Ngày nay, với nhu cầu và mật độ sử dụng các thiết bị công nghệ ngày càng tăng của con người, máy tính, điện thoại di động, mạng Internet dần trở thành một chiều “không gian sống” mới, không thể thiếu được đối với nhiều người. Tương tự với không gian vật chất, không gian số cũng cần được “dọn dẹp” thường xuyên để tối ưu hiệu suất làm việc, tiết kiệm thời gian, và tăng độ tập trung đối với những công việc sử dụng tới công nghệ.
Sau một thời dài tìm cách giành quyền kiểm soát công nghệ và thử nghiệm nhiều phương pháp tăng hiệu suất làm việc, tôi nhận thấy những thói quen/thủ thuật sau đây đã giúp mình vượt qua những khó khăn ban đầu. Tôi hy vọng bài viết này giúp bạn đọc có thêm kiến thức và động lực để bắt tay “dọn dẹp” không gian số của mình ngay hôm nay.
I. Máy tính
1. Giữ màn hình (desktop) “sạch sẽ” nhất có thể
Không có gì làm tôi stress hơn là việc có một màn hình máy tính ngập toàn files tài liệu. Có những thời kỳ bù đầu làm một lúc nhiều dự án và vì để “tiện” tìm tài liệu (thực ra là lười), tôi để tất cả những files tải về, files đang làm dở, và cả files đã làm xong rồi lên trên màn hình máy tính, cùng với đủ các loại tập tin (folders) linh tinh khác. Mặc dù vẫn có thể tìm được tài liệu, việc để quá nhiều thứ trên màn hình làm tôi thường xuyên thấy ngột ngạt và mất kiểm soát, thậm chí đến mức cứ mở máy tính lên là muốn đóng lại ngay. Nghĩ lại thời kỳ này, một động tác tưởng như đơn giản và vô hại như để tài liệu lên màn hình máy tính không chỉ kéo tụt hiệu suất làm việc mà còn có tác động tiêu cực đến tinh thần của tôi hàng ngày.
Ngày nay, tôi luôn cố gắng giữ màn hình máy tính của mình “sạch sẽ” nhất có thể. Tôi bỏ hẳn thói quen lưu files tài liệu lẻ tẻ lên màn hình và tập thói quen sắp xếp files vào folders cố định ngay khi tải về. Đối với những tài liệu không quan trọng (kiểu dùng xong xoá ngay trong ngày), tôi để vào một folder duy nhất trên màn hình, tên là “Working” (Đang làm dở), và cũng xoá cả folder này đi sau 1-2 ngày khi đã làm xong việc.
Nếu coi màn hình máy tính là một bức tường trong không gian sống thì mỗi người sẽ có cách riêng để “trang trí” bức tường của mình. Tôi thấy nhiều người hay để background màn hình máy tính là ảnh gia đình, người yêu, phong cảnh, đồ ăn … và thay đổi thường xuyên tuỳ theo cảm hứng và tâm trạng. Cá nhân tôi thường chọn background đơn giản nhất có thể, hoặc là một hình ảnh phong cảnh hoặc đồ dùng tĩnh, hoặc là một nền màu đơn sắc với câu nói truyền cảm hứng. Một khi đã tìm được background ưng ý, tôi rất hiếm khi thay đổi. Là một người sống theo phong cách tối giản, tôi cảm thấy background càng đơn giản thì mình càng làm việc ổn định và tập trung. Tôi cũng có nhu cầu thường xuyên chia sẻ màn hình máy tính của mình khi thuyết trình, hội thảo, giảng bài…, vì vậy, tôi nghĩ việc để một background đơn giản, chuyên nghiệp cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng với người làm việc cùng. Tuy nhiên, phong cách này có thể quá đơn điệu đối với nhiều người — vì vậy, tuỳ vào “gu” thẩm mỹ và khả năng tập trung của mỗi người, bạn có thể chọn cho mình một background trang nhã, sáng sủa, sạch sẽ riêng cho mình.
2. Sắp xếp tập tin (folders) bằng Dropbox
Cũng như đồ đạc trong không gian vật chất cần được để vào những vị trí riêng, files tài liệu trong máy tính cũng cần được sắp xếp vào những folders cố định để người dùng có thể tìm kiếm và quản lý tài liệu dễ dàng.
Trong khoảng 5-6 năm gần đây, tôi chọn sắp xếp hầu hết tất cả folders của mình trên Dropbox. Dropbox có thể tải về miễn phí, cài đặt dễ dàng trên máy tính như một “ổ cứng” thông thường để lưu trữ tài liệu. Điểm mạnh nhất của Dropbox là chế độ tự động kết nối và cập nhật với tài khoản Dropbox trên mạng, cho phép người dung truy cập và sử dụng tài liệu ở bất cứ đâu có Internet. Dropbox cũng cho phép người dùng chia sẻ folders, khiến việc quá trình cộng tác, làm việc theo nhóm được dễ dàng, thông suốt. Nếu bạn chưa có Dropbox hoặc có rồi nhưng chưa sử dụng thường xuyên, tôi khuyên bạn nên cân nhắc sắp xếp tài liệu trên Dropbox vì nó rất dễ sử dụng, có thể truy cập ở mọi nơi, và an toàn cho lưu trữ tài liệu (không còn lo mất mát khi máy tính hỏng, USB mất…)
Về cách sắp xếp files vào từng folders, tôi cũng không có một phương pháp nào đặc biệt ngoài việc chủ động tạo folders cho từng dự án một và những folders nhỏ bên trong (nếu cần) để sắp xếp tài liệu theo đúng mục đích và nhu cầu sử dụng. Là một “visual learner” (người học bằng hình ảnh), tôi thích đặt màu sắc cho các folders của mình để dễ nhớ và dễ tìm tài liệu – thông thường các folders có cùng độ quan trọng, cùng nhóm mục đích sẽ được đặt chung màu. (Hình ảnh dưới đây là các folders với màu sắc cơ bản trong Dropbox của tôi).
3. Đánh giá lại tổng thể dữ liệu ít nhất 2 lần/năm
Dù có sắp xếp ban đầu tốt đến đâu thì chắc chắn sau một thời gian sử dụng, hệ thống các folders cũng không còn được gọn gàng như ngày đầu. Ngoài ra, hàng ngày chúng ta đưa vào máy tính một số lượng tư liệu không nhỏ, tích tụ theo thời gian có thể sẽ làm máy tính quá tải. Vì vậy, khoảng 2 lần/năm (có thể ít hơn hoặc nhiều hơn, tuỳ theo mức độ sử dụng máy tính của mỗi người), ta nên đánh giá lại tổng thể dữ liệu để xem phần nào còn sử dụng, phần nào không, phần nào nên backup lên mạng/ổ cứng di động, phần nào nên xoá vĩnh viễn… Quá trình này không nhất thiết phải tốn nhiều thời gian, thông thường tôi chỉ dùng khoảng 30 phút đến 1 tiếng, chủ yếu để lượt lại Dropbox và ảnh lưu trong máy tính. Việc làm này đặc biệt cần thiết với những ai có nhu cầu xử lý khối lượng lớn dữ liệu vì không gì bức bối bằng việc bỏ bao công sức làm dự án nhưng đến cuối cùng lại không lưu được files vì máy tính không còn chỗ trống.
***Ghi chú:
Tất cả các thói quen và phương pháp xử lý dữ liệu máy tính liệt kê trên đây đều xoay quanh mục đích lớn nhất của tôi là: giải phóng bản thân khỏi một máy tính nhất định để có thể làm việc ở bất cứ đâu. Vì vậy, tôi rất thích Dropbox. Cũng với mục đích này, tôi đưa ra hàng loạt quyết định sử dụng công nghệ phù hợp với nhu cầu và thói quen làm việc của mình. Ví dụ, tôi dùng OneDrive, Google Drive, và iCloud để backup dữ liệu thay vì USB hay ổ cứng di động; dùng Mendeley để đọc và sắp xếp tài liệu PDF; dùng Stata với syntax thay vì SPSS để làm phân tích định lượng; dùng Dedoose thay vì NVivo, Atlas.ti, hay MAXQDA cho phân tích định tính… Tuỳ vào mục đích làm việc của mình, bạn có thể sẽ có những cách sắp xếp tài liệu máy tính phù hợp hơn — những gì tôi chia sẻ ở đây ở chỉ ở mức độ tham khảo.
II. Điện thoại
1. Nhóm các ứng dụng điện thoại trên một màn hình duy nhất
Gần đây tôi mới phát hiện ra là rất nhiều người không nhóm các ứng dụng điện thoại mà để tất cả ra ngoài màn hình chính, có khi còn lan sang vài màn hình khác, phải chuyển liên tục mới tới được. Cũng như màn hình máy tính, cách sắp xếp các ứng dụng tràn lan như thế này rất khó nhìn, mất thời gian tìm kiếm, và thực sự không đẹp mắt. Nếu màn hình điện thoại của bạn đang ở tình trạng này, tôi khuyên bạn nên nhóm các ứng dụng điện thoại vào nhau theo mục đích sử dụng, chỉ để ra bên ngoài những ứng dụng cần sử dụng nhiều nhất, và cố gắng thu gọn tất cả trên một màn hình duy nhất.
Nếu dùng iPhone, bạn có thể nhóm các ứng dụng bằng cách chạm và giữ một ứng dụng, rồi thả và đặt lên một ứng dụng khác, một folder sẽ tự động tạo ra bao gồm hai ứng dụng bạn vừa nhóm. Dưới đây là hình ảnh màn hình điện thoại lấy từ Internet (bên trái) và màn hình điện thoại của tôi (bên phải) — bạn đọc có thể thấy sự khác biệt rõ ràng giữa việc nhóm và không nhóm các ứng dụng.
2. Tắt các thông báo (notifications) không cần thiết
Khi mới dùng điện thoại thông minh, tôi cứ theo chế độ sẵn có của điện thoại mà để thông báo (notifications) cho hầu như tất cả mọi ứng dụng mình có. Vậy là bất kể ngày đêm, cứ có một động tĩnh gì từ các ứng dụng (như cập nhật app, quảng cáo, like trên Facebook, tin nhắn Zalo, theo dõi mới trên Instagram…) là điện thoại lại reng reng, kèm theo một pop-up thông báo trên màn hình chính. Khỏi phải nói những thông báo này phiền phức đến như thế nào, nó thôi thúc người dùng liên tục kiểm tra điện thoại, đăng nhập vào ứng dụng, và xao nhãng hẳn đi với việc mình đang làm dở. Thêm nữa, đối với những thông báo chưa kiểm tra, trên đầu mỗi ứng dụng lại xuất hiện dấu đỏ nhắc nhở (xem hình trên, phía bên trái), dẫn đến việc mỗi lần mở điện thoại ra là lại thấy ngợp bởi hàng loạt những tin nhắn chưa đọc, những cập nhật chưa kiểm tra… rất stress.
Để tránh khỏi tình trạng này, tôi tắt chế độ thông báo của tất cả các ứng dụng không cần thiết. Bằng cách này, tôi giành lại kiềm quyển soát của mình đối với ứng dụng điện thoại. Tôi chỉ nhận và đọc thông báo khi chủ động đăng nhập vào ứng dụng tôi cần và vào thời điểm tôi muốn. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao độ tập trung và năng suất làm việc. Nếu bạn cảm thấy mình đang nhận thông báo từ điện thoại hơn mình cần, hãy thử phương pháp này bằng cách tắt thông báo từ ứng dụng mạng xã hội ít nhất một tuần – tôi tin bạn sẽ nhận ra sự khác biệt thú vị. Nếu dùng iPhone, bạn có thể chỉnh chế độ này trong Setting –> Notifications.
3. Đặt điện thoại ở chế độ “Không làm phiền” (do not disturb) khi làm việc
Điều này có thể không dành cho tất cả mọi người nhưng có tác dụng tuyệt vời đối với tôi nên tôi sẽ vẫn chia sẻ ở đây. Vì công việc của tôi cần độ tập trung cao và yêu cầu họp nhóm nhiều, từ lâu tôi hầu như để điện thoại ở chế độ rung (không để chuông). Nhưng càng về sau, tôi càng cảm thấy tiếng rung rất khó chịu, đặc biệt khi đặt trên mặt bàn gỗ vì nó kêu to không khác gì để chuông điện thoại đơn âm, và đôi lúc ngay cả khi điện thoại không rung tôi cũng cảm giác như nó đang rung.
Vì vậy, khoảng 2 năm gần đây tôi để điện thoại ở chế độ “Không làm phiền” (Do not disturb) trong giờ làm việc – đây là chế độ im lặng hoàn toàn, không cả chuông lẫn rung. Việc làm này giữ cho đầu óc của tôi tập trung 100% cho công việc, để lại tin nhắn, cuộc gọi, thông báo lại sau. Vì làm việc theo phương pháp pomodoro, tôi thường có 5-10 phút nghỉ giữa 50 phút làm việc, và vì vâỵ, cứ 25 phút tôi có thể kiểm tra điện thoại một lần xem có tin nhắn hay cuộc thoại khẩn cấp cần xử lý không. Nhưng hầu như, cả ngày tôi có thể để điện thoại ở chế độ “Không làm phiền” này ít nhất 5-6 tiếng liên tục mà không có ai liên lạc gì quá quan trọng. Tôi cũng thường chủ động thông báo với người thân và bạn bè về thời gian cần tập trung của tôi (thường vào buổi sáng) và gợi ý mọi người liên hệ với tôi vào chiều muộn hoặc tối. Đây cũng là một cách hữu hiệu để hạn chế kiểm tra và sử dụng điện thoại thường xuyên và vô thức dành quá nhiều thời gian vào mạng xã hội. Nếu bạn có điều kiện rời ra khỏi điện thoại nhiều hơn một tiếng trong ngày, tôi rất khuyên bạn nên thử phương pháp này.
III. Internet
1. Sử dụng Google Inbox cho email
Là một người sử dụng Gmail trung thành, tôi rất “nghi ngờ” khi nghe bạn mình giới thiệu về cái gọi là Google Inbox khoảng 4 năm về trước. Tôi không nghĩ rằng có một ứng dụng email nào có thể tốt hơn Gmail và cũng không muốn tốn thời gian học sử dụng Inbox mới vì Gmail đã quá quen thuộc. Nhưng đến khi thử Inbox rồi, tôi thực sự không muốn quay lại với Gmail nữa. Một số điểm ưu việt của Inbox, theo kinh nghiệm sử dụng của tôi, bao gồm:
- Có toàn bộ các tính năng của Gmail nhưng được thiết kế tối giản hơn, hiện đại hơn, gọn gàng hơn
- Có thêm chế độ Done (hoàn thành) để ẩn đi các email không cần xử lý nữa (đây chỉ là chế độ ẩn, người dùng vẫn có thể tìm lại email cũ). Một khi tất cả các email đều đã được xử lý, màn hình Inbox sẽ hoàn toàn thoáng (với hình mặt trời lên núi rất cute!). Đối với những người thích không gian tối giản như tôi, Inbox là một sự lựa chọn tuyệt vời.
- Có thêm tab “Trip” (Hành trình) bên tay trái để người dùng tìm đến nhanh vé máy bay, xe buýt, đặt khách sạn… rất tiện cho những ai hay đi du lịch.
- Điều tuyệt vời nhất có là mọi người không phải chọn hoặc Inbox hoặc Gmail vì hai ứng dụng này có thể chuyển đổi cho nhau dễ dàng mà không mất đi bất kỳ dữ liệu nào. Cũng như Gmail, Inbox hoàn toàn miễn phí.
Bạn đọc có thể xem so sánh giữa Gmail và Google Inbox ở đây để tham khảo thêm.
Ngoài ra, nếu bạn chưa biết, hầu hết tất cả các địa chỉ email đều có thể thêm vào cùng một tài khoản Gmail/Google Inbox. Nếu bạn có nhiều tài khoản email (cho cá nhân, công việc, trường lớp), tôi khuyên bạn nên quy tất cả vào cùng một mối để chỉ cần một lần kiểm tra email có thể xử lý được tất cả. Bạn có thể tham khảo cách làm tại đây.
2. Dành thời gian cho Internet/Digital Detox trong ngày
Cũng như việc nghỉ ngơi sau khi làm việc, chúng ta cũng cần ngừng sử dụng Internet và các thiết bị điện tử một thời gian trong ngày để vận động cơ thể, giải phóng đầu óc, và thư giãn mắt. Nhiều người gọi đây là Internet/Digital Detox – một khoảng thời gian chủ động ngừng sử dụng mạng xã hội, điện thoại, email, … để bước ra khỏi đời sống “ảo”. Có những người chọn detox trong thời gian dài như vài ngày, vài tuần, hay thậm chí vài tháng, nhưng cá nhân tôi chọn cách tạo ra những quãng thời gian detox nhỏ nhưng liên tục trong mỗi ngày. Có nhiều lý do cho việc này, nhưng chủ yếu tôi cảm thấy thời gian detox quá dài không phù hợp với thực tế công việc của tôi, bản thân tôi vẫn quản lý được thời gian sử dụng công nghệ của mình ở mức độ cho phép, và tính cách tôi vốn ưa những thay đổi nhỏ mà lâu dài hơn là thay đổi đột ngột. Nhưng nếu bạn cảm thấy thời gian sống “ảo” của mình vượt quá mức kiểm soát và bạn muốn trải nghiệm cuộc sống hoàn toàn không có công nghệ, bạn hoàn toàn có thể detox một thời gian dài từ 1-2 ngày trở lên để thấy rõ sự khác biệt.
Đối với tôi, có hai thời điểm trong ngày hoàn toàn không dụng đến Internet: buổi sáng 1-2 tiếng sau khi ngủ dậy và buổi tối 1-2 tiếng trước khi đi ngủ. Là một người hướng nội, tôi thích buổi sáng yên tĩnh, viết journal, thiền, đọc sách, ăn sáng, và ăn sáng trước khi đi làm. Vào buổi tối, sau khi đã hết giờ làm và ăn xong bữa tối, tôi thích uống trà, đọc sách, chơi với mèo, thi thoảng nghe nhạc, vẽ tranh… Còn chồng tôi, vì là người hướng ngoại, anh ấy chọn hình thức detox là nói chuyện với bạn thân qua điện thoại, chạy bộ, nấu ăn… Tuỳ theo cá tính và phong cách sống, bạn có thể chọn hình thức detox riêng cho mình. Theo tôi, Internet/Digital detox không cần quá phức tạp, chỉ cần bạn chọn được cho mình một không gian và thời gian yên tĩnh để làm những gì mình thích là sẽ ổn.
—
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích cho bạn đọc để tối giản và tối ưu hoá không gian số, tăng hiệu suất làm việc của mình Nếu bạn có phương pháp/thủ thuật khác nào với máy tính, điện thoại, Internet, hay digital detox, chia sẻ với tôi và các bạn khác ở phần comment nhé!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Yến Nhi says
Cảm ơn chị, rất hữu ích ạ ^^. Bản thân em khi chuyển qua dùng Inbox cũng không thể quay lại Gmail nữa vì Inbox rất tiện, chức năng nhóm các thư theo chủ đề hay ghim lại giúp mình tiết kiệm thời gian đọc mail rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Chị cũng thích chức năng ghim email của Inbox, thích nhất là Inbox app trên điện thoại không hiện và gửi thông báo khi có email quảng cáo hay updates linh tinh – đỡ stress cho người dùng
Trang says
Cảm ơn bài viết của chị rất nhiều. Là một người mới biết đến blog của chị, em rất thích cách viết, cách chọn ảnh, bố cục bài của chị. Khi đọc mình cũng thấy bình yên ý ^^ Dù chỉ mới biết đến chủ nghĩa tối giản qua blog của chị, em cũng thấy mình đã học tập phong cách này rất lâu, đặc biệt về không gian số như bài chị mới chia sẻ: máy tính luôn được sắp xếp và làm sạch màn hình, lưu tài liệu trên gg drive, tối giản ứng dụng trên điện thoại,… Và mặc dù có tài khoản dropbox nhưng em chưa thực sự tìm hiểu cách dùng, qua bài này em sẽ thử tìm hiểu về nó và GG Inbox, chắc là sẽ rất có ích ^^. Một lần nữa, cảm ơn chị và các bài viết đáng yêu của chị rất nhiều.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã có lời động viên về phần hình ảnh của blog :D. Chị hay up ảnh lên Instagram của blog, nếu em có Instagram account, em có thể follow để cập nhật mấy tấm thường ngày chị chụp nữa nhé. Chị cũng thích google drive nhưng hiện chị chỉ dùng khi làm việc với người khác, phải sửa cùng một tài liệu trên mạng, hoặc làm survey cho số đông. Về lưu trữ, chị nghĩ Dropbox có nhỉnh hơn một chút, em cứ tham khảo nhé 🙂
Hiếu says
Em cảm ơn chị, bài viết này chắc chắn ít nhiều sẽ giúp em và mọi người thay đổi theo hướng tích cực bổ ích.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em. Chúc em có những thay đổi tích cực trong tương lai gần 🙂
Trọng Hào says
Cám ơn chị Chi đã chia sẻ những kiến thức rất hữu ích. Hy vọng chị tiếp tục cho ra những bài viết chất hơn nữa.
Chi Nguyễn says
Cám ơn em nhiều
Que Vu says
Hóng bài này từ lâu lắm rồi chị Chị ơi, vì liên quan đến Chủ Nghĩa Tối Giản, em cũng thắc mắc chưa thấy chị viết về Dữ liệu số :)) Em sẽ nghiên cứu ứng dụng cái Drop Box và Google Inbox ạ :))) Cám ơn chị nhiều <3
Chi Nguyễn says
Cám ơn em! Chị có một list dài các ý tưởng viết bài, với tốc độ up bài 1 tuần/lần thì cũng khó đến được đến cuối list. Nếu em có yêu cầu gì về bài viết về Minimalism cứ gửi lại cho chị nhé
Tran Lien says
Bài viết này của chị Chi giúp em tăng thêm nhiều kiến thức về công nghệ và các ứng dụng cần thiết cho công việc. ^^ Em vừa dọn lại xong destop của mình.
Chi Nguyễn says
Vậy hả? Chị rất vui vì em thấy bài viết có ý nghĩa. Chị hay dọn desktop cuối ngày để ngày mới khởi đầu thông thoáng :D.
Tran Lien says
Em cũng rất lười dọn dẹp các file trên desktop và những file download nữa. Quả nhiên như chị nói, dọn dẹp xong em dễ quản lý lại các thông tin và làm việc thấy đỡ rối hơn. Như vậy, mỗi ngày sau khi xong công việc em sẽ tích cực dọn dẹp lại các file lưu và xóa các file không cần thiết. Em cảm ơn chị. ^^
Kiến lá says
Em cảm ơn bài viết bổ ích của chị. Bữa nay em mới biết đến khái niệm “digital detox” hi hi. Em đang nghĩ việc quản lý không gian số có thể thành 1 phần kiến thức + kỹ năng cần thiết khi bàn về Media Literacy và Media Education (em không biết dịch sao cho sát nghĩa) trong đời sống ngày nay. Em cũng dọn dẹp lại không gian số của mình đây ^^
Chi Nguyễn says
Cám ơn em đã đọc bài viết! Ngày xưa chị cũng hay đi làm training sử dụng công nghệ cho các bạn 😀
Hiền Phạm says
Chi ơi, mình có thể đăng lại link những bài viết hay của bạn được không? Mình không trích dẫn, chỉ đăng link , ví dụ như sau:
“Để tìm hiểu về phong cách tối giản, bạn có thể tham khảo các bài viết của các tác giả sau:
+ Dọn dẹp không gian số của bạn – tác giả Chi Nguyễn https://thepresentwriter.com/minimalism-digital-declutter-don-dep-khong-gian-so-cua-ban/”
Cảm ơn Chi!
Chi Nguyễn says
Dạ hoàn toàn được ạ! Bài viết ra đời là để mọi người chia sẻ, càng đến được tới tay nhiều bạn đọc càng tốt. Chỉ có trích dẫn toàn văn không có ghi rõ nguồn mới có vấn đề thôi ạ.
Hiền Phạm says
Cảm ơn Chi rất nhiều. Những bài viết của Chi rất hay, nhưng quan trọng hơn hết là nó rất chân thành. Mong đọc được đều đặn những bài viết khác của Chi trong thời gian tới nhé!
Hiền Phạm says
À Chi ơi, có 1 trang web rất hay mà không hiểu sao mình bị thôi thúc phải chia sẻ với Chi. Đó là trang http://www.dotchuoinon.com. Và trong đó thì mình thích nhất các bài viết luyện tâm của chú Trần Đình Hoành. Chi thử đọc nhé. Mình tin với những người luôn có tư duy tích cực như Chi sẽ rất thích.
Mến!
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã giới thiệu trang, Chi sẽ xem ngay khi có thời gian.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn rất nhiều! Mình post bài mới mỗi thứ 4 hàng tuần (giờ Việt Nam) và viết những bài nhỏ hơn trên Facebook của blog trong cả tuần 🙂
Zuluxubu says
Cảm ơn bài viết của Chi, rất hay & cô đọng, mình làm côgn việc về marketing, thực sự nhiều lúc cũng muốn nổi khùng lên với cái màn hình laptop & điện thoại dày đặc & tụt mood ghê gớm :))).
Rất thích giọng văn của Chi, rất rõ ràng, rành mạch, focus vào nội dung.
Cũng mới đọc blog của Chi được 2 tháng nay vì mình cũng bắt đầu theo đuổi lối sống Minimalism được mấy tháng nay, nhân tiện vì thấy Chi hay đọc sách, không biết Chi đã đọc cuốn sách “Nghệ Thuật tư duy rành mạch” của Rolf Dobelli chưa ? Nếu Chi chưa đọc thì thử xem sao nhé, cuốn đó cũng rất thú vị, đơn giản, rõ ràng về những lỗi tư duy mà chúng ta thường mắc phải. Enjoy nhé. Tks Chi.
Chi Nguyễn says
Cám ơn bạn đã đọc và comment blog. Mình chưa đọc cuốn “Nghệ thuật tư duy rành mạch” nhưng nghe tên đã thấy thú vị rồi, mình sẽ ghi lại để có dịp đọc ngay
Tran Nguyen says
Chi ơi, không biết nói lời cảm ơn Chi thế nào nữa, thực sự bài viết này đã giúp ích mình rất nhiều…
Mình đã từng cảm thấy rất rối khi bắt đầu làm việc tự do, đặc biệt là với rất nhiều deadline liên tiếp và chồng chéo nhau, đôi khi mình không làm cho đầu óc mình tập trung vào một thứ nhất định để có thể tập trung vào một thứ khác.
Sau khi dọn dẹp lại không gian số, mình cảm thấy tựa như trí óc của mình được dọn dẹp vậy, mình nhìn các deadline theo hướng rõ ràng và chủ động hơn đáng kể.
Cảm ơn Chi nhiều lắm, Chi à.
Trân Nguyễn 🙂
Chi Nguyễn says
Cám ơn Trân đã đọc bài viết! Mình rất vui là bài viết giúp ích được cho bạn. Đọc comment của bạn xong mình cũng có động lực làm nốt việc hôm nay nè 😀
TrangQ says
bài viết hay tuyệt ạ! em cũng đang sử dụng các tip như đề cập một thời gian và thấy đầu óc thông thoáng hơn nhiều.
Em rất thích các bài viết của chị. Mạch lạc, đi vào trọng tâm, đúng chất dân nghiên cứu. Hy vọng chị Chi sẽ duy trì web lâu dài ạ <3
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em nhiều <3
Mad says
Em muốn Digital Detox lắm mà muốn đọc blog của chị mỗi sáng và trước khi đi ngủ thì phải làm sao đây 🙁
Chi Nguyễn says
Xin lỗi (hay cảm ơn? :P) em vì đã yêu thích blog mà chưa digital detox được triệt để. Một phần lý do chị viết sách cũng là để bạn đọc có cái cầm và đọc thay vì nhìn trên máy cả ngày. Chị cũng thích đọc trước khi đi ngủ nhưng cố gắng tắt hết mọi thứ trước giờ ngủ 1-2 tiếng và mở lên sau khi đã làm xong những routine cần thiết (thiền, thể dục, viết lách) buổi sáng.
Nguyễn Văn Hiếu says
Bài viết của chị rất hay ạ, Em cũng rất thích phong cách tối giản mà quả thật là Gmail nhìn rối mắt quá, nhờ chị mà em biết đến Inbox, đúng thứ em cần. Chúc chị sức khỏe và càng ngày càng có nhiều bài viết bổ ích như thế này nữa ạ.
Chi Nguyễn says
Inbox tốt lắm! Nhiều người quen Gmail rồi không muốn chuyển sang loại gì khác nữa vì ngại học lại nhưng Inbox rất dễ dùng, không khác mấy gmail. Chị rất vui vì em dùng được Inbox
Quaivatholochness says
Ngay lập tức em dọn dẹp máy tính, điện thoại, trời ơi một đống lộn xộn làm em stress kinh.
App Flo phải nói là siêu hữu ích với 1đứa não cá vàng khi ko nắm được chu kỳ tự nhiên của mình huhu. E cảm ơn chị Chi nhiều. Em biết đến chị qua Một cuốn sách v ề chủ nghĩa tối giản đó ạ 😉 <3 <3 <3
Em Linh – a present reader
Chi Nguyễn says
Ayyy. Chị cũng thích app Flo vì nó dự tính được chu kỳ của mình chứ ko bắt buộc mình nhập thủ công như các app khác. Ngoài ra phần Insight có nhiều kiến thức rất tốt cho chị em 🙂
Võ Thành Tam says
Chị ơi lúc trước em có dùng thử mục inbox gmail cho nhiều gmail lại với nhau mà giờ em thấy nó hơi bất tiện với mình , em có tìm cách xóa nó đi mà không tìm được . Nếu chị và mọi người có biết thì chỉ giúp em với ạ . Dạ em cảm ơn !
Chi Nguyễn says
Hi em! Hy vọng chị hiểu đúng ý câu hỏi của em. Nếu em đang hỏi về tách gmail thì Em có thể vào gmail.com sau đó vào phần setting để bỏ bớt những địa chỉ mail em không cần nữa. Nhìn chung các vấn đề về setting trong inbox thì vẫn phải quay về gmail gốc để sửa
Ms Nhi says
21/01/2020
Cảm ơn về những chia sẻ bổ ích của chị. Thật tiếc là Inbox đã bị Google khai tử. Không biết hiện giờ chị đã có phương án dùng email nào thay thế chưa nhỉ? Nhi hiện đang dùng Spark, thấy rất thông minh, simple. Chị thử xem sao nhé!
Chi Nguyễn says
Chi đang dùng Outlook (MS 365) vì yêu cầu công việc mình thấy rất thích. Bao giờ có điều kiện C sẽ viết update bài này. Cảm ơn Nhi nhé