Đôi điều về sách và Chủ nghĩa tối giản
Cách đây khoảng 3 năm, tôi đọc được bài báo về một anh người Nhật trẻ, độc thân, sống theo phong cách tối giản. Anh sống trong một căn hộ nhỏ nhưng vô cùng gọn gàng, thoáng đãng vì toàn bộ đồ đạc đã được giảm thiểu đến mức tối đa (chỉ giữ lại những món đủ dùng để “sinh tồn” như 1 cái bát ăn, 1 đôi đũa, 1 cái chăn …). Nhưng đáng chú ý nhất là quan điểm của anh về sách: “Không giữ lại cuốn sách nào đã đọc, đọc xong cuốn nào là cho đi hoặc bỏ đi luôn cuốn đó.” Nhìn hình ảnh cuốn sách duy nhất còn trên tay anh ấy (với tương lai sắp sửa bị cho đi không nuối tiếc), rồi nhìn lên giá sách chất chồng của mình, tôi hoang mang nghĩ: “Trời ơi, chắc mình không bao giờ trở thành minimalist được rồi! Có mấy cuốn mình yêu quá không thể bỏ được”.
Sau này khi tìm hiểu thêm về Chủ nghĩa tối giản và đào sâu suy nghĩ về triết lý sống này, tôi nhận ra rằng bởi Chủ nghĩa tối giản là một khái niệm trừu tượng, mỗi người sẽ có một cách hiểu và ứng dụng khác nhau vào đời sống hàng ngày của mình. Không ai phải sống giống như ai hết, cũng không có một quy chuẩn nào quyết định thế này là tối giản, thế kia là không tối giản, và cũng không ai có thể trở thành minimalist chỉ qua một đêm – mỗi người phải tìm ra một con đường riêng cho mình. Trên con đường của riêng tôi, tôi quyết định (và chấp nhận) rằng sách là một thứ mà tôi sẽ không bao giờ có thể tối giản tới mức cực đoan được. Với đặc thù công việc của mình, tôi cần phải đọc đi đọc lại rất nhiều tài liệu tham khảo và thường xuyên phải trích dẫn chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy của tác giả vào nghiên cứu, vì vậy, có những cuốn sách quan trọng tôi sẽ vẫn luôn phải giữ lại. Cũng vì lý do công việc và sở thích, chồng tôi sưu tập rất nhiều sách nấu ăn và thường xuyên đọc lại để lấy cảm hứng tạo món ăn mới — những cuốn sách này tôi cũng không có quyền bỏ đi. Bởi vậy, tôi vẫn duy trì một tủ sách mà tôi gọi là semi-minimalist (bán tối giản) bao gồm tất cả những cuốn sách chúng tôi (1) cần nhất, (2) yêu thích nhất, hoặc/và (3) chắc chắn sẽ đọc lại nhiều lần nhất. Đồng thời, tôi cố gắng tối giản hóa số lượng sách giấy mình sở hữu nhiều nhất bằng việc đọc sách điện tử và sách nói, cũng như chọn lựa kỹ hơn khi mua một cuốn sách giấy mới.
Bạn đọc có thể tham khảo những cuốn sách tôi thích nhất tại đây.
Dọn tủ sách cơ bản
Bài viết dưới đây ghi lại quá trình và suy nghĩ của tôi qua việc dọn tủ sách năm nay (ảnh chụp cách đây 2 tuần).
Tổng quan
- Tủ sách của chúng tôi bao gồm: 1 tủ dọc chủ yếu đựng tài liệu học thuật, nghiên cứu của tôi và 1 tủ ngang gồm sách ngoài học thuật của tôi và sách nấu ăn của chồng tôi. Ngăn dưới của mỗi tủ sách là tài liệu, đồ dùng văn phòng phẩm, album ảnh … Trong lần dọn tủ sách lần này, tôi sẽ chỉ dọn những ngăn trên và tập trung vào phần sách của cá nhân tôi.
- Thời gian dọn: 1 tiếng 30 phút
- Hình trước và sau khi dọn tủ sách
- Ra khỏi tủ: 13 kg sách và tài liệu quyên góp cho Goodwill; 25 kg sách và tài liệu bỏ đi vào thùng rác tái chế. Tổng cộng 38 kg (!) – một con số tương đối lớn để tạo ra sự khác biệt nho nhỏ trong hình ảnh trước và sau khi dọn tủ sách.
Các bước cơ bản
1. Nhìn tủ sách một lần toàn diện, dùng cảm quan đánh giá những cuốn sách, tập vở, tài liệu nào hiện đang dư thừa và định hình trước hướng sắp xếp lại đồ đạc sau khi đã dọn xong.
2. Lấy toàn bộ sách, vở, tài liệu trong nhà ra quy tập vào một vị trí duy nhất. Đây là bước hết sức quan trọng! Rất nhiều người chỉ lựa sách bỏ đi khi còn ở trên giá hay chỉ tập trung vào dọn giá sách mà không để ý là mình có nhiều cuốn sách đang để vung vãi ở những nơi khác trong nhà – điều này khiến việc dọn dẹp không thật sự triệt để. Vì vậy, hãy dành thời gian đi quanh nhà thu thập sách, vở, tài liệu, kể cả những cuốn sổ đang dùng trên bàn, những cuốn sách đang đọc dở cũng tập trung để vào một vị trí tại đây.
3. Nhóm toàn bộ sách, vở, tài liệu theo chủng loại. Việc nhóm đầu sách thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào loại sách trong tủ của bạn. Đối với tủ sách của tôi, tôi nhóm sách theo 2 nhóm lớn là sách học thuật (academic) và sách ngoài học thuật (non-academic). Trong nhóm sách học thuật, tôi lại nhóm nhỏ hơn như sách nội dung, sách phương pháp nghiên cứu, tạp chí khoa học… Trong nhóm sách ngoài học thuật, tôi nhóm lại sách giả tưởng (fiction) và sách phi giả tưởng (non-fiction). Tôi cũng nhóm các cuốn sổ cùng mục đích với nhau và các tài liệu cùng loại với nhau. Tủ sách của bạn có thể hoàn toàn khác. Bạn có thể sẽ nhóm sách giả tưởng/ phi giả tưởng, nhóm theo tác giả, nhóm theo đề tài sách… – tùy theo loại sách bạn đang có và theo mục đích sử dụng của riêng mình.
4. Quyết định giữ, quyên góp, hay bỏ đi. Quyết định! Quyết định! Quyết định! Đây là bước khó khăn với nhiều người, đặc biệt là những ai hay có gắn bó về mặt cảm xúc với đồ đạc (ví dụ: sách này người yêu cũ mình tặng nên không nỡ bỏ đi, sách này mình chắc chắn không đọc nữa nhưng em/con/cháu nhỡ sau lại muốn đọc, sách này không hay nhưng mình từng bỏ nhiều tiền ra để mua nó…). Nhưng đối với tôi, đây lại là bước hào hứng nhất trong cả quá trình vì mình có thể đánh giá được cuốn sách nào thực sự có giá trị, nhìn lại những gì mình học được từ cả tủ sách, phát hiện ra những cuốn hay mà mình chưa có dịp đọc kỹ, và chào tạm biệt những cuốn không còn cần đến nữa.
Tôi thường đưa ra quyết định bằng việc hỏi bản thân 3 câu sau:
1) Đây có phải cuốn sách mình cần thiết phải giữ lại?
2) Đây có phải là cuốn sách mình thực sự, thực sự thích
3) Đây có phải là cuốn sách mình (chứ không phải ai khác) nhất định sẽ đọc lại sau này?
Nếu câu trả lời là “Có” cho 1 hoặc cả 3 câu hỏi này, tôi sẽ giữ cuốn sách lại. Nếu câu trả lời là “Không” cho tất cả 3 câu, tôi sẽ quyết định tiếp sẽ quyên góp/cho tặng hay bỏ đi.
5. Sắp xếp lại tủ sách. Sau khi đã có được một chồng sách tối giản rồi, việc còn lại sẽ rất nhẹ nhàng, chỉ cần để lại sách một cách khoa học và trang trí, bày biện cho đẹp mắt. Một thói quen tôi đã làm từ nhiều năm là đánh dấu khu vực cho sách bằng việc dán lên mặt ngoài của tủ sách những mẩu giấy nhỏ, đánh dấu ngăn này/khu vực đựng sách gì. Điều này đảm bảo cho sách dù lấy ra khỏi tủ vẫn có thể quay lại đúng vị trí quy định và các thành viên khác trong gia đình cũng có thể để lại sách đúng chỗ sau khi đọc xong.
Duy trì một tủ sách (bán) tối giản
Cùng với quần áo, sách là một trong thứ khó nhất để duy trì trạng thái tối giản bởi vì dường như chỉ nhãng đi một thời gian ngắn, sách, truyện, tài liệu lại tìm cách quay trở lại, mới có mà cũ cũng có, rải rác ở khắp mọi nơi trong nhà; trong khi đó, chưa chắc tất cả các cuốn đều được đọc và ghi nhớ một cách rõ ràng. Vậy làm sao để sử dụng được tốt nhất những cuốn sách mình sẵn có và duy trì được một tủ sách tối giản nhất có thể? Có một số điểm tôi nghĩ chúng ta nên cùng cân nhắc:
- Sách giấy vs. sách điện tử. Đây có lẽ là vấn đề được tranh cãi nhiều nhất trong thời gian gần đây. Ai cũng biết là đọc sách điện tử (như ebook, Kindle, hay audio book – sách nói) sẽ tiết kiệm được hơn nhiều diện tích trong nhà, thuận tiện hơn cho việc đọc khi du lịch/di chuyển, và đỡ hại môi trường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn trung thành với sách giấy. Sách giấy đọc dễ hơn (đặc biệt với những người không quen đọc trên máy), dễ ghi chú hơn, dễ tập trung đọc hơn, và tạo cảm giác thích thú hơn khi cầm vào một cuốn sách. Ở Việt Nam, sách điện tử có bản quyền chưa được nhiều và phong phú như sách giấy (mặc dù tốt hơn rất nhiều những năm trước đây) và cũng chưa có nhiều bản tích hợp cho Kindle – một sản phẩm đọc sách điện tử mà theo tôi là tạo được cảm giác gần nhất so với đọc sách giấy. Vì vậy, cũng khá khó cho độc giả Việt Nam chuyển hoàn toàn từ sách giấy sang sách điện tử.
Nhưng nếu bạn thích đọc sách và hàng ngày có nhu cầu đọc một lượng tài liệu lớn, sách điện tử thực sự là giải pháp tốt nhất cho tương lai. Bạn vẫn có thể mua và đọc sách giấy nhưng cũng có thể đọc thêm cả sách điện tử, tùy vào từng mục đích và tính chất của sách. Cá nhân tôi thường chọn sách giấy cho tài liệu học thuật, tham khảo, phi giả tưởng (đặc biệt những cuốn về giáo dục, triết học) vì tôi thường phải tập trung cao, ghi chép, viết lên sách để đọc được những cuốn này một cách hiệu quả nhất. Còn sách giả tưởng hoặc phi giả tưởng nhưng dễ đọc hoặc đọc chỉ để giải trí, tôi thường chọn sách điện tử. Sự chọn lựa của bạn có thể sẽ khác, nhưng nếu có thể, hãy thử sử dụng sách điện tử ít nhất một vài lần, bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên vì độ tiện dụng của nó.
Chỉ 3 năm trước thôi, nếu có ai nói tôi sẽ đọc tất cả các bài báo khoa học trên Mendeley (một phần mềm đọc tài liệu PDF trên máy tính mà tôi từng giới thiệu tại đây), tôi chắc chắn sẽ không tin nổi vì tôi luôn phải in ra hàng chồng tài liệu để đọc; cảm giác dù cố gắng đến đâu, tôi cũng không thể đọc được trên máy. Nhưng chỉ qua một vài năm, khi lượng tài liệu đọc quá khủng khiếp đến mức không thể chịu nổi mức độ in ấn được nữa, tôi mới bắt đầu ngồi xuống, ép bản thân học cách làm quen với việc đọc trên máy tính. Đến ngày hôm nay, tôi đọc tài liệu trên máy tính rất hiệu quả, hầu như không có gì thua kém so với đọc trên giấy, và hệ thống được ghi chú tốt hơn nhiều so với đọc trên giấy. Từ kinh nghiệm của mình, tôi có thể dám chắc với các bạn rằng, kỹ năng đọc trên máy tính hoàn toàn có thể thành thạo được qua thời gian và luyện tập thường xuyên, và một khi đã quen đọc trên máy tính, việc quyết định đọc sách giấy hay sách điện tử sẽ không còn quá khó khăn nữa.
2. Giữ lại sách cho…thế hệ sau? Rất nhiều người băn khoăn về vấn đề này khi quyết định bỏ hay giữ một cuốn sách mà mình chắc chắn không đọc lại lần nữa: “Tôi không đọc nữa nhưng em tôi/con tôi/cháu tôi sau này muốn đọc thì sao?”, “Lại còn cả một thế hệ sau nữa, những cuốn sách này có thể là “nhân chứng lịch sử”, nếu bỏ đi giờ sau này còn gì để lại?” … Đây là những câu hỏi tôi rất thường gặp. Ngay chính bố mẹ tôi cũng từng giữ lại rất nhiều quyển sách cũ trong nhà vì nghĩ chúng tôi lớn lên sẽ đọc, hoặc giữ lại để sưu tập. Nhưng đây có đúng thực là lý do chính để ta giữ lại sách dư thừa?
Trước hết, bạn hãy hỏi bản thân: “Mình muốn giữ lại cuốn sách này để vì “tiếc của” – “bỏ thì thương mà vương thì tội” nên muốn để lại cho ai đó cho đỡ phí (lý do cá nhân) hay vì mình thực sự nghĩ cuốn sách sẽ mang lại lợi ích cho người khác và (có thể) người đó đã đồng ý nhận cuốn sách này (lý do vì người khác)?” Nếu câu trả lời là vì cá nhân, bạn nên bỏ đi cuốn sách, không nên nài ép người khác nhận thứ thừa thãi của mình khi họ không cần đến (đọc thêm ý này của tôi tại đây). Còn nếu câu trả lời là vì lợi ích của người khác và người định cho tặng thực sự cần đến nó, hãy giữ lại và gửi đến họ càng sớm càng tốt.
Còn nếu bạn muốn sưu tập lại sách hoặc những món đồ ở hiện tại để truyền đến thế hệ tương lai và nếu điều này làm bạn hạnh phúc, hãy làm điều đó, tại sao không? Nhưng nên nhớ sự khác biệt giữa sưu tập (collect) và tích trữ (hoard). Có nhiều dấu hiệu để nhận biết bạn thuộc dạng nào (ví dụ như tại đây), nhưng về cơ bản người sưu tập là những người mang đồ đạc về một cách chọn lọc, có tính toán tiền bạc cụ thể, có ghi chép cẩn thận đồ đạc ra-vào, sắp xếp bộ sưu tập của mình gọn gàng, đẹp đẽ, và luôn tự hào khi cho người khác xem đồ mình sưu tập. Còn những người tích trữ thì thường mang đồ về vô tội vạ, không có tính toán, hầu như không ghi chép, không biết cách sắp xếp hợp lý, và thường cảm thấy xấu hổ khi người khác thấy đồ đạc lộn xộn của mình. Nắm được sự khác biệt này, bạn sẽ đưa ra được quyết định mình có thực sự đang “sưu tập” đồ cho thế hệ tương lai hay không (và chắc chắn thế hệ tương lai sẽ cảm ơn bạn về sự giác ngộ ngày nay😉)
3. Lưu lại ký ức về sách vĩnh viễn. Một cách tốt nhất để vừa sử dụng được sách tốt nhất và vừa lưu lại được ký ức về cuốn sách là viết về cuốn sách. Bạn có thể bắt đầu bằng những cách đơn giản như chép lại một số câu thú vị trong cuốn sách, tóm tắt những ý chính trong sách, viết về những tình tiết quan trọng nhất của câu chuyện vào máy tính hoặc sổ tay. Sau này, khi đã viết quen, bạn có thể viết review cảm nhận về cuốn sách (tham khảo review sách trên blog tại đây) cho riêng mình hoặc đăng trên mạng xã hội hoặc các trang đọc sách để chia sẻ với người khác. Quá trình viết cũng sẽ khiến bạn vỡ ra những điều thú vị về cuốn sách mà trước đây chưa để tâm nhiều tới. Đây cũng là điều tuyệt vời nhất bạn có thể làm cho bản thân và cho sách.
4. Chọn lựa khi mua một cuốn sách mới. Cũng như việc mua sắm bất kỳ món đồ nào, việc chọn lựa kỹ càng khi mua sách là rất quan trọng. Thời gian của con người là có giới hạn. Chỗ trống trong tủ sách cũng vậy. Vì thế, bạn phải chắc chắn mình sẽ đọc, sẽ trân trọng, và sẽ lưu giữ cuốn sách trong thời gian dài trước khi quyết định mua một cuốn sách. Điều này nhằm đảm bảo mọi cuốn sách trên giá sẽ đều là những cuốn yêu thích của bạn (và của thế hệ sau – nếu bạn muốn giữ lại sách lâu dài). Đối với những người viết sách như tôi, chọn lựa khắt khe của bạn đọc cũng là động lực để cho ra đời những cuốn sách có chất lượng, nhân văn, và ý nghĩa lâu dài.
—
Tôi hy vọng bài viết này hữu ích cho những bạn đọc đang băn khoăn về tủ sách của mình. Tôi yêu sách và yêu tất cả những người yêu sách 😊. Hy vọng một ngày không xa, cuốn sách của tôi (bước ra từ The Present Writer blog) cũng được may mắn xuất hiện trên giá sách của mọi người.
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Nguyen says
Cho em bổ sung 1 điều nữa là nên mượn sách ở thư viện hoặc đến cafe sách để giảm thiểu số sách mua về. Thư viện Đại sứ quán Mĩ cũng có nhiều đầu sách tiếng Anh rất hay 😀
Quỳnh Dương says
Mình thì hay đến Thư viện Khoa học tổng hợp HCM. Sách ở thư viện cập nhật cũng nhanh lắm, nhưng không được đa dạng lắm thôi.
Chi Nguyễn says
Đúng rồi! Cảm ơn em đã bổ sung. Mượn sách của thư viện là cách rất tốt để vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm chỗ, lại vẫn có kiến thức.
Nguyễn Thị Vân Anh says
Em cảm ơn chị Chi nha. Cuối tuần này em với ck em cũng quyết định dọn nhà ạ. hihi
Chi Nguyễn says
Dọn kết quả như thế nào comment chia sẻ lại nhé 😀 hihi
Vân Anh Nguyễn says
dạ vâng ạ. hihi
Form Your Soul says
Em dọn nhà rồi chị Chi ạ. Cũng tương đối gọn gàng chị ơi. Hihi. Cảm giác về nhà gọn gàng thật thích chị ạ. Hihi.
Lin says
em đang cần sắp xếp việc đem những quyển sách nào đi và giữ những quyển sách nào ở lại khi đi du học, bài viết này cũng rất bổ ích với em, cảm ơn chị nhiều :”)
Chi Nguyễn says
Cảm ơn em đã đọc bài viết. Tháng 8 này chị hy vọng có thể viết thêm vài bài về du học, chắc sẽ phù hợp với em.
Xuan Dinh says
Rất bổ ích!! Mình cũng đang thực hành lối sống này nên thường xuyên theo dõi blog của bạn.
Trở về vấn đề sách, bạn có nghĩ các thiết bị đọc ebooks có thể thay thế cho sách truyền thống đối với minimalist ko?
Chi Nguyễn says
Mình nghĩ có thể được, nếu tất cả các cuốn ebooks đều có chất lượng tốt như sách thường và mọi người đều có thể mua thiết bị đọc sách/phần mềm đọc sách/sách điện tử một cách dễ dàng.
Lee says
Nhà chị Chi có dùng máy rửa chén ko chị? Review Minimalism kitchen đi chị.
Chi Nguyễn says
Nhà chị có máy rửa chén – cũng tiện và sạch vì chị rửa 1 lần qua bằng tay trước rồi mới cho vào máy. Chị nghĩ dọn bếp thì video có lẽ tốt hơn nên tương lai chị sẽ quay hoặc giới thiệu video dọn bếp
Anh says
Mình cũng muốn dọn lại tủ sách. Nhà mình dọn chắc cũng hết 1 ngày ko biết xong chưa. Đọc các bài kiểu này lấy tinh thần dọn nhà. Cảm ơn chủ topic
Hiếu Lê says
Cảm ơn Chi. Sau khi đọc bài viết của bạn, mình đã hủy pre-order của một cuốn sách mình đặt trước gần 2 tháng. Mình sẽ dành chỗ trống vốn dành cho nó cho những cuốn sách khác quan trọng với mình hơn. Thay vì đọc sách giấy, mình nghĩ rằng phiên bản kindle sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn cho một tiểu thuyết giả tưởng như thế này. Mình rất mong chờ những bài viết tiếp theo về chủ đề này của Chi.
Tom says
Với tôi thì sách như máu thịt, đôi khi không phải để đọc lại nhưng cảm giác nó đang ở bên cạnh cũng làm mình thấy phấn chấn hơn… Nó là thứ gì đó ko thể nào chia tay được…