Tiếp theo Phần 1 loạt bài viết Minimalism & Baby, dưới đây là 5 gợi ý tiếp theo của tôi để bắt đầu và duy trì lối sống tối giản khi có trẻ nhỏ:
6. Mỗi tối 15 phút dọn dẹp nhanh sau khi con ngủ
Có một sự thật không thể phủ nhận là dù bạn có cố gắng tối giản và gọn gàng tới mức nào, căn nhà vẫn có thể biến thành “bãi chiến trường” sau một ngày hoạt động tưng bừng của con. Nếu bạn có đứa con hiếu động như con trai tôi, chắc hẳn bạn cũng biết rằng một khi bé biết bò là cả thế giới tưởng như…bị lật úp xuống. Thật vậy. Bé lấy món này ra, bỏ món kia vào, rúc vào mọi ngõ ngách trong nhà để giật cái này, kiếm cái kia…, cảm giác như vừa dọn dẹp gọn gàng, quay đi một cái nhìn lại cả căn nhà đã lanh tanh bành. Thật vất vả nhưng cũng rất dễ thương bởi vì “lục lọi” là cách mà các bé tìm hiểu về thế giới bằng đủ mọi giác quan; bố mẹ nên bảo đảm an toàn cho bé bằng cách làm an toàn (baby proof) những chỗ nguy hiểm (như ổ điện, tivi, tủ đứng…) nhưng cũng không nên theo chân bé mọi ngóc ngách để giật lại đồ để chỗ cũ và nói “không, không”—việc này không chỉ phản giáo dục, mà còn làm cho cả bố mẹ lẫn con nhỏ đều khó chịu và mệt mỏi.
Quan điểm của vợ chồng tôi là để cho bé nghịch ngợm vui chơi tự do trong không gian an toàn và chỉ can thiệp khi bé làm gì đó quá mức (ví dụ, giật dây điện, xé sách). Sau đó, cuối ngày, hai vợ chồng dành ra 15 phút để dọn cả nhà. Như đã chia sẻ ở Phần 1 bài viết, vì bé có không gian và hệ thống sắp xếp riêng, mọi thứ đi vào nếp rất nhanh. Thường công việc dọn dẹp chỉ là ném các món đồ chơi trở lại vào giỏ/hộp riêng của nó; quần áo cất lại vào tủ hoặc treo lên để hôm sau mặc, lau bàn ghế, hút bụi… Những việc này không thực sự mất quá nhiều thời gian nhưng rất cần thiết để đảm bảo an toàn (rất nhiều trường hợp bố mẹ dậy chăm con đêm hôm dẫm vào đồ chơi vương dưới sàn nhà ngã đau), vệ sinh (bé chơi tiếp ngày hôm sau trong môi trường sạch sẽ), và thư thái (về tâm hồn cho bố mẹ). Không có gì dễ chịu hơn là sau một ngày làm việc mệt mỏi, về nhà chăm con, chơi với con “tơi bời”, bố mẹ được duỗi chân trên sô-pha, ôm nhau nghỉ ngơi, thư giãn trong một không gian êm ái, thoáng đãng như thời chưa có con.
7. Kêu gọi giúp đỡ! Đừng chỉ làm một mình
Hình ảnh thường thấy ở các gia đình có con nhỏ, đặc biệt gia đình Châu Á, là người mẹ/người vợ lăn lưng ra dọn dẹp, chăm con, nấu ăn, tay năm tay mười đủ mọi thứ việc. Các ông bố thường làm ít hơn rất nhiều, hoặc chỉ làm những việc “vui” như cho con ra ngoài chơi, hoạt động thể thao với con…còn những việc “không vui lắm nhưng phải làm” như dọn dẹp, cho con ăn, tắm cho con, nấu ăn…thì hầu như vẫn là phụ nữ. Ngoài các lý do định kiến xã hội với vai trò người phụ nữ truyền thống trong gia đình, sự vô tâm của cánh đàn ông ra thì có một sự thật là rất nhiều phụ nữ không cho chồng làm gì cả (!) Trông con ư? “Ôi không dám dâu, lão trông vụng lắm” Rửa bát ư? “Lão rửa bẩn lắm, phí bao nhiêu nước” Dọn nhà ư? “Lão để đồ linh tinh lúc mình cần không biết chỗ tìm”… nên thôi cứ làm một mình, dù đã quá mệt mỏi. Điều này không chỉ ứng với các ông chồng, mà còn có thể với cả những người đến giúp các bà mẹ bỉm sữa, như ông bà nội ngoại, họ hàng, thậm chí người giúp việc. Dường như cái gì động đến con mình là mình cảm thấy không yên tâm, ai làm gì cũng không hài lòng (trong khi bản thân tự biết mình cũng không phải khéo léo, hoàn hảo). Tôi biết những điều này, vì bản thân tôi cũng từng như vậy.
Tuy nhiên, tư duy tối giản nhắc tôi nhớ rằng để có thể sống một cách trọn vẹn, mình nhất thiết phải đặt ưu tiên. Khi có con, ưu tiên hàng đầu của tôi là #1: có thời gian ở bên con, #2: khi được ở bên con thì tâm trí 100% hiện tại chỉ xoay quanh con, và #3: nghỉ ngơi để có sức khỏe làm những việc khác hiệu quả nhất, nhanh nhất để có thời gian bên con. Những ưu tiên này không thể thực hiện được cùng lúc nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Nguồn lực giúp đỡ có thể khác nhau với từng người, đối với tôi, chồng tôi là người trợ lực lớn nhất, từ chỗ còn ngại ngần cho chồng chăm con quá nửa ngày, giờ chồng tôi đã là người trông con chính (fulltime dad). Đối với những người khác, đó có thể là ông bà nội ngoại, họ hàng, người giúp việc, vú em, nơi trông giữ trẻ… Bất cứ nơi đâu và bất cứ ai có thể giúp mình trút được ít nhiều gánh nặng, dù chỉ 2-3 tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày cũng là vô cùng quý giá với một người mẹ.
Tôi biết nhiều người mẹ không có điều kiện gần gũi gia đình để người thân giúp đỡ hay không có điều kiện tài chính để gửi con cho người khác giữ. Các mẹ đều thường xuyên mệt mỏi, quá tải, và khó vui vẻ, sống cho hiện tại được hoàn toàn khi ở bên con. Tôi rất xót xa cho những trường hợp như vậy. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người mẹ tôi biết có những nguồn trợ giúp tiềm năng nhưng không muốn nhận; mặc dù rất mệt mỏi nhưng chỉ muốn ôm hết vào mình. Nếu bạn là tuýp “supermom” này, hãy thử cho người khác thêm cơ hội giúp đỡ và cho mình thêm chút nghỉ ngơi, biết đâu bạn sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng, tích cực hơn. Mấy siêu nhân “xịn” như Batman, Superman, Iron man… cũng phải có trợ thủ nữa là siêu nhân “bất đắc dĩ” như các mẹ bỉm sữa, đúng không nhỉ? 🙂
8. Bớt để tâm vào vật chất, thêm thời gian cho con
Trẻ con không cần quá nhiều vật chất. Đó là sự thật. Bạn có thể muốn cái này, cái kia cho con vì thấy người khác cũng có thứ đó cho con họ hay thấy quảng cáo đâu đó nói rằng đó là thứ tuyệt vời nhất tiền có thể mua được cho em bé. Nhưng đa phần đó chỉ là những thứ bạn muốn, không phải thứ bạn cần, càng không phải thứ bé cần. Có khi bé cũng mè nheo muốn có cái này, cái kia cho mình. Nhưng một lần nữa, đa phần đó cũng chỉ là những thứ bé muốn, chưa chắc đã là những thứ bé cần.
Xã hội ngày nay khiến bố mẹ cảm thấy tội lỗi khi không có đủ vật chất cho con. Điều này khiến cho nhiều bố mẹ làm việc ngày đêm, quên ăn quên ngủ, công tác liên miên để kiếm tiền cho con. Nhưng thời gian, chính thời gian mới là thứ mà không đồng tiền nào có thể mua được. Trẻ con, nhất là dưới 3 tuổi, lớn rất nhanh và thay đổi rất nhiều. Ai đã từng làm mẹ đều biết rằng có những món đồ ở một thời điểm nhất định cảm thấy không thể thiếu được đối với con nhưng chỉ một vài tháng, thậm chí vài tuần thôi bé đã không còn đoái hoài đến nữa. Thêm nhiều đồ chơi chỉ làm bé nhanh chóng chán và không học được cách trân trọng những gì mình đang có. Vật chất muốn mua thêm là rất dễ, nhưng thời gian đảo ngược lại để chơi với con, thấy con lần đầu biết đi, nghe con bi bô nói tiếng đầu tiên, nhớ những cử chỉ, thói quen nhỏ của con… là rất khó. Bởi vậy, thay vì các ông bố, bà mẹ bỉm sữa dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày chúi mũi vào điện thoại, máy tính search món đồ mới nhất, xịn nhất cho con, hãy dành thời gian đó để chơi với con, chơi với những món đồ con vốn có. Bớt “ám ảnh” về vật chất và tăng thời gian dành cho con là cách hữu hiệu để không chỉ sống tối giản hơn, tiết kiệm hơn, mà còn có chất lượng, ý nghĩa hơn cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
9. Tương tác với con bằng sự sáng tạo
“Làm gì để “mua vui” (entertain) cho một đứa trẻ?” Tôi từng gõ câu hỏi này bằng tiếng Anh trên Google vì có một giai đoạn tôi ở nhà cả ngày với con mà chẳng biết có thể làm gì hơn để mẹ con cùng vui vẻ, tương tác tốt với nhau ngoài giờ ngủ và giờ ăn ra cả. Khi kết quả Google cho lại hàng triệu kết quả quảng cáo những món đồ chơi cồng kềnh, đắt tiền, tôi chợt nhận ra xã hội (cùng sự dẫn dắt của “chị Google”) đã sa lầy vào thế giới vật chất đến thế nào. Tại sao lại phải có đồ chơi mới tương tác được với con trẻ?
Ngày nhỏ, một trong những kỷ niệm rõ ràng nhất và thú vị nhất của tôi là mỗi khi bà ngoại nặn ruột bánh mỳ thành hình những con giống bé tí xíu ra cho anh em tôi chơi. Cả thế giới động vật thu gọn lại chỉ bằng mấy mẩu bánh mỳ cũ như thế. Ông ngoại tôi thì không khéo tay được như bà, mỗi lần ông đến trông cháu chỉ mang theo một chồng báo để đọc và “bình luận” với tác giả bằng cách viết vào bên lề tờ báo (kiểu như viết “comment” thời bây giờ). Ông ít nói và có lẽ chỉ “tương tác” với các cháu qua việc đọc báo. Hồi chưa biết đọc, tôi hay lăn lê dưới đất gấp những trang báo cũ thành hình máy bay, tàu thủy, mũ ca nô; Đến khi biết đọc, tôi “giải trí” bằng cách đọc các “comment” ông viết bên lề, đôi khi còn “reply” thêm vào lời của ông một cách hài hước. Đó là những hạt mầm đầu tiên gieo vào tôi niềm yêu thích đọc, viết, và thể thiện suy nghĩ qua con chữ. Khi có con, tôi cũng muốn con mình được lớn lên trong môi trường như vậy, giản đơn, ít vật chất, và nhiều khoảng trống cho sự sáng tạo.
Vợ chồng tôi thống nhất vẫn mua cho con đồ chơi, nhưng hết sức chọn lựa, tập trung vào những món có tính giáo dục, có thể chơi theo nhiều cách, nhiều kiểu sáng tạo (theo phương pháp “Montessori“). Những món đồ chơi phổ thông hơn, con có thể chơi ở thư viện, nhà trẻ, trung tâm vui chơi trẻ con — vừa đỡ tốn kém tiền bạc, không gian cho bố mẹ, vừa tạo cơ hội cho bé giao tiếp. Ngoài ra, những ngày cuối tuần có điều kiện, chúng tôi hay cho bé ra ngoài chơi—vườn hoa, công viên, hồ nước, thư viện…—những nơi không hề mất đồng tiền nào nhưng không hề kém vui và kích thích sự sáng tạo, cho cả bé và bố mẹ.
10. Tìm cho mình nguồn động lực
Thành thật mà nói, tối giản khi có trẻ nhỏ không hề dễ dàng một chút nào bởi vì khi có con, thời gian, ưu tiên, và sức khỏe của bạn không được dồi dào như trước, khiến cho động lực thu dọn nhà cửa, cân nhắc các món đồ cần/muốn mua, sống cho hiện tại… thấp xuống rất nhiều. Khi có con, sẽ có lúc bạn cảm thấy thực sực chỉ muốn buông xuôi, kiểu “sao cũng được!” vì quá mệt mỏi. Bản thân tôi cũng vậy— nhất là ở trường hợp như gia đình tôi khi vợ chồng thay nhau trông con một mình, không giúp việc, gửi trẻ, không có ông bà giúp đỡ, nhiều khi đi làm về chỉ muốn nằm ngủ (kể cả khi trên giường là một đống quần áo chưa gấp!). Nhưng thực tế chỉ cho tôi thấy rằng đôi khi chỉ cần vượt qua cái mệt mỏi ban đầu, chỉ cần 15 phút làm việc (như lời khuyên #6) là mọi thứ lại đâu vào đấy và có thêm năng lượng làm nhiều hơn. Bởi vậy, theo kinh nghiệm của tôi, điều quan trọng nhất để duy trì lối sống tối giản là phải tìm cho mình một nguồn động lực lớn — nói cách khác là tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao mình muốn sống tối giản khi có con nhỏ?”
Đối với riêng tôi, sự phát triển của con là nguồn động lực lớn nhất.
Tại sao? Tôi thường nhận thấy người lớn rất hay lấy trẻ con ra làm lý do biện hộ cho những việc họ làm hoặc chưa làm được (ví dụ, “không thể gọn gàng được vì nhà có con nhỏ”, “cái này không bỏ được đâu vì nhỡ đâu con mình cần hay sau này em nó cần”). Nhưng tôi tự hỏi, tại sao ta không nghĩ rằng trẻ con cũng có thể trở thành động lực để ta hạ quyết tâm làm những việc mình luôn muốn làm để cải thiện cuộc sống? Tôi tin nếu có thể hiểu và cho được nói, các em bé sẽ nói rằng: “Mẹ ơi bố ơi, cho con xin một không gian thoáng đãng để con hít thở, trườn bò, khám phá cuộc sống”. Bản thân tôi lớn lên trong một căn nhà nhỏ, có rất nhiều đồ đạc tích trữ, dư thừa, bởi vậy, tôi hiểu cảm giác ngột ngạt khi về nhà sau giờ học, khi “dọn dẹp” chỉ là tìm chỗ nhét cái này, giấu cái kia cho khuất mắt, khi ngại ngùng mỗi lúc có khách đến nhà chơi là như thế nào. Cũng bởi thế, tôi muốn con mình được lớn lên dưới một môi trường khác, ít vật chất hơn, ngăn nắp hơn, trong lành hơn — đây cũng là động lực lớn nhất của tôi ở thời điểm này để duy trì lối sống tối giản.
Bạn cũng có thể có những động lực khác. Ví dụ như một người bạn của tôi quyết định bắt đầu tối giản khi có con nhỏ vì muốn tiết kiệm tiền để cho con đi học sau này, thay vì dùng tiền vào những thứ nhỏ nhặt, ít giá trị hơn như đồ chơi, quần áo cho con. Một người bạn khác của tôi lại duy trì sống tối giản vì theo bạn ấy, nó giúp bạn “bớt lên cơn điên” khi thường phải ở nhà một mình chăm hai con nhỏ dưới 3 tuổi trong một căn hộ diện tích rất hẹp.
Động lực/Lý do nào cũng chính đáng cả. Nhưng để có thể hợp lý cho hoàn cảnh riêng từng gia đình, bạn cần tìm ra câu trả lời riêng cho mình, và cố gắng nương vào nguồn độc lực ấy để tiếp tục cuộc hành trình tối giản của mình. Hãy ngừng lại 5 giây để suy nghĩ: Nguồn động lực của bạn là từ đâu?
Be Present,
Chi Nguyễn
Đọc Phần 1: https://thepresentwriter.com/minimalism-baby-toi-gian-khi-co-tre-nho-phan-1/
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog
Hi Chi, mình cũng có con nhỏ như Chi, và mình hiểu giá trị của những khoảng không trong nhà như thế nào. Mình cũng cố gắng bỏ rất nhiều đồ rồi, sau khi được truyền cảm hứng từ blog của Chi và một số minimalist khác. Mặc dù hiện tại thì mình vẫn chưa tối ưu được, nhưng mỗi lần đọc blog của Chi, mình có thêm động lực để thực hiện việc tối giản này hơn mỗi ngày ;). Cũng nhờ Chi inspire mà dạo này mình cũng viết blog chăm chỉ hơn trước nữa. Cám ơn Chi nhé! Chúc Chi mỗi ngày là một ngày vui ^^.
Cảm ơn chị Chi nhiều lắm! bài viết nào của chị cũng hay và vô cùng chất lượng, là động lực cho rất nhiều bà mẹ bỉm sữa như em. Hy vọng chị luôn giữ được năng lượng và tiếp tục chia sẻ những bài viết ý nghĩa như này. Chúc chị, bé Jayden cùng cả nhà năm mới thật mạnh khỏe và nhiều niềm vui <3
Mình cũng rất thích phong cách tối giản này, nhà cửa cảm giác thoáng đãng, trẻ nhỏ đi lại thì không sợ va vấp, chưa kể không phải nghĩ ngợi nhiều đến việc dọn phòng. Mình chia các khu vực để đồ logic cho dễ tìm.: khu đồ ăn, chỗ đồ chơi cho bé, chỗ để quần áo. Hàng ngày mình sẽ đọc cho bé các câu chuyện, nghe các bản nhạc giao hưởng, mong bé sau này trưởng thành hạnh phúc là được.