Trong bài viết tuần trước: Minimalism & Fashion: Xây dựng tủ quần áo cơ bản, tôi đã giới thiệu tới bạn đọc một số bước quan trọng để tối giản hoá tủ quần áo như tập trung vào những món đồ chất lượng, nhiều tính năng sử dụng và có thể kết hợp tốt với nhau. Trải qua quá trình xây dựng tủ quần áo cơ bản (capsule wardrobe), bạn sẽ có được một tủ đồ nhỏ nhưng “chất” và phù hợp với phong cách riêng của mình.
Nhưng thành thực mà nói, xây dựng một tủ quần áo cơ bản không khó bởi vì ai cũng đã có sẵn một vài món đồ mình yêu thích. Kể cả đối với những người có hàng trăm, hàng nghìn bộ quần áo, tôi tin rằng họ cũng có một vài bộ “tủ” mà họ thường mặc đi mặc lại nhiều lần. Giả sử một ngày bạn buộc phải ra đảo hoang sống và chỉ được phép mang theo hành lý là một vali xách tay, tôi tin chắc rằng ngay lập tức, bạn sẽ có thể lọc ra một vài món đồ cơ bản nhất, chất lượng nhất, và hữu dụng nhất để mang theo. Như vậy, thực sự không quá khó để xây dựng tủ quần áo cơ bản. Nhưng duy trì tủ quần áo tối giản —nơi mà tất cả quần áo, giày dép, phụ kiện, túi xách… chỉ quy về 30-50 món— mới là điều khó! Ngày nay, chúng ta không sống giữa hoang đảo, mà giữa hàng trăm tiệm mua sắm, hàng ngàn đợt giảm giá, và vô số chiêu trò marketing khiến ta không thể không rút ví. Bởi vậy, nếu không kiểm soát tốt mật độ mua sắm đồ mới và thường xuyên sắp xếp những món đồ cũ, chẳng mấy chốc, tủ quần áo sẽ “sinh sôi nảy nở” trông thấy và dần chiếm lấy cuộc sống của ta. Tin tôi đi, tôi đã từng trải qua những ngày tháng như vậy.
Vậy phải làm gì để duy trì một tủ quần áo tối giản?
1. Kiểm soát lượng đồ “vào” và “ra”
Yếu tố then chốt để duy trì tủ quần áo tối giản là cân bằng số lượng đồ mới mua và số lượng đồ đang có để đảm bảo mình không mua sắm quá nhiều những thứ trùng lặp, kém chất lượng, không cần thiết. Tôi từng viết rất nhiều theo chuỗi bài này về việc cần phân biệt rõ và chỉ nên mua những món mình cần (thiết yếu), chứ không phải những món mình muốn (không có cũng không sao). Sau 1,5 năm thực hành tối giản hoá cuộc sống, tôi đã nằm lòng tư duy mua sắm này và việc cân bằng giữa cái cần mua và cái muốn mua không còn quá khó. Tuy nhiên, đối với những bạn chưa vững vàng với lối tư duy này hoặc muốn thực hành theo các phương pháp cụ thể hơn, dưới đây là một số gợi ý:
- Project 333: Đây là một dự án/thử thách rất thú vị về quản lý tủ quần áo. Luật chơi yêu cầu: Bạn gói ghém cất đi phần lớn tủ quần áo của mình, chỉ lấy ra 33 món để dùng trong 3 tháng. 33 món đồ này bao gồm quần áo, giày, và trang sức; không bao gồm đồ lót, đồ ngủ, đồ mặc trong nhà, và đồ chơi thể thao. Trong vòng 3 tháng, bạn tuyệt đối chỉ sử dụng trong vòng 33 món này, không mua thêm đồ nào mới và không lấy lại đồ cũ mặc (trừ trường hợp đồ rách/hỏng có thể dùng cái khác thay thế). Sau 3 tháng, bạn đánh giá lại tủ quần áo của mình để bổ sung, mua mới, lấy thêm đồ cũ, hoặc bỏ bớt đồ đi… Hết 3 tháng đầu, bạn lặp lại chu trình trên cho 3 tháng tiếp theo. Dự án này đã thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới. Rất nhiều người làm theo dự án trong vòng 1-3 chu kỳ đã có cái nhìn khác về tủ quần áo của mình, kìm hãm được thói quen mua sắm vô độ, và tập trung tốt vào xây dựng phong cách riêng cho mình.
- The minimalist game: Đây là một thử thách/trò chơi mà hai bloggers trên The Minimalists khởi xướng mỗi ngày đầu tháng. Luật chơi không chỉ áp dụng cho quần áo mà cho các vật dụng trong nhà: mỗi ngày bạn sẽ bỏ đi ít nhất một món đồ, ngày thứ nhất bỏ một món, ngày thứ hai bỏ hai món, ngày thứ ba bỏ ba món… cứ như thế tăng tiến lên cho đến ngày cuối cùng của tháng. Thử thách này thích hợp với những người mới bắt đầu làm quen với Chủ nghĩa tối giản, không biết bắt đầu từ đâu, và muốn có động lực giảm bớt đi lượng đồ đạc mình đang sở hữu.
- One in-One out: Đây là một quy tắc về việc mua sắm cho tủ quần áo. Quy tắc rất đơn giản: Nếu bạn mua một món đồ mới thì phải bỏ một món đồ cũ (cùng loại) đi. Nói theo cách khác, quy tắc này yêu cầu bạn chỉ mua đồ mới khi cần thiết phải thay thế đồ cũ, đảm bảo số lượng trong tủ đồ luôn được giữ ổn định. Đây cũng là một cách vô cùng hữu hiệu để kiểm soát mua sắm bởi vì mỗi khi cân nhắc mua một món đồ mới, bạn phải nghĩ thêm món đồ cũ nào mình sẽ phải bỏ đi. Cách nghĩ này sẽ khiến bạn không còn thói quen mua sắm tuỳ hứng hay tiêu tiền thiếu kiểm soát nữa. Có nhiều người còn áp dụng triệt để hơn, thành “One in-Two out” (một món đồ vào, hai món đồ ra) và áp dụng quy tắc này đối với những nhóm đồ khác trong gia đình như tạp chí, sách, truyện, đồ trang điểm…
Cả 3 phương pháp này đều rất tốt cho việc thay đổi tư duy về mua sắm và kiểm soát lượng đồ mình hiện có, tôi rất khuyên bạn đọc thử ít nhất một phương pháp trong vài tháng để xem nó có ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống của mình. Cá nhân tôi thích “one in-one out” vì quy tắc này rất đơn giản mà lại vô cùng hiệu quả để vừa duy trì tủ quần áo tối giản, vừa rèn luyện tư duy mua sắm có tính toán, suy nghĩ. Tôi chưa từng thử hai phương pháp đầu tiên—”project 333″ và “the minimalist game” — vì tôi biết mình không phù hợp với những luật lệ khắt khe và cũng không thích đếm số đồ đạc mình sở hữu (tôi có trả lời cụ thể hơn về điểm này trên bài phỏng vấn với The Blue Expat podcast). Nhưng tôi biết có rất, rất nhiều người đã thành công với 2 phương pháp này và vẫn duy trì qua hàng năm trời. Vì vậy, không có lý do gì để bạn không cân nhắc cả 3 phương pháp trên.
Một điểm quan trọng nữa mà tôi học được trong quá trình tối giản hoá cuộc sống là việc tiết kiệm, tái chế đồ cũ không phải lúc nào cũng tốt. Hồi nhỏ tôi thường nghe người lớn dặn rằng: “Nếu quần áo nào không thích mặc ra ngoài đường nữa thì cứ giữ lại để mặc ở nhà cho đỡ phí!” Đây có vẻ là một ý kiến hay để tiết kiệm và tái sử dụng đồ dùng của mình, nhưng trên thực tế, nó thực sự phản tác dụng với tôi khi trưởng thành. Vì có thói quen giữ khư khư những món đồ mình không thích mặc ra đường để mặc ở nhà, tôi cho đó là cái cớ để không bỏ đi bất cứ món đồ nào trong tủ quần áo. Trong khi đó, việc mặc những món đồ cũ ở nhà làm tôi rất khó chịu (vì chúng vốn được thiết kế chỉ để đi ra đường) và thiếu tự tin (vì chúng vốn đã không còn làm tôi vui – “spark joy”– nữa). Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên mình “dám” bỏ tiền ra mua một bộ đồ mặc nhà của một thương hiệu chuyên sản xuất loại mặt hàng này bên Mỹ. Khi mặc bộ đồ đó vào, tôi mới cảm thấy khác biệt rõ rệt. Bộ đồ mặc nhà được thiết kế với chất lượng nhẹ, êm, mềm, thoải mái, khác hẳn những món đồ tạp nham mà tôi giữ lại và “tái sử dụng” trước đây. Ngay ngày hôm đó, tôi đã dành hẳn cả buổi tối để lọc bỏ đi hầu hết những bộ đồ đi đường mà tôi giữ lại để mặc nhà, bao gồm cả những chiếc áo phông miễn phí tôi thường lấy bừa về để mặc đi ngủ (miễn phí đồng nghĩa với size lớn, chất vải cứng, và in hình logo hãng bán hàng rất kỳ cục). Sau trải nghiệm đó, trước khi quyết định giữ lại một món đồ cũ để “tái chế” hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, tôi thường tự hỏi: “Liệu mình có thực sự dùng lại món đồ này không? Nếu món đồ này bày bán trên kệ ngay hôm nay, mình có sẵn sàng bỏ tiền ra mua mới không?” Nếu câu trả lời là không, tôi sẽ để món đồ đó ra đi.
2. Treo quần áo vs. Gấp quần áo
Tôi từng viết về kinh nghiệm của mình trong việc thay đổi từ cất quần áo không mặc vào trong vali sang treo tất cả quần áo lên và tại sao việc làm này lại giúp tôi tôi kiểm soát tủ quần áo của mình (đọc thêm ở đây). Đối với tôi, việc treo quần áo lên giá khiến tôi có cái nhìn bao quát hơn về những gì mình sở hữu, từ mùa đông đến mùa hè, từ mặc hàng ngay đến mặc sự kiện. Từ đó, tôi dễ dàng đưa ra quyết định phối đồ, mua bổ sung, hoặc bỏ đi đồ cũ mình không còn muốn mặc. Hiện nay tôi treo tất cả quần áo mặc đi đường hàng ngày, áo khoác, túi xách, khăn quàng, và thắt lứng (đặc biệt đối với khăn quàng và thắt lưng, bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng mình sở hữu khi treo chúng lên đấy!).
Tôi cũng có một cái tủ nhỏ đựng quần áo gấp gọn, bao gồm: đồ lót, đồ ngủ, đồ mặc nhà, đồ tập thể thao, mũ, và tất. Bởi vì những món này thường khó có thể treo lên giá (do kiểu dáng và chất liệu vải) và chúng cũng thường được sử dụng với tần suất nhiều hơn trong tuần, tôi cảm thấy phù hợp hơn khi gấp để vào tủ. Để nhận biết rõ và phân loại dễ dàng đồ nào vào ngăn tủ gì, tôi dán mác (label) cho từng ngăn bằng giấy và băng dính. Cách làm này cũng giúp cho người khác trong gia đình nếu gấp đồ giùm cho mình (ví dụ: vợ/chồng, anh/chị) có thể dễ dàng để đồ vào đúng vị trí mình mong muốn.
Đối với cả việc gấp và treo quần áo, tôi cảm thấy điều mà mọi người thường không để ý (mặc dù rất quan trọng) là phải giữ khoảng cách nhất định để đồ đạc được “thở”. Nghe có vẻ hơi buồn cười nhưng theo tôi, đây là một yếu tố quan trọng để có tư duy tối giản. Tối giản có nghĩa là bạn chấp nhận (và yêu thích) có khoảng trống trong nhà, đồng nghĩa với việc bạn không nhất thiết phải tìm cách lấp đầy tất cả các chỗ trống bằng đồ đạc. Ngày trước, mỗi khi thấy giá treo quần áo có thể “lèn” thêm một vài cái móc nữa, tôi cũng phải cố cho thêm vào cho kỳ được, hay khi thấy tủ đựng đồ còn ngăn trống, tôi phải nghĩ có thể mua thêm đồ mới để vào đó cho đỡ “phí”. Đây chính là căn nguyên của việc đồ đạc ngày một “sinh sôi” mất kiểm soát Ngày nay, tôi cảm thấy thư giãn khi có thể lướt qua các móc treo trên giá mà vẫn có thể nhìn rõ từng món đồ một (thay vì chật vật kéo ra từng món như trước đây) và cảm thấy các món đồ cũng “dễ thở” hơn khì không còn phải chen chúc, chèn ép nhau trong tủ nữa.
—
Vì bài viết đã khá dài và khá nặng về thông tin, tôi sẽ viết thêm 3 kinh nghiệm nữa để duy trì tủ quần áo tối giản vào tuần tới. (Đọc phần 2). Cám ơn mọi người đã quan tâm theo dõi!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Chị Phương says
Một bài viết rất thú vị, cám ơn em Chi đã chia sẻ.
Với chị, chị không thử project 333 nhưng vẫn luôn hạn chết số lượng quần áo, giày dép ở mức dưới 50 items cho HN ẩm ương kiểu sáng mùa đông, trưa mùa hè và tối tối thu này. Thực sự là khi sở hữu ít quần áo và đồ đạc, mình thấy yêu thích chúng hơn, tiết kiệm cực nhiều thời gian suy nghĩ mặc gì, chưa kể việc phối đồ tốt làm mọi người còn thường xuyên hỏi đồ mới à.
Với Minimal games thì chị thấy không phù hợp với chị, do hồi mới bắt đầu, chị quyết tâm 1 nhát, bỏ gần hết đồ luôn. Sang tháng thứ 2 là gần như bỏ được gần hết đồ mình ko dùng. Chị vẫn review hàng tháng xem giữ lại gì, và những đồ nào không dùng thì bỏ đi.
Chị rất thích one -in, one out, nhưng chị áp dụng one in – two out để nghiêm khắc với bản thân hơn trong việc mua sắm. Do những món đồ mình giữ lại đều là những thứ rất yêu thích rồi, nên khi áp dụng nguyên tắc này, mình luôn phải thực sự rất cân nhắc trước khi mua.
Hiện tại thì chị đang thực hiện thử thách 30 ngày không mua sắm cùng 2 bạn nữa, đã bắt đầu được 2 tuần rồi em ạ, lắm lúc cũng căng thẳng phết ;)).
Chi Nguyễn says
Em cám ơn chị! Em thấy nếu mình mới bắt đầu bỏ một nhát mạnh tay hết các đồ thừa thãi thì không chỉ nhà cửa được quang hẳn lên mà bản thân mình cũng có thay đổi mạnh mẽ trong tư duy về những món đồ mình sở hữu. Thử thách 30 ngày không mua sắm có vẻ rất thú vị (và gay cấn nữa) :)) — kết thúc 30 ngày có gì học được chị chia sẻ với em nhé!
Thùy Nhiên says
Cám ơn bạn nha. Bài viết hay quá. Have a nice weekend. :)))
Sói ăn chay says
Bạn là người đầu tiên mà tôi biết ở VN tìm hiểu về minimalist life style, rất vui vì có người cũng tham khảo project 333 và đọc bài trên theminimalist của Joshua và Ryan. Không biết nói gì hơn, tuyệt vời!
Chi Nguyễn says
Dạ. Đúng là minimalist life style còn mới lạ ở Việt Nam nhưng mình tin là tương lai sẽ có nhiều người biết đến hơn về phong cách sống này, qua những bài viết như thế này và nhờ sự chia sẻ của cộng đồng. Sắp tới sẽ còn tiếp tục nhiều vài về chủ đề này nữa, hy vọng bạn ghé blog thường xuyên 🙂
Shameless Monsters - N says
One in – one out cũng là quy tắc em áp dụng triệt để cho những thứ có xu hướng dễ bị mua kiểu “ngẫu hứng” như quần áo, mỹ phẩm, đồ chăm sóc cơ thể linh tinh như dầu gội sữa tắm linh tinh. Hồi cách đây 2 năm, lúc trước khi bắt đầu tìm hiểu về Minimalism, em là đứa có thói quen mua ngẫu hứng kiểu “ôi dào đằng nào cũng dùng đến mà”, kiểu cứ thấy hay hay, rẻ rẻ là mua. Xong rồi nhà cửa bề bộn bao nhiêu là quần áo lạc quẻ, chỉ mặc được 1 vài lần là chán hoặc không kết hợp được gì cả. Đi drugstore về là lại khuân 1 đống thứ linh tinh kiểu cái gì cũng-cần hoặc muốn-thử, mà thực sự là nhà-vẫn-còn, dùng dang dở bỏ xó nhưng vẫn không nỡ ném đi vì “tiếc của”. Giờ thì cứ phải dùng hết sạch mới chạy đi mua refill, quần áo mua 1 món về là cũng bỏ đi 1 món không dùng/ không thích nữa.
Em cũng đang nháp 1 bài về chủ đề quần áo từ lâu lắm rồi mà chưa hoàn thành được vì bận với thấy mình ăn mặc nhạt nhẽo quá, cảm thấy chả có gì để phát biểu cả 😂 Quần áo của em giờ đếm ra chưa chắc đã được 33 items, giày mùa đông 2 đôi, mùa hè 2 đôi, hầu như toàn màu đen, thậm chí còn mua cả 2 cái giống y chang nhau để mặc.
Hiện giờ em tránh mua đồ của các hãng bán fast fashion như H&M, F21, Zara vì không mặc đồ theo trend, các món basic của mấy hãng này thì chất lượng vải kém, nhanh mất dáng. Một năm nay em đi mua sắm chưa quá 5 lần ở store, và thường là đi department store mua những món đã ngắm và suy nghĩ từ trước, giá mắc hơn nhiều lần nhưng đồng thời cũng tốt và bền hơn.
Kiểm soát được số lượng đồ đạc luôn ở mức đủ-dùng và được dùng thường-xuyên là thứ làm cuộc sống của em khác biệt hẳn so với trước kia. Đặc biệt là khi phải di chuyển, đi xa cũng rất tiện. Không phải suy nghĩ quá nhiều việc mang gì đi, để gì lại. Gần như em có thể pack hết đồ đạc cá nhân em đang có và sẵn sàng cho những chuyến đi 1, 2 tuần ngay lập tức 😀
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã chia sẻ kinh nghiệm rất thú vị! Chị cũng có nhiều quần áo tốt mà không còn dùng nữa, chị thường dọn lại một nhóm rồi bán đi cho các second-hand store (những cái họ không mua thì tự động donate). Nếu em ở Mỹ, chị thấy tiệm second-hand store này trả giá cho đồ mình bán khá tốt, họ còn miễn phí shipping và cho túi bọc quần áo nữa: http://www.buffaloexchange.com/
Chị vừa pack tất cả quần áo và đồ dùng cá nhân vào 1 vali carry-on cho chuyến về Việt Nam trong 3 tháng. Đây cũng như kiểu thử thách và trải nghiệm xem khả năng ứng phó của mình như thế nào khi đi xa dài ngày với số lượng quần áo ít ỏi 😀 Bao giờ về, có thể chị sẽ viết thêm về trải nghiệm này nữa.
Nhi says
Cảm ơn c iu. Chủ đề quá hữu ích cho e c ạ