Sau gần 10 năm theo đuổi nghiên cứu khoa học, đặc biệt là 5 năm làm Tiến sĩ, tôi biết thêm nhiều học thuyết về hành vi con người và cấu trúc xã hội. Cũng nhờ những học thuyết này, tôi xây dựng cho mình cái nhìn tổng quát nhưng sâu sắc hơn về con người, sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày. Rất nhiều bài viết trên The Present Writer được truyền cảm hứng bởi các học thuyết và mô hình tư duy (conceptual framework) của Talcott Parsons, Paulo Freire, Pierre Bourdieu, Michael Apple, John Meyer… Tôi rất muốn truyền tải những kiến thức này tới bạn đọc; nhưng thực sự rất khó để viết đầy đủ, cặn kẽ mà lại dễ hiểu về những học thuyết hàn lâm trong khuôn khổ một blog đời thường.
Bởi vậy, đã từ lâu tôi nung nấu ý định tổng hợp lại một số lý thuyết lớn và “tối giản” hóa chúng với ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu—biến chúng thành một cấu trúc tư duy đơn giản để mọi người sử dụng hàng ngày. Tôi gọi đây là mô hình tư duy thường thức (everyday framework). Kiến thức cơ bản thì đã có nhưng tôi vẫn băn khoăn về cách truyền tải. Làm cách nào để biến những kiến thức học thuật khó nhằn thành ra đơn giản, dễ hiểu, nhưng không làm mất đi giá trị của chúng?
Gần đây, khi xem lại một số dự án nghiên cứu mình từng tham gia, tôi nhận thấy mô hình “Vòng tròn nhỏ, vòng tròn to” (Big circle, Small circle) mà một chương trình giáo dục cho thanh thiếu niên người Việt tại Mỹ sử dụng rất gần với ý tưởng tôi muốn truyền đạt. Nếu thiếu niên 14 tuổi có thể tiếp thu được thì chắc chắn đa số mọi người cũng có thể hiểu và ứng dụng được dễ dàng. Bài viết giới thiệu mô hình tư duy thường thức này với hy vọng bạn đọc có thể sử dụng nó như một công cụ – một lăng kính để soi vào phân tích mọi việc trong cuộc sống.
Đôi điều về lý thuyết
Trước khi đi vào mô hình tư duy, hãy dừng lại một đôi chút để “định nghĩa” lại lý thuyết.
Đại đa số mọi người mới nghe đến lý thuyết là đã cảm thấy khô khan, cứng nhắc, thiếu tính ứng dụng. Nhưng thực chất, lý thuyết là nền tảng của rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Lý thuyết khái quát hóa nhiều sự vật, sự việc, hoàn cảnh và nhìn nhận chúng dưới một lăng kính sáng tỏ, sâu sắc hơn. Một lý thuyết đơn độc không thể đúng trong tất cả mọi hoàn cảnh cụ thể, mọi chi tiết đặc biệt của cuộc sống (đây cũng là phản biện lớn nhất đối với lý thuyết). Nhưng cũng nhờ tính khái quát cao như vậy, lý thuyết giúp con người thoát ra khỏi những cái nhỏ nhặt hàng ngày để nhìn cuộc sống như một bức tranh lớn hơn.
Nhiều người cũng nghĩ rằng lý thuyết là một cái gì đó rất cao siêu, nhưng theo quan sát của tôi, những học thuyết hay nhất và có ảnh hưởng lớn nhất đến giới học thuật thực chất lại là những lý thuyết gần gũi nhất với đời thường. Kiểu như những điều chúng ta hiểu ngầm với nhau, “các cụ đã nói” trong ca dao, tục ngữ từ hàng đời nay rồi nhưng chưa có ai khái quát lên thành một học thuyết có đủ luận cứ, dẫn chứng, được chứng minh và phản biện bằng các nghiên cứu khoa học.
Bởi vậy, nắm được nền tảng lý thuyết giúp cho ta có được “ngôn ngữ” để gọi tên những điều ta vốn đã biết một cách tự tin, rõ ràng hơn. Từ đó, ta có thể ứng dụng những điều đó vào cuộc sống một cách tốt hơn.
Mô hình “Vòng tròn nhỏ, vòng tròn to”
Cách đây đúng 6 năm (mùa hè năm 2014), khi còn học Thạc sĩ ở trường University of Pennsylvania, tôi tham gia một dự án khoa học nghiên cứu về tác động của một chương trình giáo dục công dân (civic education) tới thanh thiếu niên người Việt (tuổi từ 14 đến 21) tại thành phố Philadelphia, Mỹ.
Để giúp các học viên trẻ luyện tập tư duy đa chiều, chương trình sử dụng một mô hình tư duy giàn lược được gọi là “Vòng tròn nhỏ, vòng tròn to” (Big circle, Small circle). Mô hình này được thể hiện dưới hình ảnh hai vòng tròn đồng tâm: vòng tròn nhỏ thể hiện cách nhìn hẹp, trực diện vào vấn đề; vòng tròn lớn thể hiện cách nhìn tổng quát, tập trung vào các khía cạnh mang tính hệ thống của vấn đề. (Xem thêm diễn giải và minh họa dưới đây). Trong suốt cả khóa học, điều phối chương trình hướng dẫn học viên suy nghĩ và phân tích các hiện tượng trong cuộc sống (như đói nghèo, vô gia cư, trường học đóng cửa, bất bình đẳng xã hội) dưới hai góc nhìn này.
Ghi chú: Nếu bạn đọc muốn tìm hiểu về khía cạnh học thuật của lối tư duy này hay tác động của chương trình cho thanh thiếu niên kia dưới góc độ khoa học, bạn có thể tìm đọc hai nghiên cứu đã được xuất bản của tôi (bằng tiếng Anh): (1) ‘We share similar struggles’ và (2) Immigrant Youth Organizing as Civic Preparation. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, mục tiêu của tôi là diễn tả mô hình tư duy một cách rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu nhất, do vậy một số chi tiết học thuật có thể bị giản lược hóa.
Vòng tròn nhỏ
Khi một vấn đề trong xã hội xảy ra, mỗi người sẽ có một cách diễn giải, một góc nhìn riêng về lý do của vấn đề đó. Vòng tròn nhỏ là biểu trưng cho lối suy nghĩ hẹp, xoay quanh vào các yếu tố trực tiếp, tự thân dẫn đến vấn đề.
Trong minh họa dưới đây (trích từ nghiên cứu), các học viên tranh luận về sự việc một số trường công lập trong thành phố bị đóng cửa, khiến cho học sinh phải dồn vào trường mới quá tải. Trong vòng tròn nhỏ, học viên cho rằng, trường đóng cửa là vì các lý do nội tại từ nhà trường đã có từ lâu. Ví dụ, học viên nêu ra: “trường có tỷ lệ đi học thấp”, “thành tích nhà trường thấp”, “học sinh bỏ học trước khi tốt nghiệp”, hay “trường quá cũ”…Như vậy, đây là các yếu tố tự thân—hay nói cách khác, chính vì nhà trường không tốt nên mới phải đóng cửa.
Vòng tròn to
Vòng tròn to, mặt khác, biểu trưng cho lối diễn giải nhìn vào tổng quan xã hội—những yếu tố mang tính hệ thống, bất bình đẳng gây nên vấn đề.
Trong cùng một minh họa về trường đóng cửa trên, trong vòng tròn to, học viên cho rằng có nhiều nguyên do từ chính sách, chính phủ khiến cho trường đóng cửa. Ví dụ, học viên nêu ra: “Chính phủ muốn tiết kiệm tiền”, “Xây nhiều nhà tù hơn trường học”, hay “Thống đốc cắt ngân sách giáo dục để xây nhà tù”. Như vậy, đây là những yếu tố mang tính hệ thống, chính sách, nằm ngoài sự kiểm soát của nhà trường—hay nói cách khác, nhà trường không hoàn toàn có lỗi trong việc bị đóng cửa.
Giải pháp
Phía dưới hai vòng tròn là những giải pháp mà học viên tự đưa ra để chấm dứt vấn đề đóng cửa trường học trong thành phố. Học viên đưa ra ba giải pháp: (1) Bầu cử cho Thống đốc mới quan tâm đến giáo dục hơn, (2) Biểu tình yêu cầu thêm ngân sách cho trường học,và (3) Yêu cầu người giàu trả nhiều thuế hơn [để đầu tư cho giáo dục công].
Lưu ý điểm thú vị ở đây là, cả ba giải pháp này đều nhắm vào “vòng tròn to” thay vì “vòng tròn nhỏ”. Điều này thể hiện học viên nhìn nhận vấn đề của vòng tròn to lớn hơn và (có lẽ) là gốc rễ của vấn đề này hơn cả. Đây không phải là xu hướng chung trong tất cả các phân tích sử dụng mô hình này, nhưng là biểu hiện thú vị quan sát được ở bài tập minh họa này.
Ứng dụng của mô hình vào cuộc sống
Điểm thú vị nhất của mô hình này và cũng là lý do tôi muốn giới thiệu nó tới bạn đọc là bạn có thể áp dụng nó vào hầu hết tất cả các sự vật, sự việc trong cuộc sống hàng ngày để đưa ra phân tích riêng cho mình. Thay vì phải đau đáu với câu hỏi “vì sao” mà không có lời giải đáp, bạn có thể tự áp dụng mô hình này để tìm ra câu trả lời và lời giải cho vấn đề mình đang gặp phải.
Đối với cá nhân mình, tôi cảm thấy mỗi khi mình vấp vào hoàn cảnh khó khăn hay đang cảm thấy lo âu, hoang mang, việc quay lại với mô hình này giúp cho tôi có cái nhìn khách quan, rõ ràng hơn. Từ đó, tôi lấy lại được sự bình tâm sớm hơn để vượt qua nghịch cảnh.
Dưới đây là một số (trong muôn vàn) ví dụ về ứng dụng của mô hình này:
Đối với tài chính cá nhân
Có bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao mình mãi không giàu? Tại sao bằng tuổi mình mà bạn đã mua được nhà lầu, xe hơi, đi du lịch check-in khắp mọi nơi?
Tại sao lại có người giàu-người nghèo trong xã hội là một đề tài gần như là “muôn thuở” của các học thuyết từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim. Nhưng nếu áp nó vào mô hình giản lược của “Vòng tròn nhỏ, vòng tròn to”, bạn có thể thấy được hai xu hường nhận định thường gặp nhất:
- Trong vòng tròn nhỏ, ta có thể giải thích rằng: mình nghèo là do mình không có nhiều tài năng như nhiều người khác để làm giàu, có thể do mình không quản lý tiền tốt nên bị thâm hụt, có thể do mình không trang bị đủ kiến thức về tài chính dẫn đến phạm phải nhiều sai lầm trong chi tiêu, đầu tư… Lối suy nghĩ “nghèo hay không chỉ phụ thuộc vào chính mình” là một dạng tư duy theo chủ nghĩa tư bản, khuyến khích con người vươn lên để làm chủ kinh tế, tham gia hoạt động thị trường, tự mình làm nên và tự mình chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Với cách nhận định này, giải pháp để giúp ta thoát nghèo là chính ở bản thân mình, ta cần thay đổi để tự cứu mình. Trong các bài viết về tài chính cá nhân trên blog trước nay, tôi cũng tập trung khai thác khía cạnh này.
- Trong vòng tròn to, ta có thể lý giải rằng: mình nghèo là do bất công trong xã hội; khác biệt trong giai cấp—nền tảng tài chính gia đình ngay từ lúc sinh ra khiến cho mình có cố mấy cũng không thể vươn lên được, trong khi đó bạn thì rất dễ dàng đạt được tiền bạc, địa vị; chính sách xã hội khiến người giàu có cơ hội làm giàu thêm còn người ngheo tiếp tục nghèo đi. Lối suy nghĩ phân biệt giàu-nghèo do giai tầng, bất công xã hội này là một dạng tư duy theo chủ nghĩa xã hội, khuyến khích sự thay đổi về cấu trúc, mô hình xã hội, yêu cầu chính quyền nhà nước tham gia, can thiệp nhiều hơn để con người bình đẳng hơn. Với cách nhận định này, giải pháp giúp ta thoát nghèo là vận động thay đổi chính sách, bầu cử, tranh cử để tạo ra thay đổi về cấu trúc và bộ máy chính quyền, xã hội.
Tuy vậy, vì hai vòng tròn to-nhỏ này đồng tâm, bao gồm lẫn nhau, nên có thể nói giải pháp phù hợp nhất là phải kết hợp cả hai. Ta phải ý thức được những vấn đề lớn trong xã hội ảnh hưởng đến tài chính của mình, nhưng cũng không thể chỉ suốt ngày than vãn về chính trị mà không nhìn nhận lại vấn đề của bản thân. Ta phải thay đổi bản thân trước để quản lý tiền tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng đồng thời cũng lên tiếng đấu tranh cho thay đổi trong xã hội và nếu có thể, tham gia tranh cử vào các vị trí lãnh đạo để tạo thay đổi lớn hơn không chỉ cho mình mà còn cho nhiều người khác nữa.
Đối với kỹ năng
Trong cuộc sống, chúng ta hay ganh đua, ghen tị với nhau về kỹ năng, từ ngoại ngữ, vi tính, thuyết trình, viết lách đến nấu ăn, chụp ảnh, trang điểm, ăn mặc …
Khi so sánh với người khác, chúng ta thường chỉ nhìn vào điểm hạn chế của mình như không có năng khiếu, tiếp thu chậm, xuất phát điểm không tốt, vóc dàng không đẹp, không có mắt thẩm mỹ… (vòng tròn nhỏ). Mà ta quên đi rằng để có những kỹ năng tốt như kia, người ta có thể đã được đầu từ từ nhỏ, có điều kiện vất chất—hoàn cảnh thuận lợi thể rèn luyện kỹ năng (vòng tròn to).
Bởi vậy, để có thể đưa kỹ năng của mình lên tầm ngang với người khác, ta cần tìm hiểu xem xuất phát điểm của người đó từ đâu, so sánh với mình có công bằng hay không, và đồng thời nỗ lực không ngừng để vượt lên khiếm khuyết, hoàn thiện bản thân.
Tôi có phân tích khía cạnh kỹ năng này chi tiết, đầy đủ hơn trong bài viết “Nhìn nhận về tiếng Anh”.
Đối với quan hệ con người
Đúng vậy, mô hình tư duy này cũng có thể áp dụng trong quan hệ người với người—một trong những điều phức tạp và khó lý giải nhất của cuộc sống.
Thông thường, khi ta có mối quan hệ không tốt với một ai đó, ta thường nghĩ vấn đề chỉ nằm ở hai người (vòng tròn nhỏ): hoặc ta không tốt, hoặc người đó không tốt, hoặc cả hai không hợp nhau mà thôi. Nhưng thực chất có cả một nền tảng văn hóa, xã hội, lịch sử (vòng tròn to) đứng đằng sau từng mối quan hệ.
Lấy mối quan hệ “muôn thuở” mẹ chồng-nàng dâu làm ví dụ. Khi mối quan hệ này không tốt đẹp, những người trong cuộc hay chỉ tập trung vào những vấn đề của nhau, như “mẹ quá khắt khe, quá bất công, nói năng quá nặng lời” hay “con dâu mất nết, không nghe lời mẹ, suốt ngày chỉ chơi chứ không làm, nói ra lại cãi”. Nhưng ngay cả khi khác biệt về tính cách được xếp sang một bên, thì mẹ chồng và con dâu vẫn còn khoảng cách rất lớn về văn hóa, giáo dục, thế hệ khó có thể xóa bỏ.
Ví dụ như nếu người mẹ chồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ít học thì rất khó có thể hiểu nổi tại sao con dâu lại phải học cao, có sự nghiệp riêng, hay nuôi con theo khoa học. Người con dâu lớn lên trong gia đình hiện đại, được bố mẹ chiều chuộng thì khó có thể hiểu tại sao mẹ chồng lại bắt mình làm nhiều việc nhà như thế; trong khi đó mẹ chồng luôn miệng khẳng định: “Con dâu thời nay sướng như tiên, ngày xưa tôi làm dâu khổ hơn trăm bề” vì bà nghĩ bà đã là mẹ chồng tốt hơn mẹ chồng ngày xưa cùa mình rồi.
Mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu còn khó hơn khi mẹ chồng bị cả một nền giáo dục truyền thống, mô hình xã hội phong kiến từ hàng thế hệ kéo sang một bên. Còn con dâu lại bị áp lực của xã hội hiện đại, của sự ngộ độc thông tin trên mạng, của sự giằng xé giữa gia đình và sự nghiệp kéo sang một bên khác. Bởi vậy, nếu mẹ chồng và con dâu không nhìn nhận được các vấn đề từ nội tại lẫn bên ngoài và bỏ qua những khác biệt không thể dung hòa thì rất khó có thể duy trì một mối quan hệ tốt.
Tương tự, lối tư duy này cũng có thể được áp dụng vào quan hệ yêu đương, vợ chồng, bạn bè, sếp-nhân viên, đồng nghiệp, họ hàng…
——–
Trên đây chỉ là ba ví dụ, trong số rất nhiều những ứng dụng mà mô hình tư duy thường thức này có thể giúp bạn nhận định và phân tích cuộc sống một cách rõ ràng, sâu sắc hơn.
Ngừng lại một phút cho suy nghĩ, “vòng tròn nhỏ” và “vòng tròn to” của vấn đề bạn đang băn khoăn là gì?
Be Present,
Chi Nguyễn
*Bạn thích bài viết này? Hãy cân nhắc ủng hộ cho The Present Writer để blog có thể tiếp tục hoạt động phi lợi nhuận
**Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Phương Loan says
Mình cũng khá thích các lý thuyết tư duy vì như bạn nói – các lý thuyết thực ra được rút từ thực tế mà thôi. Thầy mình dạy lý thuyết tư duy – toàn lấy ví dụ thực tế và hài hước nên khiến sinh viên hiểu nhanh và nhớ lâu. Như phương pháp đánh giá đa tiêu chí – nghe tên thật hùng hổ nhưng thầy mình lấy ví dụ là đi mua quần áo thì có rất nhiều tiêu chí ảnh hưởng như giá tiền, thương hiệu, sở thích thì ngay thời điểm mua – tiêu chí nào ảnh hưởng lớn nhất thì nó có trọng số cao nhất v…v… kiểu như thế nên rất dễ hiểu 🙂 . Với lại các phương pháp còn có thể thể hiện qua cách nói so sánh hay ẩn dụ thông qua hình ảnh nào đó.
Cảm ơn bạn về bài viết nhé.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Chi cũng thích phương pháp dạy học có ví dụ đời thường như thế. Ngày xưa mình có thầy dạy Kinh tế toàn tính số tiền ra bát phở, vừa học vừa đói sôi bụng :))
Đạt Nguyễn says
Ôi em đang học kinh tế chị ạ, em sợ lý thuyết lắm vì toàn phải nghiên cứu nghiền ngẫm rất lâu cả số liệu lẫn thực tế mới hiểu được. Bởi vậy em rất ngại các từ phân tích, nghiên cứu :(( Mà đọc bài này của chị vừa dễ hiểu vừa hình dung ngay được việc áp dụng thực tế, cảm ơn bà chị Ph.D hehe <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết nhé! Chị mê lý thuyết nên hy vọng có ngày được giảng về lý thuyết với ví dụ thực tế ở bộ môn nào đó 😀
Bao Tran says
Hi bạn, một bài viết hay. Thế tóm gọi lại là
– Vòng tròn nhỏ thì là nội lực
– Vòng tròn to thì là ngoại lực
Đơn giản thế thôi đúng không ạ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Tóm gọn lại như bạn viết là cơ bản đúng với mô hình này. Tuy nhiên, ngoài ý nội lực và ngoại lực ra thì vòng tròn nhỏ còn là tư duy hẹp, nhìn vào cá nhân, sự việc điển hình; còn vòng tròn to là tư duy rộng, nhìn vào các yếu tố có tính hệ thống không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn nhiều người khác, nhiều sự việc khác. Nó cũng có thể trùng với ý nội lực-ngoại lực nhưng có nét khác đi một chút. Chính vì những ý tưởng lớp lang, nhiều nét nghĩa nên mình nghĩ vòng tròn nhỏ-to giúp người học/người đọc có thể tưởng tượng nhiều hơn là đơn giản hóa thêm thành nội lực-ngoại lực, trực tiếp-gián tiếp, hay vi mô-vĩ mô.
Duc Fam says
Rất cám ơn Chi đã chia sẻ bài này. Cách phân tích sự vật sự việc đến con người thế này anh đánh giá bao quát tốt các khía cạnh của một vấn đề. Cá nhân anh nghĩ phải được 90%.
Dat Tran says
Một mô hình rất hay. Nhìn sự vật, sự việc, con người một cách toàn diện. Tránh chủ quan, phiến diện kiểu thầy bói xem voi. Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
NamLD says
Bài viết rất hay, giúp bản thân sẽ có sự suy ngẫm, đánh giá đa chiều về các vấn đề. Cảm ơn bạn Chi đã chia sẻ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và chia sẻ
Hanna Vu says
Cảm ơn chị Chi Nguyễn!
Nhờ bài viết của chị mà em có thêm một công cụ nữa khi tiếp cận một sự vật, sự việc xung quanh mình, trực quan và dễ hiểu ạ!
Hồng Thương says
Chào Chi! Chị mới trở thành độc giả và thính giả của blog cũng như podcast của em được 1 tháng nay thôi, nhưng chị thực sự rất thích các bài viết của em, thấy rất gần gũi dễ hiểu và cực kỳ thiết thực, hữu dụng với chị. Đặc biệt là bài viết này và bài “Con nhà giàu con nhà nghèo khác nhau ở điểm nào?”, đứng ở góc nhìn khoa học, sử dụng những lý thuyết khoa học của giáo dục để giải thích về những vấn đề thực tiễn, rất là hay và dễ hiểu. Khi chị học các môn về giáo dục học xã hội hay curriculum, chị cũng chỉ thích các giáo sư nào mà hay đưa ra các ví dụ đời thường như thế này để giải thích về mấy lý luận khô khan (chị cũng đang học Tiến sĩ về giáo dục ở Đài Loan, nhưng chị thiên về mảng Instruction). Mong chờ nhiều bài viết như thế này nữa của em!
Chi Nguyễn says
Em cảm ơn chị ạ. Em viết những bài học thuật này trong những lúc “ngứa nghề” nghiên cứu :D. Sau này có điều kiện thời gian hơn, em sẽ đầu tư viết tiếp những bài như vậy
Mai Linh Trang says
Tư duy rộng hơn, nhìn nhận đa chiều hơn, con người cũng trở nên đỡ hẹp hòi hơn ạ!