Xem phần 1 của Minimalism & Wardrobe tại đây.
3. Trân trọng từng món đồ mình có
Khi có một tủ quần áo tối giản, bạn sẽ nhận ra là mỗi món đồ đều có vai trò rất quan trọng. Với số lượng đồ ít ỏi, bạn sẽ phải quay vòng một món đồ nhiều lần trong tuần và những món được yêu thích nhất sẽ có khả năng phải sử dụng với tần suất cao hơn. Vì vậy, việc đảm bảo từng món đồ luôn ở tình trạng tốt là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì tủ quần áo tối giản. Không ai muốn mặc đi mặc lại một cái áo đã sờn, rách, bạc màu nhưng việc thường xuyên phải mua sắm đồ mới thay thế cho đồ cũ rất dễ khiến bạn mua nhiều hơn những gì mình cần và dần dần, nản lòng với việc duy trì tủ quần áo tối giản. Do vậy, tôi luôn có lời khuyên là khi mua sắm, nên chọn đồ thiên về chất lượng hơn là số lượng, nên tiết kiệm tiền đầu tư vào những món dùng được lâu dài hơn là những món chỉ dùng được một vài lần. Lại càng không nên cố mua một món đồ không vừa cỡ, không đúng phong cách của mình chỉ vì chúng hợp với trào lưu.
Ngoài ra, tôi có niềm tin vào câu nói: “Của bền tại người” – việc mình sử dụng đồ như thế nào có tác động quan trọng đến “tuổi thọ” của từng món đồ. Trước khi theo Chủ nghĩa tối giản, tôi thường không quan tâm mấy đến việc giặt giũ, gấp gọn, và là ủi quần áo. Tôi thường gấp nhanh cho qua, chỉ vừa đủ để nhét cho xong vào các ngăn tủ chật ních. Tôi cũng rất lười là ủi quần áo, vì thế, tôi thường chỉ chuyên mua những món đồ ít để lại nếp nhăn như áo phông, quần bò (trong khi đó, tôi làm ở môi trường rất cần ăn mặc chỉn chu như quần tây, áo sơ mi). Cũng vì tốn rất nhiều thời gian mỗi sáng lôi đồ ra rồi lại nhét đồ vào, tôi từng luôn xuất hiện vội vã, hớt hơ hớt hải, thiếu tự tin vào hình thức của mình. Từ khi sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi học cách gấp quần áo hiệu quả từ phương pháp KonMari và dần trở nên thích gấp quần áo (thay vì than vãn, trì hoãn việc làm này như trước kia). Tôi cũng cố gắng là ủi quần áo một lượt ngay sau khi giặt để trước khi mặc chỉ cần 3-5 phút lượt qua là tôi có một bộ đồ chỉn chu. Nếu bạn giống như tôi và không giỏi là quần áo bằng bàn là truyền thống, bàn là hơi có tay cầm (steamer) là một lựa chọn tốt vì nó giản tiện, dễ sử dụng, thao tác nhanh, và áp dụng được với nhiều chất liệu vải. Cùng với việc gấp và ủi quần áo thường xuyên, tôi để ý hơn đến hướng dẫn giặt là in trên mác của từng món đồ để biết cách giặt đồ, là ủi phù hợp nhất. Ngày nay, với số lượng đồ không còn nhiều, tôi thường xuyên giặt tay những món đồ quan trọng thay vì tống hết cả vào máy như trước đây.
4. Nắm được món đồ nào thực sự hết giá trị sử dụng
Hai lý do tại sao mọi người thường lưu cữu những món đồ thời trang mình không còn dùng đến nữa là “tiếc của” (nếu món đồ có giá trị cao) và “cứ để đấy nhỡ sau có dịp dùng” (phòng hờ). Nhưng sự thật là nếu bạn đã không sử dụng một món đồ trong vòng 1-2 năm, khả năng cao là món đồ đó không bao giờ được sử dụng nữa. Vì vậy, để duy trì một tủ quần áo tối giản, bạn cần phải nắm được món nào thực sự không còn giá trị sử dụng với mình nữa.
Tuy nhiên, cái khó là ở chỗ, so với các loại đồ đạc khác, quần áo là thứ rất khó để đánh giá bao quát. Nếu nhìn thấy một cái bàn hay cái ghế cáu bẩn, bụi bặm, bị bỏ lại ở xó nhà, chắc chắn bạn sẽ nhận ra ngay món đồ đó đã lâu không được sử dụng và cũng dễ đưa ra quyết định bỏ đồ đi. Nhưng đối với quần áo, việc gấp gọn để (giấu) trong tủ và việc treo lên khin khít nhau trên giá sẽ làm bạn khó có thể nhận ra món nào mình đã dùng và đã không dùng trong vòng 1-2 năm trở lại đây.
Để đối phó với tình trạng này, cá nhân tôi thường áp dụng 2 phương pháp. Phương pháp thứ nhất là thường xuyên chụp ảnh trang phục cá nhân, đặc biệt những lần phối đồ mà mình thấy mặc hợp và tự tin. Sau đó, tải hình lên một album ảnh hoặc một trang nào đó riêng trên mạng (ví dụ như Pinterest). Sau 1 năm đến 1.5 năm, tôi giở lại bộ ảnh ra và đối chiếu với tủ quần áo hiện có, từ đó tôi có thể để riêng ra những món mình chưa từng sử dụng lần nào. Nếu 6 tháng tiếp theo tôi không đụng chút nào đến mấy món đó, khả năng cao là tôi sẽ cho chúng đi. Phương pháp thứ hai là treo móc ngược. Khi bắt đầu vào một năm mới hoặc một mùa mới, tôi sẽ treo tất cả quần áo của mình lên theo một chiều ngược (thường là đầu móc quay ra ngoài). Mỗi khi lấy một món đồ ra sử dụng, tôi sẽ treo lại trên giá nhưng theo chiều xuôi (thường là đầu móc quay vào trong). Sau 1 năm, tôi sẽ xem lại tủ quần áo của mình và lấy ra những món đồ vẫn còn đang treo chiều ngược (có nghĩa là chưa từng được mặc lần nào trong năm). Tôi sẽ đánh giá những món đồ đó và bỏ đi phần lớn những món không còn giá trị sử dụng nữa.
5. Chia sẻ tủ quần áo với người khác
Điều này nghe có vẻ hơi kỳ cục, nhưng bạn đã bao giờ chia sẻ tủ quần áo của mình với người khác chưa? Nếu bạn ở chung nhà với người có cùng phong cách ăn mặc, cùng ý muốn tối giản hoá quần áo, và cùng muốn tiết kiệm tiền mua sắm, chia sẻ tủ quần áo là một cách hữu hiệu để sáng tạo phong cách ăn mặc mà vẫn giữ số lượng quần áo tối giản. Tất nhiên, điều quan trọng là bạn phải được sự đồng ý của đối phương, bạn cần giữ gìn đồ dùng chung của cả hai, và luôn trả quần áo lại nguyên hiện trạng và vị trí cũ.
Khi mới bắt đầu đi làm cho một trường Đại học ở Việt Nam, tôi rất bí về phong cách ăn mặc công sở (vì khi đó tôi mới vừa học ra trường), trong khi tôi không có quá nhiều tiền để chi cho việc mua sắm. Thời gian đó, tôi mượn rất nhiều quần áo của mẹ tôi để đi làm (mẹ tôi là một người rất thời trang!). Việc này không chỉ giúp tôi tiết kiệm được tiền mà còn có thêm thời gian thử nghiệm các phong cách phối đồ công sở khác nhau trước khi chọn lựa một phong cách riêng cho mình.
Ngày nay, tôi chia sẻ tủ quần áo của mình với chồng tôi. Nghe có vẻ khó tin nhưng chúng tôi mua chung khá nhiều đồ với mục đích mặc được lẫn nhau. Những món đồ nam size lớn như áo hoodie, áo vest nỉ, áo jeans… chồng tôi mặc vừa in còn tôi mặc với phong cách oversize – một phong cách mà theo tôi là dễ thương và hợp với vóc dáng con gái Châu Á. Món đồ chung yêu thích của cả hai chúng tôi hiện nay là một chiếc áo vest nỉ nam màu ghi (thuộc bảng màu trung tính!). Chồng tôi mặc lên với áo sơ mi hay áo phông bên trong thì có vẻ lịch sự, chỉn chu, người lớn. Còn tôi xắn tay áo lên, mặc cùng váy bó bên trong và kết hợp với giày thể thao thì lại có vẻ trẻ trung, năng động. Cái áo vốn dành cho nam nhưng cả nam và nữ, nếu biết kết hợp, đều có thể mặc được đẹp. Vì vậy, đừng ngại xây dựng và chia sẻ một tủ quần áo phi giới tính.
6. Tự tin rằng: Mặc là để cho mình!
Trước khi chọn sống theo Chủ nghĩa tối giản, tôi thường hay lo lắng về cách mọi người nhìn vào và đánh giá hình thức của mình hàng ngày. Tôi thường lo ngại mọi người sẽ để ý nếu tôi mặc một bộ đồ nhiều hơn một lần trong tuần hay đồn đoán xem tôi có nhiều quần áo hay không. Điều này từng dẫn tôi tới thói quen mua sắm thường xuyên, càng mua càng thấy thiếu, càng thiếu lại càng cố mua để luôn làm mới hình ảnh của mình trong mắt người khác. Nhưng thực tế là gì? Thực tế là không quá nhiều người quan tâm đến từng cái ăn cái mặc của tôi hàng ngày. Họ có thể khen, có thể chê áo quần của tôi một vài lần, nhưng đó không có ý nghĩa gì quá lớn lao cả. Hơn nữa, dù có tích cực mua sắm đến thế nào, tôi cũng không thể chiều lòng gu thẩm mỹ khác nhau của mọi người.
Từ khi tối giản hoá cuộc sống, tôi bắt đầu tập trung nhiều hơn vào con người mình. Tôi nhận thấy chỉ khi tôi tự tin nói rằng: “Mặc là để cho mình, không phải cho bất kỳ một ai khác!”, mọi khen chê đều trở nên không còn quan trọng nữa. Tôi không còn băn khoăn mình có nên mua món này, đổi món kia để người khác thấy tôi có nhiều quần áo mới hay không. Tôi cũng không còn ngại mặc một món đồ nhiều hơn một lần trong tuần vì sợ người khác dò xét nữa. Tôi biết tôi là ai đằng sau lớp quần áo, giày dép, mỹ phẩm… – đó mới là điều quan trọng nhất.
——
Tôi tin rằng tủ quần áo nói lên rất nhiều về cách chúng ta đối xử với bản thân và với đồ dùng của mình. Một tủ quần áo “đẹp”, theo tôi, không phải là nơi ních đầy những món đồ hàng hiệu đắt tiền, mỗi lần mở ra đổ ập vào người, mà là nơi ta nhìn vào cảm thấy nhẹ nhõm, dễ chịu, và được truyền cảm hứng. Bạn cảm thấy như thế nào khi mở cửa tủ quần áo của mình mỗi sáng? Bạn có thấy vui, thấy hứng khởi cho một ngày mới không? Bạn có cảm thấy việc sửa soạn mỗi sáng nhanh gọn, dễ dàng, tự tin không? Nếu câu trả lời là không, tôi rất muốn bạn hứa với bản thân mình sẽ bắt đầu dọn dẹp để thay đổi ngay bây giờ, hãy bỏ đi tất cả những món đồ không cần thiết để lấy lại sự tự tin và nụ cười của bạn mỗi sáng.
Tôi biết đối với nhiều người (trong đó từng có tôi), tủ quần áo là một nơi rất đáng sợ, một nơi mà mình vừa stress vì nó, vừa không dám đụng vào, một nơi mà mình luôn chờ đợi cơ hội lớn (như chuyển nhà, có người giúp đỡ) để dám đối diện với nó. Nhưng hãy tin ở tôi, thay đổi nên bắt đầu từ bên trong chính bạn. Đừng chờ đợi bất kỳ ai và bất kỳ sự kiện gì để trì hoãn bạn nắm lấy tự do và hạnh phúc cho chính mình. Nếu tôi đã làm được, bạn chắc chắn sẽ làm được! Hãy giải phóng bản thân khỏi đồ dùng của mình vì bạn xứng đáng nhiều hơn thế!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
huhuh bài viết rất tuyệt vời chị ơi. Cái tips thứ 6 thực sự làm em như tỉnh ra chị ạ, cảm ơn chị đã dốc hết sức mình đem đến cho độc giả nhiều bài viết hay và thực tế như vậy. Chúc chị có một ngày vui vẻ ạaaaaaa