Tuần vừa rồi là một tuần đen tối. Hầu như ngày nào tôi cũng tỉnh dậy với đám mây xám lơ lửng trên đầu. Đám mây nặng trĩu như thể chỉ cần một tác động nhỏ thôi nó cũng sẽ vỡ tung và xối xả một trận mưa hoảng loạn, lo lắng, bất an lên người tôi. Tôi tha đám mây xám đó đi cả ngày, cố gắng kéo nó đến những nơi có nắng, cố gắng dùng ý chí của mình sưởi ấm cho nó tan đi thật nhanh. Nhưng tất cả đều không được. Tôi lên giường ngủ với đám mây ấy, gối lên nó những giấc mơ hoang mang về công việc, tương lai, cuộc sống. Để rồi tỉnh dậy lại thấy nó, xám xịt, lạnh lẽo, hầm hè đe dọa, lơ lửng phía bên trên.
Có điều gì kinh khủng đã xảy ra mà khiến tôi cảm thấy đen tối đến như thế? — bạn có thể đang tự hỏi và chính tôi cũng đã hỏi bản thân, rất, rất nhiều lần. Nhưng tôi không có một câu trả lời nào chính xác cả. (Nếu có câu trả lời, tôi có lẽ đã giải quyết được vấn đề của mình dễ dàng!). Tôi đang làm một số công việc quan trọng, tất cả cùng phải thực hiện song song một lúc, và công việc nào cũng khó, cũng cần thời gian, và rất nhiều tâm sức. Trong khi đó, kết quả thu về thực sự không rõ ràng. Tôi cảm thấy mỗi một ngày qua đi, tôi nhích thêm được một chút, nhưng cũng lại cảm thấy như chẳng đi được đến đâu. Mỗi khi suy nghĩ tiêu cực hiện ra, nó lại bay hơi lên thẳng đám mây xám phía trên, làm cho đám mây ngày một nặng hơn, đè xuống bộ não vốn đã quá tải của tôi. Nhưng thật may mắn (hay không may mắn?) là vì đây không phải lần đầu tiên, nên tôi biết chính xác mình cần phải làm gì. Tôi nhấc điện thoại và gọi cho trung tâm tư vấn tâm lý…
Bài viết này kể lại chuyến phiêu lưu của tâm hồn tôi và những gì tôi học được trong cuộc hành trình tìm lại ánh sáng trong bóng tối, và tìm lại về chính tôi.
Tình yêu & Lý trí
“Tôi có thể giúp gì được cho bạn?” — một cô giọng trung niên trực tổng đài tư vấn tâm lý chậm rãi cất tiếng hỏi, sau khi đã lượt qua hàng loạt câu hỏi ngắn xem tôi có ý định làm việc gì kinh khủng, cần can thiệp khẩn cấp hay không (ví dụ, tự tử, hủy hoại bản thân, làm hại người khác…). Tôi hít một hơi thật dài, và bắt đầu nói. Tôi vốn có vấn đề về kiểm soát lo âu (anxiety), đặc biệt khi nỗi lo này liên quan đến một điều gì đó trong tương lai mà tôi khao khát muốn đạt được nhưng không thể nắm chắc. Tại sao tôi biết được điều này? Bởi vì tất cả những lần trước khi không thể hiểu nổi điều gì đang xảy ra với mình, tôi đều tìm đến bác sĩ tâm lý và họ giúp tôi rất nhiều để nhận ra tận gốc vấn đề. Họ giúp tôi hiểu thêm về sức khỏe tâm thần (mental health), họ chỉ cho tôi cách xây dựng những thói quen tốt để chăm sóc cho tâm hồn, họ truyền cảm hứng cho tôi viết chuỗi bài về “Tư duy tích cực” ngay chính trên blog này. Tôi đi được đến ngày hôm nay, bình an, nhẹ nhõm, tự tin là nhờ vào rất nhiều người từng giúp tôi trong những ngày đen tối đó. Tôi chưa bao giờ che giấu vấn đề này, đối với tôi, sức khỏe tâm thần luôn là một trong những chủ đề cần thảo luận nhiều nhất.
“Tôi hiểu” — cô ấy nói, nhận ra tôi đã sống chung với vấn đề này từ lâu — “Vậy bạn thường làm gì khi thấy lo âu?” Tôi kể ra cho cô ấy một danh sách dài. Tôi tập thiền, tôi luyện tập sự biết ơn (gratitude), tôi viết, tôi gặp bạn bè, tôi nấu ăn, tôi chăm sóc bản thân … — tất cả những điều tôi từng chia sẻ trên blog. “Ồ, vậy bạn đã làm rất tốt rồi” — cô ấy thốt lên — “Tôi thực sự không biết nên khuyên bạn thêm điều gì nữa!”. Tôi lắc đầu nói: “Chính là bởi vậy! Tôi biết mình đang làm rất tốt. Mọi lần tôi làm những điều trên thì cảm thấy tích cực trở lại sau một thời gian ngắn. Nhưng lần này thì không, tôi thực sự bế tắc. Đó là lý do tại sao tôi phải gọi đến đây”. Ngừng một vài giây, cô ấy nói tôi có thể đến gặp trực tiếp bác sĩ/chuyên gia tư vấn tâm lý tại trường xem sao; họ sắp vào kỳ nghỉ đông nên không có thời gian cụ thể, nhưng tôi có thể cứ đến và làm một cuộc gặp ngắn khoảng 30 phút với bất cứ chuyên gia nào có giờ trống. Tôi ghi lại thông tin, cảm ơn, và tắt máy. Đúng như những gì tôi nghĩ, lần này, mọi thứ thật không dễ dàng.
Sau một hai ngày lần lữa, cuối cùng tôi cũng tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý. Đó là một ngày rất lạnh, lất phất mưa, tôi gõ cửa trung tâm với đôi bàn tay lạnh buốt. Đón tôi là một chuyên gia tư vấn nam, trung tuổi, có nụ cười từng trải. Ông ấy cũng bắt đầu hỏi tôi những câu hỏi y như cô tư vấn viên qua điện thoại kia. Tôi lại kể lại những gì mình đã và đang làm để kiểm soát lo âu. Rồi ông ấy lại nói, y hệt như cô kia: “Tất cả những gì cô làm rất tốt rồi. Tôi không biết mình có thể đưa ra thêm lời khuyên nào!”
Tôi thực sự chán nản. Lạnh và ướt, phần nào đó trong tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, muốn cắt ngắn câu chuyện để ra về sớm. “Còn quá nhiều việc cần phải làm thay vì ngồi đây!” – tôi bồn chồn nghĩ. Nhưng ông ấy rất kiên trì, tiếp tục trò chuyện với tôi. Chúng tôi bắt đầu nói về những thứ ngoài lề, như dự định tương lai, gia đình, đề tài tốt nghiệp, và nhất là kỳ vọng của tôi về bản thân và cuộc sống. Một lúc trầm ngâm, ông ấy nói:
– Tôi nghĩ cô đang thiếu lòng trắc ẩn với bản thân (self compassion). Cô kỳ vọng cao và khá nghiêm khắc với bản thân mình.
– Tôi? Không có lòng trắc ẩn với bản thân? – tôi gần như nhảy dựng lên – Nhưng tôi luôn là người đi đầu về yêu bản thân. Tôi từng viết rất nhiều về điều này. Tôi cũng cố gắng dành thời gian cho mình hàng ngày!
– Những gì cô đang làm là rất tốt – ông ấy tiếp – Nhưng tôi nghĩ cô cần thêm thời gian suy nghĩ ở bên trong tâm hồn, chứ không phải chỉ ở hành động hay lý trí.
– Giả sử đây có là sự thật đi chăng nữa – tôi nhíu mày – nó có liên quan gì đến vấn đề lo âu của tôi?
– Rồi cô sẽ thấy – ông ấy mỉm cười
Có vẻ như thấy tôi cần một “bằng chứng khoa học” rõ ràng, ông ấy nói sẽ gửi cho tôi một bài test để xem tôi có đang đối xử tốt với bản thân (về mặt tinh thần) hay không và giới thiệu một hình thức thiền chuyên để luyện tập lòng trắc ẩn, gọi là metta meditation.
Tôi? Thiếu lòng trắc ẩn với bản thân? Tôi bước ra khỏi trung tâm tư vấn với một cảm giác vô cùng khó hiểu. Nhưng đó là điều tôi thích nhất khi đến gặp chuyên gia tâm lý. Họ luôn khiến tôi nhìn vào chính mình bằng một con mắt khác.
Trên chuyến xe buýt từ trường về nhà, tôi nhận được email của ông ấy, với đường link bài test và thông tin về metta mediation. Cuối email là một dòng nhắn:
I especially hope that you’re able to learn to trust the process of life unfolding moment by moment (Tôi đặc biệt hy vọng rằng cô có thể học cách tin tưởng vào quá trình cuộc sống gợi mở từng khoảnh khắc một)
Ngồi trên xe buýt, tôi thử bài test ngay trên điện thoại của mình. Và ông ấy đúng! Kết quả cho thấy tổng điểm của tôi về lòng trắc ẩn với bản thân thấp hơn mức trung bình – chứng minh tôi thực sự (về mặt tâm lý) đang đối xử không tốt với bản thân.
Nhưng bài test cũng cho ra nhiều con số khác bất ngờ, giải thích tại sao tôi không-để-ý là mình đang làm điều này đối với bản thân. Ví dụ, hệ số cô lập (isolation) của tôi rất cao vì tôi thường cảm thấy những vấn đề này chỉ mình mình gặp phải và khó chia sẻ với người khác. Tuy vậy, hệ số “chánh niệm” (mindfullness) và nhân văn (humanity) của tôi lại rất cao, chứng tỏ về mặt lý trí, tôi hiểu rõ những việc mình làm, và tôi có cái nhìn tích cực, nhân đạo với những người khác. Chính vì sự hiểu biết về mặt lý trí và lòng tốt với mọi người đã làm cho tôi nhầm lẫn là mình cũng đang đối tốt với bản thân, trong khi thực tế hoàn toàn không phải.
Tôi nhận ra mối quan hệ của tôi với bản thân mình cũng như một cặp bố mẹ có trách nhiệm, có giáo dục nhưng nghiêm khắc, nhiều kỳ vọng với con đẻ của mình vậy. Bố mẹ sẵn sàng nâng niu, nói những lời yêu thương, mua cho con cái này, cái kia, chăm lo cho con CHỈ VỚI ĐIỀU KIỆN LÀ con học giỏi, con thành đạt! Vậy nên khi con không làm được như kỳ vọng của bố mẹ, bố mẹ tỏ vẻ thất vọng về con ra mặt, làm cho con buồn. Đây là tình yêu có-điều-kiện, là một tình yêu không “khỏe mạnh”. Nếu thực sự thương yêu và có lòng trắc ẩn đối với con, bố mẹ phải cho phép con được thất bại, bố mẹ yêu con cả khi con không đạt được như kỳ vọng, bố mẹ phải là động lực chứ không phải là áp lực cho con. Khi nhận ra điều này, tôi đã rơi nước mắt vì tôi không thể ngờ được mình đang đối xử với bản thân hệt như cách mà tôi vẫn luôn phản đối trong quan hệ bố mẹ với con cái. Chính tôi đã lầm lẫn giữa lý trí và tình yêu. Chính tôi đã tự đẩy mình vào nỗi lo âu, trầm cảm.
Ngay tối hôm đó, tôi bỏ hết công việc, dành một đêm hoàn toàn thư giãn. Tôi ngâm mình trong bồn tắm rất lâu, nhớ lại kỷ niệm ngày nhỏ mình hay xem phim nước ngoài và khát khao sau này nhà mình có một cái bồn tắm để ngâm nước nóng thư giãn thích thế nào. Vậy mà lớn lên, may mắn sống trong căn hộ có bồn tắm, tôi lại hiếm khi dành thời gian trong đó, ít nhất là, chưa một lần nào trong năm nay. Tôi cũng nghĩ về những ước mơ thuở bé: được sống ở nước ngoài, được nhìn thấy tuyết rơi, được học thêm nhiều điều mới, được nói tiếng Anh, và trở nên độc lập… Tất cả mọi thứ tôi muốn hầu như đều đã đạt được. Nhưng đôi khi, thật khó có thể ngừng lại một vài giây và thành thật vỗ vào vai mình một cái để nói rằng: “Tôi ơi, tôi đã làm tốt lắm!”
Tôi cũng tập metta meditation trong bóng tối. (Có rất nhiều cách để làm bài thiền này. Tuy nhiên, cách tôi làm là nhắm mắt, thở đều, nghĩ về bản thân mình và nghĩ thầm: “Mong cho tôi hạnh phúc; Mong cho tôi khỏe mạnh; Mong cho tôi bình an” (May I be happy; May I be healthy; May I be peaceful). Sau đó, nghĩ về một người mình yêu thương nhất, rồi kế đến là một người mình không thích/không thoải mái khi bên họ nhất, và lần lượt lặp lại những lời trên, chỉ thay ngôi xưng. Cuối cùng, nghĩ về tất cả mọi người đang đứng xung quanh mình, và mong những điều trên với bản thân và mọi người). Bài tập này, dù chỉ kéo dài khoảng 15 phút cũng làm cho tôi cảm thấy ấm áp, vững chãi, và yêu thương hơn.
Đó là đêm đầu tiên, sau khoảng 2 tuần, tôi ngủ được ngon giấc.
Niềm tin
Sáng hôm sau, tôi gặp J.H., một người bạn thân của tôi ở trường (và là một người theo đạo Thiên chúa). Tôi kể cho J.H. nghe toàn bộ câu chuyện tuần đen tối vừa qua, cũng như buổi gặp của tôi với nhà tư vấn. Ban đầu J.H. ngạc nhiên lắm, cười toáng lên vì nghĩ lại sao “một người như cậu” mà cũng phải lo lắng về tương lai (ha!) nhưng nghe dần câu chuyện của tôi, bạn ấy trầm hẳn lại. Rồi bạn ấy nói:
Vì cậu kể câu chuyện của cậu thì mình cũng kể câu chuyện của mình. Cuối tuần trước, mình đã làm một chuyện hết sức ngu ngốc. Nhưng vì mình cũng hay làm chuyện ngu ngốc, mình hay phạm lỗi lắm, nên mình phải học cách tha thứ cho bản thân và tin vào Chúa. Nếu không thì mình chắc không sống nổi! Cuối tuần trước, mình đi xe buýt đến tiệm cà phê X [tương đối xa, cách trường khoảng 30 phút lái xe ô tô]. Hôm đó trời rất đẹp nên mình hứng chí: “Hay là đi bộ từ đây về trường. Khoảng tiếng rưỡi hai tiếng chứ mấy!” Mình cũng từng đạp xe trên tuyến đường này rồi nên mình nghĩ là mình thuộc đường. Thế mà mình lại lạc đường đấy! Trời ơi, gần 2 tiếng sau mình đi tới đi lui trên lề đường cao tốc mà vẫn lạc. Giữa đồng không mông quạnh, chẳng có phương tiện công cộng nào cả, mình cũng không quen ai nên không dám nhờ lên xe riêng. Mình lại còn quên cả điện thoại và ví tiền nữa chứ! Lúc đó, mình ghét bản thân lắm, mình nghĩ: “Chẳng có nghiên cứu sinh nào đang bận làm đề tài tốt nghiệp mà lang thang giữa đường cả mấy tiếng trời chỉ vì hứng lên đi. Giờ này mình đáng ra đã viết được mấy trang…” Nhưng rồi mình bình tâm lại, mình tha thứ cho lỗi lầm của bản thân và mình cầu nguyện tới Chúa. Mình cầu nguyện: “Cầu Chúa, Người biết con đang ở đây. Con đang lạc đường nhưng con biết Người nhìn được đường đi cho con. Con biết Người đang dùng cơ hội này để chỉ cho con bài học nào đó về cuộc sống”. Đúng lúc mình vừa cầu nguyện xong thì cậu biết không? Một chiếc ô tô đỗ xịch ngay bên cạnh. Ông Mike [thủ thư lâu năm của trường] và vợ đi ngang qua, nhận ra mình lạc đường và cho mình đi ké về trường ngay lập tức. Thật đấy! Ngay khi mình vừa nói tha thứ cho bản thân và tin vào Chúa thì điều kỳ diệu xảy ra!
Đây là một câu chuyện hết sức thú vị với tôi. Khoan nói về vấn đề tín ngưỡng, nhưng niềm tin là một thứ thực sự kỳ diệu. Như cách người tư vấn viết trong email, ông hy vọng tôi đặt niềm tin vào quá trình của cuộc sống. Nếu như tôi tin rằng cuộc sống đang dạy cho tôi điều gì đó qua khó khăn gian khổ….Nếu như tôi tin rằng một ngày nào đó nhìn lại, tôi sẽ hiểu được tất cả những điều đang xảy ra chỉ là một phần của cuộc hành trình… Nếu như tôi tin rằng tôi sẽ ổn vì có ai đó trên cao luôn nâng đỡ cho tôi… Thì mọi việc sẽ ra sao? Nghĩ vậy, tôi nói với J.H.: “Mình không theo đạo. Nhưng mình cũng muốn có niềm tin như cậu. Tin vào một điều gì đó lớn hơn!”
NGAY KHI TÔI VỪA DỨT CÂU NÓI, điện thoại của tôi reo lên. Và tôi nhận được tin báo rằng một dự án tôi đang theo đuổi (và cảm thấy bế tắc) đã được chấp thuận và được tiến thêm một bước. “Trời ơi!” – Tôi reo lên và ôm chầm lấy J.H. Đó có thể chỉ là trùng hợp, cũng có thể là sắp đặt. Nhưng tất cả những trải nghiệm này đã cho tôi một bài học đáng giá về “niềm tin”.
Bình an
Hiện giờ tôi như thế nào? Tôi vẫn ổn (Cảm ơn bạn đã hỏi thăm 😉). Những ngày đen tối nhất cũng qua đi và tôi dần tìm lại cảm giác bình an vốn có. Tôi biết mình sẽ tiếp tục có những ngày vui, những ngày không vui, và một lúc nào đó cảm giác bất an sẽ lại quay lại gõ cửa tâm hồn tôi. Nhưng không sao hết. Tôi chấp nhận và tin tưởng đó là một phần của cuộc sống, và là một phần của con người tôi.
Tuần vừa qua, tôi cảm thấy tâm hồn mình đã trải qua một cuộc phiêu lưu từ bóng tối ra ánh sáng – từ biển cả lo âu đến bến đỗ bình an. Và đây là những điều khúc chiết nhất tôi học được:
- Lo âu bản chất không tốt cũng không xấu. Con người không ai là không có nỗi lo. Thầy hướng dẫn của tôi từng nói: “Không lo lắng chút nào mới là nguy hiểm. Không lo lắng thể hiện rằng ta không còn quan tâm nữa”. Lo âu, nếu thái quá, có thể khiến con người trở nên thu mình, trầm cảm. Nhưng lo âu, nếu biết sử dụng tích cực, cũng có thể trở thành động lực để ta chuẩn bị tốt hơn cho công việc, để ý nhiều hơn vào chi tiết, và luôn nỗ lực hết sức mình.
- Yêu bản thân phải xuất phát từ trái tim, không phải từ lý trí. Tất cả những việc ta có thể làm để nuôi dưỡng tâm hồn (như thiền, viết lách, làm vườn, nghe nhạc, đọc sách, hay thậm chí trang điểm, mua sắm, ăn hàng…) đều tốt, NẾU chúng xuất phát từ trái tim. Tôi từng gặp rất nhiều người (và có thể kể cả tôi trong số đó) chỉ thực sự ngồi thiền mỗi khi cảm thấy bất an — như thể thiền là “liều thuốc” khi bị ốm thì uống vào để khỏi bệnh vậy. Nhưng thực chất, không có một hành động/giải pháp nào có thể khiến ta cảm thấy tốt lên ngay lập tức được, nếu chúng không xuất phát từ những thay đổi từ bên trong.
- Sức khỏe tinh thần là vô cùng quan trọng. Nếu có điều gì bạn học được từ câu chuyện này thì tôi hy vọng đó là, khi bạn gặp khúc mắc nào đó trong thời gian dài mà bản thân và bạn bè/gia đình không thể giúp được thì hãy đến gặp chuyên gia tư vấn. Những chuyên gia này đều được đào tạo bài bản và có phương pháp gợi mở để bạn trao đổi khúc mắc của mình. Đừng sợ! Đừng ngại! Bản thân tôi cũng là một người được đào tạo chuyên sâu về tâm lý (mặc dù ở mảng tâm lý giáo dục) nhưng cũng có rất nhiều vấn đề khúc mắc tôi cần đến chuyên gia cùng giải đáp. Khi tôi lấy lớp học về Tâm lý hay Tư vấn ở trường bên Mỹ, tất cả các sinh viên chuyên ngành này đều được yêu cầu đặt lịch hẹn thường xuyên với bác sĩ tâm lý để hiểu được thực chất công việc tư vấn là gì và không có những suy nghĩ lệch lạc kiểu như “chỉ có người có vấn đề thần kinh mới phải đi đến bác sĩ tâm lý”. Không! Không thể! Chúng ta cần phải thôi ngay những quan niệm xưa cũ đó và bắt tay vào chăm sóc bản thân mình một cách hiệu quả nhất.
Tôi chia sẻ câu chuyện rất riêng tư này vì tôi tin rằng mình không phải là người duy nhất cảm thấy lo âu, trầm cảm, và buồn nản về cuộc sống. Nếu bạn cũng đang trải qua những ngày u tối với đám mây xám trên đầu, đừng sợ! Mọi chuyện rồi sẽ ổn! Cũng như lời người tư vấn tâm lý cho tôi từng viết, tôi hy vọng bạn cũng có thể: “học cách tin tưởng vào quá trình cuộc sống gợi mở từng khoảnh khắc một”.
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Thìn says
Chúc chị một tuần mới Vui Vẻ! Thanks for sharing!
Chi Nguyễn says
Chúc bạn tuần mới vui vẻ!
Dung Bui says
Cảm ơn câu chuyện của Chi nhé. Mình cũng đã từng có NHỮNG khoảng thời gian đen tối và mình cũng không tìm được cách nào để vượt qua nó, mình để mặc mọi thứ diễn ra tự nhiên, đến đâu thì đến. Nhưng giờ đọc những dong viết của cậu, mình thấy có thêm sức mạnh, niềm tin nữa du rằng rất nhiều việc khó có thể thực hiện ở Việt Nam và với cuộc sống của mình. Từ lâu mình đã bỏ bẵng việc chăm sóc sk tinh thần, bỏ qua mọi sở thích của mình nhưng giờ mình sẽ cố gắng thay đổi. Yên Chi và mong mọi điều tốt lành sẽ đến với cậu. Bạn. Dung
Form Your Soul says
Em chào chị Chi ạ.
Em cảm ơn câu chuyện của chị rất nhiều và em nhìn thấy mình trong đó. Em cũng hay bất an, lo lắng mặc dù giống như chị, em luôn học cách sống tích cực và mọi người nhìn vào cũng thường thấy em như vậy. Gần như lúc nào em cũng cố gắng và em thấy mình chưa đủ. Em sẽ làm bài test chị chia sẻ ở trên để xem thử mình như thế nào.
Dạo này em cũng nhận thấy mình đang cần một niềm tin và hình như, em đã tìm thấy nó. Em cảm ơn chị nhiều nhé. Em chúc chị một ngày vui. <3.
Chi Nguyễn says
Chị nghĩ mình cũng đã khá lên nhiều qua năm tháng và trải nghiệm. Nhưng càng trưởng thành hơn thì càng phải đối diện với khó khăn lớn hơn. Nên tâm lý của mình lại cần phải “lớn” hơn nữa. Cố lên em!
Form Your Soul says
Dạ vâng ạ. Em hiểu rồi ạ. Em cảm ơn chị Chi nhiều.
Việt says
Cám ơn chia sẻ rất chân thành của Chi.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đồng cảm!
Huevm says
Đúng là quan điểm “chỉ có người có vấn đề thần kinh mới phải đi đến bác sĩ tâm lý” vẫn phổ biến lắm, điều đó làm cho mình e ngại dù đôi khi rất rất cần được gặp 1 chuyên gia tư vấn tâm lý. Bạn có thể chia sẻ 1 số địa chỉ tư vấn tốt mà bạn biết ở Hà Nội được không? Cảm ơn Chi rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Chào bạn! Mình đã không ở Hà Nội/Việt Nam một thời gian dài rồi nên không có khả năng chia sẻ địa chỉ nữa. Nhưng bạn có thể tìm kiếm trên mạng và hỏi các bệnh viện/trung tâm lớn. Hàng năm có rất nhiều bác sĩ và chuyên gia tâm lý ra trường, có rất nhiều nơi uy tín nhận họ. Mình tin là bạn sẽ tìm được một địa chỉ tốt ở Hà Nội
Đỗ Hồng Thuận says
Chi ơi, chị không biết những dịch mental health consultation ở Việt Nam có những đâu? Nếu Chi có thông tin thì cho chị biết với nhé! Thanks em!
Chi Nguyễn says
Em chào chị! Chị có thể gõ “tư vấn tâm lý” và “bác sĩ tâm lý” trên mạng để tìm, có những nơi họ có uy tín sẽ cho mình xem bằng cấp của chuyên viên. Hoặc chị có thể gọi điện đến bệnh viện/trung tâm y tế lớn để hỏi thêm. Em đã không ở Việt Nam lâu rồi nên khó có thể đưa ra một địa chỉ cụ thể. Nhưng chắc chắn nếu chịu khó tìm và hỏi thêm chị sẽ tìm được ạ.
Hong Anh says
Cảm ơn bài chia sẻ của em.
Trang says
Chị cũng vẫn nghĩ là ở VN không nhiều bác sỹ tâm lý khi đọc bài của em. Nhưng có thể đây đúng là một định kiến. Chị rất nhiều lần muốn được tư vấn tâm lý mà chưa bao giờ tìm hiểu sâu thêm xem địa chỉ nào/bác sỹ nào có chuyên môn và đáng tin cậy. Sau khi đọc xong bài này thì chị quyết định là sẽ quan tâm đến mental health của bản thân hơn, và sẽ search bác sỹ tâm lý để có thể được tư vấn khi cần. Bởi vì cái kiểu của chị là buồn một thời gian rồi qua, rồi vẫn nỗi buồn đấy nó trở lại 😀
Chị mừng là em đã có nhiều tin vui về các dự án mình theo đuổi, và mừng là em đã nhanh chóng “tìm lại ánh sáng” cho tâm hồn mình, cũng là dịp để hiểu mình hơn nữa.
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị! Ở Việt Nam giờ dịch vụ cũng phát triển nhiều rồi ạ. Em ngày trước cách đây mấy năm cũng đã tìm hiểu về mảng này và cũng đã thấy có nhiều nơi bắt đầu thực hiện rồi. Giờ 5-7 năm qua rồi, chắc chắn dịch vụ tư vấn còn tốt hơn nữa.
Vi says
Mong những điều tốt đẹp, hạnh phúc đến với Chi nè 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Vi!
Dung says
Cảm ơn chị đã chia. Em cũng phần nào đang trải qua những bất ổn, bế tắc trong cảm xúc như chị về kì vọng của bản thân. Câu chuyện của chị đã giúp em trả lời phần nào cho vấn đề của mình!
Chúc chị luôn an yên! 🙂
Hai Nguyen says
Bài viết của chị thật sự làm buổi sáng thứ 4 của em nhẹ nhàng và bình tâm hơn rất nhiều. Sáng nay em đi làm với đám mây xám trên đầu, và giờ đã bớt nhiều rồi. Em thích phong cách viết chân phương của chị.
Em ít khi để lại lời nhắn, nhưng hôm nay thấy mình nên viết để cảm ơn chị, và động viên chị tiếp tục những trải nghiệm và chia sẻ này.
Chúc chị an vui ạ 🙂
Thủy Nguyễn says
Không biết có phải là trùng hợp không hay thế nào đó nhưng đúng lúc em đọc bài của chị là lúc em vừa trải qua một cú shock tâm lý to đùng. Nó xáo trộn cuộc sống lẫn suy nghĩ của em trong mấy ngày vừa rồi. Đến ngày hôm nay, khi nó nguôi ngoai một chút thì may mắn thay em lại đọc được bài của chị. Thế là em lại nhớ ra bài học mà mình đã lãng quên: Sẽ có lúc cuộc sống đang dạy mình bài học thông qua đau khổ. Chỉ khi nhìn lại, mình mới hiểu tại sao mình lại phải trải qua chuyện như vậy.
Cảm ơn chị Chi rất nhiều! Đọc bài của chị em thấy mình ở trong đấy nhiều nhiều lắm!!
Em Hạnh says
Em rất biết ơn về bài viết của chị! Cảm ơn chị đã mở lòng và chia sẻ những điều rất chân thành với bạn đọc. Em chúc chị luôn bình an ❤️
Ròm says
Em cảm ơn chị rất nhiều. Mong chị, mọi người và cả bản thân em, một đời bình an <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em <3 Mong bình an đến cho em !
Minh Hương says
Chị ơi, bài viết của chị gần như một cái “phao cứu sinh” cho em, đêm qua e bị mất ngủ vì lo lắng dù em 25t thôi, e cứ nghĩ mãi mình phải cố gắng hơn ra sao? Mình phải đạt được gì vào năm bao nhiêu tuổi? E sốt ruột vì kế hoạch e đặt ra dường như tiến triển quá chậm.
Đến hôm nay đọc bài viết này của chị e giật mình thấy hoá ra đúng là bản thân mình quá lý trí, đến mức tự tạo áp lực tâm lý cho mình.
Em sẽ làm bài test và cố gắng điều hoà bản thân mình lại. Thật sự rất cảm ơn chia sẻ của chị vì em không biết cứ như vậy hoài thì chuyện gì sẽ xảu ra với sức khoẻ nữa.
haiyen says
Cảm ơn bạn Chi đã chia sẻ bài, này mình cũng đang trại thái u uất vì đang phải nhận hậu quả của một số sai lầm của mình trong công việc, khi mình làm điều đó mình biết được kết quả nhưng mình vẫn cứ làm, giờ thì kết quả nó không phải ảnh hưởng đến mình mà ảnh hưởng đến người khác, rồi thì đang làm cho mình từ một người hừng hực tinh thần mà trong 2-3 ngày nay lại sa sút trầm trọng, ghi nhận sai và thất bại của mình, ghi nhận bài học mình vừa trãi qua để nó sẽ không lập lại trong thời gian tới, đọc bài của bạn như tự dang rộng tay ôm lấy mình và vỗ về “mọi thứ rồi sẽ tốt, cố gắng nhé”
Thời gian này mình cũng hay nghe về thiền từ hướng dẫn của thầy Thích Minh Niệm, tác giả quyển Hiểu về trái tim và Làm như chơi, nên đọc bài của bạn Chi thấy thật sâu sắc.
Nhật Huy says
Cảm ơn chịa sẻ của chị. Em rất thích phần viết về Niềm tin của chị, không biết chị có quan tâm về “The Law of Attraction” không?
Quynh Le says
cảm ơn chị rất nhiều về bài chia sẻ này. Đây thật sự là một điều mà em mới nhận ra và tâm niệm trong chỉ vài ngày đây. Em chưa từng nghĩ chỉ những điều nhỏ bé như thế này có thể thay đổi rất nhiều thứ.
Chỉ vài ngày trước em còn đang trong những ngày điên loạn vật lộn cùng với kì thi cuối kì. Em vật lộn với bài tập, thông tin để hi vọng đạt điểm cao và đạt được hết A. Em cảm thấy rất thất vọng vì mình đã không cố gắng nhiều hơn, thât vọng về bản thân em cực kì vì em ko có được A trong những bài test trong năm để ko phải lo âu vào cuối kì.
Nhưng rồi em ráng thở đều, viết xuống những điều em đã thất bại, và một hai điều em đa đạt được. Em chợt nhận ra cho dù có cố gắng thì em chỉ có thể đạt được một vài điều trong cuộc sống, em đã không có đủ thời gian và sức lực dể có hết mọi thứ. Em hiểu được rằng mình nên tha thứ cho bản thân, em đã cố gắng, có những việc trôi qua không thể lấy lại được. Điều duy nhất em có thể làm được ở thời điểm hiện tại là đi tiếp và cố gắng.
Chính giây phút đó thay đổi rất nhiều, em thấy thoải mái hơn, công việc trở nên dễ dàng hơn và em có nhiều ý tưởng hơn để hoàn thành công việc tốt hơn. Và một nghiên cứu em làm mùa hè năm ngoái đã được chấp nhận cho thuyết trình. và em đạt được điểm cao đủ để cứu vãn cả một học kì.
Sau khi đọc bài viết của chị, em khóc rất nhiều vì đó là những gì em vừa trải qua.
Cảm ơn chị rất nhiều!
Hảo says
Cảm ơn chị rất nhiều ạ. Tháng vừa rồi em cũng gặp phải rất nhiều chuyện không vui, nhưng đọc những dòng của chị cảm thấy được tiếp thêm niềm tin và lạc quan hơn ạ. Có lẽ sóng gió thì không bao giờ hết và chúng ta cũng không biết được chúng đến và đi khi nào, chỉ là chúng ta có quyền được chọn cách đối diện với chúng chị nhỉ. Cảm ơn chị rất nhiều và chúc chị cuối tuần mạnh khỏe, nhiều niềm vui ^^
Thanh says
Cảm ơn Chi về những chia sẻ rất riêng này nhé. Có lần mình cũng định đi gặp bác sỹ tâm lý vì những lo lắng cho tương lai…Mình đã đọc nhiều sách về phát triển bản thân, và với sự trợ giúp của chồng mình thì mình đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng đó. Mình nhận ra là không nên lo lắng về những chuyện mà không biết nó có xảy ra không. Hy vọng tâm lý của Chi bây giờ đã ổn hơn nhiều !
Hải Anh Chế says
Cảm ơn chia sẻ của chị. Bản thân em cũng là một người luôn cảm thấy lo âu và thiếu yêu thương bản thân (2.34 cho self-compasssion) đã cảm thấy được an ủi nhiều từ bài viết của chị.
Về việc chăm lo cho sức khỏe tinh thần, em tuyệt đối đồng ý với quan điểm của chị. Em đang ở Vietnam và đã rất rất nhiều lần em cố gắng tìm kiếm dịch vụ tư vấn tâm lý uy tín, luôn loay hoay ca thán: Bác sỹ tâm lý ở đâu? Tôi cần anh/chị…
Em cần được ai đó có cái nhìn thực sự khách quan lắng nghe và đưa cho mình 1 góc nhìn, 1 cách nghĩ mới mẻ, tích cực. Thực tế là em đang ở tỉnh lẻ, việc tiếp cận dịch vụ tư vấn tâm lý là rất khó khăn, dù tìm kiếm mệt mỏi trên google nhưng cảm thấy các tổng đài tư vấ qua điện thoại không đủ uy tín và năng lực để mình có thể tin tưởng mà tìm kiếm lời khuyên. Em đã hy vọng có ánh sáng cuối đường hầm, rằng chị sẽ gợi mở được vài địa chỉ uy tín ở VN, nhưng chưa thấy. Không rõ chị có chút thông tin gì khả quan không ạ?
Hải Anh Chế says
À em đã đọc câu trả lời của chị cho câu hỏi tương tự.
Chúc chị cuối tuần vui vẻ! 🙂
Hằng says
Em cảm ơn chị nhiều ạ ! Mong chị sẽ luôn vui vẻ và bình an !
Choco Hanna says
Cảm ơn chị vì đã chia sẻ trải nghiệm này,
Em thấy mình ở trong đó: thiền ,biết ơn, viết nhật ký, tư duy tích cực, tập thể dục… em cũng đã làm đủ cả và có thấy sự cảm nhận cuộc sống của mình tốt hơn và mình cũng hạnh phúc hơn, đã nắm được chìa khóa hạnh phúc đích thực (là ở tâm chứ ko phải vật chất hay điều kiện bên ngoài). Song khi em tiếp xúc với người khác, những suy nghĩ tích cực, mang tính hòa ái và xây dựng, nói năng tử tế mà em đã luôn mang trong mình lại trở thành ngây thơ, khờ dại và ngu ngốc một cách đáng ngạc nhiên với người khác (Kiểu em luôn nghĩ là chúc họ hạnh phúc, bình an, thông cảm cho những gì họ làm với em hay tư duy cùng thắng win-win trong khi họ là người không chút đồng cảm, giúp đỡ và cho em là giả tạo). Em thấy những công cụ trên cũng như thuốc bổ cho bản thân, có bổ mà cũng có tác dụng phụ mà em chưa giải quyết được tác dụng phụ của nó: đó là trong mối quan hệ với người khác, có một khoảng cách giữa con người tử tế, tích cực mình xây dựng và chúc phước lành cho người khác với con người mình phải cứng rắn, nói những lời cứng rắn để làm việc hay phải đối phó với họ. Và từ đó đến nay (từ khi gặp những người khó nhằn này) em không thể tích cực, biết ơn, yêu thương được như mình luôn luyện tập và đã phải (tạm) ngừng những bài tập trên vì thấy thực sự nó như rào cản với mình. Em thôi ko điều tiết cảm xúc, em văng tục (giống như cách họ nói chuyện), em tức giận và em buồn lo em thể hiện ra hết… nó lại cho em sự thoải mái trong bối cảnh hiện tại. Dù em biết cách hành xử trên đó nó cứ sai sai thế nào ấy. Em thực sự rất bối rối.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và chia sẻ suy nghĩ của mình với chị. Chị nghĩ đúng như em nói, dù mình có luyện tập tư duy tích cực nhưng cũng phải giữ một khoảng cách nhất định với người khác, nhất là những người không có dụng tâm tốt. Em có thể đọc thêm bài viết này của chị về ưu tiên các mối quan hệ xã hội: https://thepresentwriter.com/8020-quy-tac-vang-de-lam-chu-cuoc-song/. Chị nghĩ ai cũng cần có sự lựa chọn. Ví dụ, những người “khó nhằn” như em nói, liệu mình có thể hạn chế để suy nghĩ, năng lượng (dù tích cực hay tiêu cực) vào họ được không? Có những người mà càng tiếp xúc họ sẽ chỉ làm cho mình thấy tiêu cực hơn mà thôi. Nếu em có năng lượng tích cực, hãy dành cho bản thân và những người xứng đáng. Chị nghĩ mình có thể hòa nhã với tất cả mọi người, không gây hấn với ai, nhưng dành nhiều thời gian và tâm sức cho ai hơn, đó phải là sự lựa chọn. Mong an lành đến với em!
Nguyễn Ngọc Quyên says
Và từ đó đến nay (từ khi gặp những người khó nhằn này) em không thể tích cực, biết ơn, yêu thương được như mình luôn luyện tập và đã phải (tạm) ngừng những bài tập trên vì thấy thực sự nó như rào cản với mình. Em thôi ko điều tiết cảm xúc, em văng tục (giống như cách họ nói chuyện), em tức giận và em buồn lo em thể hiện ra hết… nó lại cho em sự thoải mái trong bối cảnh hiện tại. Dù em biết cách hành xử trên đó nó cứ sai sai thế nào ấy. Em thực sự rất bối rối.
Y chang mình, cảm ơn bạn nhiều lắm vì những dòng này. Và cũng hơi buồn vì đôi khi những ng đó lại là ng thân của mình, nên mình càng khó để kiểm soát hơn
Ngọc Bích Lê says
Đây là bài viết em thích nhất của Chị từ trước đến nay. Cám ơn Chị nhé!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em! Viết bài này cũng không dễ, nhiều khi những bài có sức nặng như vậy cũng phải rất lâu mới viết được và mới dám viết nữa 🙂
Quỳnh Hương says
Chào chị, em cảm thấy mình rất may mắn khi tình cờ phát hiện ra blog #thepresentwriter – một món quà đúng nghĩa từ hiện tại, và cần thiết cho tương lai. Thực sự em đã học được rất nhiều không chỉ từ những thông tin, trải nghiệm, và kinh nghiệm chị truyền tải qua con chữ mà còn từ chính tư duy, lối sống và cách viết súc tích, cách gói gọn thông điệp một cách khúc chiết, nhẹ nhàng để tất cả các bạn đọc, từ trẻ đến lớn, từ hữu ý hay vô tình đều phải click, click và click qua các bài. Cám ơn chị nhiều lắm, mãi theo dõi và ủng hộ chị trên đường đời nghiên cứu cũng như chặng đường viết để sống, sống để viết ạ ^^!
Have a nice day Chị!! <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều vì những lời động viên chân thành!
Thuỳ Uyên says
Cảm ơn chị rất nhiều vì bài viết của chị vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Em cũng rơi vào tình trạng căng thẳng, mất phương hướng và lo lắng về những mục tiêu phía trước trong đời. Em đang xin học bổng tiến sĩ nên hay có cảm giác overwhelmed vì thấy có quá nhiều việc cần làm mà thời gian và sức lực lại có hạn và không biết có đạt được ước mơ của mình hay không. This is the best wake-up call ever (em xin lỗi vì không biết diễn đạt ý này bên Tiếng Việt thế nào). Một lần nữa, em cảm ơn chị rất nhiều và chúc chị thật nhiều sức khoẻ và bình an <3
Tú Tú says
Chị Chi à, thật tuyệt vì ở blog của chị luôn sẵn có một cái gì đó, vào một lúc nào đó cho ai đó cần nó. Thực sự có ý nghĩa chị ạ.
Thanh Tâm says
Bài viết thật có ý nghĩa. Thật sự cảm ơn bạn Chi Nguyễn!
Lượng says
Thời gian gần đây,em cực kỳ nhạy cảm với đau khổ.Chỉ vì 1 điều gì đó trái ý nghịch lòng là đầu óc em lại bắt đầu suy xét,em bực tức,cáu gắt và nóng giận đến mức thèm đập bể mọi thứ,Những lúc đó,em hoàn toàn biết là mình đang ở trong cơn giận,em cố gắng gieo vào đầu suy nghĩ ” Chỉ là mình đang suy diễn linh tinh và quá kỳ vọng ở đối tượng quá mà thôi “,nhưng dường như cơn giận càng mạnh thêm,đôi khi lại buông ra những lời không cần nói.Làm sao em có thể kiểm soát được sự tiêu cực của mình vậy chị?
Chi Nguyễn says
Chị nghĩ tiêu cực là một điều bình thường, rất khó để “kiểm soát” tiêu cực. Em chỉ có thể kiểm soát cách mình phản ứng với tiêu cực mà thôi. Ban đầu em có thể học theo lời khuyên đầu tiên của bài này là khi giận giữ như vậy thì mình không buông lời phản ứng ngay lập tức mà dần bình tĩnh lại rồi mới phản ứng. Còn hàng ngày (kể cả khi không tiêu cực) hãy tập lối tư duy tích cực. Chị có viết một series bài về cách làm này trên blog. Em ghé Menu— “Tư duy tích cực” nhé. Chúc em bình an!
Trà says
Hi chị Chi, dạo này cứ có chuyện gì khiến em có cảm xúc tiêu cực em lại muốn đến “làm phiền” chị ^^
Hiện tại em đang làm khóa luận chị ạ, và em chọn một lĩnh vực em không có nhiều kiến thức lắm, kết hợp với việc chạy mô hình kinh tế cũng là một kỹ thuật (technique) mà em không rành lắm. Lúc chọn đề tài này, em đã đánh giá cao bản thân chị ạ. Em nghĩ em sẽ dành đủ thời gian và tinh thần tự học để tìm hiểu đào sâu những gì mình chưa biết. Rồi em sẽ làm được thôi. Em đã nghĩ tự tin như thế. Nhưng đến bây giờ, khi còn hơn 1 tháng nữa em phải có kết quả để nộp, thì em vẫn loay hoay ở những bước đầu. Em thậm chí còn chưa hoàn thành hết chương lý luận đầu tiên!
Em những ngày này thực sự rất down. Em chỉ muốn bỏ tất cả đi đâu đó, hoặc dành thời gian đọc vài quyển sách đang trong danh sách chờ. Nhưng thời gian chẳng ngừng lại, mà em đứng lại thì không biết sau còn phải chạy theo mệt mỏi thế nào nữa. Dù em liên tục động viên bản thân rồi khóa luận cũng sẽ qua, nhưng ở thời điểm này thì nó vẫn như miếng ăn đang nghẹn ở cổ họng em vậy.
Chi Nguyễn says
Hihi. Chị cũng đang “nghẹn cổ” với luận án của chị đây. Đọc comment của em mà cứ tưởng như đang viết về chị. Chị nghĩ em có thể thảo luận với thầy cô giáo hướng dẫn để tìm hướng tháo gỡ. Đừng ngại, hầu như ai cũng phải trải qua giai đoạn tương tự như thế này 🙂
Lại Lan Hương says
Hi Chi, mình đọc bài viết này của Chi, khá lâu sau khi Chi gặp phải những vấn đề này và viết về nó. Nhưng đây là những vấn đề mà mình đang gặp phải. Ở VN, thói quen đến gặp bác sĩ tâm lý để được tư vấn và có cái nhìn khác về chính mình chưa thực sự phổ biến. Và hầu hết con người hiện đại đều gặp phải các vấn đề về tâm lý, hành xử … nhưng gặp phải bế tắc, không có hướng giải quyết.
Mình cũng gặp vấn đề về kiểm soát âu lo, nhất là về những thứ mình lên kế hoạch, khao khát đạt được nhưng không nắm chắc, hoặc có gì đó vượt ngoài tầm kiểm soát. Đối diện với vấn đề này, mình cũng đã thử tập thiền, thể dục nhẹ nhàng, nghe nhạc, viết lách, … nhưng “đám mây xám” vẫn quay lại. Nhất là khi người thân trách móc, kiểu: con cầu toàn quá nên tự gây sức ép cho mình, con cứ tính gì chuyện “cua trong lỗ” … Những lúc như thế, dù biết là mọi người yêu thương mình, nhưng mình đều nổi khùng lên, phản ứng lại như một con nhím xù lông tự vệ.
Có lẽ mình cũng cần nhìn nhận lại thực sự mình đã đối xử tốt với bản thân mình hay chưa?
Cảm ơn Chi rất nhiều về những chia sẻ rất thật …
Trúc Đào says
Chị Chi ơi, em mới vừa nghe lại pobcast chị đọc bài viết này và vào blog để tìm bài trắc nghiệm.
Em đã nghe tập podcast này một lần rồi. Lần trước nghe chỉ đơn giản là nghe câu-chuyện-của-chị-Chi và chia sẻ nỗi niềm đó như một người đứng ở ngoài thôi.
Nhưng lần này em đã nghe với một tâm thế khác (!) vì em vừa trải qua một thời kì có ‘đám mây xám’ trên đầu như chị miêu tả, đến nỗi em bị bệnh cả một tuần và bị nhiễm vi-rút HSV-1 do bị căng thẳng, lo âu nữa. Em cũng đã rất lí trí trong việc nghỉ ngơi, ‘yêu bản thân’ bằng ‘lí trí’, cho nên khi nghe đến đoạn chị đến gặp bác sĩ tâm lí và được tư vấn là có vẻ chị đang ‘thiếu lòng trắc ẩn với bản thân’ và đoạn chị so sánh với mối quan hệ bố mẹ có trách nhiệm, có giáo dục nhưng nghiêm khắc với con cái, em đã cảm thấy rất rất xúc động.
Bây giờ em đã ổn hơn rất nhiều. Em đang học lại cách yêu bản thân từ trái tim, học cách làm việc gì cũng để tâm mình vào đó và đặc biệt là “học cách tin tưởng vào quá trình cuộc sống gợi mở từng khoảnh khắc một”.
Em cảm ơn chị Chi rất rất nhiều.
Chúc chị luôn bình an và hạnh phúc 😘.
Trúc Đào
Tuyết says
Mặc dù đọc lại bài viết này nhưng mình vẫn nghẹn ngào khóc. Từ ngày biết đến Chi mình như có thêm một người bạn tâm tình, đồng cảm, nâng đỡ tinh thần mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, bế tắc. Chúc Chi thật nhiều sức khoẻ và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Mong được theo dõi hành trình và từng nấc thang trưởng thành trong cuộc sống của Chi. Cảm ơn Chi rất rất nhiều!