Chỉ còn vài tuần nữa là tới ngày Tết Nguyên đán. Đối với nhiều gia đình, đây có lẽ là dịp duy nhất trong năm mà các thành viên cùng chung tay dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn phòng ốc tươm tất để đón khách quý cho năm mới. Mặc dù tôi luôn là người phản đối việc tích trữ đồ cả năm rồi cuối năm mới dọn “một thể”, tôi hiểu rằng nhiều người cần có một động lực lớn (như đón năm mới, có khách đến chơi nhà…) để bắt đầu công cuộc tối giản hoá cuộc sống của mình. Thêm nữa, đây là năm đầu tiên tôi ở nhà ăn Tết sau gần 4 năm đi học xa, tôi cảm nhận được rõ hơn không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam và cảm thông hơn những vất vả, ngược xuôi mọi người phải trải qua trong một năm để có một cái Tết yên ấm bên gia đình. Vì vậy, tôi thấy đây là dịp tuyệt vời để mọi người cùng nhìn lại tất cả những món đồ mình sở hữu trong một năm qua và những năm trước đó, cùng bắt tay dọn dẹp nhà cửa, tối giản hoá cuộc sống, và hướng về một năm mới với tư duy thông suốt hơn, cởi mở hơn, và tích cực hơn.
Bài viết này bao gồm 2 phần: Phần 1 bàn về lợi ích và ý nghĩa của việc có một không gian sống “sạch” theo phong cách tối giản; Phần 2 là một vài ý tưởng để bắt tay tối giản hoá nhà cửa ngay trước Tết. Bài viết này nhằm bắt đầu cuộc đối thoại giữa tôi và bạn đọc về tối giản hoá không gian sống. Tôi hy vọng đây là cuộc đối thoại đa chiều, nơi chúng ta cùng học hỏi lẫn nhau về cuộc sống, không có gì là tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, chỉ có trải nghiệm và chia sẻ. Cuộc đối thoại tất nhiên sẽ không gói gọn trong một bài viết này mà còn có thể tiếp tục ở nhiều bài viết khác, với những hình thức trao đổi và kênh thông tin khác.
LỢI ÍCH GÌ TỪ MỘT KHÔNG GIAN SỐNG “SẠCH”?
Cha ông ta có câu nói: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” – nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp thì chất lượng cuộc sống mới nâng cao lên được. Dù bạn có là người theo phong cách tối giản hay không, tôi tin bạn cũng mong muốn được có một không gian sống “sạch”. Sạch ở đây có thể hiểu đơn thuần là vệ sinh sạch sẽ, nhưng cũng có thể hiểu là “sạch mắt” – là quang quẻ, thoáng đãng, dễ nhìn. Hai điều này không phải lúc nào cũng đi cùng với nhau. Ví dụ, căn hộ tôi ở cách đây 3 năm là một căn hộ rất sạch sẽ vì tôi dành nhiều thời gian để lau dọn hàng ngày, nhưng nó không hề thoáng đãng vì luôn ở trong tình trạng quá tải đồ đạc. Càng nhiều đồ đạc thì lại càng dễ bám bụi và càng tốn thêm nhiều thời gian để lau dọn. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy ngột ngạt, stress khi về nhà, tôi cũng không thê rtập trung học/làm việc tại nhà bởi mỗi lần nhìn quanh là tôi lại nghĩ mình phải dọn cái này, phải lau cái kia, phải để món đồ này vào chỗ khác… Sau này, khi biết đến Chủ nghĩa tối giản, tôi nhận ra khải niệm về không gian sống “sạch” của mình phải khác đi, bởi vì:
1. Không gian sống của bạn nói lên bạn là ai. Tôi luôn tin là như vậy! Bằng cấp, ăn nói, cử xử có thể nói lên trình độ của bạn; áo quần, trang điểm, phụ kiện có thể nói lên thẩm mỹ của bạn; xe cộ, trang sức, tiền có thể nói lên tình trạng tài chính của bạn. NHƯNG không gian sống nói lên bạn là ai một cách toàn diện nhất. Một ngôi nhà dù có đẹp, có nhiều đồ đắt tiền, có treo nhiều bằng cấp đến đâu nhưng bừa bộn, bẩn thỉu, cáu két có thể nói lên rằng bạn chưa kiểm soát tốt cuộc sống của mình, rằng sâu thẳm bên trong bạn chưa cảm thấy yên ổn, và rằng bạn đang quá dễ dãi với chính bản thân mình. Ngược lại, một không gian sống tích cực sẽ khiến con người cảm thấy tự tin vào bản thân hơn, vững tin rằng mình đang kiểm soát tốt cuộc sống, và luôn sẵn sàng bước lên về phía trước. Nói cách khác, bạn tạo ra không gian sống, nhưng không gian sống cũng có thể định hình con người bạn.
2. Nhà sạch là nhà đẹp. Đối với tôi, một ngôi nhà giản dị mà sạch sẽ, thoáng đãng còn có sức hút hơn một ngôi nhà cầu kỳ, ngập toàn đồ đắt tiền, trang hoàng nhiều đến ngộp thở. Vì thế, tôi tin rằng không cần quá nhiều của cải để có một ngôi nhà đẹp. Nhà đẹp là một ngôi nhà mà ta đi đâu cũng muốn quay về, là nơi mà mỗi khi bước vào ta cảm thấy nhẹ lòng, là chốn để ta dừng chân. Nhà đẹp là ngôi nhà ta tự hào để dẫn khách đến để cùng nhâm nhi tách trà, đọc sách, duỗi chân thư giãn. Nhà đẹp là nơi ta cảm thấy thuộc về.
3. Không gian sống ảnh hưởng lớn đến tư duy. Tôi luôn tin là “clear space = clear mind” — một không gian “sạch” sẽ giúp giải toả tư duy tốt, khiến con người tập trung, suy nghĩ tích cực hơn và sáng tạo hơn. Tôi từng chia sẻ trong bài viết đầu tiên về Chủ nghĩa tối giản là từ ngày “làm cách mạng” không gian sống của mình, nhà là nơi sống, làm việc, và sáng tạo của tôi. Tôi không còn thói quen ra quán cà phê hay thư viện để làm việc như trước đây. Nhà cũng là nơi tôi viết phần lớn các dự án nghiên cứu của mình, viết bài cho blog The Present Writer hàng tuần, đọc sách hàng tối, và học các công thức nấu ăn với chồng tôi. Những điều này trước đây chưa bao giờ tôi có thể làm được ở nhà. Nếu bạn nào thường xuyên cảm thấy khó tập trung khi học tập/làm việc ở nhà, tôi rất khuyên bạn xem lại ngay không gian sống của mình.
4. Sống chung là sống có trách nhiệm. Với những ai đang sống cùng người khác (vợ/chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè…), tôi tin rằng bạn hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn một không gian sống “sạch”. Tâm lý của con người rất dễ nhìn thấy và bắt lỗi người khác nhưng lại thường xuyên “lờ” đi lỗi của mình, vì vậy, trước khi bắt người khác phải dọn dẹp không gian chung, hãy dọn phần đồ đạc của mình trước và truyền cảm hứng cho người khác làm theo. Đây là một trong những bài học đắt giá nhất tôi học được từ quá trình dọn nhà cửa và tối giản hoá cuộc sống của mình. Đối với những ai đã và sẽ có con nhỏ, tôi nghĩ sẽ không có món quà nào tuyệt vời hơn là cho con một không gian sống “sạch” và dạy cho con những thói quen ngăn nắp ngay từ những ngày tháng đầu đời.
THẾ NÀO LÀ KHÔNG GIAN SỐNG THEO PHONG CÁCH TỐI GIẢN?
Nếu đã theo dõi đề tài Chủ nghĩa tối giản một thời gian, hẳn bạn cũng biết rằng đây là một khái niệm mang tính chất trừu tượng, mỗi người có thể có một định nghĩa riêng về Chủ nghĩa tối giản và cách áp dụng lối tư duy này vào đời sống hàng ngày. Việc tạo dựng không gian sống theo phong cách tối giản, vì vậy, cũng không có một định nghĩa hay chỉ dẫn nào nhất định. Cá nhân tôi thấy có 3 điểm chung mà các không gian sống tối giản thường có:
1. Ít đồ đạc dư thừa. Cốt lõi của việc tối giản hoá cuộc sống là bỏ đi những thứ thừa thãi, không còn ý nghĩa tích cực, để tập trung hơn vào những cái mang nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Vì vậy, một không gian sống theo phong cách tối giản chỉ nên có những đồ đạc thực sự cần thiết và có ý nghĩa đối với người dùng. Ta nên hạn chế những món đồ đơn thuần chỉ để trang trí, những món đồ “vô duyên” nhưng cứ giữ lại để “phòng hờ”, hay những món không còn được sử dụng thường xuyên nữa. Việc có ít đồ đạc cũng khiến quá trình lau chùi, dọn dẹp nhà cửa trở nên dễ dàng, đơn giản hơn. Bạn đọc có thể tham khảo một số phương pháp để bỏ bớt đồ dư thừa ở đây và đây.
2. Tổng thể hài hoà. Với việc bỏ bớt đi đồ đạc dư thừa, ta có thể nhìn ra không gian sống của mình một cách tổng thể hơn và bắt đầu suy nghĩ cách đễ những món đồ còn lại kết hợp ăn ý với nhau để tạo ra một không gian sống hài hoà, dễ chịu. Xây dựng tổng thể hài hoà như thế nào là tuỳ vào phong cách của từng người. Ví dụ, phong cách của tôi là đơn giản, hiện đại. Từ nhỏ tôi đã thích cách sắp xếp đồ đạc vừa đủ, tiện dụng, gọn nhẹ của khách sạn, thích cả những gam màu sắc đơn giản, trung tính, hài hoà từ ga trải giường đến rèm treo tường của phòng mới làm. Vì thế, khi bắt tay tạo không gian sống cho mình, tôi cố gắng mô phỏng sự hài hoà trong nét đơn giản, hiện đại của khách sạn bằng cách chọn ga, gối, chăn màu trắng trơn (FYI: rất tiện cho việc giặt và tẩy trắng thường xuyên!), chọn nội thất đơn màu, trung tính, và hướng mọi thứ tới nơi có ánh sáng tự nhiên. Nhưng đó hẳn nhiên không phải một phong cách duy nhất. Tôi từng đến rất nhiều căn nhà có phong cách cầu kỳ, cổ điển, thậm chí sặc sỡ hoa hoè hoa sói, nhưng họ cũng tối giản hoá không gian sống rất tốt bằng cách giảm tối đa đồ đạc dư thừa hay chỉ sử dụng cùng một chất liệu nội thất/trang trí/vải vóc để tiết chế sự đối chọi của từng phần khác nhau trong căn nhà. Trở lại đặc điểm đầu tiên, khi đã có ít đồ đạc và có sẵn tư duy tối giản, ta sẽ dễ dàng nhìn thấy bức tranh tổng thể của không gian sống hơn và từ đó, có thể đầu tư dần để xây dựng phong cách riêng.
3. Điểm nhấn sáng tạo. Trong một bài viết trước đây về chủ đề này, tôi đã khẳng định và giải thích tại sao tối giản hoàn toàn không đồng nghĩa với nhàm chán. Trái lại, tối giản còn kích thích tư duy sáng tạo để tạo nên cái mới, cái riêng, cái “chất” của mỗi cá nhân. Rất nhiều người nghĩ rằng phải có nhiều đồ đạc, phải treo nhiều thứ lên tường, phải trang trí thật hoành tráng thì mới là sáng tạo. Cá nhân tôi thì cho rằng việc làm đó quá dễ dãi để cho là sáng tạo. Ngược lại, nếu chỉ trong một khoảng không gian hạn hẹp, với một số đồ đạc hãn hữu mà tạo nên được nét phong cách đặc trưng nổi bật thì đó mới thực sự là sáng tạo. Tôi từng nhìn thấy nhiều căn nhà theo phong cách tối giản, nơi mà điểm nhấn sáng tạo của họ rất đơn giản, ví dụ như chỉ là một cây cầu thang gỗ giữa nhà, một giá sách xây đến nóc, một bức tranh tự hoạ trên tường, một bể cá vàng… — những chi tiết rất nhỏ thôi mà làm sáng bừng cả căn nhà. Ở không gian sống của mình, tôi vẫn đang tìm tòi thêm để cho ra đời một điểm nhấn sáng tạo. Hiện điểm nhấn trong căn hộ của tôi có lẽ là hệ thống indoor plants (cây trong nhà) mà tôi sắp xếp từ phòng ngủ ra đến phòng khách. Nhưng có lẽ khi sang Xuân, tôi sẽ bổ sung thêm hoa tươi trong phòng và rau xanh trồng ngoài ban công — tôi nghĩ những thứ này sẽ làm căn hộ thêm sức sống. Để tạo ra điểm nhấn sáng tạo cho không gian sống tối giản của mình có lẽ cũng cần một cuộc hành trình 🙂
(***Kết thúc Phần 1 của bài viết. Trong Phần 2 tới đây, tôi sẽ viết thêm về một số lời khuyên và ý tưởng để bạn đọc có thể bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, tối giản hoá cuộc sống ngay trong dịp lễ Tết này. Phần 2 sẽ được đăng vào Thứ 4 tuần kế tiếp)
Cám ơn các bạn đã trải nghiệm cùng tôi!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Minh says
Mình ước gì mình đã được tiếp cận chủ nghĩa tối giản sớm hơn. Nhưng mình cũng nghĩ thay đổi tích cực thì không bao giờ là muộn! Tìm đến blog của Chi được hơn nửa tháng, mình đã nhúc nhích được một số đầu việc. Tuy mới chỉ là những việc nhỏ như phác thảo lộ trình cho bản thân, thanh lọc tủ quần áo lần 1, nhưng thấy mình thay đổi tích cực hơn hẳn. Từ khi bắt đầu tới nay, mỗi khi thấy xao nhãng project dọn dẹp, hay nhận ra mình lại sa đà vào mua sắm (không ít lần), mình lại tìm đọc blog của Chi để thêm động lực. Cảm ơn Chi!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã theo dõi và động viên Chi! Mình sẽ viết thêm nhiều bài nữa về chủ đề này, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm động lực tiếp cận Chủ nghĩa tối giản nhanh hơn nữa 😀
Huyền Nguyễn says
Chi ơi chụp ảnh indoor plants của em đi cho chị xem với 😀
Chi Nguyễn says
Hi chị! Hình minh hoạ bài viết này có indoor plan của em đứng phía trên con mèo đấy ạ (cây thật 100%). Em còn mấy cây nhỏ nữa hay update trên Instagram: https://www.instagram.com/thepresentwriter/?hl=en. Đợt tới mùa xuân em sẽ bổ sung thêm cây và sẽ chụp thêm anh ạ 🙂
Chị Phương says
Khi nhà cửa thoáng, dọn dẹp cũng nhanh hơn rất nhiều, chị giờ đang ở nhà 3 tầng mà việc dọn dẹp chắc mất max 1 tiếng bao gồm cả hút bụi, lau nhà vài lần.
Ngày xưa mỗi lần dọn nhà là chị phải lấy động lực để làm từ cả 1 tuần trước í. Giờ do nhà thoáng nên 1 tuần hút bụi 1 lần, lau 1 lần mà vẫn thấy rất sạch sẽ.
Chi Nguyễn says
Công nhận đó chị! Nhà thoáng là dọn nhanh lắm, mà còn sạch nữa. Chứ cứ có nhiều đồ quá chưng ra là toàn hứng bụi thôi, nhất là nhà nào mặt phố ở Hà Nội. Em cũng đang vận động ba mẹ em bỏ bớt đồ đạc năm nay đón Tết cho quang quẻ, sạch sẽ ạ 😀
Quỳnh Anh says
Mình mới biết đến CNTG và qua google dẫn đến blog của bạn. Phải nói là mình đọc ngấu nghiến các bài viết của bạn, đọc đến đâu như thấy được tiếp sức mạnh để thay đổi đến đấy. Cảm ơn bạn
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã theo dõi blog! Ngoài trang web này, mình còn cập nhật thông tin mới của blog trên Facebook và Instagram nữa bạn nhé! Mong bạn ghé blog thường xuyên 😀
phuong says
Chi oi cho minh hoi cai cay trong buc hinh nay la cay gi vay?
Chi Nguyễn says
Nếu mình không nhầm thì nó tên là “Ficus tree”. Thời gian cũng lâu quá rồi mình cũng không nhớ chính xác được nữa.