy A là một bộ phim rất thú vị về đề tài trưởng thành của con gái (dạng như phim “Mean Girls” hay “Clueless”). Bộ phim xoay quanh Olive, một cô học sinh trung học rất bình thường, tương đối ngoan và nghiêm túc. Một ngày nọ, khi bị cô bạn thân của mình gây áp lực, Olive buột miệng nói dối là mình đã có “lần đầu tiên” với một anh chàng đại học (tất nhiên là nhân vật “hư cấu”). Tình cờ, một cô gái xấu tính trong trường nghe được và tin đồn “Olive là cô nàng lẳng lơ” lan ra khắp trường. Olive đột nhiên trở nên nổi bật, thậm chí tai tiếng trong trường. Tiếp theo đó là một loạt những câu con trai tìm đến Olive để xin cô nói dối rằng họ từng là những “đối tượng” của Olive. Dần dần, tin đồn ngày một nhiều, mọi người bắt đầu quay lưng lại với Olive, ai cũng nhìn cô bằng con mắt vừa khinh thường vừa ghen tỵ. Đó là lúc mà Olive quyết định ăn mặc “hở bạo” với chữ cái “A” trước ngực (phỏng theo câu chuyện về sự trừng phạt dành cho người con gái lẳng lơ) để thách thức với dư luận…
Easy A gợi cho tôi nhớ đến thời còn học phổ thông trong môi trường toàn nữ giới (tôi học lớp Chuyên văn) và có rất nhiều chuyện “drama” bám đuổi theo mình. Tôi ước gì mình cũng có thể mạnh mẽ như Olive với chữ cái “A” trước ngực, nhưng ngày đó tôi ngượng ngùng và thu mình hơn nhiều. Có lẽ vì thế mà tôi thích Easy A và Olive – thích những nét tính cách mà mình đã không có được khi mới lớn. Tính đến nay có lẽ tôi đã xem đi xem lại bộ phim này trên dưới 10 lần 😀
11. Groundhog Day (Việt ngữ: Ngày Chuột Chũi)
Groundhog Day là một bộ phim hài giả tưởng được liệt vào hàng “classic” của Mỹ — một bộ phim khiến mọi người xem đi xem lại nhiều lần không chán và mỗi lần xem đều nghiệm ra một điều mới. Bộ phim xoay quanh Ngày Chuột Chũi – một ngày có thật ở Mỹ, được tổ chức hàng năm ở một thị trấn bang Pennsylvania, nơi mọi người đón chào sự trở lại của chuột chũi sau kỳ ngủ đông, báo hiệu mùa xuân sắp tới. Phil Connors — một người làm dự báo thời tiết có tính ích kỷ và hay coi thường người khác — cùng nhóm quay phim của mình đến thị trấn này để ghi lại không khí Ngày Chuột Chũi. Sau một ngày làm việc trong thái độ thiếu hợp tác, thiếu lễ độ với những người xung quanh, Phil “ngúng nguẩy” đòi về lại thành phố thì cả nhóm bị kẹt lại do bão tuyết. Phil ngủ lại một đêm ở nhà trọ. Nhưng điều kỳ lạ là sáng hôm sau, anh lại tỉnh dậy đúng Ngày Chuột Chũi. Cứ như thế, Phil sống lặp đi lặp lại một ngày duy nhất đến hàng ngàn lần. Dù đã thử nhiều cách từ vui sống đến tiêu cực, thậm chí tự tử, Phil cũng không thể nào thoát khỏi vòng luẩn quẩn… Bộ phim là hành trình tìm về con người đích thực và hoàn thiện bản thân một cách kỳ diệu của Phil.
Diễn biến tâm lý của nhân vật Phil trong bộ phim phỏng theo Mô hình Kübler-Ross về 5 trạng thái đau khổ mà tôi từng giới thiệu trong một bài viết trước trên blog. Mặc dù sau phim này, rất nhiều tác giả cũng vay mượn ý tưởng về việc sống đi sống lại một ngày trong đời nhưng có lẽ chưa đâu hay và ý nghĩa như Groundhog Day. Bộ phim này khiến người xem suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của sự sống. Thông thường chúng ta sống nhanh, sống thiếu suy nghĩ vì thời gian sống có hạn. Một ngày chỉ có 24 giờ, ai dường như cũng chạy đuổi theo nhau. Nhưng nếu chúng ta có vô hạn thời gian thì sao? Cuộc sống khi đó có ý nghĩa như thế nào? Làm sao để có thể tận dụng 24 giờ trong ngày để hoàn thiện bản thân và giúp đỡ người khác? Đây là một bộ phim rất hay.
12. Draft Day (Việt ngữ: Ngày Tuyển Chọn)
Nội dung bộ phim cũng gói gọn trong đúng một ngày, Draft Day (Ngày tuyển chọn) là ngày vô cùng quan đối với những người hâm mộ bóng bầu dục của Mỹ (một môn thể thao được hâm mộ như bóng đá tại Việt Nam). Trong ngày này, tất cả các đội bóng trong tất cả các bang trên toàn nước Mỹ sẽ tuyển lựa cầu thủ cho năm tới. Mỗi người chỉ có một lượt lựa chọn và theo thứ tự định sẵn, nhưng họ có thể tráo đổi lượt bình chọn cho nhau (trade) và làm nhiều thủ thuật khác để tìm được cầu thủ phù hợp nhất cho tương lại của đội mình. Đối với các cầu thủ trẻ, đây là cơ hội duy nhất và lớn nhất để đổi đời, đưa bản thân lên hạng thi đấu chuyên nghiệp. Bộ phim xoay quanh Sonny Weaver Jr., quản lý một đội bóng và là người chịu trách nhiệm tuyển chọn. Theo dõi hành trình một ngày của Sonny, người xem thấy được áp lực kinh khủng của Draft Day, những mối quan hệ người với người đan xen, những suy nghĩ, tính toán để đưa ra được một quyết định dứt khoát.
Bộ phim này ví dụ sinh động cho câu nói: “trust your gut” (tạm dịch: tin vào bản năng của mình). Bởi vì khi đứng dưới áp lực lớn từ nhiều phía, khi mỗi người kéo bạn đi một hướng, rất khó để giữ lập trường kiên định. Để có thể luôn quay lại với quyết định bản năng của mình, trước khi bước vào Draft Day, Sonny viết tên cầu thủ mà bản năng mình mách bảo vào một tờ giấy: “Bằng mọi giá phải chọn …” Đến cuối ngày, sau khi phải thay đổi quyết định liên tục vì nhiều nguồn thông tin, nhiều thế lực o ép, Sonny quay lại đọc tờ giấy mình viết từ ban ngày, tin vào bản năng của mình và đưa ra quyết định gây chấn động. Bản thân tôi cũng là một người hay bị lung lạc ý chí và suy nghĩ vì hoàn cảnh và áp lực từ bên ngoài. Sau khi xem bộ phim này, học theo Sonny, tôi thường viết ra suy nghĩ của mình trước một quyết định lớn (ví dụ: “Bằng mọi giá phải ưu tiên ABC trước XYZ” hay “Thành công trong trường hợp này được định nghĩa là…”). Đây thực sự là một cách rất hay để luôn tìm về được với bản năng của mình, mặc dù mở lòng để tiếp thu ý kiến của người khác nhưng cho đến cuối cùng, vẫn để bản thân đưa ra sự lựa chọn mà mình tin tưởng.
13. Fight Club (Việt ngữ: Sàn Đấu Sinh Tử)
Cách đây gần 2 năm, khi tôi tham gia một tập podcast về Chủ nghĩa tối giản ở The Blue Expat, bạn host chương trình có hỏi tôi đã từng xem Fight Club chưa vì phim này mang thông điệp về sống tối giản, hay nói chính xác hơn là thông điệp về chống Chủ nghĩa trọng tiêu dùng (Anti-Consumerism). Cụ thể trong phim có một lời thoại rất nổi tiếng, đó là: “The things you own end up owning you” (Những thứ bạn sở hữu cuối cùng lại sở hữu bạn) – ý chỉ sự phụ thuộc của con người vào vật chất vô tri vô giác. Nhưng phải đến gần đây tôi mới có dịp xem bộ phim này, và phải xem đến lần thứ 2, thứ 3 mới cảm thấy mình nắm được các lớp ẩn dụ của bộ phim bởi vì nó tương đối phức tạp và đa chiều.
Bộ phim xoay quanh sự thay đổi của một người đàn ông bình thường (thậm chí không được nêu tên), đang làm một công việc văn phòng nhàm chán, thường xuyên mất ngủ, chán nản mệt mỏi. Cuộc sống của anh ta dường như chỉ xoay quanh việc mua sắm đồ nội thất cho căn hộ của mình. Cho đến một ngày căn hộ bị cháy, mất hết tất cả, anh ta phải chuyển đến ở cùng một người đàn ông xa lạ mới quen tình cờ có tên là Tyler. Cùng với Tyler, nhân vật chính lập ra một Câu lạc bộ gần như boxing nhưng để các nhóm đàn ông tụ tập đánh nhau về đêm nhằm giải tỏa stress trong cuộc sống riêng ban ngày. Dần dần, Câu lạc bộ này ngày càng phát triển và biến tướng thành một tổ chức gần như cult để thực hiện bạo động, tấn công tập thể các tập đoàn lớn là biểu tượng của Chủ nghĩa trọng tiêu dùng, tạo ra ra một làn sóng tựa như khủng bố…
Nếu xem qua lần đầu. có thể ấn tượng của người xem chỉ là một bộ phim bạo lực, máu me, có phần khó hiểu với thông điệp về chống lại thế giới. Tuy nhiên, nếu xem kỹ và phân tích nhiều hơn, bạn sẽ thấy bộ phim có rất nhiều thông điệp sâu sắc về khát khao sống một cuộc sống khác biệt, không bị kiểm soát bởi vật chất hay những ông sếp cơ quan đè nén, về nơi thể hiện “tính đàn ông” của một bộ phận những người đàn ông trưởng thành mất phương hướng, về tư duy chống Chủ nghĩa trọng tiêu dùng, về sự chuyển đổi thái quá từ cực này sang cực kia của những người tham gia tổ chức cuồng tín… Đây là một bộ phim rất thú vị, ám ảnh, dữ dội với nhiều lớp nghĩa và các câu thoại đáng để suy ngẫm.
14. Elizabethtown (Việt ngữ: Thị trấn tình yêu)
Đây là một bộ phim ít người biết đến, đánh giá về phim cũng khá thấp và tiêu cực. Thế nhưng, trong suốt hơn 10 năm kể từ lần đầu xem phim, tôi nhận ra thế giới chỉ có 2 kiểu người: Một là rất ghét phim này (đến mức không xem nổi phải tắt tivi, ra khỏi rạp); Hai là rất thích phim này (đến mức xem đi xem lại nhiều lần). Hầu như không có ai ở giữa hai thái cực. Tất nhiên tôi thuộc loại thứ hai – vì thế mà bộ phim mới có trong dành sách này :).
Bộ phim bắt đầu bằng việc anh chàng thiết kế trẻ tuổi, đầy triển vọng Drew (Orlando Bloom) quyết định tự tử khi không thể đối mặt với sự thật là mẫu thiết kế của mình thất bại khủng khiếp, gây thiệt hại cho công ty hàng trăm triệu đô la. Khi chỉ còn một bước nữa là kế hoạch tự tử hoàn thành, Drew nhận được tin bố anh đột ngột mất khi đang thăm họ hàng ở Elizabethtown và anh cần đến lấy thi hài bố về mai táng ngay. Tạm gác kế hoạch tự tử, Drew lên đường đến Elizabethtown. Trên đường, anh tình cờ gặp cô gái hài hước Claire (Kirsten Dunst) và cùng trải nghiệm những ngày kỳ lạ ở Elizabethtown…
Đây là một bộ phim gần như không có cao trào, với tiết tấu tương đối chậm – đó có thể là lý do tại sao nó không nhận được nhiều sự yêu mến. Nhưng cá nhân tôi thích sự chậm rãi, những tình tiết hóm hỉnh, nhẹ nhàng trong câu chuyện này. Phim thể hiện tương quan giữa sự sống và cái chết, giá trị cuối cùng của con người, và sự kết nối trong tình yêu. Có rất nhiều kỷ niệm trong cuộc đời tôi được truyền cảm hứng từ bộ phim này, như có lần tôi từng làm “bản đồ du lịch” ở Hà Nội cho một người bạn, trong đó mỗi địa danh là một câu chuyện nhỏ nhưng thú vị liên quan đến tôi và những người thân yêu ở Hà Nội – như các Claire làm “bản đồ” cho Drew; hay có lần một người bạn của tôi có người thân mất và chúng tôi cùng xem bộ phim này để cười với nhau trong phân cảnh đám ma hài hước của bố Drew… Nếu bạn thích một bộ phim nhẹ nhàng, ít cao trào, hay tò mò muốn xem cho biết “phim dở đến thế nào” thì đây là một ứng cử viên sáng giá :).
Khi tôi mới bắt đầu học tiếng Anh qua truyền hình cáp, các kênh hồi đó còn rất ít, chỉ loanh quanh Star World, Star Movie, HBO… và hầu như không có phụ đề tiếng Việt. Hồi đó khả năng nghe tiếng Anh của tôi còn rất kém nhưng tôi luôn cảm thấy vui khi bật lên đúng Ellen Show – một talk show truyền hình phát sóng hầu như hàng ngày của Ellen DeGeneres – vì khán giả nào trông cũng có vẻ hạnh phúc, vui tươi và Ellen thì luôn bắt đầu show bằng một điệu nhảy đặc trưng giữa các hàng ghế. Đúng là năng lượng tích cực có khả năng lan toả vượt lên mọi ranh giới về văn hoá và ngôn ngữ. Thời Đại học, tôi học nghe và nói tiếng Anh rất nhiều qua Ellen Show, nhất là cách Ellen đặt câu hỏi dẫn dắt hài hước và gây bất ngờ cho khách mời phỏng vấn. Bẵng đi vài năm không xem Ellen, khi mới sang Mỹ, tôi nhận ra mặc dù mình hiểu hết những gì người bản ngữ nói, cách giao tiếp của tôi hơi “cứng” vì mình chưa biết cách nói đùa (joking) và tung hứng với người đối diện bằng tiếng Anh. Lúc đó, tôi lại nghĩ đến cái “duyên” hài hước của Ellen và quay lại xem show gần như hàng ngày để học cái “văn hoá đùa” của người Mỹ, cách Ellen nhìn mọi vấn đề thời sự dưới con mắt châm biếm, và điệu bộ, biểu cảm của Ellen khi nói chuyện.
Show của Ellen bao giờ cũng vui vẻ, nhân văn, và đôi lúc cũng rất xúc động khi đề cập đến nhưng mảnh đời bất hạnh. Điều tuyệt vời nhất của Ellen là cô luôn tìm thấy nụ cười trong gian khó, trào phúng khi nghĩ về những vấn đề thời cuộc, và thường xuyên truyền bá thông điệp “be kind to one another” – hãy đối xử tốt với mọi người xung quanh.
Nếu không có điều kiện xem toàn bộ cả show trên truyền hình, bạn đọc có thể xem trích từng phần của show trên Ellen TV hoặc kênh Youtube của Ellen Show.
Talk show của Oprah đã trở thành một “huyền thoại” của truyền hình Mỹ khi chạy liên tục trong hàng chục năm và thu hút hàng triệu người xem trên toàn thế giới. Nếu như The Ellen DeGeneres Show đậm tính giải trí vui vẻ thì The Oprah Winfrey Show tập trung vào phỏng vấn sâu, xoay quanh cách vấn đề hàng ngày của con người, giới thiệu sách phát triển bản thân, và đặc biệt xoáy sâu vào những vấn đề nhức nhối của xã hội như bạo hành gia đình, quấy rối tình dục, nghiện hút, giết người… Mọi người trên thế giới yêu Oprah vì tính nhân văn trong từng lời nói, câu chuyện, thể hiện sự từng trải, nghị lực, tài năng của Oprah.
Tôi từng trích dẫn Oprah rất nhiều lần trên blog và kể lại một phần câu chuyện tuổi thơ của Oprah trong bài viết “Thay đổi tư duy để viết lại quá khứ”.
The Oprah Winfrey Show hiện đã kết thúc sau 25 năm lên sóng nhưng bạn đọc vẫn có thể xem trích đoạn các tập tại Oprah Winfrey Network (OWN) hoặc kênh Youtube của OWN.
3. Dr. Phil
Dr. Phil là một show truyền hình về cuộc sống bao gồm rất nhiều chủ đề như mâu thuẫn gia đình, hôn nhân không hạnh phúc, những cô/cậu tuổi teen nổi loạn, nghiện ngập, trẻ em bị ngược đãi … được dẫn bởi Tiến sĩ, nhà Tâm lý học Phil McGraw. Dr. Phil show là một trường hợp tương đối đặc biệt vì so với những show truyền hình “quốc dân” như The Ellen DeGeneres Show và The Oprah Winfrey Show, Dr. Phil show gây tranh cãi nhiều về ranh giới giữa câu view, giải trí và can thiệp về tâm lý thực sự, giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn. Có nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt Dr. Phil show, có những người không thể xem nổi dù chỉ một tập.
Cá nhân tôi cảm thấy đây là một show đáng xem, ít nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ và các bậc cha mẹ có vấn đề với con cái, để nhìn nhận lại các vấn đề của mình và dần gỡ rối, giải quyết các mâu thuẫn gia đình. Mặc dù đôi khi, Dr. Phil có phần “dramatize” – làm quá lên một sự việc – để tăng tính hấp dẫn cho show, nhưng ở một chừng mực nào đó, việc làm này cũng là cần thiết để các nhân vật nhận ra gốc rễ vấn đề của họ và có động lực để thay đổi.
Có 2 quan điểm của Dr. Phil mà tôi hoàn toàn đồng ý. Quan điểm thứ nhất là về những điều bố mẹ không nên làm đối với con nhỏ: (1) Không đặt gánh nặng lên con trong những tình huống con không thể kiểm soát được (ví dụ: bố mẹ cãi nhau trước mặt con; bố mẹ nói nhiều với con về nợ nần, căng thẳng trong cuộc sống); (2) Không yêu cầu con giải quyết các vấn đề của người lớn (ví dụ: khuyên bố/mẹ nên chung thuỷ với người kia; dùng con để níu kéo gia đình…). Những điều này thường khiến con nhỏ lớn lên trong căng thẳng, mệt mỏi, cảm giác thiếu niềm tin, vô vọng. Quan điểm thứ hai là định nghĩa “thế nào là lừa dối trong quan hệ?”. Dr. Phil cho rằng nhiều người có hành động gây tổn thương đến người yêu/bạn đời của mình nhưng cứ khăng khăng rằng đó không phải là lừa dối. Vì vậy, ông cho ra một định nghĩa đơn giản là: “Nếu bạn làm một điều gì đó mà bình thường không thể làm trước mặt người yêu/bạn đời của mình thì đó là lừa dối”. Vậy trước khi gửi đi một tin nhắn, hẹn hò, chat chit với một người nào đó, hãy nghĩ “Nếu người yêu/chồng/vợ của mình đứng cạnh bây giờ, liệu mình có làm y hệt như thế này không?”, nếu câu trả lời là không, bạn hãy ngừng ngay việc làm ấy – vì đó, theo quan điểm của Dr. Phil, là lừa dối.
Nếu không có điều kiện xem toàn bộ cả show trên truyền hình, bạn đọc có thể xem trích từng phần của show trên kênh Youtube của Dr. Phil Show.
4. Master of None (Việt ngữ: Diễn viên vật vờ)
Master of None là một bộ phim truyền hình hài trên Netflix. Phim xoay quanh những trải nghiệm hài hước của anh chàng người Mỹ gốc Ấn, Dev. Mặc dù rất cố gắng làm việc với tư cách diễn viên, dẫn chương trình, nhân vật quảng cáo … Dev dường như luôn gặp xui xẻo và những tình huống dở khóc dở cười trong cuộc sống và công việc. Đan xem với những khúc mắc của Dev là thông điệp về đời sống giải trí, chính trị, văn hóa phức tạp của người Mỹ, khi mà những vấn đề phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, thiếu hiểu biết về đa văn hóa … được thể hiện dưới góc nhìn hài hước, nhẹ nhàng, thông minh, thâm thúy.
Tập phim tôi thích nhất cho tới giờ là Thanksgiving (Lễ tạ ơn). Xoay quanh bữa tối tạ ơn rất quen thuộc của người Mỹ, các nhà làm phim thể hiện đủ các vấn đề về chính trị, xã hội, giới tính … một cách đầy châm biếm nhưng cũng không kém phần sâu sắc, lắng đọng. Bạn đọc có thể xem trích đoạn một phần tập này tại đây.
5. Stranger Things (Việt ngữ: Cậu bé mất tích)
Đây là một bộ phim truyền hình viễn tưởng, pha chút kinh dị của Netflix. Lấy bối cảnh thập niên 80, bộ phim xoay quanh sự mất tích bí ẩn của một cậu bé tiểu học, Will. Trong khi người lớn và quan chức chính quyền ra sức thông báo Will đã chết, nhóm 3 người bạn thân của cậu bé vẫn tin là Will còn sống và tiếp tục bí mật tìm manh mối dẫn đến Will. Trong cuộc hành trình tìm bạn, nhóm các cậu bé (và những người thân của họ) liên tiếp gặp phải những tình huống bí ẩn khó giải thích….
Đây được xem là bộ phim truyền hình hấp dẫn nhất năm 2016. Mùa 2 của phim mới bắt đầu vài ngày trước. Vốn là một người ít xem phim truyền hình (và cũng ít có thời gian xem phim dài tập), tôi rất kén phim và hầu như chưa bao giờ bị nghiện một bộ phim nào. Nhưng Stranger Things là một ngoại lệ. Tôi hầu như dán mắt vào màn hình từ đầu đến cuối. Một tập phim 45 phút nhưng hấp dẫn đến mức tôi ngỡ chỉ có 15 phút, lúc nào cũng muốn xem tiếp thêm một tập, một tập nữa thôi :D. Cũng may là một Mùa chỉ trên dưới 7-8 tập thôi chứ không thật khó mà dứt ra được. Nếu bạn cũng là một người kén phim dài tập và không có nhiều thời gian xem phim, đây là một lựa chọn rất tốt (nội dung hấp dẫn, mỗi tập thời lượng ngắn, một mùa kết thúc nhanh) để xem vào ngày nghỉ.
6. Chef’s Table (Tạm dịch: Bàn Bếp Trưởng)
Cũng là một sản phẩm của Netflix, Chef’s Table là một series phim tài liệu về bếp trưởng/những người nấu bếp chuyên nghiệp trên toàn thế giới. Mỗi tập phim xoay quanh một nhân vật nổi tiếng trong giới ẩm thực, phim đi rất sâu về hành trình họ trở thành đầu bếp, suy nghĩ về cuộc đời và về ẩm thực của họ. Góc quay và cách dẫn chuyện thật sự đẳng cấp; bộ phim là đỉnh cao về phim tài liệu về đề tài con người và ẩm thực.
Vì chồng tôi làm trong lĩnh vực nhà hàng, anh ấy rất thích tìm hiểu về ẩm thực khắp nơi trên thế giới và về những người tạo ra trào lưu mới về ẩm thực. Chúng tôi dành nhiều thời gian xem Chef’s Table, học được rất nhiều điều, và nuôi dưỡng ước mơ du lịch khắp thế giới để thử món ăn của các nhà hàng và bếp trưởng khắc họa trong Chef’s Table. Bạn đọc có thể xem trailer của series này tại đây.
1. The Book of Mormon (Tạm dịch: Cuốn sách của Mormon)
Đây là một vở nhạc kịch hiện đại về đề tài tôn giáo. Vở nhạc kịch là tiếng cười châm biếm (nhưng không quá đà) về đạo Mormonism, một tôn giáo được hình thành tại Mỹ những năm 1820. Xoay quanh hành trình truyền giáo của 2 anh chàng Mormon da trắng tới Châu Phi xa xôi, nghèo đói, vở nhạc kịch nói lên rất nhiều điều về đức tin, về con người, và về hành trình trưởng thành.
Tôi có may mắn lớn được xem vở nhạc kịch này trực tiếp tại Mỹ 2 năm trước và rất mong chờ có dịp xem lại lần thứ hai. Những ai đã từng xem nhạc kịch Broadway trực tiếp thì mới hiểu được giá trị và sức hút lớn của loại hình biểu diễn này. Nếu bạn đang cân nhắc xem Broadway, đây là một lựa chọn tuyệt vời. Hiện show The Book of Mormon đang lưu diễn khắp nước Mỹ, và tới đây sẽ đến các thành phố lớn khác trên thế giới. Tiếc là chưa có lịch đến Việt Nam :(. Nhưng bạn đọc có thể xem một phần vở kịch trong bài biểu diễn “I Believe” của Andrew Rannells tại đây.
Đối với những người mong muốn tập Yoga nhưng không có điều kiện thời gian và tài chính đến lớp tập, Yoga with Adriene là một kênh Youtube tuyệt vời để bắt đầu. Trong gần 3 năm trở lại đây, Adriene, giáo viên Yoga từ Texas, Mỹ, đều đặn đăng tải các bài tập Yoga đa dạng về mục đích, thời lượng, trình độ lên Youtube cho hàng triệu người theo dõi trên toàn thế giới. Mọi người tìm đến Adriene phần vì yêu Yoga và phần vì yêu tính cách của Adriene. Các bài tập của Adriene rất dễ tập theo, nhất là đối với những người mới bắt đầu; Adriene có cả những bài tập động tác ngắn để mọi người luyện kỹ năng, lẫn những series 30, 31 ngày tập Yoga 30-40 phút/ngày để tạo động lực cho mọi người tập thường xuyên. Tập với Adriene cảm giác như Yoga rất dễ dàng, thư giãn, và hoà hợp với cuộc sống hàng ngày.
Tôi biết đếnYoga with Adriene từ năm 2014 và sau vài năm tập Yoga vừa trên lớp vùa online, tôi vẫn quay lại với Adriene. Trên cả kỹ thuật Yoga, kênh của Adriene còn là cầu nối đưa đến những thông điệp sống tích cực, sống cho hiện tại, và trân trọng những niềm hạnh phúc bé nhỏ trong cuộc sống. Adriene có thói quen hay nói đùa, thậm chí nói “linh tinh” trong lúc hướng dẫn tập – một nét tính cách tương đồng với tôi khi dạy học – nên hầu như lần nào tôi cũng vừa tập vừa tủm tỉm cười. Bắt đầu buổi sáng với Yoga with Adriene thì ngày nào cũng là một ngày vui.
Vốn không phải là một người quá quan tâm đến làm đẹp nên tôi cũng không theo dõi nhiều các beauty blogger/Youtuber nhưng Estée Lalonde là một ngoại lệ. Tôi thực sự là một fan hâm mộ của cô gái này. Lần đầu tiên xem video của Estée tôi đã rất có cảm tình vì gương mặt, cách nói chuyện, đặc biệt là cách nói đùa của Estée rất giống một người bạn thân của tôi từ cấp 2. Tôi nghĩ nếu bạn mình mở một kênh Youtube thì chắc chắn nó sẽ giống hệt như thế này – tràn đầy năng lượng tích cực, hào hứng, và hài hước.
Thời điểm tôi bắt đầu theo dõi kênh của Estée cũng là lúc cô ấy đang thay đổi “thương hiệu” của mình hoàn toàn từ hình ảnh đến nội dung – chuyển đổi hình tượng một beauty blogger nhí nhảnh sang một phụ nữ trưởng thành; sản xuất những video không chỉ về làm đẹp mà còn về cuộc sống, trải nghiệm, phát triển bản thân. Thay đổi này gây ra rất nhiều tranh cãi và cũng khiến nhiều subscribers lâu năm quay lưng với Estée. Nhưng qua thời gian, Estée kiên định vượt qua chỉ trích và dần khẳng định quyết định thay đổi của mình là hoàn toàn đúng. Quá trình trưởng thành của Estée từ một cô gái thiếu tự tin sinh ra và lớn lên ở một thành phố nhỏ ở Canada đến một beauty blogger/Youtuber tại London (Anh) có hơn 1 triệu người theo dõi được viết lại trong cuốn tự truyện Bloom (Nở rộ) – một cuốn sách rất thú vị mà tôi đã viết bài review chi tiết tại đây.
Đúng như tên gọi, holistichabits (Holistic Habits) là nơi cô gái trẻ Sarah Nagel chia sẻ những thói quen/bí quyết tự nhiên để làm đời sống thể chất và tinh thần của mọi người được phát triển toàn vẹn và hoà hợp hơn. Điểm đặc biệt nhất của Sarah và holistichabits là sự nhấn mạnh vào việc sử dụng những sản phẩm hữu cơ, thiên nhiên để chăm sóc sức khoẻ làn da, mái tóc, giải toả stress, giải phóng năng lượng sáng tạo. Video nào của holistichabits cũng được đầu tư kỹ lưỡng từ nội dung đến hình ảnh, tạo cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, lôi cuốn lạ thường. Nhưng có lẽ vì tương đối “cầu toàn” trong việc làm video nên Sarah không ra video đều đặn trên holistichabits như các kênh Youtube khác. Nếu bạn là người yêu thích cuộc sống cân bằng, thích các sản phẩm hữu cơ, thiên nhiên, có nhu cầu chăm sóc bản thân, holistichabits là một kênh Youtube rất đáng để theo dõi.
4. Use Less
Use Less là một kênh Youtube rất thú vị mà tôi mới phát hiện ra vài tháng gần đây. Chủ kênh Youtube (và trang blog cùng tên – link) là một cô nàng người Đan Mạch với phong cách tối giản tên Signe. Qua các kênh truyền thông của mình, Signe chia sẻ về lối sống tối giản, cách phối hợp đồ thời trang phong cách, và truyền cảm hứng để mọi người bắt đầu một lối sống lành mạnh, có ý nghĩa hơn. Đây là một kênh rất hay cho những ai đang theo đuổi phong cách tối giản và thường xuyên cần tìm cảm hứng để mix-match quần áo có sẵn của mình cho phong cách hơn.
The Domestic Geek là kênh nấu ăn đầu tiên mà tôi chọn theo dõi trên Youtube. Khi đó, kênh này chỉ có chưa đến 10K người theo dõi nhưng đã thể hiện tiềm năng phát triển rất lớn. Phần vì cách nói chuyện vui vẻ, tích cực, thu hút của host Sara Lynn. Phần vì quy trình diễn tả cách nấu ăn không rườm rà như các kênh khác mà nhanh, gọn, đi thẳng vào vấn đề (có những video chỉ 5 phút mà dạy cách nấu 3 món liền) trong khi vẫn chất lượng và dễ hiểu cho người xem. Đến nay, kênh này đã có tới hơn 1 triệu người theo dõi! Ngoài việc yêu thích cách dẫn dắt của Sara Lynn và các công thức nấu ăn trên The Domestic Geek, tôi còn khâm phục khả năng làm việc đều đặn, có trách nhiệm của Sara Lynn và ekip khi cho ra video hàng tuần đúng hẹn, video nào cũng được chăm chút kỹ càng, đầu tư công phu. Mỗi lần xem các video trên The Domestic Geek, tôi lại cảm thấy mình có thêm động lực, không chỉ để nấu những món ăn dinh dưỡng, mà còn để tiếp tục làm blog một cách có trách nhiệm, với tư tưởng cầu tiến, không lùi bước như Sara Lynn.
Đây là một kênh Youtube về làm đẹp và phong cách sống của Rachel Talbott, một người mẹ trẻ với hai con nhỏ. Vì thế, những chia sẻ của Rachel tương đối khác so với hầu hết các beauty Youtuber hiện nay— những người tuổi thường còn rất trẻ và chưa lập ra đình, hoặc có gia đình nhưng chưa có con. Ở Rachel có một vẻ bình tĩnh, từng trải, thư thái của một người phụ nữ trưởng thành. Các video của Rachel thiên về chăm sóc bản thân (spa, dưỡng da…), gia đình (dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa), nấu ăn… — những thứ rất phụ nữ nhưng với hơi thở hiện đại. Tôi thích kênh của Rachel còn chồng tôi là một người theo dõi thường xuyên trên kênh của … chồng Rachel là Byron Talbott, một đầu bếp chuyên nghiệp. Những video có cả hai vợ chồng trước và sau khi có con đều vô cùng dễ thương, tình cảm. Những bạn nữ đã hoặc có ý định lập gia đình thì rất nên theo dõi kênh này.
Đây là một kênh Youtube tương đối mới nhưng có lượng theo dõi tăng lên từng ngày theo cấp số nhân. Và tất cả sự quan tâm này đều xứng đáng bởi vì các video của Matt D’Avella, một nhà làm phim chuyên nghiệp (đạo diễn của bộ phim tài liệu “Minimalism Documentary“) thực sự rất “chất”. Không chỉ đẹp về mặt hình ảnh mà thông điệp của từng video cũng rất sắc nét, cô đọng, và hàm nghĩa lớn. Matt làm video về lối sống tối giản, phỏng vấn những người đặc biệt, và chia sẻ bài học cuộc sống của mình (tương tự như những gì tôi làm trên The Present Writer). Nếu bạn thích đọc blog này, bạn cũng sẽ thích kênh Youtube của Matt. (Hãy theo dõi ngay trước khi anh chàng này trở nên quá nổi tiếng :D)
Trên blog này, tôi từng giới thiệu sách và quan điểm lớn về quản lý tiền bạc của chuyên gia tài chính Dave Ramsey. The Dave Ramsey Show là kênh Youtube trích từ chương trình radio show rất nổi tiếng của ông. Khác với những chuyên gia tài chính chỉ nói lý thuyết suông và những con số khô khan, cách tiếp cận của Dave rất con người, có phần bộc trực, đi thẳng vào giải quyết vấn đề của những người gọi điện hỏi tư vấn chương trình. Vì chương trình xoay quanh các cuộc gọi của thính giả Bắc Mỹ nên có thể nhiều lời khuyên không phù hợp với hoàn cảnh của người Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều ý tưởng hay và tinh thần mạnh mẽ từ chương trình về quản lý tài chính mà tôi nghĩ ai cũng có thể học hỏi để có thêm động lực tiếp tục hành trình độc lập tài chính của mình. Chương trình đặc biệt thú vị vì ngoài phần hỏi-đáp với Dave còn có những phần nhỏ như: Debt Free Scream (Chia sẻ của những người mới thoát khỏi nợ nần) và Millionaire Theme Hour (Chia sẻ của những người đã trở thành triệu phú). Như vậy, tất cả mọi người, ở mọi hoàn cảnh và trình độ hiểu biết về tài chính đều có thể học hỏi và truyền cảm hứng cho nhau để thoát nợ, độc lập tài chính, và làm giàu. Chương trình này có cả dạng podcast, nếu bạn thích nghe khi đang di chuyển trên phương tiện công cộng, khi tập thể dục, hoặc khi làm việc riêng không cần tập trung cao độ.
Pick Up Lime là kênh Youtube của blogger, chuyên gia về dinh dưỡng (có bằng cấp, được công nhận hành nghề) Sadia Badiei. Trên kênh này, Sadia chia sẻ các công thức nấu ăn đơn giản mà dinh dưỡng, những thói quen tốt cho sức khỏe, và truyền cảm hứng sống ý nghĩa, hiệu năng, tích cực. Mỗi công thức nấu ăn hay chia sẻ về cuộc sống của Sadia đều kèm theo các thông tin khoa học hữu ích (đây cũng là điều tôi muốn làm ở The Present Writer). Điểm tôi thích nhất ở Pick Up Lime là cách truyền tải nhẹ nhàng, dễ chịu và hình ảnh dịu mắt, khung hình quay đẹp, ưa nhìn. Trong một thế giới mạng ồn ào, Pick Up Lime đưa đến một trải nghiệm rất riêng, nhẹ nhõm, khiêm nhường, êm ái. Đây thực sự là một kênh Youtube rất có chất lượng, dưới bàn tay của người làm “có tâm”.
(Còn tiếp tục cập nhật)
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Gia Phi says
For the movies: #1, #4, #5, #6. They are my favorites <3
Chi Nguyễn says
Please join my future Movie Club 😀
Tran Nguyen says
Bài này hay lắm Chi ơi, Trân cũng là 1 fan của show Ellen nè.
Mong bài viết tiếp theo của Chi lắm. Ngày mới vui nhe Chi 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn Trân! Hồi vợ chồng Chi còn ở xa nhau, tối nào đi làm về mệt phờ râu cũng ngồi Facetime rồi mở Ellen ra xem chung (hai đứa kiểu: “Một, hai, ba, ấn nút play!” =))) rồi lại hết mệt luôn, đi ngủ cười tươi rói. Yêu Ellen ghê.
Trọng Hào says
Cám ơn chị đã chia sẻ. Hôm nay, em sẽ down phim thứ 1 về xem 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Em xem phim nào rồi? Viết xong bài này chị chỉ muốn xem lại hết tất tần tật 😛
Cong Cuong PHAM says
Minh (em) thấy bạn để phim #1 là rất hợp lý. Thực sự đó là một kiệt tác của điện ảnh ;). Thank for other films :D.
Trang says
Cảm ơn Chi nhé! 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc bài viết !
Bach Dinh says
Cảm ơn Chi.
Chi Nguyễn says
Chi cám ơn bạn <3
Mông says
Biết tới blog của chị khi tìm hiểu về lối sống tối giản. Em đã tìm đọc tất cả các bài viết của chị. Muốn cám ơn chị rất nhiều. Mọi điều chị chia sẻ.
Nói ra hết chắc dài ghê lắm, nhiều điều e cũng không diễn tả được.
_mong các bài viết tới của chị_
Yen Nguyen says
Bài viết rất hay ạ, em cũng là fan của Ellen 😉
Linh Lan Thảo says
Cảm ơn chị Chi, hổm giờ em đương muốn tìm những kênh youtube, show truyền hình để vừa học hỏi, vừa nghe tiếng Anh. Sáng nay em đọc được bài này của chị, em cảm thấy ôi sao đúng ý mình quá. Em cảm ơn chị Chi nhiều. Chúc chị nhiều sức khỏe và bình an nha <3
Giang says
Cảm ơn Chi nhé. Đọc Chi’s list giúp mình biết thêm bao thưa hay ho.
Form Your Soul says
Em cảm ơn chị Chi nha. Toàn những cái em thích ạ. Em cũng tập yoga cùng cô Adriene được 18 ngày rồi ạ. hì hì.
Thu Trang says
Cám ơn Chi, đúng thứ mình thích 🙂
Cao Ngoc Ha says
Em cám ơn chị Chi rất nhiều, những bộ phim thực sự rất đáng xem
Khờ says
Chị nên xem thử This is us của nhà đài nbc. Phim nói về tình cảm gia đình nhưng có lẽ là serires phim truyền hình em cảm thấy hay nhất 😀 (tính tới thời điểm hiện tại)
Trang Đoàn says
Em rất thích show The Domestic Geek, vì cô ấy có rất nhiều công thức lành mạnh hấp dẫn mà em thấy vừa có nguyên liệu đơn giản vừa đặc biệt dễ ăn đối với người Châu Á.
Trong một diễn biến khác thì, chị Chi đã xem bộ phim nào trong các đề cử Osscar năm nay chưa ạ ^^ Em rất muốn nghe ý kiến của chị ạ!
Chúc chị 1 tuần mới nhiều năng lượng ạ!
Chi Nguyễn says
Domestic Geek có mấy công thức làm smoothie ngon lắm mà tiện. Đúng là chị ấy biết đủ các món Âu Á. Phim thì chị xem gần hết các phim Oscar năm nay nhưng thú thực là chưa thích phim gì lắm ngoài Get Out
Anh Tim says
Có một bộ phìm về đề tài giáo dục có lẽ chị sẽ muốn xem là “Taare Zameen Par” của Ấn Độ.Phim rất hay đấy ạ!!
Chi Nguyễn says
Chị chưa xem phim này. Chị sẽ tìm xem. Chị rất thích mấy phim Ấn Độ hoặc về Ấn Độ. Gần đây có Lion cũng rất hay
Lê Thanh Hà says
Tựa đề tiếng Việt là “Cậu bé đặc biệt” phim hay và ý nghĩa lắm ạ!
Mai says
Chi ơi great list. Về phim ảnh, không biết Chi đã xem Cinema Paradiso chưa – nếu chưa mình highly recommend.
Chi Nguyễn says
Chi chưa xem phim đó. Để Chi cho vào list khi nào rảnh tìm xem. Cảm ơn Mai
Chi says
Mình mới xem phim Temple Grandin nói về bệnh tự kỷ. Phim rất ý nghĩa , rất sâu sắc và cảm động.
Chi Nguyễn says
Bạn thử xem “Please Stand By” mới đây cũng về một cô bé tự kỷ. Rất hay
Chi says
Mình cảm ơn Chi rất nhiều. Trong list của Chi mình thích nhất phim Forrest Gump.
Chi Nguyễn says
Forrest Gump đúng là đã đi vào huyền thoại. Bạn có xem “Rain Man” chưa? Mình nghĩ nếu thích Forrest Gump bạn cũng sẽ thích phim này.
MINH TRAN says
It’s realy helpful. I just want to say Thank you. I really appreciate it. Wish you health and happiness in your life.
Chi Nguyễn says
Thank you! I’m glad it helps 🙂
Lam Phương says
E đã xem dc 2 trong số rất nhiều films mà chị gợi ý. Bởi em ko thích những dòng phim tình cảm . Hứa hẹn những bộ phim trên sẽ đem lại nguồn năng lượng và động lực mới. Blog của chị cũng rất hay. E cảm ơn chị Chi. Chúc chị ngày mới tốt lành. :))
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã ghé blog. Chúc em ngày mới vui vẻ <3
Nhan Sophia says
Em lại có thêm 2 bộ phim mới để xem rồi :D. Luôn theo dõi update các bộ phim yêu thích của Chi
Linh says
Em mới biết đến blog này của chị và đang bị binge read 🙂
Bài này viết đã lâu rồi. Gần đây chị có gì mới có thể cập nhật được không ạ?
Cám ơn chị.
Chi Nguyễn says
Chào mừng em đến với blog! Chị sẽ cập nhật trong tương lai nhưng gần đây chị thích nhất series The Queen Gambit trên Nefflix
Duy says
Phim truyền hình Breaking bad mình thấy cũng rất hay, khi nào có dịp tác giả thử xem sao, biết đâu lại được vào list.
Tuyển says
Chị Chi ơi, chị có thể recommend một số quyển sách liên quan đến Giáo dục không ạ? Em cảm ơn chị!
Chi Nguyễn says
Em xem ở đây nhé: https://thepresentwriter.com/my-reading-list-sach-truyen-blog-hay-nhat-toi-tung-doc/
Tuyển says
Dạ em cảm ơn chị và chúc chị nhiều sức khoẻ ạ.