Trong Phần 1 của bài viết này, tôi đã bàn về lợi ích của việc có một không gian sống “sạch” và thế nào là không gian sống theo phong cách tối giản. Tuần này, khi những ngày Tết Nguyên đán đã tới gần, tôi sẽ chia sẻ một số ý tưởng để bạn đọc có thể bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, tối giản hoá không gian sống ngay từ hôm nay. Tôi cũng có đôi dòng hoài niệm về việc dọn nhà đón Tết và những điều tôi muốn thay đổi vào dịp Tết năm nay.
MỘT SỐ Ý TƯỞNG ĐỂ BẮT ĐẦU NGAY HÔM NAY
1. Chọn chủ đề cho không gian của mình. Để có một không gian sống vừa đẹp, vừa có điểm nhấn đặc biệt, lại nằm trong tổng thể hài hoà (xem phần 1), tôi nghĩ việc định hình cho căn phòng/ngôi nhà của mình theo một phong cách nhất định là rất quan trọng. Bạn có thể chọn duy nhất một phong cách xuyên suốt toàn bộ căn nhà (ví dụ, căn hộ tôi hiện đang ở được thống nhất thiết kế theo hướng đơn giản, hiện đại) nhưng bạn cũng có thể chọn cho mỗi phòng hoặc mỗi không gian nhỏ một chủ đề riêng (ví dụ, phòng chơi của con thì vui nhộn, nhiều màu sắc; phòng bố mẹ thì ấm cúng, sang trọng). Nếu bạn là người đa phong cách hoặc chưa bao giờ thay đổi không gian sống của mình, việc đột ngột phài tìm ra một phong cách/chủ đề nhất định sẽ tương đối khó. Nhưng thực sự, có rất nhiều lợi ích đến từ việc này. Thứ nhất, nếu đã xác định được phong cách/chủ đề của không gian sống, bạn sẽ dễ đưa ra quyết định khi dọn đồ cũ và mua đồ mới bằng việc đặt một câu hỏi đơn giản: “Món đồ này có thực sự hợp với phong cách/chủ đề không gian của mình không?”. Nếu câu trả lời là không (vì bất cứ yếu tố nào như màu sắc, chất liệu, kiểu dáng, kích cỡ…), bạn sẽ biết ngay rằng mình không cần món đồ đó nữa. Thứ hai, khi bước vào một không gian hài hoà, đồng bộ, có phong cách, con người thường cảm thấy vừa mắt, dễ chịu hơn là một không gian rối rắm, không theo một chủ đề nào cả. Thứ ba, vì không gian sống nói lên bạn là ai, việc định hình phong cách đồng nhất cho căn nhà/căn phòng của mình sẽ thể hiện rõ hơn cá tính, tư tưởng, và thẩm mỹ của bạn—một hình thức nhẹ nhàng để thể hiện “cái tôi” của mỗi người. Và còn rất nhiều lợi ích khác nữa …. Nhưng điều thú vị nhất là không cần tốn kém quá nhiều để có thể tạo dựng phong cách/chủ đề cho nhà mình. Ta có thể bắt đầu bằng việc suy nghĩ về phong cách mà mình thích, tham khảo trên mạng hình ảnh về căn phòng được thiết kế theo phong cách đó, và “shopping” ngay chính đồ đạc mình hiện có để thanh lọc lại những món thật sự phù hợp.
2. Đừng sợ khoảng trống. Điều này nghe hơi khôi hài nhưng có rất nhiều người (bao gồm tôi ngày trước) cảm thấy áp lực phải che lấp khoảng trống trong không gian sống. Khoảng trống này có thể là một bức tường trắng, cũng có thể là một góc nhà, hoặc là mặt bàn, mặt tủ. Tức là nếu thấy trống ở đâu, lập tức phải tìm ngay thứ gì đó đặt vào “cho đỡ phí không gian”. Điều này thực sự trái ngược với tư duy của Chủ nghĩa tối giản. Nếu bạn đã yêu thích và muốn ứng dụng Chủ nghĩa tối giản vào cuộc sống, ắt hẳn bạn sẽ dần “yêu” những khoảng trống. Khoảng trống là nơi chúng ta và đồ đạc trong gia đình có thể “thở”. Khoảng trống thường làm cho ta cảm thấy thư giãn, nhẹ nhõm, yên bình. Khoảng trống dễ tạo ra cảm giác sạch sẽ, dễ chịu, quang quẻ. Việc tôn trọng và giữ gìn khoảng trống cũng sẽ giúp hạn chế bày bừa đồ đạc ra ngoài, treo đồ trang trí một cách thiếu cân nhắc, và để bụi bặm bám vào đồ dùng hàng ngày. Giữ lại nhiều khoảng trống không đồng nghĩa với việc phải ngừng treo ảnh kỷ niệm, tranh treo tường, hay để đồ trưng bày trên bàn… mà chỉ là tối giản hoá những thứ này, cân nhắc kỹ chỉ để ra những món thực sự đẹp và có ý nghĩa mà thôi.
3. Cẩn thận với đồ nội thất – chúng có thể là cái bẫy!!! Có thể nói không ngoa là gia đình tôi có truyền thống tích trữ đồ nội thất. Từ hồi bé, tôi đã chứng kiến những món đồ rất lớn như tủ tường, tủ sách, bàn máy tính… được chuyển qua đường ban công vào trong các tầng (vì cầu thang nhà tôi rất nhỏ) – đa phần những món này là miễn phí, được nhặt lại qua các đợt bạn bè ba mẹ tôi chuyển nhà cho hoặc cơ quan thanh lý cho. Rồi còn những món đồ nội thất nhà mua nhưng không dùng đến cũng được chuyển vào các tầng để sử dụng vào mục đích khác. Nhưng chung quy, không có mục đích nào ngoài mục đích chứa đồ – hay “giấu đồ”. Việc có nhiều đồ nội thất có thể là cái bẫy vì nó khiến ta nghĩ rằng mình có nhiều chỗ để để đồ hơn, cảm giác đồ của mình không nhiều (tránh né việc bỏ đồ thừa đi), và thậm chí có nhu cầu mua thêm đồ mới (cũng như nhu cầu lấp đầy khoảng trống). Nội thất lại khó bỏ, khó hơn nhiều những đồ đạc khác. Bỏ đi một cái quần, một cái áo đã là khó đối với nhiều người thì việc bê vác một món đồ nội thất lên lên xuống xuống (thậm chí qua cả ban công như gia đình tôi) là việc không tưởng, chưa kể đến việc phải nghĩ xem nên cho ai hay bỏ đi đâu những thứ cồng kềnh như vậy. Việc này dẫn đến đồ đạc càng ngày càng nhiều, không gian sống càng ngày càng thu hẹp lại, con người càng cảm thấy ngột ngạt trong nhà mình. Những đồ nội thất có bề mặt thấp như bàn, ghế, tủ nhỏ… rất dễ trở thành nơi để ta “tiện tay” để lên giấy tờ, tạp chí, chìa khoá… khiến cho chẳng mấy chốc nhà trở nên bề bộn và không biết bắt đầu dọn từ đâu. Vì vậy, tôi rất khuyên các bạn khi bắt đầu Chủ nghĩa tối giản hãy xem lại những món đồ nội thất trong nhà, đặc biệt là tủ tường, tủ đứng…, nghĩ xem những món này có thực sự cần thiết cho gia đình mình hay không, nó đang chứa những món đồ thiết yếu hay chỉ là nơi “giấu” những món mình không còn muốn sử dụng nữa. Bạn cũng nên cẩn thận khi nghe lời đề nghị lấy một món nội thất nào đó miễn phí, bởi vì chúng có thể là cái bẫy khó mà thoát ra được để ta tối giản hoá không gian sống của mình.
4. Tinh giản quá trình dọn dẹp. Nếu bạn có ít đồ đạc (đặc biệt là đồ nội thất) và tôn trọng không gian trống trong nhà, quá trình dọn nhà sẽ trở nên rất đơn giản. Và vì đơn giản, bạn sẽ có động lực để lau dọn thường xuyên hơn. Đây theo tôi cũng là điểm mạnh nhất của việc tạo không gian sống theo phong cách tối giản vì thực sự không mất nhiều thời gian và công sức để duy trì. Nhưng nếu bạn chưa thế bỏ phần lớn đồ đạc dư thừa ngay lập tức, bạn cũng có thể tối ưu hoá quá trình dọn dẹp của mình bằng cách tập trung vào những khu vực quan trọng sau đây: bề mặt (bàn, ghế, tủ), đồ treo tường (tranh ảnh, đồ trang trí, gương), sàn nhà (hút bụi với thảm, lau khăn ẩm với gạch men), trần nhà (quét mạng nhện, sơn chỗ ẩm mốc). Đây là những khu vực mà con người thường tiếp xúc nhiều nhất và dễ “đập vào mắt” nhất. Tôi và chồng tôi thường lập một danh sách các khu vực cần dọn dẹp như vậy và chia sẻ với nhau để phân công công việc rõ ràng cho mỗi cuối tuần. Vì ai làm việc người nấy nên việc tinh giản hoá quá trình dọn dẹp giúp mỗi người tự giác và có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ của mình. Quy trình này có thể khác nhau tuỳ theo hoàn cảnh của từng gia đình, nhưng càng tinh giản quá trình dọn dẹp tới đâu, ta lại càng có động lực để hoàn thành công việc này nhanh hơn và chính xác hơn.
5. Đừng nhắm vào sự hoàn hảo. Như tôi từng viết nhiều lần trên blog, đến với Chủ nghĩa tối giản là cả một quá trình và có lẽ sẽ không bao giờ tới một đích hoàn hảo. Đây cũng không phải là một cuộc thi xem ai ít đồ hơn ai, ai “văn minh” hơn ai, hay ai tối giản hơn ai, mà đơn giản chỉ là một phong cách sống. Tương tự như vậy đối với việc dọn nhà hay tạo không gian sống tối giản, tôi nghĩ ta nên thả lỏng bản thân, không đặt các tiêu chí quá cao, và quan trọng nhất, không áp đặt lên người khác. Cá nhân tôi thích để một khoảng thời gian tương đối ra để dọn dẹp, bắt đầu bằng việc hít thở không khí trong lành, bật playlist nhạc yêu thích, châm sẵn bình trà ngon, đeo găng tay cho sạch sẽ, và bắt đầu làm việc với một nụ cười. Dọn dẹp sẽ vui hơn khi làm cùng người khác, nhưng không có nghĩa là ép buộc, theo sau đánh giá, săm soi việc làm của người ta. Tôi thích việc dọn dẹp được diễn ra có quy củ nhưng nhẹ nhàng, không gượng ép, và không cứ phải làm mọi thứ hoàn hảo ngay lập tức. Trước đây tôi từng “hùng hục” dọn dẹp, làm sao cho thật nhanh, thật chóng, thật tiết kiệm thời gian để “còn làm việc khác”. Nhưng một lần, dưới sự gợi ý của chồng tôi, tôi bấm giờ đo thời gian dọn nhà kiểu “hùng hục” và dọn nhà kiểu nhẹ nhàng, thảnh thơi. Kết quả là thời gian không hề khác nhau là mấy, với việc nhăn nhó, ức chế, mồ hôi đầm đìa làm luôn chân luôn tay, tôi chỉ nhanh hơn quá trình làm chậm rãi, vừa làm vừa nghe nhạc, uống trà là 5 phút! Có lẽ là khi làm nhanh, tôi cảm thấy ức chế nhiều hơn, đầu óc không được thư giãn, lại cầu toàn muốn vừa làm nhanh vừa làm tốt nên lại kéo dài thêm thời gian. Vì thế từ hồi về Hà Nội, tôi hay nhắc lại ý này bằng câu đùa: “Xe buýt nhanh BRT chỉ nhanh hơn xe buýt thường có 5 phút” :). Cứ từ từ “tận hưởng” công việc dọn dẹp, tôi tin bạn sẽ dần “yêu” nó hơn!
ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC DỌN NHÀ NGÀY TẾT
Ở gia đình tôi, việc lau dọn nhà vào trước và trong đêm Tất niên đã trở thành một điều không thể thiếu. Tôi cũng từng đến nhiều gia đình bạn bè ở Hà Nội vào ngày 29, 30 và cũng thấy không khí chuẩn bị Tết hệt như vậy. Tôi thích việc tất cả các thành viên trong gia đình, dù trong năm bận rộn đến đâu, ít gặp nhau như thế nào, cũng cùng nhau quay vào dọn nhà ngày Tết. Tôi thích việc lau dọn bàn thờ, dọn dẹp lư đồng, tách chén để chuẩn bị cúng cho một năm mới. Tôi thích được thả chân xuống sàn nhà sạch bóng, trơn mát, thơm mùi nước lau sàn để cùng cả nhà xem Táo quân.
Nhưng dọn dẹp ngày Tết cũng có thể rất căng thẳng. Đối với nhiều gia đình, đây có thể là dịp duy nhất trong năm mọi người mới lôi hết đồ đạc ra để lau dọn, dẫn đến việc “ngợp” vì quá nhiều thứ phải làm. Làm dồn việc như vậy sẽ dẫn đến cáu bẳn, gắt gỏng, và chỉ trích lẫn nhau. Chưa kể đến việc vì có nhiều người cả năm không gặp nhau nên khó mà biết lắng nghe, thông cảm, và chia sẻ lẫn nhau ngay được. Tôi không thích việc dồn mọi việc nhà vào cuối năm để dọn một thể. Tôi không thích việc cuối năm vẫn phải nai lưng ra làm nhiều hơn cả trong năm thay vì được nghỉ ngơi đón Tết. Tôi không thích việc mọi người to tiếng với nhau chỉ vì những việc rất bình thường như quét nhà, rửa ấm chén.
Năm nay là năm đầu tiên sau 4 năm xa nhà tôi được ăn Tết ở Hà Nội. Tôi nghĩ mình đã đôi phần trưởng thành hơn, biết nghĩ hơn và biết lắng nghe hơn. Tôi muốn tối giản hoá công việc chuẩn bị Tết, coi việc dọn nhà chỉ là một phần trong một vài đầu công việc đơn giản để đón Xuân. Điều quan trọng có lẽ không phải sửa soạn bề ngoài như thế nào, mà là tạo không gian tích cực cho các thành viên trong gia đình. Tôi muốn ngừng hẳn việc so sánh, đổ lỗi, hay chỉ đạo người khác – đó không phải là mục đích của việc dọn nhà Tất niên. Tôi muốn được coi đây là một ngày bình thường như mọi ngày, một ngày tôi sửa soạn không gian sống đẹp cho gia đình tôi, cho bạn bè tôi, và cho khách đến chơi nhà.
Còn bạn thì sao? Bạn có dự định dọn nhà vào Tất niên năm nay không? Không khí chuẩn bị Tết của gia đình bạn như thế nào? Chia sẻ với tôi trong phần comment nhé!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Duck says
chúc Chi ăn tết vui vẻ nhé!!! dọn dẹp thôi nào
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn! Chúc bạn ăn Tết vui vẻ nhé 😀
Ngọc Anh says
Bài viết hay lắm chị ạ!
Em đã bắt đầu theo dõi chị từ bài đầu tiên về chủ nghĩa sống tối giản, và chị đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều, trong cả lifestyle và productivity 🙂
Hi vọng năm mới chị có thể viết một bài về phone detox, em nghĩ đây là điều nhiều người cũng muốn thử đó ạ 🙂 nhất là các tips cho những người bận rộn phải quan hệ xã giao nhiều. Em cảm ơn ạ, luôn ủng hộ chị!
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Chị đã ghi lại gợi ý của em về phone detox. Có lẽ chị sẽ làm một bài về digital detox trong tương lai – chị nghĩ đây cũng là điều cần thiết để giảm tiêu cực từ mạng xã hội và làm việc hiệu quả hơn. Chúc em năm mới nhiều niềm vui nhé!
Kattie Cao says
Chi ơi viết về phone detox đi, rất mong đợi được đọc đó
Kattie Cao says
Mình cũng đã tìm đọc theo chủ đề phone detox và thấy mình cũng cần phải thực hiện ngay. Cảm ơn Chi và mọi người:
http://www.popsugar.com/tech/How-Stay-Off-Your-Phone-35379919
Nhu Nguyen says
Cám ơn chị Chi đã chia sẻ những kiến thức và kỹ năng rất cần thiết, hầu như bài viết nào của chị em cũng đọc vì “gãi đúng chỗ ngứa” lắm ạ 🙂
Em rất thích đọc blog và hay mân mê tìm trên mạng nhưng đến nay có lẽ blog của chị quy tụ những vấn đề mà em đang quan tâm nhất. Mong chị luôn có sức khỏe và thời gian để tiếp tục viết và sáng tạo. 🙂