Bài viết này tổng hợp danh sách những gì tôi thích và thường nghe nhất, hiện bao gồm podcast, sách nói, và âm nhạc. Tiêu chí để chọn vào danh sách này bao gồm: (1) những thứ tôi thích nhất từ lần đầu nghe, (2) những thứ tôi cảm thấy có thể nghe đi nghe lại nhiều lần nhất, và (3) những thứ có ý nghĩa nhất đối với quá trình trưởng thành và phát triển bản thân của tôi. Trong bài viết, tôi cũng sẽ chia sẻ một số phương pháp nghe hiệu quả, nghe có mục đích, và nguồn tốt nhất để tìm những sản phẩm nghe này.
Đây là một trong những bài viết thuộc series “The Chi List” – nơi tôi chia sẻ những gì mình thích nhất tới bạn đọc. Tất cả những bài viết trong series này đều được cập nhật thường xuyên, lần cuối cùng bài viết này được cập nhật là 19/9/2017.
I. Podcast
Podcast là một kênh nghe vừa lạ lại vừa quen. Lạ là bởi vì nó mới nổi lên vài năm gần đây từ một ứng dụng của Apple, trở thành một kênh thông tin phong phú, tức thời, bắt kịp với các trào lưu của giới trẻ. Nhưng quen là bởi hình thức nói và phát thanh không khác gì mấy so với radio, bao gồm có một (hoặc một nhóm người) nói, thu âm lại, và thính giả có thể chọn nghe trực tiếp (đối với live podcast) hoặc nghe lại sau này. Những ai thích nghe radio hoặc các kênh của đài tiếng nói Việt Nam thì chắc chắn cũng sẽ thích podcast. Hiện chưa có nhiều podcast bằng tiếng Việt nhưng podcast bằng tiếng Anh thì đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, chạm đến đủ mọi đề tài trong xã hội, dưới nhiều hình thức sinh động.
Bạn có thể nghe podcast qua rất nhiều kênh. Cá nhân tôi thường nghe qua ứng dụng “Podcasts” trên điện thoại iPhone. Việc nghe một chương trình chưa bao giờ dễ hơn thế, bạn chỉ cần tìm ra podcast yêu thích, cắm tai nghe vào là có thể nghe được mọi lúc, mọi nơi.
Dưới đây là một số podcast tôi thích và thường nghe nhất:
Optimal Living Daily (hay còn gọi tắt là OLD podcast) là hệ thống 5 podcasts có điểm chung là đọc lại các bài viết hay trên blog hoặc trích đoạn sách về phát triển bản thân (OLD Personal Development), quan hệ (OLD Relationships), quản lý tài chính (OLD Finance), sức khỏe (OLD Health), và khởi nghiệp (OLD Start-up). Hệ thống podcast này được xây dựng bởi Justin Malik với ý tưởng ban đầu rất đơn giản là (1) muốn giúp chính mình vượt qua khó khăn từ việc tìm đọc và đọc lại các bài viết hay về phát triển bản thân, (2) tổng hợp và chia sẻ lại những gì hay nhất cho thính giả để mọi người không phải dán mắt vào màn hình máy tính để tìm đọc, và (3) rút ngắn thời lượng một “tập” podcast chỉ còn khoảng 10 phút để thông tin đến được đúng trọng tâm và súc tích nhất (phần lớn podcast hiện nay là từ 30 phút trở lên). Điểm tuyệt vời nhất của hệ thống podcast này là sự đều đặn đáng kinh ngạc của nó (OLD Personal Development ra tập mới hàng ngày, kể cả thứ 7 và chủ nhật; còn các podcast khác ra tập mới 5 ngày trong tuần) – chứng tỏ sự cam kết tuyệt đối và khả năng làm việc tập trung, bền bỉ của Justin nhóm sản xuất OLD.
Tôi là một thính giả trung thành của OLD Personal Development. Tất cả những bài viết tiếng Anh hay mà tôi từng dịch trên blog đều xuất phát từ podcast này và OLD cũng truyền cảm hứng cho tôi viết rất nhiều bài trên blog. Khi gặp khó khăn về quản lý thu nhập, OLD Finance từng giúp vợ chồng tôi rất nhiều để cân đối lại chi tiêu và sử dụng thu nhập của mình một cách thông mình hơn.
Tôi thường nghe OLD vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, trong khi đang sửa soạn đồ cá nhân, nấu ăn sáng, hay là quần áo… vì những bài đọc truyền cảm tích cực của podcast này luôn khiến tôi có thêm động lực cho ngày mới. Tôi cũng hay nghe OLD khi đang làm việc nhà, khi sắp xếp đồ đạc, khi đi xe buýt, hay khi đi bộ một mình … Cuộc sống cảm thấy tích cực và hiệu năng hơn khi nghe OLD podcasts hàng ngày.
Một kỉ niệm vui nho nhỏ là khi The Present Writer được tròn 1 tháng tuổi, tôi có email cho Justin, đại ý nói cảm ơn anh ấy rất nhiều vì ngày nào cũng truyền cảm hứng cho tôi sống tốt hơn, nhờ có OLD mà tôi bắt đầu xây dựng blog về phát triển bản thân, mặc dù cũng chưa có nhiều bạn đọc nhưng tôi rất vui vì được viết những điều tích cực mỗi ngày … Chỉ khoảng 15 phút ngay sau khi email được gửi đi, Justin đã trả lời là mặc dù không đọc được nội dung tiếng Việt, anh ấy rất thích hình thức của blog, cảm ơn tôi đã gửi lời động viên, và khen tôi viết tiếng Anh tốt. Sau này, khi blog càng ngày càng có đông bạn đọc, tôi nhận được thêm nhiều email đặt câu hỏi và tâm sự hàng ngày. Mặc dù nhiều lúc thực sự rất bận, tôi vẫn dành thời gian trả lời từng email một vì tôi nhớ mình từng vui và ngạc nhiên như thế nào khi được Justin trả lời, dù đó chỉ là đôi ba dòng động viên thôi. Anh ấy thực sự là một người tốt.
Đây là podcast của cô nàng Youtuber Aileen Xu. Lavendaire là góc nhìn màu tím, mộng mơ, nhưng cũng rất thực tế và tinh tế vào cuộc sống. Aileen bàn về nghệ thuật, hành trình phát triển bản thân, và các vấn đề của giới trẻ. Tôi đã theo dõi kênh Youtube của Aileen một thời gian và rất vui khi thấy bạn ấy mở thêm một kênh podcast, đến nay cũng đã được gần 1 năm.
Podcast của Aileen thiên về phỏng vấn những người mà bạn ấy cho là “artists of life” (nghệ sĩ của cuộc sống) để chia sẻ cách những người này xây dựng sự nghiệp của họ. Đây là những buổi phỏng vấn rất thú vị. Tuy nhiên, tôi lại thích nhất những “solo episodes” nơi Aileen tự chia sẻ về hành trình của mình và những gì bạn ấy học được trong cuộc sống bởi vì những tập này thường thoải mái, tự nhiên, và chân thành. Điểm hay nhất ở Aileen là bạn ấy rất gần với người trẻ (tầm tuổi 20s), không ngại chia sẻ cả ưu và nhược điểm của mình, và nhất là khát khao muốn bản thân trưởng thành hơn và sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Đây cũng là điều tôi thực sự muốn thể hiện ở The Present Writer.
Nếu bạn là người trẻ, có nhiều mơ ước, muốn xây dựng cuộc sống trong mơ của mình một cách thực tế ngay từ hôm nay, The Lavendaire Lifestyle podcast sẽ rất hợp với bạn.
How I Built This (tạm dịch: Tôi đã xây dựng thứ này như thế nào?) là một podcast chuyên nghiệp, phỏng vấn những người sáng lập, nhà kinh doanh, người xây dựng ý tưởng lớn nổi tiếng. Một số khách mời của How I Built This là Joe Gebbia (đồng sáng lập Airbnb), Perry Chen (sáng lập Kickstarter), Kate Spade (sáng lập hãng thời trang Kate Spade New York)… Họ chia sẻ về hành trình xây dựng “đế chế” của mình hiện này từ xuất phát điểm thấp nhất, những khó khăn họ từng gặp phải, bằng cách nào họ vượt qua được những trở ngại đó, nhưng quan trọng hơn, ngày nay họ như thế nào, quan điểm của họ về những gì mình đã tạo ra thay đổi ra sao. Podcast này có phong cách thoải mái, tự nhiên, vui vẻ, mà bàn về những vấn đề sâu sắc, có tầm ảnh hưởng lớn. Người đặt câu hỏi và dẫn dắt podcast (Guy Raz) có kỹ năng phỏng vấn rất tốt, bài bản, chuyên nghiệp – rất đáng học hỏi.
Podcast này lẽ dĩ nhiên thuộc loại “phải nghe” đối với những ai bắt đầu khởi nghiệp, làm kinh doanh, hoặc đang nung nấu những ý định này. Nhưng đối với những người bình thường, podcast này cũng vô cùng thú vị vì nó cho ta một góc nhìn khác về những người thành đạt (gần như đến tầm “vĩ nhân”), họ cũng là con người, mắc nhiều sai lầm, vẫn còn nhiều điều lo nghĩ ngay cả khi đã đến được vị trí như ngày hôm nay. Tôi học được rất nhiều điều đằng sau các thương hiệu nổi tiếng từ podcast này.
Một tập của podcast này tương đối dài nên có lẽ hợp nhất để nghe khi lái xe đường dài, tập thể dục trong phòng tập, đi các phương tiện công cộng, hay làm một việc gì đó đòi hỏi từ 30 phút trở lên.
II. Sách nói
Mặc dù sách nói (audiobook) chưa thực sự phát triển ở Việt Nam vì nhiều lý do về vật chất, kỹ thuật, bản quyền; mấy năm gần đây, sách nói đã trở thành một phương pháp “đọc” mới phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở những nước nói tiếng Anh. Điểm thú vị của sách nói là những cuốn sách được đọc bởi chính tác giả hoặc những người dẫn chuyên nghiệp, với giọng đọc rõ, chuẩn, dễ nghe. Đối với những người không có điều kiện ngồi đọc sách thường, những người khó tập trung, hay những người mắc chứng khó đọc, đây thực sự là bước tiến rất lớn về công nghệ để đưa tri thức tới gần hơn với tất cả mọi người. Cũng như podcast, sách nói có thể nghe ở mọi nơi, ở mọi thời điểm. Đặc biệt, với những ứng dụng sách nói thông dụng như Audible người nghe có thể chỉnh tốc độ nói nhanh, chậm, tua lại, tua tiến thoải mái, khiến cho sách nói không chỉ là một công cụ “đọc” thông thường mà có thể dùng để học ngoại ngữ và phát âm rất tốt.
Tôi từng gặp rất nhiều người (trong đó có chồng tôi) gặp vấn đề khó khăn trong việc tập trung đọc một cuốn sách chữ thông thường nhưng có thể nghe sách nói hàng cuốn liên tục một cách dễ dàng. Sách nói dường như phù hợp hơn cả cho những người bận rộn, khó tập trung, hoặc những người có kỹ năng nghe tốt hơn đọc. Cá nhân tôi không có nhiều cơ hội dùng sách nói vì những cuốn sách tôi cần đọc (đa phần học thuật) không có phiên bản sách nói và cần phải ghi chép, gạch chân, bôi đậm…lên sách khi đọc rất nhiều nên phù hợp hơn ở phiên bản sách giấy hoặc sách điện tử. Tuy nhiên, khi có thời gian rảnh để đọc những cuốn sách ngoài học thuật hay những cuốn sách không cần độ tập trung quá cao, tôi thường sử dụng sách nói.
Một số cuốn sách nói tôi thích:
1. Birds by Birds (Anne Lamott): Đây là cuốn sách về kỹ năng viết của tác giả, nhà văn nổi tiếng Anne Lamott. Trong cuốn sách, tác gỉa kể về cách cô ấy học viết, tưởng tượng nhân vật trong tác phẩm của mình, và luyện tập viết hàng ngày. Giọng văn truyền cảm, hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Những ai làm nghề viết văn, đặc biệt trong dòng tiểu thuyết hay truyện ngắn giả tưởng, rất nên đọc cuốn sách này.
2. Minimalism: Live a Meaningful Life (The Minimalists): Đây là cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản, có tên là “Chủ nghĩa tối giản: Sống một cuộc sống có ý nghĩa”, được viết bởi 2 anh chàng bloggers The Minimalists. Như tựa đề gợi ý, cuốn sách này không chỉ viết về Chủ nghĩa tối giản mà còn viết nhiều về ý nghĩa cuộc sống. Điểm thú vị là người đọc cuốn sách này chính là Justin Malik từ OLD postcast!
III. Âm nhạc
Tôi tự nhận thấy mình không phải là người sành nhạc hay có “gu” thưởng thức gì đặc biệt với âm nhạc cả. Tôi thường nghe nhạc để nhớ kỷ niệm, để thư giãn, và để tập trung. Đối với mỗi mục đích, tôi có playlists riêng với những bài hát, bản nhạc ở những dòng nhạc hoàn toàn khác nhau. Khi làm việc cần tập trung cao (nhất là khi viết), tôi thường nghe nhạc không lời, càng nhẹ nhàng càng tốt để có thể “đối thoại với bản thân” khi viết (những ai làm nghề viết chắc hiểu được điều này). Tôi cũng có thói quen nghe đi nghe lại chỉ một bản nhạc hoặc một bài hát khi cần tập trung cao. Khi làm những việc không cần tập trung nhiều lắm nhưng cần có có động lực hoàn thành, tôi thường nghe loại nhạc mạnh mẽ, vui tươi, nhịp nhanh hơn, có thể ồn ào hơn nữa để có hứng khởi làm việc. Khi nghỉ ngơi, tôi thích nghe những bản nhạc pop vui vẻ, thư giãn, đặc biệt những bài từ thập niên 90s vì chúng gợi cho tôi nhớ về kỷ niệm vui hồi mới lớn. 🙂
Tôi thường nghe nhạc trên Spotify. Điểm hay nhất của dịch vụ nghe nhạc này là hệ thống “học” được sở thích âm nhạc của bạn. Ví dụ như khi tôi tự lập playlists hay theo dõi playlists của người khác có bài hát, bản nhạc tôi thích, Spotify sẽ tổng hợp và đánh giá thông tin, gợi ý cho tôi những bài hát, bản nhạc mới mà tôi rất có thể sẽ thích. Rất nhiều lần, nhờ có Spotify mà tôi bắt gặp lại những bài hát cũ mà ngày bé tôi từng nghe nhưng nhiều năm không nhớ đầy đủ để tìm lại được. Chứng tỏ là có những thể loại âm nhạc nhất định đã đi vào trong tiềm thức từ khi còn nhỏ, hình thành sở thích nghe nhạc của tôi khi trưởng thành. Đây là một điều thực sự thú vị!
(Còn tiếp tục cập nhật)
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Mai Loan says
Cám ơn Chi rất nhiều, bài viết rất hữu ích!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Mai Loan!
FormYourSoul says
hihi, em cũng hay nghe kênh Lavendaire lắm. Background cho các video của chị Aileen chọn màu trắng/trắng sữa nên cảm thấy rất thuần khiết nhẹ nhàng.
Nhất là series về Journling và Power of now của chị ý thì hay tuyệt vời chị Chi nhỉ? hihi.
Chi Nguyễn says
Aileen làm video công nhận rất đẹp và sáng. Rất hợp với người trẻ
Tuệ Nguyên says
Khi em vừa định lên kế hoạch học viết bằng Tiếng Anh và xem lại khóa học của chị thì chợt gặp lại chị ở blog của chị Chi. Dù bình luận đã cũ nhưng em cảm thấy thật vui và cảm giác có thật nhiều động lực để đi tiếp ^^
Phuoc says
Cảm ơn chị, rất hữu ích ạ !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết
Nguyễn Thị Hạnh says
Nhớ cập nhật tiếp nha chị ơi, bổ ích quá, em mong có được những thứ này từ rất lâu rồi ^^ thanks chị đã giới thiệu ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Chị sẽ cập nhật thêm danh sách này trong thời gian tới!
Tran Nguyen says
Cảm ơn Chi. Bài viết thật hay, Trân thích nhất chức năng ghi nhớ gu nhạc trên Spotify đó 🙂
Mong phần 2 của bài viết này lắm ^^
Chi Nguyễn says
Spotify mà có thêm nhạc Việt nữa thì tốt 😀
Thùy says
Cảm ơn em nhiều. Đọc giới thiệu của em về Optimal Living Daily, chị bắt đầu nghe từ mấy tháng trước và giờ đã thành thói quen, hầu như sáng nào cũng nghe. Điểm chị thích là trên điện thoại vừa nghe, vừa có thể đọc được bài viết đó luôn. Rất thích những bài nói về nói sống tối giản, truyền cảm hứng cho công việc, mục đích sống, tiết kiệm… ở đó. Cảm ơn em nhiều. Chúc Chi luôn vui, khỏe nha.
Chi Nguyễn says
Yay!!! Em rất vui vì chị cũng thích OLD podcast
Thuý Anh says
Cảm ơn chị về chia sẻ hữu ích này ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết
Công Sơn says
Cảm ơn chị về bài viết.
Em cũng mới chịu khó nghe podcast gần đây. Đường Sài Gòn kẹt xe lắm, chỉ cần cắm tai nghe, mở một kênh podcast yêu thích là thấy đường về nhà sẽ không còn xa 😀
Chi Nguyễn says
😀 Hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều podcast tiếng Việt. Chị nghĩ cũng dễ thôi vì ở VN mình radio phát triển tốt quá rồi mà
Gracie. says
Nhưng Podcast không có script thì sao mình hiểu hết được bạn ơi?
Chi Nguyễn says
Chào bạn! Mình thấy những người đọc podcast họ nói tiếng Anh dễ nghe và chậm hơn bình thường nên cũng không khó để hiểu lắm. Nếu bạn chưa quen nghe thì có thể chỉnh speed của podcast chậm lại (trên podcast app của iphone có chức năng này) thì càng rõ hơn từng từ nữa
Mễ says
Vừa lúc tớ đang tìm cuốn sách dạy về viết lách theo dạng 1 người chia sẻ về cách học viết của mình do tớ hiểu rất rõ não tớ không hấp thu những cuốn sách có cách phổ biến giảng dạy bình thường . Bởi vậy, tớ nghĩ Birds by Birds sẽ rất tuyệt với tớ. Tiện đây nhắn với Chi: dạo này tớ hay đọc bài viết của Chi và điều tớ thích thú và muốn follow up đó là nó giúp tớ giữ tinh thần tích cực và tìm ra cách giúp tinh thần tích cực này được ổn định hơn. Cảm ơn Chi <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn ấy đã đọc bài viết! Tới đây tớ cũng sẽ viết bài chia sẻ về cách viết (của riêng tớ thôi nhưng cũng tổng hợp thêm lời khuyên của các nhà văn chuyên nghiệp nữa)
Tran Thanh Phuong says
Cảm ơn những chia sẻ cực kỳ hữu ích của chị ạ. Mong chị sẽ luôn duy trì được những entry như thế này :3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Nhiều người động viên nên chị sẽ cố gắng duy trì tiếp 😀
Nguyễn Hiền Lương says
Thật tuyệt khi gặp được chị ~❤
Thích sự nhẹ nhàng, yên bình từ chị. Nhờ chị mà giờ ngày nào em cũng nghe OLD 😄.
Gửi đến chị muôn vàn lời thương🥰
Chi Nguyễn says
OLD podcast thực sự rất tuyệt vời 😀
Kim Thoa Nguyen says
Em cảm ơn chị nhiều ạ.