Bài viết này tổng hợp danh sách những bài viết trên The Present Writer blog mà tôi thích nhất. (Hay còn có thể gọi là “tự viết, tự khen”😎). Tiêu chí để chọn vào danh sách này bao gồm: (1) những bài viết bản thân tôi thấy có ý nghĩa và từng đọc lại nhiều lần nhất và (2) những bài viết có lượt đọc và hưởng ứng nhiều nhất trên blog. Bài tổng hợp này được xây dựng với mong muốn đưa bạn đọc mới tới gần hơn với blog và gắn kết bạn đọc cũ với các giá trị cốt lõi của blog.
Đây là một trong những bài viết thuộc series “The Chi List” – nơi tôi chia sẻ những gì mình thích nhất tới bạn đọc. Tất cả những bài viết trong series này đều được cập nhật thường xuyên, lần cuối cùng bài viết này được cập nhật là 13/2/2018.
Bài viết này có lượt đọc kỷ lục trên blog (4,350 trong vòng 1 tuần)! Đây là bài phỏng vấn tôi thực hiện với Linh Phan (Phan Thùy Linh), nghiên cứu sinh tại Chicago và là bạn học ôn thi GRE cùng tôi từ những ngày đầu tìm hiểu về cao học tại Mỹ. Linh là tấm gương nghị lực tuyệt vời, không những vượt qua bao khó khăn để đạt học bổng danh giá VEF bậc Thạc sĩ, rồi học bổng toàn phần Tiến sĩ, mà còn tiếp tục vượt lên cả chính mình khi sinh con và nuôi con gần như một mình tại Mỹ khi còn đang đi học. Tự nhận mình là một “fan” hâm mộ cuồng nhiệt của Linh nhưng phải đến khi thực hiện bài phỏng vấn này, tôi mới biết Linh giỏi đến như thế nào. Tôi thực sự tự hào về Linh và luôn nghĩ rằng đây là một bài viết mà ai-cũng-cần-phải-đọc.
Trích đoạn:
“…Giáo sư em cũng rất muốn nhận [em làm nghiên cứu sinh] nhưng mắc phải vấn đề lớn nhất là nguồn tiền (funding) để học. Thực sự không phải dễ gì mà có được funding cho em học mấy năm tiếp theo. Nhất là em là sinh viên ngoại quốc thì không được nhận funding từ chính phủ Mỹ như các bạn Mỹ khác. Thực sự rất khó! Giáo sư có nói sẽ làm hết sức để tìm nguồn tiền cho em. Trước hết, em chỉ biết được mình sẽ đi dạy phụ (Teaching Assistant) 10 tiếng một tuần nhưng thực sự đồng lương không đủ để sống.
Ngày em nhận được thư chấp nhận của trường cho học Tiến sĩ thì cũng là ngày em biết mình có bầu. Lúc đấy em không biết mình nên phải làm như thế nào.Nhưng em vẫn tâm niệm rằng mình đến Mỹ là để học, dù cho có khó khăn đến mức nào em cũng sẽ không cho phép mình từ bỏ.
Vậy là trong kỳ cuối của năm học Thạc sĩ ấy, em vừa mới có bầu nên rất ốm, lại phải lo tìm funding, trong lúc đó, em cũng vẫn phải đi học và đi làm nghiên cứu cho luận văn Thạc sĩ. Luận văn Thạc sĩ của em là về phơi nhiễm tiếng ồn khi đi tàu điện ở Chicago (*Linh có ý tưởng này khi ngày ngày đi học bằng tàu điện). Ngay khi em chia sẻ ý tưởng với giáo sư, giáo sư khen em và khuyên em nên làm hồ sơ nộp lấy grant (tiền tài trợ cho dự án). Em hoàn thành đơn xin tài trợ trong vòng 3 tháng dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Cuối cùng, grant của em được chấp nhận và em có tiền để làm dự án. Em làm nghiên cứu ấy trong vòng một năm. Trong thời gian có bầu, em ốm lắm, mệt lắm nhưng vẫn tiếp tục đi làm. Đến khi bụng bầu 6 tháng, em vẫn đi hội thảo để thuyết trình dự án ở Salt Lake City. Mọi người hỏi em bầu to như thế có đi được không, em trả lời: “No problem!” (Không sao đâu!) và vẫn đi thuyết trình bình thường.
Sau hội thảo, em vừa về tới Chicago lại phải chuẩn bị bay về Việt Nam vì với việc kết thúc học bổng VEF, em phải ra khỏi Mỹ (*thời điểm này Linh đã học xong 2 năm Thạc sĩ). Vậy là em bay về Việt Nam khi em đang bầu 6 tháng….”
2. Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism)
Đây có thể nói là một bài viết “bắt đầu cho tất cả” vì từ bài viết này tôi mới cho ra đời series bài viết về Minimalism và sau này là cuốn sách đầu tay – “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản.” Có lẽ không cần phải kể gì nhiều thêm vì tôi đã từng làm hẳn một video nói về câu chuyện đằng sau bài viết này:
Trích đoạn:
“Ngày mai là ngày tôi chuyển nhà (lần thứ 4 trong vòng 3 năm ở Mỹ) và cũng là ngày kỷ niệm 1 năm tôi quyết định sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism). Viết những dòng này trong căn hộ cũ với chừng 10 hộp các-tông chứa toàn bộ đồ đạc của cả hai vợ chồng, tôi cảm thấy thư giãn, yên bình khi nói tạm biệt căn hộ cũ, và vui khi nghĩ về ngày mai được cầm chìa khoá căn hộ mới.
Kỳ lạ ở chỗ, cũng ngày này năm trước, tôi cảm thấy căng thẳng và áp lực vô cùng với việc chuyển nhà, tôi cảm thấy ngợp với hàng chồng đồ đạc phải gói ghém. Tình trạng của tôi xấu đến mức, mặc dù đã thuê dịch vụ chuyển nhà và nhờ một người bạn thân của tôi đến chuyển giúp, Joe (chồng tôi) khi đó đang ở bang Florida phải lái xe 12 tiếng liên tục để đến bang Pennsylvania giúp tôi dọn nhà. Khi đó tôi ở một mình trong căn hộ có 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 căn bếp, 1 nhà tắm, và 1 phòng để đồ (walk-in closet). Không thể tưởng tượng tại sao chỉ có một người ở (cùng 1 con mèo) mà đồ đạc chứa đến 2 thùng gỗ cao gấp đôi người và rộng bằng hai sải tay; đó là chưa kể quần áo chứa trong 4 vali to đẩy bên ngoài. Tôi không có gì lấy làm tự hào về điều này. Tôi thấy xấu hổ khi nhìn lại mấy tấm hình chụp lúc chuyển nhà hôm đó và hình ảnh cả tháng sau tôi vẫn loay hoay với hàng núi đồ đạc ở nhà mới. Nhưng đây là một trải nghiệm vô cùng quan trọng đối với tôi, bởi vì nó khiến tôi nhận ra mình đã sống “nặng nề” như thế nào chỉ vì những đồ vật vô tri vô giác. Và quan trọng hơn, nó đưa tôi đến với Chủ nghĩa tối giản….”
3. Đọc nhanh, tập trung, nắm chắc ý (Academic/Non-fiction reading)
Tôi viết toàn bộ bài này (cùng thiết kế hình minh họa) trên hai chuyến bay rất dài từ Mỹ đến Nhật và từ Nhật về Việt Nam. Đây là một trong những bài viết dạng “how-to” (làm thế nào) trên blog mà tôi tâm đắc nhất. Bài viết tổng hợp những kỹ năng đọc tốt nhất mà tôi chắt lọc lại trong quá trình học tập và làm việc của mình tại Mỹ — những điều mà tôi ước mình có để đọc trước khi đi vào cao học. Cho đến nay, kỹ năng đọc vẫn là điều mà tôi tự hào nhất (tôi có thể đọc trung bình 1 cuốn sách một tuần và trên 10 bài báo khoa học một ngày), tất cả đều là nhờ việc luyện tập thường xuyên và làm theo các phương pháp này.
Trích đoạn:
“… Khi mới bắt đầu sang Mỹ học Thạc sĩ, tôi vẫn tiếp tục đọc rất chậm trong khi khối lượng bài đọc mỗi ngày một nặng, gấp hàng chục tới hàng trăm lần hồi học Đại học tại Việt Nam. Có những tuần tôi được yêu cầu đọc 3 quyển sách chuyên ngành, mỗi quyển ít nhất 300 trang để thuyết trình và thảo luận trên lớp. Với áp lực phải đọc và tiếp nhận khối lượng kiến thức lớn như vậy, tôi cố gắng hỏi và quan sát cách các bạn trong lớp đọc, ghi chép, và diễn đạt ý hiểu của mình trên lớp để “bắt chước” làm theo ở nhà hoặc ở thư viện. Tôi cũng tự tìm tòi, nghiên cứu, và thử nghiệm các phương pháp đọc khác nhau để rút kinh nghiệm cho mình. Bằng cách áp dụng vài quy tắc cơ bản, đến kỳ 2 Thạc sĩ, tốc độ đọc của tôi tăng lên rõ rệt, có thời điểm tôi đã đuổi kịp, thậm chí vượt lên tốc độ đọc của các bạn bản ngữ học cùng. Tuy nhiên, đọc nhanh cũng dẫn đến việc không nắm được chắc ý và thiếu tập trung khi đọc những tài liệu khó – những điểm mà tôi phải rút kinh nghiệm và luyện tập thêm vài năm sau đó.
Cho đến khi học lên Tiến sĩ và trở thành nghiên cứu sinh, đọc trở thành công việc chính của tôi. Tôi được trả lương để đọc. Công việc đầu tiên tôi được nhận là đọc hơn 200 bài báo chuyên ngành, lọc ý, tóm tắt, và viết lại thành một Literature Review (cơ sở lý luận) cho giáo sư. Trong quá trình biến đọc trở thành một hoạt động cố định mà tôi làm hàng ngày (như đánh răng, rửa mặt vậy), tôi đã xây dựng một số phương pháp để đọc tốt hơn cả về số lượng (đọc nhanh hơn) và chất lượng (đọc tập trung, nắm tốt ý). Ngày nay, đọc tài liệu academic và nonfiction không còn là thảm hoạ với tôi nữa, đọc trở thành một kỹ năng, một thói quen giao thoa giữa công việc và sở thích. Đọc đưa tôi đến với nhiều kiến thức thú vị – những tri thức không chỉ áp dụng cho nghiên cứu mà còn cho đời sống hàng ngày (rất nhiều điều tôi viết trên blog ra từ sách academic và nonfiction). Nếu không vì thích đọc, chắc chắn tôi sẽ không thích viết và sẽ không viết thường xuyên như thế này. Đọc và học đọc thực sự đã tạo ra những thay đổi gốc rễ và tích cực cho cuộc sống của tôi những năm qua…”
4. Chúng tôi đã apply và học tiến sĩ như thế nào (Phần 1)
Đây là một bài viết ghi lại buổi trò chuyện giữa tôi và Tiệp (Vũ Hữu Tiệp), nghiên cứu sinh tại Mỹ ngành Kỹ Sư Điện Tử và cũng là bạn học lớp GRE của tôi (cùng với Linh ở bài viết #1). Sau này, mỗi khi nhận được câu hỏi về du học, tôi thường gửi đường link bài viết này thay vì câu trả lời bởi vì nội dung trong đây đã vô cùng đầy đủ, bao hàm cả việc nộp học Thạc sĩ lẫn Tiến sĩ, ngành Kỹ thuật đến Xã hội, cách làm hồ sơ và liên hệ giáo sư… Bài viết cũng được chia sẻ và đăng lại nhiều trên các trang về du học.
Trích đoạn:
“…Tiệp: Nộp cho Master và cho PhD cũng rất khác nhau. Master thường là xin học bổng của trường còn PhD là xin funding trực tiếp từ giáo sư. Nên đối với PhD (ngành kỹ thuật của mình), việc liên hệ được với giáo sư là rất quan trọng.
Chi: Đúng rồi! Tớ thấy rất nhiều sinh viên quốc tế ngại liên hệ với giáo sư, ngày xưa tớ cũng vậy. Mình cứ sợ, cứ ngại, không biết viết gì cho họ, họ có trả lời không, rồi họ nghĩ gì về mình. Nhưng nếu mình không liên hệ với họ thì mình thật không biết họ có nhu cầu tuyển nghiên cứu sinh không, có nguồn tiền không. Nhiều khi mình đầu tư bao nhiêu thời gian, công sức để hoàn thành hồ sơ rồi bị từ chối mà không biết lý do thực sự chỉ là giáo sư không có tiêu chuẩn tuyển thêm người thì rất là phí.
Tiệp: Trong nội dung bức thư gửi giáo sư nên giới thiệu chung về bản thân (tốt nghiệp ở đâu, nghiên cứu gì, điểm mạnh là gì, muốn làm gì trong tương lai), nói rằng đã tham khảo trang của giáo sư và thấy có những điểm chung gì, và sau đó hỏi luôn giáo sư có kế hoạch tuyển người không và nói nguyện vọng của mình. Nếu có thể, đính kèm CV của mình hoặc đường link đến trang web cá nhân. Không nên soạn một thư chung rồi gửi đi hàng loạt giáo sư, nhìn là người ta biết ngay, họ sẽ không hứng thú đọc đâu!
Chi: Ngoài ra tớ nghĩ nếu bạn nào đã ở Mỹ sẵn thì rất nên hẹn gặp trực tiếp giáo sư. Đây là một lợi thế. Năm thứ 2 tớ nộp lại PhD, tớ có đến trường nói chuyện với một số giáo sư trong Khoa và biết được là nguồn tiền cho nghiên cứu sinh là từ Khoa rót xuống (vì ngành Giáo dục có ngân sách rất nhỏ, khác với ngành kỹ thuật). Vì thế, tớ tìm gặp chủ nhiệm Khoa và giới thiệu bản thân trực tiếp với thầy ấy, tớ nghĩ cuộc gặp đấy thực sự rất quan trọng. …”
5. Tuổi trẻ, Tình yêu, & Chiến tranh – Phỏng vấn nhà báo Mai Hân
Đây có lẽ là bài viết tôi thích nhất ở thời điểm này vì mỗi lần đọc lại tôi đều cảm thấy rất vui, nhiều hôm cười đến sái cả quai hàm 😂. Nếu bạn đọc theo dõi blog từ lâu, bạn cũng biết rằng nhà báo Mai Hân chính là bà ngoại tôi, một người có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của tôi. Trong bài viết này, dưới dạng phỏng vấn ảnh, bà tôi chia sẻ kỷ niệm về tuổi trẻ, tình yêu, và chiến tranh một cách dí dỏm, hài hước. Sau khi bài viết được đăng và nhận được sự hưởng ứng lớn từ bạn đọc, bà tôi biết được đã rất vui và nói rằng tôi đã tặng cho bà một món quà tuyệt vời để lưu lại những hồi ức của bà mãi mãi. Điều này làm tôi rất xúc động và quyết định viết tiếp bài thứ hai về ông ngoại tôi, nhà báo Nguyễn Hải.
Trích đoạn:
“…Chi: Vậy bà quen ông ngoại (*ông đã mất) lúc nào?
Bà Hân: À, là thế này (cười)… Hồi bà ra học Tiếp quản thủ đô, là lúc hoạ sĩ vẽ hình phía trên ấy, bà học chung với nhiều người ở nhiều ngành nghề. Trong quá trình học, cũng có nhiều cán bộ chính trị nòng cốt họ ngồi cùng để tìm hiểu và nắm tầng lớp trí thức – ông cũng là một trong những cán bộ đó. Ông là công an. Nhưng bà không hề để ý, bà cứ đi học là đi học thôi, không nhìn đến ai cả. Đến lúc học xong rồi, có buổi họp mặt cả đoàn thanh niên thì “cái ông này” cùng lò dò đến, nhưng nói chung bà cũng chẳng để ý (cười). Cuối cùng, ông ý mới gửi một lá thư làm quen. Thư này bây giờ bà vẫn còn giữ đấy (nháy mắt).
Chi: Trời, lại còn thư làm quen nữa ạ (cười lớn)
Bà Hân: Nhiều thư lắm, cả một tập thư thời đó đến giờ bà vẫn còn giữ kia kìa.
Chi: Vậy lúc đó bà đã biết tên thật của ông chưa, hay vẫn chỉ biết ông tên là Nguyễn Hải (*mật danh trong kháng chiến và cũng là bút danh của ông thời bình)?
Bà Hân: Chưa. Phải đến khi bà đồng ý tìm hiểu rồi, ông ấy mới nói: “Tên thật của anh là Trần Tất Thắng” và kể hoàn lại cảnh gia đình. Ông ấy là con lớn trong gia đình; bố ông là Giám đốc Ga Hà Nội thời đó, còn mẹ ông thì buôn bán nhỏ. Gia đình cũng có hoàn cảnh vì bố ông ấy có thêm vợ hai.
Chi: Vậy từ lúc viết thư đến lúc yêu nhau là bao lâu ạ?
Bà Hân: Yêu đâu, bà mới chỉ đồng ý “tìm hiểu” thôi chứ (cười). Ban đầu, ông ấy nói là “Anh rất biết gia đình em vì đã theo dõi gia đình từ lâu” —tại vì ông ấy làm trong Cục Bảo vệ Chính trị, Bộ Công An, có nhiệm vụ theo dõi tìm hiểu các trí thức — “Anh thích em từ lúc còn ở ngoài kháng chiến, từ lúc em còn đi học phổ thông”. Ông ấy mới kể ra như thế, nhưng ngại vì hoàn cảnh bố có vợ hai, mẹ buôn bán (*chứ không truyền thống trí thức như gia đình bà) nên sau một thời gian dài suy nghĩ mới quyết định làm quen. Hồi đầu thì ông ấy nhờ một người chị họ chuyển thư từ cho bà. Bà nhận được mới đưa cho bà Từ (*chị gái bà) xem, rồi kể với bà Từ là “anh ấy nói với em như thế, như thế …” – hồi đó ngây thơ, trong sáng lắm (cười). Bà Từ bảo nếu thấy anh ấy tốt thì cứ làm quen. Thế là thư đi thư lại nhiều lần, rồi bà đồng ý, rồi ông ấy đến chơi. Từ lúc đấy thì “lính” (*cấp dưới) của ông ấy đưa thư, không cần qua chị họ nữa….”
(Còn tiếp)
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Leave a Reply