Đã một năm rưỡi kể từ ngày bài viết đầu tiên về Chủ nghĩa tối giản (Minimalism) được đăng trên blog và hơn hai năm kể từ ngày tôi quyết định bắt đầu cuộc hành trình của mình để trở thành một minimalist. Cuối tuần vừa rồi, tôi dành ra nguyên một ngày để biên tập lại cuốn sách đầu tay, với cái tên chân phương: “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” (dự kiến ra mắt tháng 1/2018). Đây không biết là lần thứ mấy tôi đọc từ trang đầu đến trang cuối của cuốn sách; nhưng lần nào cũng vậy, mỗi khi gấp sách lại, tôi đều phải ngừng lại một vài giây và nghĩ: “Wow! Thật không thế tin nổi!”. Thật không thể tin nổi Chủ nghĩa tối giản trong hai năm vừa qua đã làm thay đổi cuộc sống của tôi và những người xung quanh nhiều đến thế nào. Có rất nhiều thay đổi rõ ràng ở bên ngoài, nhưng những thay đổi lớn hơn cả lại là ở bên trong— những điều mà phải đến khi viết ra gần 200 trang sách rồi, chính tôi mới có thể nhìn nhận một cách rõ ràng. (Thật khó tin, phải không?)
Nhưng thú vị hơn cả, tôi luôn cảm thấy mình đang tiếp tục thay đổi. Suy nghĩ của tôi về Chủ nghĩa tối giản và cách ứng dụng của phong cách/tư tưởng sống này tiếp tục được nhào nặn theo thời gian và trải nghiệm cuộc sống. Trao đổi thường xuyên với bạn đọc, đặc biệt là những người mới bắt đầu thực hiện lối sống tối giản, cũng làm mới tư tưởng của tôi từng ngày. Mỗi một câu chuyện tôi được nghe, mỗi một câu hỏi tôi được nhận, và mỗi một lần đưa ra lời khuyên cho người khác là một cơ hội để tôi nhìn lại hành trình của mình và lùi lại một vài bước để đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác. Tôi nhận ra rằng vì tối giản hóa cuộc sống là một cuộc hành trình, mỗi người sẽ có điểm xuất phát khác nhau, sẽ rẽ những lối đi khác nhau, và vì thế, sẽ đến được những cái đích khác nhau. Nhưng câu hỏi đặt ra không phải là “Mình đã đến đích hay chưa?” mà nên là “Trong cuộc hành trình này, mình đã học được gì về bản thân và cuộc sống?” — đó, theo tôi, mới là điều đáng để suy ngẫm.
Bài viết này xoay quanh một số suy nghĩ mới của tôi về Chủ nghĩa tối giản (mới ở đây được so với thời điểm tôi viết “Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản?” hay “5 điều Chủ nghĩa tối giản thay đổi cuộc sống của tôi”) và trả lời một số câu hỏi tương đối “hóc búa” về tối giản hóa cuộc sống mà tôi nhận được từ bạn đọc trong một năm rưỡi vừa qua.
- Chỗ đứng
Tôi ở đâu trên tham chiếu tối giản? Tôi nhận được một câu hỏi như thế sau bài viết “5 hạn chế của Chủ nghĩa tối giản”, trong đó tôi lên tiếng phản đối lối tư duy “cực đoan”, ám ảnh về việc bỏ/đếm đồ đạc mình sở hữu, sống dưới cả mức tối thiểu, và thường xuyên đề cao phong cách sống “tân tiến” của mình so với người khác. Đối với tôi, đây là một lối sống có thể tối giản, nhưng không thực sự lành mạnh. Mặc dù tôi sẽ không bao giờ quay lại lối sống tối đa như trước kia, tôi cũng nhận ra mình khó có thể nhảy từ cực này sang cực kia, để trở thành một người tối giản đến cực đoan được. Vậy tôi ở đâu trên tham chiếu tối giản?
Thành thực mà nói, tôi chưa bao giờ là tuýp người “cực đoan”— một phần do tính cách của tôi luôn tìm về sự cân bằng, một phần do tư duy của tôi luôn hoài nghi về những thứ được xem là “tuyệt đối”. (Khuyến cáo: Bạn đang đọc những gì được viết bởi một cô bé lớp 4 làm văn kể chuyện “Cây khế” với lời lẽ bênh vực người anh trai độc ác, năm lớp 5 viết thư phản đối quyết định của cô hiệu trưởng – nên không có gì là “hoàn toàn đúng/sai” trong tư tưởng, kể cả khi còn non nớt, của tôi cả). Tuy nhiên, một năm đầu khi mới bắt đầu thay đổi cuộc sống, tôi thiên nhiều hơn về xu hướng tối giản cực đoan. Tôi bỏ đi đến 80-90% đồ đạc và biến không gian sống của mình thành bốn bức tường trắng trơn, không tranh ảnh, không giấy dán tường, không có bất kỳ thứ gì trang trí (vì đối với tôi khi đó, trang trí không phải là thiết yếu!). Nhưng khoảng một năm trở lại đây, tôi đưa thêm vào cuộc sống của mình một số hơi hướng của lối sống tối đa. Tôi giữ lại nhiều sách giấy hơn, mang thêm nhiều cây xanh vào nhà, và treo thêm một vài khung tranh có ý nghĩa với gia đình. Khi Friday, chú mèo 3 tuổi của tôi qua đời mùa hè vừa rồi; chúng tôi bỏ đi và quyên tặng hầu hết tất cả đồ ăn thừa và đồ dùng hàng ngày của Friday cho trung tâm cứu trợ động vật. Duy chỉ có chiếc giường gỗ đồ chơi bé xíu mà Friday (cố gắng ních vào) nằm hàng ngày là chúng tôi quyết định giữ lại kỷ niệm — một điều mà có lẽ hơn 1 năm trước, mặc dù có thể cảm thấy miễn cưỡng, tôi vẫn sẽ cho đi. Tất cả những điều này tôi làm không phải dựa vào tham chiếu tối giản so với tối đa, mà dựa vào tham chiếu sưu tập (collecting) so với tích trữ (hoarding), và điều hòa những giá trị vật chất và tinh thần trong lối sống của mình. Tôi cố gắng tìm một điểm cân bằng hòa hợp, nơi tôi tìm thấy niềm hạnh phúc riêng cho mình.
Vậy có lẽ, tôi đang đứng ở khoảng giữa, chắc chắn gần hơn với tối giản, nhưng cũng không quá xa tối đa. Chỗ đứng này có thể sẽ tiếp tục thay đổi qua thời gian và trải nghiệm, nhưng dù thay đổi vì lý do gì, mục đích của tôi sẽ luôn là sống thật nhất với bản thân và với những người xung quanh. Tôi hy vọng bạn đọc cũng vậy, dù bạn có đang sống tối giản hay tối đa, cực đoan hay không cực đoan, đừng ngại thay đổi để thích ứng với cái nhìn mới của mình về cuộc sống và về hạnh phúc.
- Mua sắm
Quan điểm về mua sắm của tôi gần như không thay đổi, tôi vẫn tiếp tục đề cao những thứ “cần mua” trên những thứ “muốn mua” và nhấn mạnh vào chất lượng hơn số lượng của từng món đồ. Tuy nhiên, hơn một năm gần đây, tôi hướng đến nhiều hơn nữa những thương hiệu có đạo đức và mang giá trị bền vững đến với cộng đồng (đọc “Những thương hiệu tôi thích nhất”). Mỗi lần về Việt Nam, tôi tìm mua nhiều hơn những sản phẩm được thiết kế bởi nhà mẫu Việt và được ra đời dưới bàn tay của người Việt. Ở Mỹ, tôi cũng tìm mua nhiều hơn những sản phẩm được gia công tại nhà máy tại Việt Nam, có chính sách đối đãi nhân công người Việt hợp lý, và không xả chất độc hại ra môi trường. Everlane là một ví dụ, đây là thương hiệu đặt gia công sản phẩm tại nhà máy ở Việt Nam (trên website, người mua có thể xem nhà máy, quy trình sản xuất, hình ảnh công nhân làm việc…). Everlane mới cho ra đời mẫu quần jeans không những không thải độc ra môi trường mà còn lọc nước sạch để tiết kiệm tài nguyên tối đa, và thường xuyên gây quỹ, đóng góp lợi nhuận để chăm lo cho đời sống công nhân nhà máy tại Việt Nam. Đối với doanh nghiệp, tôi tin rằng đây là hướng kinh doanh cần thiết cho tương lai; đối với người tiêu dùng, chúng ta cũng cần trở nên thông thái hơn để đặt túi tiền vào những thương hiệu thực sự đáng tin tưởng.
“Nhưng mua sắm mà phải suy nghĩ, tính toán nhiều như thế thì có mệt mỏi, phức tạp quá không?” – một bạn đọc từng đặt ra câu hỏi như vậy, giải thích với tôi rằng từ khi sống tối giản, bạn cảm thấy “đau đầu” hơn khi mua sắm, thấy mình “mù trend”, và phải tiết kiệm khá nhiều mới mua được một món đồ có chất lượng (vì giá thành thường cao hơn loại “thời trang ăn liền” – fast-fashion). Tôi hiểu điều này. Không phải ai cũng có thời gian và động lực để nghiên cứu từng nhãn hàng, không dễ gì để kìm hãm một cơn mua sắm bùng lên theo cảm hứng, và cũng không phải lúc nào ta cũng có sẵn tiền để mua một món đồ có giá trị. Nhưng, mặc dù nghe hơi kỳ cục, tôi luôn nghĩ về việc mua sắm có trách nhiệm tương tự như việc bảo vệ môi trường. Ai cũng biết con người phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống, nhưng việc ăn xong vứt rác ngay xuống đường tất nhiên dễ dàng hơn là tìm thùng rác để cho vào đúng nơi quy định. Rồi để có thể tái chế rác thải thì cũng phải có hiểu biết ít nhiều về rác hữu cơ-vô cơ để phân loại cho hợp lý, dẫn đến việc phải để thời gian tìm hiểu rồi mỗi lần đổ rác cần có suy nghĩ hơn (“đau đầu” hơn) một chút. Nhưng nếu ai cũng đặt chữ “tiện” lên trên những giá trị mà về tri thức và đạo đức mà con người cần coi trọng thì rất khó để đưa xã hội tiến lên về phía trước và để bản thân chúng ta sống văn minh hơn. Bởi vậy, nếu qua được giai đoạn học hỏi phức tạp ban đầu này, tôi tin chúng ta sẽ có thể chủ động hơn nhiều trong việc mua sắm.
Vấn đề tiền bạc và theo đuổi những món thời thượng (trendy), theo tôi, có liên quan mật thiết đến nhau. Nếu đang xây dựng tủ quần áo tối giản, bạn sẽ có xu hướng tìm đến nhiều hơn những món đồ cổ điển, bền vững hơn là những món thời thượng; thêm nữa việc phải chi thêm tiền để mua những món có chất lượng sẽ làm giảm cảm giác “sôi sục” phải chạy theo các mẫu mốt mới ra ngay lập tức. Thời gian chờ đợi (để tiết kiệm tiền hoặc để “nghe ngóng” các sản phẩm mới ra đời) cũng sẽ giúp cho ta bình tĩnh nhận định xem món đồ trendy đó có đáng để bỏ tiền ra mua không. Như vậy, khi đã quyết định mua rồi, ta cũng sẵn sàng cả về tiền bạc và tâm thế (nếu bạn lo lắng mình chậm theo mốt mới, hãy tin tôi, trend nào mà đợi một thời gian ngắn là biến mất thì cũng không xứng đáng để hùa theo).
Khi quyết định mua một món đồ nào theo trend, để tiết kiệm thêm nữa về tiền (vì chưa chắc món này có thể dùng tiếp trong các năm tới), tôi thường cố gắng tìm mua đồ cũ, đồ second-hand và thay đổi chúng theo xu hướng mới. Vì xu thế thời trang là xoay vòng, bạn sẽ rất dễ tìm được một món đồ trendy tại chợ đồ cũ (từ nhỏ tôi đã lang thang theo mẹ đến các chợ quần áo second-hand tại mọi ngõ ngách ở Hà Nội nên có thể khẳng định rằng đồ trendy mới hoàn toàn có thể tìm được ở khu đồ cũ 😎 ). Mùa đông năm nay, sản phẩm trendy nhất mà các fashion bloggers diện mà tôi cũng rất thích là áo blazer kẻ. Ban đầu tôi cũng muốn mua chiếc áo khoác này mới nhưng không tìm được chiếc nào có chất lượng cao và hợp với túi tiền nên tôi quyết định lùng tìm ở các cửa hàng second-hand rải rác trên đường đi du lịch. Ngay ở cửa hàng đầu tiên ở Washington, tôi đã tìm được một chiếc áo blazer kẻ có màu sắc và kiểu dáng y hệt chiếc áo đang bán ở Zara, H&M, J.Crew… chỉ khác 2 điều: áo có cầu vai (sau này tôi cắt bỏ đi cho trẻ trung hơn) và giá thành chỉ… $6.99 (khoảng 159 ngàn đồng!). Là một đứa trẻ từng lang thang tại các gian hàng second-hand (và quen thuộc với cái “mùi” rất riêng của chúng), tôi hoàn toàn ủng hộ cách mua sắm này, vừa tiết kiệm về tiền bạc, bảo vệ môi trường, lại thúc đẩy dòng thời trang bền vững.
- Phong cách
Tôi từng chia sẻ rằng một trong những điều tuyệt vời nhất mà Chủ nghĩa tối giản mang lại cho tôi là phong cách. Cho đến bây giờ, tôi vẫn tin vào điều này, mặc dù phong cách của tôi có thay đổi ít nhiều trong hai năm qua. Bản thân tôi không phải là chuyên gia thời trang hay fashionista gì hết nhưng tôi là người thích thời trang, và thích tạo ra phong cách riêng để thể hiện cá tính của mình ra bên ngoài.
Mặc dù phong cách là một điều cần thiết, quan trọng đối với tôi, nó có thể là thừa thãi, không liên quan đối với những minimalists khác. Bởi vậy, mỗi lần viết về thời trang tối giản, tôi thường nhận được hai kiểu phản hồi xoay quanh tối giản và đơn giản. Kiểu phản hồi thứ nhất thường là từ các bạn nam giới, những người cảm thấy bản thân mình vốn đã ít quần ít áo, không có nhu cầu ăn mặc gì đặc biệt cả, kiểu như “A ra thế thì tôi còn tối giản hơn thế này. Tôi chỉ có 1 áo sơ-mi, vài áo phông, 2 cái quần bò, vài bộ đồ ngủ. Chấm hết!” hay “Đàn ông chúng tôi vốn tối giản, các chị em phụ nữ không biết, lại toàn xem trọng hình thức”. Kiểu phản hồi thứ hai là từ cả nam lẫn nữ, nhưng nhiều hơn cả là những bạn nữ không đam mê thời trang hoặc không có nhu cầu định hình phong cách, kiểu như: “Mình cảm thấy mua sắm mà phải nghĩ cái này phải hợp cái kia, mệt quá. Tối giản có vẻ phức tạp quá. Mình thích ăn vận đơn giản thôi!”. Cả hai dòng suy nghĩ này tất nhiên không có gì sai cả, vì nó phù hợp với lối sống và sở thích của từng người. Nếu bạn cảm thấy tự tin với vẻ ngoài đơn giản, có thể thể hiện bản thân mà không cần phong cách riêng, bạn hoàn toàn có thể gắn với phong cách đơn giản hoặc không có phong cách nào cũng được hết.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá về người khác. Phong cách là một điều vô cùng cá nhân, vì vậy, đừng nên lấy bản thân mình ra làm chuẩn mực cho người khác. Trong xã hội ngày nay, dù ở nền văn hóa nào đi chăng nữa, phụ nữ vẫn thường bị đánh giá bởi vẻ ngoài nhiều hơn đàn ông; bởi vậy, phụ nữ quan tâm đến hình thức của mình (và có thể cả người mình thương yêu) nhiều hơn đàn ông là chuyện hết sức bình thường! Là đàn ông, bạn có “đặc quyền” ăn to, nói lớn, ăn vận sơ sài, thậm chí hơi “ở dơ” một chút cũng có thể được cho qua, nhưng điều này khó có thể xảy ra với phụ nữ. Thế nên, trước khi nói về những gì phụ nữ có thể hay không thể làm để tối giản hóa cuộc sống, mong các anh kiểm tra lại đặc quyền của mình trước và thông cảm cho chị em phụ nữ nhiều hơn.
Tương tự như vậy, dù là đàn ông hay phụ nữ, chúng ta đều có cái nhìn về thời trang rất khác nhau và có nhu cầu rất riêng về định hình phong cách. Mỗi lần nghĩ về tối giản và đơn giản, tôi lại nhớ đến một người bạn thân của mẹ tôi. Cô ấy thông minh, hóm hỉnh, thành đạt, và giản dị. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế hoàn toàn cho phép mua sắm đồ thiết kế hàng hiệu, cô ấy luôn xuất hiện vô cùng đơn giản với chỉ áo thụng, quần suông; mỗi lần đi đặt may quần áo, cô ấy thường nói với thợ may: “Em ơi, em cứ may kiểu gì cũng được, cái quần nào cạp chun, ống rộng cho chị thoải mái nhất là được!” Và cô ấy hoàn toàn tự tin về bề ngoài của mình (cô có lẽ là một trong những người phụ nữ tự tin nhất mà tôi từng biết!). Cô ấy có đơn giản không? Tất nhiên rồi! Có tối giản không? Có thể. Nhưng có phong cách (thời trang) không? Có lẽ là không. Và thế cũng không sao cả, tôi tin cô cũng không màng đến việc người ta đánh giá mình phong cách thế nào và cô cũng không yêu thời trang đến thế để quan tâm cái gì đang trendy. Nếu bạn là tuýp người này, tôi chúc mừng bạn, bạn sẽ bớt được một khoản lớn tiền bạc mua sắm! Nếu bạn không phải tuýp người này, tôi cũng chúc mừng bạn, bạn sẽ tìm thấy niềm vui trong việc xây dựng phong cách của mình và (nếu có kiểm soát) mua sắm cũng sẽ thú vị hơn.
- Tài chính
Tôi ít khi viết về điều này (vì có lẽ tương đối hiển nhiên) nhưng cái nhìn của tôi về tiền bạc đã thay đổi rất nhiều từ khi thay đổi lối sống. Ngay năm đầu tiên tối giản hóa cuộc sống, tôi đã nhận ra mình kiểm soát tốt hơn về tiền bạc; tôi không tiêu tiền vô tội vạ và dựa dẫm vào liều “doping” mua sắm mỗi khi cảm thấy chán nản nữa. Tôi chi tiêu hợp lý và có suy nghĩ hơn. Nhưng quan trọng hơn, tôi bắt đầu những kế hoạch tiết kiệm và đầu tư mới.
Tất cả nhen nhóm từ một buổi nói chuyện giữa tôi và mẹ tôi khoảng hơn 1 năm trước. Khi đó, tôi có nói với mẹ là từ ngày tối giản hóa cuộc sống, tôi chi tiêu hợp lý hơn và bắt đầu học quản lý tiền bạc (đọc bài tổng hợp khóa học ngắn về tài chính của tôi), nhưng tôi nghĩ phải khi nào ra trường đi làm có nhiều tiền mới bắt đầu tiết kiệm được. Mẹ tôi nói: “Không, nếu con muốn tiết kiệm thì nên làm ngay từ bây giờ. Sai lầm của mẹ là cứ đợi đến khi có nhiều tiền mới để ra một khoản. Nhưng biết bao giờ mới có đủ tiền, có bao nhiêu cũng sẽ tiêu hết nhanh lắm!” Từ đó, tôi suy nghĩ kỹ hơn về khoản tiền nhỏ mình lĩnh mỗi tháng với vai trò trợ giảng/nghiên cứu sinh và nhận ra nếu tôi để riêng ra chỉ 10-12% mỗi tháng thôi (số tiền có thể hết veo nhờ ăn hàng quán rồi mua quần áo), tôi cũng sẽ được một khoản kha khá. Từ đó, tôi mở thêm một tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng khác và đặt lệnh chuyển khoản tự động, cứ mỗi khi có lương, một phần tiền từ tài khoản lương sẽ được trích ra và chuyển vào tài khoản tiết kiệm. Tôi không kiểm tra tài khoản tiết kiệm này thường xuyên để tránh động vào số tiền để riêng này. (Giống như phương pháp Lisa Nichols làm để tiết kiệm được hơn $60.000 trong 3 năm rưỡi).
Nhưng tiết kiệm thôi cũng chưa đủ. Khoảng nửa năm trở lại đây, tôi đọc thêm nhiều sách về tài chính, nghe podcast và radio shows về tài chính (như “Optimal Finance Daily” hay “The Dave Ramsey Show”), và xem các kênh Youtube về quản lý tiền cho người trẻ (như “The Financial Diet”). Tất cả các kênh này đều chỉ ra rằng (1) Tài sản lớn nhất của người trẻ là thời gian và thời gian là tiền, nếu đầu tư một khoản nhỏ từ khi còn trẻ và đều đặn tháng nào cũng gửi vào một nơi tin cậy (không phải dạng mạo hiểm như bitcoin) thì không phải làm gì mấy, qua nhiều năm cũng sẽ được một khoản lớn; (2) Tiền tiết kiệm cất riêng cũng sẽ mất giá trị qua thời gian vì lạm phát, $1000 để dành được năm nay có thể chỉ đáng giá $500 trong 10-20 năm nữa. Bởi vậy, đầu tư những khoản mình không-sợ-mất là cách tốt nhất để có một tương lai tài chính ổn định.
Hiện tôi vẫn đang học thêm về những khái niệm tài chính, đây vẫn là một mảng mới đối với tôi. Nếu bạn đọc quan tâm, có thể cùng tôi theo dõi nhưng kênh tài chính liệt kê phía triên (đảm bảo không hề nhàm chán như ở trường lớp bình thường!) và tự học thêm các khóa học tài chính cá nhân. Hai apps điện thoại tôi đang dùng là EveryDollar để quản lý chi tiêu và Betterment để đầu tư ban đầu. Đúng như mẹ tôi nói, không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về tài chính của mình, nếu thực sự muốn, hãy bắt đầu ngay hôm nay.
- Tôi là… & Tôi không phải là …
Có một chuyện rất buồn cười mà tôi chưa từng kể, đó là ý định ban đầu của tôi không phải là viết blog The Present Writer mà là làm kênh Youtube (The Present Youtuber?😅). Hồi đó tôi rất chăm xem Youtube và thích cách đặt vấn đề của nhiều bạn làm video về cuộc sống và tối giản (xem thêm danh sách những kênh Youtube tôi thích nhất) – mặc dù thâm tâm tôi biết mình thích viết và thể hiện suy nghĩ rõ ràng hơn khi viết hơn là khi nói. Nhưng tôi vẫn muốn thử xem làm Youtuber có khó không. Tôi cũng tự học cơ bản cách quay phim, cách đặt máy quay, cũng quay một vài video cả trong nhà lẫn ngoài trời (đây là nền tảng để tôi làm một số video ngắn trên trang Facebook của blog sau này). Quay phim thì cũng khá vất vả và “kỳ cục” đối với tôi rồi. Nhưng đến tiết mục dựng phim nữa thì ôi thôi … chào, chào, xin chào tạm biệt Youtube👋. Những videos thời kỳ này giờ chỉ dành chia sẻ trong gia đình và cho tôi những trận cười ra nước mắt thôi, nhưng đó cũng đủ để cho tôi thấm thía sự đầu tư cả về thời gian và công sức các bạn Youtubers bỏ ra để làm một video ngắn chừng 3-5 phút. Viết, tất nhiên cũng là một sự đầu tư không nhỏ chút nào, nhưng viết đến với tôi tự nhiên hơn nhiều việc đứng trước máy quay (và làm hậu kỳ sau khi đóng máy!).
Sau trải nghiệm này, và rất nhiều trải nghiệm “hỏng hóc” nữa, tôi nhận ra mình cũng phải “tối giản” bản thân bằng cách thiết lập ranh giới những gì mình có thể, và không thể làm. Ví dụ, tôi là một người viết để truyền cảm hứng và gửi những thông điệp lớn, nhưng tôi không phải là người viết được những thứ quá cụ thể như cách dọn bếp, cách lau nhà, cách gấp quần áo… mặc dù những kỹ năng này rất quan trọng. Mỗi khi bạn đọc đưa ra yêu cầu như thế này, tôi thường gợi ý đến các kênh Youtube và sách hướng dẫn – những sản phẩm chuyên về nội dung cụ thể để bạn đọc tham khảo; chính tôi cũng phải tìm đến những nguồn này để học thêm chứ không thể tự viết ra chi tiết đến vậy được. Một ví dụ nữa là tôi có thể thích thời trang nhưng tôi không phải là fashion blogger nên mặc dù rất biết ơn những lời khen của bạn đọc về trang phục tôi thường mặc, tôi không thể đáp ứng được những lời đề nghị làm #OOTD hay minh họa quần áo mình mua (kiểu “haul”) được vì đó không phải là những gì tôi thực sự đam mê và cảm thấy mình có thể làm được tốt hơn những bạn fashion bloggers rất giỏi hiện nay.
Ngày trước, khi mới mở tài khoản Instagram, tôi kết nối với rất nhiều bạn trẻ chụp ảnh thời trang vô cùng đẹp và học hỏi được rất nhiều từ các bạn; nhưng cũng vì thế, tôi từng cảm thấy thiếu tự tin khi đưa những tấm hình mình chụp vội chụp vàng bằng điện thoại, không chỉnh sửa gì lên mạng. Sau một thời gian, tôi nhận ra sự thiếu tự tin này rất vô lý. Tôi là người viết thích chụp ảnh, chứ không phải là thợ ảnh chuyên nghiệp hay photography blogger. Bởi vậy, tôi có thể chụp không đẹp nhưng luôn cố gắng đưa lên mỗi tấm ảnh là một thông điệp hoặc một kỷ niệm nào đó có ý nghĩa; tôi sử dụng hình ảnh làm minh họa cho ngôn từ của mình, thay vì lấy ảnh làm trung tâm chính. Bởi thế, ngày nay nếu bạn đọc nhìn thấy những tấm ảnh vụng về của tôi để minh họa trên blog hay trên Instagram/Facebook, hãy biết rằng tôi đã rất vui khi chụp những tấm hình đó, đã dành ra không quá 2 phút để chỉnh sửa ảnh, và không hề có áp lực nào khi đưa ảnh lên mạng cả. Đó là bởi vì hơn 1 năm qua, tôi học được rằng tôi là ai, và tôi không là ai…
***
Tôi hy vọng bài viết này mang lại nhiều thông tin thú vị cho cả bạn đọc mới và bạn đọc đã theo dõi blog từ lâu. Tôi không thể chờ đến ngày cầm trên tay “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” và tin rằng bạn đọc sẽ biết thêm nhiều hơn nữa về tôi và về Chủ nghĩa tối giản qua những trang viết tâm huyết của cuốn sách này.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Ngoc Ha says
Cám ơn bài chia sẻ hữu ích của Chi. Lúc nào đọc bài của Chi cũng cảm thấy tìm được người có cùng tư tưởng và cập nhật thêm được nhiều điều mới bổ ích. : )
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã thường xuyên theo dõi những bài viết của Chi <3
Ân Ân says
Cám ơn chị Chi về những chia sẻ rất thực tế và súc tích. Em biết đến blog và theo dõi những bài viết của chị đã lâu, nhưng vẫn loay hoay mãi không biết làm cách nào mới có thể bắt đầu thực hành phong cách sống Tối giản. Chị Chi có thể cho em xin một lời khuyên được không ạ?
Chi Nguyễn says
Chị có viết một bài về các bước bắt đầu (em có thể tạm xem trong khi chờ cuốn sách viết chi tiết hơn): https://thepresentwriter.com/chu-nghia-toi-gian-minimalism-cho-nguoi-moi-bat-dau-phuong-phap-konmari/. Chúc em nhiều may mắn!
Ân Ân says
Em cám ơn chị! Em cũng rất mong chờ cuốn sách của chị đó ạ 🙂
Chúc chị Chi và gia đình năm mới an vui và nhiều sức khỏe chị nhé!
Tran Phung says
Cảm ơn chị, một bài viết rất hay. Tôi là ai & tôi không là ai… đúng là những gì em cần trong lúc này. Thật may mắn vì được biết đến chị và The Present Writer.
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết và gửi lời động viên. Chị vẫn đang tiếp tục tìm hiểu thêm về Tôi là ai & Tôi không là ai…
Amy says
Cảm ơn bạn Chi vì những bài viết hữu ích và truyền cảm hứng cho mình. Gần một năm với lối sống tối giản, mình cảm thấy rất nhẹ nhõm. Mình không còn bị ám ảnh bởi việc phải mua một món đồ mới, hay mất một vài phút lưỡng lự buổi sáng vì không biết “mặc gì hôm nay” như trước đây. Điều quan trọng hơn cả là tinh thần, cảm xúc được thanh lọc, tươi mới. Mình dành nhiều thời gian quan tâm đến cảm xúc của mình, nhìn nhận mọi thứ khách quan, tích cực; khiêm nhường lắng nghe và trải nghiệm cuộc sống mỗi ngày!
Đón chờ cuốn sách của Chi! Và chúc bạn những ngày cuối năm trọn vẹn ý nghĩa và nhiều niềm vui! Thân mến!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Amy! Hy vọng cuốn sách ra đời sẽ truyền cảm hứng thêm cho bạn!
Trần Thanh Phương says
Cảm ơn chị đã chia sẻ những suy nghĩ rất tích cực của mình ạ.
Em đã theo dõi blog được khoảng thời gian gần 1 năm. Lúc trước em rất thích những bài viết về phương pháp làm việc khoa học và cách viết giản dị chân thành của chị, đặc biệt là blog rất tối giản khiến em cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái mỗi khi đọc, nhưng dạo gần đây em cảm thấy khá phân tâm mỗi lần đọc bài viết của chị, vì nhiều đường link được trích dẫn và nhiều chỗ được in đậm, khiến bài viết khá nặng nề về mặt hình ảnh ạ.
Có lẽ vì chuyên môn của em là hình ảnh nên điều này gây cho em một chút không thoải mái.
Theo em nghĩ những đường link cần thiết có thể được rút gọn và in nghiêng đặt trong bài viết, còn những đường link phụ ít quan trọng hơn có thể đặt phía cuối bài, những chỗ in đậm cũng nên hạn chế số lượng chữ ạ.
Em mong góp ý của mình hữu ích với chị.
Em chúc chị ngày càng trải nghiệm nhiều điều thú vị hơn trên con đường tối giản hoá cuộc sống 🙂
Chi Nguyễn says
Cảm ơn Hương đã góp ý! Chị sẽ tiết chế đoạn in đậm. Riêng về mấy đường link thì vì template của blog này cứ mỗi khi mình link vào thì sẽ in đậm nên có lẽ tới đây chị sẽ link ít chữ hơn và đặt link phía dưới nhiều hơn như em gợi ý! Cảm ơn em nhiều!
Mia says
Tất cả những giai đoạn chuyển đổi Chi trải qua chị đều đã từng trải qua. Từ tối giản tới việc thay đổi suy nghĩ khi mua sắm, có trách nhiệm hơn với môi trường, tiết kiệm tiền và giờ là đầu tư :). Tất cả những trang Chi đề cập, youtube Chi xem chị cũng đều xem :)). Chị thấy chị giống Chi ghê. Có cái khác là có muốn viết 1 quyển sách về Tối giản cách đây tận 2 năm mà chưa chắp bút nổi 🙂
Chi Nguyễn says
Thế ạ? Biết đâu sau này mình có thể hợp tác viết một cuốn mới ạ 😀
Trang Vo says
Money lover cũng là một phần mềm qli chi tiêu hữu ích đó ạ.
Chi Nguyễn says
Money Lover nghe hấp dẫn quá chị sẽ check ngay 😀
Vũ Minh Hằng says
em cảm ơn bài viết của chị rất nhiều! em rất mong sớm được cầm trên tay cuốn sách của chij^^ e thực sự rất mong chờ nó!
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em. Khi nào sách ra nhất định chị sẽ gửi thông báo trên blog
Hien Nguyen says
Cảm ơn chị Chi vì từng bài viết. Em rất ngưỡng mộ lối viết ngắn gọn tối giản, văn phong nhẹ nhàng của chị và còn chứa đựng năng lượng tích cực. Lúc đầu em thấy cách viết đó có vẻ đơn giản, nhưng theo dõi blog của chị 1 năm em mới thấy mỗi bài viết đều mang phong cách đặc trưng không thể trộn lẫn.
Mỗi lần đọc bài viết của chị cũng khiến em tốn nhiều năng lượng nữa :)) Vì mỗi bài chị Chi viết đều phân tích rất cụ thể, sâu sắc, lật từng khía cạnh của vấn đề. Điều em học được từ blog của chị không chỉ là kiến thức chị chia sẻ mà còn là học cách chị suy xét vấn đề và góc nhìn của chị. Như bài viết này em học được cách thay đổi góc nhìn, không ngừng vận động trong suy nghĩ.
Có một điều em muốn hỏi chị ạ.
Em là người thích nghiên cứu kỹ các sản phẩm trước khi mua. Việc đó giúp em suy xét kỹ hơn mức độ yêu thích một món đồ và cũng khiến em có trách nhiệm hơn với mỗi đồ mình mua. Nhưng em gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin sản phẩm. Trên mạng có biết bao nhiêu loại sản phẩm của các nhãn hàng khác nhau khiến em bị quá tải. Em thường mất rất nhiều thời gian tìm kiếm và cuối cùng lại không đi đến được quyết định nên mua hay không mua đồ gì.
Em đã đọc bài post của chị trên facebook về cách chị tìm kiếm mua đồ trên mạng . Em rất thú vị với cách chị Chi ứng dụng kỹ năng nghiên cứu khoa học vào cuộc sống . Chị Chi có thể viết bài chia sẻ chi tiết để hướng dẫn mọi người được không ạ?
.P/S: Nhờ đọc bình luận của mọi người nên từ giờ em sẽ tạo thói quen mỗi sáng thứ 4 mở trang TPW đọc bài viết mới và nói lời cảm ơn với tác giả :”>
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã động viên! Ngày trước chị cũng viết văn bóng bẩy ghê lắm, có khi còn cố gượng lên cho “hoa lá” hơn :D. Nhưng sau rồi chị bỏ viết văn một thời gian để đi làm nghiên cứu, viết tiếng Anh nhiều rồi phong cách viết tiếng Việt của mình cũng thay đổi. Giờ chị chỉ tâm niệm viết đơn giản nhưng tình cảm, có thông tin thú vị và hữu ích cho mọi người là thành công rồi. Thi thoảng chị cũng viết truyện ngắn và thơ nữa nhưng chưa post lên bao giờ :P. Về câu hỏi của em, chị hay xem review mua đồ trên mạng ở nước ngoài. Ở Việt Nam thì đúng như em nói là có nhiều thông tin quá bị loãng nên nếu mua ở Vn ngoài xem review chị hay đến tận nơi thử đồ, cầm lên, sờ nắn xem thế nào. Chị cũng hay xem blog các bạn có list những thứ thích mua (như các bài chị post trên blog này) để tìm đến những thương hiệu được người dùng tin tưởng. Tới đây chị sẽ cố gắng viết nhiều hơn về chủ đề này.
Thanh Hương says
Em thấy mình hợp với Chi quá. Mới đây thôi em cũng vừa nhận ra bài học “Tôi là … Tôi không phải là …”. Thật vui vì đã tìm ra blog của Chi khi lần đầu tiên tìm hiểu về Lối sống tối giản.
Em sắp đi học rồi, nên rất mong chờ cuốn sách của Chi ra kịp trước khi em đi.
Thanh says
Đọc xong bài viết của Chi thì Thanh tìm thấy chính mình trong đó. Mình cũng không phải là người cực đoan trong lối sống tối giản nói riêng và trong các vấn đề khác nói chung. Mình cũng rất chú trọng tới xuất sứ của quần áo hay đồ dùng mình muốn mua vì lý do môi trường, và quan tâm tới chất lượng hơn số lượng.
Hòa Nguyễn says
Mới tìm thấy và đọc blog của chị. Cám ơn chị Chi nhiều ạ!
Minh Hiền says
Bạn ơi khi nào sách bạn xuất bản ? mình muốn đặt trước mua 1 cuốn thì phải làm sao ?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến cuốn sách. Hiện sách đang trong giai đoạn in (mình đã gửi bản hoàn thiện đến nhà xuất bản). Khi nào có sách mình sẽ thông báo trên blog và các trang mạng xã hội của blog. Cảm ơn bạn nhiều! –Chi
Duy Trần says
Trước khi biết đến Blog của Chi, mình đã tình cờ đọc được Phong cách tối giản khi nghiên cứu sắp xếp đồ đạc, dọn dẹp. Khi đọc các bài viết của Chi lại càng thấy “sự vật lộn”của mình trong đó. Mình là người cũng thích di chuyển và thích dọn phòng. Thực ra nói là thích thì ko đúng hoàn toàn mà do hoàn cảnh: Mình đi ở trọ và tính cẩn thận, sạch sẽ…..Từ trước kia mình đã bị giống bạn “cứ chuẩn bị làm gì” thấy đồ đạc trướng mắt lại đâm đầu vào dọn dẹp….đến khi xong có khi đã “muộn”.
Nay đã đọc xong một số bài viết của Chi nhưng vẫn chưa thể làm được. Vì cứ bắt đầu lôi ra lại thấy cái này cần, cái kia cũng cần. Bởi mình là người khéo léo ….hầu như cái gì mình cũng có thể tận dụng được giống như phong trào tận dụng đồ cũ vậy. Mình bị đấu tranh tư tưởng ghê gớm? Luôn tự hỏi liệu mình có thể theo Phong cách tối giản được không?
Mình đã từng thốt lên khi ở cùng 1 xóm trọ có 1 cậu sinh viên trọ gần phòng mình. Hành trang của cậu ấy chỉ có 1 cái hòm với sách và quần áo. Sang phòng cậu ấy thấy trống trơn mình đã thốt nên “mày đổi phòng cho anh đi” vì sống trong đống đồ đạc tuy tiện nghi nhưng vào mùa hè nhiệt độ nên đến 36-37 độ thì chỉ ước “mọt sự trống trải”.
Mình rất khéo sắp xếp, khéo đến mức mỗi khi chuyển đồ vào nhà mới ko có chỗ di chuyển như bạn nhưng mấy ngày là lại gòn gàng đến mức ko tưởng.
Có lẽ thay đổi tư duy là thứ khó khăn nhất, khi mình cứ đấu tranh tư tưởng rùi lại chép miệng giữ lại hầu như tất cả. Vì thấy thứ gì cũng có giá trị riêng của nó. Mình đã từng bán đi rất nhiều thứ vì mình thấy nó không cần thiết. Nhưng vẫn còn quá nhiều. Mình mới lấy vợ và có 1 đứa con, gần đây đồ đạc đã được mình “cất giấu” lại được cậu nhóc lôi ra và thường xuyên phải dọn dẹp là 1 cực hình.
Mình đang chưa biết phải làm thế nào? Chi cho mình 1 lời khuyên được không?
Chi Nguyễn says
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết và comment. Comment của bạn làm mình nhớ đến Ba của mình. Ba mình cũng rất khéo tay, lèn đồ rất chặt, “giấu đồ” rất giỏi nên có thể bề ngoài không nhiều đồ nhưng bên trong rất nhiều. Ba còn có thói quen hay giữ lại các phần của đồ bỏ đi để khi có dịp sẽ tái sử dụng. Mình nghĩ đây cũng là tâm lý thông thường. Nhưng nếu đồ đạc làm bạn cảm thấy ngột ngạt, mình nghĩ đã đến lúc làm một cuộc cách mạng về tư tưởng. Mình đã viết rất nhiều về chủ đề này trên blog, bạn có thể search Menu—> “Chủ nghĩa tối giản”. Nếu có điều kiện, bạn có thể đọc thêm sách mình mới ra “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” vì trong sách mình nói nhiều và nói kỹ hơn về vấn đề tâm lý, tư duy hơn là hành động bình thường để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Hoàng Oanh says
Rất thích cách nhìn khá nhân văn, công bằng, không thiên vị, không áp đặt của bạn. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ và đa chiều, mặt dù mình luôn chọn và luôn hướng đến một phong cách, một cá tính riêng cho mình, nhưng không vì thế mà chê bai, kỳ thị dè bỉu các lối sống, các phong cách khác. Rất khâm phục bạn, một tác giả còn trẻ mà có các nhìn sâu sắc, tinh tế về thế giới và nhân sinh.
Mình mới biết về trang của bạn rất gần đây thôi nhân một lần tìm từ khóa liên quan đến edit video, ấy vậy mà tìm ra được một trang blog và youtube quá sức thú vị, và đằng sau đó luôn luôn hiện hữu một con người tài ba và rất có tâm huyết.
Cảm ơn bạn rất nhiều vì những chia sẻ tuyệt vời cho cộng đồng. Chúc bạn và gia đình luôn hạnh phúc và ngày càng thành công với sứ mệnh đã chọn.
Thân mến,
Hoàng Oanh