Đã hai tháng kể từ ngày toàn nước Mỹ “đóng cửa” vì đại dịch COVID-19 lan rộng. Hai tháng tôi làm việc tại nhà. Hai tháng con trai nghỉ học mẫu giáo. Hai tháng cuộc sống khác đi nhiều so với sự “bình thường” quen thuộc.
Khi dịch bệnh mới bùng phát, cũng như phần đông người Mỹ, tôi trải qua giai đoạn sốc, hoang mang, lo lắng. Bởi thế, tôi theo rất sát các cập nhật về COVID, từ báo chí chính thống, truyền hình đến Twitter, Youtube; xem livestream họp báo của chính phủ hàng ngày; đọc cả tài liệu nghiên cứu về truyền nhiễm… (Từ đó tôi mới có tư liệu cho ra đời bài viết phân tích tình hình nước Mỹ tạo ra hiệu ứng “viral” nhất định). Tuy nhiên, là một người sống tối giản, tập trung vào các giá trị tích cực, tôi cảm thấy việc hàng ngày dung nạp một lượng lớn tin tức, chủ yếu tiêu cực, như vậy không tốt cho sức khỏe tinh thần. Nên tôi dần bớt đi tần suất cập nhật tin tức mới và tập trung vào cuộc sống hiện tại. Trong quá trình đó, tôi dần chấp nhận và làm quen với cái gọi là: “một sự bình thường mới” (a new normal).
SỰ BÌNH THƯỜNG MỚI
Thế nào là bình thường mới? Là khi cuộc sống hiện tại đã thay thế hoàn toàn cuộc sống trong quá khứ; nhưng thay vì kêu gào: “Hãy trả lại mọi thứ như bình thường trước đây!”, bạn chỉ gật đầu: “À, giờ mọi thứ là như thế…”
Ví dụ như vài tuần trước đây, tôi còn nhớ nhung cảm giác sáng ngủ dậy chải chuốt, xách túi đi làm; giờ tôi đã hoàn toàn quen với việc “đi làm” là dăm bước chân từ phòng ngủ sang phòng đọc sách, tóc búi cao, chân đi đôi dép trong nhà có cục bông màu tím 😎.
Hay ví dụ như trước đây mỗi ngày cập nhật số ca nhiễm COVID ở tiểu bang tôi ở (bang Pennsylvania), tôi thường cảm thấy tim mình như thắt lại khi thấy con số 2,000 rồi 3,000 ca nhiễm mới. Hiện nay, con số này thường ở mức trên dưới 1,000 (ca nhiễm mới/ngày) và tôi chỉ nhún vai: “Vậy cũng tương đối ‘ổn định’, không quá nhiều” (!) Rồi tôi lại rùng mình nghĩ: “Mình có đang bình thường hóa mọi thứ quá mức không?” khi nhớ đến Việt Nam mỗi ngày chỉ vài ca nhiễm mới mà cả nước đã sục sôi đến như thế nào. Trong khi đó nước Mỹ một ngày có tới hàng chục ngàn ca nhiễm mới mà đã trở trở thành một lẽ đương nhiên. Đôi lúc bắt gặp mình như vậy, tôi giật mình nhận ra “sự bình thường mới” không thực sự “bình thường” chút nào.
Ngay như ở Việt Nam, kể cả khi ca nhiễm mới đã không xuất hiện trong hàng tuần liên tiếp, khi yêu cầu dãn cách xã hội, cách ly đang được nới dần, cuộc sống ắt hẳn cũng có nhiều thay đổi so với trước đây. Mọi người đeo khẩu trang nhiều hơn, có ý thức hơn về khoảng cách nơi đông người; người lớn có trải nghiệm làm việc tại nhà, trẻ nhỏ biết thế nào là học online. Ảnh hưởng của COVID đến kinh tế, ngành nghề dịch vụ, văn hóa xã hội… vẫn còn dư âm mạnh mẽ. Mọi người có thể quen dần với “sự bình thường mới” nhưng thực chất, đất nước hậu COVID đã biến chuyển nhiều so với trước kia.
SỐNG VỚI SỰ BÌNH THƯỜNG MỚI
Nhìn vào khía cạnh tích cực, sự bình thường mới thể hiện một khả năng kỳ diệu của con người: thích nghi nhanh với hoàn cảnh. Vài tháng trước thôi, nếu ai đó nói với bạn rằng công việc của bạn sẽ bị đảo lộn, bạn thậm chí có thể mất việc, con cái phải đồng loạt ở nhà, các dự định du lịch, tiệc tùng bị hủy bỏ, kinh doanh sa sút… Bạn có nghĩ mình vượt qua được không? Khi trường học ở Mỹ đóng cửa, nhiều đồng nghiệp của tôi lo lắng tột độ vì không kiếm đâu ra chỗ gửi con, ông bà, họ hàng thì không có mà nhờ trông hộ. Vậy mà, mọi thứ rồi đâu cũng vào đấy. Ai rồi cũng phải tìm ra giải pháp riêng cho mình. Mất việc thì tìm việc khác, không họp mặt được trực tiếp thì gặp online, kinh doanh mặt hàng cũ sa sút thì kiếm mặt hàng mới… Chúng ta có khả năng thích ứng nhanh và nội lực mạnh mẽ hơn những gì ta tưởng tượng.
Đối với tôi, sự bình thường mới mang lại nhiều thay đổi tích cực:
VỀ CÔNG VIỆC, tôi thực sự cảm thấy may mắn khi mình vẫn giữ được công việc tốt. Tôi hiện làm chuyên gia phân tích dữ liệu đại học (Higher Education Data Analyst) ở trường Penn State, cũng là nơi tôi nhận bằng Tiến sĩ năm nay. Tôi được nhận vào làm ngay từ khi còn đang viết luận án (chưa tốt nghiệp). Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình vô cùng may mắn vì hiện tại, đại dịch khiến các trường đại học tại Mỹ thiệt hại nặng nề về kinh tế, dẫn đến ngừng tuyển dụng hoàn toàn (hiring freeze) ở hầu hết các nơi. Các bạn đồng môn của tôi mới nhận bằng Tiến sĩ giờ đang hoang mang không biết tìm việc ở đâu trong hoàn cảnh kinh tế như thế này. Tôi rất thương cho các bạn và biết ơn vị trí hiện tại của mình.
Nhưng thành thật mà nói, vài tuần trước khi COVID-19 bùng nổ tại Mỹ, tôi đã rất chán ngán công việc. Nói đúng hơn, tôi chán ngán với việc đi làm hành chính; việc đi làm đều đặn từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, 5 ngày liền trong tuần khiến tôi thấy ngột ngạt. (Đây cũng là lý do mà nhiều năm trước tôi nộp đơn xin nghỉ làm ở một trường đại học lớn tại Việt Nam để đi du học). Tôi thậm chí còn tâm sự với chồng là: “không biết em có thể trụ lại đến hết năm học này được không” vì tôi quá chán ngán sự ổn định của công việc hành chính. Có những ngày tôi dán bảng “Không có ở văn phòng” (Out of the office) lên cửa phòng và mang laptop ra quán cà phê, thư viện, thậm chí về nhà giữa giờ làm chỉ để thay đổi không khí. Vậy nên, việc được cho phép làm ở nhà không khác gì cái phao cứu sinh cho tôi trong thời điểm sắp sửa chết đuối. Tôi thực sự rất thích và hợp với làm việc tại nhà.
Quá trình làm việc tại nhà cũng khiến ban lãnh đạo nhà trường và cán bộ công nhân viên nhận ra nhiều điều thú vị. Ví dụ: Thứ nhất, nhiều vị trí công việc có thể làm ở nhà mãi mãi mà không ảnh hưởng gì đến chất lượng (ví dụ như những vị trí nghiên cứu độc lập như của tôi). Thứ hai, trước đây có quá nhiều cuộc họp thừa thãi, tốn kém, không cần thiết; trong khi nội dung thảo luận có thể gói gọn trong vài email hay một cuộc điện thoại. Thứ ba, mô hình làm việc theo giờ hành chính không phù hợp với tất cả mọi người, nên cho nhân viên quyền lựa chọn để họ có động lực làm việc hơn. Chắc chắn hậu COVID, việc đi làm thông thường của người Mỹ sẽ được thay da, đổi thịt. Đối với cá nhân tôi, lãnh đạo nhà trường đã đồng ý cho tôi làm ở nhà cho tới lúc nào tôi muốn trở lại (Yay!)
VỀ GIA ĐÌNH, quá trình ở nhà cách ly giúp vợ chồng tôi chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ của con trai mà có lẽ chúng tôi sẽ bỏ lỡ nếu con còn đi mẫu giáo hàng ngày. Jaden mới được 1 tuổi rưỡi (18 tháng). Hai tháng trước khi cách ly xã hội bắt đầu, Jaden còn chưa nói được mấy, chỉ mới bập bẹ “mama”, “dada”, “jay jay”… thì giờ con đã nói được hơn 13 từ, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Mỗi từ con biết nói, mỗi cử chỉ con mới biết làm, mỗi bước con đi, vợ chồng tôi đều ở đó—ngạc nhiên, vui sướng, hoan hỉ trước hạnh phúc giản đơn.
Tối nào chúng tôi cũng đọc sách cho Jaden, chỉ cho con hình trong tranh và dạy con nói. Có một số từ Jaden nhại lại được, nhưng đa phần là không, con chỉ cười. Bỗng nhiên một ngày tôi mua một buồng chuối về, đang lúi húi gọt rửa thì Jaden từ đâu chạy ra chỉ vào quả chuối và rạng rỡ hô to (như tìm ra chân lý): “NANA” (banana). Oaaaaa…. Đó là một khoảnh khắc thật sự diệu kỳ! Rồi khi cây táo dại trước nhà trổ hoa, Jaden kéo tay tôi tới tận cửa, chỉ vào bông hoa và nói: “FLOWERRRRRR” (flower). Những khoảnh khắc như vậy khiến tôi thấy thật may mắn khi được ở nhà cùng với con và chứng kiến con lớn lên từng ngày, quên hết mọi vất vả khi vừa làm vừa chăm con.
VỀ BẢN THÂN, tôi cảm thấy mình đã trưởng thành lên rất nhiều trong hai tháng ngắn ngủi vừa qua. Tôi hiểu bản thân mình hơn, làm việc sáng tạo hơn, và biết trân trọng hơn những gì mình đang có.
Tôi nhận ra rằng mình hoàn toàn có thể sống cách lý với xã hội vĩnh viễn (#hướngnội) 😂 nhưng vẫn cần được kết nối với những người mình thực sự quan tâm và quan tâm đến mình. Tuần trước, anh trai và chị dâu tôi ở Việt Nam mới có em bé đầu lòng và tin vui này làm cho tôi thấy gần hơn với gia đình, mặc dù ở cách xa nửa vòng trái đất. Tôi nhận ra rằng mình hạnh phúc nhất khi được làm công việc sáng tạo như viết blog, viết sách, chụp ảnh, thiết kế website…, bởi vậy, tôi muốn quay lại với The Present Writer nhiều hơn.
Tôi thích cuộc sống của mình ở thời hiện tại (#bepresent, right?) và hầu như không cảm thấy có điều gì đáng để than phiền. À, xíu quên, trừ việc đôi lông mày rậm trứ danh giờ đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Tôi hy vọng tiệm cắt tỉa lông mày sẽ được mở lại một ngày không xa để hàng lông mày của tôi được trở lại “bình thường” (nếu không được chuẩn mực “lá liễu” thì ít nhất cũng được tầm… lá mít) ✂️
—-
Đầu tháng 4/2020, giữa thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth đã có buổi phát biểu (vô cùng hiếm hoi) trên sóng truyền bình. Trong bài phát biểu, có đoạn bà nói (lược dịch): “Tôi hy vọng một vài năm tới, tất cả chúng ta có thể nhìn lại và cảm thấy tự hào vì những gì mình đã làm để đối mặt với thử thách [COVID-19] này”. Tôi thích thông điệp này vì mở ra cho người nghe cánh cửa từ tương lai để nhìn vào hiện tại. Một vài năm tới, khi COVID-19 chỉ còn trong sách vở, trong lời kể của mọi người (như SARS, H5N1), tôi hy vọng mình có thể nhìn lại quãng thời gian lịch sử này và tự hào rằng mình đã làm được những điều tốt nhất cho bản thân, gia đình, và cộng đồng. Tôi mong bạn cũng có được niềm tự hào như thế.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Trịnh Hoài Đức says
Thật vui khi nghe chị nói muốn quay lại với blog nhiều hơn :))
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn. Bạn ghé blog thường xuyên sẽ thấy nhiều thay đổi mới tốt hơn trong tương lai 🙂 (Chi hứa)
Nguyen Zehe says
Cảm ơn bạn đã có những bài viết hay và bổ ích ! Không biết nói thế nào nhưng đối với những người sống xa quê hương như mình, cảm thấy đong đầy cảm xúc khi đọc các bài viết của bạn. Chúc gia đình bạn nhiều sức khỏe !
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã ghé blog <3 Chúc gia đình bạn an lành, mạnh khỏe
Trang says
Bài viết hay quá. Em nghĩ thích nghi là bản năng nguyên thủy của con người. Vậy nên, dù đại dịch này có ảnh hưởng nhiều hay ít đến bạn thì ngoại trừ cố gắng thay đổi để hoà nhập với nó cũng k còn cách nào khác. Dòng chảy lịch sử qua đi và bạn nhận ra minh đã học được những gì. Yêu cái cách c nhìn nhận lạc quan về mọi thứ trong cuộc sống, công việc, gia đình. Chờ đợi bài viết mới của chị. 😊😊
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Sau sự kiện này chị cũng cảm thấy khả năng thích nghi của mọi người tốt hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng tượng :D. Hy vọng em ghé blog thường xuyên
Thu phương phạm says
2 tháng vừa rồi mình cũng cảm thấy nhiều điều như Chi! Thấy biết ơn gia đình vẫn khoẻ, biết ơn cuộc sống và lắng nghe bản thân mình nhiều hơn! Dù đã sống theo chủ nghĩa tối giản do ảnh hưởng từ Chi, mình vẫn nhận ra thêm con người không cần nhiều vật chất , nhiều mối quan hệ lằng ngoằng. Khi Covid làm giảm bớt mọi điều, ta có sức lực và tinh thần dành cho những điều quan trọng nhất❤️❤️
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Phương đã đọc bài viết. Chi thích đoạn Phương viết về “nhiều mối quan hệ loằng ngoằng” vì đây sẽ là chủ đề sắp tới của blog hihi
Thin Pham says
Bài viết hay quá Chi. Mình cũng rất thích làm việc ở nhà, linh động thời gian chăm con, tự lo được deadline. Hi vọng đợt tới học xong về nước có thể tìm được một việc như vậy.
Chi Nguyễn says
Chi cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nếu mình không tìm được một việc linh động thì biết đâu có thể tự tạo việc phù hợp cho mình 😀
Van says
Lâu lắm mới thấy chị viết bài, mấy tháng trc e tuần nào cũng vào blog của chị để đọc mà ko thấy bài mới, em vào hàng tuần vì khi đọc những bài viết trc thấy chị bảo hàng tuần viết bài nên cứ ngóng bài mới a
Chi Nguyễn says
Chào em. Chị rất xin lỗi vì thời gian rồi bận việc và cuộc sống nhiều thay đổi nên ko theo dõi hết. Em có thể subcribe email list của blog để nhận thông báo bài viết mới. Tới đây chị sẽ trở lại viết đều hơn. Em ghé blog tuần tới là có bài viết mới nha 😀
Huong Thanh says
Cảm ơn Chi, các bài viết của Chi lúc nào củng rất tích cực và tươi sáng. Mình cũng đang học Chi cách sống cho hiện tại, dù còn phải cố gắng nhiều lắm. Chúc Chi và gia đình nhiều sức khoẻ và niềm vui nha 🙂
Chau says
Mình cũng cùng suy nghĩ với Chi. Thực ra mình đọc blog của Chi lâu rồi nhưng gần đây mới comment. Mình cũng cảm thấy may mắn vì nhờ được ở nhà mà có thời gian quan sát con, thấy được con của ngày hôm nay lớn hơn ngày hôm qua một xíu thật là thú vị. Giờ mình mới biết Jayden cũng trạc tuổi bé nhà mình. Vui quá! Hi vọng Chi sẽ viết bài về cách thiết kế website nhé. Mình rất thích blog và giao diện của Chi! Cám ơn Chi rất nhiều vì luôn viết và chia sẻ những bài rất hay! Be safe!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã theo dõi blog của Chi. Gần đây mọi người cũng hỏi về blog nên mình sẽ viết về đề tài này (có lẽ phải quay video nữa vì trực quan dễ hơn) 😀
Nguyễn Phúc Đạt says
What a postive energy, thank you too much cô Chi :))
Chi Nguyễn says
Positive energy all the way around <3
Diễm Lê says
Mình cũng đang chán nản với việc đến công sở tuần 5 ngày và cảm thấy sắp chạm đến ngưỡng chịu đựng thì bỗng dưng được làm việc tại nhà, giống như một sự giải thoát vậy 😂
Chi Nguyễn says
😀 Chi rất vui vì cũng có người chung cảnh ngộ hihi
Thanhnhanimmita says
Em rất thích cách viết bài và cách nhìn cuộc sống của Chị luôn, từ ngày đọc mấy bài viết của Chị từ lúc đầu blog mới đẻ, cùng với việc đọc sách thường xuyên e đã lạc quan lên rất nhiều. Em hy vọng mình cũng sẽ làm được điều gì đó từ những bài viết của Chị. Chúc Chị và gia đình bé nhỏ siêu kute phô mai que sức khỏe và bình an. Đây là lần đầu tiên em bình luận trên mạng vì e ngưỡng mộ Chị quá thể ấy mà.hehehe
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì đã theo dõi blog từ những ngày đầu tiên. Chị còn nhiều điều muốn làm cho blog và sẽ trở lại đều đặn hơn