Trải qua ba năm thực hành lối sống tối giản, không gian sống của tôi đã thay đổi rất nhiều – thoáng đãng, gọn gàng, và nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, phải thú nhận rằng có một nơi đặc biệt trong nhà mà tôi luôn cảm thấy vẫn chưa thực sự tối giản, đó chính là… chiếc tủ lạnh. Ôi, chiếc tủ lạnh thân yêu! Nơi ngày ngày ta mở ra lấy thực phẩm nấu nướng, tích trữ đồ ăn thừa, nhập vào nguyên liệu mới, rồi … bỏ quên luôn đồ ăn quá hạn. Khi còn độc thân, tôi từng rất chật vật với việc đi chợ vì mua ít thì sợ thiếu mà mua thừa thì ăn đi ăn lại một món lâu cũng chán, dẫn đến việc tủ lạnh lúc nào cũng ngập lên toàn đồ ăn, cái nọ đè lên cái kia đến mức ngày nào mở tủ ra cũng ngao ngán, chả biết ăn gì. Sau khi kết hôn, việc đi chợ cho hai người ăn trở nên dễ dàng hơn, vợ chồng tôi cũng ăn nhà nhiều hơn, và vì thế, các món ăn trong tủ lạnh cũng vơi nhanh hơn hẳn. Tuy nhiên, vì chồng tôi làm nghề nhà hàng, anh ấy rất thích đi siêu thị mua sắm thực phẩm mới (có khi đến 3 lần/ngày!!!) và mỗi ngày lại nấu một món khác nhau – những món mà thường để nấu được đúng theo công thức cần phải một loại nguyên liệu đặc biệt nào đó, có khi phải mua cả một túi, một hộp lớn trong siêu thị chỉ để dùng một chút xíu mà thôi (vì không bán lẻ). Thói quen mua sắm này nhanh chóng khiến cho chiếc tủ lạnh của chúng tôi tiếp tục “ì ạch” chứa những thứ không ăn nhập vào nhau và tình trạng thực phẩm dư thừa tiếp tục tiếp diễn. Là một người theo đuổi lối sống tối giản và thực hành tiết kiệm, tôi cảm thấy khó có thể chấp nhận được việc để đồ ăn đầy ngập trong tủ lạnh mà không sử dụng hết, phí phạm không gian, thức ăn, và thời gian chế biến. Vì thế, tôi và chồng quyết định ngồi xuống trao đổi, tìm tòi, và thử nghiệm các phương pháp khác nhau để giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Khoảng nửa năm trở lại đây, chúng tôi cảm thấy mình đã có nhiều bước tiến lớn trong việc “giải tỏa” không gian cho chiếc tủ lạnh và bớt hẳn tình trạng bỏ phí thực phẩm thừa. Sự thay đổi này mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, với không gian tủ lạnh được thông thoáng hơn, việc sắp xếp thực phẩm cũng dễ dàng, có khoa học, và đảm bảo vệ sinh hơn. Thứ hai, một chiếc tủ lạnh sắp xếp gọn gàng, sạch đẹp cũng khiến người dùng muốn mở ra hàng ngày và có hứng thú nấu nướng hơn. Thứ ba, vì số lượng thực phẩm và đồ ăn chế biến trong tủ không còn quá nhiều, ít đồ ăn thừa bị bỏ lại lâu đến mức phải bỏ đi uổng phí như trước. Thứ tư, quá trình tối giản hóa chiếc tủ lạnh khiến chúng tôi học được cách tính toán cẩn thận hơn trước khi mua thực phẩm mới, dẫn đến việc tiết kiệm được rất nhiều tiền!.
Bài viết này ghi lại 10 điểm quan trọng nhất chúng tôi đã làm trong gần sáu tháng qua để tối giản hóa tủ lạnh và tiết kiệm thực phẩm một cách tối đa:
1. Luôn “đi chợ” tại nhà trước khi bước chân ra ngoài mua sắm. Điều này có nghĩa là trước khi bạn ra ngoài đi chợ hay đi siêu thị, hãy xem lại một lượt tủ lạnh và ngăn bếp của mình xem nhà hiện đã có những nguyên liệu gì rồi. Đây là một thói quen rất tốt vì nó tránh cho bạn mua lặp lại những thứ mà mình đã có (những món hay bị quên nhất là hành, tỏi, gừng, gia vị, rau thơm…). Ngoài ra, mỗi lần xem xét lại thực phẩm tích trữ trong nhà cũng là một cơ hội để bạn tối giản bớt những món đã quá cũ, hết hạn, hoặc không còn dùng được nữa.
2. Sáng tạo với những gì đã có. Thường khi có ý tưởng làm một món gì đó, ta nóng lòng chạy ra đường mua đủ các nguyên liệu mới về để làm. Nhưng thực sự, nếu có thể kiên nhẫn đánh giá lại những thực phẩm mình vốn có, ta hoàn toàn có thể sáng tạo ra những món khác nhau hoặc thay thế nguyên liệu mà vẫn đạt được hiệu quả món ăn như mong muốn. (Tựa như việc tối giản hóa quần áo vậy; khi có quá nhiều đồ, ta lại càng cảm thấy “không có gì để mặc” và muốn mua nhiều hơn để chạy theo xu hướng mới. Nhưng khi còn cơ bản một vài món, ta sẽ tự học cách sáng tạo, phối hợp ra nhiều kiểu cách hơn từ những gì mình vốn có). Bởi vậy, hãy cố gắng “dọn dẹp” tủ lạnh, kệ bếp càng triệt để càng tốt trước khi mua thêm đồ mới. Tôi cược rằng bạn sẽ ngạc nhiên về khả năng sáng tạo của mình đấy!
3. Lập kế hoạch ăn uống cho cả tuần (meal plan). Kế hoạch này không cần quá tỉ mỉ, có thể chỉ là gạch đầu dòng những món bạn dự tính gia đình mình sẽ ăn trong tuần, bao gồm: bao nhiêu bữa ăn (ba bữa sáng, trưa, tối hay chỉ có hai bữa trưa và tối thôi?), bao nhiêu người ăn, có bữa nào ai đó không ăn ở nhà không, có bữa nào ta cần ăn lặp lại đồ ăn thừa không, trong tuần cơ bản có những món gì, cần phải đi chợ mua những nguyên liệu gì?… Cách làm này giúp bạn nắm được về cơ bản hoạt động ăn uống của cả tuần, những món nào bạn cần nấu và những nguyên liệu cần chuẩn bị, và trong số những món mình nấu, món nào có thể ăn tiếp vào những bữa sau. Nhờ vậy, bạn đi chợ được chuẩn xác hơn, nấu với số lượng hợp lý hơn, và giảm thiểu tối đa thực phẩm dư thừa trong tủ lạnh.
4. Luôn đi chợ với một danh sách rõ ràng những thứ định mua. Đừng chỉ nhẩm nhẩm trong đầu mà hãy ghi lại danh sách vào tờ giấy hay điện thoại rồi cầm theo ra chợ/siêu thị. Việc làm này không chỉ giúp bạn mua được đầy đủ những thứ mình cần, mà còn giữ cho bạn khỏi việc mua sắm tùy hứng khi bị “hoa mắt” bởi hàng loạt hàng hóa bày bán ngoài chợ. Danh sách này cũng không nhất thiết phải quá cứng nhắc. Nếu bạn thấy một món gì đó tươi ngon, giá rẻ bán ngoài chợ mà không có trong danh sách của mình, bạn hoàn toàn có thể mua bổ sung. Nhưng cố gắng hạn chế chỉ trong vòng 1-2 món nhỏ vượt ngoài danh sách thôi để tránh sa đà vào việc mua sắm dư thừa. Đi chợ với một danh sách cố định cũng sẽ giúp bạn kiểm soát được số lượng tiền tiêu mỗi lần đi chợ, từ đó tính toán được một tháng gia đình chi hết khoảng bao nhiêu cho thực phẩm và chi như vậy đã hợp lý chưa.
5. Cố gắng mua những thực phẩm “đa năng”, có thể chế biến thành nhiều món. Với những loại thực phẩm như thế này, bạn thường mua được với giá thấp hơn (vì mua với số lượng nhiều), không phải đi chợ nhiều lần, mà vẫn có thể làm thành những món khác nhau ăn không bị ngán. Ví dụ, cuối tuần vừa rồi tôi mua được 3 khay gà chặt ở siêu thị (đúng đợt giảm giá mua 1 khay tặng 2 khay), số lượng thịt khoảng được 1 con gà cỡ vừa. Từ số thịt gà đó, kết hợp với một số nguyên liệu cơ bản có sẵn, tôi chế biến ra được những 4 món: phở gà, xôi gà, salad gà xé phay, và súp gà. Còn dư nước hầm xương gà, tôi cho vào hộp để đông đá dùng cho lần sau. Tương tự, cũng có tuần tôi mua được nhiều thịt nạc vai và biến một tảng thịt lớn thành thịt lợn rán, canh chua thịt nạc, thịt lợn xào khoai tây, bánh bao nhân thịt… Mua được những thực phẩm như vậy thì rất tốt vì nó tiết kiệm được chi phí, hạn chế việc phải mua nhiều nguyên liệu chỉ để làm duy nhất một món ăn. Nếu mua số lượng lớn không dùng hết, bạn có thể chia nhỏ thực phẩm để tủ đá dùng trong vòng 1-2 tuần kế tiếp.
6. Mua những thực phẩm đúng mùa, tươi ngon, với giá phải chăng. Nhiều người cho rằng “của rẻ là của ôi” – điều này không hoàn toàn đúng! Nếu bạn học được quy luật của địa điểm bạn hay mua thực phẩm, bạn sẽ biết được khi nào thực phẩm tươi nhất, ngon nhất mà được bán với giá phải chăng nhất. Ví dụ, mua hoa quả đúng mùa thì bao giờ cũng sẽ có giá tốt hơn mua trái mùa. Ở chợ, nếu mua số lượng nhiều những thực phẩm tươi sống, bạn có thể mặc cả giảm giá được đáng kể vì người bán cũng muốn bán nhanh khi hàng còn tươi mới. Ở siêu thị, có những ngày siêu thị nhập nhiều hàng về hoặc nhãn hàng có đợt giảm giá, bạn có thể mua được thực phẩm rất rẻ (ví dụ, mua 1 tặng 1, mua 1 tặng 2, giảm 50%) – nếu bạn có thể chế biến ngay hoặc để thực phẩm vào ngăn đá ngay trong ngày mua thì nó sẽ vẫn hoàn toàn tươi ngon, đảm bảo, Vì vậy, cố gắng chọn 1-2 tiệm thực phẩm hoặc khu chợ có chất lượng ổn định nhất, theo dõi quy luật mua-bán hàng của họ, làm quen với người bán hàng để biết khi nào nên mua món hàng nào với giá tốt nhất, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền mà vẫn đảm bảo mua được thực phẩm tươi ngon cho gia đình.
7. Ghi chú lại ngày hết hạn của thực phẩm trên bao bì. Với nhóm thực phẩm thường để lâu hơn trong tủ lạnh như trứng, sữa, nước quả…, việc ghi rõ ngày hết hạn trên bao bì là rất quan trọng để các thành viên trong gia đình chú ý và tích cực sử dụng thực phẩm trong hạn định, tránh lãng phí. Thông thường những sản phẩm này đã có in ngày hết hạn trên bao bì rồi nhưng chữ in thường rất nhỏ, bởi vậy, nên chủ động ghi lại chữ lớn hơn ngay trên nắp hoặc thân bao bì. Cá nhân tôi thường gài một chiếc bút dạ ở cánh cửa tủ lạnh để tiện ghi ngày hết hạn của sản phẩm trước khi cho vào tủ.
8. Hạn chế số lần đi chợ chỉ trong vòng 1-3 lần/tuần. Ở Việt Nam, vì chợ họp mỗi sáng, đi ra ngoài ngõ là mua được rất tiện nên mọi người hầu như sáng nào cũng đi chợ. Nhưng nếu đi nhiều như vậy thì rất tốn thời gian, dễ sa đà vào mua những món không cần thiết, và không khuyến khích bản thân sử dụng những nguyên liệu đã có sẵn tại nhà. Thực tế chứng minh rằng càng hạn chế được số lần đi chợ, bạn càng tiết kiệm được tiền mua sắm hàng tuần và bớt đi đồ ăn thừa. (Tất nhiên, số lần đi chợ trong tuần cũng phụ thuộc vào số người ăn trong gia đình, phương tiện đi lại, và hoàn cảnh tài chính; đây chỉ là gợi ý để quản lý thời gian và chi tiêu chứ không phải là cách ép gia đình phải ăn uống hẹp hòi, kham khổ).
9. Nếu có thể, sơ chế đồ ăn trước từ 3 ngày đến 1 tuần (meal prep). Mặc dù việc nấu ăn trước cho tuần không phải là cách làm phổ biến ở Việt Nam nhưng lại rất thịnh hành ở các nước phương Tây (Nếu bạn google “meal prep” có thể thấy hàng chục ngàn kết quả). Có rất nhiều cách để sơ chế đồ ăn tùy theo mức độ bạn muốn, đơn giản nhất là cắt, rửa trước rau củ quả, cao hơn thì sơ chế các món ăn trước, cao hơn nữa thì nấu luôn thành các bữa để vào trong hộp. Cách làm này tiết kiệm được vô cùng nhiều thời gian chế biến! Thay vì việc ngày nào, bữa ăn nào cũng phải xắn tay vào bếp làm từ gọt củ quả, nấu đồ ăn, đến bày biện thì chỉ cần dành 1 buổi chiều/tối cuối tuần để nấu gần hết cho tuần kế tiếp, đến bữa chỉ cần hâm lại hoặc nấu nhanh trên bếp một chút là dọn được ra bàn. Cách làm này cũng rất tốt cho những ai có con nhỏ đi học phải chuẩn bị đồ ăn ăn sáng hay những ai đi làm toàn thời gian cần chuẩn bị đồ ăn trưa; mỗi sáng mọi người chỉ cần lấy hộp đồ ăn trong tủ lạnh, cho vào túi để đi học/đi làm là được. Nếu bạn chưa quen với meal prep, bạn có thể ngại rằng đồ ăn hâm lại thì không nóng sốt, ngon như khi mới nấu, nhưng nếu bạn đã quen rồi và biết những món nào có thể hâm lại vẫn ngon lành như khi mới nấu thì bạn sẽ hiểu được hiệu quả tích cực của cách làm này, nhất là cho những gia đình bận rộn.
10. Nếu bạn có khách đến nhà ăn, cố gắng đừng quá bày biện mâm cao cỗ đầy. Mỗi lần có cỗ bàn là một lần chị em mệt mỏi chuẩn bị nấu nướng, mua sắm, dọn dẹp; làm ít thì sợ thiếu, mà làm nhiều thì những ngày sau đó chỉ miệt mài ăn “cỗ thừa” cũng đến ngán. Bởi vậy, cách làm văn minh nhất (theo quan điểm của tôi) về việc khách đến nhà ăn cơm là mỗi người góp vào một món cho bữa ăn. Ai biết nấu thì đăng ký mang món mình nấu đến, ai không biết thì đóng góp hoa quả, đồ ăn tráng miệng mua sẵn. Như vậy, “gia chủ” cũng đỡ gánh nặng phải mua sắm, nấu nướng, dọn dẹp quá nhiều mà ai cũng có món mình thích ăn để ăn. Tuy nhiên, nếu bạn buộc phải nấu ăn tiếp khách hoàn toàn thì hãy cố gắng tận dụng những gì gia đình mình sẵn có và nấu những món đơn giản với số lượng lớn để mọi người có thể ăn chung (thay vì nấu nhiều món khác nhau) như: các loại lẩu, phở, bún, cơm dĩa… Khách đến nhà ăn, dù là nam hay nữ, cũng nên phụ giúp gia chủ sửa soạn cho bữa ăn và dọn dẹp sau khi ăn xong – đó là phép lịch sự thông thường mà ai cũng nên làm và làm gương cho con cái mình làm khi đi ăn cơm khách.
Trước đây tôi từng nghĩ việc tính toán khi đi chợ, kế hoạch trước những bữa ăn trong tuần, hay tiết kiệm thực phẩm là phải kỷ luật cứng nhắc, mệt mỏi lắm nhưng phải đến khi tự mình thực hiện 10 điều kể trên, tôi nhận ra rằng việc làm này không những không gò bó mà lại còn …rất vui nữa là đằng khác. Quá trình tối giản hóa chiêc tủ lạnh và học cách tiết kiệm thực phẩm giúp cho tôi học thêm rất nhiều về sức mạnh của sự sáng tạo, tận dụng tối đa những gì mình vốn có. Tôi cũng nhận ra rằng mình sở hữu rất nhiều thứ, thực sự may mắn hơn rất nhiều người vẫn còn chật vật chạy lo từng bữa ăn. Và chính vì những đặc quyền này, tôi cảm thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn, trân trọng hơn nữa những phần thức ăn, những món thực phẩm mình có trong tay. Đừng nên sống lãng phí!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Sieumotuti says
Em đang có một bé tuổi ăn dặm, và hoàn toàn hài lòng với việc thực hiện Meal plan và Meal Prep cho bé. E đi làm theo xe tuyến nên đi sớm về muộn, không có thời gian để đi chợ nấu nướng hàng ngày cho bé. Meal plan và prep giúp em tiết kiệm được thời gian, tận dung được các thực phẩm mua (vì mỗi bữa bé chỉ ăn rất it, nên ví dụ e mua 1 bó măng tây, thì e sẽ nấu 1 bữa súp, 1 bữa cháo, và 1 bữa xào/áp chảo cho bé), và đảm bảo được con mình được ăn đa dạng về dinh dưỡng (phân bổ đạm cá/thịt đỏ/thịt trắng, hải sản, các loại tinh bột, rau lá/củ xanh/củ đỏ). Thi thoảng nhà có gì tươi ngon hơn thì e vẫn linh hoạt thay đổi cho bé. Với e, không phải e lười, e ko chịu chăm con, mà e nghĩ việc cho con ăn nếu biết sắp xếp khoa học, có phương pháp, thì con em vẫn được ăn ngon, đa dạng và đủ chất.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã chia sẻ. Chị thấy có con nhỏ làm được Meal Plan và Meal Prep thì rất tốt vì các thành phần trong bữa của bé đã có sẵn rồi mình chế biến nhanh hơn mà sạch hơn mua ở ngoài tiệm. Mấy mẹ có con nhỏ không ai trông đỡ mà ngày nào cũng phải xấp ngửa đi chợ thì thật khó quá. Chúc bé nhà em ăn ngoan chóng lớn nhé <3
Viet Duc says
xin cái ảnh thực tế Chi ơi 🙂
Chi Nguyễn says
Hihi. Có lẽ khi nào mình sẽ làm video clip để nhìn các bước rõ hơn
Hải Yến says
Nhưng muốn ăn thực phẩm tươi sống thì nhiều người chọn phương án đi chợ thường xuyên, em thấy như vậy cũng có cái lợi. Còn phương án đi chợ cho 1 tuần ăn thì tiết kiệm thời gian hơn. Em đang phân vân hai phương án này chị ạ.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Nếu mua hải sản tươi sống, chị cũng thường mua, chế biến, và ăn ngay trong ngày cho tươi ngon. Còn những món khác, chị thấy hầu như không ảnh hưởng gì đáng kể về chất lượng nếu mua về chế biến ăn sau hoặc để tủ đá trong thời gian quy định. Hiện nay chị đi chợ cho khonag 3-4 ngày trước trong tuần (không hẳn 1 tuần) vì gia đình chị ít người và hay có thay đổi về hoạt động ăn uống (vd, có khách tới ăn, có người mời đi ăn, ăn ngoài…) nên đi chợ cho 3-4 ngày nhiều khi cộng cả đồ ăn lặp lại là cũng đủ cho 1 tuần. Em có thể thử nghiệm đi chợ cho 3-4 ngày như thể để xem có hợp lý cho gia đình không trước khi làm hẳn 1 tuần 🙂
Lan says
Hi Chi,
Lan cũng hay đi chợ tuần 1-2 lần vào ngày nghỉ, và nấu một ngày cho cả tuần. Vừa tiện vừa tiết kiệm thời gian, được ngủ nướng thêm một tí ^^. Thêm một tip nhỏ nữa là sau khi ăn tối xong, mình chuẩn bị hộp cơm cho buổi trưa hôm sau đem đi làm luôn (đồ ăn còn thừa vào buổi tối hoặc các hộp món ăn nấu sẵn), hộp cơm mình có chia ngăn nên mình để được ngăn cơm, ngăn rau, và ngăn đồ ăn. Sáng cứ vậy hâm lại sandwich hoặc cơm ăn sáng rồi tha hộp cơm trưa đem đi làm thôi.
Chi Nguyễn says
Tip hay quá! Mỗi lần về nhà chồng chơi, Chi thấy mẹ chồng mình cũng hay chuẩn bị hộp cơm trưa từ tối hôm trước cho bố chồng mình đi làm hôm sau. Hồi còn đi làm, bố chồng mình là chủ một cửa tiệm, có thuê một cô nhân viên người Mexico làm phụ. Bố chồng mình bảo là chủ tiệm mà ngày nào cũng mang cơm ăn trưa còn cô nhân viên làm công thì sáng uống cốc cà phê Starbucks, trưa ra quán ăn, chiều trước khi về lại ghé cà phê, bảo sao cô ấy làm mãi mà cũng chăm chỉ nhưng không tiết kiệm được mấy, gia đình vẫn vất vả. Chính ra những thói quen nhỏ như vậy lại giúp mình tiết kiệm được rất nhiều đấy 🙂
Minh Nghĩa says
Em đang ở trọ một mình nên gần như Meal Prep hàng tuần, và thật sự rất rất tiện lợi. Từ việc nấu sẵn vài món, đến việc sơ chế trước rau củ, em đều làm qua. Chỉ cần một món đã được nấu sẵn, thêm một ít rau củ luộc hoặc ăn tươi, là em đã thấy một bữa cơm đủ đầy rồi :).
Cám ơn chị về bài chia sẻ này, nhiều bạn cứ hay “nói ra nói vào” về việc chuẩn bị đồ ăn sẵn, nhưng bản thân đã thực hành thì em lại thấy rất enjoy!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết! Chị thấy những người hay định kiến về Meal Prep phần nhiều vì chưa làm bao giờ (ngại thay đổi thói quen ở nhà có bố mẹ dọn cơm hàng ngày cho), sợ đồ nấu sẵn thì không ngon bằng nấu hàng ngày (nhưng thực ra nếu không ăn hết mình cũng phải hâm đi ăn lại đồ hôm trước thôi), hoặc chưa tìm ra phương pháp Meal Prep hợp với mình. Happy Meal Prep nhé em 🙂
Linh Do says
Cảm ơn Chi nhé, hữu ích quá
Eileen says
Cách làm của em cũng na ná như chị. Hàng tuần em đều lên 1 list thực phẩm cần mua, và các món sẽ làm. Sau đó đi chợ theo list đó. Thực phẩm mang về sẽ được sơ chế trước, em luôn làm meal prep vào cuối tuần. Nấu sẵn một vào món, ưu tiên các món có thể trữ lâu, có thể ăn nguội mà không ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị.
Ở VN em thấy mọi người đi chợ tiện, lại có tư tưởng thích ăn tươi, không thích đồ lưu trữ trong tủ lạnh
Chi Nguyễn says
Chị thấy kể cả đi chợ hàng ngày nhưng nếu mình có một list đi chợ, rồi khi nấu cũng tính toán hoặc nấu vừa vặn hẳn hoặc có đồ thừa thì ăn ngay hôm sau thì mình cũng tiết kiệm được tiền và giảm lãng phí thực phẩm nữa. Từ ngày chị dùng cách này, chi phí tiền chợ hàng tháng giảm xuống tới 30%
Lee Kim Julia says
EM CHÀO CHỊ CHI Ạ ! EM RẤT MONG NHẬN XÉT NÀY CỦA EM SẼ ĐƯỢC CHỊ TRẢ LỜI VÌ EM RẤT YÊU VÀ NGƯỠNG MỖ CÁCH SỐNG VÀ SỰ LẠC QUAN YÊU ĐỜI CỦA CHỊ Ạ ! SỞ HỬU CUỐN SÁCH ĐẦU TAY CỦA CHỊ EM THỰC SỰ CẢM THẤY RẤT RẤT LÀ HẠNH PHÚC VÀ TỰ HÀO VỀ BẢN THÂN KHI ĐÃ QUYẾT ĐỊNH CHỌN MUA CUỐN SÁCH ĐÓ ! THỰC RA EM CŨNG KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ CHIA SẺ THẾ NHƯNG LÀ MỘT NGƯỜI HÂM MỘ CHỊ THÌ EM RẤT MONG CHỊ SẼ HỒI ĐÁP LẠI EM Ạ ! EM CÒN NHỎ LẮM VẪN CÒN ĐI HỌC CHỊ Ạ NHƯNG EM CỰC KÌ THÍCH LỐI SỐNG TỐI GIẢN VÀ ĐẶC BIỆT LÀ THEO PHONG CÁ CH CỦA CHỊ , MÀ EM MỚI LỚP 6 THUI NHƯNG EM MONG CHỊ SẼ TÔN TRỌNG EM , ĐỪNG BẢO HAY NÓI GÌ VỀ EM ĐƠN GIẢN CHỈ CẦN CHỊ GÓP Ý HOẶC ĐƯA RA NHỮNG LỜI NÓI TÍCH CỰC THÔI Ạ !
Phạm Ngọc Phương Linh says
Một điểm mà riêng em cảm thấy rất quan trọng là chia khu vực để đồ trong tủ lạnh theo từng loại riêng biệt ví dụ: đồ khô, thịt cá tươi sống, trái cây, thức ăn nhanh.